Saturday, October 4, 2008

NHÀ TÂY SƠN

*

NHỮNG NGHI VẤN VỀ TRIỀU ĐẠI TÂY SƠN (1771-1802)

*


Mục đich của bài này là góp ý kiến về một số tài liệu liên quan đến người và việc thuộc triều đại Tây Sơn như là các nhân vật trong gia đình họ Nguyễn Tây Sơn, Hoàng Hậu Ngọc Hân, Ngô Văn Sở , và cờ Tây Sơn.



I. GIA ĐÌNH HỌ NGUYỄN TÂY SƠN

1. NGUYỄN NHẠC
Trong gia đình họ Nguyẽn, Nguyễn Nhạc là con trưởng, Nguyễn Lữ là con thứ hai, và Nguyễn Huệ là út. Năm 1771, Nguyễn Nhạc nổi lên ở Quy Nhơn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, hiệu Thái Đức, Nguyễn Lữ được phong làm Tiết chế, và Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Năm bính ngọ (1786), Nguyễn Huệ đem binh ra Bắc dứt chúa Trịnh, khi hai anh em lui quân về nam, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, dóng đô ở Quy Nhơn, phong Nguyễn Huệ là Bắc Bình vương, đóng ở Phú Xuân và Nguyễn Lữ làm Đông Định vương vào trấn giữ Gia Định. Năm quý sửu (1793), Nguyễn Ánh vây Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc bị bệnh, sai người cầu cứu Cảnh Thịnh, Thái úy Phạm Công Hưng, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đem quân vào chiếm thành quách, Nguyễn Nhạc tức hộc máu mà chết. Con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo bị giáng làm Hiếu công. Năm đinh tị (1797), Bảo muốn quy thuận Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn vây thành, bắt Bảo uống thuốc độc mà chết.
Năm nhâm tuất (1802), cơ nghiệp nhà Tây Sơn tiêu tan. Vua Gia Long hành hình con cháu và các tướng Tây Sơn. Nguyễn Ánh còn khai quật mộ phần Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, xương cốt quăng xuống sông, còn sọ làm bình đựng nước tiểu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà Nguyễn mới tìm ra các con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương, và cháu là Văn Đâu ( con Văn Lương), tất cả bị chém ngang lưng ( Liệt truyện II, 491-540)

2. NGUYỄN LỮ
Năm 1786, Nguyễn Lữ làm Đông Dịnh vương, cai quản vùng Gia định, nhưng Nguyễn Lữ kém tài, Nguyễn Ánh lại đem quân đánh đuổi tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham. Tháng 8-1788, Nguyễn vương vào thành Gia Định, làm kế ly gián Phạm Văn Tham và Nguyễn Lữ. Khi quân Phạm Văn Tham đến, Nguyễn Lữ tưởng là Tham đã đầu hàng Nguyễn Ánh nên rút quân về Qui Nhơn, rồi chết v ào 1788. Sử không cho biết Nguyễn Lữ có con cái hay không.

3. NGUYỄN HUỆ
Năm 1778, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xưng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, tôn bà Ngọc Hân làm Bắc cung hoàng hậu. Sau chiến thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đổi tên là Quang Bình và dùng tên này khi viết văn kiện ngoại giao với Trung Quốc. Vua mất năm mhâm tí (1792). Ngài có it nhất ba người vợ. Bà chánh hậu là Phạm thị, người Quy Nhơn, anh em cùng cha khác mẹ với Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật, và Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bà sinh ba trai, hai gái. Quang Toản là con trưởng, một trong hai gái gả cho phò mã Nguyễn Văn Trị
Bà vợ thứ không rõ tên họ, sinh Quang Thùy, và Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân.
Quang Toản (1783-1802) tên là Trác, lên ngôi năm 1792 lúc 10 tuổi, phong Quang Thùy làm Khang công, Tiết chế các doanh quân thủy bộ ở bắc biên, kiêm các việc quân dân, còn Quang Hãn (Quang Bàn) làm Tuyên công lĩnh Đốc trấn Thanh Hóa, kiêm các việc quân dân.
Tháng năm tân dậu (1801), quân Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, phò mã Nguyễn Văn Trị đem binh chống giữ nhưng thất trận bị bắt sống. Quang Toản, Quang Thiệu và Thái sư Quang Khanh chạy ra bắc. Các em của Quang Toản là Quang Cương, Quang Tự và Quang Điện và 30 đàn bà con gái của nhà Tây Sơn đều bị bắt sống. ( Thực Lục , 442). Có lẽ đây là ba người con của bà Ngọc Hân. Giáo sĩ Barizy đã đi xem và cho biết cùng bị bắt với bà Ngọc Hân có mẹ, và em vợ Trần Quang Diệu, vợ Võ Văn Dũng và các con của bà Ngọc Hân. Ông hết sức ca tụng nét mặt đẹp trai và khí phách hiên ngang của các con bà Ngọc Hân khi bị bắt (Tạ Chí Đại Trường, 336).
Lúc này trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đầu hàng lại mưu thông với Tây Sơn nên bị Nguyễn vương giết. Nguyễn vương sai đóng cũi Nguyễn Quang Cương đem về Bình Định cho dân này biết, và đem Nguyễn Quang Tự, Nguyễn Quang Điện, và phò mã Nguyễn Văn Trị về Gia Định hành hình. ( Thục Lục, 446).
Tháng sáu năm nhâm tuất (1802), kết thúc trận chiến, Quang Hãn đầu hàng, Quang Toản, Quang Thùy, Quang Thiệu, Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ bị bắt sống. Quang Thùy, Nguyễn Văn Tứ và vợ tự sát. Quang Toản bị đóng cũi đưa về Bắc Thành. Ngày 7-10 năm nhâm tuất, mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bị đào, anh em nhà Tây Sơn và các tướng bị lăng trì, tất cả 31 người ( Thực Lục 473).
Nói tóm lại, Nguyễn Nhạc có ba trai là Nguyễn Bảo, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương và con của Nguyễn Văn Lương là Nguyễn Văn Đâu. Còn Nguyễn Huệ có 7 trai là Quang Toản, Quang Thùy, Quang Thiệu, Quang Hãn, Quang Cương, Quang Tự và Quang Điện.
Theo bác sĩ Hồ Văn Châm, quyển Tây Sơn Tiềm Long Lục cho biết bà Hoàng hậu họ Phạm, tên là Phạm Thị Liên, người Bình Định, anh là Hộ giá Phạm Văn Ngạn, giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm văn Tham, và Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà còn có hai người anh cùng mẹ khác cha là Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật. Chánh cung họ Phạm sinh được 5 người, ba trai hai gái. Con lớn là Quang Toản, còn có tên là Quang Bình, tức vua Cảnh Thịnh. Hai người kia là Quang Bàn ( Quang Hãn), Quang Thiệu. Quang Hãn được phong Đốc trấn Thanh Hóa, Quang Thiệu đuợc phong Thái tể. Hai người con gái thì một gả cho Nguyễn Văn Trị và một gả cho Nguyễn Phước Tư là tôn thất hệ nhất nhà Nguyễn Gia Miêu (Bên Kia Bờ Đại Dương.http:// novelcicy.com).
Tài liệu nàyrất đầy đủ nhưng cho ta một nghi vấn. Nguyễn Huệ có tên là Quang Bình, không lẽ sinh con cũng đặt tên là Quang Bình ư? Người Việt Nam không có việc đặt tên trùng như ở Tây phương.
Bà Ngọc Hân có mấy con? Trong Ai Tư Vãn, bà Ngọc Hân cho biết có một trai, một gái:
Nhờ hồng phúc đôi đường hòe quế,
Đượm hơi dương, dây rể đều tươi .
. . . . . . . . .
Còn trứng nuớc thương vì đôi chút.

Các con của bà Ngọc Hân là một nghi vấn. Ba trẻ Quang Cương, Quang Tự và Quang Điện đều là con Ngọc Hân hay chỉ có một hay hai trong bốn trẻ này? Nếu như chỉ có một, vậy hai trẻ kia con ai? Sự thực Thực Lục chỉ nêu tên Quang Cương, Quang Tự và Quang Điện mà không nói rõ con ai, chỉ nói là em Quang Toản. Tài liệu của Barizy ( Tạ Chí Đại Trường, 336) cũng không nói rõ tên và số con của Ngọc Hân. Theo Hồ Hữu Tường, con trai của bà Ngọc Hân tên Quang Thiệu và trốn thoát , sinh ra con cháu mà hậu duệ là Hồ Hữu Tường( Hoà Đồng số , 2-3)! Thiết tưởng thiếu gì tên lại đặt trùng tên con bà cả? Theo sử, con cháu nhà Tây Sơn bị giết hết, nhất là con của bà Lê Ngọc Hân. Phải chăng Hồ Hữu Tường lầm lẫn?
Nhiều tài liệu trong đó có Thanh Lãng ( Bảng Lược Đồ Văn Học I), Nguyễn Huyền Anh ( Việt Nam Danh Nhân Từ Điển), Phạm Thế Ngũ ( Việt Nam Văn Học Sử II) cho rằng bà Ngọc Hân có hai con, một trai một gái nhưng không cho biết tên. Theo bác sĩ Hồ Văn Châm, con bà Ngọc Hân tên là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc ( op.cit). Có lẽ điều này gần với Ai Tư Vãn nhưng lại không có một căn bản sử vì trong sử không nói đến hai tên này.Vả lại, thiếu gì tên mà bà Ngọc Hân lại đặt tên trùng tên con của Nguyễn Nhạc! Hay có sự lần lẫn nào đây?
Thực Lục phiên âm Quang Hãn, Quang Điện nhưng các bản khác phiên là Quang Bàn , Quang Diệu. Phải chăng các bản Hán văn viết không rõ hay viết sai hoặc do người dịch sai? ( Chúng tôi không có nguyên bản Hán văn để khảo việc này).
-Hồ Hữu Tường cho rằng ông thầy Quảng cho ông nội của tác giả biết rõ lai lịch của ông, và giao cho ông nội tác giả quyển Hoa Dinh Cẩm Trận. Việc bí mật như thế tại sao gia đình ông không biết mà người ngoài, ông thầy Quảng lại biết mà kể cho ông nội của tác giả là Hồ Văn Điểu? Ông thầy Quảng là người thuộc thế hệ sau, làm sao biết việc bí mật của bà Ngọc Hân? Những điều ông thầy Quảng là đúng hay sai, làm sao kiểm chứng? Hơn nữa, theo tác giả, ông nội của Hồ Hữu Tường là Hồ Văn Điểu là con của một người họ Hồ làm con nuôi Hồ Văn Phỉ. Vậy dòng dõi của Hồ Hữu Tường không rõ rệt, là giòng một họ Hồ nào đó, không phải là dòng của Hồ Văn Phi, dòng của Quang Thiệu nếu như Quang Thiệu còn sống (Thằng Thuộc con nhà nông. Hoà Dồng1, 13-14) .
-Ông Hồ Hữu Tường còn đi xa hơn khi ông viết rằng con của Ngọc Hân là Quang Thiệu tức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên( Đoàn Minh Huyên là tên giả của Nguyễn Quang Thiệu). Phật Thầy đi tu làm sao có con là ông nội của Hồ Hữu Tường. Hồ Hữu Tường giải thích là do Quang Thiệu ' bị áp lực tinh thần của mẹ là Ngọc Hân và dì là Ngọc Mân, người phải thi hành sứ mạng ''chủng cây sơn cấm'' với người con của dì là Phượng con hoang của Ngọc Mân và vua Gia Long' ( Phân trần, Hoà Đồng 4, tr. 3).
Ngay trong đoạn này, ông Hồ Hữu Tường có nhiều sai lầm: Quang Thiệu năm 1802 mới 14 tuổi làm sao có con? Cổ nhân nói ' nữ thập tam, nam thập lục' . Đây là trường hợp hiếm hoi.
-Quốc Sử Di Biên cho biết người em gái của Ngọc Hân tên là Ngọc Bình không phải tên là Ngọc Mân. Nếu Ngọc Bình tức là Ngọc Mân hay là một ngườI khác nữa, ắt phải ở gần Ngọc Hân, tức là ở Thuận Hóa thì mới có chuyện Quang Thiệu chung chạ với con người bạn dì. Nguyễn Ánh ở Gia Định, còn gia đình Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, làm sao Nguyễn Ánh gặp Ngọc Mân và sinh con hoang? Nguyễn Ánh chỉ có thể gặp Ngọc Mân trong lúc chiếm Phú Xuân năm 1802, trong lúc này Quang Thiệu, tức Hồ Văn Phi, khoảng 14 tuổi, theo giả thuyết của ông đã trốn thoát vào Nam ( Hoà Đồng1, 13), làm sao có thể ăn nằm với cô Phượng mà lúc này chưa ra đời thì làm sao sinh ra ông nội của Hồ Hữu Tường? Lại nữa, tác giả nói trước sau không ăn khớp. Trong HD số 1, ông cho biết ông nội Hồ Văn Điểu là con nuôi của Hồ Văn Phi, nhưng ở HD số 4 ông viết: nếu Phật Thầy không có vợ chính thức, thì làm sao năm 1836 có thể sinh ra ông nội tôi (tr.3). Vả lại Và khi nói có vợ chính thức tức có cưới hỏi. Còn 'chủng cây sơn cấm' ( ý nói trồng cây trên núi cấm, nhưng ông Tường bịa ra bốn chữ này sai nghĩa, sai văn phạm) là việc chung chạ vụng trộm. Hai việc này khác nhau. Như đoạn trên, ông bảo Quang Thiệu cặp với cô Phượng mà sinh ra ông nội tác giả. Thiết tưởng như Quang Thiệu thiếu gì gái đẹp mà lại ăn nằm với con dì là một điều cấm kị trong phong tục Việt Nam, bà Ngọc Hân không thể chủ trưong như thế.
Nói tóm lại, Hồ Hữu Tường có rất nhiều sai lầm. Lý luận của ông hoàn toàn hoang tưởng.

