Saturday, May 26, 2012

NHÂN QUYỀN VIẾT NAM

 

Ân xá Quốc tế công bố phúc trình thường niên 

về nhân quyền Việt Nam



Việt Nam vẫn tiếp tục cấm đoán nghiêm ngặt quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân. Đó là nhận xét của tổ chức Ân xá Quốc tế về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam được nêu lên trong Báo cáo thường niên mang tên Tình trạng Thế giới năm 2012 vừa công bố.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này nói rằng thời gian qua Việt Nam vẫn đàn áp mạnh tay những người bất đồng chính kiến dám chỉ trích các chính sách của nhà nước và các đối tượng dễ bị đàn áp nhất là những nhà hoạt động dân chủ, kêu gọi cải cách, hoặc phản đối các chính sách về môi trường, đất đai, quyền lao động, và quyền tự do tôn giáo.

Bà Janice Beanland, chuyên trách vận động về tình hình nhân quyền Việt Nam, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Nói về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua, nổi bật nhất là tình trạng tiếp tục đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, tiếp tục bỏ tù những người có quan điểm khác biệt với chính quyền, những nhà hoạt động xã hội về quyền đất đai hay quyền của công nhân. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Hà Nội sẽ thay đổi xu hướng này. Tình hình nhân quyền Việt Nam càng lúc lại càng tồi tệ đi trong những năm gần đây.”

Báo cáo của Ân xá Quốc tế có liệt kê hàng loạt các trường hợp bị bắt bớ, giam cầm tại Việt Nam trong năm qua vì các hoạt động ôn hòa cổ võ dân chủ và nhân quyền.

Ân xá Quốc tế cho rằng Hà Nội dùng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như điều 88 và 79 để trấn áp và trừng phạt những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa.

Theo Ân xá Quốc tế, tính tới cuối năm ngoái, có hơn 18 người bị bắt tại Việt Nam vì các hoạt động cổ súy cho dân chủ bao gồm các nhà hoạt động Công giáo trẻ. Ba người trong số này vừa bị tuyên các bản án từ 3 tới 3 năm rưỡi tù giam ngày 24/5 về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố

 phúc trình thường niên về nhân quyền Việt Nam

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, ngày 24/5, trình Quốc hội Mỹ bản Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011, trong đó có nêu lên thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận xét rằng các vi phạm nhân quyền chính yếu nhất tại Việt Nam bao gồm những giới hạn chặt chẽ của nhà nước về quyền chính trị của công dân nhất là quyền thay đổi chính thể, việc gia tăng các biện pháp hạn chế quyền tự do dân sự, và tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp cũng như bộ máy công an.

Báo cáo nêu rõ các vi phạm cụ thể về quyền con người tại Việt Nam từ tình trạng công an ngược đãi tù nhân, giam cầm tùy tiện những người hoạt động chính trị, cho tới việc khước từ quyền được xét xử công bằng của công dân.

Phúc trình cũng nói rằng hệ thống tư pháp Việt Nam bị bóp méo bởi quyền thế chính trị và tham nhũng.

Vẫn theo bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu tôn giáo, tăng cường đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và gia tăng kiểm duyệt internet với việc tấn công các trang mạng và theo dõi các trang blog, và vẫn cấm không cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền độc lập được hoạt động.

Báo cáo cho thấy nạn bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ cũng như buôn người tại Việt Nam vẫn tồn tại cùng với tình trạng khai thác tình dục trẻ em và phân biệt đối xử về giới tính cũng như với những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài ra, phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng chính quyền Việt Nam giới hạn quyền của công nhân không cho phép họ thành lập và tham gia các công đoàn độc lập không thuộc nhà nước.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong lúc giới chức Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền xuống cấp tại Việt Nam.

Mới đầu tháng, nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi thế giới đừng quên trường hợp bị giam cầm của blogger Điếu Cày tại Việt Nam vì các hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến.

