Friday, October 3, 2008

LỤC VÂN TIÊN VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM VÀO ĐỜI

*



Lục Vân Tiên là một truyện nôm, là một tự thuật của Nguyễn Đình Chiểu về cuộc đời gian truân của ông. Ông là một thiếu niên của Gia Định thành, thân phụ người Trung, mẹ người Nam. Ông đã lo học tập, ước mơ một cuộc đời tươi sáng. Ông đã mang hy vọng đó khi ra kinh ứng thí. Nhưng rồi cuộc đời và lịch sử đã mang tai họa đến với ông. Nghe tin mẹ mất, ông phải bỏ thi về thọ tang. Vì khóc quá nên ông mù mắt. Ông mất khá nhiều tiền để chửa binh nhưng tiền mất tật mang. Một năm sau về đến nhà thì gia đình gái từ hôn. Rồi Pháp đến xâm chiếm nước ta, dân chúng chết vì đạn Pháp, nhà cháy vì thưc dân đốt phá. Ông phải bỏ Gia Định mà về Bến Tre. Cuộc đời của ông hòa lệ với dân tộc Việt Nam. Nhất là đòi tư của ông là những trang tiểu thuyết bi thảm. Có lẽ muốn tránh người đời tò mò, hoặc cũng như thói thường các tiểu thuyết gia Việt Nam vay mượn truyện Trung Quốc, ông cũng dùng bảng hiêu Tây Minh để cho bình thường hóa tác phẩm của ông.


Lục Vân Tiên là biểu tượng con người trong cuộc đời. Sinh ra trên cõi đời, một số người hạnh phúc, nhưng một số người lại gặp bất hạnh. Lục Vân Tiên là cuộc đời của những người bất hạnh này. Nhìn chung, cuộc đời con người có thể chia ba giai đoạn:thuở thiếu thời, trung niên và tuổi già. Cuộc đời Lục Vân Tiên cũng vậy. Ta có thể chia ba thời kỳ: vào trường, vào đời và chung cuộc.



I. VÀO TRƯỜNG

Lục Vân Tiên là một chàng thư sinh, theo thầy ở trên núi, nghĩa là một người còn trẻ, đang học tập, chưa ra đời làm việc, hoạt động và sống với đời sống thực:
Theo thầy nấu sử xôi kinh,
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao. (11-12)
Chàng học tập văn lẫn võ để chuẩn bị cho tương lai ra đời giúp nước, cứu dân:
Văn đà khởi phụng đằng giao,
Võ thêm tam lược, lục thao ai bì.(13-14)
Sau một thời gian học tập, người trai phải từ giã thầy và mái trường để dấn thân vào đời.Ngày trọng đại đã đến, Lục Vân Tiên phải từ giã thầy mà xuống núi để nhập trường thi:
Xảy nghe mở hội khoa thi,
Vân Tiên vào tạ tôn sư ra về. ( 15-16 )
Tuổi trẻ nuôi nhiều mộng mơ. Vân Tiên hy vọng sẽ thi đỗ, làm quan, và đem tài ra giúp nước:
Chí lăm bắn nhạn ven mây,
Danh tôi đặng rạng, tiếng thấy đồn xa.
Làm trai trong cõi người ta,
Trước lo báo bổ sau là hiển vang. (21-24)
Sự đời thay đổi, và cuộc đời không có gì bảo đảm. Có thể thành, có thể bại. Tuy là nuôi hy vọng, ai cũng lo sợ đường đời trắc trở. Bậc tiên sư đã nhìn thấy tương lai sóng gió của Lục Vân Tiên:
Nhân cơ tàng sự dặn rằng,
Việc người chẳng khác việc trăng trên trời.
Tuy là soi khắp mọi nơi,
Khi mờ, khi tỏ, khi vơi, khi đầy. (69-72)

Nguyễn Bá Học đã nói đúng tâm trạng và chí khí của những chàng trai vừa lớn lại nuôi mộng cao xa:
Người ta đương lúc thiếu niên, lòng xuân phơi phới như trăng mới lên, như hoa mới nở, sự đời chưa hề từng trải, tư tưởng những sự cao xa.
( Lời khuyên học trò )
Trừ những người vì hoàn cảnh khó khăn không đến trường được, đa số thanh niên khi từ giã mái trường đều nặng lòng thương nhớ:
Ra đi vừa rạng chân trời,
Ngùi ngùi ngó lại nhớ nơi học đường.(77-78)
Mái trường cũ là thiên đường đã mất, là bảo tàng của tuổi thơ, vì vậy, sau này xa quê, ai cũng nhớ mái trường cũ. Những ngày ở mái trường rất đẹp, là giai đoạn bình minh của cuộc đời. Rời xa mái trường, nghĩa là giã từ tuổi thơ, giã từ hạnh phúc để đi vào cuộc đời đầy sóng gió. Mái trường của Lục Vân Tiên ở trên non cao, là nơi thanh tịnh, nơi tu hành, nơi xa trần tục. Rời non cao để vào đời là bắt đầu đi vào phong ba, bão táp. Đây là cuộc đời đi xuống, cuộc đời trần tục.



II. VÀO ĐỜI

Vừa rời khỏi mái trường, con người đa số phải đối đầu với bao thực trạng xã hội xấu xa. Khi vào đời, Lục Vân Tiên đã trải qua nhiều kinh nghiệm, mà trong đó có những kinh nghiệm tốt đẹp, và những kinh nghiệp đắng cay.

1. GIẶC CƯỚP
Xã hội nào cũng có những bọn giặc cướp, chỉ khác nhau ở chỗ công khai hay bí mật, mạnh hay yếu, tàn bạo nhiều hay it. Giặc cướp đây bao gồm tất cả những cá nhận hay nhóm người nào chiếm đoạt tài sản quốc gia, hay tư nhân, vi phạm quyền lợi nhân dân, giết hại và gây đói khổ cho nhân dân. Không phải chỉ có bọn Lương Sơn Bạc mới là ăn cướp. Bao thời đại, có rất nhiều bọn cướp và hình thức ăn cướp. Bọn chúng mặc áo nhà tu, đoàn thể cách mạng, công ty thương nghiệp, hay hội đoàn từ thiện. . .Nhưng phổ biến nhất là bọn vua chúa tàn ác, và quan lại tham ô, chúng là một bọn cướp như nhân dân ta quan niệm rất chính xác:
Con ơi con nhớ lời này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan ( ca dao)
Lục Vân Tiên vừa xuống núi là gặp ngay bọn cướp:
Nhân rày có đảng lâu la,
Tên rằng Đỗ Dự, hiệu rằng Phong Lai.
Nhóm nhau ở chốn sơn đài,
Người người sợ nó có tài khôn đương.
Bây giờ xuống cướp thôn hương
Thấy con gái tốt qua đường bắt đi.
Xóm làng chẳng dám nói chi,
Cám thương hai gã nữ nhi mắc nàn.
Con ai vóc ngọc, mình vàng,
Má đào, mày liễu dung nhan lạnh lùng.
E khi mắc đảng hành hung,
Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu.
Thôi thôi chẳng dám nói lâu,
Chạy đi cho khỏi kẻo âu đến mình (101-114)

Lục Vân Tiên là hạng người theo chánh nghĩa, không thể đứng yên nhìn bọn cướp hoành hành. Chỉ có chàng là một thanh niên mới lớn, tâm hồn còn trong trắng, còn thật lòng theo Phật, theo Khổng, còn nuôi mộng cứu khổn phò nguy, cho nên đã hăng hái đem bầu nhiệt huyết cùng tính mạng một mình tranh đấu chống bọn tham tàn:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, bên đàng chạy vô.
Kêu rằng bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân. (123-126 )

Lục Vân Tiên là biểu tượng của Chân, Thiện Mỹ. Tâm hồn chàng là tâm hồn một thư sinh trong sáng, ngọn lửa chánh nghĩa bùng lên trong tim. Hạng người như chàng nuôi mộng cao xa, rất có đạo đức. Họ không ghen ghét người giỏi, khinh bỉ người hèn, không ăn hối lộ, không trộm cắp của công, không lừa đảo dân chúng, không mưu hại đồng nghiệp, không nghiện bài bạc.. . Nhiều người chỉ trích Lục Vân Tiên khô khan, nhưng đó cũng là một sự thực: trong đời có nhiều người không mê nữ sắc, không tham dâm, không mê tiền tài, danh vọng.



2. TÌNH YÊU
Gặp Kiều Nguyệt Nga là một kinh nghiệm thứ hai của Lục Vân Tiên. Đó là kinh nghiệm về tình yêu. Lục Vân Tiên là một chàng trai mới lớn, chưa hề quen biết một cô gái nào, và cũng chưa hề yêu đương cho nên đối với nữ nhân chàng còn nhiều e ngại. Hơn nữa, chàng thuộc thế hệ nho sĩ ngày xưa, trọng nghĩa khinh tài, biết thủ lễ và tránh những hành động có thể bị coi là lợi dụng.
Vân Tiên khó nỗi làm thinh,
Chữ ơn buộc lại chữ tình lây dây.
Than rằng đó khó trêu đây,
Ơn kia đã mấy, của này rất sang.
Đương khi gập gỡ giữa đàng,
Một lời cũng nhớ, ngàn vàng chẳng phai.
Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,
Nào ai chịu lấy của ai làm gì. (201-08)

Chàng không phải là hạng người lịch duyệt, biết ân cần, săn sóc phụ nữ, nhưng chàng đã vồn vã, lịch sự chào hỏi Nguyệt Nga mặc dầu chàng vẫn giữ một khoảng cách với nàng:
Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: Ta đã trừ dòng lâu la.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái,ta là phận trai.
Tiểu thư con cái nhà ai?
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ?
Chẳng hay tên họ là chi?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây? (143-150)

Còn Nguyệt Nga đưọc Lục Vân Tiên cứu thoát bàn tay bọn cướp, nàng cảm ơn cứu tử và cảm động vì hành động hào hiệp, can đảm của chàng. Đa số người nữ thường rung động trước sự giúp đỡ, và tình cản nồng hậu của nam nhân. Anh hùng cứu mỹ nhân, mỹ nhân yêu anh hùng là một đề tài phổ biến xưa nay. Nàng đã yêu chàng ngay trong buổi đầu. Hành động gửi tặng vật là một cách biểu lộ tình yêu một cách kín đáo. Khi Lục Vân Tiên tỏ vẻ lạnh lùng, nàng đã hờn dỗi. Cử chỉ của nàng rất đáng yêu:
-Vật chi một chút gọi là,
Thiếp thưa chưa dứt, chàng đà làm ngơ.
Của này là của vất vơ,
Lòng chê cũng phải, mặt ngơ sao đành .(197-200 )
-Thưa rằng chút phận nữ nhi,
Vốn chưa biết lẽ có khi mích lòng.
Ai dè những đấng anh hùng,
Thấy trâm thôi lại thẹn thùng cùng trâm.
Riêng than trâm hỡi là trâm,
Vô duyên chi bấy ai cầm mà mơ. (209-14)
Từ trước Lục Vân Tiên chưa yêu ai. Tình yêu của Nguyệt Nga là một kinh nghiêm đầu tiên rất tươi thắm trong đời chàng.



3. HÔN NHÂN
Ngày xưa, người Việt Nam lấy vợ sớm, và hôn nhân do các bậc cha mẹ quyết định. Hai bên cha mẹ đãï đính ước từ trước, có khi hai trẻ còn nằm trong bụng me . Chàng là một thanh niên đầy hứa hẹn tương lai cho nên đã được nhà gái đón tiếp nồng hậu khi chàng đến thăm trước khi vào kinh ứng thí. Vị hôn thê của chàng là Võ Thể Loan đã ân cần với chàng trước khi chia tay:
Chàng dầu cung quế xuyên dương,
Thiếp xin hai chữ tao khang cho bằng.
Xin đừng tham dó bỏ đăng,
Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.(709-12)
Không hiểu vì chịu ảnh hưởng các truyện xưa tích cũ về tình nghĩa vợ chồng, hoặc vì linh tính, Lục Vân Tiên đã trả lời Võ Thể Loan bằng giọng điệu nghi ngờ:
Tiên rằng như lửa mới nhen,
Dễ trong một bếp mà chen mấy lò?
May duyên, rủi nợ dễ phô,
Chớ lo Ngô Khởi, hãy lo Mãi Thần. (713-16)

Gia đình họ Võ đã đem lại cho chàng nỗi niềm cay đắng trên bước đường đời. Khi chàng bị mùa lòa, chàng liền nghĩ đến vị hôn thê và gia đình bên vợ. Chàng là người mới bước vào đời, lòng còn trong sáng, còn tin tưởng vào lời hứa hẹn của người đời. Vì vậy, sau khi ngư ông cứu chàng thoát chết trong giòng sông sâu, chàng ngỏ lời cậy ngư ông đưa chàng đến nhà nhạc gia để họ giúp đỡ chàng khi nguy nan:
Tiên rằng xưa đã gá lời,
Sui gia ai nỡ đổi dời chẳng thương.
Vợ chồng là đạo tang khang,
Chi bằng tới đó tìm phương gửi mình.
Trăm năm muốn trọn ân tình,
Đương khi hoạn nạn ai đành bỏ nhau.
Chút nhờ cứu tử ơn sâu,
Xin đem tới đó, trước sau cho tròn. (981-988)

Ngư ông là người từng trải việc đời, đã nghi ngờ họ Võ sẽ thay lòng đổi dạ khi thấy chàng thất bại công danh và mù lòa. Ông ngỏ lời khuyên can chàng nhưng chàng vẫn không nghe ý kiến của ngư ông:
Ngư rằng làm đạo rể con,
Cũng như sợi chỉ mà luồn trôn kim.
Sợ bay mà mỏi sức chim,
Bơ vơ cảnh lạ, khôn tìm cây xưa.
E khi chậm bước tới trưa,
Chớ đi sông cũ , bến xưa mà lầm.
Mấy ai ở ở đặng hảo tậm,,
Nắng đun chót nón, mưa dầm tả tơi.
Mấy ai hay nghĩ việc đời,
Nhớ nơi nghèo khổ, quên nơi sang giàu.
Đã ba thứ tóc trên đầu,
Gẫm trong thế sự thêm âu cho đời.( 989-1000)

Nhưng niềm tin ngây thơ của chàng đã bị tan vỡ. Chàng bị mù lòa lại bị từ hôn. Cay đắng nhất là vị hôn thê của chàng đã dùng những lời thô bạo đối với chàng. Chàng là người chung thủy, nhưng nhân thế đã thay lòng đổi dạ:
Loan rằng: Gót đỏ như son,
Xưa nay ai dễ đem chôn xuống bùn.
Ai cho sen muống một bồn,
Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê.
Thà không trót chịu một bề,
Nỡ đem mình ngọc, dựa kề thất phu.
Đã công chờ đợi danh nho,
Rể đâu có rể đui mù thế ni. . (1027-34)

Chính Võ Thể Loan, vị hôn thê của chàng đóng vai trò tích cực trong việc đổi trắng thay đen. Nàng đã táo bạo đề nghị với cha mẹ cho nàng kết hôn cùng Vương Tử Trực, bạn của Vân Tiên vừa đỗ thủ khoa:
Đã nghe người nói hội này,
Rằng Vương Tử Trực chiếm rày khôi khoa.
Ta dầu muốn kết xui gia,
Họ Vương, họ Võ một nhà mới xinh.(1035-38)
Khi Võ ông đem chàng bỏ hang sâu, chàng mới hiểu rõ lòng dạ người đới:
Vân Tiên khi ấy hãi hùng,
Nghĩ ra mới biết Võ công hại mình.(1059-60).




4. ÁC NHÂN

Bọn gian ác ở khắp mọi nơi.Trong hàng ngũ trí thức cũng có kẻ gian ác mặc dầu nho sĩ vốn xuất thân cửa Khổng sân Trình, học nhân nghĩa lễ trí tín. Trên đường vào trường thi, chàng đã gặp bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Bọn này đã vào trường thi cùng Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực. Bọn này học kém, không làm được bài thi.Thấy Vương và Lục làm được bài, chúng sinh lòng ghen ghét, cho rằng Vương và Lục viết tùng cổ thi (464). Bọn họ đã cùng Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực uống rượu, làm thơ. Ông chủ quán là người bình dân, nhưng môi trường làm việc của ông là quán khách, có nhiều loại người lui tới cho nên ông tiếp xúc với nhiều người và hiểu tâm tính của họ. Vì vậy, ông xem qua cách làm thơ của bọn này đã biết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm thuộc loại lừa thầy, dối bạn:
Tiên rằng: Ông quán cười ai,
Quán rằng cười kẻ bất tài đồ thơ.
Cười người Tôn Tãn không lừa,
Trước đà thấy máy chẳng dè Bàng Quyên. (467-70)
Khi bọn này trả lời ông chủ quán, ta thấy rõ tính vô lễ và khinh người của chúng:
Kiệm rằng: Lão quán nói nhăng,
Dầu cho trải việc cũng thằng bán cơm.
Gối rơm theo phận gối rơm,
Có đâu ở thấp mà chồm lên cao. (523-26 )
Khi tin nhà đưa đến, nghe tin mẹ già mất, Lục Vân Tiên khóc mù mắt, bỏ cuộc thi trở về quê cũ. Giữa đường chàng lại bọn này, chàng mù lòa nên phải trông cậy bạn giúp đỡ:
Tiên rằng: Tình trước nghĩa sau,
Có thương xin khá giúp nhau phen này (863-64)
Ở đời, lòng dạ con người khó lường. Ta không hề gặp mặt họ, ta cũng không tranh quyền đoạt lợi của họ. Ta cũng không cướp tài sản hoặc giết hại cha mẹ, anh em họ, thế mà họ thù ghét, oán hận ta. Họ nói xấu, vu khống ta. Thậm chí họ có thể giết hại ta. Vân Tiên không có thù oán gì với bọn này, không ngờ Trịnh Hâm, Bùi Kiệm chỉ vì ganh tài mà hãm hại Vân Tiên. Chúng đem tiểu đồng vào rừng trói lại cho cọp ăn, rồi đêm đến xô Vân Tiên xuống vực sâu.
Ngoài Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Vân Tiên còn bị ba nhân vật gian manh khác bóc lột, lường gạt là thầy thuốc, thầy bói và thầy pháp. Ba ông này giống nhau hai điểm chính. Thứ nhất là tự quảng cáo, là khoe khoang, khoác lác.
Ông thầy thuốc:
Ngang rằng: Ta ở chốn này,
Ba đời nối nghiệp làm thầy vừa ba.
Sách chi cũng đủ trong nhà,
Nội kinh đã sẵn, ngoại khoa thêm màu.
Trước xem y học làm đầu,
Sau xem Thơ Thế, thứ cầu Đông Y (665-770 )

Ông thầy bói:
Ta đây nào phải các thầy,
Bá vơ, bá vất, nói nhây không nhằm.
Ôn nhuần Châu dịch mấy năm,
Sáu mươi bốn quẻ, ba trăm dư hào.
Huỳnh Kim, Dã Hạc sách cao,
Lục nhâm, lục giáp, chỗ nào chẳng hay. (715-20 )

Ông thầy pháp:
Pháp rằng: Ấn đã cao tay,
Lại thêm phù chú, xưa nay ai bì.
Qua sông, cá thấy xếp vi,
Vào rừng cọp thấy phải quỳ lạy đưa.
Pháp hay hú gió, kêu mưa,
Sai chim, khiến cọp, đuổi lừa, vật trâu.
Pháp hay miệng niệm một câu,
Tóm thâu muôn vật vào bầu hồ linh. (673-70 )
Ba ông thầy này đều giống nhau là tham lam, luôn chú trọng tiền bạc. Gặp Vân Tiên, cả ba thầy trước tiên là hỏi tiền bạc.
Thầy thuốc chưa chửa bệnh đã hỏi tiền:
Gặp ta bệnh ấy ắt lành,
Bạc tiền trong túi sẵn dành bao nhiêu? (659-60 )
Thầy bói chưa gieo quẻ đã hỏi tiền:
Đặt tiền quan mốt bốn mươi,
Khay trầu chén rượu cho tươi mới thành.
Thầy bèn gieo đặng quẻ lành. (723-25 )
Ông này sau một hồi ba hoa, đã đề cập đến tiền:
Có ba trăm lạng đưa sang,
Đặng thầy sắm sửa lập đản chửa cho. (775-76 )



5.THIỆN NHÂN

Cuộc đời có nhiều màu sắc và có nhiều mâu thuẫn. Nếu trong cuộc đời có những kẻ ác thì cũng có những người hiền lành, nhân từ đức hạnh. Vân Tiên đã gặp bọn gian ác nhưng chàng cũng đã gặp những người trung hậïu. Nguyệt Nga là ánh trăng rằm trong đời chàng. Ông chủ quán là người bình dân nhưng ông thực sự là tay minh kinh bác học. Những lời nghị luận của ông chúng tỏ ông học rộng, hiểu nhiều và là người trung trực :

Quán rằng ghét việc tầm phào,
Ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm.
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm, sẩy hang.
Ghét đời U Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
. . . . . . . . . .
Thương là thương bậc thánh nhân,

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuôn.
Thương thầy Nhan tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đường công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha. . .(479-494)

Vì vậy mà Vương Tử Trực khen ngợi ông:
Trực rằng: Chùa rách phật vàng,
Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân (505-06)
Vương Tử Trực là người đạo đức và trung trực đã từ chối lời cầu hôn của Võ Thể Loan
Trực rằng : ''Ngòi viết dĩa nghiên,
Anh em xưa có thề nguyền cùng nhau.
Vợ Tiên là Trực chị dâu,
Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì.
Chẳng hay người học sách chi,
Nói sao những tiếng dị kỳ khó nghe?
. . . . . . . . . . .
Nói sao chẳng biết hổ thầm,
Người ta há phải là cầm thú sao? (1228-41)

Hán Minh can trường phá giặc và đem quân đón Vân Tiên. Lão ngư, lão tiều cũng là những người tốt. Nói chung, ta có thể phân chia các nhân vật trong Lục Vân Tiên làm hai loại thiện ác.



III. CHUNG CUỘC


Ở đời, một số người hoàn toàn sung sướng, trái lại một số người luôn đau khổ. Một số lúc bĩ, lúc thái. Đó là trường hợp của Lục Vân Tiên. Sau khi bị bao tai nạn, chàng được cứu thoát, được thuốc tiên chữa lành mắt, thi đỗ trạng nguyên và được Nguyệt Nga yêu, và cả hai sống hạnh phúc.
Trạng nguyên về đến Đông thành,
Lục ông trước đã xây dinh ở làng.
Bày ra sáu lễ sẵn sàng,
Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga.
Sui gia đã xứng sui gia,
Rày mừng hai họ một nhà thành thân.
Trăm năm biết mấy tinh thần,
Sinh con sau nối gót lân đời đời (2054-61)



Trong khi đó những kẻ ác gian bị Trời trừng phạt. Trịnh Hâm té xuống sông bị cá nuốt, mẹ con Thể Loan bị cọp nhốt trong hang:
Thiệt Trời báo ứng lẽ này rất ưng,
Thấy vậy nên dửng dừng dưng,
Làm ngưòi ai nấy thì đừng bất nhân (1192-94)

Đó là lẽ báo ứng, là luật nhân quả mà Khổng và Phật luôn đề cao trong kinh điển, trong văn chương và trong đời sống.



Lục Vân Tiên là giấc mơ của Nguyễn Đình CHiểu. Lục Vân Tiên đã qua cơn hoạn nạn và được vinh hiển, trái lại, Nguyễn Đình Chiểu một đời khốn khó, bản thân ông cũng như quốc gia Việt Nam phải trải qua bao nỗi dắng cay từ khi mất nước.




==

No comments: