===
Tình yêu là một hiện tượng tâm lý, tùy thuộc vào vào từng cá nhân, và từng thời gian. Trên đường đời, Thuý Kiều đã gặp nhiều đàn ông, và tỏ vẻ hờ hững với họ:
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mận mà với ai.
Chỉ có ba người là được nàng yêu thật tình là Kim Trọng, Thúc sinh và Từ Hải.
I. KIM TRỌNG
Kim Trọng là người yêu đầu tiên của Thúy Kiều, và Thúy Kiều cũng là người yêu đầu tiên của Kim Trọng Đây là mối tình thơ ngây trong trắng của đôi thanh niên nam nữ mới lên. Kim Trọng thuộc hàng người yêu cuồng nhiệt, chưa gặp mặt, mới nghe danh Thúy Kiều xinh đẹp mà đã say đắm:
Vẫn nghe thơm nức hương lân,
Một nền đồng tước khóa xuân hai Kiều.
Nước non cách mấy buồng thêu,
Những là trộm nhớ, thầm yêu chốc mòng.
( K.155-158)
Sau buổi gặp đầu tiên, Kim Trọng đã tương tư Kiều:
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn hơi lạnh như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phiếm loan.(251-254)
Về phần Thúy Kiều, nàng cũng suy nghĩ rất nhiều về Kim Trọng sau buổi gặp gỡ đầu tiên:
Người đâu gặp gỡ mà chi.
Trăm năm biết có duyên gì hay không ! (181-182)
Tình yêu của Kim Trọng và Thúy Kìều khởi đầu là chiêm ngưỡng, chớp nhoáng ( coup Coup de foudre ) và thầm lặng:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn, cơn tỉnh, cơn mê,
Dốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn. (163-166 )
Cái nguyên nhân chính là tài sắc, là phong tư, tài mạo, là dung nhan diễm lệ đã quấn hút hai người vào nhau. Kim Trọng có một mãnh lực hấp dẫn nữ giới:
-Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nếp đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.(149-152)
Thúy Kiều là một giai nhân tuyệt sắc, nổi danh tài nghệ:
-Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành họa một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm. (25-30)
Kim Trọng là kẽ đa tình và cũng là người quyết chí vì tình. Chàng đã chủ động trong tình yêu. Mượn cớ du học, chàng thuê nhà ở cạnh nhà Thúy Kiều, và ngày đêm trông ngóng bóng hồng. Cuộc gặp gỡ của hai bên vừa do nhân định vừa do ngẫu nhiên. Nhân định là vì Kim Trọng có ý theo dõi Kiều, trông ngóng Kiều để có dịp gặp mặt trao lời. Còn Thuý Kiều là vô tình, là ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên mà vướng cây kim thoa. Ngẫu nhiên mà Kim thoa vào tay Kim Trọng chớ không ai khác. Kiều có được bản tính e lệ của gái đoan trinh, và đây là điểm rất đáng yêu khác với người Au, Mỹ:
-Nặng lòng xót liễu vì hao,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa. (335-36 )
-Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung .(351-52 )
Thúy Kiều là gái đam mê, vắng nhà trong đêm đã sang nhà Kim Trọng ba lần. Nàng lãng mạn nhưng vẫn còn lý trí:
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu,
Ra tuồng trên bộc, trong dâu,
Thì con ngườinấy, ai cầu làm chi.(503-08)
Đứng về phương diện luân lý, sư Tam Hợp đã nhận định về Thúy Kiều rất đúng:
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm. (2682 )
Đứng về phương diện tâm lý và nghệ thuật, truyện Kiều vừa có tính lãng mạn vừa có tính nhân bản. Thúy Kiều và Kim Trọng rất người nghĩa là có lý trí và tìm cảm. Và truyện Kiều rất hấp dẫn vì không khô khan, giáo điều cũng không khiêu dâm.
Nói tóm lại tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là tình đầu, là tình trong trắng, ngây thơ và chân thành.
II. THÚC SINH
Giữa đám người gian manh, thô bỉ như Mã Giám sinh, Sở Khanh, Thúc sinh nổi bật như một ngôi sao nhỏ giữa trời đen tối. Vị trí của Thúy Kiều là vị trí một kỹ nữ trong lầu xanh, còn Thúc sinh là một công tử ăn chơi ở lầu xanh. Chàng cũng như bao ngườikhác tới lầu xanh để mua vui. Chàng cũng như bao người khác đã dùng vàng bạc để gần gũi Kiều. Cái tính của chàng là hào sảng, coi khinh đồng tiền có lẽ đã làm Kiều rung cảm:
Thúc sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không. (1303-04)
Lại nữa, bề ngoài của chàng có dáng dấp thư sinh
( cũng nói thư hương) cho nên hơi giống cái nho nhã của Kim Trọng. Có lẽ hai lý do này đã khiến Kiều chú ý đến Thúc sinh. Về Thúc sinh, gặp Thúy Kiều là chàng đã say mê, cũng bị tiếng sét ái tình làm cho tâm hồn điên đảo:
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặïn, nét nào chẳng ưa.
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng? (281-86)
Tình yêu Kim Trọng và Thúy Kiều là tình yêu chớp nhoáng, còn tình yêu giữa Thúc sinh với Thúy Kiều, nhất là về Thúy Kiều, là do quá trình gần gũi như tục ngữ ta nói “ lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”:
Sớm đào, tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng. (1389-90)
Thực ra tình yêu giữa Thúc sinh và Thúy Kiều là một mối tình có tính toán. Biết chàng là con mồi ngon, nhà giàu lại đam mê, Kiều đem kỹ thuật giăng lưới săn nai ra áp dụng. Nàng đã đem thân thể phô bày một cách kín đáo để quyến rũ Thúc sinh. Lấy cớ trời nóng nực, nàng đi tắm. Nàng tắm trong phòng của nàng, cách bên ngoài một tấm màn mỏng. Lẽ dĩ nhiên, Thúc sinh ngồi ở phòng ngoài,vẫn đưọc chiêm ngưỡng những đường nét tuyệt diệu và hấp dẫn của Thúy Kiều:
Buồng the phải buổi thong dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.
Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà,
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên.(1309-12)
Tại sao không chờ Thúc sinh về rồi hãy tắm? Là vì Kiều muốn triển lãm trước mắt Thúc sinh. Tại sao không tắm chỗ khác lại tắm trong phòng? Vì ngày xưa không có phòng tắm, người ta thường tắm ngoài trời. Phụ nữ cũng tắm ngoài trời vào ban đêm, hay tắm trong phòng mà kéo màn lại. Tại sao không dùng màn màu trắng, màu đen mà dùng màu hồng? Vì màu hồng điệp với màu da thịt, làm tăng thêm vẻ đẹp của một thân thể hồng hào. Xúc cảnh sinh tình, Thúc sinh đã làm một bài thơ tả cảnh Kiều tắm. Chắc Kiều mừng lắm vì nàng biết Thúc sinh làm thơ, dù là thơ con cóc, cũng chứng tỏ chàng đã si mê thật tình. Cá đã cắn câu. Kiều là một tay nghề trong xuớng họa thế mà nàng từ chối hoạ bài thơ của chàng. Nàng lấy cớ lòng buồn vì nhớ quê hương và cha mẹ:
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gửi áng mây vàng,
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.(1317-20 )
Đây là thủ đoạn thứ hai Kiều dùng để đánh vào lòng từ bi, nhân ái của Thúc sinh. Những kẻ gian manh thường dùng chiêu này để lừa đảo thiên hạ, mà nhiều kẻ mắc phải vì họ tự cho họ là nhân ái.
Kiều dụ Thúc sinh hỏi nguồn gốc lai lịch, để rồi Kiều sẽ kể cho chàng thân thế bi thương của nàng:
Nàng càng ủ dột thu ba,
Đoạn trường lúc ấy nghị mà buồn tênh.
Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bưóm liệng vành mà chơi.(1323-26)
Sự kể lể này sẽ làm cho chàng cảm thương nàng, xuất tiền túi chuộc nàng ra, mua nhà cho nàng, cùng nàng chung sống: Chiêu thức này đa số gái giang hồ sau này đều thực hiện đúng phóc. Em là con gái quê, vì cha mẹ em nghèo, bệnh nặng hay mắc nợ nần phải bán mình vì chữ hiếu. Hoặc em là con nhà đàng hoàng, tử tế, vì thằng lưu manh, thằng Sở Khanh, vì thằng chồng thô bạo mà dấn bước giang hồ.
Khi Thúc sinh mắc lưới, tính việc chuộc nàng ra cùng nàng chung sống, Kiều làm bộ từ chối, lấy cớ sợ lòng chàng thay đổi, và vì sợ vợ cả ở nhà ngăn cản, ghen tuông:
Nàng rằng muôn đội ơn lòng,
Chút e bên thù, bên tòng dễ đâu.
Bình Khang nấn ná bấy lâu,
Yêu hoa, yêu được một màu điểm trang.
Rồi ra lỡ phấn phai hương,
Lòng kia giữa được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế cung trăng,
Chủ trương đã có chị Hằng ở trong.(1333-40 )
Nàng thực hiện kế hoạch thoái một bước, tiến hai bước. Ban đầu nàng đóng cửa nhưng gần cuối nàng mở cửa để Thúc sinh thực hiện ý định của chàng;
Thương sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho vẹn mọi đường xin vâng. (1359-60 )
Tóm lại, tình của Thúy Kiều là mối tình ở chốn lầu xanh. Mội mối tình có toan tính, có kế hoạch, và vụ lợi, khác với mối tình đầu với Kim Trọng.
III. TỪ HẢI
Không gian hội ngộ giữa Từ Hải và Thúy Kiều cũng giống không gian gặp gỡ giữa Thúc sinh và Thúy Kiều. Đó là chốn lầu xanh. Từ Hải nổi bật giữa các khánh tầm thường khác bởi cái khí phách của chàng, cái uy dũng hiện ra ngoài:
Râu hầm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài. (2167-70 )
Tình yêu giữa Từ Hải và Thúy Kiều cũng là tình yêu chớp nhoáng. Cả hai đều bị tiếng sét ái tình ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Từ Hải tìm đến Thúy Kiều vì chàng đã nghe danh Thúy Kiều. Cũng như Kim Trọng, Từ Hải yêu Thúy Kiều từ khi chưa gặp mặt. Kh gặp nhau, cả hai đều say mê nhau:
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.(2175-78)
Tình yêu của hai người là tình yêu của trai tứ chiếng, gái giang hồ. Đặc biệt, tâm tính Từ Hải là tâm tính của ”nhà binh”, gặp Kiều là đi ngay vào vấn đề không cần đợi chờ ngày tháng như Thúc sinh:
Từ rằng tâm phúc tương cờ,
Phải rằng trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Một đời được mấy anh hùng,
Bỏ chi cá chậu, chim lồng mà chơi. (2179-84 )
Từ Hải có thái độ kiêu căng, tự cho mình là bậc anh hùng. Trước những người tự đắc, tự kiêu như thế, Thúy Kiều lại càng nhún nhường, lễ phép, và đó là Thúy Kiều đã từng trải, đã hiểu tâm lý từng loại khách, và đó cũng là nghệ thuật “ đắc nhân tâm” của Thúy Kiều:
-Thưa rằng : người dạy quá lời,
Thân này còn dám coi ai là thường! ( 2185-86)
-Thưa rằng: lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt, dám phiền mai sau (2195-98)
Nhìn qua cung cách của Từ Hải,ngay trong buổi đầu, Thúy Kiều đã biết sau này chàng sẽ thành một “ đại vương” như đám Lương Sơn Bạc! Từ Hải là một võ tướng, một hải khấu, một người hữu dũng vô mưu, nghe lời nịnh hót của một kỹ nữ đã khoái trá, bộc lộ rõ “ chí hướng” của mình, không cần che đậy hành tung của một khách giang hồ chưa gặp vận:
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người!
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ ắt là có nhau. (2199-2204 )
Thúc sinh phải mất một thời gian dài mới chinh phục được Thúy Kiều, còn Từ Hải ngay trong buổi đầu đã tâm đầu ý hợp, bỏ tiền chuộc Thúy Kiều ra khỏi thanh lâu:
Ngỏ lời nói với băng nhân,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.
Buồng riêng sửa soạn thanh nhàn,
Đặït giường thất bảo, vây màn bát tiên.(2207-10)
Từ Hải là người nông nổi, thiếu suy nghĩ. Chàng thích được người vuốt ve, nịnh bợ cho thỏa mãn cái tự ái, tự tôn của chàng. Chàng là người không sâu sắc, không khôn ngoan, chỉ là một kẻ ồn ào, ưa nịnh hót và ưa khoe khoang cho thỏa mãn cái anh hùng cá nhân của chàng. Bởi vậy sau này, nghe lời Kiều, chàng đầu hàng triều đình và bị chết thảm thương! Và tình của Thúy Kiều với Từ Hải cũng là một việc tính toán lợi hại cho bản thân nàng, cho nên Thúy Kiều đã mắc mưu Hồ Tôn Hiến. Nịnh và tham đưa đến kết quả thảm thương:
Nàng thời thật dạ tin người,
Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gain truân.
Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thang đường cái, thanh vân hẹp gì.
Công tư vẹn cả đôi bề,
Dần dà rồi phải liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha ( 2471- 80)
Trong ba mối tình của Thúy Kiều, mối tình với Kim Trọng là sâu sắc, đậïm đà nhất. Khi phải bỏ gia đình theo Mã giám sinh, Kiều đã kêu tên chàng một cách thảm thiết:
Oái Kim Lang, hỡi Kim Lang,
Thôi thôi, thiếp đã phụ chàng từ đây!(755-56)
Ở lầu Ngưng Bích cô đơn, Thúy Kiều đã tưởng nhớ đến Kim Trọng:
Tưởng người duới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mài chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. (1039-42)
Khi ở lầu xanh, nàng cũng nhắc đến Kim Trọng và lời thề xưa:
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai? (1259-60 )
Khi lấy Từ Hải, Từ Hải ra đi theo tiếng gọi bốn phương trời, trong lòng Thúy Kiều cũng hiện lên hình ảnh Kim Trọng:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng. ( 2239-40)
Và nàng ân hận đã không trao cho chàng tấm băng trinh của nàng trước khi lăn lóc bụi trần:
Biết thân đến nước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.( 791-92)
Trong ba mối tình, tình giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là tình yêu chiêm ngưỡng, còn tình với Thúc sinh, Từ Hải là tì nh yêu có tính toán, và vị lợi. Nàng con người lý tưởng, nàng là gái giang hồ nhưng lại sống trong mộng tưởng, theo đuổi ái tình lý tưởng. Nàng không muốn tái hợp với Kim Trọng, mà chỉ giữ tình bạn, vì nhiều lý do. Yêu nhau là cho nhau, là dâng hiến. Nàng còn gì ngoài tấm thân ô uế đã nằm trong tay bao người đàn ông khác? Nếu Kim Trọng còn yêu nàng chẳng qua là chàng yêu một Thúy Kiều của quá khứ. Ngày sau, đối diện với nhau,với dư luận, với sự thực, sẽ còn những gì đẹp? Bản thân nàng đã hoen ố, nàng không muốn nàng và Kim Trọng phải đối diện với thực tế phũ phàng. Lại nữa, sau mười lăm năm lưu lạc, Kiều đã trên ba mươi, không còn son trẻ như thuở trước. Ngày xưa, người ta quan niệm phụ nữ ba mươi không còn nghĩ đến đường tình duyên nữa:
Trai ba mươi tuổi đang xoan,
Gái ba mươi tuổi lo toàn về già (ca dao )
Ngày xưa Lý phu nhân lúc gần mất, nhất định không cho Hán Vũ Đế gập mặt vì bà còn gì nữa đâu ngoài cái dung nhan tàn tạ của con người sắp lìa cõi thế! Thúy Kiều cũng vậy. Nàng muốn giữ mãi mối tình tươi thắm ngày xưa.Nhan sắc , danh tiết không còn nữa thì còn gì để yêu. Hoa đã quá mùa là hoa héo. Điều này chứng tỏ Thúy Kiều có ý chí, có lý trí và có lý tưởng:
Nàng rằng phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa, cái mình bỏ đi.
. . . . . . .
Cũng nhơ dở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi!
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. (3145-58)
Thúy Kiều có ba tình yêu, nhưng chỉ có tình yêu Kim Trọng là mối tình đầu tươi đẹp và lâu dài nhất trong trái tim nàng. Tình yêu của nàng với ba người đàn ông vừa lãng mạn, vừa trần tục nhưng cũng rất lý tưởng. Đó là những khía cạnh sâu sắc trong tình yêu và con người Thúy Kiều.
No comments:
Post a Comment