Giữa tháng này, trong cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ do Uûy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ Viện tổ chức, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, ông Michal Posner nêu rõ thực trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam gây phương hại cho quan hệ chiến lược Việt-Mỹ. Ông Posner nhấn mạnh:

“Chúng tôi vẫn thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam không có gì khích lệ và không thể chấp nhận được. Các giới chức trong chính phủ Mỹ tiếp tục nêu các vấn đề này với Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội. Chúng tôi nêu rõ với Việt Nam rằng mong muốn của đôi bên về mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa hai nứơc Việt-Mỹ tùy thuộc vào việc Hà Nội có cải thiện đáng kể về nhân quyền hay không.”

Phúc trình thường niên của Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ nhằm báo cáo những thông tin ghi nhận cho các nhà lập pháp Mỹ và cung cấp thông tin tham khảo cho các chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ về tình hình nhân quyền các nước trên thế giới.

Washington công kích Hà Nội 

không tôn trọng quyền công dân

Cảnh sát chống bạo động đối đầu với nông dân trong vụ cưỡng chế đất ở Nam Định ngày 09/05/2012.
Cảnh sát chống bạo động đối đầu với nông dân trong vụ cưỡng chế đất ở Nam Định ngày 09/05/2012.
REUTERS/Nguyen Lan Thang

Tú Anh
"Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một chế độ độc tài độc đảng, bầu cử không tự do không công bằng, tư pháp tham ô. Chính quyền hạn chế quyền công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chế độ chính trị, gia tăng các biện pháp trấn áp các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, kể cả trừng phạt lòng yêu nước của công dân bằng đạo luật an ninh quốc gia".

Bản phúc trình về nhân quyền tại Việt Nam năm 2011, dày 48 trang, do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm qua 24/05/2012 mô tả Việt Nam là một bức tranh u ám : những quyền tự do của một xã hội bình thường hoàn toàn thiếu vắng tại Việt Nam. Vấn nạn lớn nhất cho người dân Việt Nam là không có quyền dùng lá phiếu để thay đổi chính quyền, trong khi chế độ gia tăng các biện pháp hạn chế quyền tự do của công dân. Bộ máy tư pháp và an ninh thì bị tham ô và chính trị chi phối. Người dân sống trong một chế độ áp bức, công an tra tấn, bạo hành nghi phạm thậm chí đánh chết người vô tội mà không bị trừng phạt, điều kiện lao tù khắc nghiệt, chính quyền bắt người tùy tiện, tòa án xét xử chớp nhoáng với bản án định trước.

Các nhà tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ dân oan bị cưỡng chế đất đai hay chủ quyền đất nước, chống tham vọng xâm lăng của Trung Quốc, đã bị chính quyền tự tiện bắt giam với những lời buộc tội vu khống.
Báo chí và internet bị đảng Cộng sản và các cơ quan ngoại vi kiểm soát chặt chẽ. Nhiều phóng viên chính thức lẫn blogger độc lập đã bị tù vì đụng chạm đến những vấn đề được gọi là nhạy cảm như chuyện tham ô, tình hình biển đảo và thậm chí chuyện tình ái của con cháu giới lãnh đạo.
Về tôn giáo, chính sách trấn áp vẫn tiếp diễn nhất là ở nông thôn, qua các bản án trừng phạt 6 tín hữu Tin lành ở Bến Tre và những vụ bắt bớ cấm đạo trên Tây nguyên. Tuy nhiên, dù Giáo hội Công giáo được chính quyền công nhận, thì nhiều cơ sở hoặc xứ đạo vẫn là nạn nhân bị chính quyền địa phương sách nhiễu như trường hợp giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, Cồn Dầu ở Đà Nẵng.
Trong lãnh vực xã hội, chính quyền ngăn cấm các tổ chức phi chính phủ độc lập hoạt động trên nhiều lãnh vực, tình trạng bạo hành phụ nữ, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho các đường dây mại dâm vẫn tiếp tục. Chính phủ Việt Nam giới hạn quyền bảo vệ người lao động, không cho thành lập công đoàn độc lập.
Trong suốt 48 trang, bản báo cáo đơn cử hàng trăm trường hợp cụ thể từ những người được biết tiếng như Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, nhóm chủ trương Câu lạc bộ nhà báo tự do Điếu Cày Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, cho đến những công dân bình thường chỉ vì một hành động yêu nước mà phải vào tù như Bùi Thị Minh Hằng hay nhạc sĩ sinh viên Việt Khang.
Cũng trong phần nhận định về tình trạng thiếu tự do ngôn luận tại Việt Nam, bản báo cáo đương cử trường hợp của ông Nguyễn Anh Tuấn, sáng lập viên và Tổng biên tập vietnamnet bị áp lực phải từ chức hồi tháng 2 năm 2011. Bên cạnh đó là một loạt 9 blogger đã bị bắt hồi năm ngoái, và một loạt thanh niên sinh viên công giáo đột nhiên phải vào tù.
Một chi tiết đáng được chú ý là Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt quan tâm đến tình trạng bạo hành của công an Việt Nam trong cơ sở của công an. Những vụ oan khiên này được đưa ngay lên phần một của bản phúc trình, với trường hợp của ông Trịnh Xuân Tùng bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết tại Hà Nội hồi tháng 3 năm ngoái, vụ thanh niên Nguyễn Công Nhựt ở Đồng Nai, Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang đã gây ra một cuộc biểu tình phản đối của gần 30 ngàn dân hồi tháng 7/2010…..
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không quên những vụ mất tích bí ẩn từ nhiều năm trước như trường hợp đại đức Thích Trí Khải, của thanh niên Lê Trí Tuệ, sáng lập viên Công đoàn Tự do.
Tình trạng cưỡng chế đất đai của nông dân gây ra những cuộc tranh đấu từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên cũng được đưa lên phần đầu của bản phúc trình.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định là chính phủ Việt Nam không có thái độ dứt khoát trừng phạt những viên chức lạm dụng chức quyền. Thành phần công an cảnh sát hà hiếp dân gần như là không bị trừng trị.
tags: Hoa Kỳ - Nhân quyền - Phân tích - Quốc tế - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120525-washington-cong-kich-ha-noi-khong-ton-trong-quyen-cong-dan

Hoa Kỳ báo cáo về nhân quyền ở Việt nam

Cho đến chiều hôm nay chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được phản ứng từ gì phía Việt Nam về bản phúc trình thường niên vê nhân quyền mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mới cho phổ biến.
Trong bản phúc trình này, chính phủ Hoa Kỳ nói rằng nhà nước Hà Nội vẫn tìm cách giới hạn quyền chính trị của người dân, nhấn mạnh đến việc người dân Việt Nam không được quyền thay đổi chính phủ, chính quyền tăng cường biện pháp để hạn chế tự do dân sự.

Báo cáo cũng nói đến chuyện tự do tôn giáo vẫn bị giới hạn, chính quyền vẫn dùng cớ bảo vệ an ninh quốc gia để hạn chế quyền tự do ngôn luận, kể cả tự do báo chí và tự do internet.

Bản báo cáo cũng nhắc lại những vụ đàn áp xảy ra hồi năm ngoái khi dân chúng tự động tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, nhắc lại chuyện một sĩ quan công an ở Hà Nội đạp vào mặt người biểu tình.

Trong báo cáo này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng viết rằng phái Việt Nam thường hay chỉ trích các tuyên bố về nhân quyền và tôn giáo mà các tổ chức phi chính phủ hay chính phủ nước ngoài cho công bố.http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-in-us-hr-report-05252012123312.html

Mỹ chỉ trích VN hạn chế tự do ngôn luận

Cập nhật: 23:32 GMT - thứ năm, 24 tháng 5, 2012
Hình minh họa
Báo cáo nói chính phủ Việt Nam giám sát các hoạt động Internet
Báo cáo thường niên về nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ, vừa công bố thứ Năm 24/5, nói chính phủ Việt Nam "tiếp tục dùng các điều khoản an ninh quốc gia và chống vu khống rộng khắp để hạn chế" tự do ngôn luận, trong đó có tự do báo chí.
Các phóng viên nước ngoài vẫn phải đóng ở Hà Nội, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ của một phóng viên chỉ tường thuật chủ đề kinh tế thì được sống ở TP. HCM, theo phúc trình nhìn lại một năm ở Việt Nam.
Bấm Phúc trình cho biết các phóng viên nước ngoài phải xin lại visa mỗi ba hay sáu tháng. Số lượng nhân viên nước ngoài cũng bị hạn chế, và nhân viên người Việt phải đăng ký với Bộ Ngoại giao.
Thủ tục thuê phóng viên, người chụp ảnh là người Việt được nói là "tiếp tục nhiêu khê".
Nhiều phóng viên cho các hãng nước ngoài cho hay họ bị an ninh quấy rầy, đe dọa không cấp visa nếu "còn làm các tin về chủ đề nhạy cảm".
Báo cáo của Mỹ cũng đề cập các trường hợp cây bút người Việt bị "tấn công hoặc đe dọa" trong năm qua.
Nói về báo chí chính thống, phúc trình cho biết "tổng biên tập trang web Sài Gòn Tiếp Thị bị buộc rời chức vụ sau khi đăng những bài nhạy cảm cuối năm 2010".
Theo phía Mỹ, ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập và là tổng biên tập trang VietnamNet, "bị gây sức ép phải từ chức" tháng Hai năm ngoái.

Tự do Internet
Báo cáo nói mặc dù người dân ngày càng dễ tiếp cận Internet hơn, nhưng chính phủ "theo dõi email, tìm những từ nhạy cảm, và kiểm soát nội dung Internet".
Về các điều luật và quy định, Mỹ ghi nhận các công ty Internet toàn cầu mở blog hoạt động trong nước phải báo cáo với chính quyền sáu tháng một lần. Nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp thông tin về các blogger.

Phía Mỹ cho biết chính phủ Việt Nam "dường như dỡ bỏ hầu hết hạn chế đối với trang web VOA, mặc dù tiếp tục chặn RFA trong phần lớn thời gian".
"Trang web BBC tiếng Việt và tiếng Anh có những lúc bị chặn trong năm," theo báo cáo.
Báo cáo cho biết ít nhất chín blogger bị bắt trong năm qua, và nhắc đến trường hợp các thanh niên Công giáo tại tỉnh Nghệ An bị bắt.
Cũng trong ngày 24/5, bốn trong số những người này đã bị các mức án khác nhau trong phiên tòa một ngày ở Vinh, Nghệ An.
Về tự do học thuật, Mỹ ghi nhận các học giả nước ngoài "được phép thảo luận các chủ đề phi chính trị một cách rộng rãi và tự do trong lớp, nhưng người quan sát của chính quyền thường xuyên dự các lớp của cả người nước ngoài và người Việt".

Các ấn phẩm học thuật "thường phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ". Các tổ chức khoa học kỹ thuật vẫn bị cấm không được "công khai chỉ trích chính sách của Đảng và nhà nước".
Giới nghệ sĩ "được phép có nhiều quyền chọn chủ đề tác phẩm hơn so với các năm trước", trong khi các đại học cũng có thêm tự chủ đối với các chương trình hợp tác và trao đổi quốc tế.

Báo cáo nhắc đến sự trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hè 2011, với ví dụ đoạn phim trên mạng cho thấy cảnh Đại úy Minh, một công an thành phố Hà Nội, đạp vào mặt người biểu tình.
Phía Mỹ cho hay ban đầu người này bị tạm đình chỉ công tác, nhưng sau đó đã được phục chức.
Báo cáo cũng cho rằng vào tháng 11, "an ninh mặc thường phục đã đánh và tạm giữ khoảng 30 học viên Pháp Luân Công" khi họ biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.
Bấm Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm 24/5 nói các vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam là sự hạn chế quyền chính trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ; tăng cường biện pháp hạn chế tự do dân sự; và tham nhũng trong hệ thống tòa án và cảnh sát.
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng, nhưng báo cáo của Mỹ viết "chính phủ chỉ trích hầu hết các tuyên bố về nhân quyền và tôn giáo của các tổ chức phi chính phủ và chính phủ nước ngoài".
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120525_viet_freedom_speech.shtml

 

No comments: