Thursday, May 10, 2012

BIỂN ĐÔNG


Bắc Kinh và Washington chơi trò dọa dẫm nhau

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, 04/05/2012
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, 04/05/2012
REUTERS

Minh Anh
Sự phát triển như vũ bão của Trung Quốc đang thúc bách bộ máy chính quyền và làm cho mối quan hệ với Mỹ trở nên phức tạp nghiêm trọng. Washington phản ứng lại thông qua các biện pháp được cho trước hết là thế dự phòng nhưng cũng có thể được hiểu là trong thế tấn công. Các biện pháp này đang thúc đẩy Bắc Kinh lao vào cuộc đua.

Quan sát mối quan hệ phức tạp Mỹ - Trung, ông Trầm Đinh Lập, viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ, thuộc trường đại học Phục Đán tại thượng Hải có bài viết nhận định đề tựa « Bắc Kinh và Washington chơi trò hù dọa lẫn nhau », đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 5/2012.
Một cách tổng quát, Trung Quốc sở hữu đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành một siêu cường trong tương lai : tăng trưởng kinh tế cao (tăng gấp 10 lần trong vòng một thập niên), ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới (cao hơn của Nhật Bản đến 80% và của Ấn Độ là 200%). Trong lãnh vực này, cách biệt với Mỹ đã được rút ngắn xuống từ tỷ lệ là 1:20 trong năm 2000 thì nay chỉ còn có 1/7.
Như vậy, trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ - Trung đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2000. Điển hình là kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh không ngừng tự khẳng định mình trên trường quốc tế và ngay cả trong quan hệ với Mỹ. Nhiều vụ va chạm đã xảy ra từ việc phản đối nhau trên hồ sơ giảm khí thải carbon tại thượng đỉnh Copenhague, va chạm nhỏ giữa hải quân hai nước trên vùng Biển Đông, cho đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và Iran.

Điều đó cũng không cản trở việc mở rộng quan hệ hợp tác của hai quốc gia trên nhiều lãnh vực : Chống khủng bố, chống tăng cường vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Nhưng nó cũng không có nghĩa là không có tranh chấp.
Trên phương diện kinh tế, Washington chỉ trích Bắc Kinh là « đánh cắp » việc làm của người Mỹ và cạnh tranh gian lận qua việc hạ giá đồng nhân dân tệ và vi phạm quy luật thị trường.
Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ lo ngại khi thấy Trung Quốc đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang và biểu thị sức mạnh của mình trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tác giả lập luận rằng, nếu xã hội Mỹ bị xói mòn do mất việc làm và việc di dời các xưởng sản xuất gia công, đấy cũng là do những đòi hỏi về hiệu suất tối đa của chủ nghĩa tự do kinh tế và chủ nghĩa tư bản. Mặt khác, cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn một phần là giữa toàn bộ các nước công nghiệp hoá và một phần khác là giữa các nước đang phát triển . Tác giả cho rằng, ai cũng biết rõ luận điểm này, nhưng mỗi bên sẽ chơi phần nhạc của mình ngay trong năm bầu cử tổng thống Mỹ này.

Quan hệ đối tác kỳ lạ
Theo một quan điểm chiến lược, rõ ràng Mỹ tỏ ra không mấy thích thú khi thấy Trung Quốc ngày càng đi lên thành cường quốc : từ việc quốc gia này hiện đại hoá quân đội, tăng cường các chương trình không gian cho quốc phòng cho đến việc trang bị cho hải quân các loại vũ khí hiện đại và tên lửa hạt tầm xa.
Chính vì thế, càng triển khai thêm quân ở châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền Washington càng rút bớt quân ở Irak và Afghanistan. Đồng thời, Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các đối tác mới để trắc nghiệm khả năng của hải quân Trung Quốc nhất là ngay trên vùng Biển Đông.
Ngay từ khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng mong muốn ưu tiên con đường ngoại giao hơn là đối đầu. Và phương pháp này, ít nhiều cũng đã gặt hái được một số thành công, nhất là trong trường hợp Miến Điện. Về phần các hợp tác quân sự hiện nay với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam, tác giả cho rằng chiến lược này của Mỹ không hẳn là không có dụng ý chiến lược và tư tưởng đằng sau.

Trên phương diện kinh tế, tác giả nhắc lại Trung Quốc đi theo hướng kinh tế thị trường vào thời điểm mà toàn cầu hóa đã bắt đầu giúp cho con người, dòng vốn tư bản và thông tin được lưu thông tự do hơn. Các nhà đầu tư của Mỹ vào thời điểm đó đã tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt tại Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận. Vào thời điểm này, Bắc Kinh đang cố gắng phát triển nền công nghiệp đất nước, còn Mỹ thì tiêu thụ với giá hời và để lại cho Trung Quốc vô số nhà máy gây ô nhiễm.

Trong bối cảnh này, theo nhận xét của tác giả, Bắc Kinh và Washington đã thắt chặt một mối quan hệ đối tác vừa kỳ dị mà cũng vừa không thể nào tách rời ra được. Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường của mình để cho phép Mỹ kiếm lợi. Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng mua các công trái phiếu của Hoa Kỳ để cho phép quốc gia này đi phung phí tài sản của mình tại Iraq hay tại Afghanistan. 
Theo nhận định của tác giả, nếu Trung Quốc cũng gánh vác một phần trách nhiệm trong thảm họa tài chính lần này, thì bản thân họ cũng là nạn nhân. Số công trái phiếu trị giá 1150 tỷ đô-la do Bắc Kinh nắm giữ góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng khủng hoảng tài chính và cho phép Washington có thể tiêu xài trên chiến trường Afghanistan. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ phát hành tiền cho phép nước này có thêm vốn, nhưng lại làm giảm đi giá trị của số đô-la mà Trung Quốc đang nắm giữ.
Khủng hoảng tài chính kéo dài buộc đôi bên phải nghĩ đến việc cần thiết phải thực hiện tái cân bằng. Từ lợi ích quốc gia, Trung Quốc buộc phải phát triển tiêu thụ nội địa, quan tâm đến vấn đề môi sinh và giảm thặng dư mậu dịch.

Đối với Mỹ, đã đến lúc phải đưa một phần sản xuất về lại trong nước nhằm tạo một cán cân mới giữa tài chính và công nghiệp. Các nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhìn nhận, đành rằng thành lập các xí nghiệp tại Trung Quốc sẽ thu lợi cao, nhưng nó cũng đào sâu thêm chênh lệch xã hội và cũng va chạm đến những giá trị đạo đức.
Hơn nữa, tác giả cũng nhận thấy rằng cả hai quốc gia đều không có cùng qui mô chiến lược. Hoa Kỳ có một ý chí bá chủ toàn cầu và sở hữu lực lượng quân sự duy nhất có khả năng triển khai nhanh chóng trên cả hành tinh. Một khả năng mà Trung Quốc phải còn rất lâu mới có thể có được.

Đài Loan, điểm chú tâm theo dõi của cả Trung Quốc và Mỹ
Kể từ bây giờ cả hai nước lại đặt mình trong một lô-gích xung đột. Việc bán vũ khí cho Đài Loan đẩy Trung Hoa đại lục phải hiện đại hoá quân đội. Ngược lại, việc Trung Quốc thúc đẩy tiến trình quân sự hoá cũng làm cho Washington nghi ngờ Bắc Kinh có mưu đồ chiến lược vượt ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của mình.

Bởi vì Trung Quốc chế tạo các máy bay mà tầm bay không hề được giới hạn trong khu vực. Các chiến đấu cơ này đậu trên các chiến hạm trong vùng vịnh Aden và xác nhận mong muốn có được các khu căn cứ hỗ trợ ở nước ngoài.
Các tín hiệu này đã khiến cho Mỹ phải tăng cường các đợt trinh sát trong các vùng lãnh hải và không phận Trung Quốc. Do đó, để bảo vệ cho các chiến dịch trong trường hợp can thiệp quân sự lên Đài Loan, Trung Quốc đã phiêu lưu đến mức hộ tống các chiến hạm và máy bay chiến đấu của Mỹ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Một số báo cáo còn nêu rõ dụng tâm của Bắc Kinh xem Biển Đông như là một phần lợi ích quốc gia mình. Thái độ này cũng như là chính sách của họ đối với Nhật Bản và vùng bán đảo Triều Tiên giải thích rõ phần nào sự trở lại của Hoa Kỳ tại châu Á. Bởi lẽ Trung Quốc đã cung cấp cho họ một cái cớ về tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông.
Chọn lựa này tuân theo hai mục tiêu : Tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và dự báo mọi sự vi phạm luật quốc tế tại Thái Bình Dương. Trên thực tế, liên quan đến việc lưu thông ngoài khơi, quyền lợi của cả đôi bên là trùng nhau. Bên này và bên kia đều phải có được sự tự do lưu thông hàng hải. Không có lý do gì để thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ, nếu như không có bên nào có ý định chặn con đường lưu thông huyết mạch. Vấn đề là tốt hơn hết nên thiết lập quyền và nghĩa vụ của từng bên. Hoa Kỳ cũng cần phải cam kết không gây cản trở về các quyền cơ bản của Trung Quốc. Như vậy, việc tái cân bằng lại quyền lực giữa đôi bên sẽ là một ván cờ quan trọng trong thập niên tới.

Liên minh Đại Tây Dương muốn châu Âu phải đóng góp nhiều hơn nữa
Cũng liên quan đến lãnh vực ngoại giao, Le Monde Diplomatique quan tâm đến Hội nghị Thượng đỉnh Chicago của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sắp diễn ra vào các ngày 20 và 21/5/2012. Theo quan sát của tác giả bài viết thì « Liên minh Đại Tây Dương muốn châu Âu phải đóng góp nhiều hơn nữa ».

Trong khi khủng hoảng tinh thần trong nội bộ sẽ đè nặng lên các cuộc tranh luận tại Chicago, thì thêm vào đó là áp lực của bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của khối kể từ 13 năm nay. Về mặt lô-gích, chính quyền Obama mong muốn đưa ra các thông cáo kiên quyết và mang tính chất cải tổ cơ cấu. Họ cũng muốn trình bày các vấn đề dưới một góc nhìn tiến bộ, với mục tiêu là tránh sự chỉ trích của đối thủ là phe Cộng hoà. 
Điều đơn giản nhất cho ê-kíp của ứng viên phe Dân chủ là chứng tỏ rằng khối NATO hậu Afghanistan vẫn là một việc « quốc sự » đối với Washington về mặt chiến lược, nhất là trên phương diện công nghiệp và công nghệ - một lập luận nặng ký vào lúc ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm đến hơn 400 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới.
So với mức 600 tỷ đô la chi cho quốc phòng hàng năm, thì viễn cảnh của sự thiếu hụt này đang gây ra phản ứng mạnh mẽ trong hàng ngũ các nghị sĩ thuộc các đơn vị bầu cử nơi có các nhà máy của Boeing, Lockheed Martin, General Dynamics hay Raytheon.

Vì vậy, dưới áp lực của bầu cử sắp đến, các cố vấn của Nhà Trắng có ý định sẽ biến Thượng đỉnh Chicago lần này thành nơi trưng bày giới thiệu vũ khí của Hoa Kỳ.
Theo Le Monde Diplomatique, kể từ những năm 1960, lãnh đạo Lầu Năm Góc cảm thấy bực bội vì các khoản đóng góp ngân sách quốc phòng yếu kém từ phía châu Âu. Tâm trạng này được thể hiện ngày càng rõ trong thời gian gần đây. Nhiều tín hiệu đã được gửi đến các đồng minh, đề nghị phải có một nỗ lực thật sự trên phương diện trang thiết bị. Một hình thức kêu gọi các « quốc gia tham gia liên minh miễn phí » trong hệ thống phòng thủ chung mua các thiết bị hiện đại của Hoa Kỳ. Bởi vì, phần đông các quốc gia trong khối không có ngành công nghiệp quốc phòng.

Le Monde Diplomatique nhắc lại vào năm 2002, tại Thượng đỉnh Praha, Mỹ đã từng có ý định ấn định « tham gia theo khả năng ». Nghĩa là, mỗi quốc gia, trong một lãnh vực cụ thể (máy bay tàng hình, vệ tinh, tàu tiếp tế, viễn thông…) cam kết điều hành một chức năng và mua sắm trang thiết bị chung cần thiết tùy theo khả năng tương tác và tính hiệu quả cho cả khối.
Thế nhưng, tham vọng này vẫn như là tờ giấy trắng, mà bằng chứng là cuộc chiến Libya. Trong chiến dịch này chỉ có ba nước là đóng vai trò chủ chốt : Pháp cung cấp các chiến đấu cơ Rafale, Anh đưa các chiến hạm và Mỹ ở đằng sau, hậu thuẫn về mặt cung cấp các tàu tiếp vận, tình báo, đài chỉ huy và kiểm soát.

Theo Le Monde Diplomatique, qua chiến dịch Libya, khi cố tình ở lại phía sau, Washington đã muốn nhân cơ hội này đưa ra một thông điệp : Có thể trong tương lai, Mỹ sẽ ít tham gia các hoạt động trong khối. Trong tài liệu Tổng quan Chiến lược Quốc phòng (Defense Strategic Review, DSR), do chính tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hồi tháng Giêng năm nay, cho thấy, Hoa Kỳ sẽ tái triển khai quân tại vùng châu Á-Thái Bình Dương và tuyên bố rằng kể từ giờ, sứ mạng lịch sử của khối NATO tại châu Âu đã hoàn thành.

Trước các thông điệp của Mỹ đưa ra, để không bị rơi vào trạng thái « mồ côi », quả thật các quốc gia châu Âu trong khối buộc phải đầu tư với sự phối hợp về kỹ thuật và tác chiến của Hoa Kỳ. Đấy cũng chính là nền tảng của khái niệm « phòng thủ thông minh » (smart defense) do ông Rasmussen, tổng thư ký NATO người Đan Mạch đưa ra vào hồi tháng 2/2011. Theo ông, đây là cách tốt nhất để đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm suy kiệt các nguồn lực của các nước thành viên châu Âu. Theo đó, chỉ cần tập trung vào các khả năng quân sự theo cơ cấu và cùng nhau hỗ trợ về mặt tài chính. Đồng thời chiến lược này cũng kêu gọi các nước thành viên nào đã có sẵn nền công nghiệp quốc phòng thì nên chuyên môn hoá để tránh tình trạng dư thừa.
Thế nhưng, theo nhận định của bài báo, dự án « smart defense » chứa đựng rất nhiều mối nguy hiểm. Bởi lẽ, những nước nào đã có sẵn một nền công nghiệp quốc phòng như Pháp chẳng hạn sẽ dần dần mất đi tính tự chủ về công nghiệp và chiến lược của mình.
Tại Trung Quốc, trẻ em ở các tỉnh nghèo bị suy dinh dưỡng trầm trọng
Trở lại Trung Quốc với chủ đề xã hội, tuần san Courrier International số ra tuần này có đăng trích dịch một bài viết trên tờ Tâm Kinh báo tại Bắc Kinh đề tựa « Tôi, Tú Lệ (Xiuli), 12 tuổi, bị thiếu ăn và là nạn nhân của căng-tin ». Theo Tâm Kinh báo thì tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn đang hoành hành tại các tỉnh nghèo. Tuy nhiên, chương trình quốc gia nhằm đẩy lùi « cái đói » lại bị xói mòn vì tham nhũng.
Bé Lương Tú Lệ, 12 tuổi, nhưng chỉ cao có 1,30m, tức chỉ cao bằng một bé gái 8 tuổi ở thành thị. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của sự tăng trưởng chậm trễ là do suy dinh dưỡng. Bé Tú Lệ là học sinh lớp 4, học nội trú tại một trường tiểu học ở huyện Na Pha (Napo), thuộc tỉnh Quảng Tây.
Trên thực tế, nhà trường chỉ cung cấp hai bữa ăn cho học sinh nội trú. Các em phải tự xoay sở cho bữa ăn sáng và bé Tú Lệ hầu như không có thói quen dùng bữa sáng. Bé Tú Lệ không chỉ là trường hợp duy nhất. Trong lớp học của bé gồm 50 học sinh, thì chỉ có 3 hay 4 em là có dùng bữa sáng.
Trong suốt học kỳ 2 năm 2010, Quỹ nghiên cứu về phát triển của Trung Quốc đã tiến hành một điều tra tại các vùng nông thôn thuộc các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Ninh Hạ, và Thanh Hải. Qua việc đo chiều cao của các học sinh tiểu học, các nhà điều tra nhận thấy tình trạng thiếu ăn trầm trọng và tăng truởng chậm ở các trẻ nông thôn.
Hơn nữa, việc đo chiều cao của các học sinh tiểu học từ lớp 4 đến lớp 6 tại huyện Độ Ngạn (Du’an) tỉnh Quảng Tây, kết quả cho thấy ở 13 tuổi, có rất nhiều em trai ở nông thôn có chiều cao và trọng lượng bằng trẻ 10 tuổi ở thành thị, so với mức trung bình trên toàn quốc. Thêm vào đó, hầu hết các em đều không được bổ sung thêm chất vitamine C và 72% học sinh bị đói trong các giờ học.
Vào mùa thu năm rồi, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho các học sinh đi học trong khuôn khổ giáo dục bắt buộc ở các vùng nông thôn, với một ngân sách hàng năm khoảng 16 tỷ tệ , tức khoảng 3 tệ/ ngày/ em cho hơn 680 huyện thử nghiệm.

Tuy nhiên, theo bài báo, số tiền hỗ trợ của chính phủ trước khi đến được tay của các em cũng đã bị gặm nhắm một phần. Các trường gọi các nhà thầu cung cấp thực phẩm với giá cao hơn với giá bán sỉ ngoài thị trường. Một hiệu trưởng cơ sở đào tạo tại Na Pha cho biết, nếu khéo thương lượng với các nhà thầu thì ông ta cũng có được một chút ít tiền hoa hồng.

Mặt khác, tác giả bài viết cũng ghi nhận rằng nhiều trường học tại các tỉnh An Huy, Quý Châu, Quảng Tây và Thanh Hải đã gọi các doanh nghiệp tư nhân để cung cấp thức ăn dự trữ cho học sinh.
Thậm chí, bữa ăn chiều của các em học sinh còn được làm từ các loại thực phẩm rẻ tiền bán trong các tiệm tạp hoá ở gần trường học như xúc-xích hay bánh quy. Một số trường học khác thì chọn cách đưa trực tiếp cho các em 2 tệ/ngày, nhưng nhà trường không nói rõ sẽ làm gì với số tiền còn lại.
Các nhà điều tra còn khám phá ra rằng trong nhà ăn của các trường học, khoai tây bị mọc mầm và nhà bếp thì nằm trong các nhà vách rách nát tối tăm được trang bị rất nghèo nàn.

Nhiều trường học còn trữ gạo và rau cũ chung với nhau do thiếu chỗ để bảo quản. Ngoài ra, tại nông thôn, các trường học còn không thể nào tránh được tình trạng chuột và sâu bọ. Do đó, có nhiều vị hiệu trưởng đã chọn giải pháp chỉ mua bánh mì và sữa cho học sinh. Tuy nhiên, có nhiều em đã cho các nhà điều tra biết là có nhiều hôm các em dùng phải trứng có mùi thối và sữa bị ôi.
tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Quốc tế - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120506-bac-kinh-va-washington-choi-tro-doa-dam-nhau 

Giới nghiên cứu Trung Quốc: Bắc Kinh đuối lý khi đòi chủ quyền ở Biển Đông


Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov


Trọng Nghĩa
Theo một công trình nghiên cứu vừa được Mỹ công bố, chính giới nghiên cứu Trung Quốc thấy rằng lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền tại Biển Đông không thể đứng vững.
Chính quyền Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng họ có chủ quyền “không thể chối cãi” trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Thế nhưng Bắc Kinh luôn luôn bác bỏ các đề nghị đưa tranh chấp ra trước tòa án quốc tế hoặc mở đàm phán đa phương về vấn đề này. Trong một công trình nghiên cứu vừa được một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố, sở dĩ chính quyền Trung Quốc có lập trường như trên, đó là vì chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thấy rằng lập luận của Bắc Kinh không thể đứng vững dưới lăng kính của luật pháp quốc tế.

Ngày 03/05/2012 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security CNAS), trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố đồng thời ba bài nghiên cứu của họ về các điểm nóng tại hai vùng biển Hoa Đông và Nam Hải (tức Biển Đông). Đáng chú ý nhất là bài của nữ chuyên gia Tôn Vân (Sun Yun) mang tựa đề : Nghiên cứu Nam Hải : Quan điểm Trung Quốc (Studying the South China Sea: The Chinese Perspective), nêu bật kết quả nghiên cứu của bốn định chế nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay về Biển Đông.

Trong bài viết dài 10 trang, bà Tôn Vân đã nêu bật kết luận của một chuyên gia phân tích của chính phủ Trung Quốc, sau khi điểm lại các kết quả nghiên cứu của các định chế được giao phó trách nhiệm đề xuất ý kiến với Nhà nước về chính sách thích hợp cho Biển Đông, nhằm đối phó với Hoa Kỳ và với các quốc gia khác trong khu vực.

Kết luận đó rất rõ ràng : Nếu tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ chín đường gián đoạn cũng như “chủ quyền lịch sử" của họ tại vùng biển đang có tranh chấp. Mặt khác, nếu được tiến hành, các cuộc đàm phán đa phương về tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo, bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông “hầu như sẽ dẫn tới kết quả là Trung Quốc sẽ bị mất đi ít ra là một phần” các vùng biển và lãnh thổ mà họ đòi hỏi chủ quyền.

Có điều, theo bà Tôn Vân, những lời thừa nhận kể trên của giới nghiên cứu đã được giữ kín hoàn toàn, không hề tiết lộ ra cho công chúng biết. Đối với bà Tôn Vân, trong cộng đồng nghiên cứu chính sách tại Trung Quốc, có một sự công nhận khá rộng rãi là chính sách Biển Đông căn cứ vào tấm bản đồ "hình lưỡi bò" sẽ tạo ra nhiều vấn đề, tương tự như chủ trương thương thuyết song phương về những tranh chấp mà bản chất là đa phương, hay là việc áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.

Bản nghiên cứu của bà Tôn Vân nhận định : “Bắc Kinh không thể cho phép xảy ra tình trạng tựa như là lãnh thổ của mình rơi vào tay ngoại bang. Do đó, giữa cử tọa ngoại quốc và dư luận trong nước, họ đã quyết định bám víu vào những đòi hỏi chủ quyền và những lời khẳng định hiện nay, kể cả khi phải trả giá cao về mặt ngoại giao”.

Vì thế, các chuyên gia Trung Quốc đã đồng loạt đổ lỗi cho Hoa Kỳ về việc khuấy động cho tình hình Biển Đông căng thẳng. Theo họ, Mỹ đã lợi dụng vấn đề này để khai thác phá hoại tình hữu nghị giữa Trung Quốc và các láng giềng, tăng cường liên minh với Philippines và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ trong khu vực.

Bản nghiên cứu của bà Tôn Vân ghi rõ : "Các nhà phân tích Trung Quốc đều không tin là các nước nhỏ trong khu vực dám thách thức Trung Quốc trên Biển Đông nếu không có sự can thiệp của Mỹ".
Tác giả đã trích lời ông Viên Bằng (Yuan Peng), giám đốc của Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ của Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng, chính sự can dự và hậu thuẫn của Mỹ đã nhào nặn phán đoán về chiến lược cũng như quyết định của các nước trong khu vực, thúc đẩy họ ngày càng quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Xin nói thêm là bà Tôn Vân hiện là một chuyên gia thỉnh giảng tại Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á, thuộc Viện Brookings ở Mỹ. Bà nguyên là chuyên gia phân tích của Tổ chức phi chính phủ nổi tiếng International Crisis Group, làm việc tại Bắc Kinh trong đề án Đông Bắc Á của tổ chức này.
tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Phân tích - Trung Quốc
 

Trung Quốc đưa tàu công xưởng khổng lồ đến Biển Đông

Tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 - Trung Quốc

Tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 - Trung Quốc Thụy My Theo hãng tin Đài Loan CNA hôm nay 06/05/2012, Trung Quốc đã điều một tàu công xưởng và một đội tàu hỗ trợ đến Biển Đông, nhập vào đoàn tàu đánh cá hiện có của Trung Quốc tại đây. Sự kiện này diễn ra trong lúc việc tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng ở Biển Đông đang căng thẳng.

Tàu Hải Nam Bảo Sa 001, một tàu chế biến hải sản khổng lồ 32.000 tấn, và một chiếc tàu dầu 20.000 tấn, hai tàu vận tải 10.000 tấn và ba tàu hỗ trợ có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn sẽ đến tăng cường cho đội tàu đánh cá hiện có từ 300 đến 500 chiếc của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Hãng tin CNA dẫn nguồn tin từ Văn Vị Báo, tờ báo Hoa ngữ có trụ sở tại Hồng Kông cho biết như trên.
Hải Nam Bảo Sa là tàu công xưởng chế biến hải sản lớn nhất của Trung Quốc, loại tàu này hiện nay trên thế giới chỉ có bốn chiếc. Trên tàu có bốn nhà máy chế biến, 14 dây chuyền sản xuất và khoảng 600 công nhân. Tàu mẹ và các tàu hỗ trợ sẽ cung ứng các phương tiện cần thiết để chế biến đến 2.100 tấn hải sản mỗi ngày.
Hiện nay, đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc không thể ở lâu trong khu vực vì thiếu phương tiện chế biến. Đội tàu bổ sung này sẽ giúp các tàu cá Trung Quốc có thể đánh bắt tại Biển Đông suốt 9 tháng.
Bên cạnh đó, hôm 26/4 Quốc gia Hải dương Cục của Trung Quốc cũng đã đồng ý « trên nguyên tắc » cho chính quyền tỉnh Hải Nam xây dựng bến cảng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sở Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ước tính bến tàu này sẽ giúp sản lượng hải sản trong khu vực đạt 2,2 triệu tấn vào năm 2015, thu về 50 tỉ nhân dân tệ (tương đương 7,9 tỉ đô la).
Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 20/01/1974, sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
tags: Biển Đông - Châu Á - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120506-trung-quoc-dua-tau-cong-xuong-khong-lo-den-bien-dong
Hoa Kỳ quan tâm về vai trò của Đài Loan ở Biển Đông
Chính phủ Đài Loan đã bác bỏ đề nghị bố trí phi đạn phòng không tầm ngắn trên những hòn đảo ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Quyết định này được Thứ trưởng Quốc phòng Triệu Thế Chương loan báo tại Viện Lập pháp ở Đài Bắc hôm thứ năm (ngày 3 tháng 5, 2012), một ngày sau khi Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về vai trò của Đài Loan ở Biển Đông. Mời quí thính giả nghe Duy Aí trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Bộ quốc phòng Đài Loan mới đây đã bác bỏ đề nghị tái bố trí phi đạn địa đối không ở khu vực có tranh chấp ở Biển Đông sau khi Hoa Kỳ bày tỏ “quan tâm” đối với kế hoạch này.


Theo báo chí Đài Loan, Thứ trưởng Quốc phòng Triệu Thế Chương hôm thứ năm nói với các nhà lập pháp ở Đài Bắc rằng không nên bố trí phi đạn trên đảo Pratas (Đài Loan gọi là đảo Đông Sa) và đảo Itu Aba (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình).


Ông Triệu nói rằng hành động như vậy có thể làm bùng ra những vụ tranh cãi chính trị và ảnh hưởng tới những hoạt động tuần tiểu thường lệ trong khu vực này. Ông Triệu nói thêm rằng vấn đề hậu cần của các lực lượng phòng vệ ở đảo Đông Sa và đảo Thái Bình cũng sẽ bị tác động tiêu cực bởi việc bố trí phi đạn, cho nên vấn đề bố trí vũ khí ở đó nên giữ nguyên tình trạng hiện nay.


Quyết định của Bộ Quốc phòng Đài Loan được loan báo một ngày sau khi các giới chức Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về việc Đài Loan dự định gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng trong khu vực này đang mỗi ngày một tăng.


Phát ngôn viên Christopher Kavanagh của Văn phòng Đại diện Hoa Kỳ tại Đài Bắc nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ cho một tiến trình ngoại giao có tính chất hợp tác của tất cả các bên liên hệ để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà không sử dụng tới sự cưỡng ép.


Ông Lâm Úc Phương, đại biểu quốc hội thuộc Quốc Dân Đảng đương quyền, hôm 30 tháng tư vừa qua đã cầm đầu một phái đoàn cấp cao đến thăm đảo Itu Aba và đề nghị chính phủ tăng cường khả năng phòng thủ ở hòn đảo nằm cách cảng Cao Hùng của Đài Loan gần 1.400 kilo mét về hướng nam.


Ông Lâm cho đài VOA biết rằng Văn phòng Đại diện Hoa Kỳ tại Đài Bắc đã tiếp xúc với ông, và tuy không gây áp lực, nhưng phía Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm mà ông mô tả là ôn hòa đối với việc bố trí phi đạn.


Ông nói rằng đó là một trong những lý do khiến Đài Loan tạm gác qua một bên kế hoạch bố trí phi đạn.


Ông Lâm Úc Phương cho biết ông cảm thấy hài lòng đối với công tác  phòng thủ trên đảo Itu Aba khi đến thị sát đảo này:


"Trước đây tôi cứ nghĩ là khả năng phòng thủ trên đảo không được tốt, nhưng giờ đây tôi nhận thấy là hoạt động phòng thủ trên thực tế không tệ lắm. Súng ống và các công sự đều rất tốt, rất kiên cố. Tinh thần của binh sĩ ở đó cũng rất cao."


Ông Lâm Úc Phương cho rằng tăng cường khả năng phòng vệ của Đài Loan là một việc cần thiết trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều sóng gió.


Tuy nhiên, ông cho biết ông hoàn toàn tán thành chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ông nói thêm như sau:


"Hoa lục đã tiến hành hai trận hải chiến với Việt Nam, và kết quả là Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Vả lại, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đều gieo mầm cho cuộc chiến tranh kế tiếp."


Ông Vương Cao Thành, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Bắc, tán đồng quan điểm vừa kể. Ông nói rằng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phương cách duy nhất, vì trong thế kỷ 21, khi các nước có những mối quan hệ kinh tế thương mại vô cùng mật thiết với nhau, việc sử dụng vũ lực là lợi bất cập hại vì chắc chắn cả hai bên đều bị tổn thương.


"Trước khi có được một nhận thức chung hay qui tắc chung, các bên đều đơn phương thực hiện những hành động phòng vệ. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả các bên đều phải cố gắng để tránh xung đột và nên ngồi lại với nhau để thương lượng, thỏa hiệp và tìm ra một phương cách để giải quyết."


Nhà làm luật Lâm Úc Phương cho biết ông đã được các viên chỉ huy trên đảo Thái Bình báo cáo về những nguồn tin liên quan tới những vụ đối đầu hồi gần đây giữa các tàu tuần của Đài Loan và Việt Nam trong vùng biển này.


Ông nói rằng báo chí đã thổi phồng sự việc ngày 22 tháng 3 khi nói rằng tàu Việt Nam đã nổ súng và làm cho binh lính trên tàu Đài Loan “hồn vía lên mây”.


Ông cho biết ngày đó tàu Việt Nam và tàu Đài Loan có chạy gần nhau, nhưng không hề xảy ra vấn đề đối đầu hay xung đột nào cả. Ông cũng cho biết Đài Loan với Việt Nam và Philippines lâu nay có những kênh tiếp xúc khá tốt đẹp và tình hình trong vùng biển do Đài Loan kiểm soát hiện nay khá yên tĩnh.


Ngoài việc đề nghị tăng cường sự hiện diện quân sự, nhà lập pháp Lâm Úc Phương cũng yêu cầu chính phủ ra lệnh cho công ty dầu khí quốc doanh tiến hành ngay những hoạt động thăm dò dầu khí tại các vùng biển đang nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Loan. Ông giải thích như sau:


"Theo tôi, đối với việc khai thác dầu khí ở khu vực đó các bên nên giàn xếp với nhau thông qua đàm phán hòa bình. Và trước mắt thì các nước có thể tiến hành hoạt động thăm dò ở vùng biển đang nằm dưới sự kiểm soát của mình."


Đề nghị vừa kể gặp phải sự chống đối của một số người ở Đài Loan vì họ e rằng hành động như vậy có thể làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng thêm nữa trong lúc cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sau khi bùng ra hồi đầu tháng tư.


Tuy nhiên, ông Trương Quốc Thành, cựu thứ trưởng quốc phòng Đài Loan, cho đài VOA biết rằng đây là một việc nên làm và sẽ không gây ra ảnh hưởng tiêu cực nào.


Ông nói rằng Đài Loan sẽ lâm vào thế bị động nếu không tiến hành những hoạt động kinh tế hay quân sự trong vùng biển do Đài Loan kiểm soát, trong khi các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông đều làm như vậy từ nhiều năm qua.


Mặt khác, các giới chức chính phủ Đài Loan cũng chính thức bác bỏ những ý kiến cho rằng Đài Bắc nên hợp tác với Bắc Kinh để bảo vệ điều mà một số người Trung Quốc gọi “di sản chung của dân tộc Trung Hoa ở Biển Đông” trước sự chiếm đoạt của các nước vùng Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines.


Trong cuộc điều trần tại Viện Lập Pháp Đài Loan hồi hạ tuần tháng tư, bà Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Uûy ban Quan hệ với Hoa Lục, cho biết như sau:


"Các chính phủ ở hai bờ của eo biển Đài Loan lâu nay vẫn có tranh chấp chủ quyền với nhau. Đài Loan có thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền của mình. Đối với vấn đề chủ quyền của những hòn đảo ở Nam hải, chính phủ Đài Loan sẽ tự xử lý và không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này."


Các giới chức khác của Ủy ban Quan hệ với Hoa Lục hôm thứ Năm vừa qua cũng tái khẳng định các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ bất khả phân của Đài Loan và sẽ không có sự hợp tác nào giữa Đài Loan với Trung Quốc trong khu vực này.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/focus/taiwan-south-china-sea-5-5-12-150296415.html

No comments: