Wednesday, June 13, 2012

KÝ Ý CƠ

 

CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ


                                                                                                    Bài viết của Ý Cơ
         (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)

(viết cho ngày 19 tháng 6)


Đã có quá nhiều những áng văn, thơ, nhạc ca ngợi những chiến công, những hy sinh, trong trách nhiệm Bảo-Quốc An-Dân của người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Cũng không thiếu những áng thơ, văn, nhất là những ca khúc, nói lên tình cảm đầy ân nghĩa của người hậu phương đối với người Quân Nhân ngoài tiền tuyến, những áng văn chương ấy, cùng với hình ảnh người Quân Nhân QL/VNCH cũng sẽ bất tử trong lòng người dân Miền Nam, đã một thời được hưởng những Tự Do, những Hạnh Phúc thực sự, được đem lại từ chính những hy sinh cao quý này.
Rồi cũng có rất nhiều những tác phẩm văn chương, những ca khúc nói lên nỗi mong chờ ngày đêm của người Mẹ già, của người Chinh Phụ, của Người Tình hướng về người Chiến Sĩ đang ngày đêm đối diện tử thần ngoài tiền tuyến.
Nhưng có lẽ, còn quá ít những áng văn hay ca khúc, nói lên sự thiệt thòi, nếu không muốn nói là bất hạnh, của những đứa con thơ dại trong gia đình mà người Cha là Chiến Sĩ QL/VNCH để lại nơi hậu phương, trong những trại gia binh hay trong những huyện lỵ nhỏ gần nơi người Chiến Sĩ đồn trú. Mà nơi đó, những phương tiện sinh hoạt hầu như rất khiêm nhường cho cuộc sống cần có của trẻ thơ .
 Những nhu cầu vật chất thiếu thốn ấy rồi cũng qua đi theo ngày tháng, nhưng những thiệt thòi, mất mát trong đời sống tình cảm, chắc chắn không bao giờ phai nhạt trong ký ức những người con có Cha, nhưng phải sống những tháng ngày như côi cút !!!
Trong đám trẻ thơ ấy, có tôi, là những đứa trẻ có Cha … Nhưng ….
Hai mươi năm Cha tôi trong quân ngũ.
Cũng có được những năm tháng theo chân Ông qua nhiều vùng đất nước, qua nhiều trại gia binh, tôi cũng dần dần làm quen  với những chiếc giường gỗ, những chiếc bàn học đóng tạm từ những mảnh gỗ thùng đạn, hay từ những thùng quân trang, quân dụng khác ….
Tất cả chỉ có thế, những đồ dùng cho gia đình người lính chiến nơi trại gia binh chỉ có thế !!!
Nó đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa.
Cho dù những tiện nghi vật chất có thiếu thốn như thế, nhưng vẫn là những ngày hạnh phúc của đời tôi, vì tôi, vẫn hằng ngày được gặp người Cha thân yêu của mình, vẫn được ngồi học trong lòng Ông, vẫn được Ông chỉ dậy làm toán cộng trừ, hay tập viết những bài luận văn ngắn ….
Thời gian hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu !!!
Đã đến tuổi vào trung học, cần nơi ở cố định để việc học không gián đoạn khi phải theo chân Ông, hết từ đơn vị này, đến nơi đóng quân khác.
Tôi trở về Saigon cùng Anh Chị …
Các em tôi cùng Bà Kế Mẫu theo Ông về Quân Trường Dục Mỹ.
Tôi mất Mẹ khi mới lên hai, có ba Anh Em, tôi là Út.
Hết Tang Mẹ tôi, vì thương đàn con còn nhỏ, Cha tôi, Ông quyết định tục huyền với một thiếu nữ khác, nay là Kế Mẫu của tôi. Không biết là tôi may mắn hay được Mẹ tôi phò trợ, để tôi có được bà Kế Mẫu tốt bụng như thế, Bà đã chăm sóc con riêng của chồng như con ruột của Bà ngay khi Bà còn là một thiếu nữ.
Năm ấy, Cha tôi chưa cho chúng tôi có thêm đứa em nào sau khi tục huyền, Ông đã vội lên đường nhập học Trường Võ Bị Liên Quân Đalat, năm 1953.
Nay trở về sống ở Saigon, nghĩa là phải sống xa Cha tôi … Nghĩa là lại trở về như những ngày đầu chập chững đến trường không có Cha bên cạnh, không  được Cha tìm chọn cho ngôi trường như ý Ông …không được Cha nắm tay dẫn đến trường trong ngày đầu nhập học như những trẻ thơ khác cùng trang lứa, bàn tay nhỏ bé của tôi, nằm gọn trong bàn tay người Chú Út trong ngày đầu tiên đến trường khi còn ở miền Bắc !!!
Trên đường, một mình trở về Saigon sống cùng Anh Chị, tôi, một đứa trẻ mất Mẹ từ khi mới hai tuổi, nay lại phải xa Cha lần thứ hai.
Trên đoạn đường từ Nha Trang về Saigon ngày ấy, tôi không cười mà cũng chẳng khóc, thân mình như ngây dại, không cảm giác …
Giờ đây nghĩ lại vẫn cảm thương cho chính mình và những bạn bè cùng trang lứa có Cha là Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Bốn năm sống cùng Anh Chị, học ở Saigon, mỗi năm chúng tôi chỉ được sống bên Ông chừng mươi ngày phép …
Sau khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng là lúc Ông chuyển về Pleiku, nơi đây có trường cho tôi theo học chương trình Đệ Nhị Cấp, Cha tôi muốn được chăm sóc con gái của Ông, và Ông cũng hiểu rằng tôi cần có Ông kề bên, Ông đã về Saigon đón tôi lên nơi đóng quân mới của Ông, Tỉnh lỵ Pleiku.
Pleiku, trong căn nhà gỗ ven Thị Xã, tôi đã thấm thía cái lạnh vùng cao nguyên đất đỏ, đã khổ sở chạy theo chiếc nón lá khi có cơn lốc xoáy, cuốn lên cao… bụi đỏ cả chiếc ái dài trắng đồng phục của trường tôi theo học.
Trong bốn năm sống xa Ông, tôi hằng mong được sống bên Ông như những ngày thơ ấu, nhưng nay đã là một nữ sinh đệ nhị cấp, đã có bạn bè khăng khít bên nhau suốt bốn năm chung một mái trường, mang về Pleiku một khung trời nhớ thương bằng hữu, Pleiku vốn đã buồn, lại buồn hơn … Thôi đành …
Được sống bên Cha thì đành xa các bạn !!!
Những thiệt thòi bất hạnh như thế của người con Lính Chiến tưởng như đã hết ?
Không !!!
Những thiệt thòi,
Những bất hạnh ấy,
Vẫn còn theo mãi trong cuộc sống !!!
Sau này, khi cả gia đình chúng tôi về Saigon chung sống, riêng Cha tôi, khi Dục Mỹ, khi Chu Lai …hết nơi này đến nơi khác … những địa danh quá xa lạ với tôi.
Chị Em tôi được Cha nuôi dưỡng bằng những cánh thư xa nhà, bằng tiền lương hàng tháng Ông gởi qua bưu điện….
Chúng tôi đã khôn lớn, mạnh mẽ, sung sướng hưởng thụ những gì Ông dành cho, mà khi đó, tôi chưa một lần hiểu rằng, đó là những hy sinh lớn lao của Ông, khi Ông đã phải đè nén những cám dỗ, những dục vọng thường tình của cuộc sống để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cho tương lai chúng tôi.
Những lần Ông được về phép chừng mươi, mười lăm ngày, những ngày ấy là những ngày hội, không chỉ riêng cho gia đình chúng tôi, mà cho cả xóm nơi tôi sinh sống, vì cả xóm này chỉ có Ông là một Quân Nhân.
Trong bộ Quân Phục mầu olive, Ông, cao lớn hiện ra nơi đầu ngõ, Cha tôi đấy … Ông vừa từ tiền đồn, nơi Ông đóng quân trở về Thủ Đô Saigon hoa lệ thăm vợ con.
Cha tôi, một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, một người hùng, một thần tượng của tôi … có ai nỡ cười khi tôi nghĩ về Cha mình như thế, con hãnh diện về Cha, hay Cha Mẹ khen con cũng chỉ là những tình cảm thương yêu vốn sẵn có của người đời.
Tiếng chào hỏi, hàn huyên, cùng những tiếng gọi ơi ới của đám trẻ trong xóm …. tin Cha tôi về phép đã tràn vào cửa, trước khi căn nhà thân yêu được đón dấu chân Ông.
Chị Em chúng tôi, chẳng đứa nào kịp mang guốc dép, đã ùa cả ra đầu con hẻm, nơi Cha tôi còn đang bị cầm chân bởi những lời thăm hỏi của bà con lối xóm.
Đứa thì giành mang những vật nặng, các em nhỏ của tôi, đứa cầm tay, đứa kéo áo, đứa ôm chân … Kế Mẫu tôi, nét mặt rạng rỡ đứng trong hiên nhà nhìn theo sự mừng rỡ của đàn con … chắc hẳn, đó cũng là niềm vui Bà đang mong đợi. Câu chuyện thăm hỏi của chòm xóm cũng sớm gián đọan vì thế, để trả lại sự đoàn tụ cho gia đình chúng tôi.
Chỉ những ngày như hôm nay, Cha tôi về phép, là ngày hội của gia đình… Kế Mẫu tôi chăm lo chợ búa, làm những món ăn Ông ưa thích để bù đắp cho những ngày hành quân gian nan, cũng để bõ cho công Bà những ngày tháng nhớ thương Ông … trong chờ đợi âu lo…..
Bữa cơm ngày đầu hội ngộ ấy, hạnh phúc xiết bao, Cha tôi không ăn nhiều, chỉ ngồi nhìn mọi người đang mừng vui khi có Ông về, Ông gắp hết những món ăn ngon cho các con, niềm vui bên vợ con, hạnh phúc trong lòng Ông là những hào quang tỏa sáng cả căn nhà, rạng rỡ khuôn mặt chúng tôi.
Những ngày sau đó, Ông đưa chúng tôi đi xem Ciné, đi sở thú, buổi tối thì ra sông Saigon ăn kem, tất cả những gì chúng tôi mong ước, chỉ đơn sơ như thế, hầu như đều được Cha tôi mang đến cho chúng tôi trong những ngày Ông được về phép.
Những lúc chị em tôi đi học, Ông ở nhà, tự sửa sang lại căn nhà cho được nhiều ánh sáng hơn, được tiện nghi hơn đôi chút. Khi chúng tôi về học, Ông vội ngưng mọi công việc để quây quần cùng chúng tôi.
Những giây phút đó ….. Thật hạnh phúc vô cùng.
Những ai đó may mắn không phải sống xa Cha, xa Mẹ, chắc khó có thể hiểu được niềm hạnh phúc này của những người con Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày hội nào rồi cũng tàn, có hợp thì cũng phải có tan !!!
Những ngày phép của Cha tôi sao qua mau quá, tôi muốn níu lại, tôi muốn đánh đổi tất cả những gì mình có, để chỉ mong xin thêm vài ngày nữa được sống bên Ông ….
Nhưng không được nữa rồi …..
Ngày mai Ông phải lên đường trở về đơn vị.
Ông không bao giờ trễ phép, dù ở vào địa vị của Ông, muốn có thêm vài ngày nữa, tôi nghĩ, cũng không phải là khó.
Nhưng, chưa bao giờ Ông phạm lỗi như thế và chắc chắn tôn chỉ cả đời binh nghiệp của Ông là thượng tôn kỷ luật.
Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ trễ, mong kéo dài thêm những giây phút bên Ông … Nhưng ngày mai Ông phải đi sớm, cần giữ gìn sức khoẻ, nên chúng tôi cũng đành để Ông nghỉ ngơi.
Nằm trên giường, trằn trọc mãi không ngủ, tôi lén nhìn, theo dõi Ông thu xếp hành trang … nước mắt … buồn… lăn trên gò má mà không hay !!!
Tôi biết, Ông không phải ra sân bay từ sớm, nhưng Ông đã chọn giờ đi sớm như thế, để không phải nhìn những giọt nước mắt của các con Ông … Tội cho Ông phải chờ chuyến bay trong nhiều giờ ….
Sáng Ông đi, Tôi dậy từ sớm, nằm trong màn theo dõi bóng dáng Ông qua lại thu xếp hành trang, nghe Ông to nhỏ dặn dò Bà Kế Mẫu. Tôi muốn choàng dậy ôm chặt lấy Ông, nhưng còn chần chừ chưa dám vì như thế sợ cũng làm Ông buồn trong cảnh chia tay hôm nay, nước mắt vẫn lăn dài trên gò má tôi …. Đến khi Ông xách hành trang lên đường, ra tới cửa, nén lòng không được, tôi không tự kìm hãm được mình … tung màn … chạy theo ra hiên ngoài, ôm chặt cổ Ông, hôn lên má Ông … nước mắt tôi nhoè nhoẹt cả khuôn mặt hai Cha Con.
Hôm nay, tôi cảm nhận được Cha tôi đã già hơn nhiều so với lần về phép trước đây !!!
Tháng ngày qua đi, cuộc sống trải dài nhiều năm tháng, có Cha nuôi dưỡng, có Cha để được thương yêu dậy dỗ, có Cha để ngóng trông ….
Khi còn trẻ, tôi nghe các Cụ nói “ Có con mới biết lòng Cha Mẹ ”
Làm sao tôi hiểu thấu đáo câu nói ý nhị này … Mãi đến khi lập gia đình, có con, chăm nom con đến khôn lớn … Tôi đã thấm thía ý nghĩa sâu sa lời các Cụ.
Phụ Mẫu càng trường thọ, ta càng tích lũy được dồi dào ký ức.
Khi Phụ Mẫu quá vãng, gia tài vĩ đại của ký ức vẫn là hạnh phúc khi nhớ về Mẹ, Cha.
Ký ức ấy luôn là phương thuốc nhiệm mầu vực ta dậy trước những vấp ngã, trước những thất bại khổ đau trong cuộc sống …
Ký ức ấy là vốn quý trong cuộc sống lưu vong này.
Ngày Cha tôi qua đời, khi sắp xếp lại ngăn tủ của Ông, nhìn thấy chiếc mền vải dù, Ông đã dùng nhiều năm trong quân ngũ, tôi lặng lẽ xếp gọn chiếc mền vào vali của mình.
Có một ai đã hãnh diện vì được Cha Mẹ để lại cho một gia tài đồ sộ, cả đời ăn tiêu không hết.
Riêng tôi, hôm nay vẫn hãnh diện để khoe rằng, gia tài Ông để lại cho tôi là “ chiếc mền vải dù ” …Tôi đã mang theo làm hành trang sinh sống nơi xứ người.
Mười bẩy năm sau ngày giải ngũ, Ông đã bỏ tôi về một thế giới khác, nơi đó có Mẹ tôi đón chờ !!!
Đã nhiều năm rồi, mỗi khi thấy một người mặc Quân Phục, hình ảnh Cha tôi lại hiện về trong bộ Quân Phục thẳng nếp, chân mang giầy bốt, đầu đội mũ bê rê nâu, đôi mắt sáng nghiêm nghị … nhưng như đang cười với tôi !!!
Trong hàng quân của Quân Lực VNCH, giữa những Tướng Lãnh tài năng và đức độ, giữa những bạn đồng đội Anh Dũng của Cha tôi và ngay cả giữa những Chiến Hữu thuộc cấp của Ông … đối với tôi … Cha tôi luôn là người oai phong nhất, mặc Quân Phục đẹp nhất … là người luôn sống gương mẫu với Tín Niệm TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.
Tôi hãnh diện mà khoe như thế, như khi tôi khoe chiếc mền vải dù là gia tài vô giá mà Cha tôi đã để lại cho tôi.
Tôi cũng hãnh diện để khoe rằng :
“ Tôi là con gái một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ” thuộc binh chủng Biệt Động Quân. Ông là một trong hàng trăm ngàn Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã góp sức, dâng công để bảo vệ TỰ DO cho miền Nam Việt Nam hơn hai mươi năm, trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm !!!
Là con của những Chiến Sĩ Quân Lực VNCH, phải gánh chịu những thiệt thòi, những bất hạnh phải xa Cha hay mất Cha của chúng ta …. SẼ … không còn là những thiệt thòi, những mất mát, những bất hạnh … NẾU … chúng ta hiểu rằng chúng ta đã cùng Cha, Anh chúng ta đóng góp cho những ngày miền Nam được TỰ DO ….
Chúng ta, những người con của Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải được quyền hãnh diện như thế ./.

Ý Cơ.
Một ngày Quân Lực nhớ Cha.
6/2011
 

No comments: