Monday, June 5, 2017

BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 469

Monday, May 22, 2017


HOWARD W.FRENCH * THỰC DÂN TRUNG CỘNG

Thực Dân Mới tại Châu Phi


“Lục địa thứ hai của Trung Hoa “

china africa

Câu chuyện mê hoặc nhưng đáng báo động về quá trình thực dân hóa kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi
Nhà báo Howard W. French đi vòng quanh châu Phi để gặp gỡ với một số trong số một triệu người di cư Trung Quốc hiện đang sống và làm việc ở đó.
Chris Hartman, đăng trên Christian Science Monitor 08 tháng 8 năm 2014
Người dịch: Kevin Bùi
Trong biên niên sử của chủ nghĩa thực dân và bá quyền hiện đại, chỉ có một vài hiện tượng có tính mưu đồ như sự vận động hung hăng của Trung Quốc vào châu Phi, nơi mà, theo Howard W. French, là lục địa thứ hai của Trung Hoa với xấp xỉ một triệu người Hoa đã di cư sang cho tới nay. Trong cuốn sách mới quan trọng của mình, French dệt một tấm thảm phong phú các giai thoại, xen kẽ với rất nhiều cuộc phỏng vấn với những người di cư Trung Quốc và người châu Phi bản địa, cung cấp cho độc giả cái nhìn rất công bằng, đôi khi hài hước và thông cảm, nhưng luôn luôn theo sát mối quan hệ độc đáo này.
French, người trước đó đã viết về châu Phi cho The New York Times và The Washington Post và thông thạo tiếng Hoa, lưu ý một số động cơ khiến người Hoa di cư đến châu Phi: cơ hội kinh tế rộng lớn hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và tương đối ít lãnh đạo tham nhũng hơn. Chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo Tập Cận Bình cũng khuyến khích sự di cư này, Tập hiểu rằng châu Phi đang thể hiện một cơ hội lớn cho sự phát triển và thị trường mới. Chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng hiểu rõ rằng châu Phi đã phần lớn bị Phương Tây bỏ qua và do vậy đã chủ động trong việc khai thác khoảng trống để lại bởi phương Tây và Mỹ.
Châu Phi, theo quan điểm của French, hiện đã đạt được một sự ổn định chính trị tương đối, và có thể coi là có diện tích đất trồng trọt được lớn nhất trên thế giới và và nguồn cung cấp đặc biệt dồi dào các tài nguyên thiên nhiên – bao gồm đồng, vàng, kim cương và các khoáng sản khác – lục địa này cung cấp cho những người Trung Quốc các cơ hội kinh doanh mà không bao giờ tồn tại ở quốc gia quê hương mà họ tự cho là “tham nhũng”, “quá đông đúc” và “quá bị ô nhiễm”.
Đầu tư đáng kể từ chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ cácđại công ty quốc doanh đạt được một chỗ đứng trên vùng đất mới này; nhưng French nhấn mạnh rằng có rất nhiều việc định hình tương lai của Trung Quốc tại châu Phi đến từ những người chơi nhỏ bé hơn, những doanh nghiệp mà  theo cách riêng của mình, chính là những kiến trúc sư của mối quan hệ liên lục địa vừa chớm nở này.
Chắc chắn, đã có những đụng độ văn hóa, với việc châu Phi chỉ trích các đơn vị Trung Quốc đang khai thác các ngành công nghiệp địa phương và các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường xuyên xảy ra. Rào cản ngôn ngữ và các cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền địa phương cũng là những thách thức đáng kể cho những người khách châu Á. Tuy nhiên, cuốn sách của French có đầy các ví dụ về những người di cư Trung Quốc kiên cường, những người đã theo đuổi thành công cơ hội trong lĩnh vực mới này.
Một trong những cá nhân sống động mà French phỏng vấn là Hào Shengli, một người định cư ở Mozambique, người đã mua một vùng đất lớn để trồng thuốc lá và các cây trồng khác. Tính cách hướng ngoại của anh được tiết lộ thông qua ngôn ngữ ướp đậm những lời tục tĩu và những thành kiến ​​chủng tộc và tình dục. Từng trải qua nhiều thất bại kinh doanh ở Trung Quốc, Hào đại diện cho bản chất tinh khiết nhất của tâm lý “cao bồi”- một người theo chủ nghĩa cá nhân không dễ bị lừa và nhìn những người bản địa như một trở ngại phải vượt qua – mặc dù ông cũng dành những lời chỉ trích sắc nhọn cho chính phủ quê hương, mà ông cho rằng về cơ bản là tham nhũng, cũng như những người di cư Trung Quốc đồng hương, những người mà anh không nhất thiết phải tin tưởng.
Zambia là dừng chân tiếp theo của French – một trong những quốc gia sản xuất đồng hàng đầu của thế giới. Có vẻ như người ta đã lãng quên thực tế làTrung Quốc, chiếm 40% nhu cầu đồng thế giới, có các lợi ích hấp dẫn trong tương lai của Zambia. Theo ước tính của French, hiện nay có trên 100.000 người Trung Quốc định cư ở Zambia, là một trong những cộng đồng di dân lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi. Và đầu tư của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế Zambia có nơi nương tựa và giúp hình thành một tầng lớp trung lưu châu Phi lên tới 300 triệu người, nhiều hơn so với Ấn Độ. Mặc dù vậy, Zambia đã trở thành điểm nóng cho nhiều cuộc tranh luận chính trị và bất ổn lao động của châu lục này về những người Trung Quốc mới tới.
Ở ngoại ô Lusaka, thủ đô Zambia, French gặp Hồ Renzhong, một chủ trang trại lợn và gia cầm. Anh sở hữu một “biệt thự trang trại” và trang trại của anh được trang bị với những trại giống gà “hiện đại một cách ấn tượng”. Anh đã chuyển từ tỉnh Giang Tây của Trung Quốc trong giữa những năm 1990 và tạo ra gia sản lớn bằng cách chăn nuôi gà và mua những khu đất lớn. Hồ khẳng định với French, “Mọi thứ đã bắt đầu phát triển thực sự nhanh chóng ở quê nhà và rất nhiều người cứ cố bảo tôi rằng tôi đã phạm sai lầm.Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự nhìn lại. “
Yang Bohe điều hành một nhà máy chế biến đồng ở gần Ndola. Giống như Hào Shengli, ông đã phải chịu đựng sự đàn áp của Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc và cũng đang tìm kiếm một khởi đầu mới ở một vùng đất mới. Yang là một trong số hiếm hoi những người di cư Trung Quốc nói tiếng Anh, và buồn bã kể lại ông đã kết bạn với một giáo viên ở Thành Đô người, người tự mang lại rủi ro cho chính mình, đã đưa cho Yang ba trang của một quyển Kinh Thánh mỗi ngày để Yang học trước khi đốt đi.
Yang cuối cùng đã vay vốn và xây dựng một nhà máy luyện đồng tại Ndola, một thành công tuyệt vời; nhưng những lời đồn đại thì cứ lan rộng, và chỉ làm trầm trọng thêm lời phàn nàn phổ biến của người Zambia về người Hoa- rất ít thuê nhân công địa phương và cách ly mình khỏi dân bản xứ. Lặp đi lặp lại một định kiến ​​phổ biến, Yang khẳng định: “Họ rất giàu có về đấtđai. Và người Zambia có thân thể tốt.Vấn đề là họ không thể làm việc chăm chỉ. “Nhưng French cũng không kém phần ngạc nhiên khi ông hỏi Yang về những người Trung Quốc khác cùng ở Ndola. “Tôi không nói chuyện với người Trung Quốc khác ở đây,” ông nói vớiFrench.”Tôi chỉ quan tâm tới việc của mình.”
Các dự án công nghiệp và cộng đồng người Trung Quốc ở Lusaka, bao gồm một bệnh viện 159 giường và một sân vận động 45.000 chỗ ngồi mới, đã làm nhụt đi sự đối lập ở địa phương, nhưng bọt sủi dưới bề mặt là sự oán giận nóng bỏng của người Zambia về mức lương thấp, ngày làm việc 13 giờ và làm việc trong những điều kiện nguy hiểm mà họ tin rằng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của rất nhiều người lao động. Người Trung Quốc thực thi một mức độ an toàn lao động nhất định; nhưng thường thì người lao động địa phương không cóđược sự bảo vệ từ hóa chất hay không khí độc hại mà nhà máy thải ra. Và để thêm dầu vào lửa, vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở các mỏ Collum và Chambisi của Zambia trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ trên thực tế đã bị bỏ qua bởi chính phủ Tổng thống Zambia Rupiah Banda, chính quyền mà dường như đã bị bán sạch cho Trung Quốc với sức mạnh kinh tế đáng kể  của họ. Đó là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong cuốn sách của French.
Ở Senegal, một trong những nền văn hóa thương mại sôi động nhất của châu Phi, cửa hàng Trung Quốc đã trở nên vô cùng phổ biến, và cũng như ở Zambia, đã dẫn đến một phản ứng dữ dội nhanh chóng từ người dân địa phương coi đây là sự “thuộc địa hóa” lĩnh vực bán lẻ của họ. Cuộc gặp gỡ tiếp theocủa Frenchvới Li Jicai, một chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất thành công tại thủ đô Senegal Dakar. Tìm cách thâm nhập vào ngành thương mại mà trước đây chiếm lĩnh bởi dân Li-băng (Lebanese), Li cho biết anh đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử của khu vực.Anh nói vớiFrench, “Khi tôi đến lần đầu, tôi cảm nhận rằng thương mại rất kém phát triển.Tôi bán quần áo.Tôi bán giày dép.Tôi đã bán hàng hóa.Về cơ bản, tôi đã bán bất cứ điều gì tôi có thể.Đối với tôi, sự hiểu biết về châu Phi đã trở thành chuyện hiểu biết về kinh tế.Điều đó đã trở thànhthầy giáo của tôi.”Ghi nhận thành công của Li, những người khác nhanh chóng tham gia các cuộc di cư từ Hà Nam đến Dakar.
Trên đại lộLa Centenaire của Dakar, những quầy hàng của thương nhân Trung Quốc nằm xen kẽ với quầy hàng của những người Senegal đầy cảnh giác.French tán chuyện với một trong số những người di dân Hà Nam (TQ), Lưu, người nhanh chóng lên giọng về sự không hài lòng của anh đối với dân địa phương: “ Làm thế nào để họ có thể phát triển với cái kiểu giáo dục họ có ở đây? Hãy nhìn Trung Quốc mà xem.Chúng tôi đưa người vào không gian.Chúng tôi phát triển các công nghệ của mình.Chúng tôi phát minh ra các thứ và cạnh tranh với các nước giàu. Nhưng đám dân này, họ thuộc loại không thể dạy dỗ gì được… Vì họ sẽ chẳng học”.Nhưng đây cũng là một môi trường kinh tế khắc nghiệt đối với người Hoa, rất nhiều người đã phải buộc quay về quê hương sau khi thất bại về tài chính.Lưu than phiền về tình trạng tội phạm ở Dakar, gợi ý rằng người Hoa là mục tiêu chủ yếu. Ngoài ra, một số phụ nữ yếu đuối như Chen, người đã di cư sang Senegal trong tuyệt vọng, đã phải trải qua bị buôn bán tình dục.
Trên một chuyến bay sang Liberia, French gặp một người phụ nữ trẻ trung linh hoạt đến từ Quảng Đông, tên là Jin Hui. Người phụ nữ này “ bị kẹt chặt… với những quan sát văn hóa của cô về [Liberia], với một tràng dài như bản kinh cầu gồm những cái nhìn hạ cố về một bộ phận cư dân uể oải, bẩn thỉu, lười biếng của đất nước này. Đối với French, các quốc gia như Liberia và các láng giềng như Sierra Leone và Guinea, đã vướng vào cái gọi là “chiến tranh bẩn thỉu” của những năm ở thập kỷ ’90, ‘2000, minh họa các con đường khác nhau mà châu Phi có thể đi theo trong tương lai, và vai trò quan trọng mà Trung Quốc có thể đảm nhiệm ở lục địa này. Các quốc gia châu Phi với những nền dân chủ ổn định sẽ tận dụng mối quan hệ với Trung Quốc để giành được sự đầu tư và tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc về những mặt hàng xuất khẩu của họ. Nhưng mặt khác, các quốc gia với truyền thống độc tài và xung đột nội bộ có xu hướng bán nguồn khoáng sản dồi dào của họ cho Trung Quốc và không thể tận dụng được cơ hội kiếm lời ngoài những gì đào bới và bán được.Nói cách khác, nước nào đã đa dạng hóa nền kinh tế của mình sẽ thành công, nước nào không làm được vậy sẽ thất bại.
French dẫn lời của nhà văn Graham Greene, miêu tả Liberia với thương hiệu độc đáo “đầy hạt giống” lâu nay, theo French, giờ đây nhường chỗ cho sự khốn khổ. Liberia là một sáng tạo của Mỹ ở thế kỷ 19, và trong tâm trí French, là “điều gần đây nhất mà Mỹ đã từng làm cho một thuộc địa châu Phi”. Ông cho rằng dù với sự cần cù, nhiệt tình đáng kể và các doanh nghiệp của người Hoa nhập cư, không hề có sự tiến bộ nào ở Liberia cả.
Một trong những người French phỏng vấn ở Monrovia, một chủ khách sạn tên là Li Jiong, đón French trên chiếc xe Mercedes Benz đời mới và ngay lập tức bắt đầu câu chuyện về chính trị. “Người Mỹ mang rất nhiều tiền cho đất nước này, nhưng hoàn toàn bị lãng phí.Tiền đó không bao giờ tới được người dân.Trung Quốc học hỏi được từ điều đó”. Ông tiếp tục, “ chúng tôi chẳng cho tiền. Chúng tôi xây các thứ.Bằng cách đó, người dân có thể nhìn thấy các tác động.”Trở về khách sạn của Li, French không tìm thấy cái khăn tắm nào trong phòng, nhân viên sau đó đã mang khăn lại cho French và khẳng định “Chúng tôi thường không đưa khăn tắm vì phần lớn người Hoa đều tự mang khăn của mình.Họ không muốn dùng những cái khăn mà một người da đen có thể đã từng dùng qua”.
Li sau đó đánh bóng về khách sạn của mình cũng như viêc buôn bán cây iroko, hisnuli, hoặc những gì tự ứng dụng, và duyên phận của anh, [yuan fen], để làm giàu ở châu Phi: “Tôi có “yuan fan” vì tôi làm việc chăm chỉ. Đó là lý do tại sao tôi có nhà thế này, có xe và có các công việc kinh doanh khác. Không làm việc chăm chỉ, thì số mệnh chẳng nghĩa lý gì”.Anh sau đó tiếp tục đề tài về người Liberia.”Đám lãnh đạo ở đây chẳng hiểu biết chút gì về việc họ làm.Nếu không thì tại sao có tới 80% dân số thất nghiệp?Nếu không thì tại sao họ chẳng đủ nuôi sống mình?” Và tình cờ nghe được cuộc gọi giận dữ của French tới Kenya Airway về việc mất hành lý, Lí tiếp tục “ Người da đen không biết làm việc gì nên hồn… Truyền thống của họ được hình thành từ thời không có điện thoại cũng như đường cao tốc.Họ rất dễ dàng vứt bỏ những gì không khẩn cấp ra khỏi đầu óc”. Điều này dẫn tới nhận định của French về những người Hoa ông gặp ở Liberia: “Một số thì có những nhận xét thiếu hiểu biết về người châu Phi và hoàn cảnh của họ, và cả những ngây thơ trông thấy của người châu Phi. Cũng có kiểu lạc quan và tự tin đáng kinh ngạc,cả hai cách nghĩ đều có vẻ ngây thơ như nhau”.

Củng cố thêm cho những khuôn mẫu đánh giá của người Hoavề người Liberia là Tiến sĩ Đại, người điều hành một phòng khám y tế Trung Quốc ở ngoại ô Monrovia.Ông nói rằng ông không thuê người Liberia, vì họ”bẩn, lười biếng và hay ăn cắp.”Ông nói thêm, “Các bệnh nhân không thích họ.Ví dụ  đã có một người da trắng – một nhà ngoại giao Đức – trực tiếp cho tôi biết: “ Tôi tin vào khả năng của anh và sự sạch sẽ của anh, nhưng nếu có người da đen ở đay thì tôi sẽ không dùng phòng khám này”. Tôi chẳng làm gì được.Tôi không thể thay đổi cách nghĩ của người da trắng”. French tự nghĩ “Đây là một cách khá thông minh, dù không thuyết phục để xây dựng và tẩy rửa hình ảnh của mình một chút bằng cách dùng những người khác để thể hiện định kiến của mình”.
Khi đến thăm Conakry, Guinea, Frenchgặp phải các vấn đề về điện, ùn tắc giao thông và những đám đông cảnh sát quân sự, và những yếu tố này, trong số những điều khác, khiến French so sánh hợp đồng trị giá 5 tỷ USD, Trung Quốc đã cung cấp Guinea (cải thiện cơ sở hạ tầng để đổi lấy đặc quyền của Trung Quốc trongkhai thác quặng sắt, quặng bauxite và dầu khí) với lời đề nghị $6 tỉ đổi lấy 20 năm khai thác khoáng sản của Congo- cả hai đã từng trải qua chế độ độc tài và đại diện cho con đường xuống dốc mà French đã đề cập ở trên.
Amadou Dano Barry, bạn đồng hành ở Guinea củaFrench và là học giả ở Đại học Conakry, giải thích sự xông xáo của Trung Quốc ở nước này: “Nó được việc cho người Hoa ở châu lục này. Đó là bởi vì người châu Phi đã không làm chủ được quản lý.Các nhà lãnh đạo của chúng tôi biếngnhác và thái độ của họ là những thứ chi tiết thì quá phức tạp.”Đánh giá người Trung Quốc, Barry cho biết thêm,” Người Trung Quốc đến và họ muốn sắt của anh, bauxite của anh, dầu khí của anh. Đổi lại, họ sẽ cung cấp các dự án chìa khóa trao tay cho anh, những dự án mà họ cung cấp các vật liệu, công nghệ và cả nhân công, với tiền lương phần lớn không được thanh toán ở trong nước (Guinea) và không đóng góp gì cho nền kinh tế quốc gia sở tại. Trung Quốc từ lâu đã tài trợ các dự án như vậy ở các nước như Congo và Guinea bất kể nội tình đất nước đó ra sao, và điều này mang lại những lời chỉ trích đáng kể của phần còn lại của thế giới dành cho Trung Quốc.
Trong Freetown, Sierra Leone, cuộc nội chiến tàn phá đất nước; nhưng ngay sau khi người Nigeria đẩy lùi những phiến quân khỏi thành phố, doanh nhân Trung Quốc đã tới Freetown và đàm phán thành công mua lại  Bintumani, một khách sạn lớn đã bị hư hại nặng và bị cướp phá trong cuộc xung đột. Không lâu sau, họ hoàn toàn khôi phục khách sạn, và điều này là sự khởi đầu của sự hồi sinh của Freetown.Các công ty làm đường của Trung Quốc sau đó đã đến và giành được hợp đồng từ các công ty Ý và Senegal từng làm việc trước đó.
Hoạt động này, như French ghi nhận, báo trước chiến lược chặt cây mở đường của Trung Quốc: “Để kiểm soát và làm sống lại ngành công nghiệp khai thác mỏ đã bị tàn phá trước đây, với trữ lượng bao la gồm quặng sắt, rutil, titan và rất nhiều kim loại công nghiệp khác”. Các công ty Trung Quốc như Vật liệu đường sắt và sau đó là tập đoàn Sắt Thép Sơn Đông gần đây hợp tác với nhà công nghiệp Rumani Frank Timis, để giành được 25 ngàn km vuông đất có chứa quặng sắt với trữ lượng khoảng 1 tỷ tấn.
Trong lúc ở Freetown, French gặp Joseph Rahall, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ (NGO) tên gọi Phong cảnh Xanh (Green Scenery), tham gia vào quá trình xây dựng xã hội dân sự Sierra Leone. Rahall nhận xét: “Người Trung Quốc làm việc theo một cách rất đặc biệt. Họ thích thương thảo trực tiếp với tổng thống và thực hiện các cử chỉ ngoạn mục, và chỉ có vậy. Họ không tham gia bất kỳ thảo luận công khai nào, và họ cũng chẳng coi trọng vô số các tiêu chuẩn quốc tế, hoặc xã hội dân sự, hay các nguyên tắc dân chủ. Đó là tóm lược căn bản những thỏa thuận lớn của họ ở đất nước này- không chỉ quặng sắt, mà còn là dầu khí và gỗ”. Anh tiếp tục, “trong khi phương Tây chĩa ngón tay vào anh, bảo anh là đồ tham nhũng, thì người Trung Quốc lại đợi sẵn”. Cái này gọi là giải pháp “Trung Quốc thay thế”’ theo ý kiến của Rahall, anh sẽ bị “kẹt giữa ma quỷ[Phương Tây] và đại dương xanh”. Điều này, cùng với sự yếu kém của Sierra Leone trong việc đối phó với tình trạng tham nhũng địa phương, tạo ra các cơ hội kinh tế đặc biệt hấp dẫn với Trung Quốc, chẳng hạn như thỏa thuận Timis.
Xâm nhập kinh tế Trung Quốc vào Mali và Ghana cũng theo một mô hình tương tự. Faliry Boly, một nông dân và một đầu óc chính trị “sớm hiểu biết” ở Bamako, Mali, đã chứng kiến và nghiên cứu sự tham dự của Trung Quốc vào đất nước của anh từ khi chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa sụp đổ và hình thành nên một trong những chính quyền dân chủ đầu tiên trong khu vực. Anh nhớ lại cuộc họp với một đại diện của Đảng Cộng Sản Pháp vào cuối thập niên 90: “Ông ấy nói rằng người Trung Quốc đang trên đường đến, và họ rất dám làm, vì thế các anh phải cẩn thận. Tôi [Boly] bảo ông ấy rằng Trung Quốc cũng là những kẻ săn mồi giống hệt người Pháp trước đây.Sự khác biệt duy nhất là kẻ cắp Trung Quốc là kẻ cắp ngồi trong văn phòng.Sẽ mất một thời gian dài trước khi anh nhận ra cái gì đã xảy đến với anh.
Và nói chuyện với French, Boly nhấn mạnh thêm hình ảnh Trung Hoa: “Trung Quốc có các phương cách để tiến lên khác với Phương Tây. Họ giống như con trăn: lặng lẽ quan sát con mồi, chậm rãi chờ đợi. Theo cùng cách ấy, người Trung Quốc chờ đợi kết quả lâu dài.Họ chờ đợi kết quả tối đa.
Ghana là nước đầu tiên ở châu Phi cận Sahara giành độc lập từ Anh, năm 1957.Đây là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả vàng, ca cao và dầu, và có một hệ thống chính trị tương đối ổn định. Trung Quốc đề xuất  tài trợ bằng “hiện vật”, chi trả cho việc đại tu hệ thống cơ sở hạ tầng của Ghana để đổi lại một phần lợi nhuận dầu khí. Đây là một kiểu trao đổi, mà French khẳng định, sẽ tăng thêm khả năng Ghana bị thiệt thòi về dầu và các nguồn khoáng sản khác trong thời hạn lâu dài với Trung Quốc vì chốt giá thấp bất kể giá tăng sau này.
Trong khiFrench gặp gỡ với Edward Brown của Trung tâm Chuyển đổi kinh tế châu Phi (ACET), thì Tổng thống Ghana John Atta Mills trở về từ Bắc Kinh, đã ký ” một biên bản ghi nhớ” cho một gói vay của Trung Quốc $13tỷ USD mà ông nói sẽ “chuyển đổi nền kinh tế nước ta cũng như đời sống của nhân dân”. Đầu tư của Trung Quốc tại Ghana trải trên diện rộng, bao gồm cả đường ống truyền dẫn đưa khí thiên nhiên từ các mỏ ngoài khơi mới được khai thác ở phía tây của đất nước, các đập thủy điện,hệ thống cấp nước và các dự án điện khí hóa nông thôn. Sẽ có một nhà máy lọc nhôm có khả năng sản xuất hai triệu tấn nhôm mỗi năm, và những con đường sẽ được phục hồi và xây dựng mới.
Nhưng ngược lại, trong khi phỏng vấn vua Wuo của Ghana, French biết thêm rằng, có một khoản vay trị giá $622 triệu USD Trung Quốc cho Ghana vay để di dời ba làng người Ghana trước khi khởi công đập Akosombo. Kết quả là, French kết luận, “phù hợp với mô típchung ở châu Phi, phần lớn số tiền Trung Quốc cho vay đều quay về túi của các nhà thầu và cung cấp thiết bị Trung Quốc”. Nói ngắn gọn thì, các quốc gia chủ nhà như Ghana có rất ít lợi ích hữu hình từ những “tình thương” như vậy
Tiếp theo, French phỏng vấn French Kwadwo Tutu, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế, một chuyên gia cố vấn Ghana, người đã tổng kết đánh giá của ông về sự tham dự của bên ngoài (bao gồm cả Trung Quốc) vào Ghana: “Nếu chúng tôi tiếp tục con đường này, sẽ chỉ là một là vấn đề thời gian trước khi những mỏ dầu mới phát hiện mà người ta đang ăn mừng sẽ cạn sạch, và con cháu chúng tôi chẳng được hưởng lợi gì”. French cũng quan sátthấy nhiều người Ghana than phiềncông khai về việc người Trung Quốc tham gia khai thác trái phép, chặt phá rừng và tàn phá đất đai bằng thủy ngân để khai thác vàng. Họ cũng phàn nàn về các sản phẩm chất lượng kém của Trung Quốc, cũng như xu hướng hối lộ và tham nhũng của người Hoa.
Dự án xây dựng lớn nhất của Trung Quốc ở Ghana là đập thủy điện Bui. Công ty Trung Quốc giám sát xây dựng đập này, Sinohydro, theo sát một kịch bản đã rèn giũa nhiều lần trong các thương vụ tương tự trước đó, hoàn toàn thiếu minh bạch về các giao dịch. Mặc dù hiện đang tham gia hơn 70 dự án đập thủy điện trên khắp Châu Phi, Sinohydro cung cấp rất ít thông tin công khai và giữ khoảng cách với các phương tiện truyền thông. Trong khi ở châu Phi, dù có yêu cầu từ các Đảng đối lập và các nhóm dân sự đòi hỏi chính quyền công bố chi tiết các dự án đó, thì thường xuyên là bạn vẫn sẽ nghe rất ít từ phía Trung Quốc.
Trong những chuyến đi của ông tới Tanzania, Mali, Namibia, Mozambique, bất cứ nơi nào, những giai thoại Frenchnghe được dường như theo một mẫu tương tự. Người tham gia có thể thay đổi, nhưng câu chuyện cứ lặp đi lặp lại. Trong cuộc họp với các tùy viên thương mại của Trung Quốc ở Mozambique, French được cho biết rằng trở ngại của đất nước này để nuôi chính nó là “văn hóa”. Tùy viên này cho biết thêm, “Người Trung Quốc có thể thực sự chi ku [chịu khổ]. … Tại Trung Quốc, chúng tôibảo rằng, nếu anh đang đói hoặc lạnh thì anh phải đi làm một cái gì đó. … người Trung Quốc đang hối hả làm việc, để kiếm tiền, để làm giàu. Nếu họ là nông dân, họ sẽ không bỏ phí ngày nào.Ở đây, mọi thứ không như thế.Người châu Phi thích nhảy múa.Đó là đặc sản của họ.Họ có thể nghèo, nhưng họ hạnh phúc”. Trong lúc tự nhủ về biết bao lần điệp khúc mệt mỏi này trong những chuyến đi của mình, French trầm ngâm, “Trung Quốc thực ra chẳng phá bỏ đi chủ nghĩa gia trưởng phương Tây mà họ luôn miệng chỉ trích, mà họ chỉ đơn giản thay thế nó bằng thứ chủ nghĩa của chính họ”. Người Trung Quốc không bao giờ coi người châu Phi một cách bình đẳng, mà chỉ như “con cháu” của họ, “ chỉ có khả năng chập chững bước đi với phần thưởng ngọt ngào và những lời dụ dỗ vốn dành cho trẻ con”.
Trong lời bạt của cuốn sách, French cân nhắc liệu sự năng nổ này của Trung Quốc ở châu Phi có tương tự như cách giải thích truyền thống về chủ nghĩa đế quốc hay không. Ông xác định rằng “Trung Quốc, luôn miệng bác bỏ tham vọng toàn cầu nào liên quan tới chủ nghĩa bá quyền, luôn cạnh tranh với ai đó về thứ gì đó- đó là sự ưu việt trên toàn cầu. Kích thước tổng thể của nhiều dự án của Trung Quốc ở châu Phi là sự nhắc nhở thế giới về tầm với, quyền lực, sự rộng lượng và lòng trắc ẩn của Trung Quốc”. Đồng thời, cũng giống như quyền lực một thời của Phương Tây ở châu Phi, sự chuyên tâm của Trung Quốc vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Châu Phi là quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhưng cũng khiến cho Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc vận chuyển tài nguyên ra khỏi các quốc gia ấy. Chẳng hạn, French để ý “Người Bồ Đào Nha hiểu được tiềm năng của một cộng đồng người [di cư] ở mảnh đất xa xôi nào đó trong việc xây xựng các mạng lưới thương mại thuận lợi, tăng cường ảnh hưởng chính trị, và thậm chí giảm bớt các vấn đề ở quê nhà, bằng cách trao cho các thành phần bên lề xã hội một cơ hội tìm kiếm sự giàu sang và chuộc lỗi.”
“Lục địa thứ hai của Trung Quốc” là một nghiên cứu vững chãi,sắc bén, đanh thép và thú vị về việc làm thế nàomà Trung Quốc, ở cả mức cá nhân lẫn tập thể, lại khôn ngoan và triệt để chủ nghĩa cơ hội trong việc vận dụng tối đa các mối quan hệ với các nước châu Phi nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới. Các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc ký với các quốc gia châu Phi, dù rằng mang đến lợi ích tạm thời cho các nước chủ nhà, lại mang đến cho Trung Quốc sự giàu có chưa từng biết đến dưới dạng những tài nguyên thô. Họ cũng rải đường tới chủ nghĩa bá quyền trên lục địa ấy, thứ chủ nghĩa mà chính quyền Trung Quốc – bất kể việc họ luôn chối bỏ – đã đi theo.

Saturday, May 20, 2017


TRUYỆN TÌNH HOÀNG ĐẾ BOKASSA


Chuyện tình chấn động một thời của vị “Hoàng đế” Trung Phi tại Cù lao Phố Biên Hòa


Cuối năm 1972, không chỉ miền Nam Việt Nam mà hầu như cả thế giới đều biết đến câu chuyện của vị Tổng thống Cộng hòa Trung Phi tên Bokassa tìm được “giọt máu rơi”, kết quả của cuộc tình với người phụ nữ nghèo ở Cù lao Phố Biên Hòa khi ông sang tham chiến tại Việt Nam.


“Hoàng đế” Bokassa và người phụ nữ gánh nước Nguyện Thị Huệ.
 (Ảnh: caphecaumat.blogspot.com)

Người con gái Việt Nam lai da đen nghèo khổ, con rơi của ông lúc ấy 19 tuổi, tên Nguyễn Thị Martine theo họ mẹ, làm nghề khuân vác xi-măng từ năm 18 tuổi tại Nhà máy xi-măng Hà Tiên gần Thủ Đức. Đùng một cái, cô trở thành ái nữ của Tổng thống Bokassa, rồi khi vị tổng thống này tham quyền cố vị, xóa bỏ nền Cộng hòa, tự xưng mình là hoàng đế, cô trở thành một vị công chúa trong 3 năm ông tại vị.

Giờ đây, 43 năm đã trôi qua kể từ cái năm 1972 ấy, thế sự đổi dời, những người liên quan hầu như đã hóa thành người thiên cổ, kể cả “Hoàng đế” Bokassa. Riêng cô gái nghèo tức cô “công chúa” Martine Bokassa hiện nay ra sao, cô còn sống hay đã chết? Mới đây, tờ báo Le Figaro của Pháp đã tìm hiểu và đăng rõ chi tiết ngọn ngành, xin mời quý độc giả cùng theo dõi…
Tiểu sử của Bokassa
Bokassa tên đầy đủ là Jean Bedel Bokassa, sinh ngày 22/2/1921 tại làng Bobangui, nước Phi Châu Xích Đạo (Cộng Hòa Trung Phi ngày nay). Ông là con của nông dân nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ và theo học tại trường do các tu viện Pháp tài trợ.

Khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Bokassa gia nhập Lực lượng Nước Pháp Tự do và sang Việt Nam tham chiến năm 1950. Thời gian ở Việt Nam, Bokassa chung sống với cô Nguyễn Thị Huệ, sinh được một con gái, đặt tên theo họ mẹ là Nguyễn Thị Martine.
Mười năm sau, năm 1960, nước Phi Châu Xích đạo giành được độc lập từ tay người Pháp. Vị tổng thống đầu tiên của quốc gia này là David Dacko, ngưới có họ hàng xa với Bokassa, đổi tên nước thành Cộng hòa Trung Phi rồi mời Bokassa đang ở Pháp về nắm quyền chỉ huy quân đội.
Tháng 1/1966, với lực lượng quân sĩ trong tay, Bokassa đảo chính, lật đổ David Dacko, tự phong mình là “Thống chế tổng tư lệnh quân đội” và lên làm tổng thống, vẫn giữ tên nước là Cộng hòa Trung Phi.

Tổng thống Bokassa. (Ảnh: Risk.ru)

Năm 1976, 10 năm sau ngày đảo chính, Bokassa vốn rất độc tài, thừa thắng xông lên, muốn làm vua để được suốt đời cai trị xứ Trung Phi. Tháng 10 năm ấy, ông đổi tên nước thành Vương quốc Trung Phi và tự xưng Hoàng đế.

Hoàng Đế Bokassa trong buổi làm lễ lên ngôi. (Ảnh: Newsvo)


Lễ lên ngôi của ông rất lớn, cực kỳ tốn kém, trong khi dân chúng rất đói khổ. Trong 3 năm ông làm vua, dân chúng bất mãn, những cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra, ông đàn áp đẫm máu, giết hại hàng trăm sinh viên mặc dầu dân số trong nước lúc ấy chỉ có 4,3 triệu người. Việc đó khiến chính phủ Pháp phải ủng hộ tổng thống cũ David Dacko đảo chính, lật đổ ngai vàng của ông.
Cuộc đảo chính thành công, ngày 20/9/1979, David Dacko lên làm tổng thống và lấy lại tên nước là Cộng hòa Trung Phi. “Hoàng đế” Bokassa phải bỏ chạy sang nước Cộng hòa Bờ Biển Ngà, rồi sau đó sang Pháp. Ông bị chính quyền mới của Tổng thống David Dacko kết án tử hình vắng mặt.

Năm 1986, Bokassa trở lại Cộng hòa Trung Phi với hy vọng được hợp tác với chế độ trong nước, nhưng ông bị đưa ra tòa xét xử về tội phản quốc, giết người, và bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, chỉ 6 năm sau, với sự can thiệp của chính phủ Pháp, ông được thả.
Những năm cuối đời, Bokassa sống ở Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi. Ông chết ngày 3/11/1996 tại Bangui trong hoàn cảnh nghèo túng, không một đồng xu dính túi.

Chuyện tình anh lính lê dương

Nguyễn thị Huệ và Bokassa lúc còn trẻ. (Ảnh: caphecaumat.blogspot.com )


Jean Bedel Bokassa đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi, lúc nước Trung Phi còn là thuộc địa của Pháp. Bokassa đến Việt Nam vào năm 1953, lúc ấy ông 32 tuổi, mang danh trung sĩ nhất và đóng tại Chánh Hưng, Sài Gòn (quận 8 bây giờ). Có thời gian Bokassa được tăng cường về Biên Hòa làm nhiệm vụ gác cầu ở Cù Lao Phố (cầu Gành). Hồi đó, làng mạc xa xôi hẻo lánh, người dân rất sợ các toán quân “Tây đen”, phụ nữ không may gặp họ trên đường hành quân là coi như hết đời.

Nhưng những nơi đông đúc thì dân chúng không sợ đám lính đánh thuê này. Những ông lính “Tây đen” có nhiệm vụ canh gác cầu Gành tại Cù lao Phố không dám giở thói côn đồ mà ngược lại, có vẻ hiền từ. Bokassa là người hiền nhất trong số họ. Hồi đó, ở gần cầu Gành có một máy nước công cộng để dân chúng trong vùng đến hứng, gánh về dùng. Trong xóm gần cầu có cô gái nghèo tên là Nguyễn Thị Huệ, chuyên gánh nước thuê cho các gia đình, hết sức cực nhọc dù cô rất xinh xắn.

Sau giờ gác cầu, Bokassa thường la cà đến máy nước công cộng đó để tán tỉnh. Các phụ nữ khác thấy Bokassa tới thì trốn biệt không dám đến gần. Lúc đầu, cô Huệ cũng trốn, nhưng sau đó vì chén cơm manh áo, cô đành liều, cứ đến gánh nước. Anh lính lê dương không làm gì cả, đã vậy còn giúp cô hứng nước và tập tành nói tiếng Việt nghe rất tức cười.

Dần dà, những cử chỉ ngô nghê, vụng về của anh lính da đen làm cho cô Huệ có cảm tình. Rồi cô dạy cho Bokassa nói tiếng Việt. Cô không còn cảm thấy ngại ngùng mỗi khi đối diện với anh lính Phi châu này nữa. Lương của lính Pháp tương đối khá, Bokassa cũng biết cách lấy lòng phụ nữ, lúc thì anh mua tặng cô xấp vải, chiếc khăn, lúc thì chai dầu thơm, có khi anh còn cho cô cả tiền nữa. Hai bên dần dần yêu nhau…

Kết quả của mối tình Phi-Việt đó là cô Huệ mang thai. Ngày ấy con gái chửa hoang là một điều hết sức nhục nhã, nhất là lại có chửa với một anh lính da đen. Cha cô không chịu nổi lời đàm tiếu, đánh cô một trận rồi bỏ nhà ra đi. Mẹ cô nước mắt lưng tròng, phần thì thương con, phần cũng giận con. Bà nói: “Đấy, mày muốn tính sao thì tính, đi đâu thì đi, đừng làm cho tao thêm nhục…”.
Bokassa đưa người tình về Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, nơi đơn vị anh đóng quân gần cầu Tân Thuận. Anh thuê nhà cho người yêu ở. Hai người sống với nhau như vợ chồng.

Tình nghĩa đang mặn nồng thì đơn vị của Bokassa được lệnh về Pháp. Anh trao tất cả số tiền dành dụm được cho vợ và dặn ít nữa nếu sinh con trai thì đặt tên là Martin, nếu sinh con gái thì đặt tên là Martine, sau này nếu có dịp anh sẽ sang Việt Nam tìm hai mẹ con. Cô Huệ khóc hết nước mắt…

Tổng thống Bokassa tìm con

Năm 1972, Jean Bedel Bokassa, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi, nhờ Bộ Ngoại giao Pháp tìm kiếm giùm đứa con rơi, kết quả của mối tình giữa ông thời đi lính Lê dương tham chiến tại Việt Nam với một cô gái ở Sài Gòn, mà bây giờ 19 năm đã trôi qua, vốn không biết tiếng Việt, ông không còn nhớ nhà cha mẹ cô ở đâu.

Những nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao VNCH lúc ấy tìm kiếm không thấy mà cũng không có căn cứ gì để tìm kiếm. Cuối cùng, họ tìm được một cô gái cũng lai da đen và cũng 19 tuổi tên Baxi, con của bà Nguyễn Thị Thân ở Gia Định, giao cho Bộ Ngoại giao Pháp đưa sang Trung Phi. Tổng thống Bokassa tổ chức một tiệc mừng rất lớn để đón tiếp cô con gái.

Tin tức về việc Tổng thống Bokassa tìm được đứa con rơi được báo chí Sài Gòn đưa tin trang trọng. Ngay lập tức, có một người khách tới tòa soạn báo Trắng Đen xin gặp ông chủ nhiệm Việt Định Phương. Người khách tự giới thiệu là cậu ruột của cô gái lai da đen tên Nguyễn Thị Martine, đứa con đích thực của vị tổng thống Trung Phi. Ông chủ nhiệm Việt Định Phương liên phân công một dàn phóng viên hùng hậu vào cuộc điều tra.

Chủ nhiệm nhật báo Trắng Đen Việt Định Phương sau này trở thành cư sĩ ở ẩn. 
(Ảnh: caphecaumat.blogspot.com )

Cô “công chúabốc vác
Sau cuộc chia tay, cô Huệ sinh đứa con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Martine theo họ mẹ. Hết tiền, lại có con nhỏ, cô quyết định bế con về sống với mẹ ở Cù lao Phố. Bà mẹ rất mừng vì bà vẫn thương con. Lúc này người cha cũng đã trở về từ lâu. Ông đã già, không còn khó tính như trước nhưng nhà quá nghèo nên không lấy gì giúp đỡ cho con được…
Thời gian này hoàn cảnh hai mẹ con cô Huệ hết sức khổ cực. Cuối cùng cô về chợ Nhỏ, Thủ Đức, sinh sống bằng nghề buôn bán rau cỏ lặt vặt.

Martine lớn lên. Mặc cảm về vấn đề “con lai”, nước da nhờ nhờ, cặp môi dầy, mái tóc xoăn tít… khác với mọi đứa trẻ khác khiến cô bé trở thành ít nói, không dám cởi mở với ai. Cô làm đủ thứ việc để phụ giúp mẹ. Nói chung, Martine là một đứa trẻ ngoan ngoãn.
Một hôm cuối năm 1972, trong khi đang làm công nhân vác xi-măng tại Nhà máy xi-măng Hà Tiên ở gần Thủ Đức, cậu của Martine đến tìm và nói: “Cháu xin phép về ngay có công chuyện. Có mấy ông nhà báo muốn gặp để hỏi gì đó. Mấy ổng định can thiệp cho cháu được gặp cha…”.

Tổng thống Bokassa nhận con

Hồ sơ, hình ảnh của bà Huệ và Martine được Bokassa xác nhận. Đại diện của tổng thống Trung Phi tới Sài Gòn để xúc tiến việc đưa Martine sang đất nước của cha.
Tổng thống Trung Phi tiếp phái đoàn đưa Martine như thượng khách. Ông rất vui mừng đón nhận Martine và bà Huệ. Martine ở lại làm công chúa. Bà Huệ trở về Việt Nam vì đã có chồng khác. Riêng cô Baxi thì được ông nhận làm con nuôi. Sau khi về nước, bà Huệ được Tổng thống Bokassa trợ cấp mỗi tháng 200.000 USD.

Công chúa Martine. (Ảnh: caphecaumat.blogspot.com )

Năm sau, 1973, Tổng thống Bokassa công bố mở hội kén rể, chọn chồng cho con gái ruột là Martine và con gái nuôi là Baxi. Kết quả, hai thanh niên được chọn là bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode làm chồng Martine, đại úy Fidel Obrou làm chồng Baxi. Sau đó, một đám cưới được tổ chức linh đình tại dinh thự quốc gia.


Đám cưới trọng thể của cả hai công chúa Baxi và Martine được diễn ra cùng ngày. (Ảnh: Las Vegas Báo)

Số phận của hai “công chúa” Trung Phi

Số phận của Baxi



Từ một đứa con lai thuộc một gia đình nghèo khó, Baxi được Tổng thống Bokassa nhận làm con nuôi rồi cũng trở thành một công chúa, sống trong cảnh giàu sang được một thời gian, sau đó số phận hết sức bi đát.
Năm 1976, chồng của Baxi là đại úy Fidel Obrou, chỉ huy trưởng đội quân bảo vệ hoàng cung nhưng lại âm mưu lật đổ Bokassa và bị Bokassa xử tử.
Ngày chồng chết cũng là ngày Baxi sinh một đứa con trai, nhưng hai tuần sau, đứa bé bị bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode chồng của Martine Bokassa giết chết theo lệnh của Bokassa, bằng cách chích một mũi thuốc độc.


Đúng một năm sau ngày chồng bị xử tử, Baxi được Bokassa cho phép trở về Việt Nam, nhưng vì có tiền mang theo nên cô bị hai thuộc hạ của Bokassa giết chết để cướp của và giấu thi thể ở một nơi nào đó trên đường ra phi trường. Cô hưởng vinh hoa phú quý được khoảng 7 năm.

Số phận của Martine Bokassa

Ngày 21/9/1979, Pháp giật dây cho David Dakco tổ chức lật đổ “Hoàng Đế Bokassa Đệ nhất” và buộc ông phải sống lưu vong tại quốc gia Bờ Biển Ngà. Chồng của Martine tức bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode bị David Dakco ra lệnh xử tử về tội đã “theo đuôi” Bokassa, giết chết con của “người anh hùng” chống Bokassa là đại úy Fidel Obrou, chồng của Baxi, và thuộc gia đình có nhiều tội ác.

Martine và 3 đứa con trốn thoát qua Pháp, sống trong lâu đài của họ là Hardricourt. Bà Huệ mẹ của Martine ở bên Việt Nam sau này được Martine bảo lãnh sang Pháp sống với con và các cháu.
Martine thấy cái họ Dévéavode của chồng “xui xẻo” quá nên xin đổi tên mới là Martine Kota. Hiện nay cô làm chủ hai nhà hàng rất lớn, một ở Paris và một ở đảo Corse do người con gái lớn đã lấy chồng ở đó trông coi.
Con trai của Martine tên là Jean-Barthélémy Dévéavode, sinh ngày 30/8/1974 tại Bangui, hiện đang sống tại Pháp.

Tấm hình hiếm hoi của Jean Barthélémy chở bà ngoại Nguyễn Thị Huệ đi phố. (Ảnh: caphecaumat.blogspot.com )

Cháu ngoại Jean Barthélémy Dévéavode cầm hình bà ngoại Nguyễn Thị Huệ (mẹ Martine) và ông ngoại vua Bokassa trên tay. (Ảnh: nigeldickinson.photoshel ter.com)

TẠ QUANG KHÔI * NỢ TÌNH




NỢ TÌNH


Truyện ngắn Tạ Quang Khôi

Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

( Kiều)


Hưng đi chợ mua trái cây về bầy bàn thờ theo lời yêu cầu của Ngọc. Hôm nay là giỗ mẹ Ngọc. Chàng chỉ mới biết chuyện giỗ chạp cách đây chừng nửa giờ. Giỗ mẹ Ngọc cũng có thể coi như giỗ mẹ vợ chàng, dù hai người chưa làm đám cưới chính thức, cũng chỉ mới hẹn tuần sau tới tòa án ký giấy hôn thú vì Ngọc đã có thai được hơn một tháng. Hai người đã chung sống ngót một năm trời. Thoạt tiên họ tính chỉ ở chung cho đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, không hề có ý định trở thành vợ chồng, sinh con đẻ cái, tạo dựng một gia đình. Rồi bất ngờ Ngọc có thai, dù nàng không bao giờ quên uống thuốc. Họ coi đó là một “tai nạn”. Khi đã là tai nạn, không ai có thể trách ai, đành chấp nhận. Để tỏ ra mình không cố ý có thai với “âm mưu” buộc Hưng phải cưới nàng làm vợ, Ngọc báo cho chàng biết nàng đã xin hẹn với bác sĩ để lấy cái thai ra. Hưng có vẻ hơi ngạc nhiên về quyết đinh của người yêu. Sau mấy phút suy nghĩ, chàng hói :


“Tại sao em định phá ?”

Ngọc thản nhiên đáp :

“Vì mình không cần...hay chưa cần.”


Hưng giữ im lặng, có vẻ đăm chiêu. Sau đó, cả hai cùng phải đi làm, mỗi người một sở nên không có dịp nói chuyện thêm về cái thai. Ba ngày liền, Hưng không đả động gì đến chuyện phá hay giữ. Vào giữa trưa ngày thứ tư, Hưng gọi điện thoại cho Ngọc để hỏi về buổi hẹn với bác sĩ vào ngày hôm sau. Rồi chàng nói bằng một giọng nửa như ra lệnh nửa như khuyên can :


“Em gọi cho bác sĩ, xin bỏ cái hẹn đó đi.”

Tuy ngạc nhiên và mừng, Ngọc vẫn khôn khéo hỏi lại :

“Bộ anh không thích bác sĩ này, đổi bác sĩ khác ?”

Giữ im lặng một lát, chàng nói như cầu khẩn :

“Xin em đừng phá cái thai....Đó là một điều thất đức.”

Ngọc cố nén một tiếng thở phào nhẹ nhõm, giữ im lặng. Đó cũng là ý muốn của nàng từ mấy ngày nay. Dù sao, cái thai cũng là hòn máu của Hưng, cũng là một mầm sống đang nảy nở trong bụng nàng. Có đêm, nàng thao thức, day dứt về chuyện hủy diệt mầm sống đó. Trong nàng, một cuộc dằng co giữa tình yêu và tình mẫu tử. Nàng đã yêu Hưng, yêu bằng tất cả mối chân tình. Nàng thầm công nhận chàng là một người đàn ông có nhiều đức tính. Chàng có tinh thần trách nhiệm, đã lo cho nàng rất đầy đủ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì cảm phục, nàng đã yêu chàng tha thiết, dù tuổi tác quá chênh lệch, chàng hơn nàng tới hai mươi lăm tuổi. Theo nhận xét chủ quan của nàng, chàng là người đàn ông hiếm có mà bất cứ người đàn bà nào trên cõi đời này cũng mơ ước. Chàng có nhiều tính tốt hơn tật xấu, không rượu chè, không cờ bạc. Bây giờ, vì cái thai mà bỏ Hưng, làm sao nàng không khắc khoải buồn khổ cho được. Nàng đã trằn trọc nhiều đêm mà không biết quyết định ra sao. Nay Hưng vừa cho biết ý chàng về cái thai, nàng mừng muốn phát khóc.
Thấy Ngọc không nói gì, Hưng rụt rè hỏi :

“Bộ em nhất định...phá sao ?”

Nàng vội đáp :

“Đâu có, em nghe lời anh mà. Ngay bây giờ em sẽ gọi văn phòng bác sĩ để xin bỏ cái hẹn ngày mai.”

Hưng vui vẻ :

“Vậy thì em gọi đi. Chiều nay về nhà mình sẽ nói chuyện thêm.”

Sau khi xin hủy cái hẹn với bác sĩ, Ngọc rất vui vì biết mình đã chọn đúng người. Trong giờ làm việc ở sở thỉnh thoảng nàng lại để tay lên bụng nghe ngóng. rồi nói khe khẽ :”Con của mẹ, thế là an tâm rồi. Không còn ai bắt mẹ phải xa con nữa.”
Buổi tối hôm đó, Hưng đưa Ngọc đi ăn tiệm. Hai người bàn tính chuyện tương lai, chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình. Cả hai cùng quyết định không thử nghiệm xem đứa bé là trai hay gái. “Con nào cũng là con, Hưng nói, để bất ngờ mới thú.” Họ còn chọn ngày cùng xin nghỉ để tới tòa án làm hôn thú. Sau đó họ sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, chỉ mời một số bạn thật thân và một vài người trong họ ở cùng tiểu bang, để loan báo cuộc hôn nhân của hai người. Họ cũng có cả một chương trình tiết kiệm, để dành tiền lo cho đứa bé sắp ra đời. Họ biết rằng nuôi một đứa con ở Mỹ hết sức tốn kém và vất vả. Có nhiều bà mẹ đã phải tạm nghỉ việc sở để ở nhà chăm lo con cái khi sinh đến đứa thứ hai.


Sáng nay, thứ bảy, Hưng vừa ăn sáng xong, Ngọc báo tin :

“Hôm nay giỗ má em.”

Hưng nhìn quanh rồi hỏi :

“Ủa, giỗ má em hôm nay hả ? Sao em chưa làm gì hết ?”


“Đúng giỗ là thứ ba tuần tới. Em định ngày ấy lấy một ngày nghỉ bệnh để ở nhà làm giỗ. Sáng nay, em bỗng đổi ý vì muốn anh cũng giỗ má với em. Chỉ cúng sơ sài thôi, anh ạ. Em nhờ anh chạy ra chợ Mỹ mua ít trái cây bầy bàn thờ. Em sẽ nấu mấy món má em thích. Chiều nay mình cúng.”
Hưng đồng ý ngay. Chàng bỗng thấy vui vui. Đã từ lâu chàng bỏ ý định lấy vợ, thế mà bây giờ chàng không những đã có vợ, sắp có con, lại có cả một bà mẹ vợ để giỗ nữa. Kể cuộc đời cũng lắm bất ngờ, chẳng ai có thể đoán trước được việc gì.
Hồi trẻ, chàng đã quyết định cưới người yêu ngay sau khi có việc làm vì chỉ còn hai tháng nữa chàng tốt nghiệp đại học. Nhưng cuộc đổi đời vào cuối tháng 4 năm 1975 đã làm đảo lộn mọi dự tính của chàng. Mộng Thúy, người yêu của chàng, một cô hàng xóm xinh đẹp, phải theo mẹ và các em về quê ở Long Xuyên, sau khi cha nàng, một sĩ quan cấp tá bị cộng sản lừa gạt đưa vào nhà tù cải tạo. Cha chàng bị đánh tư sản, mất gần hết cơ nghiệp, buồn bã sinh bệnh mà qua đời. Từ ngày Mộng Thúy về quê, chàng không có một tin tức nào về nàng. Thật ra, chàng cũng không có thì giờ để nhớ thương người tình. Cuộc sống quay cuồng trước mặt, nỗi căm hận vì những hành động cướp bóc, xảo trá của cộng sản đã khiến chàng tạm quên đi mối tình của tuổi học trò. Khi đang lo săn sóc cha trong bệnh viện, chàng tình cờ gặp một cô bạn học cũ của Mộng Thúy và được tin nàng đã lấy chồng. Chàng nghe nhói trong tim vì bị bất ngờ, chàng tưởng như cả vũ trụ bỗng sụp đổ. Chàng tự hỏi tại sao nàng lại quên chàng nhanh như vậy.Nhưng chàng phải dẹp đau buồn để lo cho cha vì ông đang ở trong tình trạng hấp hối. Rồi nỗi đau mất cha đã tạm thời làm phai mờ hình ảnh Mộng Thúy trong tâm hồn chàng. Trước khi qua đời, cha chàng đã nhắc đi nhắc lại rằng chàng phải cố gắng trốn ra nước ngoài để tìm cách xây dựng lại cuộc sống cho gia đình.


Sau nhiều lần bị lừa mất khá nhiều tiền, chàng thành công trong một chuyến vượt biên bằng đường bể. Ghe của chàng đến được một hòn đảo nhỏ thuộc Nam Dương. Rồi, chàng được định cư ở Mỹ. Vì muốn nhanh chóng có việc làm để bảo lãnh gia đình, chàng đã học làm chuyên viên về ngành điện ở một trường đại học cộng đồng. Khi có việc làm vững chắc, chàng bảo lãnh mẹ và các em sang đoàn tụ. Các em chàng thích ứng nhanh chóng với cuộc sống mới, nên chỉ trong vòng hai năm chúng không cần đến sự giúp đõ của chàng nữa.Tự coi là mình đã làm tròn bổn phận với gia đình, đã giữ lời hứa với cha, bây giờ chàng có quyền nghĩ đến bản thân mình, đến cuộc sống riêng tư của mình. Chàng cũng biết mình đã già đi nhiều. Vào dịp đó chàng tìm được một việc làm tốt hơn và lương cao hơn ở một tiểu bang khác. Trước khi di chuyển, chàng mời mẹ đi cùng nhưng bà từ chối, chỉ muốn ở chung với đứa con gái út vừa tốt nghiệp đại học. Đến địa phương mới, chàng nghĩ tới việc xây dựng một gia đình. Nhưng chàng đã trải qua vài cuộc tình mà không đi đến một kết quả mong muốn nào. Một phần vì chàng đã lớn tuổi nên cũng hơi khó tính. Phần khác, hình ảnh người tình đầu tiên lại hiện rõ hơn trong tâm tưởng chàng. Việc Mộng Thúy đột ngột lấy chồng làm chàng thắc mắc và nghi ngờ lòng chung thủy của đàn bà. Cũng có khi chàng lại nghĩ rằng phải có một uẩn khúc nào đó trong việc hôn nhân của nàng vì hôm chia tay nàng đã hứa sẽ tìm cách trở lại Saigon với chàng. 
Chàng tính sẽ có một ngày về Việt Nam, xuống Long Xuyên tìm nàng để hỏi cho rõ thực hư. Nếu không có cuộc đổi đời ngót ba chục năm trước, chàng và Mộng Thúy đã trở thành vợ chồng và con cái của hai người chắc cũng trưởng thành cả rồi. Bây giờ thì quá trễ để nghĩ đến chuyện vợ con, vì theo thời gian chàng đã thành một người luống tuổi, trên dưới năm mươi. Chàng không còn tha thiết với việc lập gia đình nữa. Chàng rất sợ cái cảnh “cha già con cọc”, lúc nhắm mắt xuôi tay không an tâm vì bầy con nhỏ. Sau khi đã có nhiều kinh nghiệm với cuộc đời bất trắc, nay chàng chỉ muốn sống tạm bợ với bất cứ người đàn bà nào chấp nhận quan điểm của chàng. Không ràng buộc, không trách nhiệm. Hôm nay có thể rất quyến luyến nhau, nhưng ngày mai lại sẵn sàng chia tay, mỗi người đi một ngả, không hứa hẹn gì ở tương lai. Chàng vẫn biết đó là một cuộc sống vô trách nhiệm, nhưng thà như vậy còn hơn là quàng vào cổ những bổn phận mà mình không hề muốn.


Khoảng hơn một năm trước đây Hưng gặp Ngọc trong một buổi dạ vũ ở nhà một người bạn. Lúc đó, Ngọc đang kiếm việc sau khi học xong mấy khóa Anh văn thực hành. Tự nhiên chàng có cảm tình với cô gái mới quen này. Cô không phải là người đẹp, nhan sắc chỉ ở mức trung bình Chàng hứa sẽ cố gắng giúp cô. Vì tuổi tác chênh lệch, họ xưng hô “chú cháu” với nhau.
Nhờ quen biết rộng, Hưng đã giới thiệu cho Ngọc một việc làm tốt và lương cao. Từ đó, hai người thân nhau hơn, rồi từ chú cháu họ đổi thành anh em. Vào một ngày đẹp trời và với sự đồng ý của Hưng, Ngọc dọn tới ở chung với chàng. Dù không có giao ước bằng giấy tờ hay bằng lời nói, nhưng hai người đều thầm hiểu rằng cuộc sống chung này chỉ tạm bợ. Chính vì thế, họ không cần tìm hiểu nhau sâu xa. Nhưng sự chung đụng hàng ngày đã khiến Ngọc dần dần có cảm tình, rồi yêu Hưng tha thiết. Trong khi đó Hưng cũng bắt đầu có nhiều quyến luyến với cô gái còn quá trẻ so với tuổi chàng. Hưng mến Ngọc vì nàng ngoan ngoãn và hiền lành. Đó là những đức tính khó kiếm thấy ở một phụ nữ Việt Nam đã sống lâu năm trên đất Mỹ.


Mua xong trái cây, Hưng giúp người yêu thiết lập tạm một bàn thờ trong phòngkhách. Chàng úp hai cái ly nhỏ bằng thủy tinh để cắm nến, một ly khác lớn hơn, đổ gạo lưng chừng để cắm nhang. Phía sau hai cây nến là hai đĩa trái cây chàng vừa mua.

Ngọc ngắm bàn thờ lung linh ánh nến và khói nhang tỏa nghi ngút tỏ vẻ hài lòng, hôn nhẹ lên má người yêu, khen :


“Chồng em...đảm đang quá !”

Rồi nàng chỉ vào khoảng trống sau “bát” nhang, nói :

“Chỗ này em để hình má. Bây giờ em đi lấy hình đây.”

Chàng nói đùa :

“Nếu em không tìm thấy hình má, anh cho em mượn hình của anh.”.

Nàng liền nghiêm mặt, tát nhẹ vào má chàng, trách :

“Em không thích anh giỡn như vậy đâu. Anh còn phải sống lâu, vì em, vì con nữa”


Thấy công việc của mình đã xong xuôi, Hưng ngả lưng trên một cái ghế nệm dài để nghỉ ngơi. Ngọc vào phòng ngủ lấy một bức hình đã có khung sẵn, rồi khoe :
“Anh nè, anh có thấy má em đẹp không ?”
Hưng ngồi nhỏm lên để xem hình. Nhưng bỗng như có một luồng điện chạy qua người chàng. Chàng chết điếng, cảm thấy choáng váng, tim đập mạnh một cách bất thường, không sao thốt nên lời ! Bức hình trước mặt chàng rõ ràng là hìnhï của Mộng Thúy. Chính nàng đã tặng chàng bức hình này sau khi mới chụp, gần ba chục năm trước, nhưng chỉ là cỡ nhỏ bằng bàn tay. Bây giờ chàng mới chợt nhớ tên của Ngọc cũng có chữ Mộng ở trước, Mộng Ngọc !


Thấy Hưng không nói gì, Ngọc vô tình không nhận ra vẻ bối rối, hốt hoảng của chàng, hỏi :

“Bộ anh không thấy má em đẹp sao ?”

Chàng cố lấy lại bình tĩnh, gượng đáp :

“Ờ ờ...Má đẹp...Má đẹp thiệt... ”

Ngọc cười :

“Em thua má xa, ai cũng nói vậy.”


Ngọc đặt hình mẹ lên bàn thờ, rồi vào bếp tiếp tục nấu nướng. Hưng lại nằm xuống, nhưng không còn bình tĩnh như trước nữa, lòng rối hơn tơ vò. Chàng đã gặp nhiều chuyện bất ngờ trong đời, nhưng chưa bao giờ lại bị bất ngờ như lần này, vì nó không những đã làm chàng xao xuyến mà còn khiến lòng chàng tê tái đến đau đớn. Quả thật chàng không hề thấy Ngọc có nét nào giống mẹ, khó mà tưởng tượng nàng là con đẻ của Mộng Thúy. Phải chăng nàng giống cha nhiều hơn ?


Thấy Ngọc vẫn lúi húi ở trong bếp, Hưng lại ngồi dậy, đến trước bàn thờ ngắm lại hình Mộng Thúy. Sau màn khói của nhang và ánh nến chập chờn, Mộng Thúy trông đẹp môt cách huyền ảo. Chưa bao giờ chàng nghĩ Mộng Thúy đã ra người thiên cổ. Mà cũng không bao giờ chàng có thể ngờ chàng là con rể của chính người yêu cũ.
Bây giờ mình phải tính sao đây ? Hưng thầm tự hỏi. Nói cho Ngọc biết sự thật, rồi hai người chia tay ? Nếu làm vậy, chàng cũng chẳng giải quyết được điều gì. Chàng cảm thấy càng bế tắc, rắc rối hơn. Dù chưa kịp làm hôn thú, dù chưa chính thức giới thiệu với bạn bè, họ hàng, hai người đã là vợ chồng từ lâu. Còn đứa nhỏ sắp ra đời thì sao ? Chàng không thể để cho con mình thành đứa trẻ mồ côi khi cả bố lẫn mẹ đều còn sống. Chỉ có một con đường duy nhất là phải tiến tới và dấu kín chuyện tình ngày xưa, dù chàng vẫn biết dưới ánh sáng mặt trời không có bí mật nào không bị phanh phui. Chẳng sớm thì muộn Ngọc cũng sẽ biết sự thật phũ phàng này. Dù sao chàng và Ngọc cũng không thể xa nhau được nữa. Số mệnh đã kết hợp hai người, không còn gì có thể tách rời họ được. Kiểm điểm lại những ngày yêu Mộng Thúy, chàng không có gì để phải áy náy, hối hận. Đó là mối tình đầu trong trắng và thơ mộng của tuổi học trò. Chàng và Thúy chưa đi quá trớn, cùng lắm chàng chỉ nắm tay hoặc vuốt má nàng thôi.


Trên bàn thờ, Mộng Thúy vẫn nở nụ cười quyến rũ như ngày nào hai người còn yêu nhau. Nàng vẫn đẹp một cách thùy mị, đoan trang. Nhìn hình nàng, chàng nghe lòng bồi hồi thương cảm. Chàng biết chàng vẫn còn yêu nàng tha thiết. Chàng đưa tay vuốt nhẹ lên mặt kính của hình, tưởng nhớ ngày xưa đã từng vuốt má Mộng Thúy. Chợt có tiếng Ngọc gọi từ trong bếp :


“Anh à, anh có vô ăn trưa với em không ?”

Giọng nũng nịu của Ngọc kéo chàng về thực tế. Chàng chậm chạp bước vào bếp, ngồi đối diện với người yêu nhỏ bé bên một cái bàn ăn vuông. Ngọc đã làm cho Hưng một ổ bánh mì kẹp thịt với đồ chua và một ly cà phê đá. Đó là những món chàng vẫn thích ăn vào buổi trưa. Chính những săn sóc nhỏ nhặt này của Ngọc đã chinh phục được lòng yêu thương của chàng.


Hưng ăn chậm chạp và có vẻ đăm chiêu. Thấy chàng im lặng như đang có điều suy nghĩ, Ngọc không dám nói chuyện nhiều, lặng lẽ ăn ổ bánh của mình.

Khi đã uống cạn ly cà phê đá, Hưng mới ngước nhìn Ngọc, hỏi :

“Má em mất lâu chưa ? Lúc ấy em bao nhiêu tuổi ? “

Ngọc buồn buồn đáp :

“Em có được gặp má bao giờ đâu. Khi em đã lớn, ngoại bịnh nặng, sắp chết mới kể lại cho em nghe. Sau khi sanh em được một tháng, má tự tử. Ngoại nuôi em...”

“Còn ba em đâu ?”

Ngọc thở dài :


“Em cũng không biết. Mấy lần em hỏi, ngoại không trả lời...Mãi đến sau khi ngoại mất, dì em mới cho biết ba là một cán bộ tập kết đã có vợ con ở ngoài Bắc...Sau khi má tự tử, ổng bỏ ra Hà Nội mất tiêu luôn.”

“Vậy bà ngoại cũng mất rồi ? Còn ông ngoại em ?”


“Các dì nói ông ngoại chết đói trong một trại giam ở ngoài Bắc lâu lắm rồi. Em chỉ biết mặt ông và má qua hình ảnh thôi,”
Nghe chuyện Ngọc, Hưng buồn bã cúi mặt suy nghĩ. Chàng đoán ra cái chết oan ức của Mộng Thúy. Nàng bị ép phải lấy một tên cán bộ cộng sản tập kết mới trở về. Sau khi sinh Ngọc, nàng tự tử. Một niềm hối hận xâm chiếm lòng chàng. Từ lâu chàng đã nghi oan lòng chung thủy của người yêu. Trong khi Mộng Thúy chịu bao đau khổ, cay đắng, chàng không hề biết để giúp đỡ. Không những thế, chàng còn hờn giận, trách móc nàng. Lẽ ra, hồi đó, sau tang lễ của cha, chàng phải xuống ngay Long Xuyên để tìm hiểu sự tình. Chỉ mới nghe đồn nàng lấy chồng, chàng đã vội vã tin ngay. Biết đâu khi gặp nàng, chàng lại chả có thể an ủi, tìm cách cứu nàng ra khỏi cuộc sống đầy đọa và để cùng xây dựng lại tương lai, hạnh phúc ?


Hưng không mê tín đi đoan, cũng không tin những chuyện huyền bí hoang đường, nhưng chàng không sao giải thích được sự tình cờ kỳ lạ này. Phải chăng có sự xếp đặt nào đó và ở đâu đó ? Chàng thầm tự hứa với lòng mình, với vong hồn người đã chết một cách tức tủi, là từ nay chàng có bổn phận và trách nhiệm phải lo cho Ngọc, cho mẹ con nàng.
Hưng ngước nhìn lên, gặp đôi mắt buồn rười rượi của Ngọc. Chàng bỗng nghe lòng tràn ngập yêu thương. Chàng bước đến bên Ngọc, cúi xuống hôn lên trán nàng. Ngọc liền ghì lấy chàng, nũng nịu hỏi :
“Anh có thương em không ?”
Chàng không đáp. Đôi mắt chàng bỗng nhòa đi. Thoáng trong một giây, chàng không hiểu chàng đang ôm ai trong vòng tay...


TQK


TS. PHAN VĂN SONG * TÂN TỔNG THỐNG PHÁP



2017-05-19 :

Gương sáng dân chủ : Khi dân Pháp DÁM phá lệ (bài 2)
Tân Tổng Thống Pháp Gốc Phái Tả Xã Hội
DÁM Giao Chức Thủ Tướng Cho Phái Hữu


Phan Văn Song


Suốt cả buổi sáng ngày thứ hai 15 tháng 05, năm 2017, chúng tôi ngồi chờ Tân Tổng Thống Pháp quốc Emmanuel Macron tuyên bố bổ nhiệm Thủ Tướng. Từ một tuần nay nguồn dư luận, do rỉ tai ? hay rò rỉ ? hay « tin bong bóng để hỏi ý dư luận » ? đã nói nhiều đến tên ông Édouard Philippe, một nhơn vật chánh trị ít được dân chúng Pháp biết đến. Dân biểu, Thị trưởng một đô thị to, thành phố Le Havre, một hải cảng miền Bắc nước Pháp, Édouard Philippe cũng là một tay hào hoa tài giỏi, học giỏi, tuy nhà chánh trị nhưng đấy văn chương thơ phú, cũng như ông Tân Tổng Thống. 
 
Cũng như ông Tân Tổng Thống, cùng tốt nghiệp Đốc sự Hành Chánh Pháp-ENA École Nationale d’Administration, củng là tốt nghiệp Viện Khoa học Chánh Trị - Institut des Études Politiques, gọi chung là Sciences Po (người viết chúng tôi hãnh diện xin phép ăn có, tự xưng thuộc vào đám đàn anh, nhận làm đồng môn cùng với các Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nguyễn Văn Bông, hay … Quốc Trưởng Bảo Đại…), ông còn viết văn, mê điện ảnh -cinéma và amateur đánh Boxe - quyền Anh…Ông thuở nhỏ, làm đệ tử Michel Rocard, ông Thầy phái Tả Cấp Tiến, lớn lên sau khi ra trường lại gia nhập phái hữu, phụ tá ông Alain Juppé phái hữu Ôn hòa Cấp Tiến xây dựng Đảng UMP – Union des Mouvements Patriotiques Tập họp các Phong Trào Yêu Nước để ủng hộ cựu Tổng Thống Chirac trên đường tiến vào Cung Điện Élysée. Nói tóm lại, ông là con người con người biết thời, biết thế ! Sống theo thời, ăn theo thế !


Tổng Thống Macon là tay chịu chơi, đã và đang và sẽ phá lệ ; Đảng Cộng Hòa Tiến Bước – La République En Marche của ông sẽ luôn luôn là một Đảng Mở. Sẽ mở, vừa cho hướng Tả phái Xã Hội, vừa cho Hữu phái khối Công Hòa, vừa với các người ở phái Trung. Trái với suy nghĩ truyền thống của phái Trung, hể là Trung Dung, là phải Ở Giữa, không Tả không Hữu. Hôm nay, khi đang viết bài nầy, chúng tôi mong (qua những tin rò rỉ, những bong bóng) rằng tân nội các sẽ phải theo tỷ lệ thuận lẽ phải, hạp lòng dân ? Hay vừa lòng ý muốn, và tuyên bố của tân Vương Emmanuel Macron ? Là một sự hòa hợp của ba sắc thái : ba cân bằng : Nam-Nữ, cân bằng chuyên viên chánh trị - và người của xã hội dân sự, và cân bằng tư tưởng ba phái Tả-Hữu-Trung (rất nặng gánh do lãnh đạo lịch sử truyền thống Bayrou đã ủng hộ Emmanuel Macron từ ngay lúc vừa phất cờ lập Đảng). Bài toán lắm khó khăn, nhưng hy vọng tài nghệ hai anh vừa Đốc sự, vừa Sciences-Po, trẻ tuổi (Macron 39, Philippe 46) khắc phục được !

Nhưng cái mới mẽ của Emmanuel Macron để chiếm chánh quyền, và đưa một sắc thái PHÁ LỆ - Transgessif là sẽ sử dụng những chuyên viên làm việc ở Xã hội Dân Sự không chuyên nghiệp Chánh trị : những giáo sư đại học, những chuyên viên ngân hàng, xí nghiệp, những doanh nhơn, … biết thế nào là thị trường, biết thế nào là xí nghiệp, là dịch vụ, và quan trọng biết cái quý, cái quan trọng là KHÁCH HÀNG – le client và Luật le client est ROI - khách hàng là VUA của ngành kinh thương, và luật Cung Cầu !

Thật vậy ! Vẫn biết Dân Chủ là cần thiết ! Một quốc gia như Việt Nam ngày nay phải đi tìm Dân Chủ, vì có Dân Chủ là có tất cả yếu tố để thực hiện một chánh quyền lành mạnh, một cơ cấu quản trị tốt ? Thế nhưng những khủng hoảng hiện nay tại các nền dân chủ tiên tiến chứng minh cho chúng ta thấy cần phải có một nền dân chủ tham dự (une démocratie participative)


Trong những bài viết qua chúng tôi thường đề cập đến Con người và Môi trường song hành với Đạo Đức là những yếu tố khả dĩ Phát triển và Quản lý tốt một quốc gia tiên tiến
Hiến pháp chỉ là một bản văn, tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ (nécessaire et non suffisant) bảo đảm cho những Tự do thật sự và một nền Dân chủ thực hữu của quốc gia. Rất nhiều chế độ độc tài trên thế giới vẫn dùng bản Hiến pháp làm chiêu bài để vay mượn danh nghĩa chánh thống cũng như tánh cách hợp pháp.

Ngày nay, ngay tại các quốc gia tiên tiến, nơi có những Tự do căn bản được áp dụng, nhưng phần lớn việc điều hành quyền lực từ các cơ quan hành chánh hay pháp lý vẫn gợi cho những người quan tâm đến tình trạng nhơn quyền và Dân chủ không ít nghi ngờ, khiến phải suy nghĩ và e ngại.

1.- Một “thị trường chánh trị”.-

Cái nguy hiểm ngày nay, là do sự bành trướng của một hiện tượng được gọi là “thị trường Chánh trị”. Định nghĩa này được nhóm “public choices”, một nhóm các nhà nghiên cứu, kinh tế gia, chánh trị gia hay xã hội học Âu-Mỹ, theo dõi những cách thức xử thế, quyết định từ các vị lãnh đạo công cộng của quốc gia (nhà cầm quyền, các vị lãnh đạo các nhóm chánh trị, các vị dân cử và các công chức). Những quyết định ấy thường khi thiếu sự chính xác, không trung thực, bởi lẽ, thay vì các quyết định phải được thoát thai từ kết quả trao đổi giữa hai nhóm người, của hai đối tác, đúng theo luật “cung - cầu”, theo luật “kinh tế thị trường”, thì ngày nay, những quyết định ấy lại là những mặc cả, đã làm mất những “thông tin chính xác, trung thực”, dẫn đến “cái chung chung”, thiếu hẵn phần “trách nhiệm”.

“Thị trường chánh trị” là thị trường của những ứng cử viên với các đại diện dân, một bên, và đối với (versus) cử tri đoàn, một bên.
Trên thị trường này, ứng cử viên và các dân cử nắm quyền chủ động. Cũng như một anh nhà buôn, họ để nghị những “món hàng công cộng” (công viên, trường học, giảm tô thuế, ủng hộ Dân chủ ở VN …) hay những “món hàng chánh trị” (những người mới nhập cư dễ dàng nhập lấy quốc tịch để xử dụng lá phiếu lấy những quyết định cho địa phương, làng xã, nơi mình sanh hoạt và cư ngụ … đổi lấy lá phiếu của người đi bầu của cử tri gốc Việt, gốc Hispanic ở Mỹ, gốc Á-rạp ở Pháp…
Và người nào đề nghị nhiều, hứa hẹn nhiều, thì kẻ ấy có cơ may lượm nhiều lá phiếu.

Xin lấy vài thí dụ : các nhà làm chánh trị hứa sẽ bảo vệ con người, tài sản và quyền lợi con người. Nhưng có ai nói đến bảo vệ bằng cách nào, tổn phí là bao nhiêu ? Khi cần lá phiếu, các ứng cử viên thường có những lời hứa với chương trình thực hiện (sẽ) rất dài. Và cùng trong một lúc đó, các người đi bầu, người cử tri, người dân thường, cũng họp nhau lại thảo những đòi hỏi dài, xin thêm phương tiện hổ trợ, tiền bạc, nhơn danh “phúc lợi công cộng” (intérêt général), nhưng thật sự, đó chỉ là những đòi hỏi rất hạn hẹp có tính cách địa phương và đặc biệt

Và cuối cùng, mọi người cùng ngóng cổ chờ quyết định của Nhà nước, vì sự mặc cả, giữa những người muốn “giảm tiền thuế ”, và những nhóm muốn xin “thêm tiền, để thực hiện những đặc lợi và đặc quyền”, hai nhóm này đều là công dân, và cả hai đòi hỏi đều có lý cả. Vậy phải làm thế nào ? Chúng ta thường thấy, theo thông lệ, những nhóm đứng ra đòi hỏi thường là những “nhóm có tổ chức”, biết xuống đường đấu tranh, biết la hét để đòi hỏi. Còn nhóm người bị đóng thuế, như tất cả chúng ta, thường thụ động, im lặng, tuy có rên rỉ đấy, nhưng vẫn phải trả thuế đều đều. Khối thiểu số ồn ào sẽ lấn ép khối đa số thầm lặng.

Những nhà làm chánh trị ở các quốc gia tiên tiến xử dụng cái mâu thuẫn ấy để kiếm phiếu, sẵn sàng hứa thực hiện tất cả những yêu cầu, hứa sẽ giảm các loại thuế, tạo một không khí an lành và gợi cho người dân cảm tưởng là có một “ai đó” sẽ hào phóng chi tiền. Giáo sư trường luật Aix –Marseille Frédéric Martiat từng mô tả hiện tượng ấy vào năm 1968 : “Nhà Nước là cái ảo tưởng xã hội (une fiction sociale) trong con người mà lúc nào cũng mong được sống bám vào những kẻ khác” (L’Etat est une fiction sociale à travers laquelle chacun s’efforce de vivre aux dépens de tous les autres). Và Nhà Nước Bảo Hộ ra đời. (Et l’Etat Providence naquit).

2.- Khủng hoảng của Nhà Nước .-

Vì mọi chuyện đều phải do Nhà nước giải quyết, chúng ta đã đâm đầu vào một cuộc khủng hoảng kinh khủng. Cuộc khủng hoảng nầy đang diễn ra tại các nước tiên tiến.
Mong bài nghiên cứu này đóng góp được những suy nghĩ để các nước chậm tiến như Việtnam, ngày mai không vấp phải.
Khủng hoảng đầu tiên, là khủng hoảng chánh trị : nếu Nhà Nước là tất cả, các nhà cầm quyền và các nhà làm chánh trị là tất cả, thì “tất cả đó” đều đứng trên Pháp luật (Việt Nam ngày nay, Đảng Cộng sản và Nhà Nước là một, ĐCS đứng trên Pháp luật)

Khủng hoảng thứ hai, là những giá trị Đạo đức xã hội hoàn toàn bị xáo trộn. Những thành công đều được đánh giá trên kết quả, mà không cần biết kết quả đó có được là do xảo quyệt, do bè phái, do tham nhũng. Những giá trị thật sự về Đạo đức con người, về giá trị học hành, về hiểu biết, về tri thức đều không được nhìn nhận. (Việt nam ngày nay?)

Khủng hoảng thứ ba, là kinh tế, của công bị tham nhũng đục khoét, lãng phí, quản lý tồi, dĩ nhiên mất hiệu năng sản xuất, cộng thêm Pháp luật bị chà đạp, sưu cao, thuế nặng ... là nguyên nhân đưa đến trì trệ kinh tế. Rồi nạn thất nghiệp gia tăng, mức tiêu thụ giảm lần, tạo nên cái vòng lẩn quẩn, người nghèo vì thất nghiệp càng nghèo thêm, khiến quỹ xã hội thâm hụt nặng, bởi không đủ thương vụ, nghiệp vụ đóng góp.

Khủng hoảng thứ tư, là Pháp lý, Nhà Nước không còn đóng vai trò quản lý, và trọng tài những tương quan thương mại hoặc xã hội. Vì Luật pháp bị xâm phạm, bị cưởng hiếp, không còn được tôn trọng, nên những nhà chánh trị lương lẹo với những dân cử để tham nhũng hay ngồi xổm lên pháp lý, rồi ... trẻ con các khu nghèo kéo nhau đi “đốt xe” để ... giải trí. (Ở Pháp vừa qua).

3.- Sự chuyển tiếp phải qua trung gian các xã hội dân sự.-

Con đường phân chia biên giới giữa quyền lực của giới cầm quyền và xã hội phải được nới rộng.
Để sanh tồn, quyền lực của công lực phải được giảm bớt, những “công hữu” phải được tư hữu hóa. Quản lý những sở hữu hay công nghiệp quốc gia không còn là nghiệp vụ của Nhà nước nữa. Những xã hội dân sự, dần dần nắm quyền quản lý để thay thế. Quản lý khai thác, phân phối tài nguyên quốc gia phải được tư hữu hóa.

Quản lý những sở hữu hay tài nguyên có tánh cách thương mại rất dễ dàng cho các xã hội dân sự. Sản xuất xe hơi, quản lý khí đốt, điện lực, chuyên chở, truyền thông, các tư nhơn và các xã hội dân sự biết làm và còn làm giỏi hơn Nhà nước.

Về những phần hành “dịch vụ công cộng” (Services publics) vẫn là phận sự của Nhà Nước, vì là Công Bộc, như Tổ chức Giáo dục, Tổ chức Y tế, Tổ chức Hưu Trí, Tổ chức Thể Thao, Tổ chức Văn hóa … đành rằng khó khăn, nhưng nếu biết chuyển hướng khéo và quản lý khéo vẫn có thể chuyển dần cho Tư nhơn.

Nhưng, vẫn còn những bộ phận hoàn toàn không thể chuyển nhượng cho thế giới thương mại, như những “tổ chức dịch vụ xã hội tương tế”, hay “dịch vụ phân phối tương trợ”, gọi chung là “dịch vụ xã hội ” (Sercices sociaux) chủ yếu đối với những gia đình nghèo khổ, giúp đỡ người tàn tật, nghiệp vụ cứu thương, cứu hỏa, bảo vệ con trẻ, tổ chức phòng ngừa du đảng, tệ nạn hút sách … Nếu Nhà Nước không làm thì ai đứng ra làm ? Bảo vệ môi sinh, môi trường, Nhà Nước có thể làm luật, nhưng ai kiểm soát ?

Chúng ta có thể trả lời : hãy để cho những “Xã hội dân sự cộng đồng” (des sociétés civiles communautaires). “Xã hội dân sự cộng đồng” là những Hiệp hội, hội đoàn có ý kiến trên một vấn đề đặc biệt: Hội gia đình, Hội bảo vệ các người già, Hội bảo vệ phụ nữ chống tệ nạn bị hành hung, Hội bảo vệ trẻ con … Nhà nước và các Tư doanh không thể lo được. Những hội đoàn ấy tạo sự kiểm soát và đi dần đến quản lý.

Định nghĩa những hội đoàn ấy là “Tương trợ”, “Tự nguyện”, “ Bất vụ lợi”, “Hội tương tế ”
(Solidarité, volontariat, bénévolat, partage, mutualité).
Dĩ nhiên xã hội không thể đòi hỏi những “quý tánh ” ấy. Xã hội phải có những khu vực thương doanh (đa số) và phải có những kiểm soát chế tài pháp lý (càng ít càng tốt).

Chúng tôi nghĩ rằng con người, tức là những công dân và những đoàn thể công dân có thể thay thế Nhà nước điều hành tốt xã hội.

Tạm Kết :

Bài học Phá Lệ của Tân Tổng Thống còn dài dài. Hôm nay chỉ là những ngày đầu của Vương Triều Macron. Chiều qua sau khi bổ nhiệm Thủ Tướng, Ông bay qua Đức để o bế Bà Hoàng Angela Merkel. Cuộc tình mới Pháp-Đức bắt đầu, nồng thắm, đấy hứa hẹn : nào sẽ tổ chức lại một Liên Âu hữa hiệu hơn : một quy trình làm việc mới, nào một lô cải tổ sẽ, và sẽ…và sẽ. Hứa hẹn, hứa hẹn và hứa hẹn ! Lời hứa chỉ đúng với người cả tin – La promesse ne vaut à celui qui croit thôi !


Hôm nay, thứ sáu 19 tháng 5, nội các đã được thành lập. Ba sắc thái đòi hỏi của Tổng thống đã được một phần nào trả lời… Ngon lành tương lai sẽ trả lời. Hôm nay, như thông điệp ngắn của tân Thủ tướng gởi cho toàn bộ nội các sau khi thông báo nội các xong : « Au travail ! » - Bắt tay vào việc đi !

(còn tiếp)

Hồi Nhơn Sơn, tháng năm nhiều thay đổi.
Phan Văn Song

Saturday, May 20, 2017



TS.MAI THANH TRUYẾT * THÀNH PHẦN CHẤP NHẬN SỰ THAY ĐỔI CỦA VIỆT CỘNG

Thử nhận diện thành phần chấp nhận sự thay đổi của ĐCSVN

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - "Vấn đề là làm sao tạo ra thế trận xa luân chiến để lực lượng ngày càng to lớn và “đi vào tổ chức” để cùng tấn công, cùng lên tiếng đáp lời sông núi. Khi đó, tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ hiện tại sẽ đầu hàng, thúc thủ. Cuộc cách mạng sắp tới mới thực sự là một tập hợp giữa đại đa số người dân đang đứng bên bờ vực thẳm và những thành phần trong Đảng, trong một nhứt điểm lương tâm nào đó, chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để bỏ đảng và cứu Nước."

*
Điều lệ Đảng CSVN đã ghi rõ: “Lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực cách mạng của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo “tuyệt đối, duy nhất, trực tiếp và toàn diện”.