II HOÀNG HẬU NGỌC HÂN

Hầu hết sử gia và nhà văn học sử Việt Nam đều gọi bà là Công chúa Ngọc Hân. Thiết tưởng bà đã là hoàng hậu của vua Quang Trung cho nên không thể gọi là công chúa, vì công chúa là danh hiệu của bà trước khi lấy chồng. Sở dĩ các sử thần triều Nguyễn gọi bà là công chúa bởi vì họ không muốn công nhận Quang Trung là một vị hoàng đế. Họ ghét vua Quang Trung cho nên phế bỏ tất cả danh xưng, danh hiệu liên quan đến vua Quang Trung và nhà Tây Sơn. Để gọi nhà Tây Sơn, họ gọi là Ngụy Tây, Ngụy Huệ, Ngụy Nhạc v.v.. (Tại sao ta lại theo chân sử quan nhà Nguyễn ?)
Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước (1802), dân chúng khắp nơi truyền tụng câu ca dao:
Gái đâu có gái lạ lùng,
Con vua lại lấy hai chồng làm vua.
Hoặc:
Gái dâu có gái lạ đời,
Con vua lại lấy hai người làm vua.

Và người ta nghĩ rằng câu trên ám chỉ Hoàng hậu Ngọc Hân, bởi vì Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển tông, vâng lệnh vua cha kết tóc xe tơ cùng vua Quang Trung rồi sau lại lấy vua Gia Long! Ngọc Hân là con thứ 21 và là con gái thứ chín của vua Lê Hiển tông. Thân mẫu của Công chúa là bà phi Nguyễn Thị Huyền, quê ở làng Phù Ninh, tổng Hạ Dương, tỉnh Bắc Ninh. Công chúa vâng lệnh vua cha kết duyên cùng vua Quang Trung năm bính ngọ ( 1786), lúc này công chúa vừa mười sáu tuổi. Khi Quang Trung lên ngôi, Công Chúa đuợc phong làm làm Hữu cung hoàng hậu ( Bắc cung hoàng hậu) trong khi bà vợ chánh Phạm Thị, mẹ Quang Toản được phong chánh hậu. Năm nhâm tí ( 1792) , vua Quang Trung mất, bà đau khổ làm văn tế vua Quang Trung và sáng tác Ai Tư Vãn những tác phẩm rất có giá trị trong văn học Việt Nam.
Truyền thuyết dân gian cho rằng sau khi đánh tan quân Tây Sơn, giết tuyệt con cháu Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh nạp bà Ngọc Hân làm hậu phi
( triều Nguyễn không lập hoàng hậu). Đó là thuyết ' nhất kính chiếu luỡng vương' ( hai vua soi một gương). Cùng với thuyết này, Nam Phong tạp chí với bài Ngọc Hân Công Chúa dật sự ( Nam Phong Tạp chí, số 103, 1926), nói về tiểu sử bà Ngọc Hân. Bài này có hai phần. Phần đầu chép như trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí nói về việc bà vâng lệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ và đưọc phong làm Hữu cung hoàng hậu. Phần thứ hai chép như sau về sự việc sau khi Gia Long lên ngôi vua:
Dòng dõi nhà Tây Sơn đều không còn sót một ai. Công chúa Ngọc Hân vì là con của vua Lê đuợc khỏi nạn, năm ấy đã đưọc 32 tuổi mà nét đẹp xinh về dung sắc của công chúa vẫn chưa hề suy giảm. Vua Thế tổ bổn triều nhà Nguyễn ( Gia Long) để yên công chúa Ngọc Hân ở một dịch đình ( ngôi đền bên cạnh), cho người hầu hạ cung phụng. Bày tôi của vua Gia Long có người cho rằng công chúa Ngọc Hân là vật dư thừa của Tây Sơn mà can gián vua. Vua Gia Long bảo: 'Lãnh thổ và nhân dân ngày nay không có một món gì là không phải vật thừa dư của Tây Sơn thì mới làm sao?'Về sau vua Gia Long cho công chúa Ngọc Hân về Bắc theo quê quán của mẹ ở Bắc Ninh cho đến lúc lâm chung. Xét lại công chúa lúc còn nhỏ thì làm con gái vua, lúc trưởng thành làm hoàng hậu, kế theo làm hoàng thái hậu, niềm vinh diệu một đời công chúa có thể nói là cùng tột. Đến ngày xế bóng, công chúa Ngọc Hân không khỏi lưu lạc ( nơi quê mẹ), tưởng rằng công chúa lúc ấy án theo nay mà nhớ lại xưa, há chẳng áo não mà than thở cho tạo vật đã trêu người, chẳng có việc gì là không đến đuợc, mà phát sinh nỗi cảm khái vô biên chăng? (Tạ Quang Phát dịch , 120-123 )
Nhiều người đọc bài trên cho rằng bà Ngọc Hân đã sống chung với vua Gia Long, đó là hiểu sai. Theo bài này, vua Gia Long có ý định thâu nạp bà nhưng bà không ưng thuận, cuối cùng vua Gia Long phải để bà sống ở dịch đình ( trí chi dịch đình) là một nhà khách, và cuối cùng để bà trở về quê mẹ. Nếu bà đồng ý sống với vua Gia Long thì bà phải ở trong một cung nào đó chứ không ở dịch đình, và bà đã ở lại cung chứ không lui về quê mẹ! Nên nhớ rằng ngày xưa một khi đã bước vào cung làm phi tần rồi thì không bao giờ đuợc trở ra ngoài nữa ngoại trừ vua cho phép hay bị thải hồi!
Bác sĩ Hồ Văn Châm, một nhà nghiên cứu tại Canada, cho rằng ông mắt thấy hai bản phả hệ hoàng tộc bằng quốc ngữ và bằng hán văn . Bản phả hệ hoàng tộc bằng quốc ngữ nói rằng bà Ngọc Hân tái giá cùng vua Gia Long, và sinh hạ một số hoàng tử. Nhưng ông Hồ Văn Châm cho rằng thuyết này không đúng bởi vì dây là một bản quốc ngữ, có thể dịch sai hoặc hiểu sai nguyên văn chữ hán. Bác sĩ Hồ Văn Châm viết :
. .. cuốn ngọc phả bản quốc ngữ của Tôn Nhân Phủ đã khẳng định Công Chúa Lê Ngọc Hân là mẹ đẻ của Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương? Xin thưa ngay rằng cuốn gia phả này là bản quốc ngữ, không phải bản Hán văn, lại không phải do Quốc Sử Quán biên soạn mà là tác phẩm phiên dịch của Tôn Nhân Phủ từ bản Hán văn cũng của Tôn Nhân Phủ mà ra. Mà bản Hán văn này thì trong các chương nói về Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương đã viết rằng mẹ các ngài là Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Cái lối hành văn cổ điển bằng Hán tự thì có khi nào nêu rõ tục danh đâu. Mà tác giả bản Hán văn khi viết rằng mẹ các ngài là Công chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê đã chắc đâu muốn khẳng định rằng đó là Công Chúa Lê Ngọc Hân. Biết đâu tác giả bản Hán văn muốn nói đến một nàng Công Chúa Lê Ngọc khác,cũng con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê? Mà điều này thì những người phiên dịch ra quốc ngữ đã không hề hay biết, lại thêm nặng tinh thần tân học, viết lách trình bày chuyện gì cũng muốn tách bạch rõ ràng nên đã phiên dịch cụm từ "Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông" thành "Công Chúa Lê Ngọc Hân con Vua Hiển Tông" theo sở kiến chủ quan củamình (op.cit).
Bác sĩ Hồ Văn Châm nói đúng. Ngày xưa vì tôn kín ( kiêng húy), sử gia đôi khi không chép rõ tên họ các nhân vật. Ví dụ Nguyễn Du chỉ dược ghi là Tiên Điền hay Nguyễn Tiên Điền. Còn đàn bà thì ít khi đuợc ghi tên. Đại Nam Liệt Truyện II khi viết về Quảng Oai công, và Thường Tín Công chỉ viết đơn sơ là con thứ 10 và con thứ 11 của Thế tổ và Đức Phi họ Lê (61-62).

Bà Ngọc Hân là một tác giả quan trọng trong văn học Việt Nam và lịch sử Viêt Nam cho nên được nhiều người nghiên cứu. Phần đông đều chấp nhận năm sinh của bà là 1771. Có nhiều tài liệu khác nhau về bà Ngọc Hân , tựu trung có những tài liệu chính như sau:

1.Không nói gì hoặc nói rất sơ lược về cuộc đời bà, nhất là không đá động đến cái chết của bà, đó là trường hợp Ngô Thời Chí ( Hoàng Lê Nhất Thống Chí), Dương Quảng Hàm (Việt Nam Văn Học Sử Yếu) và Nghiêm Toản (Việt Nam Văn Học Trích Yếu).
2.Không biết rõ năm sinh năm mất, đó là Trần Văn Giáp ( Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam).
3.Bà Ngọc Hân và các con trốn thoát. Đại diện khuynh hướng này là Hồ Hữu Tường. Ông viết trong bài Phân trần trong Hoà Đồng 4:
Ngọc Hân công chúa dắt Quang Thiệu vào Nam, mẹ con đổi tên họ, Quang Thiệu sau lập đạo là đuợc người đời tôn là Phật Thầy, và họ Hồ chúng tôi, thờ hai chữ Kế Thế trong nhà, là dòng dõi của Quang Thiệu ( 2).

4. Bà Ngọc Hân và các con trốn không thoát, bị hành hình. Nhiều nhà văn trình bày nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng bà trốn về Hải Dương (Hồ Văn Châm op.cit) , sau mẹ con bị tố cáo rồi bị đem ra hành hình. Có thuyết nói bà đem hai con trốn vào miền quê Quảng Nam ít lâu sau bại lộ, bị bắt đem về Huế xử tam ban triều điển. Thanh Lãng cũng theo thuyết này, và ông cho rằng Lê Ngọc Hân mất năm 1803 ( Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam I , .572).

5. Bà mất trước 1802.
Thuyết này cho rằng bà đã chết trước khi Nguyễn Ánh thống nhất dất nước nên không thể có việc bà tái giá cùng vua Gia Long. Hoàng Thúc Trâm ( Quốc Văn Đời Tây Sơn, 34) cho rằng bà mất năm kỷ mùi (1799) vì ông căn cứ vào Dụ Am văn tập của Phan Huy Ich với năm bài văn tế Vũ Hoàng hậu, do Phan Huy Ich viết thay cho vua Cảnh Thịnh, các con gái vua Quang Trung, Phù Ninh từ cung( mẹ bà Ngọc Hân). Họ hàng nhà cựu Lê và bà con ở Phù Ninh. Phạm Văn Đang (Văn Học Tây Sơn) , Nguyễn Văn Sâm ( Văn Học Nam Hà) và Phạm Thế Ngũ (Việt Nam Văn Học Sử) đều theo ý kiến này.
Theo thiển kiến, thuyết của Hoàng Thúc Trâm e không ổn vì:
1.Tục lệ Việt Nam, khi con mất, cha mẹ không làm văn tế. Người ta làm văn tế cho những bậc trên đã khuất, chứ không làm văn tế cho người dưới. Thương con, cha mẹ có thể làm văn, thơ khóc con mà thôi. (Ngay khi con chết, nhiều nơi cha mẹ không đưa đám con)
2. Quang Trung mất năm 1792, Quang Toản lên ngôi lúc 10 tuổi, hiệu là Cảnh Thịnh, tất nhiên sau 1792, Phạm thị, mẹ ruột của Quang Toản phải được tôn là thái hậu, chứ không phải là hoàng hậu. Bà Ngọc Hân nếu không được tôn là thái hậu thì cũng phải đuợc gọi bằng một danh xưng nào tương xứng (thí dụ là hoàng hậu tiền triều) chứ không thể gọi là hoàng hậu. Vua Thái Đức mất 1793, con là Nguyễn Bảo được phong Hiến công. Vậy hoàng hậu chỉ là vợ của Cảnh Thịnh ( lúc này Cảnh Thịnh 17 tuổi). Phan Huy Ich là môt nho gia đời trước, tất nhiên không thể dùng danh từ bừa bãi, không phân biệt hoàng hậu với thái hậu. Vậy ai chết năm 1799? Không phải chánh cung Phạm Thị, vì lúc này bà là Hoàng Thái hậu chứ không phải hoàng hậu. Cùng với việc này, chúng ta thấy rất khó khăn khi nghiên cứu về gia đình Nguyễn Huệ. Ai là mẹ của Quang Thùy? Bà vợ nào của Nguyễn Huệ bị Nguyễn Nhạc hiếp sau khi Nguyễn Nhạc đi Bắc Hà về? Bà nào bị bệnh năm 1791? Theo thư của Le Roy thì tiếm vương Nguyễn Huệ cần một thầy thuốc chữa bệnh cho vợ và ông Gérard đưọc cử đến. Theo thư của Sérard thì bệnh nhân là chánh hậu và bà mất vào tháng ba, và cái chêt của bà này làm cho tiếm vưong đau đớn đi đến chỗ lâm bệnh rồi mât sau do mấy tháng. Nhưng thư của Gérard lại nói rằng bệnh nhân là một vợ bé được thương yêu như vợ cả
( Đặng Phương Nghi, 151, 170-171). Gérard ở gần bệnh nhân nên rõ bệnh nhân hơn Sérard. Vậy bà phi mất năm 1791 không phải là chính cung họ Phạm, cũng không phải Bắc cung Ngọc Hân, vì Bắc cung sau 1792 còn tại thế và làm bài Ai Tư Vãn và văn tế Quang Trung. Vậy quý phi đó là ai?
Phan Thúc Trực, một nhà nho sống buổi cuối Lê đầu Nguyễn, tác giả bộ Quốc Sử Di Biên, đã cho ta một vài chi tiết về Tây sơn và bà Ngọc Hân.
Phan Thúc Trực viết rằng tháng năm năm nhâm tuất (1802), quân Nguyễn Ánh đánh miền Bắc, quân Tây Sơn tan rã, anh em Nguyễn Quang Toản chạy về mạn Lạng giang, rốt cuộc Nguyễn Quang Thùy tự tử, bọn Võ Thám bắt anh em Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu dâng đại quân, và dâng bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua. Ngọc Bình là chị em với Ngọc Hân công chúa, vợ vua Quang Trung, đuợc vua Gia Long thâu nhận làm đệ tam cung, sinh hạ Quảng Oai công (thứ 12) và Thường Tín công(thứ 14) Lê Văn Duyệt thường nói hoàng thượng thường dẫn tích Ngụy Báu và Bạc Cơ để giải đáp nghi vấn. Còn bà Ngọc Hân sau khi Tây Sơn mất, lui về quê mẹ là làng Phù Ninh, và mất tại đây sau ngày 21 tháng năm năm giáp tí (1804). Một viên hàng thần đang nhận chức quan tại Đông ngạn xin phép nhà vua làm tang lễ cho công chúa, đuợc nhà vua chấp nhận.. Dân làng Phù Ninh lập từ đường thờ cố công chúa (136-190). Như vậy, phải chăng bà là công chúa vua Lê, lại đuợc em là Ngọc Bình can thiệp nên vua Gia Long tha tội chết cho bà sau khi đã giết chết con bà?
Theo các sử liệu do Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình công bố, Ngọc Bình công chúa là chính Cung Hoàng Hậu của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản chứ không phải vợ vua Quang Trung như Quốc Sử Di Biên. Theo tài liệu ty Thông tin Văn hóa Nghĩa Bình, Ngọc Bình và Quang Toản cùng sinh năm 1783. Có lẽ tài liệu này đã viết theo các phúc trình của các giáo sĩ Longer và Le Labousse gửi cho Phái bộ Truyền giáo Nam Hà đã ghi chép . Như vậy khi Ngọc Bình bị bắt và giao nạp nội cung, bà mới hai mươi tuổi, là tuổi son trẻ xinh tươi, trong khi bà Ngọc Hân đã 32 tuổi, chưa già nhưng cũng không còn xuân sắc.

Chúng ta có thể kết luận rằng câu ca dao truyền tụng trong dân chúng là đúng và người con gái có một số phận đặc biệt, con gái vua, lấy hai chồng cũng làm vua đó là Ngọc Bình , em gái cùng cha mẹ với hoàng hậu Ngọc Hân.




III. NGÔ VĂN SỞ

Ngô Văn Sở là một vị đại tướng rất giỏi của vua Quang Trung. Chúng ta không biết rõ tiểu sử của ông như là quê quán, và ông theo Quang Trung lúc nào. Ông đã cùng vua Quang Trung và các tướng sĩ đánh thắng quân Thanh năm kỷ dậu (1789). Trong trận này, ông dược vua Quang Trung giao phó làm bộ phận tiền quân, và lúc này, ông đuợc phong chức Đại Tư mã. Sau khi thắng trận, vua Quang Trung đem quân về Nam, giao miền Bắc lại cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân cùng Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích. Điều này chứng tỏ Ngô Văn Sở là một người có tài, đuợc vua Quang Trung tin cậy.
Sau khi vua Quang Trung mất, Quang Toản còn nhỏ, các đại thần và quyến thuộc của nhà Tây Sơn tranh chấp đưa đến giết hại nhau. Năm ất mão (1795), thái sư Bùi Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng nghe lời Trần Văn Kỷ , lúc này bị đày tại trạm Hoàng giang , oán thán họ Bùi, bèn về mưu với Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn vây nhà Bùi Đắc Tuyên, bắt họ Bùi bỏ ngục, và cho người vào Quy nhơn bắt con Bùi Đắc Tuyên là Bùi Đắc Trụ, cùng truyền thư ra Bắc Hà cho tiết chế Nguyễn Quang Thùy ( em Nguyễn Quang Toản) bắt giải Ngô Văn Sở về Phú Xuân.
Bọn Võ Văn Dũng bèn vu khống những người này làm phản, đem dìm sông cho chết.
Về việc này, sử nhà Nguyễn chép như sau:
Ngô Văn Sở là bè đảng của Tuyên bị Nguyễn Văn Dũng giả chiếu lịnh sai Tiết chế Nguyễn Quang Thùy đóng cùm đưa về kinh, lại sai Nguyễn Văn Huấn, đem binh vây Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ, con của Bùi Đắc Tuyên giải về, rồi thêu dệt thành tội trạng phản nghịch đều cho dìm xuống nước mà giết. (Liệt truyện II, 522)
Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng chép việc này như sau:
Nguyên từ khi Quang Toản mới lên ngôi vua đến nay, Đắc Tuyên vẫn nắm chính quyền.. Văn Sở thì đóng ở thành Thăng Long, tóm coi công việc quân dân, đuợc tiến chức Đại Tổng Lý, tước quận công. Năm ấy lại sai Đại Tư Đồ Dũng ra coi binh mã bốn trấn mặc bắc. Dũng đến nhà trạm Hoàng giang, gặp Trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ phải ti bị đày ở đó. Đêm y Dũng ngủ với Kỷ, Kỷ bảo Dũng rằng:
Thái sư nay đã lên đến tột bực của kẻ bầy tôi, trong tay cầm quyền làm oai làm phúc, thế mà ông lại ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nước nhà, các ông phỏng giữ được đầu cổ chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau này ăn năn sao kịp!
Dũng vốn tin trọng Văn Kỷ. liền cho lời Kỷ là phải. Hôm sau Dũng đem quân bản bộ gấp đường quay về, lập mưu với thái bảo Hóa, bắt đảng Đắc Tuyên bỏ ngục, rồi cho người vào Quy Nhơn bắt nốt Bùi Đắc Tuyên, rồi sai đô đốc Giai ra thành Thăng Long lập mẹo bắt Ngô Văn Sở đưa về, thêu dệt cho thành phản trạng và đem dìm cho chết đuối! (278) .

Các bức thư của các nhà truyền giáo tây phương thời bấy giờ cũng đề cập đến cái chết của Ngô Văn Sở mà tin tức không chính xác. Họ cho rằng Ngô Văn Sở âm mưu với Bùi Đắc Tuyên giết ba người con của Quang Trung và tôn con của Bùi Đắc Tuyên lên ngôi. Kết quả Ngô Văn Sở bị Võ Văn Dũng đem làm đuốc sống (Đặng Phương Nghi, op.cit,157).

Tóm lại, qua các tài liệu sử, Ngô Văn Sở đã chết năm 1795. Tuy nhiên, khi đọc các tài liệu sử đời Nguyễn, ta lại thấy có một Ngô Văn Sở còn sống, phục vụ cho nhà Nguyễn trong công cuộc chống Tây Sơn. Vì vậy, một số người đọc và người viết tại Việt Nam cho rằng Ngô Văn Sở không chết, trái lại đã chạy sang hàng ngũ nhà Nguyễn.
Đại Nam Thực Lục Chánh Biên ghi lịch sử nhà Nguyễn về tháng tư năm bính thìn ( 1796) như sau:
Đặt năm vệ Nhuệ Phong, Chiến Phong, Chiêu Võ, Tuyên Võ, và Chương Võ thuộc hậu quân. Lãy hàng tướng Ngô Văn Sở làm chánh vệ vệ Nhuệ Phong, lấy hàng tướng chỉ huy Lê Nho Can làm phó vệ Chương Võ. (535)
Đại Nam Liệt Truyện chép rõ hơn về tiểu sử Ngô Văn Sở ở mục quan lại triều Nguyễn như sau:
Tổ tiên là người Đăng Xương, phủ Thừa Thiên sau đến ngụ ở Gia Định. Trước theo ngụy làm đô úy, sau đầu hàng, theo quân đi dánh giặc, có chiến công từng thăng đến Hùng Nhuệ Vệ Úy. Năm kỷ mùi( 1799), theo Võ Tánh giữ thành Bình Định. Đến khi tướng giặc là Trần Quang Diệu vây thành, những tướng đầu hàng là Vũ Văn Sự, Nguyễn Bá Phong mở cửa bắc thành ra hàng giặc, Tính sai Sở chẹn cửa, từ đó những kẻ phản bội không dám ra. Đến khi thành bị mất, trốn về triều. Khoảng năm Gia Long thăng Khâm sai chưởng cơ, lĩnh chức quân đạo ngoài Thanh Hoa, có tội phải cách chức rồi chết. Minh Mạng năm thứ ba (1822), truy phục chức chưởng cơ, lại hậu ban cho người nhà, con là Thắng làm quan đến cai đội. (436) . Và con gái của Ngô Văn Sở đươc làm chánh phi của Minh Mạng (Liệt Truyện III, 82).

Phải chăng Ngô Văn Sở bị dìm sông nhưng được cứu thoát rồi chạy sang hàng ngũ Nguyễn Ánh? Hay đó là một Ngô Văn Sở khác ? Việc này gây khó khăn cho chúng ta vì tài liệu Tây Sơn đã bị hủy diệt. Chúng ta tạm đặt giả thuyết rằng có hai Ngô Văn Sở, một là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở và một và dô úy Ngô Văn Sở. Chúng ta thấy rằng hai Ngô Văn Sở này có họ tên giống nhau, sống đồng thời và cùng phục vụ Tây Sơn, nhưng họ cũng có những điểm khác nhau:
1.Tất cả tài liệu sử nhà Nguyễn đều ghi đại tư mã Ngô Văn Sở đã chết năm 1795. Không một tài liệu nào nói đại tư mã Ngô Văn Sở thoát chết dưới bàn tay của Võ Văn Dũng, và qua đầu hàng chúa Nguyễn . Nguyễn Ánh đã xác nhận Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đã chêt:
Quốc Triều Chánh Biên chép về tháng 5 năm ất mão (1795) như sau :
Ngài ( Nguyễn Ánh) nghe tư khấu giặc là Võ Văn Dõng giết cha con thái sư Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở, Ngài dạy các tướng rằng:' Giặc chém giết nhau, có thể thừa cơ đuợc. (29)
Nếu đại tư mã Ngô Văn Sở sang đầu hàng chúa Nguyễn thì chúa Nguyễn đã lợi dụng tin này để tuyên truyền ầm ĩ, chứ không im lặng. Lúc này nhiều tướng Tây Sơn như Lê Chât, Lê Nho Can , Nguyễn Bá Phong đã bỏ ngũ đầu hàng chúa Nguyễn và được lịch sử ghi chép đầy đủ chứ không hề bỏ qua
2. Năm 1798, Đại dô đốc Lê Chất khi sang đầu hàng chúa Nguyễn được phong làm đô thống chế, rồi Khâm sai chưởng hậu quân, tước quận công, đem quân ra bắc, và sau khi thống nhất đất nước, ông được phong hiệp tổng trấn Bắc thành, rồi tổng trấn Bắc thành thay Nguyễn Văn Thành! Nếu Ngô Văn Sở qua đầu hàng chúa Nguyễn thì ông đuợc trọng dụng hơn là Lê Chất vì ông có tài hơn Lê Chất nhiều.

3.Chức vụ của Ngô Văn Sở ở triều Tây Sơn là Đại Tư Mã, sau khi Quang Toản lên ngôi đuợc phong Đại Tổng Lý, tước quận công chứ không phải là một đô úy. Đại Tư mã là bậc đại tứơng, bậc đại thần, chức lớn hàng thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm trong triều, nắm toàn thể quân đội, như là vị Bộ trưởng quốc phòng hay Tổng Tham mưu trưởng. Còn đô úy thì ở dưới Đại đô đốc, đô đốc. Hai chức vụ này khác nhau xa, không thể lầm lẫn. Đại Nam Liệt Truyện khi nói đến Ngô Văn Sở đã gọi là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở. Chính điều này cho ta thấy có hai Ngô Văn Sở. một là đại tư mã Ngô Văn Sở, một là đô úy Ngô Văn Sở. Sử gia nhà Nguyễn không thể lầm lẫn, và đây là một sự khác biệt rõ rệt giữa hai Ngô Văn Sở, và khi đọc, chúng ta phải nhận rõ sự khác biệt giữa hai chức vụ .
4.Có lẽ đô úy Ngô Văn Sở hàng tướng đã theo Nguyễn Ánh trước 1795, và phải công lao ghê gớm mới đuợc phong làm Hùng Nhuệ Vệ Úy, đến 1796 thăng chánh vệ vệ Nhuệ Phong.
5.Tại làng Vĩnh Lộc, phủ Quảng Trạch ( nay là Hợp Hòa, Quảng Hòa, Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình có một gia đình họ Ngô, cho biết họ thuộc giòng dõi Ngô Văn Sở, tổ tiên vì lánh nạn mà ẩn cư tại đây. Trong khi đó, gia đình họ Ngô Văn Sở hàng tướng được vinh hoa phú quý, ông được phong chức chưởng cơ, con trai là Thắng làm cai đội, và con gái ông dược kết nạp làm hậu phi vua Minh Mạng
( Đại Nam Liệt Truyện , qu.3, tr.82). Nếu Đại tư mã Ngô Văn Sở đầu hàng Nguyễn Ánh thì sau 1802, gia đình này đã trở về Huế hưởng vinh hoa phú quý chứ không chịu ẩn lánh để mấy đời lưu vong.
6. Tạ Chí Đại Trường đã phân biệt hai Ngô Văn Sở khi ông làm bản liệt kê đặc danh: Một Ngô Văn Sở tướngTây Sơn và một Ngô Văn Sở tướng Nguyễn Ánh (op.cit. 405).
Trong khi chờ đợi những khám phá mới, chúng tôi tạm kết luận rằng dưới triều Quang Trung có hai Ngô Văn Sở, một là đại tư mã Ngô Văn Sở, anh hùng trận Đống Đa, đã chết năm 1795, và một là đô uý Ngô Văn Sở, gốc ở Thừa Thiên, đầu hàng chúa Nguyễn, phụ tá đắc lực cho Võ Tánh.


IV . CỜ TÂY SƠN

Ngày mồng năm tháng giêng, năm ất dậu
( 1965), tại điện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, ban tổ chức làm lễ thượng kỳ để treo một ngọn cờ đào, giữa tròng vòng. Ban tổ chức đã phân phát một tài liệu nội dung như sau:
'Vua Gia Long đã hủy diệt mọi di tích Tây Sơn, trong đó có ngọn cờ Quang Trung, nay họ muốn làm sống lại ngọn cờ chiến thắng Đống Đa. Họ nghĩ rằng cờ Quang Trung có màu đỏ vì ca dao vùng Bình Định có câu: Non Tây áo vải cờ đào,
Giúp dân, dựng nước biết bao công trình.
Ai Tư Vãn của bà Ngọc Hân cũng có câu:
Mà ai áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công trình!
Còn ở giữa tròng vàng, họ căn cứ vào Ai Tư Vãn:
Từ cờ thắm trõ vời cõi bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương!
Họ cũng căn cứ vào tên Quang Trung và các con đều khởi đầu bằng chữ Quang ( Quang Trung, Quang Toản, Quang Thùy, Quang Thiệu), họ cho Quang là vừng thái dương. Họ cũng cho biết truyền thuyết dân gian vùng này cũng nói đến cờ Quang Trung là cờ đào tròng vàng . Phát ngôn viên và người tổ chức chính là Hồ HữuTường (Cờ Quang Trung Hoà Đồng số 6, tr2 ). Giáo sư Phạm Văn Đang trong cuốn Văn Học Tây Sơn (48-49) cũng đã chưng hình cờ Tây Sơn nền đỏ tròng vàng nhưng ông không giải thích tại sao, có lẽ ông tin vào thuyết của Hồ Hữu Tường.
Thuyết này trước hết không có tính khách quan, và trung thực vì ông Hồ Hữu Tường là người đứng sau ban tổ chức dựng lên giả thuyết này, mà ông Hồ Hữu Tường là nhà tiểu thuyết và chính trị, thường tuyên bố ông là hậu duệ của Ngọc Hân, Quang Trung.
Lịch sử là một thực tại, không phải là một tác phẩm do trí tưởng tưọng sáng tạo. Những dẫn chứng trên không có sức thuyết phục. Ngày nay, các quốc gia đều có quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy. Trước đây thật lâu, các nước Tây phương thường có quốc hiệu, kỳ hiệu và huy hiệu ( Mỗi lãnh chúa có cờ hiệu và huy hiệu riêng) . Cái quan trọng ở đây là một lá cờ với màu sắc và huy hiệu. Phong tục của ta và Trung quốc không có quốc kỳ, không có kỳ hiệu và huy hiệu như thế. Lần đầu tiên nước ta có quốc kỳ là đời Tự Đức. Ngày 16-5-1862, phái bộ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Nam thương thuyết với Pháp về ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường bị Pháp chiếm. Phái đoàn xuống tàu Hải Bàng, trương quốc kỳ màu vàng, từ Huế tới cửa Hàn , rồi theo tàu Đan Loan nhờ tàu Forbin kéo vào Gia Định. Vì nước ta không có quốc kỳ như người Pháp đòi hỏi cho nên Phan Thanh Giản mới phải dùng cái thắt lưng màu vàng của ông làm quốc kỳ vì ông nghĩ màu vàng là màu của nhà vua (Trần Quốc Giám , 96-148).
Chúng ta không có quốc kỳ, không có huy hiệu nhưng chúng ta có nhiều loại cờ. Cờ được dùng trong dân chúng và trong quân đội. Ngày tết, ngày lễ, ngày hội, ngày giỗ họ đại tôn người ta treo cờ ngũ sắc và cờ tứ linh tại đình, miếu, chùa, nhà thờ họ để cho long trọng. Trong những cuộc lễ lớn, người ta treo một lá đại hồng kỳ ở giữa sân, xung quanh sân, dọc hàng rào, ngoài cổng là cờ ngũ sắc hay cờ tứ linh. Thường cờ ngũ sắc hình vuông, hay tam giác, xung quanh có tua lưọn sóng, và giải dài. Trong dám ma ở thôn quâ, người ta dùng đòn có chạm hình rồng làm kiệu khiêng quan tài, vị đô quan đứng trên kiệu đánh trống, phất cờ dỏ chỉ huy, ra lệnh nhấc lên, lùi xuống, tiến lên. ..
Trong phụ đồng chỗi, trẻ con cũng dùng cờ :
Đồng ca có bài:
Phụ đồng phụ chỗi,
Thổi lổi mà lên..
. . . . . . . . . . .
Đi mũ đi tế ,
Là quan chưởng đô
Đánh trống phất cờ,
Là phụ đồng chổi!

Trong quân đội, người ta dùng cờ để nêu danh hiệu của vị chỉ huy hoặc danh hiệu của đoàn quân. Thí dụ quân đội Mãn Thanh có Bát kỳ, và bọn Thái Bình Thiên quốc có nhiều nhóm mang những màu cờ khác nhau như Hoàng Sùng Anh cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc cờ đen, Bàn Văn Nhị , Lương Văn Lợi cờ trắng quấy nhiễu ở miền bắc nước ta thời Tự Đức (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 507).
Cờ chỉ đơn thuần là thế, không có một biểu tượng nào giữa là cờ. Có thể giữa cờ đề chữ để nói rõ danh xưng hay mục đích của chủ nhân lá cờ. Cờ của Trần quôc Toản không biêt màu gì nhưng đề chữ:' Phá cường địch, báo hoàng ân'(Trần Trọng Kim, 143). Mỗi đoàn quân đếu có cờ như cờ của Lê Lợi khi khởi binh có lẽ đề ' Bình Định Vương', cờ của Nguyễn Huệ khi ra đánh quân Thanh có lẽ đề Quang Trung. Còn cờ của Trần Hưng Đạo có lẽ đề một chữ Trần, hoặc Tiết Chế, Hưng Đạo vương, hoặc Sát Đát. Cờ được dùng để chỉ huy, để ban hiệu lệnh. Bình Định vương đã ra nghiêm lệnh cho quân đội có đoạn như sau:
3. Lúc lâm trận, nghe trống đánh, thấy cờ phất mà chùng chình không tiến..
4.Thấy kéo cờ dừng quân mà không dừng...
thì phải tội chém (Trần Trọng Kim, 218).
Trong dân chúng và quân đội , người ta thường dùng cờ đỏ để chỉ huy. Khi báo ân báo oán cho Thúy Kiều, Từ Hải đã dùng cờ đỏ:
Ba quân trỏ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri.
Và Tào Tháo trong trận đánh Ký Châu cũng dùng cờ đỏ để chỉ huy (Tam Quốc Chí III , . 34). Vậy cờ đào, cờ thắm của vua Quang Trung cũng chỉ là cờ chỉ huy của quân đội, không phải là quốc kỳ như quan niệm bây giờ.
Sở dĩ cờ lệnh là cờ đỏ vì màu đỏ là màu truyền thống vì cổ nhân ta thích màu son: tốt vàng son, ngon mật mỡ.
Màu đỏ đuợc dùng trong lễ cưới, ngày tết:
Lễ tơ hồng, khăn hồng, quả đỏ,
'Câu đối đỏ, bánh chưng xanh'
Y phục cũng dùng màu đỏ:
-khăn đỏ:
Mẹ già hết gạo treo niêu,
Anh còn áo trắng, khăn điều vắt vai.
Quần hồng:
Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha ( Kiều)
Và tròng vàng ở giữa chỉ là sự tưởng tượng hoặc giải thích quá xa. Ai Tư vãn có câu:
Nghĩa tôn phú vằng vặc bóng dương
Bóng dương ở đây là nói chính nghĩa sáng ngời.
Còn chữ Quang là ánh sáng. Nếu chỉ mặt trời thì phải là chữ Nhật chứ không phải chữ Quang. Chữ Quang có nhiều nghĩa, và nhiều hình ảnh. Có thanh quang, bạch quang, hồng quang, hoàng quang.. . Có ánh sáng mặt trời, ánh sánh mặt trăng, ánh sáng của tinh tú, ánh sáng của lửa, của đèn dầu, của nến, của đèn điện. . .Vả lại mặt trời cũng có nhiều màu: mặt trời đỏ, mặt trời trắng đâu phải chỉ có màu vàng mà thôi?
Ông Hồ Hữu Tường còn đưa ra việc đánh trống tại lễ kỷ niệm Quang Trung tại Bình Định và bảo rằng đó là trống lệnh trong quân đội Quang Trung. Nhật Bản có nghệ thuật đánh trống với nhiều diễn viên và nhiều trống. Tại Việt Nam ta thuật này ít phổ biến. Trước đây một vài nơi đã biểu diễn, không biết là do cổ truyền hay bắt chước Nhật Bản, Đại Hàn. Dẫu sao, đó là trống cúng thần hay trống biểu diễn văn nghệ, không phải trống lệnh dùng trong quân đội. Tục ta, khi báo động như đê vỡ, cháy nhà, cướp vào làng; hoặc triệu tập dân chúng như đóng thuế, đi lính thì đánh trống ngũ liên ( 5 tiếng liền nhau theo nhịp 2/3):
Thùng thùng trống đánh ngũ liên.
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Chúng ta không rõ khi ra trận, tổ tiên ta dùng trống trận như thế nào để chỉ huy việc tiến, dừng, hay thoái.Việc này phải có quy định trong quân đội để binh lính và tướng sĩ có thể hiểu rõ để thi hành thống nhất
Nói tóm lại, thuyết của Hồ Hữu Tường là mơ hồ, võ đoán. Và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong các trang sử đời Tây Sơn, bởi vì sự kiện xảy ra quá lâu, mà tài liệu của triều Tây Sơn đã bị triều Nguyễn phá hoại. Tuy nhiên, qua cuộc khảo cứu, chúng ta có thể kết luận rằng bà Ngọc Bình em gái Ngọc Hân sau 1802 đã làm cung phi vua Gia Long chứ không phải bà Ngọc Hân. Chúng ta chưa biết rõ về số con và tên con của Hoàng hậu Ngọc Hân, nhưng chắc chắn là đã bị vua Gia Long giêt hết. Chúng ta có thể nói rằng có hai Ngô Văn Sở, một Đại Tư Mã Ngô Văn Sở bị Võ Văn Dũng giết năm 1785 , và một đô úy Ngô Văn Sở, đầu hàng nhà Nguyễn trước 1786. Và nước ta vào hồi Tây Sơn chưa có quôc kỳ hay cờ Tây Sơn.


Tài Liệu Tham Khảo:
Đại Nam Liệt Truyện, 4 tập. Viện Khoa Học Xã Hội, Thuận Hóa,1993.
Đại Nam Thực Lục I. Giáo Dục, HN, 2002.
Quốc Triều Chánh Biên , Nghiên Cứu Sử Địa, Sàigon, 1972.
Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử, Bô GD, SG, 1968.
Đặng Phương Nghi. Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo tây phương. Tập san Sử Địa số 13, SG, 1969.
Hoa Bằng, Hoàng Thúc Trâm, Nguyễn Huệ. BốnPhương,SG, 1958.
Hoàng Thúc Trâm, Quốc Văn Đời Tây Sơn. Vĩnh Bảo, Sàigon, 1950
Hồ Hữu Tường. -Thằng Thuộc con nhà nông. Hoà Đồng số 1, 2-1-1965; số 2, ngày 9-1-1965; số 3 ngày 16-1-1965; số 4, 23-1-1965; số 6 tháng 2-1965; -Phân trần, Hoà Đồng số 4; Cờ Quang Trung. HD số 6.
Ngô Thời Chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô tất Tố dịch. Tự Do, Sàigon, 1958
Nguyễn Văn Sâm. Văn Học Nam Hà. Lửa Thiêng,SG,1974.
(Dòng Việt
Nghiêm Toản. Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu, Vĩnh Bảo, SG, 1949.
Phạm Văn Đang, Văn Học Tây Sơn, Lửa Thiêng, Sàigon, 1973
Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử. q.2, Quốc Học Tùng Thư, Sàigon, 1969.
Phan Kế Bính dịch, Tam Quốc Chí, quyển 3. Nhà xb XH& GDCN Ha nội, 1988.
Phan Thúc Trực. Quốc Sử Di Biên I, Lê Xuân Giáo dịch. QVK, SG. 1973.
Tạ Quang Phát dịch Ngọc Hân Công chúa Dật Sự .Nam Phong tạp chí, số 103, 1926.. Sử Địa số 13, SG, 1969, 120-123 .
Tạ Chí Đại Trường, Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam.Văn Sử Học,SG, 1973.
Thanh Lãng, Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Q.1.
Trình Bày, SG, 1967.
Trần Quốc Giám, Cuộc đời Phan Thanh Giản. Sử Địa, số 7-8, SG,1967.
Trần Văn Giáp. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam. KHXH, HN, 1971.
Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. , in lần 6,Tân Việt, SG, 1958.


===

No comments: