NGUYỄN HỘ
Một con người 'quyết liệt'
Một trí thức, người từng gắn bó với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhận định ông Nguyễn Hộ là một con người "quyết liệt".
Ông Nguyễn Hộ, nhà cách mạng kỳ cựu của phe cộng sản miền Nam Việt Nam nhưng ly khai khỏi hệ thống quyền lực hậu chiến, vừa qua đời hôm 01/07.
Ông là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, từng giữ các vị trí quan trọng trong Đảng và phong trào công đoàn.
Tuy nhiên, bất mãn vì cái mà ông xem là sự thoái hóa của Đảng sau 1975, ông Nguyễn Hộ sau này kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.
Nói chuyện với BBC từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Lữ Phương, từng là thứ trưởng Văn hoá của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đặt trường hợp Nguyễn Hộ trong bối cảnh Đổi mới thập niên 1980.
Lữ Phương: Trong thời kỳ Đổi mới, ông ấy đòi hỏi dân chủ. Do thôi thúc từ phong trào cải tổ ở Liên Xô, ông đứng ra tập hợp anh em đảng viên cựu kháng chiến. Thái độ của ông rất triệt để, cho rằng phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản (CNCS) mà chuyển sang chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ông nói ngày xưa nếu CNCS đã cứu đất nước khỏi ách thực dân, thì bây giờ chính CNTB sẽ cứu đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu.
Ông ấy in ấn ra báo, viết cả những bài tiểu luận. Sau khi ông Linh [Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh] phê phán, cả phong trào bị dập, ông ấy vẫn chống lại. Tờ báo bị đóng cửa không xuất bản ở Sài Gòn, ông xuống miền Tây nhờ anh em in cho. Rồi ông bị bắt, quản chế tại gia cùng một số đồng chí.
Trong hình dung của tôi, đó là một người ban đầu là cộng sản rất kiên cường, nhưng sau này khi Đổi mới, ông trở thành một người chiến đấu cũng rất kiên cường.
Ông nói ngày xưa nếu CNCS đã cứu đất nước khỏi ách thực dân, thì bây giờ chính CNTB sẽ cứu đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu
Lữ Phương
Cảm hứng
BBC:Thay đổi quan điểm chính trị của ông Nguyễn Hộ phát xuất từ cảm hứng nào?
Cá tính của ông rất quyết liệt. Vì thế ngày xưa, ông trung thành đến cùng, dù phải tù đày. Nhưng sang thời Đổi mới, cảm hứng lớn nhất là từ Gorbachev, sau đó là sự sụp đổ của "Phe Ta". Nói chung cả tôi và các anh em khác bấy giờ đều lấy cảm hứng từ đó để nhìn lại mọi vấn đề. Phong trào văn nghệ phê phán, như tờ Văn Nghệ, đều khởi đầu từ cải tổ bên Liên Xô.
Khi ông Linh lên làm Tổng Bí thư, cởi trói cho văn nghệ sĩ, khiến anh em như Trần Độ, Nguyên Ngọc đi theo ông Linh cả. Nhưng khi ông Linh thấy Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ông quay ngoắt lại đánh anh em. Bao nhiêu người ngày xưa là lính theo ông, bây giờ thay vì trao đổi thảo luận, ông đánh. Từ Liên Xô, ông ngả sang Trung Quốc để cứu chủ nghĩa xã hội.
Đám lính tráng theo ông phản ứng rất dữ, đến khoảng 1992 khi tờ Cửa Việt bị đóng cửa, phong trào coi như chấm dứt. Nhưng riêng ông Hộ, một công thần, vẫn phản ứng dữ dội.
BBC:Ông Võ Văn Kiệt đã từng đến thăm và nói chuyện với ông Nguyễn Hộ. Theo ông, ông Kiệt nhìn nhận ông Hộ thế nào?
Ông Kiệt không chủ trương như ông Hộ. Ông ấy muốn đổi mới từ bên trong, nương theo guồng máy mình tạo ra, êm thắm chuyển hóa nó khi có điều kiện. Ông Kiệt mềm, ôn hòa khôn ngoan, trái hẳn ông Hộ bộc trực. Nhiều khi họp, ông ấy vỗ bàn, ông la, ông hét.
Sau này ông Kiệt cũng đến thăm. Ông Hộ có nói ông nấu cà ri cho ông Kiệt ăn, hai bên chia sẻ thông cảm, nhưng mỗi người có cách phản ứng khác nhau.
BBC:Phong trào đổi mới 20 năm trước so với ngày hôm nay có gì khác, thưa ông?
Tính chất công khai, quyết liệt bây giờ hơn xa ngày trước. Lúc đó, bao nhiêu năm bị đè nén. Sang 1986, Đảng cầm đầu đổi mới. Chưa bao giờ có một tổng bí thư nói với nghệ sĩ nhiệt tình như ông Linh. Mọi sự bung ra là do Đảng đầu têu, mở cửa cho anh em.
Nhưng sau đó, Đảng trói lại một lần nữa, làm phong trào xẹp xuống.
Bây giờ không được bùng nổ vì Đảng chưa cho phép. Nhưng phong trào hiện nay có sức mạnh tiềm tàng, dữ dội hơn xưa vì tự thân nó âm ỉ, tự nó tìm cách nương theo những đổi thay của thế giới và xã hội Việt Nam.
Ví dụ phong trào phản đối bauxite rất tuyệt vời. Không phải là cái gì ngoài luồng, dựa dẫm bên ngoài mà tự thân nó tìm được biện pháp thích hợp, phải chăng mà cũng quyết liệt. Cái mới lần này là Đảng không thể ban ơn, cởi trói cho anh. Bây giờ xã hội đang tự cởi trói mình.
=
No comments:
Post a Comment