Trong điều lệ Đảng, được sửa đổi trong Đại hội VI, những câu trên vẫn được lập lại, không sai một dấu phẩy. Và thêm vào đó việc thành lập Đảng ủy Quân sự Trung ương (thay Quân ủy Trung ương trước đó và trước hơn nữa mang tên Tổng Quân ủy). Cũng theo điều lệ Đảng: “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đương nhiên kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương”. Trong quân đội, từ khi có chế độ một thủ trưởng (được ban hành đầu thập niên 80, thay cho chế độ hai thủ trưởng: một quân sự, một chính trị như trước) tất cả các sĩ quan có chức vụ Đại đội trưởng hoặc tương đương trở lên, bắt buộc phải là đảng viên và trong lực lượng công an, 100% sĩ quan là Đảng viên. Lực lượng vũ trang là xương sống và cũng là cái mộc che của chế độ. Trong bối cảnh Đảng đã biến thành bộ máy cầm quyền độc tài, bóc lột, lực lượng vũ trang cũng theo đó biến thể thành công cụ đàn áp và kềm kẹp quần chúng.
Từ đó, phân tích và bình luận về những thành phần chấp nhận sự thay đổi của Đảng CSVN rất phức tạp, dễ đưa đến những sai lầm tai hại có thể gây khó khan cho tiến trình mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. 
Chúng ta phải hết sức thận trọng trong khi phân tích đâu là những ai chống Đảng và đâu là những ai muốn cứu Đảng. Điển hình là Trần Độ, người đã nhận định và kiến nghị điều này, điều nọ, nhưng tất cả vẫn là tư tưởng: “Duy trì sự lãnh đạo của Đảng và không rời bỏ chủ nghĩa chủ nghĩa Mác Lê-nin (và bây giờ lại thêm tư tưởng Hồ Chí Minh)”.
- Những gì Trần Độ kiến nghị với Đảng không phải là kêu gọi sự từ bỏ lãnh đạo toàn diện của Đảng, mà chỉ nhằm làm cho sự lãnh đạo này vững chắc hơn, ít lộ liễu hơn; và mang một bộ mặt dễ coi hơn về hình thức. Mấu chốt là Đảng vẫn phải bằng mọi cách duy trì cho được quyền lực và nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện.
1- Cuộc Cách mạng Môi trường hiện tại qua chiến lược “xa luân chiến”
Kể từ ngày 5 tháng 3 tới nay, chưa bao giờ hết, những cuộc biểu tình xảy ra trên toàn quốc đã mang một hình thức hết sức đặc biệt, có vẻ “tự phát” và “thiếu tổ chức”, nhưng thực sự các sự kiện diễn ra trên là sự đúc kết ý chí của cả dân tộc, đứng dậy, dứt khoát và trực diện “đối đầu” với một đảng độc tài đang đi dần đến sự tự hủy!
Chúng ta nhận thấy nếu toàn dân đã ý thức được vận mệnh đất nước, tương lai của mình mà nổi dậy, biểu tình lớn thì kẻ nắm quyền không thể đàn áp vì với thế trận xa luân chiến xảy ra khắp nơi, từ Bắc chí Nam, người dân luôn nhận diện và tiêu diệt những kẻ phản quốc.
Đây là một triết lý, một chiến thuật rất tốt để chống lại sự đàn áp tàn bạo của kẻ nắm quyền. 
Chiến thuật xa luân chiến không chỉ có vậy. Nếu khéo léo có chiến lược triển khai thế trận xa luân chiến, chúng ta hoàn toàn có thể có một cuộc nổi dậy của dân chúng trước bạo quyền và đạt thành công nhanh chóng, mỹ mãn mà không gây ra cảnh loạn lạc tức là “bất chiến tự nhiên thành”.
2- Thế trận hiện tại trong nước
Qua phân tích trên, chúng ta hình dung được một thế trận khá phức tạp thể hiện qua ba đối lực. Đó là:
- Đại khối dân tộc;
- Thành phần trong Đảng chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để cứu Nước;
- Thành phần trong Đảng CSVN chống đối tới cùng việc thay đổi hay chuyển hóa Đảng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam
Đây là một cuộc chiến giằng co giữa ba đối lực trên mà phần thắng chắc chắn sẽ dành cho hai thành phần trên.
Vì sao?
Vì thành phần thứ ba luôn “quyết tử” với đảng và chấp nhận theo Tàu để giữ vững quyền lực và quyền lợi cho chính họ. Nhưng họ có biết đâu, nếu theo Tàu rồi cũng sẽ mất đảng và… mất mạng luôn!
Vì vậy, chúng ta thử phân tích thế trận:
3- Tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ
Đây là những thành phần nằm trong bốn tầng lớp “nồng cốt” của Đảng CSVN. Đó là:
- Ủy viên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng;
- Công an;
- Quân đội;
- Cán bộ, Công nhân viên chức nằm trong bộ máy hành chánh.
Nếu đi vào chi tiết, chúng ta có thể phân tích rõ hơn là:
- Đảng viên: niềm tin lý tưởng đảng Cộng sản hiện nay không phải là mối liên kết hay trở lực lớn, vấn đề chính chi phối mọi người là quyền lực và quyền lợi. Lý tưởng đảng hiện nay đã trở nên vật trang trí rẻ tiền cho toan tính quyền lợi.
- Lớp cầm quyền: chỉ nhóm thật sự chóp bu cỡ ủy viên bộ chính trị và Ủy Viên Trung Ương Đảng đang nắm thế thượng phong mới hưởng lợi, hiện tại quyền lợi của chúng cũng đang lung lay cùng với thời cuộc và sức khỏe của nền kinh tế. Một lối thoát an toàn cho tính mạng và tài sản là điều có thể nhóm này đang hướng đến và đang suy nghĩ thoát nạn. Lá bài chính trị nhóm này muốn là thay đổi từng bước với việc nắm dao đằng chuôi hạ cánh an toàn như Myanmar.
- Lớp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (nằm trong nhóm Lợi ích): Đây là lớp đã quá no đủ, đang đánh đu với những con tàu chìm, một số nhỏ vẫn còn có thể hưởng lợi từ sự tái cơ cấu nhưng luôn luôn mang tâm trạng mất hơn được. Muốn có sự thay đổi trong tình thế bảo toàn quyền lợi đang có. Luôn luôn cân nhắc giữa được mất để chọn lựa phương án hành động.
- Lớp doanh nhân ăn theo: đây là tầng lớp sân sau, lâu nay kiếm ăn rất tốt, nhưng tình hình kinh tế hiện nay cũng đang khốn đốn để lấy lòng “sân trước”, tâm lý cũng như lớp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
- Lớp hy vọng hưởng lợi: Lớp này đang bước vào đảng, vào cơ quan nhà nước, tình hình hiện nay như gáo nước lạnh dội vào đầu chúng, tuy nhiên với bản chất kiên trì “cố bám” trường kỳ mai phục để chờ thời cơ “ăn cỗ” chúng vẫn không muốn có sự thay đổi. Lực phản ứng chống lại của nhóm này tương đối yếu.
- Lớp công lực: công an, quân đội. Đây là nhóm được cưng chiều, lương và thu nhập cao nhất hiện nay, nhiều người trong nhóm này không muốn có sự thay đổi. Khi quân lệnh ban ra chúng sẽ thẳng tay đàn áp. Hãy đánh vào quyền lợi bản thân, gia đình, họ hàng liên quan để những người thân chúng quản lý chúng. Công nghệ nhận diện và truyền thông hiện nay giúp cho việc trên rất đơn giản để thực hiện. Sự trừng phạt nhắm vào tầng lớp chỉ huy. Hãy cho chúng biết người dân không còn chấp nhận kiểu ngụy biện “chỉ vì theo lệnh trên” nữa!
4- Tầng lớp muốn thay đổi: cuộc sống bế tắc, ủng hộ thay đổi
- Báo chí: Đây là lực lượng có tính chiến lược, quan trọng như yết hầu trong cuộc chiến này. Lớp này không phải mù thông tin hay nhận thức kém mà không biết hiện tình đất nước, cái khổ của nhóm này là cái dạ dày bị kẻ quyền chức nắm (nắm dạ dày sai khiến cái đầu là bài học kinh điển của chủ nghĩa CS). Vấn đề làm sao cho nhóm này biết là thời thế đã thay đổi, thời cơ đã đến, đứng về nhân dân. Hãy cho họ biết họ cần chiến đấu để giành lại phần hồn của mình lâu nay bị kẻ khác điều khiển. Lực lượng nhân dân nổi dậy hãy chăm sóc các cơ sở truyền thông chu đáo: đài truyền hình, truyền thanh, các tòa soạn báo chí. Hãy đặt nhóm này vào tình thế nếu không đứng về phía người dân thì mất tất cả.
- Nhân sĩ, Trí thức gồm Giáo viên, Giáo sư, Bác sĩ, Kỹ sư: Trong nền kinh tế thị trường tự do, giáo dục, y tế, xây dựng… đóng góp vào việc phát triển đất nước chung. Nhưng, hiện tại những ngành nghề trên thực sự là những siêu công ty nhà nước, kém hiệu quả, chứa nhiều tham nhũng, rút ruột.
- Doanh nhân: Đây là lớp bị khủng hoảng kinh tế tàn phá nặng nề niềm tin vào chế độ, rất mong muốn có sự thay đổi để mở ra chương mới đẩy nhanh kinh tế hồi phục, tuy nhiên vì có của nên thận trọng quan sát, sẽ thờ ơ không ủng hộ, gây khó khăn cho sự lớn mạnh của lực lượng. Cần đặt họ vào việc buộc phải lựa chọn và bản năng con người sẽ tìm đến cái có lợi hơn. Hãy nắm những người đầu mối: lãnh đạo các hiệp hội, các câu lạc bộ doanh nhân, các doanh nghiệp có tài sản lớn.
- Nhân viên công ty nhà nước (công nhân các công ty nhà nước): Đây là nhóm có cuộc sống chật vật với đồng lương thấp kém, cái níu kéo là công việc. Cần nhắm vào những vị trí chủ chốt: giám đốc, trưởng phòng, lãnh đạo công đoàn để nắm lấy lực lượng. Đứng về phía người dân hoặc mất tất cả, cho họ biết họ lên tiếng vì miếng cơm manh áo chính họ. Hãy đặt tất cả nhân viên còn lại phải lựa chọn, phải hành động tránh bị vài tên lãnh đạo cao nhất dắt mũi, xúi dục.
- Công nhân: Đây là tầng lớp đông đảo, muốn có cuộc sống tốt hơn vì, hiện tại bị giới chủ nhân ông bóc lột. Đây là một thành phần đã bị CSVN lợi dụng nhiều nhứt trong “công cuộc thống nhứt đất nước”. Chỉ cần một ngọn lửa cách mạng nổi lên là tình thế có thể thay đổi nhanh chóng.
- Nông dân: Đây là một lực lượng đông đảo chiếm khoảng 40% dân số, nhưng chưa được tổ chức vì thiếu ý thông tin liên lạc để cùng phát động phong trào đòi quyền được sống. Hãy nắm lấy lực lượng này thông qua con cháu họ: có thể là nhân viên, trí thức, sinh viên, ràng buộc tất cả lại nếu một nhân viên nhà nước, một sinh viên mà không báo cho bố mẹ ở quê nhà biết thì cũng bị liên lụy, bị tước một phần quyền sở hữu công sản. Hãy nắm từ những người dân oan mất đất, đây là lực lượng tuyệt vọng và có sức tranh đấu mạnh mẽ nhất.
- Tiểu thương: Bị ảnh hưởng nặng vì kinh tế suy thoái, buôn bán ế ẩm bị quốc doanh chèn ép.
- Cán bộ nhà nước: Đây là nhóm có cuộc sống chật vật vì đồng lương thấp kém, bấu víu vào “cơ chề công chức” để giữ nồi cơm “chiều”, một thành phần sẵn sàng chấp nhận tiếp tay vào cuộc trở mình của đất nước.
- Công an: bất cứ xã hội nào, việc trị an vô cùng quan trọng, trong xã hội mới lực lượng này, những ai đứng về phía nhân dân cũng được trọng dụng. Chỉ loại khỏi ngành những tên chống lại sự thay đổi, chống lại người dân. Lực lượng này được ưu tiên phân chia tài sản trong các công ty nhà nước. Vì vậy, hãy đặt lực lượng này chọn lựa giữa dân chúng hay đảng mục nát, trở về với đại khối dân tộc hay chịu sự trừng phạt.
- Quân đội: Đây là một lực lượng được tổ chức chính quy, có võ khí, nếu không thông về tư tưởng và giải pháp chính trị, mà vẫn bị nhà cầm quyền mua chuộc thì một khi bạo lực xảy ra sẽ rất thảm khốc. Toàn dân cần cảnh giác bị lực lượng này vin cớ bạo loạn xã hội thực hiện đảo chính, ban hành thiết quân luật và biến đất nước thành một nền độc tài quân sự. Đây là một kịch bản tồi tệ.
- Tài xế: Đây là lực lượng cơ động, vô cùng quan trọng trong trận quyết chiến này. Hơn ai hết, từ lâu họ thấy ra bản chất xấu xa, tồi tệ, mục nát của chế độ của xã hội: đường xá xuống cấp, nạn mãi lộ trắng trợn, ăn tiền trên mồ hôi nước mắt. Lực lượng nổi dậy cần có bộ phận liên kết, lãnh đạo họ, khi nổ ra biểu tình phải huy động hàng ngàn xe khắp nơi tràn về Hà Nội.
- Hưu trí: Đây là lực lượng được dẫn dắt do niềm tin về chủ nghĩa cộng sản, kinh qua những cuộc chiến tranh thảm khốc và thời kỳ nghèo đói kinh hoàng của đất nước. Với họ luôn thấy đất nước phát triển hơn xưa nhiều, tuy vai trò xã hội không còn nhiều nhưng tiếng nói có uy tín với con cháu. Với niềm tin bị tuyên truyền về đấu tranh giai cấp và sự tàn khốc của chiến tranh, họ luôn e ngại sự thay đổi. Họ sợ chiến tranh, sợ mất lương hưu, sợ bị trả thù... với họ rất khó để nói chuyện bằng lý trí vì kiến thức, niềm tin quá cách biệt.
- Trí thức: Đây là tinh hoa của dân tộc nhưng bị hạn chế nhiều vì nền giáo dục lạc hậu và bị mắc nạn công danh trong tay đảng nắm quyền, số cấp tiến có nhưng số thủ cựu thụ động còn rất lớn. Niềm tin vào lý tưởng đảng xem như đã hết nhưng niềm tin vào đường thăng tiến còn rất mạnh, kiến thức về dân chủ, tự do còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về kinh tế thị trường tự do.
- Sinh viên: Đây là tầng lớp đông đảo, số thức tình trước hiện tình đất nước, nhưng cũng có số còn u mê, chạy theo vật chất, đứng bên lề nỗi đau của dân tộc. Nỗi lo lớn nhất là học hành và sợ ảnh hưởng tương lai nếu dính vào chính trị. Số ủng hộ rất hữu ích có thể là thủ lĩnh truyền tin tức, liên kết mọi người. Số thờ ơ không tạo ra lực cản. Cần cho sinh viên biết vai trò của họ và quyền lợi của họ, nếu bản thân không đóng góp thì gia đình cũng mất phần quyền lợi. Hãy trao cho họ phương cách an toàn để đóng góp: thông tin, chuyển tải tin tức qua mạng.
- Lực lượng đấu tranh dân chủ: Đây là một lực lượng rất đa dạng từ quan điểm, chủ trương đến hành động. Đây quả thật là một cuộc chiến rất dân chủ. Trong một đất nước mà lề lối sinh hoạt, nguyên tắc dân chủ chưa hình thành rõ ràng, kiến thức dân chủ chưa đến thực sự với người dân thì đây là… một nguy cơ.
Việc này có thể tạo ra đất nước rối loạn, kiệt quệ và từ đó xu hướng ủng hộ độc quyền để đổi lấy ổn định như bên nước Nga là một ví dụ. Qua kinh nghiệm trên thế giới có rất nhiều lực lượng đấu tranh muốn một chính quyền dân chủ trong một nền kinh tế nhà nước bao cấp để lấy lòng dân, lấy sự miễn phí, giá rẻ làm phước lành cho dân nghèo.
Phong trào cách mạng cần làm rõ nguyên tắc: kinh tế cũng là chính trị. Kinh tế bao cấp nhà nước chính là cái nôi của suy đồi kinh tế, chính trị phi dân chủ. Hãy tuyên truyền những giá trị căn bản của một nền dân chủ, những nguyên lý để đưa một nền toàn trị sang nền dân chủ và những nhân tố giúp chống lại việc trở lại sự độc tài.,
-Người Việt trong nước: Nhiều phong trào dân chủ được phát động và lãnh đạo bởi tôn giáo và gắn liền dân chủ như là một giá trị của tôn giáo, điều này thực sự có thể gây trở ngại cho con đường tiến đến dân chủ ở Việt Nam khi mà các tôn giáo vẫn còn khoảng cách ngăn chia lớn trước vấn đề quốc gia.
Cần phải tách bạch vấn đề dân chủ và tôn giáo.
Dân chủ là giá trị phổ quát của nhân loại chứ không phải sản phẩm của tôn giáo.
- Người Việt nước ngoài: Việt Nam có lịch sử của một cuộc chiến tranh dai dẳng ý thức hệ lâu dài, và có lịch sử di dân to lớn. Đó thật sự là vết thương luôn rỉ máu của dân tộc. Chính bộ phận “thua cuộc” và “di dân” lại là một bộ phận có kiến thức dân chủ cao vì vừa là nạn nhân của chuyên chính vô sản, vừa tiếp cận những giá trị dân chủ, tư do cao của các quốc gia trên thế giới.
Họ miệt mài đấu tranh cho tự do dân chủ nhưng bị nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền là họ đấu tranh vì sự thù hận chiến tranh và phục quốc dựng lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Đây là một trở lực lớn khi mà người dân trong nước sau bao nhiêu năm sống trong môi trường thiếu thông tin đã bị nhiễm độc âm mưu tuyên truyền của Cộng Sản, xem những thành phần chiến đấu cho dân chủ tại Hải Ngoại là hoạt động chống phá nhà nước, rước ngoại bang để chịu hàng phục làm nô lệ! Tuy nhiên, ngoài lực cản như trình bày thì lực lượng trí thức của người Việt nước ngoài đông đảo mang nguồn tư tưởng dân chủ tiến bộ là một nguồn lực vô cùng quí giá sẵn sàng cổ vũ sự thay đổi, xây dựng lại đất nước sau ách toàn trị.
- Lực lượng quốc tế: Trong môi trường toàn cầu hóa, không nước nào thoát khỏi mối ràng buộc chằng chịt, chung qui cũng vì quyền lợi. Lực lượng ủng họ sự vận động đến dân chủ là thế giới tự do, đứng đầu là nước Mỹ. Lực lượng muốn duy trì độc tài là nhóm các nước độc tài toàn trị như Trung Cộng và Nga. Do đó, cần vận động và tiếp cận sự ủng hộ của nhân dân các nước văn minh, các nước cổ võ cho giá trị dân chủ truyền thống.
5- Kết luận:
Lá thư gần đây của Tập hợp Quốc Dân Việt có nhận định như sau: “Quốc nội: Số ít chưa nhận ra đại họa Tàu Cộng. Trong số Dân đã nhận thức được đại họa của Quốc Dân, thì đa số Dân quá ù lì thụ động, kể cả hàng ngũ Chức Sắc các Tôn giáo, Nhân sĩ, Trí thức, chỉ thở dài thất vọng hoặc khóc, mà không biết nên làm gì. Và Hải ngoại: Chưa tập trung vào hai mục tiêu then chốt trong giai đoạn này là: Chống Formosa - Bảo vệ môi trường - Bảo vệ Sự Sống & Chống Tàu Cộng”.
Hoàn toàn đúng. Yêu cầu dân chủ hiện là một yêu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam. Bệnh thiếu dân chủ đã kéo quá dài và ở mức độ trầm trọng đến mức báo động.
Từ việc phân tích, nhận định tình hình trên, ta thấy tất cả đều hưởng lợi từ chủ trương thay đổi của đất nước và thay thế Đảng cầm quyền CSVN.
“Đức Phật ngày xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường cứu vớt nhân sinh, năm 1963, Hoà Thượng Thích Quảng Đức bỏ hết để đi vào lửa trao ra một thông điệp yêu thương, bình đẳng. Ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để hằng ngày gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do mà đân tộc ta đương gánh chịu.

Con đường thương yêu đồng bào, thương yêu đồng loại là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy hướng đúng, hướng phù hợp với từng người! Cái khó vạn nan kế tiếp là hăng hái bước lên đi vào hành động…” (trích Nguyễn Văn Sâm).
Vì vậy, vấn đề là làm sao tạo ra thế trận xa luân chiến để lực lượng ngày càng to lớn và “đi vào tổ chức” để cùng tấn công, cùng lên tiếng đáp lời sông núi. Khi đó, tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ hiện tại sẽ đầu hàng, thúc thủ.
Cuộc cách mạng sắp tới mới thực sự là một tập hợp giữa đại đa số người dân đang đứng bên bờ vực thẳm và những thành phần trong Đảng, trong một nhứt điểm lương tâm nào đó, chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để bỏ đảng và cứu Nước.
Tháng 5 năm 2017
danlambaovn.blogspot.com

TRẦN TRUNG ĐẠO * BÓNG MA CỘNG SẢN



Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Câu “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Marx đã viết trong Tuyên ngôn đảng cộng sản để thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19, đã trở thành bóng ma của quá khứ. Một trăm năm chục năm sau ngày công bố Tuyên ngôn đảng cộng sản, nơi yên nghỉ của Marx tại nghĩa địa High Gates ở ngoại ô London đã nhiều lần được chọn để làm ngoại cảnh cho những cuốn phim ma.
Thế nhưng, có một nơi, bóng ma Cộng Sản vẫn còn đang ám ảnh trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội. Nơi đó là Việt Nam.

Những sản phẩm của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam còn đầy dẫy: cơ chế chính trị độc tài, nền kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, sùng bái cá nhân, suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đổ thừa có hệ thống. 
Lấy trường hợp suy tôn Hồ Chí Minh làm ví dụ. 
Rất đông người Việt trong nước vẫn còn tin rằng “Bác Hồ” của họ có một “tình yêu bao la” dành cho dân tộc Việt Nam, tương tự như Marx đã có một “tình yêu bao la” dành cho nhân loại. Tin hay không tin là quyền của mỗi người, điều đó không có gì phải bàn, tuy nhiên điều thắc mắc làm thế nào để biết ông Hồ có “tình yêu bao la” trong khi tất cả những gì đại đa số người Việt đang sùng bái ông Hồ biết về ông ta đều chỉ qua những dữ kiện, tài liệu do đảng bào chế, gạn lọc và giảng dạy? 
Bộ máy tuyên truyền của đảng bắt 90 triệu người dân Việt, từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng ông Hồ cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức của con người, trở thành một phần thiêng liêng trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người. 
Nếu một đề thi tuyển đại học hỏi về “Tình yêu bao la” của ông Hồ, tất cả bài trả lời của học sinh trung học tại Việt Nam đều sẽ viết giống hệt nhau. 
Một sinh viên năm đầu cũng biết phương pháp căn bản của mọi nghiên cứu khoa học là hoài nghi, đặt vấn đề, phản đề, đối chiếu, phân tích và tổng hợp. Nếu đồng ý như thế thì bao nhiêu người Việt Nam hiện nay, có quyền hoài nghi một cách công khai về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, có quyền so sánh những gì họ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa với những công trình nghiên cứu độc lập khác, có quyền nói lên điều họ không đồng ý? 
Rất nhiều bài viết về “cách mạng tư duy” của nhiều người trong nước, đặc biệt những người trẻ đang sinh hoạt trong guồng máy của đảng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoại trừ các nhà phản kháng nằm ngoài hệ thống đảng, chưa ai dám thách thức vai trò chủ đạo của đảng Cộng sản trong tiến trình cách mạng tư duy đó. 
Trong lúc người viết thông cảm với các tác giả, những người vừa mang khát vọng phục hưng đất nước lại vừa khó có thể từ bỏ ân huệ bổng lộc của chế độ ban cho, nhưng sự can đảm là đức tính cần phải có của một người trí thức. 
Đặc tính của mọi cuộc cách mạng là triệt để và cách mạng tư duy cũng không thoát khỏi quy luật đó. Nếu không, đó chỉ là những cải cách nửa vời, vá víu, sáo rỗng. 
Chống tham nhũng không phải là một hình thức cách mạng vì tham nhũng sẽ không bao giờ bị tận diệt nếu các điều kiện tạo ra tham nhũng còn tồn tại. 
Làm thế nào để trong sạch hóa chính quyền khi các cơ quan nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) không có sự phân quyền, độc lập và kiểm soát lẫn nhau? 
Làm thế nào để trong sạch hóa xã hội khi sinh mạng của hơn 90 triệu người tập trung trong tay của một nhóm vài chục người? 
Trong lúc ở một phần lớn thế giới, chủ nghĩa cộng sản đã là bóng ma của quá khứ, học thuyết Marx chỉ còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn phải tụng một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những định nghĩa, những giá trị đã lỗi thời. 
Con đường dân tộc đang đi, tuy không còn nghe tiếng bom rơi, đạn hú nhưng có nhiều tiếng xiềng xích khua vang, tiếng người rên siết. 
Đất nước Việt Nam không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu, nhưng đã mọc lên thêm rất nhiều nhà tù và sân bắn, các thế hệ Việt Nam măng non của hai miền vẫn tiếp tục lớn lên trong hận thù và nghi kỵ lẫn nhau. 
Cuộc chiến tranh bằng súng đạn gắn liền và phục vụ cho quyền lợi của các đế quốc đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng một cuộc chiến tranh mới, khó khăn, gian nan và làm tiêu mòn sinh lực dân tộc hơn nhiều cũng bắt đầu ngay từ hôm đó. 
Cuộc chiến mới không phải riêng của nhân dân miền Nam hay nhân dân miền Bắc, không phải riêng của người Việt trong nước hay người Việt hải ngoại, không phải của những người từng bị chế độ cầm tù hay những người một thời chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. 
Cuộc chiến mới là của dân tộc Việt Nam chống lại ý thức hệ ngoại lai xâm lược. 
Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Marx vào Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến đấu mới sẽ rất khó khăn, bởi vì kẻ thù của một người Việt Nam trong cuộc chiến mới không phải mắt xanh, mũi cao, da trắng, không phải ai xa lạ mà nhiều khi lại là quá khứ của chính người đó. 
Từ bỏ thói quen cà-phê, thuốc lá đã là khó đừng nói chi từ bỏ cả một phần đời đầy kỷ niệm có tất cả những đau thương và hạnh phúc, có vui và buồn, có những phút vinh quang và có cả những vết thương còn hằn sâu trên thân thể, không phải là chuyện dễ dàng. 
Người viết thường nói vui với bạn bè, quyết định ẵm cô gái đẹp xuống ghe thì dễ nhưng để cô ta lại trên bờ bên kia và ra đi trong an nhiên tự tại mới là chuyện khó. Bao nhiêu người trong số hàng trăm ngàn người Việt chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh để giải phóng dân tộc trước 1954 thấy được sự khác nhau giữa chiếc ghe cộng sản giúp cho họ qua sông và chiếc ách cộng sản đã và đang nhiễm trùng sâu xa trong cổ họng của dân tộc mình. Rất ít. 
Nói như thế không có nghĩa là tôi không kính trọng các nhà phản kháng cao niên trong nước hiện nay. Tôi kính trọng họ. Các chú các bác đã dám nói lên những điều mà ít ai dám nói. Yêu nước không bao giờ sớm và cũng chẳng bao giờ trễ. Nói lên một tiếng nói yêu nước, dù trong lúc tàn hơi, trong tuổi về già vẫn còn hơn những người khác, trẻ hơn, có học hơn mà chỉ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, nhắm mắt làm ngơ trước nỗi bất hạnh của dân tộc mình. 
Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, bốn ngàn năm đã chảy qua bao nhiêu thăng trầm ghềnh thác nhưng phải tiếp tục chảy, chảy cho ngày mai, chảy cho các thế hệ Việt Nam mới, được lớn lên trong thương yêu đoàn kết, dù phải vượt qua nhiều thác ghềnh đang đợi chờ phía trước. 
20/5/2017

CỘNG SẢN ĐỘI LỘT SƯ TẠI HẢI NGOẠI

Quốc Doanh Hải Ngoại (từ Phật Giáo Cộng Sản trong nước đưa ra) 
đang phá hoại tận gốc rễ nền tảng của Phật Giáo VN Hải Ngoại
Hòa Thượng THÍCH TUỆ MINH

Cộng Sản Việt-Nam mưu mô hơn chúng ta (VNCH) về nhiều mặt trong đó có bộ mặt tuyên truyền từ trong nước trong thời chiến tranh....cho đến những năm sau này.Vì chúng ta giỏi về cá nhân; nhưng không thành công về tập thể. Cộng Sản thì ngược lại.

Chúng ta phải biết rằng: Chủ -Nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa lừa dối; khủng bố; mafia gạt gẫm ... đi ngược lại nền tảng đạo đức; ngược lại tôn giáo và nhất là Phật-giáo, có trong 5 điều cấm căn bản của đạo Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia. Chúng ta hãy nhìn; nhận xét cho kỹ trước biến cố năm 1950 Trung Hoa là một nước Phật giáo chiếm tới 90% dân số gồm các phái Thiếu Lâm; Nga-Mi; Tào Động;Trung Sơn v.v...Sau ngày Mao Trạch Đông chiếm trọn Trung Hoa từ tay Tưởng Giới Thạch; sau khi thu gọn đất nước Trung hoa; các Sư-Sãi bị đem ra “cánh đồng chết” giết sạch. Chùa chiền; tượng Phật bị đập phá hết, và từ đó không còn một bóng dáng nhà Sư; cô Vãi....

Việt Nam ta dưới sự kiểm soát ngoài miền Bắc của Hồ chí Minh cũng làm y chang như Mao trạch Đông không hơn không kém..., cho đến khi chúng tóm thâu miền Nam sau năm 1975 thì Sư Sãi; chùa Chiền cũng bị chúng tóm thâu; đập phá; bắt các sư sãi bỏ vào tù không một chút thương tiếc; nhưng chính Cộng Sản Việt cũng đã cấy nhiều cán bộ vào các tự viện để theo dõi các thầy tu hành, và đến ngày cái gọi là " GIẢI-PHÓNG" họ lòi cái BẢN MẶT CỘNG SẢN RA...ngay trong NHA TUYÊN UÝ PHẬT GIÁO tọa lạc tại đường TÚ XƯƠNG/Q.3 Saigon; Cộng Sản cũng cấy người vào được. Chính mắt chúng tôi thấy:HAI TÊN TUYÊN UÝ PHẬT GIÁO TRÁ HÌNH LÀ THẦY CHÙA MANG KHĂN ĐỎ DẪN BỘ ĐỘI VÀO TIẾP THÂU NHA TUYÊN UÝ ; ĐÓ LÀ HAI THẦY TỪ DIỆU, và THIỆN LỰC (đầu bạc) đã chết rồi; riêng Từ Diệu đang bệnh họan và ở Hoa Kỳ hiện nay tại California.

Cộng Sản VN khó thuyết phục được người Thiên Chúa giáo Việt Nam vì hệ thống La-Mã và hệ thống quốc tế của người Thiên Chúa với tinh thần rất cao.
Ngược lại; bên Phật giáo có số lượng đông người; dễ dụ dỗ; nên người Cộng Sản họ ngã qua giúp đỡ và dựa Phật giáo để bám trụ tồn tại lâu dài; và dùng tiền của Đảng đào tạo Cán Bộ Tăng-Ni ra nước ngoài móc nối người Việt mê tín để làm tiền đem về phục vụ cho Đảng mỗi năm. Đảng có lợi nhuận do các Sư-Sãi Quốc doanh kiếm được hàng triệu dollars. Họ vừa kiếm tiền cho Đảng;ï vừa phá nát niềm tin của Phật tử do hành động của họ thiếu kinh nghiệm tu hành, để cho CSVN ngồi mát hưởng bát vàng vì cái nào Cộng Sản cũng có lợi cả.

Còn nhiều điều tôi muốn nói ra đây để cho quần chúng hiểu rõ rằng:CSVN LÀ THẾ ĐÓ; SƯ QUỐC DOANH LÀ THẾ ĐÓ.
Bỡi người Phật tử có nhận định rằng: Kính Phật thì trọng Tăng; vì Tăng đứng vào hàng TAM BẢO; và những Sư Quốc doanh trẻ; ăn nói lưu loát; đẹp trai dễ mến; nên Phật tử có tiền nhưng thiếu ý thức và hiểu biết, cứ cúng dường....cho Sư cho Đảng !

Trân trọng/ president/WSBCC.Org

Most Ven. Thích Tuệ Minh.
(Hoa Thuong Thich Tue Minh , April 17, 2017 5:15 AM)

Làm Thế Nào Để Nhận Diện Sư Quốc Doanh?
Bài viết của Cư sĩ MINH HIỀN
Lời người chuyển bài: Bài viết này.....Ai là Phật tử chân chính. Phải đọc.....Nên đọc...Cần đọc...........Rất đáng khen cho người viết........Bình tĩnh, vô tư, trung thực....Thực tế nhiều nơi đã xảy ra đúng như bài viết. (Ty NGUYỄN)

Cũng nên nhắc lại trước 1975, Việt Cộng (VC) đã thành công trong việc gài cấy Đặc sứ Cộng sản trong các chùa chiền ở miền Nam, để điều khiển, và gây chia rẽ trong giáo hội Phật Giáo Miền Nam. Xách động Phật tử miền Nam Việt Nam chống đối chính quyền đương thời. VC đã thành công trong việc lợi dụng lòng tin của người Phật tử để mưu cầu thế lực chính trị của họ.
Chính sách "bình mới rượu cũ" một lần nữa lại đang được CS áp dụng với tín đồ Phật tử tại hải ngoại.
Trong hai thập niên từ năm 1975 đến năm 1995, Việt Cộng đã thành công phần nào trong chính sách đàn áp các thế lực chống đối ở trong và ngoài nước. Trong thì chúng dùng AK, ngoài thì dùng chính sách chia rẽ, phân hoá, gây nghi ngờ trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại (CĐNVHN), đặc biệt là làm yếu đi thế chính trị của GHPGVNTN (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) cùng các thế lực tôn giáo chống Cộng khác mà chúng cho là có thể ảnh hưởng đến chế độ cai trị của chúng.

Từ kết quả thành công nầy, chính quyền VC đã không ngần ngại tung ra hải ngoại hàng ngàn "Cán Bộ Đầu Trọc (CBĐT)" mà chúng ta hay gọi là "Thầy Tu Quốc Doanh" nhằm hai mục đích chính:
I. Áp dụng chiến thuật "Biển Chùa": Trong thời chiến, chúng áp dụng chiến thuật "Biển Người" cho mục đích xâm lăng, cướp đoạt miền Nam VN thì bây giờ chúng áp dụng chiến thuật "Biển Chùa", xây thật nhiều chùa nhằm chia cắt, và lấy đi thế lực ủng hộ của CĐNVHN (Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại) đến các thế lực tôn giáo chống đối.

II. Xây dựng một hệ thống kinh tài qui mô: Mục tiêu là nhắm vào lòng tin của tín đồ Phật tử trên khắp nước Mỹ, Úc Châu, Châu Âu, và Canada là những vùng có mật độ "Việt Kiều" cao. Những vị Việt Kiều cao niên được coi là những "con mồi ngon" nhất của chúng.
Chúng đã thành công rực rỡ trong hai mục đích trên. Đơn giản, trong các ngôi chùa được xây sau 1975 tại hải ngoại, hầu hết các thầy nay đã già yếu và cần người thay thế. VC đã biết và đã huấn luyện người của chúng để chuẩn bị thay thế các thầy từ lâu. Hầu hết những ngôi chùa Việt Nam ở hải ngoại đều bị tụi CBĐT này; trước hết là đến xin vào tu trong những chùa này. Kế đến là tìm hiểu tình hình rồi tìm cách gây chia rẽ Phật tử (ban trị sự). Cuối cùng là chiếm đoạt ngôi chùa khi vị tu sĩ chủ trì khuất bóng.

Ngoài ra chúng ào ạt xây chùa to nhỏ khắp nơi, bành trướng mạng lưới kinh tài của chúng. Thành ra hầu hết những ngôi chùa Việt Nam ở hải ngoại đều bị tụi CBĐT này khống chế.
Vụ Xì Căn Đan* của tên CBĐT Lê Tiến ở Utah. thật ra không có gì lạ cả mà là đã và đang xẩy ra trong hầu hết những ngôi chùa bị xâm nhập bởi sư Quốc Doanh từ VN qua. Quí vị có thể tự mình chứng minh chuyện nầy bằng cách quan sát rằng hầu hết những ngôi chùa VN ở hải ngoại đều có những nét đặc thù và hiện tượng sau đây:

1. Sư (CBĐT) được xuất cảng từ Việt Nam (made in VN, thuộc GHPGVN (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam)). Lai lịch bất minh. Biện hộ quanh co, hoặc tìm cách né tránh khi bị hỏi về vấn đề này (bị Phật tử để ý và điều tra lý lịch).
2. Các chùa này hay tiếp nhận những sư (CBĐT) đi “công tác từ VN”.
3. Hay đi về VN. Lúc ở hải ngoại thì rất thường hay liên lạc với VN (để nhận chỉ thị??? hoặc có thể báo cáo những nhân vật nào có tư tưởng đối nghịch với đường lối của CS để theo dõi??? hay báo cáo tổng kết chi-thu để chia chác tiền bạc???).

4. Phần lớn những CBĐT nầy là thanh niên hoặc trung niên, khoảng từ 20 - 45 tuổi. Cán bộ già thì ít hơn nhiều. Có lẽ không có sức làm tiền nhiều như tụi trẻ.
5. Hầu hết chúng là người miền Trung Việt. Nhiều nhất là từ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên. Phần lớn được tuyển chọn (recruit) vào tổ chức của chúng khi thành viên khoảng từ 10 - 14 tuổi. Xuất thân thường là nhà rất nghèo.
6. Nếu chùa do người khác xây dựng nên thì chúng luôn luôn tìm cách len lỏi vào, gây và củng cố thế lực bằng cách mang thêm người của chúng vào, và cuối cùng là dẹp ban trị sự (hay ban trị sư!!!) để đoạt lấy quyền hành, thao túng hoạt động và tài chánh.

7. Chúng rất niềm nở và ngọt ngào đối với những con mồi (tín đồ) của chúng. Một khi đã bắt liên lạc, và lấy được địa chỉ và số điệân thoại là chúng sẽ "ám" (liên lạc, xin tiền, giả bộ tìm cách giúp đỡ trong việc cúng kiếng, cầu siêu, cầu phước...) người đó đến cùng.
8. Rất rành việc cúng quảy, cho bùa phép để làm ăn, cách thức cúng kiến để cầu thọ, trừ tà... Điều này dễ hiểu bởi vì chúng được đào tạo từ một trường phái mà ra (VC, GHPGVN của VC).
9. Có rất nhiều trường hợp trong chùa nam (có các thầy trẻ trung) xuất hiện các ni cô trẻ (nữ cán bộ?, nữ hộ lý?). Những ni cô trẻ này phần lớn là mượn danh "BÀ CON" của "thầy trù trì" đến tạm trú.
10. Thường thường chúng bắt đầu "lập nghiệp" bằng cách mua một căn nhà nhỏ, lập chùa (nhiều trường hợp không có giấy phép), dùng chùa nhỏ nầy làm bàn đạp gây quỹ, kiếm tiền để xây chùa hợp pháp và lớn hơn.
11. Xây chùa lớn bằng vật liệu từ Việt Nam.
12. Thường xuyên quảng cáo chùa qua báo chí. Đôi khi chúng hùn hạp nhau quảng cáo trên một trang (chi phí quảng cáo thấp hơn).
13. Phát động rất nhiều hoạt động (ca nhạc, cắm trại...) nhắm vào giới trẻ ham vui dễ tin, dễ tánh để gây quỹ. Thường là mượn cớ cứu trợ người nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em mồ côi (làm tín đồ dễ động lòng hơn, rút hầu bao nhiều hơn).

14. Những CBĐT này thần sắc phần lớn không được thiện lương cho lắm (mặt mũi lờ đờ, gian xảo). Cũng dễ hiểu thôi là vì chúng được đào tạo từ một tổ chức bất lương, nhằm mục đích lường gạt người. Thế nên nét gian xảo (tâm bất chính) không khỏi bị lộ diện.
15. Tụng kinh ê a và lớn. Nếu chùa hợp pháp thì chúng thích gắn loa trong chùa để tiếng tụng được to hơn, uy thế hơn.
16. Nếu quí vị để ý sẽ thấy chúng tích trữ nhiều phim ảnh (movie) để giải sầu sau một ngày làm việc (kiếm tiền) mệt mỏi.

17. Nếu trong một khu vực có nhiều chùa của chúng thì chúng sẽ liên lạc làm lễ khác ngày, tạo điều kiện cho Phật tử có cơ hội đi chùa nhiều hơn, cúng chùa nhiều hơn.
Thưa quí vị, tôi là một người yêu Phật Giáo. Yêu nét hiền hoà, thân mến của ngôi chùa Phật Giáo. Yêu hình ảnh dễ thương của tín đồ Phật Giáo khi đi viếng chùa. Và tôi yêu vô cùng cái triết lý tuyệt vời này của ngài Tất Đạt Đa. Tôi vui mừng khi thấy CĐNVHN, mặc dầu quay cuồng trong thế giới đầy vật chất này, vẫn không quên văn hoá VN, vẫn không quên tìm cách tu tâm, dưỡng tính theo lời Phật dạy. Nhất là đã bỏ công sức, tiền tài rất nhiều để làm công việc hoằng hoá Phật Giáo (xây chùa, làm công quả...). Thế nên tôi viết bài này, không phải để phỉ báng chùa chiền, và những tu sĩ Phật giáo chân chính, mà là tìm cách vạch trần âm mưu và mục đích của Việt Cộng đã làm thoái hoá đi nền tảng Phật Giáo VN, làm xấu đi hình tượng đẹp của những bậc chân tu, làm ô uế đi hình ảnh trang nghiêm, hiền hoà, thanh đạm, dễ thương và nhất là vô chính trị của ngôi chùa VN.

Chúng ta, nếu muốn diệt đi lũ VCĐT này thì phải diệt đi động lực và mục đích chính của chúng . Mà động lực mạnh nhất là gì? Thưa quí vị, đó chính là "TIỀN HOẶC TÀI CHÁNH. Theo thiển ý, nếu chúng ta biết hoặc nghi ngờ một ngôi chùa nào đó có CBĐT khống chế, thì xin quí Phật tử cắt đứt mọi liên lạc hoặc ủng hộ đến ngôi chùa đó . Đồng thời thông tri cho quí đồng hương trong địa hạt để chúng ta có thể đoàn kết cật lực điều tra, bứng gốc rễ của chúng đi. Nếu chúng ta còn nửa nghi nửa ngờ thì cũng nên dè dặt trong việc cúng dường. Mặc dầu việc cúng dường tam bảo hay xây chùa là tốt đẹp, là việc nên làm trong công cuộc hoằng dương Phật Pháp; nhưng nếu chúng ta "cúng" không đúng chỗ (cúng cho CBĐT) thì sự cúng dường này gây ra tai hại cho Phật Giáo nhiều hơn là không cúng.

Ngoài ra, tác giả cũng xin tha thiết yêu cầu quí Phật tử, quý thầy ngưng hoặc gia giảm việc nhờ cậy (rước) các sư từ VN, hoặc có lai lịch bất minh đến chùa của mình để giúp đỡ trong việc lễ nghi, cúng kiến. Nếu chúng ta thiếu thầy làm lễ thì cũng xin cố gắng "liệu cơm gắp mắm" tự túc. Không nên rước cọp vào nhà (chùa) bằng cách đem bọn CBĐT vào trong chùa của mình.

Bài viết này chỉ nói lên thiển ý của tác giả được tích lũy qua nhiều kinh nghiệm giao tiếp với những tập đoàn sư VC. Tác giả, bản thân cũng là một Phật tử, rất là không muốn làm tổn hại đến niềm tin, tín ngưỡng của bất cứ quí Phật tử nào. Chỉ hy vọng đóng góp chút kiến thức cho CĐNVHN nhằm củng cố lại nền móng Phật Giáo VN ở hải ngoại mà VC đã hủy hoại đi quá nhiều. Tác giả cũng tha thiết yêu cầu quí vị Phật tử đồng hương để tâm đến những con buôn tôn giáo này (CBĐT) khi quí vị ra sức cho chùa chiền, cúng dường tam bảo, đặc biệt là những ngôi chùa không có ban trị sự.

Kính bút.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Minh Hiền.
(Fwd: 'Khai Vo' via banvang , 4/17/2017, 12.06PM)
 

TS. MAI THANH TRUYẾT * ĐẢNG CS CÓ BẢO VỆ BIỂN ĐẢO KHÔNG?

ĐẢNG CSBV CÓ THIỆN CHÍ BẢO VỆ BIỂN ĐẢO HAY KHÔNG?

TS Mai Thanh Truyết
 
Nguy cơ mất đảo, mất biển của Việt Nam ngày càng đến gần và với vai trò điều hành đất nước của ĐCSBV, chúng ta cần phải đặt câu hỏi về việc nhà cầm quyền CSBV đã làm gì để Việt Nam rơi vào tình trạng nguy khốn hiện nay. Để hiểu rõ thêm về sự sự thiếu sót của VC trong vấn đề đối phó với TC thì cần phải hiểu âm mưu và chiến lược xâm chiếm Biển Đông của TC.

1-    Chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Cộng

Điều đầu tiên cần phải nêu ra là: chiến lược lấn chiếm Biển Đông của TC không dựa vào thế lực quân sự mà là lực lượng bán quân sự, bao gồm những lực lượng như hải giám, ngư chính, cảnh sát biển… TC lựa chọn phương pháp này nhằm tránh đối đầu quân sự với Mỹ, nhưng lại có dư khả năng để lấn át các nước láng giềng. Với hình thức này, TC sẽ có thể quấy rối thường xuyên, dùng số đông để làm tiêu hao lực lượng đối phương và luôn đặt đối phương ở tình thế căng thẳng. Một lý do nữa cho lựa chọn này là TC có thể nại cớ làm nhiệm vụ tuần hành, giám sát lãnh hải của họ chứ không phải xâm chiếm nước khác.

Để đối phó với chiến lược này thì chỉ có thể dùng lực lượng bán quân sự, vì nếu dùng quân sự thì chẳng khác nào là kẻ gây chiến và TC sẽ có lý do cho quân đội họ nhảy vào. Chiến lược này của TC đối với Việt Nam càng hiệu quả hơn vì Việt Nam thực sự chưa có lực lượng cảnh sát biển hùng mạnh. Hãy thử lược qua lực lượng bán quân sự bảo vệ biển của Việt Nam:
a-    Lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam gọi là Cục Cảnh Sát Biển Việt Nam (CSBVN), được thành lập ngày 28/8/1998. Nhiệm vụ của cục CSBVN là ‘thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước này ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của mình’ (theo wiki). Hiện nay, lực lượng CSBVN ra sao vẫn chưa có một thống kê hay bất cứ công văn nhà nước nào nêu lên việc xây dựng một lực lượng vững mạnh; số tàu hoạt động và quân số vẫn chưa rõ ràng.
b-    Một lực lượng bán quân sự khác được dùng trong việc bảo vệ ngư trường và cứu giúp ngư dân là kiểm ngư. Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam cũng chỉ vừa được thành lập, bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 1 năm 2013.
Như thế, hai lực lượng chính để bảo vệ tài nguyên biển và chủ quyền kinh tế của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn thành lập, nhưng lại không được nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường xây dựng để bắt kịp tình huống đòi hỏi, cho dù chi phí xây dựng đội tàu cảnh sát biển chỉ là phần nhỏ so với chi phí tàu quân sự. Thiếu sót này rõ ràng là cố ý trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. 


Trong vài năm gần đây, VC mua một vài tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Nhật, Ấn Độ. Tất cả những “mua bán” trên đây chỉ nhằm mục đích trình diễn, hay trấn an ngư dân mà thôi. Nhưng trên thực tế, tàu đánh cá của ngư dân Việt vẫn bị “tàu lạ” cước bóc, đánh đuổi mặc dù ở trong hải phận Việt Nam, thậm chí còn bị đâm chìm. Có vài trường hợp, tàu hải ngư Việt Nam có hiện diện nơi hiện trường, nhưng vẫn làm “ngơ” và tránh xa, thậm chí không làm nhiệm vụ cấp cứu khi ngư dân kêu gọi!
Một sự kiện mới nhứt vừa xảy ra là … “Khoảng hơn 0 giờ ngày 28.3.2017, tàu Hải Thành 26 chở gần 30 tấn hàng đang hành trình từ Hải Phòng đi Cần Thơ thì bất ngờ bị đâm. Chỉ chưa đầy 5 phút, tàu Hải Thành chìm hoàn toàn cùng với các thuyền viên. Hậu quả khiến 11 thuyền viên rơi xuống biển và 9 thuyền viên bị mất tích. Thủ phạm đâm chìm tàu Hải Thành 26 ngay lập tức đã được xác định là “tàu lạ”. Tuy nhiên, “tàu lạ” là tàu nào thì còn phụ thuộc vào những đứa con hoang đàng Ba Đình có dám ho he với một đám bố ở Bắc Kinh hay không?” (trích DLB).
Hiện nay, TC với chính sách gây hấn liên tục, thường xuyên qua các biện pháp dân sự như khuyến khích ngư dân xuống Biển Đông đánh cá, cho đấu thầu các lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, leo thang tiến trình thành lập thành phố Tam Sa, điều tàu hải giám tuần tra thường xuyên vùng Biển Đông, đã làm thế giới quen dần với sự hiện diện của TC và hầu như đã mặc nhiên xem vùng Biển Đông là ‘vùng tranh chấp’ (bao gồm các hòn đảo, bãi đá trong đó), chứ không phải TC thực hiện xâm lấn. (Xin xem bài viết “300.000 quân lính TC giải ngũ đi về đâu?” trên blog: maithanhtruyet.blogspot.com.)


Khi đã thừa nhận TC cũng có phần trong ‘vùng tranh chấp’ thì, theo lẽ tự nhiên, cách giải quyết tốt nhất mà các nước bên ngoài đề nghị là phương pháp hòa bình, thông qua luật lệ quốc tế. Dù vậy, trên thực tế TC đang ở thế nước lớn và có nhiều lợi điểm đối với các nước nhỏ trong vùng, họ sẽ không dại gì phải tuân theo luật biển quốc tế để rơi vào thế bất lợi và sẽ tiếp tục lấn tới để giành hết Biển Đông? Kinh nghiệm về cách hành xử của TC qua phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA – Permanet Court of Arbitration) ở Hague, Hòa Lan trong vụ kiện giữa Phi luật Tân và TC đã rõ.

2-    Những bước tiến chiếm tiệm tiến của Trung Cộng


a-    TC sẽ khuyến khích ngư dân của họ đánh cá trong vùng lưỡi bò (xin nhấn mạnh vùng lưỡi bò có thể lấn vào cách bờ biển VN khoảng 60 hải lý) và điều tàu hải giám đi theo bảo vệ. Hiện tại, ước tính có trên 50.000 tàu đánh cá có vũ trang qua sự hiện diện của thành phần quân đội trong đợt 300.000 lính giải ngũ đã nói.
b-    Từ đó, TC sẽ chận xét hay ngăn cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng lưỡi bò mà ngư dân Việt Nam không dám kháng cự.
c-    Một mặt, TC sẽ dùng tàu hải giám và tàu cá ngư dân để khiêu khích vài hòn đảo vùng Trường Sa còn lại do Việt Nam chiếm giữ. Rồi sau cùng sẽ ra lệnh cho quân đội Việt Nam trú đóng trên đảo phải rời đảo vì chiếm đóng bất hợp pháp, không khác chi cuộc chiếm đóng các đảo của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.
d-    Tiếp theo sau đó, TC sẽ hợp tác với Phi Luật Tân khai thác dầu khí vùng Trường Sa; hay hợp tác với Đài Loan khai thác vùng đảo Ba Bình (thuộc Trường Sa), còn các đảo của Việt Nam thì được xem như là lãnh thổ của Tàu rồi, không còn gì để nói nữa.
e-    Bước kế tiếp, nói theo kiểu “Bà Tú Đễ”, TC đề nghị Việt Nam cùng hợp tác hay độc quyền khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, và các đảo thì thuộc chủ quyền của Chệt!
f-    Nếu Việt Nam phản đối, họ sẽ dùng biện pháp phá rối như đã hành động trước đây trong việc cắt cáp tàu Bình Minh vào năm 2012 để ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng lãnh hải của mình.
Do lực lượng Cảnh Sát biển yếu kém, và nhứt là CSBV không thực tâm bảo vệ biển và lãnh hải (vì đã thuần phục Tàu!), Việt Nam sẽ khó lòng chống đỡ bất cứ hành động nào của TC như kể trên, ngay cả nếu CSBV dùng biện pháp quân sự như đem tàu chiến, chiến đấu cơ để đối phó thì cũng chỉ tạo lý do để TC chứng minh với thế giới là Việt Nam đã gây hấn trước và thực hiện bước xâm lăng.]


Is the CPV determined in the protection of the East Sea and the Paracel & Spratly Islands of VN?

Dr. Mai Thanh Truyet


In this article, Dr. Mai Thanh Truyet analyzed the strategic path of China to dominate the Paracel and Spratly Islands and the East Sea of VN, in a gradual but irreversible way; and the strategy as well as the will of the leaders of the CPV to deal with China’s approach and actions. The writer raised the following points:
(1) China’s strategy to occupy the East Sea of VN is not based on military force, especially the Navy, but they exerted a semi-military approach with the maritime Guard Boats, the fishing boats of fishermen, and the Maritime Police.
(2) To deal with the powerful forces above of China, the Vietnamese government formed the Maritime Police Force in 1998 and the “Fishing Control Force” (kie^?m ngu*) in 2013. The main point is the weakness of the two above forces of VN, compared to the powerful and large quantities of the semi-military forces formed by China. Not only were China’s semi-military maritime forces formed a long time ago, they were also very big in scale and quantities. That made Vietnam’s maritime forces look small and weak. So, the protection is insignificant on the scale and magnitude only, not to say the will to protect the Vietnamese fishermen.
(3) The magnitude is only the first issue; the second issue is even more dangerous: the Vietnamese communist leaders have become the servants for Beijing. They always kneeled down to their knees before the leaders of Beijing. That was the reason they lost the Johnson South Battle (in the Spratly Islands)  in 1988 and they had to yield to China a lot of border lands in the North (the China – Vietnam Land Border Delimitation Treaty of December 30, 1999) and tens of thousands of square kilometers of the sea in the Gulf of Tonkin (in the Sino-Vietnamese Agreement on the Maritime Boundary Delimitation of December 25, 2000).
Nguyen Phu Trong continued to yield to Xi Jinping in his trip to Beijing early in the year (he signed 15 documents to yield to Beijing many things, including the training of political and administrative cadres for VN, and the teaching of Chinese language in Vietnam’s  educational  system).
The Chengdu Agreement will come to its full implementation in 2020. That may mark the end of the name of the country of VN on the world map.


TS. PHAN VĂN SONG * VIỆT CỘNG BÁN NƯỚC

Nỗi Lo Mất Nước :
- Những Đi Đêm Giữa TổngTrọng Và Tàu
- COC hay DOC đều là những Văn Tự Bán Nước


TS Phan Văn Song
Tuần qua, sau bài viết về Tình hình Ngoại Giao Mỹ -Tàu, Trump - Xi. Chúng tôi đã nêu cái khó khăn của Việt Nam trước sự ngoan cố của Tàu. Tàu chỉ biết ngoan cố, dùng sức mạnh và cái « miệng to cả vú lấp miệng em ». Từ vùng lưỡi bò (buffalo tongue) đến đường 9 hay 10 điểm tất cả đều do Tàu đơn phương tuyên bố. Các nước láng giềng đặc biệt là Việt Nam, Phi luật Tân, Mã lai và Brunei, cùng chung vùng khai thác vùng biển Biển Đông Nam Á đều là nạn nhơn của tên côn đồ Trung Cộng ỷ sức mạnh làm càn. Sau bài viết nêu trên, cũng trong tuần tác giả  nhận được câu hỏi sau đây của anh bạn Chu Tấn (ở Bắc Cali Huê Kỳ).
Nhận thấy đây cũng là nỗi lo chung của tất cả chúng ta. Chúng tôi xin tóm lược trình bày cùng quý thân hữu những dữ kiện mà chúng tôi biết được qua những bài nghiên cứu khác nhau tìm được trên những diễn đàn hoặc điện báo quốc tế, để đi tìm những trả lời. Đây là câu hỏi :
« Thưa T.S Phan Văn Song.
Đã nhân được bài viết mới của Anh gửi cho trong đó Anh có đề cập đến tình hình bang giao Mỹ- Trung Cộng, Hoàng sa và Trường Sa. v. v...
Gần đây Chu Tấn có nghe tin Trung Cộng loan báo đã có bản "Bản thảo hương Dẫn về COC ?? không biết có đúng như thế không ? Trước đây Trung Cộng vẫn trì hoãn việc cho ra đời bản hướng dẫân COC ? Nay phải chăng Trung Cộng sợ đường lối cứng rắn của Tân Tổng Thống Trump nên mới chịu tiến hành bản dự thảo COC?
Xin Anh vui lòng cho biết Bản hướng dẫn COC khác với DOC như thế nào ? Và COC có đem lại Hòa Bình tại Biền Đông hay không ? Khi COC đi vào HIỆN THỰC HÓA THÌ CÁC ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VN bị  Trung Cộng chiếm đoạt có được trả lại cho Việt nam hay không ? Tình trạng Trung Cộng ngang nhiên thao túng tại Biển Đông có được chấm dứt hay không ? Chủ quyền của VN trên hai quần đảo HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA có được COC tôn trọng hay không ? Hay COC ra đời là một hình thức HỢP THƯC HÓA NGUYÊN TRẠNG SỰ CHIẾM ĐOẠT BIỂN ĐẢO CỦA TRUNG QUỐC?
Anh là người nghiên cứu kỹ về BIỂN ĐÔNG. Xin anh cho biết ý kiến.
Cám ơn Anh rất là nhiều.
Thân Kính,
Chu Tấn »

Anh Chu Tấn thân,
Cám ơn Anh đã hỏi. Để trả lời : Xin tóm tắt những dữ kiện từ đầu năm 2016 trên vùng tranh chấp chủ quyền khai thác tại Biển Đông Nam Á giữa các đối tác cùng sống chung quanh bờ biển với Trung Cộng côn đồ :
* Beijing, ngày 14 tháng giêng năm 2016 : Trung Quốc và Việt Nam đã cùng ra một bản tuyên bố, chấp nhận cùng nhau thương thuyết để cùng nhau đi đến một thỏa thuận để giữ hòa bình và ổn định trên vùng Biển Hoa Nam.  Bản tuyên ngôn được phát trong dịp cuộc viếng thăm chánh thức của Tổng Bí Thư Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam : Trung Hoa (Cộng Sản) và Việt Nam (Cộng Sản) đã thỏa thuận trao đổi quan điểm lành mạnh trên những vấn đề liên can đến hàng hải, theo những lời của tuyên bố. Cả hai quốc gia sẽ cố gắng đi tìm những giải pháp, qua những thương thuyết, căn bản và có tánh cách trường kỳ khả dĩ cho hai bên và sẽ thảo luận để đi tìm những giải pháp tạm thời không đụng chạm đến những quyền lợi hiện tại, gồm cả những giải pháp để đồng phát triển.
* Cả hai bên cùng đồng ý ĐÃ tạo tất cả những điều kiện đầy đủ và hữu hiệu với Bản Tuyên Bố Hướng Dẫn các Đối Tượng liên hệ trên Biển Nam Hải – Déclaration sur la conduite des parties en Mer de Chine méridionale - Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC), và tìm tất cả những cố gắng ĐỂ ĐI TỚI một BỘ Luật các QUY ƯỚC Hướng Dẫn các Đối Tượng liên hệ trên Biển Nam Hải – Code de conduite … Code on the Conduct … (COC), trên căn bản sự thỏa thuận đã có trên khung sườn văn bản của DOC. Từ nay, cả hai quốc gia sẽ cố gắng giải quyết những tranh chấp hay sai biệt về những vấn đề hàng hải… để gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Nam Hải ... Và v…v …
(Tiếp theo là tường trình cuộc « đi thăm của Mister Tổng Trọng alias Trọng Lú viếng hầu 7 tên sếp sòng của Bộ Chánh trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Tàu, nào Tổng XI, nào Thủ tướng LI, đã đành vì hai tên đầu não ! Nhưng, đi thăm hay đi chầu ? Cả Zhang Dejiang và Yu Zhengsheng hai tên cố vấn « thầy rùa » và thậm chí cả tên WangQishan, đặc trách chống tham nhũng !). Bảng tường trình …ca tụng tình hữu nghị truyền thống Tàu Việt, cộng tác cho hoà bình, ổn định và phát triển của vùng, hứa hẹn từ nay sẽ mãi mãi cùng nhau cộng tác và cũng cố sự hợp tác nầy. Việt Nam ủng hộ và hợp tác cùng với Tàu tổ chức Buổi Thảo luận cao cấp về sự hợp tác quốc tế dọc theo « Vòng Đai và Con Đường » - Forum de sommet sur la coopération internationale le long de « la Ceinture et la Route » sẽ được tổ chức tại Tàu năm 2017 nầy ...
Như vậy, anh Chu Tấn và quý thân hữu vẫn thấy là tình hữu nghị Tàu Việt vẫn … « trơ gan cùng tuế nguyệt » núi liền núi, sông liền sông … bền vững, không thay đổi !

COC khác chi với DOC ?

1/ Lợi/Hại gì đến Chủ quyền Hải Đảo và Hải Phận Việt Nam?
Thật vậy, với hy vọng rằng Tàu sẽ bớt ngoan cố qua những hành động thách thức, nào giàn khoan, nào phô trương lực lượng với những ‘hạm đội tàu đánh cá, tàu hải giám’, nào cố tình hết đụng, đâm chìm, xịt vòi rồng nước vào các thuyền ngư phủ Việt, Mã, Phi, Nam Dương … ? Các quốc gia vùng Đông Nam Á đã cùng hợp sức, ép được Tàu chấp nhận hứa sẽ thương thuyết ký kết một BỘ LUẬT với những QUY ƯỚC Hướng Dẫn các đối tác trên Biển Hoa Nam – COC mong rằng để thay thế Bảng TUYÊN BỐ… - DOC đã lỗi thời - từ năm 2002. Thế nhưng, chớ vội mừng ! Bất lợi có thể đến cho các nước nhỏ láng giềng Biển Hoa Nam đó !
Đúng vậy, SAU NHIỀU NĂM gần đây, ASEAN - Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, đã nhiều phen, hết yêu cầu đến thương thuyết với Trung Cộng cũng chỉ để đòi hỏi đi đến thỏa thuận cùng tạo một Bộ Luật các Quy Ước Hướng Dẫn các đối tác cùng chung sống trên Hoa Nam Hải (COC). Cuối cùng, tháng 3, năm 2014 Beijing TỎ DẤU HIỆU chấp nhận trả lời những yêu cầu của ASEAN, và có thể thuận thảo đi vào thương thuyết. 
. Tại sao CẦN đến một Bộ Luật Với Những QUY ƯỚC ? Bảng TUYÊN BỐ đã ra đời và đã được áp dụng từ ngày 4 tháng 11 năm 2002 không đủ hiệu lực và hiệu quả hay sao ?
. Tại sao, Trung Cộng sau bao năm kiên định lập trường, nay lại thay đổi ý ?
. Và cuối cùng Bộ Luật sẽ thay đổi gì ? Hiệu quả sẽ ra sao ? Nếu Bộ Luật được ký kết ?
Cũng chớ quên sự tuyên bố đơn phương của Tàu về vùng Lưỡi Bò và đường 9 hay 10 điểm, đã tạo một vùng tranh chấp với trước hết là Việt Nam, sau đó đến Phi Luật Tân, Mã Lai Á và cuối cùng Brunei.
(tham chiếu: Carte. Contentieux Mer de Chine Sud –  Bản đồ Tranh Chấp trên Biển Hoa Nam; do C. Bezamat-Mantes et D. Schaeffer).
. Những điểm đáng chú ý : Đài Loan không bao giờ phản đối Trung Cộng trên vấn đề Biển Đông Nam Á, trái lại còn đồng minh với Trung Cộng trong quyền lợi chung Hán tộc, chống các quốc gia Biển Đông Nam Á.
Điểm thứ hai cần được nêu lên là chừng nào các văn kiện quốc tế vẫn còn dùng tên Biển là Hoa Nam Hải - Mer de Chine du Sud – South China Sea thì các quốc gia bên biển và đặc biệt Việt Nam còn bị lấn ép thiệt thòi !
Một điểm thứ ba cũng nên được nhấn mạnh, là vùng gọi là lưỡûi bò - langue de buffle -buffalo tongue, là một vùng rất rộng lớn, chiếm từ 80% đến 90% toàn bộ khu vực Biển Đông Nam Á. Và đường 9 hay 10 điểm đến ngày hôm nay cũng không được nhà cầm quyền cả hai xứ Tàu đưa ra những vị trí với những toạ độ rõ ràng, vì thế các nhà chánh trị gia, và cả những nhà nghiên cứu đều tự hỏi con đường 9/10 điểm ấy có tác dụng gì ? Thế nhưng, con đường ấy là một sự thật ! Một hiện hữu ! Dù có tọa độ hay không tọa độ ! Và Trung Cộng/Hán tộc đang đùa với cả thế giới ! Đang đùa giởn, khêu khích thế giới người đàng hoàng ! Với những đoàn tàu cá, với các đảo san hô, đá ngầm biến thành các công sự chiến lược, các hàng không mẫu hạm, với những hải đảo, những ngư trường biến thành những chiến trường, những pháo đài tác chiến. Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, những đảo San Hô của quần đảo Trường Sa (đối với Việt Nam ta) nay đã vĩnh viễn là những pháo đài quân sự Tàu. Đó là thực tế ngày nay ! Người Việt chúng ta Hải ngoại, hay cả trong nước đừng ảo tưởng có thể, hay còn có thể thương thuyết đòi hỏi « một chủ quyền toàn vẹn » hay cả ĐỔNG chủ quyền, CHIA XẺ những quyền khai thác, kinh tế, hay xí phần chia chác. NO WAY ! Hà Cái lầy là CỦA NGỘ á !
. Một ảo tưởng nữa : là vào năm 1982 (10 tháng 12), sau khi Hiệp Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – Convention des Nations Unies sur le droit de la mer (CNUDM)-United Nations Convention on the Law of the Sea, được gọi là Hiệp Ước Montego Bay, vì được ký tại Montego Bay trên đảo Jamaica, thiên hạ thế giới chuyên khoa tử tế lầm tưởng, nghĩ rằng cái « vùng lưỡi bò » Tàu chỉ là một vùng Kinh Tế Đặc quyền- zone économique exclusive (ZEE) thôi ! Và cái đòi hỏi cuả Tàu (vô lý) là đòi chủ quyền toàn bộ dựa trên quan niệm LỊCH SỬ sẽ không có lý do gì đặt ra trước quan niệm PHÁP LÝ ! ZEE là CHỈ cho phép làm ăn kinh tế trong vùng, còn nếu chủ quyền thì vùng ấy nhập vào vùng thuộc đất nước quốc gia ấy ! 
. Và cũng nên nhớ : Chiếu điều 89 của Hiệp Ước Montego Bay « Không cứ một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền trên một phần nào trên mặt Biển – Aucun État ne peut légitimement prétendre soumettre une partie quelconque de la haute mer à sa souveraineté ».

2/ Những diễn biến lịch sử đã chứng minh những lo ngại của chúng ta :
Ngày 7 tháng Năm 2009, Tàu bắt đầu tuyên bố chủ quyền « Vùng Lưỡi Bò », người Việt Nam ta gọi là « Chữ U », bằng những bảng tuyên bố gởi đến Liên Hiệp Quốc - số tài liệu CML 17/2009 và số CML18/2009 - tạo một làn sóng phản đối khá mạnh mẽ bởi phía Việt Nam và Mã Lai Á. Nhưng, Tàu vẫn tiếp tục coi pha, và các bạn đọc thân hữu nào đã theo dõi qua những năm tháng ấy đều nhận xét một cuộc leo thang, khi « tố phé » lúc « xoa dịu » của Tàu và đặc biệt đối với Việt Nam, nhưng tình trạng vẫn y chang như vậy !
Ngày 26 tháng 6, Trung Hoa Cộng Sản của Tập Cân Bình-Xi Jingping tung ra một Bản đồ, nhấn rõ Biển Đông Nam Á, Là Hoa Nam Hải hoàn toàn CỦÛA TÀU ! Là một Vùng Biển thuộc ĐỊA PHẬN Tàu – La mer de Chine du Sud est une mer territoriale !
Trong tuần tới, cuối tháng ba của năm thứ 42 mất nước, chúng tôi sẽ viết một bài để cùng ôn lại với quý vị những dữ kiện đã tạo diễn biến cho cuộc dâng nước dâng biển của Đảng Việt Cộng cho Đảng Tàu Cộng. Nó thâm thúy là thấm dần ăn như một vết dầu loang ! Tôi sẽ cố viết cho xong chuyện bán nước trong tháng ba nầy. Để sang tháng tư đen như hằng năm, chúng tôi giành hẳn tâm tư cho nỗi buồn nỗi nhớ ! Đối với cá nhơn tôi, đây là thời điểm, một năm một lần, tôi chịu tang ngày đất nước mất. Đây cũng là Lễ Giổ gọi là, mỗi năm trọn một tháng, chúng ta, tưởng nhớ những đồng đội (đa phần dân tỵ nạn Việt Cộng chúng ta, đều có một thời làm nhiệm vụ người dân thời chiến, làm bổn phận « quân dịch »), đã vĩnh viễn nằm xuống trên khắp các chiến trường để  bảo vệ từng tất đất chống bọn xâm lăng Cộng phỉ, trả nghĩa đồng bào, tưởng niệm tất cả những người đã gục ngã, nằm xuống, trên những đại lộ kinh hoàng, nào trên quốc lộ 1 xuôi Nam, nào trên đường 19 đi về hướng Đông, hay chết tại chổ thân xác vùi nhanh trong những nấm mồ tập thể chung quanh thành phố Huế, hay thân thể chìm sâu trên biển cả, hay vùi dập vội vàng trong những ngôi mộ hoang trên đường vượt rừng đi tìm Tự Do, đi tìm nơi an toàn, đi tìm nơi yên lành để sanh tồn, sống còn, để tìm lại danh dự con người, quyền con người, ý niệm con người, để hát lại bản quốc ca, treo lại, chào lại ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chữ Càn, biểu tượng Dân tộc Đại Việt, biểu tượng Tự Do Dân Chủ ! -

3/ Do những diễn biến nêu trên :
Nên các quốc gia ven Biển Đông Nam Á, mong, mơ  rằng Tàu sẽ một ngày nào đó, đàng hoàng trở lại, bớt hung hãn, bớt mộng bá quyền ? Bèn họp lại đề nghị Beijing hãy cùng với họ viết một Bộ Luật với những quy ước hướng dẫn cuộc sống chung ở Biển Hoa Nam. Thế nhưng, với Tàu, một Bộ Luật là những cái cản trở, gò bó, lúc bấy giờ; nên có lẽ vì thế, mà Beijing lâu nay, vẫn làm ngơ ! Tuy nhiên, tuy không được Bộ Luật, các quốc gia đối tác cùng với Bắc Kinh cũng tạm thời sử dụng  Bản Tuyên Bố … DOC. Và cái Bộ luật giả hiệu ấy, tuy là dỏm đấy, cũng ít nhiều làm được nhiệm vụ của nó, là cố gắng tạo những điều kiện để có một cuộc chung sống ôn hòa và ổn định trong vùng.
Thế nhưng, từ ngay buổi ban đầu, vì do Tàu tự cho mình « hoạt động trong « xứ mình »», vì « trong vùng lưỡi bò là nội địa » nên không có lý do gì phải tuân thủ những điều kiện của DOC. Vì DOC chỉ có hiệu lực cho những sanh hoạt ở những vùng Biển Chung! (« Trong vùng lưỡi bò » là đất Tàu !) Do đó, các quốc gia láng giềng, Việt Nam, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Brunei, Nam Duơng Quần Đảo đều phạm pháp khi hoạt động ở những vùng ZEE -kinh tế đặc quyền của họ đều « vượt, lằn tuyến 9/10 điểm, xâm nhập vùng lưỡi bò » ! Chơi vậy chơi với ai ? Vì Tàu chơi cha như vậy nên ngay từ ngày đầu, DOC-bản Tuyên Bố hướng dẫn đã vô hiệu quả. Và càng vô hiệu quả, một khi các quốc gia đều ích kỷ thương lượng tay đôi với Tàu !
Do đó, ngày nay, các quốc gia ASEAN muốn cùng với Tàu đi đến một Bộ Luật…COC, với những Quy Ước còn gò bó hơn !
Anh Chu Tân hỏi tôi, liệu vì Tàu SỢ ông Trump, nên buộc Tàu phải đi vào thương thuyết với các nước ASEAN để đi đến một Bộ Luật…

Xin trả lời : 
A/ Chúng ta chớ ảo tưởng cho rằng do đường lối cứng rắn của Ông Trump, buộc Tàu sẽ KHÔNG DÁM nuốt Việt Nam. Chúng tôi dám đánh cá, với tất cả những ai đang « hồ hởi, phấn khởi với ông Trump » rằng ông Trump CÓC CẦN VIỆT NAM và Biển Đông Nam Á ! Cứng rắn với Tàu chỉ vì vấn đề về qua lại thương mại Tàu Mỹ, và thử xem hàng hóa con gái Ivanka còn made in china không ? Vì vậy, mong anh em ta chớ trông cậy vào Mỹ, Tây gì cả. 100 năm đô hộ thằng tây, 20 năm đồng minh với Mỹ, cuối cũng mất nước vì cả tin !
B/ Không cần phải Trump xía vào chuyệân Biển Đông của ta và của Đông Nam Á ! Ngay từ tháng 3 năm 2014, Tàu đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng thương thuyết để đi đến Bộ Luật Hướng Dẫn… rồi, nhưng Tàu đang câu giờ… Câu giờ để làm gì ?  Câu giờ để tạo một tình hình « chuyện đã rồi » ! Tạo dựng, cũng cố « sự CÓ MẶT », tạo những đảo ngầm thành những đảo thiệt tuy nhơn tạo, biến những quần đảo thành những thành trì quân sự, chuyển những bãi đá ngầm thành những lục địa quân sự, « đất tàu ». Khi Tàu thành công với những « đồn điền-colonies » trên biển, lúc ấy Bộ Luật mà các quốc gia ASEAN muốn dùng để bảo vệ quyền lợi mình, sẽ là sợi giây thòng lọng để thắt cổ các quốc gia như Việt Nam, Phi, Mã hay Brunei… !
C/ COC lúc ấy, sẽ bảo vệ rất nhiều cho các quyền lợi Tàu. Lúc ấy, vì « vùng lưỡi bò nay đã được cơ sở hóa, hiện thực hóa bởi những công sở chiến thuật, những đồn điền hải đảo, sẽ được cũng cố sự hiện hữu hơn » ! Từ nay tất cả các vùng ZEE - đặc quyền kinh tế các quốc gia láng giềng đều bắt buộc KHÔNG ĐƯỢC xâm phạm vùng lưỡi bò. Bộ Luật sẽ bảo vệ quyền lợi …Tàu !
Kết Luận : 
Nếu không có một sự đồng loạt vùng dậy tố cáo, hay một hợp tác các quốc ASEAN chống bá quyền Trung Cộng, thì một cách chắc chắn Biển Đông Nam Á sẽ rõ ràng, một cách cụ thể biến thành Hoa Nam Hải, đúng y chang tên gọi. Ngày nay, Quần Đảo Hoàng Sa đã hoàn toàn Hán Hóa. Một phần lớn ở Trường Sa đã Hán Hóa rồi ! Không thu hồi lại được trừ phi !
Với một COC ra đời, nếu được ký kết chỉ là một Bộ Luật với những Quy Ước Hướng Dẫn các thành viên của Biển Đông Nam Á sanh hoạt dưới Luật Lệ Hàng Hải Trung Cộng, trong Căn Nhà Lưỡi Bò Trung Cộng, trong Biển Hoa Nam !
Riêng Việt Nam, từ những hành động dâng Biển bán Nước của những tay thủ lãnh Đảng Cộng Sản Việt Nam của những năm 50, đến thái độ ký kết ươn hèn của những lãnh đạo  Đảng năm 80 (Thành Đô…) và nay với thái độ toa rập đồng lõa của Trọng Lú, Phúc madzề… đàn áp người dân Việt Nam trong nước mỗi khi có những cuộc xuống đường đòi Tàu bồi thường thiệt hại môi sinh,ø đều là những vết nhơ vết nhục cho quê hương dân tộc ! PHẢI ĐƯỢC nhổ bỏ, quét sạch !
Phong trào đấu tranh trong nước đòi CHỈ CHỐNG Tàu ! Để Cứu Môi Trường ! Thiếu sót lớn!
 PHẢI THAY THẾ BAN LÃNH ĐẠO. Thay thế để cùng ASEAN góp sức chận bành trướng của Tàu. Muốn Cứu Môi Sinh Việt Nam, Làm Sạch Mội Trường, PHẢI CÓ một BAN Lãnh Đạo Sạch.
Không Mong Chờ Thay Đổi, Không Mơ Ước Cải Tổ. PHẢI THAY THẾ Toàn diện Ban lãnh đạo, dẹp bỏ Đảng Cộng Sản! Dẹp bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam là để cứu vận mạng Sống Còn của Dân Tộc Việt.
Mong lắm !

Hồi Nhơn Sơn tuần thứ ba tháng Ba 2017

Phan Văn Song
 

 

NGUYỄN TƯỜNG THUỴ * VIETCOMBANK

Vietcombank lại chơi bẩn người đấu tranh


Theo thông tin từ fb Bạch Hồng Quyền, tài khoản mang tên anh đã bị khóa rút tiền, người chuyển tiền vào tài khoản thì được nhưng rút ra thì không được. Chúng tôi có hỏi chuyện cô Bùi Hương Giang là vợ của Bạch Hồng Quyền, cô cho biết khi check tài khoản của Quyền thấy có vấn đề nên cô trực tiếp đến ngân hàng kiểm tra. Khi cô thử gửi tiền vào tài khoản thì được nhưng hỏi lại thì nhân viên ngân hàng cho biết tài khoản này chỉ gửi tiền vào được thôi chứ không rút ra được. Khi cô Giang hỏi tại sao thì nhân viên ngân hàng nói có lệnh như thế, không giải thích được.
fb Bạch Hồng Quyền cho biết thêm tài khoản của anh Hoàng Bình cũng ở Vietcombank mới có người bạn chuyển một số tiền khá lớn nhờ anh giúp cho người dân đi khiếu kiện Formosa, giờ ngân hàng vietcombank cũng đã khoá của anh.
Đây không phải là lần đầu, Vietcombank chơi bẩn người đấu tranh. Vào cuối năm 2011, Vietcombank đã từng nghe lệnh công an, không cho Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang rút tiền từ tài khoản của ông. Đi lại mãi ông cũng nản. Cho đến Tháng 5/2015, ông mới than phiền chuyện này với một số anh em hoạt động gần gũi. Sau đó chúng tôi cùng ông đến Phòng Giao dịch của Vietcombank 448-450, Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội phản đối mạnh mẽ và liên tục, viết bài lên án, tổ chức biểu tình thì họ mới chịu trả tiền cho ông.
Việc Ngân hàng tự ý khóa tài khoản của khách hàng trong khi khách hàng không hề vi phạm qui định của ngành mà chỉ nghe lệnh công an, không cần phân tích, ai cũng biết là việc làm vô luật. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, các tổ chức kinh tế khác như viễn thông, điện, nước, các nhà xe, hãng taxi… cũng đã từng theo lệnh công an cắt dịch vụ đối với những người hoạt động xã hội độc lập trong khuôn khổ pháp luật. Rõ ràng là công an đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh tế.
Về nguyên tắc, các đơn vị kinh tế có thể cự tuyệt yêu cầu vô lý của công an để giữ uy tín đối với khách hàng. Tuy nhiên, ít có (nếu không nói là không) một giám đốc nào dũng cảm làm điều đó vì họ sợ những sự trả thù vặt từ phía công an, đặc biệt là sợ mất ghế. Ngoài ra, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp cũng bị công an gây áp lực tương tự, đuổi sinh viên, kỷ luật sinh viên theo lệnh của công an, mặc dù các em không hề vi phạm qui chế của nhà trường. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp HCM ra quyết định đuổi học sinh viên Nguyễn Phương Uyên là một ví dụ.
Nói gì thì nói, những giám đốc, tổng giám đốc, hiệu trưởng… nói trên đều thuộc loại hèn kém, chấp nhận tiếng xấu chứ không dám cưỡng lại lệnh của công an. Tuy nhiên ở xã hội này chắc chắn còn rất nhiều người thà về vườn còn hơn là làm những việc xấu xa, trái với đạo lý.
Phong tỏa tài khoản cả hai chiều đã là một cái sai không thể chấp nhận. Còn chỉ chặn đầu rút tiền nhưng lại nhận tiền vào tài khoản của nạn nhân là một sự khốn nạn, đểu cáng. Nếu ngân hàng Vietcombank tiếp tục không cho rút tiền từ tài khoản của Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình, chắc chắn sẽ có một cơn bão tẩy chay trên mạng, ảnh hưởng lập tức đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Vụ tẩy chay hãng taixi Mai Linh hồi Tháng 10/2016 khi hãng này từ chối chở dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa đi kiện, hẳn ông Tổng Giám đốc Vietcombank còn nhớ.

Ảnh: Biểu tình trước Phòng Giao dịch của Vietcombank 448-450, Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, phản đối Vietcombank quỵt tiền khách hàng.

17/5/2017
Nguyễn Tường Thụy

VIETTUSAIGON * CÁI ÁC LÀM BÁ CHỦ

Cái ác đã làm bá chủ?


Hình ảnh một người phụ nữ ở chợ Lương Văn Can, Hải Phòng ngồi thẩn thờ trước gian hàng thịt lợn (tức thịt heo theo cách nói người miền Nam) bị tạt dầu nhớt và chất bẩn khi mang thịt lợn nhà ra chợ ngồi bán vì giá thịt lợn quá rẻ, buộc phải tự mổ bán để vớt vát chút vốn liếng làm gợi nhớ hình ảnh Nguyễn Văn Thạnh bị an ninh giả dạng tạt đầy mắm thối và chất bẩn hay nhà của ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam bị tạt đầy chất bẩn… tất cả đều là đòn bẩn, cho dù kẻ giả danh hay kẻ ra mặt thực hiện. Và tất cả cũng đều cho thấy, cái ác đã bá chủ thiên hạ, người ta hành xử với nhau bằng tính ácvà lòng thú hận giống như ăn một gói mì tôm hay ăn một ổ bánh mì mỗi sáng. Tại sao lại nên nông nổi như vậy?
Nói cho cùng, cái ác hay sự thiện lành đều tiếm ẩn trong mỗi con người, nó cũng giống như bào tử nấm có sẵn trong tự nhiên, với thời tiết, nhiệt độ thích ứng với loại bào tử nào thì loại nấm đó sẽ mọc tỉ lệ. Khi thời tiết xấu, khí độc nhiều, đương nhiên là nấm đỏ, nấm độc sẽ mọc nhiều, ngược lại, không khí trong lành, ẩm độ vừa đủ, nấm hương, mộc nhĩ, nấm mối hay nấm rơm sẽ mọc. Cái ác và sự thiện lành trong xã hội cũng vậy, khi mà môi trường giáo dục, văn hóa, ứng xử xã hội thiếu lành mạnh, thậm chí vô luân thì nhất định người ta phải mang cái ác ra để đối đãi với nhau và đương nhiên cái ác sẽ có cơ hội trỗi dậy, mọc ra như nấm sau mưa.
Xã hội Việt Nam hiện tại, dù cố gắng che giấu kiểu gì thì cũng không thể che giấu được bản chất độc ác của người Việt Nam, sự độc ác này lan tỏa từ nhà cầm quyền đến người dân, từ những người không quyền thế cho đến những kẻ ăn trên ngồi trốc. Một sự độc ác được nhen nhóm và lưu cửu thông qua huyết hệ Cộng sản. Không thể nói khác đi được, vì!
Vì trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng, mỗi cụm dân cư hiện nay, dấu vết của đấu tố của những năm 1950 vẫn chưa hề phai, thậm chí, khi cần, tự nó phát tác đầy đủ màu sắc của nó. Bởi tính khí của phần đông người Việt vẫn chưa bao giờ thoát khỏi tâm lý đám đông và tâm lý lệ thuộc. Nghĩa là người ta trở nên nhỏ bé và sợ hãi khi đứng đơn độc nhưng người ta dễ tạo thành cơn vĩ cuồng theo chiều hướng đám đông. Và sở dĩ tâm lý đám đông này vẫn chưa bao giờ dứt khỏi phần đông người Việt bởi lịch sử phát triển dân tộc học Việt Nam quá đặc biệt, nó trải qua ba thời kỳ: Bắc thuộc, Phong kiến và Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Miền Nam với chế độ tư bản, dân chủ chỉ là một vệt nhỏ kéo qua chưa đầy hai mươi năm rồi chết ngúm trong một ngày 30 tháng 4, trong một biến cố lịch sử nặng nề.
Thời kỳ Bắc thuộc, có thể nói ngắn gọn là người Việt thời bấy giờ chưa hoặc không có ý thức gì về dân chủ hay quốc gia, dân tộc gì cả, mãi cho đến thời phong kiến manh nha, khi mà Khúc Thừa Dụ, rồi đến Dương Đình Nghệ, đến Ngô Quyền tổ chức những cuộc chiến chống phương Bắc, dường như ý niệm dân tộc, quốc gia nhen nhóm hình thành nhưng chỉ giới hạn trong nhóm người xuất chúng này thôi.
Đến Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và xưng vương thì câu chuyện quốc gia, dân tộc lại manh nha lần nữa trong ý thức hệ phong kiến, quốc gia là của vua, dân tộc cũng là của vua. Và giai đoạn phong kiến này kéo dài mãi cho đến khi vị vua thứ 13 của triều Nguyễn, tức Bảo Đại thoái vị, một giai đoạn lịch sử mới hình thành với nửa phía Nam manh nha dân chủ, nửa phía Bắc hình thành độc tài. Đến năm 1954, nửa phía Nam vĩ tuyến 17 chính thức dẫm chân lên nền dân chủ, nửa phía Bắc chính thức đi vào độc tài trên danh nghĩa “cách mạng toàn dân, cứu quốc”.
Và đến năm 1975, toàn cõi Việt Nam chính thức bước vào thời đại mới với đầy đủ bóng đêm độc tài, toàn trị, tha hóa, dối trá và hèn nhát. Cái bóng đêm đó phủ cho đến tận hôm nay, dường như càng lúc, bóng đen càng nhuộm đen tâm hồn con người, không có lối thoát nào cho dân tộc, khi mà tâm hồn Việt Nam trơ nên đen đúa, tàn độc, không những ác độc với đồng loại mà người ta ác độc với cả bản thân của họ.
Những cuộc ruồng bố, bắt người, giết người, cướp của một cách “chính danh” theo chiến dịch đấu tố, rồi đến chiến dịch Mậu Thân 1968 với hàng triệu cái chết đau đớn, chiến dịch 1975 gọi là giải phóng miền Nam, thêm hàng triệu cái chết thảm do vượt biên, chết trong trại cải tạo, chết do uất ức vỉ mất mọi thứ, chết do bị đàn áp… Nói cho cùng, Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt tội ác. Mà động cơ mạnh nhất để giết người, cướp của (kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô) ở đây thường là vật dục. Để cướp nhà, cướp vợ của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, người ta sẵn sàng xuống tay, để đạt được mục đích chiến tranh, chiếm lấy miền Nam, người ta sẵn sàng xả súng không nương tay, để đạt được mục đích tận thu tài sản của người giàu, người ta sẵn sàng đấu tố một cách nhiệt tình nhất… Cuối cùng, mãi hàng trăm năm nay, hết đi từ hèn nhát, sợ sệt hay a dua đám đông, người ta chuyển sang hung tợn, hèn nhát và bầy đàn.
Và, cái ác không dừng ở chuyện đấu tố chính trị hay chuyện chiến tranh, cái ác đi vào học đường với đầy đủ máu me của nó trong trừng trang văn, từng tiết dạy công dân giáo dục hay triết học Mác – Lê nin với tư duy vật dục làm kim chỉ Nam. Để cho đến hôm nay, xã hội trở thành một tập hợp bầy đàn, những người có lương tri, còn lương tri cảm thấy lạc lỏng trong xã hội Việt Nam và những kẻ cơ hội lại tranh thủ tâm lý bầy đàn để thao túng, cát cứ.
Khi cái ác thực sự làm bá chủ, lòng nhân đạo, tình yêu thương hay đạo đức lại trở thành thứ xa xỉ, không thể dùng được trong xã hội. Con người bị cuốn cuồng trong cơn hỗn loạn và không tài nào rút chân ra khỏi nó được, bởi nó “chính danh”, bởi nó áp đặt và toàn trị, bởi nó thao túng mọi ngóc ngách từ xó xỉnh cuộc đời đến xó xỉnh tâm hồn, trí tuệ.
Khi cái ác thực sự bá chủ, cái ác trở thành sức mạnh và công cụ để nhà nước trấn áp nhân dân, trấn áp những ai bất đồng chính kiến với nhà nước, với đảng, thay vì lắng nghe, phân tích và nói lẽ phải để đổi mới, tiến bộ, người ta dùng ngay công cụ của mình là hiện thân cái ác, dùng ngay những kẻ đầu trâu mặt ngựa để đối phó nhân dân. Trường hợp Phan Sơn Hùng thách thức lương tâm, thách thức lẽ phải và thách thức đạo đức để ra tay uy hiếp, đánh đập một người phụ nữ, rồi sau đó lại tiếp tục thách thức pháp luật, thách thức lương tri giang hồ, lương tri xã hội bằng những lives stream, nó cho thấy cái ác đã thực sự bá chủ và có chỗ ngồi trong hệ thống công quyền Việt Nam hiện nay.
Cũng như trường hợp một kẻ cũng là phụ nữ, nỡ ra tay tàn độc (trường hợp này nên gọi là tàn độc!) với một phụ nữ khác chỉ vì chị này mang thịt lợn nhà ra chợ bán với giá rẻ hơn giá lợn chợ. Trong khi đó, người nuôi lợn tối kị việc giết mổ lợn mang ra chợ bán, người ta có thể giết mổ để cúng tế, ăn thịt ngày Tết nhưng mang đi bán là điều kiêng kị. Dám chấp nhận vượt qua điều kiêng kị để lấy lại chút vốn là một bước cam chịu của người nông dân bởi quá khó khăn, thị trường lợn đã xuống đến mức người nông dân hết chịu đựng được nữa. Lẽ ra phải thông cảm cho người nghèo, thậm chí giúp đỡ cho người nghèo, đằng này lại dùng thủ đoạn bỉ ổi, đổ dầu nhớt và chất dơ vào thịt của người ta. Hành vi này là hành vi của kẻ máu lạnh, của cái ác đã được kết tụ thành sỏi trong tư duy và hành động.
Hay nói cách khác, khi cái ác bá chủ thiên hạ, dường như sự lương thiện là một điều gì đó rất không tưởng và lạc lỏng, người ta sẵn sàng mang cái ác ra để đối đãi với đồng loại, với thiên nhiên và xem điều đó như ăn cơm hay uống nước. Ra nông nỗi này là do ai?

Dỗ Thị Minh Hạnh: “Bắt Hoàng Bình là một hành động phi nhân

Ảnh của tuankhanh


Ngày 15/5/2017, nhà hoạt động Hoàng Bình đã bị công an tỉnh Nghệ An bắt giữ tại đoạn đường Quốc lộ 1, thuộc thôn 4 xã Diễn An, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngay sau đó, Công an cho biết đã khởi tố Hoàng Bình, phó chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, với hai tội danh là “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258).
Với tư cách là chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt trong nước, một tổ chức XHDS hoạt động với chủ trương hỗ trợ người lao động, chị Đỗ Thị Minh Hạnh đã lên tiếng về sự kiện này
Về sự việc anh Hoàng Bình (tức Hoàng Đức Bình) bị công an tỉnh Nghệ An bắt bất ngờ và vào ngày 15/5 vừa qua, quan điểm của Phong trào Lao Động Việt như thế nào, xin chị cho biết?
Đối với quan điểm của Phong trào Lao Động Việt (PTLDV) thì việc bắt giữ anh Hoàng Bình đã gây nên một sự phẫn nộ chung, vì các hoạt động của anh, cũng nằm trong mục đích của PTLDV, là nhằm hỗ trợ cho các ngư dân miền Trung đang gặp khó khăn vì thảm họa môi trường. Việc bắt giữ anh theo cách như đã diễn ra, là một hành động hết sức phi nhân tính.
Thế nhưng phía công an thì nói rằng anh Hoàng Bình đã phạm tội ở các điều là “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá Nhà nước” (điều 258), chị giải thích sao về những điều này?
Chúng tôi được biết, việc anh Hoàng Bình bị ép vào điều 257, tức chống người thi hành công vụ. Nhưng trên thực tế, chính phía các cơ quan chức năng của nhà cầm quyền đã hành động đàn áp, bắt bớ trái pháp luật đối với những người đang lên tiếng ôn hòa trước hiện tình đất nước, đặc biệt là với sự kiện Formosa thải độc ra biển miền Trung.
Anh Hoàng Bình không có hành động nào gọi là chống đối như nhà cầm quyền mô tả cả.  Bình chỉ là người dám nói một cách thẳng thắn mọi điều đang diễn ra, và nói thay cho những ngư dân ở đó, vốn không có điều kiện truyền bá thông tin.  Việc anh Bình bị gán ghép một tội danh như vậy, đối với giới hoạt động xã hội dân sự trong nước là chuyện rất đỗi bình thường. Vì xưa nay, nhà cầm quyền vẫn ra các tội danh như vậy như một cách chụp mũ cho những ai mà họ không thích. Mục đích là dập tắt những tiếng nói ấy vào tù, dập tắt sự thật.
Còn với điều 258, gọi là lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá Nhà nước thì thật là vô lý. Vì hoạt động của anh Bình, cũng như tiêu chí của PTLDV là giúp đỡ người lao động, và hoàn cảnh ở Nghệ An là ngư dân. Với tinh thần ấy, anh Hoàng Bình đi vào cuộc sống của người dân một cách đường hoàng và tự nhiên. Thế nhưng chính quyền thì lại chụp cho anh ấy cái mũ chống Nhà nước.  Ngôn từ của điều luật 258 hết sức mù mờ khi nói anh Bình “lợi dụng quyền tự do dân chủ” – nhưng thực tế ở Việt Nam thì cho thấy không hề có tự do dân chủ. Do đó mọi thứ chỉ là gán ghép tội danh để tống người vào tù mà thôi.
Tin cho biết sắp tới đây, Formosa sẽ đẩy mạnh hoạt động, chuẩn bị vận hành tổ máy số 1 với công suất lớn hơn. Liệu tình hình hiện nay với Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình… có phải là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền về việc giới tranh đấu về môi trường phải chấm dứt ngay các hoạt động đòi bồi thường hay kiện tụng hay không?
Đã hơn một năm nay, thảm họa từ hoạt động của nhà máy Formosa đã rõ. Chính vì sự kiện này mà các anh em như Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình… đã sát cánh cùng ngư dân trong thời gian vừa qua để đòi công lý, minh bạch về thảm họa… và được người dân thương mến. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền lo sợ.
Tôi tin rằng khi tổ máy số 1 của Formosa hoạt động, chắc chắn người dân lại càng thêm phẫn nộ. Bởi thảm họa chưa giải quyết xong thì lại tiếp tục còn phát triển hoạt động trên nền thảm họa đó. Việc bắt bớ và khủng bố tinh thần… tôi tin rằng mọi thứ đều nằm trong một “quy trình” chuẩn bị cho các hoạt động mới của công ty Formosa mà thôi.
Tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất là 8 người hoạt động về môi trường, đặc biệt là liên quan Formosa, đã bị bắt giữ theo các tội danh khác nhau. Đây quả là một điều gây sốc sốc trong dư luận trong và ngoài nước, chị nghĩ biện pháp này của nhà cầm quyền sẽ làm giới tranh đấu hoảng sợ và chùn lại?
Không chỉ liên tục những người tranh đấu cho môi trường bị bắt giữ, mà thậm chí những người đang sinh hoạt bình thường cũng bị canh giữ, theo dõi, ngăn chận một cách vô pháp luật. Tôi có thể lấy ví dụ là ở Sài Gòn, từ cuối tháng tư, chúng tôi đã trãi qua 3 đợt canh chận một cách hung hăng mà không có lý do. Đợt đầu là 4 ngày, sau đó là đợt 2 ngày, rồi mới đây là một đợt kéo dài 9 ngày, chỉ tạm dừng trước khi anh Hoàng Bình bị bắt.
Tôi tin rằng chính quyền đang lo sợ sự thật tràn ra, bùng nổ, mọi người dân sẽ ý thức khác và đòi quyền lợi của mình, của đất nước. Như vừa rồi, khi công an bắt giữ anh Hoàng Bình, hàng ngàn người dân đã chận Quốc lộ 1 và đòi phải thả người. Sự đoàn kết đó là chúng tôi hết sức ấm lòng.
Tù đày không làm chúng tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mọi con người khi bước vào công việc xã hội dân sự đều chấp nhận những bất trắc sẽ đến. Tù đày chỉ là nơi rèn luyện chúng tôi dày dạn hơn và chuẩn bị tốt hơn cho việc phụng sự đất nước về sau.
Không riêng chúng tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người dân giờ đây đã không còn sợ hãi. Nếu sợ hãi thì họ đã tê liệt và trốn chạy trong sự kiện Bạch Hồng Quyền hay Hoàng Bình. Nhưng hàng ngàn người đã lên tiếng, đã xuống đường chặn giao thông để đòi minh bạch sự việc. Và đám đông đó đã hình thành thì chỉ có thể nâng lên, tạm lùi chứ không thể nào mất đi được.
 http://www.rfavietnam.com/node/3883
----------------------------------------------------
https://www.youtube.com/watch?v=kPxJYsaR760
----------------------------------------------------

No comments: