Tiếng ồn ào, xôn xao của một lớp học vô trật tự làm tan biến những thắc mắc trong lòng Chuyên. Chàng dừng lại ở cửa lớp, đưa mắt nghiêm nghị nhìn lũ học sinh đang nhốn nháo ở bên trong. Tức thì, "cái chợ vỡ" bỗng im lặng như tờ. Tất cả học sinh đều đứng lên, chờ đợi. Chàng thong thả bước vào giữa lớp, đặt mấy quyển sách lên bàn giáo sư, rồi cho phép học sinh ngồi xuống.
Trong khoảng nửa phút, lớp học lại ồn ào vì những tiếng cười nói, tiếng xô bàn ghế. Chuyên hơi cau mày, tỏ ý không bằng lòng. Để học sinh không lợi dụng lúc lộn xộn đùa nghịch, phá phách, chàng mở sách, dõng dạc ra lệnh :
"Các anh chị mở trang 25 !
Chợt có tiếng nói lớn từ một góc vang lên :
"Thôi mà, thầy ! Làm chi vội vậy ? Học về lâu về dài chớ đâu có phải dăm ba phút nửa giờ. Xin thầy hãy để ra mươi phút thầy trò ta tìm hiểu lẫn nhau."
Chàng làm ngơ, hỏi :
"Mở trang 25 chưa ?"
Một vài nữ sinh ngồi dẫy bàn trên đáp nhỏ :
"Dạ, rồi ạ,"
Nhưng một nữ sinh khác đánh bạo nói :
"Thầy cho chúng em biết sơ về thầy đi."
Ngập ngừng một chút, chàng nói :
"Cũng được ! Tôi là một giáo sư dạy sinh ngữ, được bổ về đây dạy Anh văn."
Bọn học sinh chờ đợi một lát, không thấy chàng nói thêm, bèn 'Ồ" lên một tiếng, rồi một đứa nói lớn :
"Những điều đó thầy không nói bọn em cũng biết cả rồi. Chúng em còn biết tên thầy là Chuyên, vừa tốt nghiệp sư phạm..."
Chàng đùa :
"Vậy thì các anh chị biết hơn cả tôi, còn hỏi làm gì nữa !"
Trong đám nữ sinh bỗng có tiếng xì xào, rồi có tiếng cười khúc khích. Chàng bèn quay về hướng đó, hỏi :
"Các chị cười cái gì ?"
Cả đám bỗng im phăng phắc, nhưng miệng đứa nào cũng chúm chím cười. Một đứa ngồi phía xa xa đánh bạo nói lớn :
"Chúng nó muốn biết thầy đã có vợ chưa để chúng nó...còn liệu."
Thế là cả lớp cười phá lên. Chàng vội nghiêm mặt lại, nói lớn :
"Mở trang 25 !"
Khi chàng đã cúi xuống, trong đám nữ sinh còn có tiếng xì xào :"Ổng chưa có vợ đâu, chúng mày ạ. Đứa nào muốn nhào dzô thì cứ ...nhào đại đi."... "Ờ ờ, ổng chưa có vợ, nhưng chỉ có ba con phải nuôi dưỡng thôi."..."Suỵt, chúng mày nói bậy quá, mở sách học đi."..."Chèn ơi, chưa gì con Liên đã bênh ổng rồi. Bộ muốn làm trò cưng của ổng chắc ? Vừa nghe nói ổng độc thân đã cuống lên rồi !"... "Nó không muốn làm trò cưng đâu mà chỉ muốn làm cục cưng thôi..."
Sợ bọn nữ sinh mỗi lúc một nói bậy hơn, Chuyên nghiêm giọng nói lớn :
"Mở sách ra học đi, ai còn nói lảm nhảm nữa tôi đuổi ra khỏi lớp."
Lớp học lắng xuống dần, rồi khi chàng cất tiếng đọc lớn thì mọi người đều im phăng phắc. Khi chuông tan học reo, chàng thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Chàng thơ thới bước xuống sân, mặc cho lớp học ồn ào ở sau lưng.
Ra đến cổng trường, chàng thấy Hoằng ngồi trên một chiếc xe lôi. Chàng bước đến gần, hỏi :
"Mày đợi ai ?
Nhận ra chàng, Hoằng vui vẻ đáp :
"Đợi mày chứ còn đợi ai nữa ! Lên xe đi với tao. Lẹ lên !"
Chàng ngạc nhiên :
"Đi đâu ? Tao còn phải về nhà ăn cơm, chiều nay có giờ dạy."
Hoằng khoát tay :
"Khỏi về nhà. Đi đớp với tao. Lên xe đi."
"Tại sao ?"
"Thằng đần ! Đi đớp mà còn hỏi tại sao thì đần quá rồi."
Chàng nháy mắt :
"Tao nghi mày muốn hối lộ tao để tao làm cho mày một chuyện gì phi pháp đó."
Hoằng trề môi :
"Mặt mày mà dám làm chuyện phi pháp ! Nói tới chuyện tán mấy em nữ sinh mày đã run như cầy sấy thì làm nổi trò trống gì nữa. Nếu phi pháp tao sẽ nhờ thằng khác chứ không nhờ cái mặt mày."
"Thế thì hối lộ tao làm cái thống chế gì ?"
"Ô hay, cái thằng này, sao cứ ngu đần mãi thế ? Bộ tao không thể đãi mày một bữa ăn à ? Thôi, lên xe đi, ngợm nó vừa chứ."
Khi xe bắt đầu chạy, Hoằng mới nói :
"Nhờ vả hay hối lộ đều không phải. Tao chỉ muốn mày cộng tác. Tao bảo xe tạt qua nhà mày cho mày ném mấy cuốn sách khốn nạn này vào nhà."
"Nhưng tao nói trước là tao không bao giờ cộng tác với mày trong vụ quyến rũ gái vị thành niên hay cờ bạc bịp..."
"Yên chí lớn ! Tao biết khả năng của mày chỉ tán được mấy em ế xưng ế xỉa hay mấy em sến về già thôi. "
"Cũng được đi ! Ế và già mà không phạm pháp còn hơn đếm lịch."
Sau khi cất mấy cuốn sách giáo khoa ở nhà, Chuyên lại lên xe, hỏi bạn :
"Nào chuyện gì thì hộc ra đi để tao coi nó đứng đắn đến cỡ nào !"
"Đừng có nóng ! Chờ gắp đông đủ cả sẽ bàn cũng chưa muộn."
"Nghĩa là có nhiều người tham dự hay sao mà phải chờ đông đủ ?"
"Tất cả có năm tên, kể cả mày."
"Bộ xì phé hay chắn cạ mà có những năm mạng ? Nhưng tao đã nói tao không thích cờ bịch."
Hoằng nổi cáu, gắt :
"Câm mõm đi, mày ! Bộ mày tưởng tao chỉ biết cờ bịch thôi sao ? Cái mặt tao không làm nổi trò gì đàng hoàng ? Mẹ kiếp, khi cần ông cũng đàng hoàng như bất cứ thằng chó đẻ nào trên cái cõi đời này ! Ông không đưa mày vào con đường sa ngã, trụy lạc đâu. Cái hạng mới ra trường như mày là còn nuôi nhiều ảo tưởng lắm. Rồi sau này vỡ mặt mới biết thân. Ông đã nói làm ăn đàng hoàng là đàng hoàng, chứ đánh lừa mày thì ăn cái giải gì !"
"Thôi được, tao tạm tin mày."
Khoảng mười phút sau, xe ngừng lại trước một tiệm ăn khá lớn và đông khách. Hoằng đưa thẳng Chuyên lên lầu, giới thiệu chàng với ba người đã ngồi chờ sẵn quanh một bàn tròn. Hoằng nói tên từng người : Biên, Lộc và Tiếp. Khi Chuyên vừa ngồi xuống, Hoằng bèn nói :
"Dĩ thực vi tiên ! Đớp đã, rồi nói chuyện sau. Đồng ý không các bồ ?"
Tất cả cùng nói :
"Đồng ý là cái chắc. Có thực mới vực được đạo. Không đớp thì lấy hơi sức đâu mà đấu hót."
Hoằng vui vẻ hỏi :
"Vậy thì các bạn đã kêu gì chưa ?"
"Rồi, nhưng dặn họ đợi bạn tới mới đem ra cho nóng. Bây giờ mình vừa ăn vừa nói chuyện cho đỡ mất thì giờ."
Hoằng quay sang nói với Chuyên :
"Ba người anh em này cùng dạy học như bọn mình, nhưng họ là chuyên viên tư thục, làm ăn lớn ở cái đất này."
Chỉ mới nghe bạn giới thiệu như vậy Chuyên đã đoán được gần hết câu chuyện họ muốn bàn với mình. Chàng giữ im lặng, lắng tai nghe Hoằng trình bày. Bọn họ bốn người dự tính mở mấy lớp luyện thi tú tài phần thứ nhất, chỉ dạy những môn chính. Sở dĩ họ muốn chàng cộng tác vì chàng đã dạy tư quen. Cuối cùng, Hoằng hỏi :
"Mày nghĩ sao, Chuyên ? Đây là dịp may hiếm có để làm giầu đó. Bỏ qua rất uổng. Bọn tao trù tính không thể lỗ được, bết lắm cũng phải huề !"
Chuyên chậm rãi đáp :
"Tất nhiên là tao chịu. Nhưng mày mới chỉ cho biết sơ qua câu chuyện, còn nhiều vấn đề khác chưa thấy mày nói tới. Chẳng hạn như...đóng góp ra sao ?"
Hoằng đưa mắt nhìn mấy người bạn kia, rồi gật gù :
"Cứ từ từ, đâu sẽ có đó. Trước hết chúng tao muốn biết mày có chịu không đã, còn chuyện tiền bạc sẽ tính sau."
Người bạn tên Lộc chỉ các món ăn vừa được đem ra, nói lớn :
"Thôi, mình nhậu đi đã kẻo nguội mất ngon."
Bữa ăn kéo dài hơn một tiếng đồng hôà. Khi đứng lên, mọi người đều hể hả bằng lòng. Công việc làm ăn đã được thảo luận cặn kẽ, đi đến kết luận là cả năm người phải đóng góp đồng đều. Họ cũng đã bàn tới việc phân công, mỗi người phải đảm trách một việc. Nhưng Chuyên được miễn vì là người mới tới tỉnh này..
Tuy ngoài mặt vẫn sốt sắng bàn tính, nhưng trong bụng Chuyên vẫn thấy e ngại. Chàng không tin một người ăn chơi bê bối như Hoằng lại có thể làm ăn đứng đắn được. Vì thế, lúc ra xe về, chàng hỏi bạn :
"Bộ mày định làm ăn thật sao ?"
Hoằng bèn trợn mắt :
"Thật chứ ! Tại sao mày lại hỏi vậy ?"
"Vì tao thấy mày ăn chơi quá sợ không đứng đắn nổi."
"Vì tao ăn chơi nên mới cần làm ăn."
"Ủa ! Mày nói gì kỳ vậy ?"
"Có gì mà kỳ ! Tao hỏi mày nhé, nếu không làm ăn thì lấy tiền đâu mà ăn chơi ? Ngoài ra, dù thế nào, tao cũng vẫn là một nhà giáo, nghĩa là cũng có tý ty máu đứng đắn chảy trong huyết quản. Nếu cái vụ này thành công, bọn mình giầu mấy hồi ! Mà tao chắc sẽ thành công."
Chuyên trề môi :
"Thôi đi bạn, đừng có chủ quan khinh địch."
"Tao không chủ quan. Tao được liệt vào loại giáo sư toán ăn khứa nhất ở đây đó. Mày cứ yên chí lớn đi !"
"Còn ba tên kia ?"
"Tên Biên dạy Lý Hóa, tên Lộc Việt văn, còn tên Tiếp cũng dạy Toán như tao. Tất cả đều nổi tiếng và ăn khứa."
Chuyên nói tiếp luôn :
"Trừ có tao ."
"Mày thì rồi cũng ăn khứa và nổi tiếng như bọn tao."
"Thôi được, tao tạm tin mày."
"Ở cái đất này, mày không tin tao thì chả còn đếch ai mà tin nữa."
Nói xong, Hoằng cười hô hố, át cả tiếng máy nổ của xe lôi. Chuyên cũng cười theo một cách vui vẻ.
3
C
huyên nhàn nhã ngả lưng trên một cái ghế bố cạnh gốc cây xoài ở một góc vườn. Chàng chỉ đọc được mấy trang sách thì mắt đã díp lại vì buồn ngủ. Chàng đặt cuốn sách lên bụng, rồi nhắm mắt lại. Nhưng chỉ được mấy phút, chàng đã mở choàng mắt vì tiếng rú của máy bay phản lực vút ngang trời. Chàng đành ngồi lên vì mất hứng đọc sách mà cũng không buồn ngủ nữa. Cuốn sách rơi từ bụng chàng xuống đất mà chàng cũng không thèm nhặt lên. Lưỡng lự vài giây, chàng lại nằm xuống, vắt tay lên trán, nghĩ ngợi vẩn vơ.
Kể đến ngày hôm nay, Chuyên về dạy ở đây đã hơn ba tháng. Mọi việc trôi chảy một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp. Dù ở trường công hay tư, chàng đều được học sinh quý mến. Chàng rất bằng lòng về điều đó vì đã thỏa mãn lòng tự ái. Tuy nhiên chàng cũng phải công nhận rằng sự thành công của chàng trong giới tư thục là nhờ một phần lớn tài quảng cáo của Hoằng.
Chàng không ngờ con người ăn chơi bừa bãi như Hoằng mà có tài tháo vát tuyệt vời. Công việc nào, dù khó đến đâu, anh cũng giải quyết một cách nhanh chóng và hợp lý. Do đó, mấy lớp luyện thi của anh bao giờ cũng có kết quả tốt. Anh đã khoa trương Chuyên là một trong những giáo sư sinh ngữ ăn khách nhất Sàigon. Không những thế, anh còn "tiết lộ" cho bọn học sinh thân tín nhiều chuyện bí mật (phần lớn là tưởng tượng) về đời tư của chàng. Thế là chàng được học sinh đặc biệt chú ý. Được Hoằng dặn trước, chàng chỉ ầm ừ cho qua chuyện khi có người hỏi về những lời đồn đại. Càng mập mờ bao nhiêu càng được kính nể bấy nhiêu, chàng nghiệm thấy như vậy. Thật ra, chàng không hoàn toàn nhờ cậy vào những lời "đánh bóng" của bạn. Chàng là một nhà giáo có lương tâm nên đem hết khả năng để giảng dạy. Chàng cũng rất chăm chấm bài, cứ mỗi tuần một lần cho một lớp. Học sinh tấn tới rõ ràng và nhanh chóng. Đứa nào cũng vui thích và mến chàng, trừ một vài học sinh lười biếng.
Thành công ở trường tư có nghĩa là thành công về tiền bạc. Vì còn độc thân, lại không thích ăn chơi, chàng tìm cách giúp đỡ một số học sinh nghèo mà chăm học. Các bạn đồng nghiệp của chàng cho việc giúp đỡ ấy là mị học sinh, nên không ưa chàng.
Một hôm, Hoằng kéo chàng đến một chỗ vắng, rồi hỏi :
"Mày đã làm gì mà chúng nó nói xấu mày quá vậy ?"
Chàng ngạc nhiên :
"Ai nói xấu tao và nói những gì ?"
"Chúng nó bảo mày đạo đức giả. Giúp đỡ học sinh là mị học sinh, chứ thật ra mày đâu có thương xót gì chúng nó."
Chuyên nhún vai :
"Chỉ vì chuyện đó mà chúng nó nói xấu thì tao chả thèm để ý. Tao coi khinh hết ! Mày kiếm nhiều tiền để đánh bạc, chơi gái, không có đứa nào dám nói gì vì đó là đời tư của mày. Tao giúp đỡ học sinh nghèo cũng là chuyện riêng của tao, đứa nào cấm được tao ?"
Hoằng ngập ngừng :
"Chúng nó bàn tán nhiều nhất cái vụ...cái vụ mày giúp đỡ...."
Chàng thản nhiên nói tiếp :
"Cho một nữ sinh. Phải không ? Tao biết trước vụ này sẽ bị nhiều đứa thối mồm xuyên tạc, nhưng tao bất chấp. Tao đã suy nghĩ kỹ trước khi quyết định làm. Bố nó là sĩ quan chết trận, mẹ nó có cả chục con phải nuôi mà nó là lớn nhất. Trong hoàn cảnh gia đình ấy, nếu là những đứa trẻ khác, nó đã bỏ học đi làm. Thế mà nó vẫn chăm chỉ học hành, lại thuộc vào loại khá nhất lớp, nên tao phải khuyến khích."
"Nó tên là gì ?"
"Liên !"
Hoằng nháy mắt, nửa đùa nửa thật, hỏi :
"Mày nhắm mẹ hay con đây ?"
Chàng liền "hừ" một tiếng, tức giận nói :
"Đừng có giở giọng nham nhở đó ra với tao !"
Hoằng vẫn cười :
"Con nhỏ đẹp thật ! Đang tuổi dậy thì nên trông ngon lành đếch chịu được."
Chuyên cau mặt :
"Mày có câm cái mõm chó của mày lại không ? Tao không khốn nạn như mày tưởng đâu. Tao chỉ biết giúp đỡ một học sinh chăm chỉ và ngoan, không hề để ý tới nhan sắc của nó. Đứa nào nghĩ xấu đứa đó mới khốn nạn."
Hoằng làm bộ ngạc nhiên :
"Bộ mày định đi tu sao ?"
"Tao không tu, nhưng tao không thích lăng nhăng với học trò.
"Mà chỉ lăng nhăng với mẹ học trò thôi ?"
Chàng nghiêm mặt :
"Nếu mày muốn tao còn là bạn mày, còn là người cộng tác với mày trong công việc làm ăn thì mày hãy câm cái miệng lại và từ nay trở đi tao yêu cầu mày đừng có thở hơi độc ra. Tao không phải là kẻ xấu xa như vậy đâu."
Hoằng cười nhả nhớt :
"Được, từ nay tao sẽ không nói cho đứa nào biết mày mê mẹ học trò."
Chàng bực mình, thở dài :
"Cái miệng mày gớm thật ! Mày cứ làm như tao đã mê mẹ con nó thật rồi ấy. Tao xin long trọng nhắc lại để mày rõ là tao không bao giờ mê học trò hay mẹ học trò. Đứa nào phao tin đồn bậy thì chính nó là đứa khốn nạn."
Nói xong, chàng định bỏ đi, Hoằng vội nắm tay chàng kéo lại :
"Còn chuyện này nữa..."
Chàng hơi cau mày :
"Còn chuyện gì ? Sao mày lắm chuyện thế ?"
"Thật ra mày mới lắm chuyện. Mày về đây mới có ít lâu mà hết chuyện nọ đến chuyện kia.Trong trường chúng nó đồn ầm lên rằng mày "mết" em Quỳnh"
Chàng nghĩ ngay tới cô giáo trẻ mặc áo dài màu tím Huế, có nước da trắng ngần đã gặp vào giờ ra chơi hôm đầu tiên. Nhưng cũng từ hôm đó chàng chưa hề nói chuyện với nàng một lần nào. Hai người chỉ khẽ gật đầu chào nhau mỗi khi gặp. Thế mà cũng có tin đồn chàng mê nàng thì lạ thật. Thấy chàng không nói gì, Hoằng hỏi dồn : "Thế nào ? Đúng không ? Mết em rồi hả ?"
Chàng phì cười :
"Tao sợ miệng thiên hạ thật ! Vừa đồn tao mê học trò, bây giờ lại mê cô giáo ! Rồi có ngày chúng nó đồn tao mê cả mấy bà già trầu nữa không chừng ! Vểnh tai mà nghe tao nói đây. Tao với cô Quỳnh chưa hề nói chuyện với nhau một lần nào, thì làm sao mà mê được ! Nghe rõ chưa ?"
Hoằng nhún vai :
"Thưa thầy..."
Tiếng chào rụt rè của trò Viễn kéo chàng trở lại thực tế. Chàng dặn khẽ :
"Bây giờ anh có thể khai thật với công an, nếu họ hỏi anh."
"Dạ"
Chuyên nghe lòng buồn man mác. Chàng nghĩ tới sự tan vỡ của một mối tình. Rồi chàng lại liên tưởng đến chuyện riêng của mình. Chàng không muốn vào phòng giáo sư nữa. Thật ra từ ngày có tin Quỳnh đính hôn với một viên chức cao cấp trong tòa tỉnh trưởng, chàng thấy phòng giáo sư trống trải, lạnh lẽo và buồn tẻ. Quỳnh vẫn ngồi đó, vẫn vui vẻ nói chuyện với các đồng nghiệp, nhưng nàng không còn là cô giáo Quỳnh ngày xưa nữa. Nàng đã thuộc về người khác. Từ lâu chàng có mấy thắc mắc mà không sao tìm được lời giải đáp. Tại sao có dư luận đồn chàng và Quỳnh yêu nhau? Hơn một lần chàng muốn hỏi hai nữ sinh Cẩm Hồng và Ngọc Như, nhưng lại e ngại vì từ ngày Liên thôi học lên Saigon, hai đứa không còn thân thiện với chàng. Chúng thường tìm cách lẩn tránh mỗi khi thấy chàng. Trong lớp học, chúng giữ vẻ lạnh nhạt nếu phải trả lời câu hỏi của chàng liên quan đến bài học. Trước vẻ thiếu thân thiện ấy, tự ái của chàng không cho phép chàng thân mật với chúng nữa. Khi có tin Quỳnh đính hôn, chúng cười nói hể hả, như muốn chế nhạo. Chàng nghe loáng thoáng sau lưng :"Cho đáng đời !"
Chuyên cứ đứng ở hành lang mà nhìn xuống sân trường. Gần ngày nghỉ hè, nhiều học sinh những lớp nhỏ, sau khi thi bán niên, đã tự ý nghỉ học. Sự kiểm soát của nhà trường cũng đã nới lỏng nên sự vắng mặt của học sinh mỗi ngày một nhiều hơn. Có lớp đã trống trơn, nhưng giáo sư vẫn phải có mặt. Sân trường vào giờ ra chơi đã thưa thớt đi nhiều. Đa số là học sinh những lớp sắp đi thi, nên chúng có vẻ đăm chiêu và lo lắng. Thi cử vào thời buổi chiến tranh hết sức quan trọng. Đậu thì được tiếp tục học, rớt thì phải vào lính. Đa số con nhà nghèo chỉ biết trông cậy vào sức học của mình. Trong khi đó, bọn "con ông cháu cha" dựa vào quyền thế, tiền bạc của cha mẹ để trốn lính, có đứa còn được đi du học với mảnh bằng được mua bằng tiền.
Bỗng chuông vào học ngay trên đầu Chuyên reo vang làm chàng giật nẩy mình. Trong khi học sinh đang vui chơi dưới sân trường bước nhanh về lớp để xếp hàng, chàng phân vân không biết có nên vào phòng giáo sư lấy thêm phấn. Tự nhiên chàng ngại gặp Quỳnh. Chàng cũng không hiểu lý do của sự ngại ngùng đó. Thật ra, chàng và nàng chưa có một liên hệ nào, vì thế việc nàng lấy chồng đâu có ảnh hưởng gì tới chàng.
Khi thấy có mấy người đang đi về phía mình, Chuyên quyết định không lấy thêm phấn, đến thẳng lớp học ngay. Nhưng chưa kịp xuống sân trường, chàng chợt trông thấy Quỳnh tha thướt trong tà áo dài trắng đi về phía mình. Tự nhiên chân chàng như bị dính chặt lấy mặt đất, không sao cất bước nổi. Quỳnh hình như cũng giật mình khi nhận ra chàng từ xa. Nàng hơi chậm lại một chút nhưng rồi vẫn thản nhiên đi qua mặt chàng, đôi mắt nhìn thẳng. Khi nàng đã mất hút ở cuối hành lang, chàng vẫn nhìn theo. Bỗng có tiếng nói nhỏ ngay bên tai chàng :"Hoa có chủ rồi ! Tiếc hả ?" Chàng quay lại, nửa đùa nửa thật trả lời người bạn đồng nghiệp :
"Làm sao mà không tiếc cho được !"
Người bạn cười phá lên, ngâm một câu ca dao :"Chim vào lồng biết thuở nào ra ?" Chàng thoáng buồn, nhưng vẫn cố lấy giọng vui vẻ :
"Không chừng mình phải lấy trộm cả lồng lẫn chim đem về nhà dấu đi."
Người bạn vỗ nhẹ vào lưng chàng :"Nên lắm ! Nên lắm !"
Vừa lúc đó, chàng thấy viên tổng giám thị cầm roi mây đi trên sân trường vắng không còn một học sinh nào. Chàng lại nghĩ đến trò Viễn và nữ sinh Liễu Huệ. Không biết ông ta đã biết thủ phạm vụ ném truyền đơn đã bỏ trốn ra mật khu Việt cộng chưa ? Chàng vừa ra khỏi hành lang, định băng qua sân trường để tới lớp, viên tổng giám thị bước nhanh về phía chàng, nói bằng một giọng quan trọng :
"Tôi đã báo cho công an biết vụ ném truyền đơn hôm qua trong lớp giáo sư. Có thể họ sẽ mời giáo sư sang ty công an."
"Dạ, tôi đã sẵn sàng. Có giấy kêu là tôi đi ngay."
Nhìn vẻ mặt của ông ta, chàng biết ông ta đang giận chàng lắm. Giận cũng là phải, chàng thầm nghĩ. Đó là lỗi của mình.
Từ phút đó, Chuyên sửa soạn tinh thần và sắp đặt những điều cần thiết để trả lời công an. Nhưng chàng chờ đợi rất lâu, hết ngày này đến ngày khác mà không nhận được giấy mời. Có lẽ, chàng nghĩ, họ điều tra ngầm, không cần đến lời khai của mình.
Rồi niên học chấm dứt sau buổi lễ phát thưởng tổ chức ngay tại trường. Hầu hết các giáo sư trẻ về Saigon với gia đình. Học sinh nhỏ không phải đi thi, đứa thì được cha mẹ cho đi chơi xa, đứa thì về quê nghỉ hay giúp gia đình việc đồng áng. Chuyên còn kẹt lại tỉnh vì lớp luyện thi chưa hết khóa học. Ở một mình một nhà, chàng thấy buồn, nên dọn sang ở tạm với Hoằng. Nhưng mới chỉ được hai hôm, chàng đã tính trở về nhà cũ, vì bạn bè của Hoằng ồn ào suốt ngày đêm. Họ đánh bạc, cãi nhau, thậm chí đưa cả gái về...Nhưng Hoằng cố giữ chàng lại vì lớp tư cũng chỉ còn vài ngày nữa là hết, rồi về luôn Saigon cho tiện. Chàng đành nghe lời.
Nhà Hoằng ở gần trường, mỗi lần đi qua, thấy sân trường vắng học trò, Chuyên lại nghe lòng buồn man mác. Mới đầu chàng không hiểu tại sao mình buồn, mãi sau chàng mới khám phá ra rằng cái gì cũng phải có đủ bộ. Chim phải có đôi, vợ chồng phải có nhau, không thể thiếu một được, thì trường phải có học sinh. Trường vắng học sinh là ngôi trường chết. Mỗi năm, trường "chết" mấy tháng hè. Chàng phì cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Nhưng quả thật, cái gì cũng phải có đôi hoặc có bộ. Thế mà sao chàng vẫn lẻ loi ? Ừ nhỉ, sao mình lẻ loi ? Chàng nghĩ đến Quỳnh, đến Liên. Quỳnh thì không nói làm gì, vì nàng và chàng chưa có một liên lạc nào, dù sau này chàng đã bắt đầu để ý đến nàng. Chỉ tiếc một điều chàng chưa kịp làm quen với nàng thì nàng đã đính hôn. Còn Liên ? Nếu so tuổi, chàng cũng chỉ hơn Liên sáu, bảy năm. Người ta lấy vợ thua cả chục tuổi vẫn là xứng đôi vừa lúa. Liên vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn, lại mới yêu lần đầu tiên. Chàng là mối tình đầu của Liên. Thế mà vì cố chấp chàng đã bỏ lỡ một dịp xây dựng hạnh phúc ? Bất cứ ai ở cõi đời này cũng mưu tìm hạnh phúc cho mình. Thiếu gì thầy giáo lấy học trò ? Cũng có trái luân thường đạo lý đâu ! Bây giờ Liên ở Saigon, nếu chàng muốn tim cô ta cũng còn kịp. Saigon rộng lớn, người đông, biết tìm đâu ? Chàng tự nhủ sẽ hỏi cho ra địa chỉ của Liên. Lần này chàng không thể để cơ hội tốt vuột khỏi tầm tay.
Rồi lớp tư cũng chấm dứt. Trước khi chia tay về với gia đình, người thì lên Saigon, kẻ xuống tận Cà Mau, Hoằng tổ chức một bữa tiệc ngay tại nhà. Bữa tiệc thật vui, kéo dài đến quá nửa đêm. Sau một năm làm việc, tuy có nhiều biến cố, vui buồn, coi như tương đối thành công, Chuyên muốn tự thưởng mình nên đã buông thả trong cuộc vui chơi với bạn bè. Chàng uống hết một ly rượu mạnh mà chưa bao giờ dám thử nhắp môi. Khi tan tiệc, chàng không còn đứng vững được nữa. Hoằng và một người bạn ở chung nhà phải dìu chàng vào giường. Họ còn giúp chàng cởi giầy và quần áo.
Mãi đến gần sáng hôm sau Chuyên mới thức giấc. Chàng ngạc nhiên thấy có người nằm cạnh nên tỉnh ngủ ngay. Chàng chồm dậy và nhận ra người nằm cạnh là đàn bà, không một mảnh vải che thân. Chàng đoán đây là trò chơi của Hoằng và mấy người bạn. Ra khỏi màn, chàng bật đèn sáng, mặc quần áo xong, đánh thức người đàn bà dậy. Cô ta nheo mắt vì bị chói ánh đèn, ngái ngủ hỏi :
"Uả, sao thầy dậy sớm thế ? Trời còn tối mà."
Chàng hỏi bằng một giọng hơi gắt :
"Cô là ai mà sao lại chui vào giường tôi mà ngủ ? Mặc đồ vô."
Chàng ném cho cô ta bộ quần áo vứt bừa bãi dưới đất. Cô bước ra khỏi màn. Chuyên vội quay mặt đi, giục :
"Mặc đồ vô !"
Cô cười khanh khách :
"Thầy mắc cở hả ? Bộ thầy chưa thấy đàn bà trần truồng bao giờ sao ?"
Như chợt nhớ ra điều gì cô lại hỏi :
"Bộ thầy quên em rồi sao ? Em là Liên, học trò cưng của thầy nè."
Chàng hơi gắt :
"Đừng có nói bậy nói bạ nữa. Đi chỗ khác cho tôi ngủ lại. Tôi đang nhức đầu lắm đây."
Cô nhõng nhẽo :
"Bộ thầy quên học trò cưng của thầy rồi hả ?"
Chàng bực mình chép miệng :
"Để tôi phải kêu ông Hoằng ra nói chuyện với cô mới được..'
Nói xong, chàng liền đi vào nhà trong, nơi có giường ngủ của Hoằng và mấy người bạn. Chàng bật đèn sáng làm mọi người thức giấc.Chàng nói lớn :
"Hoằng, mày sang đưa cô ta về ngủ với mày đi. Tao cần ngủ quá vì đang nhức đầu mà không có chỗ ngủ."
Hoằng có vẻ tỉnh ngủ ngay, ngồi dậy, vươn vai, ngáp rồi hỏi :
"Bộ mày chê trò Liên rồi hả ?"
Chàng năn nỉ :
"Thôi, xin mày tha cho tao. Tao nhức đầu quá."
Hoằng đề nghị :
"Mày ngủ tạm giường tao đi, để tao ra giải quyết vụ này cho êm . Bây giờ còn sớm, đuổi cô ta về đâu có được. Nhưng mày bạc tình thiệt. Liên nó yêu mày như vậy mà mày nỡ đuổi nó."
Chàng nhăn mặt :
"Mày đùa quá lố rồi. Thôi, cút ra với nó đi cho tao ngủ lại một giấc nữa."
Cả Hoằng và mấy người bạn cùng cười rộ lên. Chàng làm ngơ, chui nhanh vào giường bạn, nằm vật xuống ngủ ngay.
7
N
hững ngày hè trôi qua một cách bình thường. Chuyên cũng như các bạn đồng nghiệp khác tham dự hầu hết các hội đồng giám thị, giám khảo kỳ thi bậc trung học. Chàng không có dịp nào để trở về nhiệm sở. Sự vụ lệnh chấm thi và tiền lương hàng tháng chàng được một người bạn ở ngay tỉnh lỵ nhận hộ, rồi chuyển cho chàng khi anh ta có việc lên Saigon.
Chính vì không phải trở về nhiệm sở, chàng cũng chưa hỏi được địa chỉ ở Saigon của Liên. Chàng không muốn nhờ ai hỏi giùm, sợ lại có tiếng đồn bậy bạ.
Trước ngày khai giảng niên học mới ít lâu, Chuyên phải về tỉnh để chấm thi tuyển học sinh vào lớp đệ thất. Từ lâu chàng vẫn nghe đồn cuộc thi tuyển này là một dịp để một vài ông bà hiệu trưởng bất chính làm ăn lén lút. Vốn là một người ngay thẳng, chàng không ưa chuyện mờ ám. Chàng hi vọng nơi nhiệm sở của chàng không ai tổ chức gian lận, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, chàng sẽ không ngồi yên mà nhìn. Thi tuyển khác với thi lấy bằng cấp.. Số dự tuyển chỉ có hạn nên khi có gian lận, một số học sinh có khả năng sẽ bị loại để nhường chỗ cho những đứa kém mà nhiều tiền chạy chọt. Như vậy là bất công, thiệt thòi cho những học sinh giỏi nhà nghèo.
Ngày thi được tổ chức nghiêm chỉnh, nhưng đến ngày chấm Chuyên đã thấy có dấu hiệu bất thường. Hiệu trưởng đích thân coi sóc việc rọc phách và đánh số mật mã. Lão Trương đưa người thân tín của mình vào đó. Đến ngay ông giám học là người vẫn về phe với lão cũng bị loại ra ngoài.
Tin đồn về một cuộc gian lận quy mô đã loan truyền ngầm trong giới giám khảo. Người ta còn được biết năm nay có con ông trung tá tỉnh trưởng dự thi và lão Trương có nhiệm vụ tìm cách cho đứa nhỏ được đậu chính thức. Thật ra, đối với những đứa con của ông tỉnh trưởng và của một số viên chức trong tòa tỉnh, nhiều trường vẫn đặc cách cho vào học, nếu bị trượt. Như vậy, sự công bằng tương đối vẫn được duy trì, không thiệt hại cho những học sinh giỏi. Tại sao lão Trương không làm như vậy có giản tiện hơn không ? Câu trả lời là lão muốn "mượn gió bẻ măng". Mượn tiếng lo cho con ông tỉnh trưởng để "làm ăn" thêm.
Chuyên nói với Hoằng về chuyện gian lận, Hoằng liền gạt đi :
"Mặc cha chúng nó ! Bọn mình chỉ biết chấm xong thì chuồn lẹ về Saigon du hí cho khỏe cái thân. Đừng có thắc mắc nhiều kẻo có ngày khốn đốn với chúng nó."
Chuyên bất mãn :
"Sao mày lại vô trách nhiệm đến như vậy được ? Tao kịch liệt chống đối gian lận. Nếu nắm được bằng cớ, tao không thể làm ngơ !"
Hoằng trố mắt nhìn chàng, hỏi :
"Mày định đóng vai hiệp sĩ trừ gian chăng ? Thôi, con ơi, con ngu nó vừa chứ. Ở cái cõi đời này làm gì có công bằng. Từ ngàn xưa đã thế chứ không phải bây giờ đâu. Làm gí có sự tuyệt đối ở cái cõi đời này. Cứ phiên phiến đi thì mới dễ sống. Trong niên học vừa qua, mày đã bị mấy vố mà vẫn chưa tởn. Mày chơi nó, bộ nó không biết chơi lại mày sao ?"
Chàng nói mạnh :
"Tao không khuất tất, không gian tà, thì sợ gì chúng nó !"
Hoằng lắc đầu, khẽ thở dài :
"Còn thích lý tưởng này, lý tưởng nọ là mày còn non quá. Bộ chúng nó không biết cho mày vào xiếc sao ? Rồi thì mày sẽ chết vì cái lý tưởng ngu muội của mày, con ạ."
"Tao không sợ !"
Hoằng phì cười :
"Đúng là 'ngựa măng háu đá'. Ăn cái giải gì đâu mà hung hăng quá vậy ? Hay mày muốn làm bộ trưởng dâm dục ?"
"Tao chả muốn làm gì hết. Tao chỉ đòi hỏi sự công bằng."
Hoằng trề môi :
"Ở trên thế gian này, nếu mọi người đều tôn trọng lẽ công bằng thì đã chẳng có loạn lạc liên miên. Chiến tranh cũng đã chấm dứt từ khuya rồi, vì không còn lý do tồn tại. Tao rất ngạc nhiên là mày không đến nỗi ngu si dốt nát cho lắm mà sao vẫn u mê ám chướng như vậy. Hai tiếng công bằng đã bị vùi dập từ đời vua Hùng Vương thứ nhất, chứ đâu có chờ đến bây giờ."
Ngừng một chút, anh tiếp :
"Tao lấy tình bạn lâu năm với mày thành thật khuyên mày đừng xía dzô chuyện người khác. Năm rồi, vì ngu và bướng mày đã mất cả em Liên lẫn em Quỳnh mà vẫn chưa sáng mắt ra. Một đứa thì đẹp nhất đám nữ sinh choai choai, một em thì dễ thương nhất trong đám nữ giáo sư. Thật là đáng tiếc cho mày ! Nếu mày chưa chịu thức tỉnh thì còn nhiều tai họa xảy đến cho mày, con ạ."
Dù có lời cảnh cáo của Hoằng, Chuyên vẫn không chịu bỏ ý định khám phá ra vụ gian lận trong kỳ thi đệ thất. Chàng ngấm ngầm theo dõi các hoạt động của lão Trương và những người trong phe đảng của lão. Trong khi lão Trương luôn luôn tỏ ra nghiêm chỉnh và công bằng, bọn đàn em tay sai của lão rất tích cực trong việc liên lạc với một số giám khảo, nhất là những giám khảo người địa phương và đã hơi lớn tuổi.
Khi chấm xong tất cả các bài thi, nhiều giáo sư sửa soạn về Saigon nghỉ ngơi chờ niên học mới. Việc đọc điểm, cộng điểm và ghi kết quả được khoán trắng cho hiệu trưởng và nhân viên văn phòng cùng một số giáo sư địa phương tình nguyện. Nhưng vào buổi họp cuối cùng, trước khi ráp phách, Chuyên bỗng đề nghị chấm lại một số bài đáng nghi. Đề nghị này làm tất cả các giáo sư có mặt ngạc nhiên trong khi mặt lão Trương tái hẳn đi. Lảo cố lấy giọng bình tĩnh hỏi :
"Ông giáo sư nghi cái gì ?"
Chuyên đáp ngay, đầy vẻ thách thức :
"Còn nghi gì nữa, thưa ông hiệu trưởng ? Tôi nghi có sự gian lận."
Phòng họp hơi ồn lên một chút vì có nhiều tiếng xì xào. Lão Trương lên tiếng yêu cầu mọi người giữ im lặng, rồi lại hỏi Chuyên :
"Ông giáo sư có bằng cớ gì không ? "
Chàng ngập nhừng :
"Bằng cớ thì...chưa có..."
Lão Trương liền ngắt :
"Ông giáo sư chỉ mới nghi mà không có bằng cớ thì...thì...t6i xin lỗi..."
Tiếng Chuyên bỗng lớn hẳn lên :
"Nếu ông hiệu trưởng không cho chấm lại những xấp bài đáng nghi, tôi sẽ tố cáo thẳng lên Nha Trung học...Có thể tôi cũng nhờ báo chí lên tiếng."
Lão Trương mím môi lại, đôi mắt nhìn Chuyên như tóe lửa. Lão giữ im lặng một lúc như để tự trấn tĩnh, rồi nói :
"Nhưng tôi có biết những xấp bài nào đáng nghi đâu."
Chuyên bèn mở một cuốn sổ nhỏ đã cầm sẵn, từ từ đọc :
"Xấp bài luận văn có số mật mã X27 do ông Khang chấm, xấp bài toán có số mật mã H18 do ông Ngô chấm và xấp bài câu hỏi thường thức có số mật mã B82 do ông Cảnh chấm. Còn nhiều nữa, nhưng cứ tạm thời hãy xem xét những xấp đó trước.."
Lão Trương đưa mắt nhìn những giáo sư vừa được nêu tên khôn khéo hỏi :
"Ông Chuyên nghi mấy vị đó gian lận ?"
Chàng chưa kịp đáp, Ngô đã đứng lên hùng hổ phản đối :
"Tôi không bằng lòng để bất cứ ai chấm lại những bài tôi đã chấm. Ông Chuyên nói như vậy là cố tình nhục mạ tôi công khai trước mặt mọi người."
Cảnh và Khang cũng nói những lời tương tự. Nhưng Chuyên không nao núng, bình tĩnh đáp :
"Tôi không kết tội ai gian lận hết, nhưng tôi nghĩ rằng quý vị đã cả nể, ai xin điểm cũng cho. Chính những người xin điểm mới là gian lận."
Ngô vẫn khăng khăng :
"Tôi nhất định không để ai chấm lại những bài tôi đã chấm."
Chuyên vẫn ôn tồn :
"Tại sao anh lại không chịu ? Tôi có bảo anh gian lận hay đồng lõa gian lận đâu. Tôi nghi có một tổ chức gian lận qui mô, cần phải khám phá ra ngay. Chúng ta hãy vì lẽ công bằng, vì tương lai của các học sinh có thể bị đẩy ra ngoài, mà can đảm đưa vụ này ra ánh sáng. Chúng ta đều biết rằng đa số học sinh ở vườn lên, nếu rớt là phải ở nhà, làm gì có phương tiện học tư suốt bảy năm trời hay hơn nữa. Vậy tôi kêu gọi lương tâm nhà giáo của quý vị. Xin đừng để những học sinh đáng được tiếp tục học bị đẩy vào vòng ngu dốt do lòng tham của một số người vô lương tâm." .
Chàng chợt thấy lão Trương đưa mắt ra hiệu cho mấy viên giám thị. Chàng hiểu ngay ý định của lão, vội lên tiếng cảnh cáo :
"Xin đừng đụng tới mấy xấp bài thi tôi vừa nêu số mật mã. Nếu không, những người đó chính là kẻ gian lận."
Các giám thị nhìn lão Trương nhưng vẫn đứng yên một chỗ. Lão có vẻ đã mất bình tĩnh, hai tay để trên mặt bàn hơi run. Đúng lúc đó có tiếng Hoằng :
"Theo tôi, chúng ta đều là nhà giáo có lương tâm. Vì thế, tôi tin rằng không một ai vì cớ này hay cớ khác muốn làm hại học sinh, nghĩa là tôi không tin có gian lận trong kỳ thi này. Vậy, xin bỏ qua vụ chấm lại một số bài để giữ hòa khí giữa các bạn đồng nghiệp."
Tức thì lão Trương và một số nhân viên văn phòng và giám thị vỗ tay đôm đốp tán thành ý kiến của Hoằng. Lão Trương vui vẻ lên tiếng :
"Ông giáo sư Hoằng nói rất đúng. Đã bước chân vào nghề dạy học, ai cũng thương học trò hết. Tôi đồng ý bỏ qua vụ này."
Lẻ tẻ có vài tiếng vỗ tay. Chuyên chưa kịp nói thêm, Quỳnh đã đưa tay lên xin phép phát biểu. Mọi người đều nhìn về phía nàng.
"Theo tôi, tiếng nàng trong và nhẹ, bỏ qua cũng được. Song, anh Chuyên đã trót tố cáo, mình có bổn phận phải làm cho rõ trắng đen. Nếu thật có gian lận, bài kém quá mà được điểm cao, mình cần phải sửa lại cho công bằng, để những trò giỏi khỏi bị rớt oan. Lúc ấy, chúng ta không cho là gian lận mà chỉ coi như giám khảo cho điểm lầm. Chúng ta đã đi dạy học đều biết lúc mệt mỏi, có chuyện buồn phiền, thường sơ sót khi chấm bài. Trái lại, nếu không có việc cho điểm lầm, anh Chuyên sẽ chịu trách nhiệm với các bạn, phải công khai xin lỗi những vị anh đã nêu tên. Anh Chuyên có đồng ý như vậy không ?"
Chuyên vui vẻ đáp :
"Đề nghị của chị thật hay, sao tôi không đồng ý cho được."
Đa số những người có mặt tán thành ý kiến của Quỳnh. "Được lắm ! Nghe được lắm !" - "Người đẹp, ý kiến cũng đẹp !" Riêng Chuyên lần đầu tiên được nghe tiếng Quỳnh ngay bên cạnh nên lòng bỗng xao xuyến ngây ngất. Chàng không ngờ nàng đã bênh mình một cách khéo léo và kín đáo. Chàng nhìn nàng bằng đôi mắt đầy thiện cảm và biết ơn. Nhưng nàng vẫn nhìn thẳng phía trước, mặt rất nghiêm trang.
Trong khi đó, lão Trương chưa chịu ngay, còn cố vớt vát :
"Theo tôi, bây giờ mình nên biểu quyết nên chấm lại hay nên bỏ qua. Bây giờ tôi xin hỏi : ai đồng ý bỏ qua ?"
Chỉ lác đác khoảng mươi người xin bỏ qua, kể cả Hoằng và mấy giáo sư bị nêu tên. Nhưng khi lão Trương hỏi có nên chấm lại không thì hầu hết những người có mặt trong phòng giơ tay. Chuyên hớn hở reo lớn :
"Đa số đồng ý chấm lại."
Lão Trương miễn cưỡng sai mấy viên giám thị đi lấy bài. Chuyên lại có ý kiến :
"Chúng ta không cần phải chấm lại hết, chỉ chấm lại những bài có điểm trên trung bình cho đỡ mất thì giờ."
Tất cả lại đồng ý với Chuyên. Chỉ mấy phút sau, người tìm ra những bài "cho điểm lầm". Đặc biệt có những bài chỉ chép lại đề thi kín bốn trang giấy mà được điểm gần tối đa, 19 rưỡi. Lại có bài trả lời sai hoàn toàn mà được 15 điểm....Người ta đã tìm ra ngót ba chục trường hợp gian lận.
Hôm sau, khi ra xe đò về Saigon, Chuyên gặp Hoằng ở bến xe. Hoằng nói ngay :
"Năm nay tao với mày hết cộng tác vụ trường tư rồi. Mày biết vì sao không ?"
Chuyên đáp không suy nghĩ :
"Mày bênh lão Trương nên nghỉ chơi tao ra chứ gì."
Hoằng nhún vai :
"Thằng tu xuất thông dâm với con gái riêng của vợ thì ăn nhậu gì đến vụ trường tư. Nhưng con ơi, con sửa soạn khăn gói quả mướp sẵn đi. Con sẽ bị đuổi khỏi cái trường thân yêu có em Quỳnh thơm như múi mít này."
"Tao có lỗi gì mà đuổi tao ? Tao thách đứa nào dám đuổi tao."
"Mày chả phải thách đâu. Mày không có tội thì chúng nó phịa ra tội rồi quàng vào cổ mày, con ạ. Đường quang không đi lại cứ thích đâm bổ vào gai vào góc. Chống mắt mà coi chúng nó trả thù."
Chuyên nói mạnh :
"Cây ngay không sợ chết đứng !"
"Cây ngay thì chúng nó sẽ phạt ngang cho cây đứt đôi. Mày có là cây thông chúng nó cũng đốn cho gục. Tao chỉ tiếc là lớp riêng đang ăn ngon lại mất mày."
"Tao cũng tiếc không còn được cộng tác với mày."
Sau đó, hai người lên xe, nhưng không cùng một chuyến. Chuyên cũng thấy hơi buồn, nhưng không phải buồn vì không được dạy tư chung với Hoằng mà buồn vì không ngờ bạn lại ươn hèn, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình mà không đếm xỉa gì tới đám học sinh bé nhỏ bị thiệt thòi. Chàng tự hỏi không biết sau này, khi đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục, chàng có thay đổi như Hoằng không ? Chàng không tin mình có thể sa đọa đến như vậy.
Khi xe đến bến phà, tất cả các hành khách phải xuống đi bộ. Chuyên rẽ vào một quán bên đường để giải khát trong khi chờ xe. Chàng bỗng thấy Quỳnh và người vị hôn phu của nàng bước vào quán. Nàng cũng đã trông thấy chàng ngay nên vừa cười vừa gật đầu chào chàng.. Chàng bỗng có cảm giác như tim mình nghẹn lại. Nụ cười thật quyến rũ. Hai hàm răng trắng và đều như ngọc. Đây là lần đầu tiên nàng cười với chàng. Cảnh vật chung quanh bỗng mờ đi. Trước mặt chàng chỉ có một nàng tiên mới từ trên trời hiện xuống. Chàng như choàng tỉnh khi nghe nàng nói với chồng chưa cưới:
"Anh Chuyên, giáo sư Anh văn, dạy cùng trường với em."
Rồi nàng giới thiệu :
"Anh Diên, ông xã tương lai của tôi đó, anh Chuyên."
Hai người đàn ông trịnh trọng và thân mật bắt tay nhau. Diên kéo ghế ngồi cùng bàn với Chuyên một cách tự nhiên trong khi Quỳnh có vẻ lưỡng lự nhưng rồi cũng ngồi xuống cạnh Diên. Sau mấy câu xã giao khách sáo, Chuyên và Diên có vẻ hợp tính nhau nên nói chuyện cởi mở hơn. Diên cho biết anh và Quỳnh về Saigon kỳ này để sửa soạn đám cưới. Chỉ một tháng nữa, họ chính thức thành vợ chồng. Một chút thất vọng thoáng qua lòng Chuyên. Quỳnh cũng giải thích tại sao nàng không mời các bạn giáo sư trong trường tham dự đám cưới vì được tổ chức vào một ngày giữa tuần và chỉ có tính cách thân mật giữa hai gia đình. Tuy nhiên, các bạn đồng nghiệp sẽ nhận được thiếp báo hỉ. Chuyên chưa kịp ngỏ lời chúc hai người Quỳnh bỗng đổi giọng, nói nhỏ :
"À, anh Chuyên nè.Tôi xin báo động để anh rõ là...anh sắp gặp lôi thôi lắm đó. Phải đề phòng cẩn thận..."
Chàng chưa kịp hỏi thì Diên cau mày trách vợ chưa cưới :
"Em bép xép quá !"
Quỳnh đáp ngay :
"Anh Chuyên là người tốt, chẳng lẽ mình để ảnh gặp khó khăn mà làm ngơ."
Chuyên hết nhìn Diên lại nhìn Quỳnh chờ đợi. Diên tặc lưỡi, miễn cưỡng nói :
"Câu chuyện như thế này...Nhưng anh phải hứa chắc với tôi là không được cho ai biết tôi đã nói với anh.."
Chuyên gật đầu :
"Tôi lấy danh dự xin hứa với anh là tôi sẽ không tiết lộ cho bất cứ ai câu chuyện anh sắp nói. Sống để bụng, chết mang đi !"
Thế mà Diên vẫn ngập ngừng có ý còn e ngại. Thấy vậy, Quỳnh giục :
"Anh ấy đã hứa như vậy mà anh còn rụt rè cái gì nữa..."
Chuyên vội nói chen vào :
"Nếu là chuyện có thể gây phiền phức cho anh thì xin anh khỏi cần nói cũng được. Tôi chỉ biết rằng tôi sắp gặp lôi thôi, khó khăn...Tôi sẽ sửa soạn tinh thần để đối phó.."
Diên lại tặc lưỡi :
"Thôi được, nếu anh đã hứa chắc như vậy, tôi xin nói. Lão Trương của anh vừa báo cáo mật lên tỉnh tố cáo anh là cán bộ cộng sản nằm vùng rất nguy hiểm...Yêu cầu cho điều tra..."
Chuyên giật mình hoảng sợ :
"Lão dám vu cho tôi là cán bộ cộng sản nằm vùng ?"
Chàng bỗng thấy sống lưng mình lạnh toát, nhưng hai bàn tay dơm dớm mồ hôi. Trong khi đó, Diên nói tiếp :
"Anh biết thế là đủ rồi. Tôi tình cờ được đọc bản báo cáo mật dài ngót hai trang đánh máy. Anh không những là cán bộ cộng sản mà còn có nhiều tội khác nữa. Đối với cấp trên, tôi là người có tội vì đã tiết lộ bí mật của sở..."
Quỳnh gạt đi :
"Anh chả có tội gì hết, em mới có tội. nhưng em không thể ngồi yên khi thấy người ngay thẳng bị vu oan, hãm hại."
Diên lừ mắt, nghiêm giọng :
"Từ rày về sau, anh cấm em bép xép."
Nàng vẫn đùa :
"Em sẽ không bép xép mà chỉ...ngồi lê đôi mách thôi..."
Diên thấy vợ chưa cưới cười nói duyên dáng, nhí nhảnh, cũng đành cười theo. Trong khi đó, vì lòng bồn chồn không yên khi biết mình bị lão Trương vu cho là cộng sản nằm vùng, Chuyên không nhận ra cái nhí nhảnh của Quỳnh. Chàng đưa mắt nhìn ra đường, nhưng không nhìn thấy gì hết chỉ thấy lửa giận bừng bừng trong huyết quản. Chàng không ngờ lão tu xuất ấy lại hiểm độc như vậy. Trong thời chiến tranh chống cộng này, bị vu là cán bộ cộng sản nằm vùng là coi như bị kết án tử hình hay ít ra cũng hủy hoại tất cả tương lai của một con người. Lão vừa ngu vừa hiểm độc như vậy mà cũng được bộ giáo dục cho chỉ huy một cơ quan giáo dục. Chàng nhớ tới lời phê bình của Hoằng khi nói tới cách sử dụng nhân viên của bộ giáo dục :"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã !" Trước kia, chàng cho là Hoằng chỉ nói đùa cho vui, ai ngờ lại là một nhận xét xác đáng ! Lão Trương muốn trả thù chàng vì chàng đã phá vỡ âm mưu gian lận của lão. Phải làm gì bây giờ ? Chàng tự hỏi. Nếu lúc này tình cờ gặp lão Trương, chàng sẽ nhổ một bãi nước bọt vào giữa mặt lão và mắng :"Đồ chó đẻ !" Không biết có phải chàng đã vô tình nói lên ý nghĩ đó không mà Diên mỉm cười, cay đắng :
"Nhưng chính những tên chó đẻ mới được cấp trên tín nhiệm cho đè đầu đè cổ người khác. Thế mới đau !"
Quỳnh nói đùa :
"Nỗi đau thời đại mà, anh !"
Chuyên lo lắng hỏi Diên :
"Theo anh, tôi nên làm gì bây giờ ?"
Diên vội đáp :
"Theo nguyên tắc, anh chưa biết được bí mật này. Nếu anh có phản ứng sớm quá, tức là bên tòa tỉnh có người tiết lộ. Người ta sẽ lần lần phăng mối dây, Quỳnh và tôi sẽ bị lôi thôi. Vậy, theo tôi, anh đành phải chờ..."
Chuyên thở dài, im lặng. Vừa lúc đó, chiếc xe đò của Chuyên đã qua phà, khách đang lên xe, chàng vội cảm ơn Diên và Quỳnh rồi xin cáo biệt. Chàng ra đến cửa, còn nghe Diên trách Quỳnh :
"Em bép xép quá."
8
N
iên học mới bắt đầu trong bầu không khí vui vẻ, ồn ào. Từ giáo sư đến học sinh ai cũng đều hớn hở, mừng rỡ gặp lại bạn bè. Sau mấy tháng hè, cỏ trên sân trường mọc cao và xanh mướt. Bọn học trò nhỏ vui đùa, chạy nhảy, nằm lăn trên cỏ một cách khoan khoái. Những học trò lớn họp thành từng nhóm bàn chuyện học hành, thi cử. Càng lên cao, chương trình học càng nặng. Không những thế, chuyện lính tráng càng làm tăng mối lo của chúng. Chậm lại một năm hoặc thi rớt là đi lính. Vì thế, chúng phải tận lực cố gắng học hành, quên đi những thú vui của tuổi trẻ. Hoàn cảnh đất nước làm chúng già trước tuổi. Tình trạng này đã kéo quá dài, không biết đến bao giờ mới chấm dứt ?
Trong khi đó, giáo sư cũng có chuyện cần bàn luận đầu niên học. Mối quan tâm hàng đầu của họ lúc này là thời khóa biểu. Ai cũng muốn xin nghỉ ít nhất hai ngày liền hoặc cuối tuần hoặc đầu tuần. Thường thường các trường xa Saigon đều có lệ dành cho giáo sư một số ngày nghỉ. Do đó, học sinh phải học dồn một môn trong mấy ngày liên tiếp. Tuy nhiên, các ông hoặc bà giám học cố tránh xếp những giờ khoa học đi liền nhau để học sinh đỡ mệt óc.
Chuyên ngồi riêng ở một góc phòng giáo sư, lơ đãng nhìn xuống sân trường. Chàng có vẻ buồn bã, chán nản, không còn thích hoạt động như năm trước nữa. Mà hoạt động để làm gì ? Đem hết thiện chí, tâm huyết ra để đổi lấy một lời vu khống trắng trợn, ác độc. May là viên trưởng ty công an cũng là người hiểu biết rộng rãi, nếu không, chàng đâu còn ung dung ngồi ở đây. Hôm qua, chàng vừa vào phòng giám học để lấy thời khóa biểu tạm, thì nhận được "Giấy mời" của ty công an tỉnh do phòng giám học chuyển. Nhìn "Giấy mời" của công an, chàng giật mình, dù biết trước sẽ được công an "hỏi thăm", tim đập mạnh dồn dập. Nói đến công an là nói đến những đòn tra tấn, quay điện... Chàng nhớ tới lời tố cáo của lão Trương mà Diên và Quỳnh đã miễn cưỡng tiết lộ.. Chàng cho rằng tai họa sắp giáng lên đầu chàng vì lời vu khống ấy. Biết rằng không thể trì hoãn hoặc trốn tránh, chàng đến ngay ty công an sau khi nhận thời khóa biểu. Chàng được viên trưởng ty tiếp trong phòng riêng. Sau khi mời chàng ngồi, ông ta trấn an ngay :
"Xin giáo sư đừng lo sợ, tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên cho đúng...thủ tục. Tôi mời giáo sư tới để cho biết có người tố cáo giáo sư là... cộng sản nằm vùng. Đọc thư tố cáo đó, tôi phì cười vì người tố cáo đó quá ngây thơ..."
Rồi ông cho biết vụ ném truyền đon trong lớp học đã được điều tra cẩn thận. Ngay từ đầu, ông đã biết Chuyên bị tố oan. Theo ông, nếu là cộng sản chàng sẽ không cần ném mấy tờ truyền đơn trong lớp học. Đó là công việc của một cán bộ thấp nhất Trong khi giảng bài, chàng có thể khéo léo tuyên truyền, quảng bá lý thuyết cộng sản. Ngoài ra, ông cũng đã biết nữ sinh Liễu Huệ mới chính là thủ phạm vụ ném truyền đơn. Ông chưa muốn bắt ngay vì còn muốn tìm ra những tên đồng lõa của nó. Nhưng rất tiếc là sự dọa nạt của viên tổng giám thị làm nó hoảng sợ bỏ trốn ra mật khu.
Khi ra khỏi ty công an, Chuyên nhẹ hẳn người, nhưng lại thấy buồn chán hơn cho nhân tình thế thái. Tuy nhiên, chàng vẫn hy vọng "hiện tượng lão Trương" chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cái ngành được coi là mô phạm. Mỗi lần thoáng trông thấy lão từ xa, chàng bèn ghê tởm quay phắt đi. Một con chó ghẻ, người ta còn có thể thương, tìm thuốc chữa cho nó. Nhưng đối với lão Trương, chẳng còn thuốc nào chữa được nữa. Thế mà chàng vẫn phải làm việc dưới quyền lão. Chàng tự an ủi rằng dạy học chỉ cần biết học sinh. Đối với các đồng nghiệp, chàng cũng không còn muốn thân mật như trước nữa. Đa số là người tốt nhưng tất cả đều muốn an phận để tự bảo vệ.
Chuông vào học vừa reo, Chuyên đứng lên ngay. Nhưng chàng chưa kịp bước đi, đã nghe thấy tiếng Hoằng hỏi lớn :
"Mày làm cái gì mà vội thế ?"
Chàng liền đáp trống không :
"Chuông rồi !"
Chàng đã bước ra khỏi phòng giáo sư còn nghe Hoằng mắng theo :
"Đồ ngu !"
Nhưng vừa lúc đó, lão Trương xuất hiện trước mặt chàng với một vẻ giận dữ. Chàng định bước tránh sang một bên để lấy lối đi, lão đã lớn tiếng nói :
"Tôi có chuyện cần hỏi giáo sư."
Chàng buông xẵng :
"Thì hỏi đi !"
Lão ngạc nhiên trước thái độ thách thức và vô lễ của chàng, nên ngập ngừng :
"Mời giáo sư về phòng tôi..."
Chàng ngắt :
"Không việc gì phải đi đâu hết. Muốn hỏi gì thì hỏi ngay ở đây đi."
Mặt lão tái đi vì giận, nhìn chàng bằng đôi mắt nẩy lửa mà không sao nói nên lời.. Thấy lão vẫn im lặng, chàng xem đồng hồ tay, định bỏ đi. Lão chợt lớn tiếng hỏi :
"Tại sao ông lại làm đơn gửi lên bộ tố cáo tôi gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa rồi ? Ai cho phép ông qua mặt tôi ?"
Chàng cũng không chịu kém, nói lớn hơn :
"Thế nào là qua mặt ? Qua mặt là đi vu khống người khác bên tòa tỉnh, phải không ?"
Lão tỏ vẻ lúng túng khi thấy có nhiều người nhìn lão. Lão lại mời chàng về phòng lão lần nữa. Chàng vung tay, quát vào mặt lão :
"Tôi không việc gì phải vô phòng ai hết ! Tại sao ông dám vu cho tôi là cộng sản ném truyền đơn ở trong lớp học ? Tại sao ông xin công an bắt tôi ?"
Lão dằn từng tiếng :
"Tôi là trưởng nhiệm sở, ông không có quyền nói với tôi như vậy."
"Trưởng nhiệm sở thì có quyền vu cáo nhân viên dưới quyền là cán bộ cộng sản ? "
"Xin ông nói nhỏ một chút..."
"Tôi cần nói lớn để mọi người biết ông là hạng người nào. Ông thù tôi đã phanh phui sự gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa qua nên tìm cách hại tôi. Đó có phải là tác phong đứng đắn của một trưởng nhiệm sở không ?"
Lão Trương lúng túng không biết phải đối phó ra sao trước lời tố cáo của Chuyên. Lão chưa bao giờ gặp một giáo sư bướng bỉnh và hỗn láo như chàng. Ai cũng xun xoe nịnh bợ lão để được hưởng một vài ưu đãi nhỏ nhặt, hèn mọn. Trong khi đó, thấy có lộn xộn giữa hiệu trưởng và một giáo sư, hầu hết những người khác tìm cách lẩn tránh, lặng lẽ xách cặp đi ra, lối cửa hông, để tới lớp, chỉ còn lại một vài người giả bộ chăm chú đọc sách. Chuyên không lạ về thái độ hèn nhát và cầu an của họ.
Khi thấy mọi người đã bỏ đi gần hết, Chuyên định bước tránh sang một bên để xuống lớp dạy. Lão Trương bỗng nói :
"Lát nữa có ông thanh tra ở trên Nha xuống muốn gặp ông Chuyên...để hỏi thêm về lời tố cáo của ông. Tôi sẽ cho mời ông lên gặp ổng."
Chàng làm thinh, bước đi thẳng.
Trong khi đợi học sinh xếp hàng vào lớp, Chuyên phân trần với một bạn đồng nghiệp dạy lớp bên cạnh :
"Anh coi, thằng chả khốn nạn như vậy đó. Nó dám vu tôi là cộng sản và còn yêu cầu công an bắt giam tôi. Tôi chưa thấy một tên trưởng nhiệm sở nào tồi tệ, lưu manh, khốn nạn như nó. Thế mà ngày trước cũng đòi đi tu. Mặt nó là mặt người, mà lòng là lòng chó má."
Người bạn gượng cười, nhận xét :
"Anh cũng dữ quá. Thế mà trước kia tôi tưởng anh lành lắm."
Chàng chép miệng :
"Con giun xéo lắm cũng quằn. Tôi đâu có muốn gây chuyện làm gì. Đã đến nước này thì cùng lắm là vào Thủ Đức. "
Người bạn đồng nghiệp không nói gì thêm, lặng lẽ bước theo học trò vào lớp.
Khi thấy học sinh đã ngồi yên lặng chờ đợi trong lớp, Chuyên vừa định bước vào thì bỗng thấy bác tùy phái hớt hải chạy tới gần. Chàng đoán ngay là lão Trương cho mời chàng tới gặp vị thanh tra mới từ Saigon xuống. Chàng phân vân vì đây là buổi học đầu tiên của niên học mới. Nhưng chàng cũng không thể không bỏ lớp để gặp thanh tra. Người ta tới đây chỉ cốt gặp chàng để điều tra về lá đơn chàng tố cáo lão Trương gian lận trong kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất vừa rồi. Mấy hôm ở Saigon, chàng đã hỏi ý kiến một số người có kinh nghiệm dạy học lâu năm, ai cũng khuyên chàng nên "ra tay" trước là làm đơn tố cáo sự gian lận của lão Trương với nha Trung học và bộ Giáo dục. Bây giờ có người xuống điều tra, chàng không thể tránh mặt được, dù với bất cứ lý do nào. Chàng đành yêu cầu bác tùy phái gọi một giám thị tới coi lớp trong khi chàng vắng mặt.
Trên đường đi gặp thanh tra, Chuyên cũng không khỏi băn khoăn lo nghĩ. Chàng nghe đồn thanh tra của nha, bộ bao giờ cũng đứng về phe hiệu trưởng vì dù sao hiệu trưởng cũng là người đại diện nha, bộ điều khiển một nhiệm sở. Nếu trưởng nhiệm sở không phạm lỗi gì quá đáng, thanh tra sẽ bênh vực họ. Nhưng chàng tin rằng chàng có đủ chứng cớ và nhân chứng về vụ gian lận này thì thanh tra không thể thiên vị được. Nghĩ vậy chàng vui vẻ bước nhanh đến phòng giáo sư, nơi ông thanh tra đang chờ đợi chàng.
Thanh tra là một vị giáo sư già sắp về hưu. Nhìn vẻ đạo mạo, nghiêm trang của ông, Chuyên bỗng cảm thấy tin tưởng ở sự ngay thẳng và công bằng của ông ta. Sau khi giới thiệu chàng với vị thanh tra, lão Trương xin phép trở về phòng mình để làm việc. Lão cho ông thanh tra biết là ngoài cửa lúc nào cũng một tùy phái sẵn sàng nghe theo lệnh của viên thanh tra. Cửa phòng giáo sư được khép kín.
Khi chỉ còn hai người ngồi đối diện nhau, vị thanh tra nghiêm nghị lên tiếng :
"Tôi đã đọc kỹ lá thư tố cáo của ông giáo sư, vì thế hôm nay tôi về đây để gặp giáo sư, dù đơn tố cáo của giáo sư đã sai nguyên tắc hành chánh. "
Ngừng một chút, ông tiếp :
"Giáo sư tố cáo một việc quan trọng như vậy mà không trưng ra một bằng cớ nào."
"Thưa ông thanh tra, tôi có một số nhân chứng và những bài thi cho điểm mập mờ..."
"Nếu vậy, ông cho biết những ai là nhân chứng trong vụ này và những bài nào đáng nghi ?"
Suy nghĩ một lát, Chuyên đáp :
"Tạm thời xin ông thanh tra cho mời cô Quỳnh. Còn những bài khả nghi thì..."
Viên thanh tra ngắt :
"Để tôi yêu cầu ông hiệu trưởng mời cô Quỳnh tới đã, những bài khả nghi sẽ xét sau."
Ông bước nhanh ra cửa, nhờ tùy phái đi mời Quỳnh. Chỉ mấy phút sau, lão Trương xuất hiện, cho biết hôm nay Quỳnh không có giờ, nhưng lão đã cho người đi mời nàng tới gấp. Ông thanh tra nói với Chuyên :
"Trong khi chờ đợi, chúng ta coi lại những bài thi đáng nghi. Ông giáo sư cho biết tên những thí sinh đó để tôi nhờ ông hiệu trưởng cho người đi lấy."
Chuyên ngập ngừng :
"Thưa ông thanh tra, tôi...không rõ tên thí sinh...mà chỉ biết số mật mã của mấy xấp bài thôi, vì khi ráp phách tôi không để ý nữa."
Ông thanh tra gật đầu :
"Số mật mã cũng được."
Chàng mở sổ tay, lấy giấy bút ghi cẩn thận từng số mật mã của từng xấp bài khả nghi, rồi trao cho viên thanh tra. Ông liền đưa cho lão Trương :
"Xin ông hiệu trưởng cho người lấy những xấp bài thi có số mật mã này ngay. Tôi không có nhiều thì giờ, chiều nay tôi phải lên máy bay về Saigon."
Lão Trương tỏ vẻ hớn hở đáp :
"Dạ, xin ông thanh tra đợi một phút."
Đúng như lời lão, không đầy một phút, tất cả những xấp bài khả nghi được mấy ông giám thị đem tới. Nhìn vẻ hớn hở của lão và thấy mấy xấp bài thi được đem tới quá nhanh, Chuyên hơi chột dạ, cảm thấy có cái gì bất ổn trong vụ này. Phải chăng lão đã sửa soạn sẵn mọi thứ để chờ đợi thanh tra của nha ? Chàng không phải chờ đợi lâu. Tất cả những bài thi đều không có vết tích gian lận nào hết. Chàng không khỏi ngạc nhiên đến hoảng sợ, run run lật qua lật lại mấy xấp bài thi mà không thấy những bài đã sửa lại điểm. Chàng xem kỹ số thứ tự ghi trên phách và góc bài. Không mất một bài nào hết ! Số thứ tự không bị ngắt quãng. Thế là thế nào ? Chàng chợt nhớ rằng có chấm một xấp bài "câu hỏi thường thức" và đã sửa điểm một bài từ 20 xuống số không. Chàng vội tìm xấp bài đó. Nhưng, thật kỳ lạ ! Bài bị không điểm vẫn còn đó, nhưng chắc chắn số 0 không phải là tuồng chữ của chàng mà số điểm 20 mà chàng đã bôi xóa cũng không thấy đâu. Chàng chợt hiểu ra rằng lão Trương đã tìm cách làm mất hết dấu vết của sự gian lận. Lão quả thật là con người xảo quyệt.
Thấy chàng tìm kiếm mãi, viên thanh tra sốt ruột hỏi :
"Bài nào gian lận, xin ông giáo sư cho biết."
Chàng ấp úng không nói ra lời, lòng đầy lo lắng, sợ hãi.
Viên thanh tra lại hỏi :
"Thế nào, ông giáo sư ?"
Mồ hôi đã lấm tấm trên trán và nhơm nhớp trong lòng bàn tay, chàng rụt rè :
"Có lẽ người ta...đã sửa lại hết rồi..."
Viên thanh tra nghiêm mặt nói bằng một giọng trách móc :
"Không, ông không thể ăn nói hồ đồ như vậy được. Làm thế nào ông có thể chứng minh được rằng có sự sửa đổi ?"
Chàng chợt nghĩ tới Quỳnh và mấy giáo sư đã tình nguyện chấm lại những xấp bài gian lận. Một tia hy vọng lóe lên trong óc chàng.
"Xin ông thanh tra cho gọi những người sau đây, ngoài cô Quỳnh, để hỏi họ thì biết ngay co có sửa đổi không."
Viên thanh tra chưa có ý kiến gì, lão Trương đã sốt sắng hỏi :
"Ông giáo sư muốn mời những ai, xin cho biết tên."
Thấy lão bình tĩnh quá, chàng lại chột dạ. Nhưng không thể lùi được nữa, chàng đành phải cho lão biết tên mấy người mà chàng muốn mời tới gặp viên thanh tra.
Vừa lúc đó, tùy phái thông báo Quỳnh đã tới. Chuyên khấp khởi mừng thầm. Lão Trương bước nhanh ra cửa mời nàng vào. Hôm nay, nàng mặc một chiếc áo dài trắng lụa Thái Lan, trông thật sang và đẹp. Nàng khoan thai bước vào chào viên thanh tra, nhưng không thèm để ý tới chàng. Nàng nhìn thẳng như có ý lẩn tránh đôi mắt của chàng.
"Cô Quỳnh, ông thanh tra cất tiếng hỏi, chắc cô rõ lý do tại sao tôi cho mời cô tới đây ?"
"Dạ." Nàng đáp khẽ.
"Ông Chuyên tố cáo ông hiệu trưởng đã gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa rồi...."
Nhưng ông chưa nói hết câu, Quỳnh đã lên tiếng :
"Thưa ông thanh tra, tôi có biết gì về chuyện này đâu."
Viên thanh tra tỏ vẻ ngạc nhiên :
"Cô nói sao ? Cô không biết gì ? Thế là nghĩa làm sao ?"
"Dạ", nàng lại đáp nhỏ.
Bỗng Chuyên hoảng hốt nói lớn :
"Chị Quỳnh, xin chị cứ nói thật hết cho..."
Lão Trương mỉm cười nhìn Chuyên với một vẻ đắc thắng không cần giấu diếm. Trong khi đó, Quỳnh vẫn không nhìn chàng, nói với viên thanh tra :
"Thưa...Tôi đã khai thật..."
Viên thanh tra hỏi gặng :
"Nghĩa là không có gian lận ?"
Quỳnh cúi đầu im lặng. Viên thanh tra hỏi thêm một lần nữa, nàng, rụt rè :
"Thưa...thưa...tôi không biết gì hết."
Chuyên lại kêu lớn :
"Chị Quỳnh !"
Nàng cúi xuống vân vê tà áo. Có lẽ thấy nàng bắt đầu nao núng trước lời khẩn cầu của Chuyên, lão Trương vội nói với nàng :
"Cô Quỳnh, cô đã khai xong, xin mời ra về."
Nàng đứng lên như người mất hồn, quay lại nhìn Chuyên, hai mắt đỏ hoe long lanh ướt, nói rất nhỏ, chỉ đủ chàng nghe :
"Xin lỗi anh."
Rồi nàng lặng lẽ cúi đầu chào viên thanh tra, quay gót bước ra cửa. Dường như chân nàng bị vướng mắc làm sao ấy nên di không vững, loạng choạng. Chuyên nhìn theo, lòng đầy hoang mang. Viên thanh tra cũng nhìn theo nàng, như định nói một câu gì, nhưng chỉ nhún vai, rồi giữ im lặng. Chuyên có cảm tưởng như đất trời quay cuồng. Tại sao lại có thể như vậy được ? Phải chăng có sự mờ ám trong vụ này ? Nhưng chàng không biết làm thế nào có thể giữ nàng lại để năn nỉ nàng nói hết sự thật. Chỉ có sự thật mới cứu được chàng mà thôi.
Quỳnh đi rồi, lão Trương cho mời thêm mấy giáo sư do Chuyên đề nghị. Nhưng tất cả những người này đều khai như Quỳnh :"Chúng tôi không biết gì hết !"
Khi đã bị dồn vào đường cùng, Chuyên đề nghị họp hội đồng giáo sư để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng viên thanh tra gạt đi ngay :
"Điều đó không cần thiết ! Ông giáo sư đưa hai chứng cớ đều không đúng cả hai. Bài thì không có dấu vết gian lận, nhân chứng thì không ai xác nhận có gian lận. Họp hội đồng giáo sư cũng sẽ chẳng đi đến một kết quả nào, lại làm xáo trộn cả chương trình của cả trường, mất rất nhiều thì giờ. Tôi thấy và nghe như vậy cũng đủ rồi. Thôi, cảm ơn giáo sư, mời giáo sư về lớp."
Chàng vẫn ngồi im lặng, gục mặt xuống. Chàng không ngờ chàng lại thất bại một cách đau đớn như vậy. Bây giờ chàng đã trở thành một kẻ vu khống, tố cáo oan một trưởng nhiệm sở. Viên thanh tra lên mặt đạo đức dạy dỗ :
"Ông giáo sư còn trẻ, tôi xin khuyên một điều : dạy học là nghề lấy đạo đức làm căn bản. Vu khống cho người khác là một điều dơ bẩn nhất ở cõi đời này. Phải chăng ông giáo sư có thù oán gì ông hiệu trưởng nên mới làm vậy ?"
Lão Trương nói chen vào ngay :
"Dạ, có lẽ ông Chuyên để tâm thù tôi nên vu cáo tôi gian lận trong kỳ thi đệ thất vì trong niên học vừa qua ông ấy có phạm mấy lỗi rất nặng. Tôi kêu ông ấy tới văn phòng để khuyên răn, ai dè ông ấy để tâm thù. Thiệt rầu hết sức !"
Chuyên định cãi, viên thanh tra đã tò mò hỏi :
"Đó là những lỗi gì ?"
Lão Trương nhìn chàng bằng đôi mắt thương hại, tỏ vẻ bất đắc dĩ mới phải tiết
lộ :
"Ông ấy đã dụ dỗ một nữ sinh rồi bỏ rơi nó khiến nó phải tự tử suýt chết...Ông ấy
lại còn ném truyền đơn tuyên truyền cho Việt cộng ở trong lớp học nữa."
Chuyên vùng la to :
"Láo ! Ông mới là kẻ vu khống ! Tôi không dụ dỗ nữ sinh nào hết...Tôi cũng không phải là kẻ ném truyền đơn trong lớp học."
Viên thanh tra không để ý tới sự phản kháng của chàng, hỏi lão Trương :
"Tại sao ông hiệu trưởng không báo cáo về nha ngay hồi đó ?"
Lão có giọng nhân từ :
"Thưa ông thanh tra, tôi thấy ông Chuyên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên cũng không nỡ làm hại ông ấy. Tuy nhiên, về vấn đề an ninh, tôi đã phải báo cho ông tỉnh trưởng rõ."
Viên thanh tra nghiêm khắc :
"Không được ! Ông làm vậy là sai nguyên tắc. Ông đã thương người không phải chỗ. Ông có thể bị khiển trách về vụ này."
Lão thở dài, lên mặt đạo đức :
"Cũng đành phải chịu, vì tôi rất thương những đồng nghiệp trẻ người non dạ."
Viên thanh tra ra lệnh :
"Ông hiệu trưởng làm gấp một tờ trình về hai vụ này để tôi mang về nha làm tài liệu."
Lão Trương vội vã đi ra khỏi phòng. Chuyên vội nói :
"Thưa ông thanh tra, tất cả đều hoàn toàn không đúng sự thật..."
Viên thanh tra ngắt lời chàng :
"Có nữ sinh nào tự tử vì giáo sư không ?"
"Dạ có, nhưng chỉ là..."
Viên thanh tra bèn át lời chàng :
"Như vậy, sao gọi là vu khống ? Thôi được, ông giáo sư có thể về lớp được rồi."
"Nhưng thưa ông thanh tra, tôi bị vu oan."
Viên thanh tra nghiêm nghị :
"Sao gọi là oan được ? Những điều ông tố cáo đều không có một bằng chứng nào hết. Những nhân chứng ông nêu ra, không ai xác nhận lời tố cáo của ông. Bây giờ ông hiệu trưởng vạch rõ những lỗi lầm của ông thì chính ông xác nhận là có...Vậy là đủ rồi. Tôi không cần nghe ông nói thêm gì nữa. Xin mời ông về lớp."
Biết là mình đã thất bại hoàn toàn, Chuyên uể oải đứng lên, cúi gầm mặt, không thèm chào viên thanh tra, bước từng bước nặng nề ra khỏi phòng giáo sư. Chàng không ngờ mọi chuyện lại đảo ngược một cách kỳ lạ như vậy, hoàn toàn bất lợi cho chàng. Chàng không ngạc nhiên khi thấy các nam đồng nghiệp khai gian, vì dù sao họ vẫn sợ hiệu trưởng hơn là sự thành thật, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi. Nhưng còn Quỳnh ? Tại sao nàng cũng đứng về phe hiệu trưởng để hại chàng ?. Chắc chắn là phải có một bí ẩn gì đó. Nàng vẫn được bạn bè ca ngợi là con người ngay thẳng, dễ thương. Nàng đã chứng tỏ cho mọi người biết nàng xứng đáng với lời ca ngợi khi nàng sốt sắng cộng tác với chàng phá vỡ cuộc gian lận qui mô trong kỳ thi đệ thất vừa qua. Thế mà bây giờ nàng đã phản lại sự thật để hại chàng. Đôi mắt rưng rưng hoen đỏ của nàng đã cho chàng biết nàng hối hận vì đã bắt buộc phải nói những điều không đúng sự thật có hại cho chàng. Ôi, thật là khó hiểu ! Chàng tự hứa sẽ phãi tìm cho ra cái bí ẩn này bằng được.
Chuyên phân vân đứng ở sân trường tự hỏi không biết có nên vào lớp bây giờ không ? Nếu bỏ đi, chàng sẽ phải bỏ luôn nghề dạy học ở trường công mà cũng có thể bỏ luôn cả trường tư để trở thành một sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Chàng không sợ đi lính, chàng chỉ sợ phải...xa Quỳnh vĩnh viễn, dù nàng đã có chồng. Ít nhất hàng ngày chàng vẫn còn nhìn thấy nàng. Chàng ngạc nhiên về ý nghĩ chứa chan tình cảm ấy của mình. Bây giờ chàng mới nhận ra một điều mà từ lâu chàng cứ vô tình hay cố ý làm ngơ : chàng đã yêu nàng !
9
L
iền mấy ngày sau đó, Quỳnh cố tình lẩn tránh Chuyên. Hai người không có một dịp nào để có thể nói chuyện trực tiếp với nhau. Trong khi nàng có vẻ ngượng ngùng, xấu hổ, chàng vẫn thản nhiên như không. Chàng không hề tỏ ý giận hay ghét nàng vì chàng biết chắc nàng đã miễn cưỡng làm một đều trái ý nàng. Đó là một bí ẩn mà chàng muốn tìm hiểu. Như vậy là thêm một điều chàng cần biết nguồn gốc hay lý do của nó. Từ lâu chàng muốn biết tại sao có tin đồn chàng và Quỳnh yêu nhau để đưa đến việc tự tử của nữ sinh Liên. Chàng vẫn nghĩ rằng có thể Quỳnh biết chuyện đó, nhưng chưa có dịp nào để hỏi nàng. Bây giờ lại thêm một bí ẩn nữa. Cũng vẫn phải tìm hiểu ở nàng.
Chuyến thất bại vừa rồi đã khiến Chuyên chán hết mọi sự, chán nhân tình thế thái, chán bạn đồng nghiệp. Nghề dạy học vốn là một nghề cao quý nhưng ngày nay có nhiều kẻ tiểu nhân quá. Đã trót bước vào nghề thì đành chấp nhận. Chàng đã học được một bài học cay đắng về sự thiện chí và lẽ công bằng trong ngành giáo dục. Trừ một số người cần xun xoe, nịnh bợ ban giám đốc nhà trường vì quyền lợi riêng tư của họ, đa số bạn bè dạy cùng trường không tìm cách xa lánh chàng, tuy họ không còn thân với chàng như trước. Họ cười nói với chàng, nhưng không bông đùa nữa Chỉ có Hoằng là vẫn đối xử với chàng như cũ, nhưng anh không mời chàng cộng tác trong những lớp riêng luyện thi. Có ai hỏi lý do thì anh thản nhiên đáp :"Nó sắp đi trường khác rồi, lớp luyện thi của moa đâu có thể nửa đường thay ngựa một cách dễ dàng được." Tất cả mọi người bây giờ chờ đợi sự ra đi của chàng. Đó là một chiến thắng vẻ vang của lão Trương. Đó cũng là một bước củng cố quyền hành của lão ở ngôi trường này. Ai trái ý lão kẻ đó sẽ mang họa vào thân ! Hãy trông gương Chuyên mà liệu hồn, mà giữ mồm giữ miệng, mà thần phục lão một cách tuyệt đối. Hiệu trưởng ở một trường xa Saigon là một ông vua con trong một lãnh địa nhỏ bé. Phản loạn chỉ có nghĩa là tự hủy diệt mình ! Trên lão, theo hệ thống dọc, lão có hậu thuẫn, gân như mù quáng, của nha Trung học và bộ Giáo dục. Theo hệ thống ngang, lão được tỉnh trưởng và nhiều nhân viên cao cấp của tòa tỉnh đỡ đầu. Mọi người đều biết rằng sự ra đi của Chuyên là một điều chắc chắn, không có gì thay đổi nữa. Nếu chàng phải chuyển tới một nơi xa hơn tỉnh này, uy quyền của lão Trương tỏ ra rất mạnh, do đó tất cả mọi người phải khiếp sợ và răm rắp vâng lời lão. Trường học là nơi đào tạo lớp trẻ mà cũng cần uy quyền để ức hiếp kẻ khác sao ? Hoằng giải thích rằng, nếu hiệu trưởng không có quyền thì làm sao giữ được trật tự của một tập thể...bát nháo như một trường học. Giáo sư ỷ mình có chút chữ nghĩa tưởng mình đã là ông trời con nên vênh váo, coi mọi người bằng nửa con mắt. Học sinh thì nhỏ dại, dễ bị xúi dục, xách động. Khi hiệu trưởng có lỗi, Chuyên thắc mắc, cũng vẫn được cấp trên che chở, tín nhiệm sao.? Không ai dung túng những đứa làm bậy, Hoằng đáp, nhưng vụ gian lận vừa rồi của lão Trương, mày là thằng ngu nhất đời. Cái ngu của mày là không đòi hỏi làm biên bản đàng hoàng để có thể nắm đằng chuôi. Khi mày đã làm biên bản có nhiều người ký thì bố nó cũng không thay đổi được. Mày còn non lắm, còn phải học hỏi nhiều. Trong khi đó lão Trương là một con cáo già. Cừu non đứng trước cáo già thì cừu phải chết là hợp với lẽ sống còn của trời đất rồi.
Chuyên rụt rè hỏi :
"Còn vụ cô Quỳnh khai với thanh tra trái với sự thật thì mày nghĩ sao ?"
Hoằng gật gù :
"Đó là một điều rất khác thường, nhưng không phải việc của tao nên tao cũng chả mất công tìm hiểu làm chi. Từ trước tới nay, cổ là người rất đàng hoàng. Cái vụ khai gian này làm tao hoang mang không hiểu nổi cổ nữa...Hay là em thù mày vì mày không ngó ngàng gì đến em trong khi em đã thầm yêu trộm nhớ mày rồi ? Mày thì lúc nào cũng bám lấy con Liên nên thờ ơ với em."
Chuyên lắc đầu :
"Tao không tin là Quỳnh trả thù vì tao với cổ đã có gì đâu. Với lại, sau khi khai gian, cổ đã khóc và xin lỗi tao."
"Nếu vậy thì tao cũng chịu."
Trong những ngày chờ đợi sự vụ lệnh đổi đi trường khác, Chuyên vẫn tận tâm giảng và chấm bài. Chàng không muốn học sinh thiệt thòi vì chuyện riêng của mình. Điều quan trọng trong thời chiến này là vấn đề an ninh. Chàng đã dược trưởng ty công an xác nhận chàng không phải là cộng sản nằm vùng thì không còn gì đáng lo ngại nữa. Bây giờ phải đổi đi xa hay đi gần, chàng cũng không quan tâm. Lòng chàng dần dần trở lại thư thái, yên ổn. Những ngày được nghỉ, chàng vẫn về Saigon vui chơi. Đôi khi chàng cũng chợt nhớ tới cô nữ sinh Liên và muốn tìm hiểu xem cô ta sống ra sao. Nhưng chàng lại không dám tới nhà cô ở tỉnh này để hỏi mẹ cô địa chỉ của cô ở Saigon. Sống ở tỉnh nhỏ, không giữ gìn cẩn thận có thể lại mang tiếng lôi thôi. Trong khi đó, hai nữ sinh Cẩm Hồng và Ngọc Như, sau khi đậu tú tài phần nhất, đều đã lên Saigon học vì trường tỉnh không có lớp đệ nhất ban C. Nghe nói hai cô đang học ở trường "áo tím".
Vào một buổi chiều, được nghỉ hai giờ cuối, Chuyên lững thững đi bộ đến nhà một người bạn đồng nghiệp ở cuối tỉnh. Khi đi ngang bến xe đò, chàng chợt trông thấy Quỳnh đang mua vé. Chàng phân vân không biết có nên gặp nàng không ? Từ lâu chàng vẫn muốn tìm hiểu lý do nào nàng nói dối để bênh vực lão Trương. Thế mà bây giờ tình cờ gặp nàng ở đây, chàng lại ngại ngùng. Tại sao ? Chàng sợ gì ? Sợ nàng giận ? Sợ nàng không muốn nói chuyện với chàng ở giữa đường ? Nhưng khi chàng sắp đi thẳng, Quỳnh chợt ngoảnh nhìn về phía chàng. Bốn mắt gặp nhau một cách tình cờ. Cả hai cùng tỏ ra lúng túng. Ngập ngừng một chút, chàng chào trước bằng một giọng vui vẻ miễn cưỡng :
"Chị Quỳnh !"
Nàng chào lại ngượng ngập :
"Thưa anh..."
"Chị mua vé về Saigon ?"
"Dạ...Tôi về chuyến sáng mai..."
"Chị hết giờ tuần này rồi ?"
Nàng bỗng đỏ ửng hai má, e thẹn :
"Đâu có...Tôi xin nghỉ hai tuần..."
"Ủa, chị sắp đi chơi xa ?"
Nàng nhìn chàng với một vẻ ngạc nhiên :
"Ngày mốt là ngày cưới của...chúng tôi...Anh không nhận được thiệp báo hỉ ?"
Chàng ngẩn mặt, cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, lắc đầu :
"Không, tôi chưa nhận được thiệp hồng của chị....Mà cũng không quan hệ. Bây giờ tôi biết tin chị sắp làm đám cưới là đủ rồi. Vậy, tiện đây, tôi xin chúc chị và anh Diên..."
Nàng chặn lại :
"Anh cũng khách sáo ghê vậy đó ! Tôi tưởng anh đang...thù ghét tôi..."
Chàng giữ im lặng một lát, rồi đáp bằng một giọng dịu dàng :
"Không, tôi không thù ghét chị...Giá tôi ghét được chị, chắc tôi sung sướng hơn..."
Quỳnh như không hiểu ý chàng nên có vẻ ngơ ngác, nhìn chàng đăm đăm. Chàng vội nói lảng :
"Chị gửi thiệp cho tôi bao giờ và về địa chỉ nào ? Saigon hay ở đây ?"
"Tôi xin văn phòng địa chỉ của tất cả trường. Hình như họ cho tôi địa chỉ ở Saigon của anh."
Chàng cười :
"Cuối tuần trước, tôi không về Saigon nên chưa nhận được thiệp của chị."
"Anh cũng ít về Saigon ?"
"Năm ngoái thì rất ít vì kẹt lớp luyện thi của anh Hoằng. Năm nay chẳng kẹt gì, lại sắp bị thuyên chuyển đi nơi khác nên tuần nào cũng vù về Saigon du hí."
Nàng bỗng ngập ngừng hỏi :
"Anh có rảnh không ?...Tôi có chuyện muốn nói với anh..."
Chàng đùa :
"Rõ ràng chị thấy tôi đang rảnh mà. Được nghỉ hai giờ cuối nên tôi định đến thăm anh Phan."
Nàng ngập ngừng :
"Tôi muốn nói với anh chuyện...chuyện ông thanh tra..."
Chàng liền gạt đi :
"Thôi, chuyện đã qua, chị đừng nhắc lại nữa. Tôi quên rồi."
Vừa nói xong, chàng liền cười thầm trong bụng vì sự giả dối của mình. Chàng vẫn thắc mắc về sự khai man của Quỳnh, bây giờ sắp được biết lại tỏ vẻ cao thượng một cách giả dối. Hay tại đứng trước Quỳnh, chàng không còn là chàng nữa ? Ồ, người ta sắp lấy chồng rồi, mơ tưởng hão làm chi.
Nàng buồn buồn :
"Nhưng tôi không thể quên được...Tôi bị lương tâm dày vò từ ngày đó....Nhiều đêm tôi mất ngủ vì quá hối hận...Vì thế, tôi không dám gặp anh..."
Chàng tặc lưỡi :
"Thôi được, để lương tâm của chị khỏi hành hạ chị nữa, tôi xin nghe. Nhưng, ngay từ đầu, tôi biết chị không hề có ý hại tôi mà vì một lý do bất khả kháng nào đó."
"Dạ, đúng như vậy...."
Rồi nàng đề nghị :
"Tôi với anh nên vừa đi vừa nói chuyện có lẽ tiện hơn là đứng mãi ở đây."
Chàng liền vui vẻ đáp :
"Dạ, chị muốn sao cũng được...miễn có thể làm vui lòng chị"
Hai người đi về phía trung tâm tỉnh lỵ. Nhưng mới đi được mấy bước, nàng ngừng lại, nói :
"Trời ! Tôi vô tâm quá. Anh định đến thăm anh Phan mà tôi lại đi ngược đường của anh."
"Không sao đâu, chị. Rảnh thì đến chơi với anh ấy, không có chuyện gì cần hết. Có điều tôi đi với chị thế này ở ngoài đường có tiện không ?"
Nàng nhún vai :
"Không sao đâu, anh. Tôi bất chấp ! Tỉnh nhỏ là hay đồn bậy lắm, nhưng tôi chả thèm để ý. Bộ hai đồng nghiệp không thể đi với nhau ngoài đường được sao ?"
"Hai đồng nghiệp bình thường thì không sao, nhưng hai đồng nghiệp đã từng là nạn nhân của một lời đồn thì chắc chắn phải khác. Vả lại, tôi sợ anh Diên không nghĩ như chị."
"Anh Diên và tôi rất hiểu nhau nên anh ấy không ghen bậy đâu."
"Vậy thì chúng ta cứ đi."
Đến đây hai người cùng giữ im lặng. Khi đã đi được một quãng khá xa, Quỳnh mới lên tiếng :
"Về vụ ông thanh tra bữa hổm, tôi bị anh Diên ép phải...chối hết. Quả thật, ảnh không muốn hại anh, nhưng đó là áp lực của ông tỉnh trưởng. Ảnh bị đe dọa đủ mọi điều, kể cả tính mạng. Chắc anh cũng hiểu bên hành chánh người ta rất sợ cấp chỉ huy, mệnh lệnh của cấp trên coi như tuyệt đối..."
"Dạ, tôi hiểu."
"Ông hiệu trưởng trường mình đã sang khóc lóc, lạy van ông tỉnh cứu mạng. Ông tỉnh nhận lời vì ổng cũng có con thi vào đệ thất bị anh đánh rớt. Ổng thù anh lắm. Anh Diên bị ổng ép phải bắt tôi khai man."
Chàng cười buồn :
"Ngay từ lúc đầu tôi cũng đã đoán chị bị ép buộc. Khai xong, chị đã khóc, hai mắt đỏ hoe."
Nàng bẽn lẽn, cúi mặt để dấu một nụ cười, rồi nói :
"Ra khỏi trường, tôi vừa đi vừa khóc như mới bị đánh đòn."
"Ai mà dám đánh chị !"
"Lương tâm của tôi đã nguyền rủa tôi bằng những lời nặng nề nhất từ ngày tôi khôn lớn."
Chàng nói đùa :
"Anh Hoằng đã cảnh cáo tôi ngay từ khi tôi mới về trường này là đừng có nhiều lương tâm nếu muốn được sống yên ổn. Bây giờ tôi mới thấy anh ấy nói đúng. Ông tỉnh trưởng đã mãn nguyện, chắc anh Diên sẽ được khen thưởng ?"
Nàng thật thà đáp :
"Dạ. Ổng đang chạy anh ấy một chân phó tỉnh trưởng."
Chàng buột miệng :
"Chỉ phó tỉnh trưởng thôi sao ?"
Nhưng chàng hối hận ngay vì đã có giọng mỉa mai. Vậy mà mình cứ nói mình không hề giận Quỳnh, chàng thầm tự trách. Nhưng Quỳnh không nhận ra giọng mỉa mai ấy, nên thật thà đáp :
"Được làm phó tỉnh trưởng cũng khá lắm rồi anh ạ"
Chàng vội nói theo :
"Dạ đúng, muốn làm phó tỉnh trưởng cũng đâu phải dễ."
Nàng bỗng lại có giọng buồn :
"Từ ngày đó, tôi mắc cỡ quá, không dám gặp anh nữa."
"Tại chị cứ nghĩ quẩn chứ tôi đâu có giận chị. Mỗi người có hoàn cảnh riêng của mình, chả nên giận trách ai. Tôi vẫn nghĩ rằng tôi còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, lại quá hăng say với thiên chức của một nhà giáo nên đã phạm nhiều lỗi lầm. Mình không trách mình thì thôi, sao lại trách người khác, nhất là người ấy... lại là Chị. "
Nàng nhìn chàng bằng đôi mắt biết ơn, vui vẻ nói :
"Được anh thông cảm, tôi thấy nhẹ hẳn người. Câu chuyện chỉ có thế, bây giờ anh có thể đi thăm anh Phan được rồi."
Chàng nửa đùa nửa thật :
"Chưa gì chị đã đuổi tôi rồi ! Bộ chị sợ tôi bám riết lấy chị sao ?"
Nàng nhìn chàng bằng đôi mắt khác thường, định nói một câu gì, nhưng lại đổi ý, vội quay mặt đi, khẽ thở dài :
"Một lần nữa, cảm ơn anh...Xin chào anh..."
Chàng vẫn níu lấy nàng :
"Nhưng chị tệ lắm đấy nhé. Đám cưới chị mà cả trường không ai được uống rượu mừng chị."
Nàng đỏ mặt, ngượng ngùng :
"Bị chúng tôi làm đám cưới vào ngày thường và ở Saigon nên không dám làm phiền ai. Mong anh thong cảm."
Khi chàng đã đi ngược lại đường cũ, nàng chợt gọi :
"Anh Chuyên !"
Chàng dừng bước, quay lại ngó nàng chờ đợi :
"Dạ..."
Lưỡng lự mấy giây, nàng tặc lưỡi :
"Hay là...anh thử gặp lại ông thanh tra..."
Chàng thắc mắc :
"Để làm gì ?"
Nàng đáp nhỏ :
"Tôi sẵn sàng...khai lại...Rồi muốn ra sao thì ra."
Chuyên ngẩn mặt nhìn Quỳnh, giữ im lặng cả một phút đồng hồ, rồi lắc đầu :
"Cảm ơn chị...Trễ rồi !...Mọi chuyện đã đâu vào đấy, khuấy lên cũng chả ích gì nữa, lại làm chị rắc rối. Xin chị hiểu cho rằng vấn đề an nguy của chị...hạnh phúc của chị...bây giờ đối với tôi là quan trọng hàng đầu...Tất cả mọi thứ trên cõi đời này không còn nghĩa lý gì với tôi nữa..."
Nàng cảm động, khẽ gọi :"Anh Chuyên !" rồi nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Đôi mắt nàng long lanh ướt, hai má ửng hồng. Nàng ngước nhìn chàng, bốn mắt quyện lấy nhau không nỡ rời. Nàng ấp úng :"Trễ rồi !" - "Dạ, trễ rồi !" Nàng bỗng cúi mặt, bỏ đi, không một lời từ biệt. Chàng thầm hiểu nàng đang chạy trốn.
10
K
hoảng một tuần sau khi gặp Quỳnh, Chuyên nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển đến một tỉnh ở sát biên giới Cao Miên. Vì tinh thần đã được sửa soạn trước, chàng bình tĩnh đón nhận sự thay đổi. Sau khi nhận được sự vụ lệnh do văn phòng nhà trường chuyển giao, chàng bỏ về ngay để sửa soạn đến nhiệm sở mới. Thế là xong giai đoạn đầu của nghề "gõ đầu trẻ", chàng nghĩ, một giai đoạn đầy sóng gió, tai tiếng vì sự ngu ngốc của mình. Chàng tự hứa sẽ cẩn thận hơn ở giai đoạn tới.
Ngay hôm sau,Chuyên đến trình diện ở nhiệm sở mới. Đường đi thật khó khăn và nguy hiểm, chỉ có mấy chục cây số mà phải đổi xe hai lần, mãi quá trưa mới đến nơi.
Khi chàng đến trường để trình sự vụ lệnh, viên hiệu trưởng tỏ vẻ ngạc nhiên vì nhà trường chưa nhận được giấy tờ gì mà cũng không nghe nha, bộ cho biết có giáo sư mới được bổ tới. Không những thế, trường đã có dư giáo sư Anh văn. Viên hiệu trưởng ngắm nghía tờ sự vụ lệnh một lúc, rồi rụt rè hỏi :
"Chắc giáo sư...có chuyện lủng củng nơi trường cũ nên...nên mới...bị đày tới đây ?"
Chuyên thẳng thắn đáp :
"Dạ, đúng như vậy...Tôi đụng với hiệu trưởng...Chắc ông hiệu trưởng cũng biết lão Trương ?"
Viên hiệu trưởng dè dặt đáp :
"Tôi đã có hân hạnh được gặp ổng một vài lần ở trên nha trung học....Tôi có một đề nghị, không biết ông giáo sư nghĩ sao...Nơi đây được coi như "Tầm dương đất trích", ai tới đây đều là bị đày, vậy mình nên coi nhau như bạn, đừng có một điều 'ông hiệu trưởng' hai điều 'ông giáo sư'' nghe xa cách quá. Tên tôi là Hưởng, anh Kim là giám học, tôi sẽ giới thiệu với... anh."
Chuyên đồng ý ngay. Hưởng chạy sang phòng bên cạnh gọi viên giám học. Sau đó, ba người ngồi nói chuyện thân mật cho đến lúc sắp tan học. Chuyên ngỏ ý xin nghỉ hai tuần để về nhiệm sở cũ thu xếp việc riêng. Hưởng chấp thuận ngay, không những thế ông còn sẵn sàng cho Chuyên tùy tiện muốn nghỉ đến lúc nào cũng được vì trường dư giáo sư.
"Nè, anh Chuyên, Hưởng nói, anh nhận được sự vụ lệnh sớm hơn cả tôi, nghĩa là lão Trương ghét anh lắm, muốn tống khứ anh đi càng sớm càng tốt. Tôi nghe nói thằng cha này thù dai lắm. Anh đổi về đây mà vẫn phây phây là thế nào nó cũng tìm cách tiếp tục hại anh nữa. Phải cẩn thận !"
Đêm hôm đó Chuyên phải trú tạm nhà Kim vì viên giám học cũng độc thân và ở một mình. Cách đối sử thân mật của Hưởng và Kim đã khiến chàng bớt buồn chán. Sáng hôm sau, chàng trở lạï nhiệm sở cũ để chờ đợi Quỳnh. Sau đám cưới vợ chồng nàng đi hưởng tuần trăng mật ngay. Gặp nàng để làm gì ? Chính chàng cũng không biết. Người ta có chồng rồi, chàng nghĩ, có gặp cũng chỉ trơ mắt ra mà nhìn thôi. Nhưng chàng vẫn muốn "nhìn" nàng vì chàng cảm thấy nhớ nàng vô cùng.
Trong khi thu xếp đồ đạc để dọn hẳn đi, chàng đếm từng ngày Quỳnh trở lại trường dạy học. Chàng có linh cảm thế nào chàng cũng được gặp nàng. Dù chỉ trông thấy nàng thấp thoáng xa xa chàng cũng mãn nguyện rồi. Chàng không ngờ mình lại si tình như vậy.
Vào buổi chiều cuối cùng trước ngày Chuyên rời khỏi tỉnh, Quỳnh bất chợt đến thăm chàng. Sau vài câu xã giao, nàng tỏ vẻ buồn buồn :
"Mai anh đi rồi. Biết bao giờ gặp lại ?"
Chuyên cười nhẹ :
"Có dịp gặp không quan trọng bằng có muốn gặp không. Chị bây giờ đâu còn tự do nữa."
Nàng khẽ thở dài :
"Vậy mới thật đáng buồn ! Bây giờ tôi mới biết anh Diên mê chức tước, quyền hành hơn...mê vợ. Kể tôi với anh ấy cũng quá vội vã khi quyết định làm đám cưới."
Chàng nhìn nàng hồi lâu, rồi hỏi :
"Cái gì đã làm chị vội vã như vậy ?"
Nàng ngoảnh mặt đi để tránh đôi mắt soi mói của chàng, rồi chợt hỏi :
"Hồi này, anh vẫn liên lạc với cô nữ sinh Liên ? Hiện giờ cô ấy ở đâu ?"
"Không biết chị có tin tôi nói thật không ? Chị phải tin thì tôi mới trả lời."
Nàng bèn dí dỏm đáp :
"Không biết anh có nói thật không ? Anh phải nói thật thì tôi mới tin."
Chuyên phì cười :
"Tôi không ngờ chị trả lời tếu như vậy. Đây là lận thứ nhì tôi được nói chuyện trực tiếp với chị, mới biết chị có tài nói chuyện, khiến nhiều người mê."
Nàng lừng khừng :
"Những ai mê thì tôi không biết hay không cần biết. Chỉ tiếc cái người mà tôi muốn thì lại không mê tôi...vì tôi đâu có trẻ bằng nữ sinh..."
Chuyên bỗng kêu lớn :
"Quỳnh ! Quỳnh hiểu lầm tôi rồi !"
Nàng nhún vai :
"Nếu...Quỳnh hiểu lầm thì cả trường đã hiểu lầm chứ không riêng gì Quỳnh đâu."
Cách xưng hô mới của nàng làm Chuyên ngỡ ngàng và sung sướng đến ngây người không nói nên lời. Nàng bỗng đứng lên :
"Thôi, Quỳnh phải về..."
Chàng hốt hoảng :
"Sao Quỳnh lại vội về ? Quỳnh hỏi, tôi chưa kịp trả lời..."
Nàng hóm hỉnh :
"Quỳnh hỏi chọc anh vậy thôi, chứ Quỳnh biết anh chả yêu ai hết...kể cả cô nữ sinh Liên."
Chàng tha thiết :
"Quỳnh ! Quỳnh có biết tôi đau khổ vô cùng khi nghe tin Quỳnh lấy chồng không ? Chính Quỳnh vừa công nhận Quỳnh quá vội vã khi quyết định một việc quan trọng như vậy ? Sự vội vã đó đã khiến tim tôi vỡ ra từng mảnh."
Nàng lưỡng lự một lúc rồi rồi lại ngồi xuống, khẽ thở dàiï :
"Thế nào cũng phải có một lần giải thích để anh rõ, vậy thì hôm nay Quỳnh xin nói hết... Nhưng kìa, sao anh cứ đứng mãi thế, không sợ mỏi chân ư ?"
Chàng bèn ngồi phệt ngay xuống đất sát chân nàng. Nàng dẫy nẩy :
"Kỳ không ! Lỡ ai trông thấy thì chết !'
Chàng làm mặt trơ :
"Việc gì mà chết ! Cùng lắm người ta biết tôi đã trở thành nô lệ của Quỳnh."
Nàng năn nỉ :
"Quỳnh van anh, dù sao Quỳnh cũng là gái đã có chồng. Anh phải giữ thể diện cho Quỳnh. Anh ngồi lên ghế đi, mình nói chuyện đàng hoàng như hai bạn đồng nghiệp chào từ biệt nhau...Không ai có thể dị nghị được."
Chuyên đành nghe lời nàng, kéo ghế ngồi dối diện với nàng.
Quỳnh giữ im lặng khá lâu như để sắp xếp câu chuyện và lựa cho đúng lời. Chuyên kiên nhẫn chờ đợi. Bây giờ chàng mới được tự do ngắm kỹ nàng. Thì ra nàng đẹp thật. Khuôn mặt bầu, đôi mắt to và đen láy, cái mũi dọc dừa gọn gàng và đôi môi hồng như lúc nào cũng sẵn sàng hé nở một nụ cười. Má bên trái có một mụn nốt ruồi duyên mờ mờ. Có điều đặc biệt là nàng không trang điểm, cứ để mộc mạc mà hai má vẫn hây hây đỏ hồng. Chàng không ngờ nàng có một vẻ đẹp hiền hậu và kín đáo như vậy. Anh chàng Diên thật có phúc, chàng nghĩ.
Quỳnh bỗng ngửng lên hỏi :
"Có phải anh đang so sánh Quỳnh với trò Liên không ? Cái gì chứ trẻ thì Quỳnh thua cô ta là cái chắc rồi, phải không ?"
Chuyên không trả lời mà nói như tự hỏi mình :
"Không biết anh chàng Diên đã tu mấy kiếp mà sung sướng như thế này !"
Nàng bỗng cười :
"Thôi, mình đừng ghen bóng ghen gió nữa. Quỳnh sẽ không nhắc tới trò Liên mà anh cũng đừng thèm nói tơi anh Diên. Chuyện đã dĩ lỡ, thì cho qua luôn."
Rồi nàng tiếp :
"Bây giờ Quỳnh xin kể từ đầu nhé.
Chàng chợt hỏi :
"Mà từ đầu là từ đâu ?"
Nàng lườm, mỉm cười :
"Còn từ đâu nữa ? Từ ngày đầu tiên anh tới trường dạy học đó. Anh không nhớ anh và Quỳnh nhìn nhau sao ? "
Chàng gật đầu :
"Có, tôi nhớ, nhưng có gì đặc biệt đâu."
Quỳnh lắc đầu :
"Thế mới biết anh vô tình thật ! Quỳnh thì...nhưng anh không được cười chê thì Quỳnh mới dám nói...Quỳnh thì có cảm tình ngay vơi anh từ phút đầu tiên đó...Đừng chê Quỳnh lãng mạn quá nhé..."
Chàng đáp khẽ :
"Làm sao tôi có thể chê trách Quỳnh được. Người đáng trách là tôi. Tại sao tôi lại ngu muội đến độ bỏ lỡ một dịp tìm thấy hạnh phúc của đời mình !"
"Không, anh không ngu đâu. Ngày đó, anh đang đeo đuổi một lý tưởng cao xa, có thể coi là viển vông, muốn xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn tốt đẹp giữa một xã hội nhiễu nhương nát bấy vì chiến tranh cả mấy chục năm. Vì thế, anh quên hết mọi thứ chung quanh...Khi anh săn sóc trò Liên một cách quá lố, cho nó tiền, kêu bằng học bổng, thì ai cũng phải hiểu rằng anh yêu nó. Thầy trẻ, mới ngoài hai mươi, trò đang độ dậy thì, mười sáu, mười bảy, thật xứng đôi vừa lứa quá..."
Chuyên tự bào chữa :
"Nó học giỏi, nhà nghèo, bố lại mới tử trận..."
Quỳnh nở nụ cười nhạo báng :
"Sao anh không kể thêm một lý do nữa là xinh đẹp ? Những lý do anh vừa nói tới có thể áp dụng cho cả ngàn, cả triệu đứa học trò trên mảnh đất đang bị chiến tranh dày xéo này. Nhưng phải công nhận rằng con Liên rất đẹp. Tất nhiên Quỳnh không thể bì với nó được..."
Chuyên nhìn nàng đắm đuối :
"Không, Quỳnh đừng tự hạ mình quá. Quỳnh không còn trẻ như con Liên, nhưng đẹp hơn nó nhiều. Thế bây giờ Quỳnh có tin rằng tôi không hề yêu con Liên không ?"
Nàng thở dài :
"Tin hay không thì cũng đã trễ, quá trễ rồi...Anh còn nhớ câu ca dao về chuyện lỡ làng này không ?"
Chàng lắc đầu.
"Tôi dạy sinh ngữ nên không thuộc nhiều thơ hay ca dao."
Nàng buồn buồn, khẽ ngâm : :
"Chim vào lồng biết thuở nào ra !"
Nàng bỗng đổi giọng vui vẻ, nói lớn :
"Thôi, Quỳnh phải về để anh sửa soạn ngày mai về nhiệm sở mới. Hy vọng sẽ còn gặp anh."
Chuyên lại níu giữ :
"Quỳnh làm gì mà vội thế ? Tôi còn muốn hỏi Quỳnh một chuyện."
Quỳnh cười :
"Lại còn gì nữa đây ?"
Chàng ngập ngừng :
"Về...về...tin đồn...Quỳnh và tôi...yêu nhau ?"
Náng đáp ngay :
"Mới đầu Quỳnh cũng rất ngạc nhiên về lời đồn này. Rõ ràng anh và Quỳnh chưa hề nói chuyện với nhau một lần. Thế mà người ta đồn hai đứa mình...yêu nhau. Thật kỳ lạ !"
"Có hôm anh Hoằng còn hỏi tôi là có phải Quỳnh và tôi thường...gặp nhau ở Saigon không ?"
Quỳnh phì cười :
"Thơ mộng quá nhỉ. Tiếc rằng chỉ là lời đồn vu vơ. Không ai nói với Quỳnh chuyện hẹn hò ở Saigon ấy...Anh có nhớ chị Ngọc Hoa dạy Toán không ?"
"Tôi chỉ nghe tiếng mà chưa gặp lần nào."
"Anh chưa gặp chị ấy cũng phải. Anh về trường này được ít lâu thì chỉ được đổi về Saigon, với lý do theo chồng. Anh ấy làm ở bộ ngoại giao, nghe đâu sắp đi làm tham vụ ở ngoại quốc."
"Chị Hoa thì có liên quan gì đến lời đồn ?"
Quỳnh bẽn lẽn :
"Chỉ một mình chị ấy là biết...Quỳnh có cảm tình với anh. Không biết có phải chỉ muốn giúp Quỳnh bằng cách phao ầm lên rằng ...hai đứa mình yêu nhau..."
"Vì thế mới đưa đến vụ trò Liên tự tử. Lúc đó chị Hoa đã về Saigon chưa ?"
"Chỉ đi lâu rồi mới có vụ tự tử. Một hôm, Quỳnh gặp chị ở Saigon, chị hỏi thăm mọi người kể cả anh. Quỳnh mới nói tới vụ trò Liên tự tử, chị cười rũ ra. Quỳnh ngạc nhiên hỏi sao chị cười, chị mới bật mí là chính chị rỉ tai mấy bà cùng dạy ở đây là Quỳnh với anh...yêu nhau để trò Liên xa rời anh ra."
Chuyên lắc đầu :
"Thật mấy bà cũng ghê quá đi. Nhưng nếu chị Hoa muốn giúp Quỳnh thì cứ đến nói thẳng với tôi, có phải là tiện và nhanh không ?"
Quỳnh trề môi :
"Thế mà anh cũng đòi là người hiểu đời. Ai lại nói thẳng như vậy bao giờ, chả hóa ra Quỳnh nhờ chị ấy đến năn nỉ với anh sao ? Quỳnh đâu đã đến nỗi ế ẩm như vậy !"
"Thế còn vụ anh Diên với Quỳnh ?"
"Anh ấy theo đuổi Quỳnh từ lâu...Nhưng mãi đến khi Quỳnh biết anh chỉ mê có con Liên thì Quỳnh nhận lời lấy anh ấy."
"Bây giờ Quỳnh còn giận tôi lắm không ?"
Nàng lắc đầu :
"Anh với Quỳnh có gì đâu mà phải giận hờn nhau...Nhưng thú thật là có tiếc vì đã hiểu lầm anh để đến nỗi lỡ làng hết mọi sự."
Chàng có vẻ mơ mộng :
"Nếu tôi vẫn tin có một ngày...trong tương lai thì Quỳnh nghĩ sao ?"
Nàng đáp ngay :
"Thì Quỳnh nghĩ rằng anh vẫn còn ngủ mơ."
Nàng nhìn ra đường, thấy lác đác có một vài học sinh đi qua, bỗng đứng lên, nói nhanh :
"Chết không ! Tan học rồi. Quỳnh phải về."
Rồi nàng có giọng bịn rịn, dặn dò :
"Đến trường mới, anh phải cẩn thận nhé. Đừng...đừng để Quỳnh phải lo quá..."
Chàng vụt nắm lấy tay nàng làm nàng giật mình, tái mặt, muốn rụt tay về mà không nỡ, chỉ run run năn nỉ :
"Anh Chuyên...đừng làm em sợ..."
Chàng van nài :
"Đừng...đừng bao giờ quên..anh nhé...Có khi nào mình lại có thể gặp nhau không , em ?"
"Em cũng không biết nữa, nhưng em sẽ cố gắng tìm cách...Thôi, buông ra cho em về, trễ rồi !"
Chưa ra tới cửa, chợt nhớ ra điều gì nàng ngoảnh lại nói :
"Em quên không cho anh biết một tin là anh Diên đã được làm phó tỉnh trưởng một tỉnh ở miền Trung. Rồi, em sẽ phải theo anh ấy ra miền Trung."
Chuyên thở dài :
"Lại càng xa cách nhau hơn.""
"Em cho như vậy mới tốt. Có gì mình sẽ gặp nhau ở Saigon tiện hơn là ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé đầy thành kiến hẹp hòi này. Hãy cứ tin ở tương lai, anh nhé."
Quỳnh đi đã xa mà Chuyên vẫn còn ngó theo. Chàng có cảm tưởng mình vừa đánh mất một viên ngọc quý vô giá, một tài sản vô cùng lớn lao, một người rất thân trong cuộc đời mình...Năm đầu tiên chính thức bước vào nghề dạy học với một hoài bão nhỏ nhoi là làm tròn nhiệm vụ chức năng của một nhà giáo có lương tâm, chàng đã gặt hái được một thất bại đau đớn, nhục nhã, cả về tinh thần lẫn vật chất. Sự mất mát to lớn nhất là chàng đã để vuột ra khỏi tầm tay một hạnh phúc, một chân hạnh phúc mà bất cứ con người nào ở cõi đời này cũng đều mơ ước. Nhưng chàng có một an ủi rất lớn là đã chinh phục được Quỳnh về mặt tình cảm, vì thế chàng lại tin tưởng ở tương lai. Có ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai đâu, chàng tự nhủ.
11
S
au một tuần về Saigon nghỉ ngơi, Chuyên trở lại nhiệm sở mới để bắt đầu một giai đoạn khác trong cuộc đời dạy học. Chàng không còn hăm hở như niên học trước nữa, nhưng chàng cũng chưa biến thành một kẻ văng mạng như Hoằng. Chàng đã suy nghĩ kỹ xem có nên đổi nghề không ? Chuyện đi lính, vào Thủ Đức, chàng không ngại, vì có cả trăm ngàn cách để trốn, nếu thực sự muốn trốn. Cuối cùng chàng quyết định ở lại với cái nghề mà người ta thường gọi đùa là nghề "bán cháo phổi". Nghề này trước kia được coi là một nghề cao quý và đã có nhiều bậc thầy đáng kính, bằng lòng với cuộc sống thanh đạm để rèn luyện cho thế hệ tương lai. Ngày nay, vì xã hội thay đổi, vì cuộc sống trở nên xô bồ, bấp bênh trong một nước đã chịu đựng một cuộc chiến tranh kéo dài quá một phần tư thế kỷ, lúc âm ỉ lúc bột phát, hầu như tất cả các giá trị cũ trong xã hội không còn đưọc tôn trọng nữa. Nghề dạy học tất nhiên cũng chịu ảnh hưởng chung. Dù bất mãn với các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, chàng vẫn chưa thể vùi dập lương tâm mình để coi nghề dạy học là một nghề kiếm ăn độ nhật như những nghề khác. Theo chàng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào, "nghề Thầy" vẫn có một giá trị riêng và vẫn cao quý. Vì thế, chàng cho rằng chẳng có một lý do nào khiến chàng phải đổi nghề.
Cuộc hành trình ra biên giới Miên-Việt của Chuyên lần này vất vả hơn lần trước vì chàng phải mang theo nhiều hành lý. Chàng trù tính sẽ ở luôn đến tận nghỉ hè mới về Saigon, nên đã mang theo rất nhiều sách để đọc. Chàng rất cảm kích khi được biết Hưởng và Kim đã thu xếp sẵn nơi ăn ở cho chàng. Chàng ở chung với hai bạn đồng nghiệp, một người tên Trọng dạy Triết và một người tên Hồ dạy quốc văn. Kim cẩn thận dặn trước :
"Thằng Trọng suốt ngày nói triết lý...cùn, còn thằng Hồ cứ ngâm thơ ông ổng, điếc cả tai. Nhưng chúng nó đều là những người tốt, chơi được."
Quả nhiên, khi Chuyên được gặp Hồ, sau lời giới thiệu của Kim, Hồ bèn ngâm thơ :
"Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau."
Kim nháy mắt, nói với Chuyên :
"Anh thấy chưa ? Liệu có chịu nổi không ?"
Chàng đáp ngay :
"Tôi dốt thơ văn, nhưng nghe ngâm thơ thì thích lắm."
"Vậy thì được, Kim vui vẻ nói. Hồ ơi, bây giờ có người chịu nghe mày ngâm thơ rồi đó. Thích nhé ! Ngâm thả cửa đi cho vui nhà."
Hồ sốt sắng giúp Chuyên thu xếp chỗ ngủ, chỗ làm việc. Căn nhà rộng mà chỉ mới có hai người nên Chuyên được dành cho một phòng riêng, như hai người bạn kia. Đến chiều, tan học, Trọng mới về. Cũng như Hồ, Trọng tỏ ra thân mật ngay với Chuyên. Trọng dặn dò người bạn mới :
"Để cho nhà cửa được sạch sẽ và ấm cúng, bọn tôi chỉ có một điều cấm kỵ là không bài bạc, không đưa gái về hú hí."
Chuyên vui vẻ :
"Điều đó thì các anh khỏi lo. Còn điều cấm gì khác nữa không, xin cho biết ngay để giữ gìn. Nhập gia tùy tục mà."
Trọng khoát tay nói lớn :
"Libre comme le vent !"
Tồi hôm đó, Chuyên và bốn người bạn mới ăn mừng cuộc gặp gỡ ngay tại nhà...
Cuộc sống của Chuyên ở nhiệm sở mới tương đối yên tĩnh. Đối với các bạn đồng nghiệp, từ hiệu trưởng đến các nhà giáo trẻ măng, chàng thấy không có gì đáng phiền trách, phàn nàn. Hầu như ai cũng mang tâm trạng của một kẻ bị lưu đày, trừ một vài người sinh trưởng tại địa phương. Học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, không đua đòi, có lẽ vì xa chốn đô thị phồn hoa. Chúng đa số là con nhà nghèo nên sách vở thiếu thốn. Để có bài học, chúng mượn sách về chép nguyên văn ra mấy cuồn vở. Đó là một công trình vĩ đại vì đòi hỏi rất nhiều thì giờ. Có sách dày ngót ba trăm trang in, chúng cũng không bỏ sót một chữ nào. Hết năm, chúng có thể bán lại cho những học sinh mới lên . Chuyên không những thương hại mà còn khâm phục chúng nữa. Đã nhiều lần chàng muốn bỏ tiền riêng để mua một số sách tặng chúng, nhưng lại nhớ đến chuyện cũ, đành dẹp bỏ ý định giúp đỡ đó đi.
Nhờ không khí vui vẻ và cởi mở giữa các đồng nghiệp, Chuyên dần dần lấy lại được lòng tin tưởng vào việc dạy học. Chàng giảng bài cẩn thận hơn và chịu khó chấm bài hàng tuần để học sinh được tiến bộ nhanh chóng. Mối thù hận đối với lão Trương, hiệu trưởng trường cũ, dần dần nguôi đi. Nhờ vậy, chàng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn trước.Thế mới biết thù hận làm mình khổ trước. Bây giờ chàng mới nhận ra điều đó. Chàng để hết tâm trí vào việc dạy học. Ngoài những giờ bận rộn với nghề nghiệp, chàng thường dành nhiều thì giờ đọc sách. nhưng thời gian định dành cho việc đọc sách đó thường bị gián đoạn vì hình ảnh Quỳnh. Từ ngày chia tay với nàng, chàng không nhận được một tin tức nào của nàng. Diên đã ra miền trung nhậm chức phó tỉnh trưởng chưa ? Quỳnh đã theo chồng chưa ? Có lần chàng định viết thư cho Hoằng để hỏi về nàng, nhưng phải bỏ ngay ý định đó vì chỉ sợ Hoằng loan truyền cho mọi người biết để khoe mình thuộc loại người "thông thạo tin tức". Chàng tiếc là hôm gặp nàng lần cuôi chàng không cho nàng địa chỉ mới của chàng. Vậy thì làm sao có thể biết tin nàng được ? Đành phải chờ đợi.
Trong khi đó, hai người bạn ở chung với chàng cũng làm chàng vui và yêu đời vì cái gàn của họ. Trọng thì hay giở triết lý mà chàng gọi đùa là "ba xu". "Chuyên ơi, cậu phải hiểu rằng cuộc đời ngắn ngủi lắm. Dù có sống đủ trăm năm thì cũng chỉ như...." Hồ bèn cướp lời :"Như bóng sổ, như gang tay." "Ờ ờ, đúng rồi. Vì thế, lắm lúc mình tự hỏi : “To be or not to be ?" Chuyên cũng phụ họa để nói đùa cho vui :"Làm sao 'Not to be' được, vì rõ ràng mình có ăn, có uống, có bài tiết, thì mình phải đang sống thực, không thể nghi ngờ được." Trọng gật gù :"Ừ, cậu nói đúng. Nhất là lúc mình bài tiết thì rõ ràng mình đang sống nhăn. Không sống thực sao lại thấy thối, thấy khai ? Khi mình đau khổ vì táo bón thì nhất định không thể là mơ được" Hồ vẫn không chịu, đọc thơ cổ :"Sử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh ! Các cậu nói chuyện dơ bẩn quá. Cái gì mà thối với khai, cái gì mà táo bón ? Thơ văn ngày xưa hay như thế mà các cậu không biết thưởng thức. Đúng là dùi đục chấm mắm cáy !" Trọng tỏ ra phân vân, Chuyên vẫn đùa :"Nè, các cậu phải cẩn thận nhé. Khi mơ thấy ngủ với dàn bà mà xuất tinh thì người ta kêu bằng mộng tinh đó. Các cậu đã trải qua kinh nghiệm mộng tinh mấy lần rồi ?" Cả hai cùng vội đáp :"Chưa bao giờ !" Chuyên gật gù :"Ừ, thế thì tốt, vì nếu mộng tinh nhiều lần là có bệnh, phải đi chữa ngay, kẻo hại đến đường con cái sau này."
Nhờ những câu chuyện lẩm cẩm như vậy hàng ngày, Chuyên cũng tạm khuây khỏa nỗi nhớ Quỳnh. Cuộc sống của chàng nơi "đất trích" cũng đã tạm yên. Sau thất bại vì thiếu kinh nghiệm mà cũng vì quá nồng nhiệt với nghề "gõ đầu trẻ", chàng tự an ủi bàng tình yêu của Quỳnh, chờ đến nghỉ hè sẽ về Saigon tìm cách liên lạc với nàng. Chàng đoán nàng đã theo chồng ra miền Trung. Lắm lúc chàng lại hy vọng nàng sẽ tìm cách liên lạc với chàng ngay ở nơi "khỉ ho cò gáy" này.
Nhưng cuộc sống của chàng chỉ tạm yên ổn có một thời gian ngắn. Lão Trương và viên tỉnh trưởng nơi nhiệm sở cũ vẫn rắp tâm theo đuổi việc trả thù. Lão gửi cho Hưởng một lá thư dài, tố cáo Chuyên là cán bộ cộng sản nằm vùng. Hưởng đưa cho chàng đọc lá thư rồi đốt đi vì cho đó là hành động của một kẻ tiểu nhân không đáng chấp. Anh cũng không buồn trả lời lão Trương. Có lẽ thấy thư của mình chưa làm hại được kẻ thù, lão Trương xúi giục viên tỉnh trưởng nói chuyện thẳng với viên tỉnh trưởng nơi biên khu này. Thế là Chuyên gặp rắc rối. Chàng bị công an làm phiền. Ngày nào họ cũng gọi chàng tới để thẩm vấn. Họ hỏi đủ mọi thứ chuyện để cố tìm xem chàng có liên lạc gì với Việt cộng không. Suốt một tháng liền như vậy, Chuyên đâm hoảng, dù vẫn tin mình hoàn toàn vô tội. Dần dần chàng mất ăn mất ngủ, gầy xọp hẳn đi, hai má hóp lại, đôi mắt sâu hoắm. Việc dạy học cũng bị ảnh hưởng nặng. Vào lớp, chàng không buồn giảng bài, cả tháng học sinh không làm một bài tập nào. Chỉ trong có một thời gian ngắn, chàng già hẳn đi. Nhiều bạn đồng nghiệp rất ái ngại cho chàng. Do đó, một hôm, Kim nói với Hưởng :
"Toa phải nhân danh hiệu trưởng can thiệp ngay vụ này đi. Moa thấy thằng Chuyên xuống tinh thần quá rồi. Trưởng ty công an thân với toa lắm mà."
Hưởng gật đầu :
"Moa đã nghĩ đến chuyện đó từ lâu, nhưng lại muốn để bên công an làm việc của họ cho xong , rồi mới can thiệp, sau này họ không trách mình được. Khi nhận được thư tố cáo, tất nhiên họ phải điều tra và theo dõi. Chiều nay moa sẽ gặp xừ Thường. Thằng Chuyên thì cộng sản cái con mẹ gì. Cái thằng tu xuất thù dai thiệt ! Có lẽ nhân viên dưới quyền hành thằng Chuyên chứ xừ Thường chắc cũng không biết đâu. Xừ ấy trăm công ngàn việc, để ý gì nhửng chuyện vặt vãnh."
Trước khi gặp trưởng ty công an, Hưởng nói chuyện với Chuyên. Chàng mừng rỡ :
"Xin anh ráng giúp vì nói thật với anh là tôi đã có ý định bỏ trốn về Saigon, dù sao ở trển tôi cũng có nhiều người quen. Ở đây thân cô thế cô, chả biết trông cậy vào ai."
Hưởng trấn an :
"Moa hứa với toa cái trò hề này sẽ chấm dứt ngay sau khi moa gặp xừ Thường. Có thể ngay ngày mai cũng không chừng. Cứ yên tâm đi."
Quả nhiên, hôm sau Chuyên được mời tới ty công an lần chót. Viên trưởng ty công an đã đích thân hỏi han chàng và cho biết từ nay chàng cứ ăn ngon ngủ yên vì ông đã nhận thấy chàng hoàn toàn vô tội.
Những tưởng sóng yên bể lặng từ đây, ai ngờ một cơn bão khác lại nổi lên. Trận bão này rất cuồng bạo khiến Chuyên lao đao.
Một tờ nhật báo ở Saigon đăng một bài của một người tự nhận là phụ huynh học sinh tố cáo vu vơ rằng một số giáo sư ở trường biên khu này đã dụ dỗ nữ sinh đi vào con đường dâm ô tồi bại. Dư luận trong tỉnh tức thì xôn xao náo loạn. Tất cả các nam giáo sư đều bị nghi ngờ. Bọn nữ sinh cũng ngơ ngác tìm hiểu xem những nữ sinh nào đã bị các thầy dụ dỗ. Một số ký giả của mấy tờ báo khác căn cứ vào lời tố cáo vu vơ ấy để viết nhiều bài đả kích nền giáo dục mà họ lên án là suy đồi. Bộ giáo dục vội ra lệnh cho nha trung học phải điều tra gấp và phúc trình trong hạn một tuần lễ. Một phái đoàn thanh tra gồm ba người hối hả chạy ra biên khu. Không may cho Chuyên là trong phái đoàn đó có vị thanh tra già đã từng gặp chàng và lão Trương nơi nhiệm sở cũ. Sau khi nghe câu chuyện lão Trương bịa đặt về chàng mà không cho phép chàng tự biện hộ, ông đã có thành kiến xấu đối với chàng.
Việc đầu tiên, phái đoàn thanh tra họp kín với ban giám đốc nhà trường, gồm Hưởng Kim và Đức, tổng giám thị. Cả ba đều cực lực đính chính tin đồn vu vơ và quả quyết không một nữ sinh nào ở trường này bị dụ dỗ. Tỉnh nhỏ, trường nhỏ, học sinh ít, nếu có chuyện gì bất thường ngay dân trong tỉnh đã biết trước khi báo chí ở Saigon hay tin. Báo chí thường thiếu tin giật gân để lôi kéo độc giả nên dù là thư tố cáo vu vơ cũng cho đăng. Rồi một số ký giả không ưa bộ giáo dục, vì một lý do nào đó, căn cứ vào lá thư tố cáo mà viết bài chỉ trích, cũng không ngoài mục đích lôi kéo độc giả. Nếu cần, phái đoàn có thể họp với ban điều hành của hội phụ huynh học sinh. Nhưng mấy ông thanh tra không đồng ý với ban giám đốc nhà trường vì họ lý luận rằng "phải có lửa mới có khói" ! Viên thanh tra già bỗng hỏi :
"Có phải ông giáo sư Chuyên dạy Anh văn ở đây không ?"
Kim biết là ông ta có thành kiến, vội đáp ;
"Dạ đúng, nhưng ổng là một giáo sư gương mẫu của trường này, một con người rất đứng đắn."
Viên thanh tra cười nhạt :
"Nhưng ở trường cũ ông ấy đã có thành tích xấu là...dụ dỗ nữ sinh."
Hưởng than thầm là Chuyên đã gặp phải hung tinh. Anh ôn tồn nói :
"Thưa ông thanh tra, chuyện cũ tôi không biết đúng được bao nhiêu phần trăm vì chưa có một cuộc điều tra cặn kẽ, đến nơi đến chốn nào, chỉ mới do lời ông hiệu trưởng Trương tố cáo thôi. Ông Trương thù ông Chuyên nên bịa chuyện để hại người ngay. Tôi không rõ hai người thù hằn gì nhau vì không phải chuyện của tôi nên tôi không tìm hiểu. Khi ông Chuyên đã bị...nha trừng phạt thuyên chuyển về đây, ông Trương còn chưa hả lòng nên đã viết một bức thư riêng cho tôi kể xấu ông ấy. Ngoài ra, ông tỉnh trưởng nơi nhiệm sở cũ của ông Chuyên còn vu cho ông Chuyên là cán bộ cộng sản nằm vùng nữa. Nhưng ty công an tỉnh này đã điều tra xếp hồ sơ lại vì không có chứng cớ. Vậy bây giờ nếu không có ai tố cáo đích danh ông Chuyên thì quý vị không thể chĩa mũi dùi vào một mình ông ấy được. Khi điều tra, xin quý vị đừng có thành kiến với bất cứ ai để khỏi có người bị oan."
Viên thanh tra tím mặt, nói như gắt :
"Xin ông hiệu trưởng đừng có dạy chúng tôi cách điều tra."
Hưởng vội đáp :
"Chúng tôi chỉ muốn nêu ra một nguyên tắc khách quan mà thôi."
Kim nói theo :
"Từ ngày ông Chuyên đổi về đây, Chúng tôi chưa thấy ông ấy có điều gì đáng trách. Ông được bạn bè quý mến, học sinh kính phục. Trường chúng tôi là trường nhỏ, nếu có chuyện gì bất thường là không những cả trường mà cả tỉnh cùng biết ngay. Theo chỗ chúng tôi biết, ngoài giờ dạy học ở trường, ông ấy chỉ giải trí bằng cách đọc sách. Ngay cả Saigon ông ấy cũng chưa về lần nào." .
Viên thanh tra nhún vai :
"Những điều ông giám học vừa nói chưa thể bảo đảm là ông Chuyên không làm bậy, vì thế tôi muốn nói chuyện với ông ấy trước đã."
Một viên thanh tra tuổi trung niên cân thận đề nghị :
"Theo tôi, mình nên phối hợp cả hai cách. Vừa mời ban chấp hành hội phụ huynh học sinh đến họp vừa hỏi ông giáo sư Chuyên."
Hưởng nhìn hai người dưới quyền để hỏi ý. Kim gật đầu, còn viên tổng giám thị tỏ vẻ bất mãn :
"Tôi cũng đồng ý phương pháp đó, dù rằng việc hỏi riêng ông giáo sư Chuyên là không công bằng, nếu không muốn nói là có tính cách...thù vặt."
Viên thanh tra già hỏi ngay :
"Tôi thù gì ông ấy ?"
Viên tổng giám thị bướng bỉnh :
"Không thù mà chỉ nhắm có một mình ông ấy thôi ? Trường này có cả mấy chục nam giáo sư, sao không hỏi người khác mà cứ hỏi ông Chuyên ?"
"Vì hồ sơ ông Chuyên rất xấu." Viên thanh tra già hậm hực đáp.
Viên tổng giám thị không chịu thua, hỏi lại ngay :
"Vậy, ông thanh tra đã xem hết tất cả mấy chục hồ sơ chưa ?"
Viên thanh tra già cứng lưỡi, im lặng. Hưởng vội lên tiếng để viên thanh tra già đỡ bị lúng túng vì bẽ mặt :
" Thôi, anh Ðức ! Anh cho mời ban chấp hành hội phụ huynh học sinh tới họp với các vị thanh tra vào lúc 9 giờ sáng mai. Còn Kim, cậu báo cho ông giáo sư Chuyên biết sáng sớm mai gặp ông thanh tra trước khi họp với hội phụ huynh học sinh."
Như nhớ ra điều gì, anh nói nhỏ với viên tổng giám thị :
"À, cậu liệu thu xếp nơi ăn chốn ở tạm tối nay cho các vị thanh tra nhé."
Khi Kim và Ðức đã ra khỏi phòng, Hưởng phải ngồi lại nói chuyện với các viên thanh tra cho đến khi Ðức trở lại mời mấy vị khách phương xa tới khách sạn.
Sáng sớm hôm sau, vì đã được thông báo trước, Chuyên ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt đàng hoàng tới trường sớm để gặp viên thanh tra già. Hưởng nhường văn phòng của mình cho hai người. Anh sang phòng giám học ngồi đợi.
Vừa trông thấy viên thanh tra già, Chuyên có giọng khiêu khích hỏi ngay :
"Tại sao ông thanh tra lại cứ theo đuổi tôi mãi thế ? Ông nghe lời thằng Trương, đày tôi ra tận đây mà chưa hả lòng sao ? Tôi có tội tình gì mà bị ông hành quá vậy ?"
Viên thanh tra nghiêm giọng :
"Ông ngồi xuống đi, rồi nói chuyện đáng hoàng."
"Không ngồi ! Thích đứng thì đã làm sao ? Ông chưa trả lời tại sao ông cứ tìm cách hành tôi như vậy ?"
"Người ta tố cáo ông dụ dỗ nữ sinh..."
Chuyên la to :
"Vu khống ! Ai đã tố cáo đích danh tôi, ông trưng bằng cớ ra đi !"
Viên thanh tra trừng trừng nhìn chàng mà không thốt được nửa lời. Hưởng và Kim nghe tiếng la, vội chạy sang, đứng ở cửa dòm vào. Chuyên lại nói lớn hơn :
"Tôi biết tại sao mấy người cứ thích hại tôi. Ông vểnh tai mà nghe đây : vì tôi là Bắc kỳ di cư ! Ông và thằng Trương là người Nam nên toa rập nhau để hại người Bắc như tôi. Bọn Liên trường các ông đều là những thằng khốn nạn, bất tài, ngu dốt, mới có đầu óc kỳ thị vì không bằng người khác. .."
Hưởng vội chạy vào can Chuyên :
"Thôi, toa. Thế đủ rồi..."
Chuyên gạt tay Hưởng, tiếp tục nói lớn :
"Toa cứ để moa cho tụi chúng nó một trận. Cùng lắm là đi lính chứ đã chết chóc gì đâu mà sợ. Vì ghen, vì có mặc cảm thua kém người Bắc, chúng nó liên kết nhau để tìm cách hại người Bắc. Đồ vô liêm sỉ cả lũ !"
Biết không thể can nổi chàng trong cơn "tức nước vỡ bờ", Hưởng và Kim đành kéo chàng ra khỏi phòng, trong khi viên thanh tra giận đến tím mặt mà không nói được một câu nào để chống chế hay cải chính. Sau đó, lão không chịu tham dự buổi họp với ban điều hành của hội phụ huynh và giáo sư nhà trường, Lão trốn trong phòng hiệu trưởng cho đến lúc ra xe về Saigon vào buổi trưa.
Vì không có viên thanh già quá khích, buổi họp của hội phụ huynh học sinh đã đi đến một kết quả nhanh chóng là hội sẽ gửi thư cho tờ báo đã đăng lá thư tố cáo vu vơ yêu cầu phải đăng thư đính chính của hội trong vòng ba ngày, nếu không sẽ bị kiện về tội vu khống và mạ lỵ. Kim được ủy nhiệm mang thư của hội với đầy đủ chữ ký của những người có mặt trong buổi họp, trừ hai viên thanh tra là quan sát viên, lên Saigon nhờ luật sư tống đạt thư cho nhà báo.
Sau khi nhà báo vô trách nhiệm ấy đăng lá thư của hội phụ huynh, dư luận về chuyện dụ dỗ nữ sinh ở trường biên khu biến đi rất nhanh. Dân trong tỉnh thở phào nhẹ nhõm, tất cả các giáo sư của trường cũng vui vẻ, mừng rỡ. Người vui nhất có lẽ là Chuyên vì chàng đã nói hết được những điều ấm ức trong lòng từ bao lâu nay. Bây giờ chàng trở lại việc giảng dạy một cách hăng hái. Tuy nhiên, chàng vẫn chờ đợi cuộc báo thù của viên thanh tra già đầy óc kỳ thị.
Quả nhiên, chưa đầy hai tháng sau, Chuyên nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển lên một tỉnh ở miền cao nguyên Trung phần. Trong khi Hưởng và Kim tỏ vẻ tức giận, Chàng thản nhiên nói :
"Đi đâu cũng được, biên giới Miên hay đèo heo hút gió thì cũng là phải xa Saigon rồi. Bọn chúng nó hẹp hòi và hèn nhát, nhưng moa đâu có ngán. Moa sẽ còn chửi chúng nó nữa nếu có dịp."
Hưởng đề nghị :
"Moa sẽ làm đơn xin giữ toa lại, viện cớ toa chẳng có tội tình gì và trường đang thiếu giáo sư Anh văn. Ông Hào vừa được đổi về Cần Thơ, nếu toa đi nữa thì không còn ai dạy Anh văn."
Thấy bạn có nhiệt tình với mình, Chuyên bằng lòng ở lại trường. Hưởng vui vẻ :
"Xong rồi ! Toa cứ ở đây với bọn moa cho đến khi nào toa có cơ hội tốt đổi hẳn về Saigon. Moa chỉ khuyên toa một điều là từ nay đừng gây gổ, cãi lộn với bọn thanh tra."
Kim nói theo :
"Mình đã chọn nghề dạy học thì chỉ cần biết có học sinh thôi. Những chuyện lảm nhảm khác coi như ‘pha’ mới đuợc."
Chuyên thở dài :
"Thì moa vẫn coi như ‘pha’, ‘dĩ hòa vi quý’, nhưng chúng nó đâu có chịu để mình yên. Chúng nó còn đụng đến moa, moa còn chửi. Vừa rồi moa làm được một mách cũng đã đời, nhưng chưa hả giận đâu. Bọn đầu óc hẹp hòi kỳ thị này phải diệt cho hết vì chính chúng nó đã gián tiếp tiếp tay cho cộng sản."
Hưởng xoa nhẹ lưng chàng, cười :
"Thôi mà, toa. Thế đủ rồi. Bọn moa tất nhiên là đứng về phe toa, nhưng ôn hòa hơn."
"Thì moa rất ôn hòa đấy chứ. Khi biết mình đã bị thất bại một vố nặng nề, moa chấp nhận hình phạt của bọn chúng nó. Nhưng ‘cây muốn lặng mà gió chẳng đừng’ “ !
Kim trấn an;
"Bây giờ thì hết gió rồi, toa cứ an tâm đi. À, vừa rồi ,ông chủ tịch hội phụ huynh học sinh có ý kiến muốn viết thư lên bộ giáo dục bênh vực và ca tụng toa. Như vậy, bộ càng không có lý do gì đổi tao ra miền Trung nữa."
Chuyên đáp xuôi :
"Tùy các toa tính toán, định liệu. Moa rất cảm kích khi thấy các toa đã bênh vực moa hết lòng."
"Theo tôi, bây giờ mình nên biểu quyết nên chấm lại hay nên bỏ qua. Bây giờ tôi xin hỏi : ai đồng ý bỏ qua ?"
Chỉ lác đác khoảng mươi người xin bỏ qua, kể cả Hoằng và mấy giáo sư bị nêu tên. Nhưng khi lão Trương hỏi có nên chấm lại không thì hầu hết những người có mặt trong phòng giơ tay. Chuyên hớn hở reo lớn :
"Đa số đồng ý chấm lại."
Lão Trương miễn cưỡng sai mấy viên giám thị đi lấy bài. Chuyên lại có ý kiến :
"Chúng ta không cần phải chấm lại hết, chỉ chấm lại những bài có điểm trên trung bình cho đỡ mất thì giờ."
Tất cả lại đồng ý với Chuyên. Chỉ mấy phút sau, người tìm ra những bài "cho điểm lầm". Đặc biệt có những bài chỉ chép lại đề thi kín bốn trang giấy mà được điểm gần tối đa, 19 rưỡi. Lại có bài trả lời sai hoàn toàn mà được 15 điểm....Người ta đã tìm ra ngót ba chục trường hợp gian lận.
Hôm sau, khi ra xe đò về Saigon, Chuyên gặp Hoằng ở bến xe. Hoằng nói ngay :
"Năm nay tao với mày hết cộng tác vụ trường tư rồi. Mày biết vì sao không ?"
Chuyên đáp không suy nghĩ :
"Mày bênh lão Trương nên nghỉ chơi tao ra chứ gì."
Hoằng nhún vai :
"Thằng tu xuất thông dâm với con gái riêng của vợ thì ăn nhậu gì đến vụ trường tư. Nhưng con ơi, con sửa soạn khăn gói quả mướp sẵn đi. Con sẽ bị đuổi khỏi cái trường thân yêu có em Quỳnh thơm như múi mít này."
"Tao có lỗi gì mà đuổi tao ? Tao thách đứa nào dám đuổi tao."
"Mày chả phải thách đâu. Mày không có tội thì chúng nó phịa ra tội rồi quàng vào cổ mày, con ạ. Đường quang không đi lại cứ thích đâm bổ vào gai vào góc. Chống mắt mà coi chúng nó trả thù."
Chuyên nói mạnh :
"Cây ngay không sợ chết đứng !"
"Cây ngay thì chúng nó sẽ phạt ngang cho cây đứt đôi. Mày có là cây thông chúng nó cũng đốn cho gục. Tao chỉ tiếc là lớp riêng đang ăn ngon lại mất mày."
"Tao cũng tiếc không còn được cộng tác với mày."
Sau đó, hai người lên xe, nhưng không cùng một chuyến. Chuyên cũng thấy hơi buồn, nhưng không phải buồn vì không được dạy tư chung với Hoằng mà buồn vì không ngờ bạn lại ươn hèn, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình mà không đếm xỉa gì tới đám học sinh bé nhỏ bị thiệt thòi. Chàng tự hỏi không biết sau này, khi đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục, chàng có thay đổi như Hoằng không ? Chàng không tin mình có thể sa đọa đến như vậy.
Khi xe đến bến phà, tất cả các hành khách phải xuống đi bộ. Chuyên rẽ vào một quán bên đường để giải khát trong khi chờ xe. Chàng bỗng thấy Quỳnh và người vị hôn phu của nàng bước vào quán. Nàng cũng đã trông thấy chàng ngay nên vừa cười vừa gật đầu chào chàng.. Chàng bỗng có cảm giác như tim mình nghẹn lại. Nụ cười thật quyến rũ. Hai hàm răng trắng và đều như ngọc. Đây là lần đầu tiên nàng cười với chàng. Cảnh vật chung quanh bỗng mờ đi. Trước mặt chàng chỉ có một nàng tiên mới từ trên trời hiện xuống. Chàng như choàng tỉnh khi nghe nàng nói với chồng chưa cưới:
"Anh Chuyên, giáo sư Anh văn, dạy cùng trường với em."
Rồi nàng giới thiệu :
"Anh Diên, ông xã tương lai của tôi đó, anh Chuyên."
Hai người đàn ông trịnh trọng và thân mật bắt tay nhau. Diên kéo ghế ngồi cùng bàn với Chuyên một cách tự nhiên trong khi Quỳnh có vẻ lưỡng lự nhưng rồi cũng ngồi xuống cạnh Diên. Sau mấy câu xã giao khách sáo, Chuyên và Diên có vẻ hợp tính nhau nên nói chuyện cởi mở hơn. Diên cho biết anh và Quỳnh về Saigon kỳ này để sửa soạn đám cưới. Chỉ một tháng nữa, họ chính thức thành vợ chồng. Một chút thất vọng thoáng qua lòng Chuyên. Quỳnh cũng giải thích tại sao nàng không mời các bạn giáo sư trong trường tham dự đám cưới vì được tổ chức vào một ngày giữa tuần và chỉ có tính cách thân mật giữa hai gia đình. Tuy nhiên, các bạn đồng nghiệp sẽ nhận được thiếp báo hỉ. Chuyên chưa kịp ngỏ lời chúc hai người Quỳnh bỗng đổi giọng, nói nhỏ :
"À, anh Chuyên nè.Tôi xin báo động để anh rõ là...anh sắp gặp lôi thôi lắm đó. Phải đề phòng cẩn thận..."
Chàng chưa kịp hỏi thì Diên cau mày trách vợ chưa cưới :
"Em bép xép quá !"
Quỳnh đáp ngay :
"Anh Chuyên là người tốt, chẳng lẽ mình để ảnh gặp khó khăn mà làm ngơ."
Chuyên hết nhìn Diên lại nhìn Quỳnh chờ đợi. Diên tặc lưỡi, miễn cưỡng nói :
"Câu chuyện như thế này...Nhưng anh phải hứa chắc với tôi là không được cho ai biết tôi đã nói với anh.."
Chuyên gật đầu :
"Tôi lấy danh dự xin hứa với anh là tôi sẽ không tiết lộ cho bất cứ ai câu chuyện anh sắp nói. Sống để bụng, chết mang đi !"
Thế mà Diên vẫn ngập ngừng có ý còn e ngại. Thấy vậy, Quỳnh giục :
"Anh ấy đã hứa như vậy mà anh còn rụt rè cái gì nữa..."
Chuyên vội nói chen vào :
"Nếu là chuyện có thể gây phiền phức cho anh thì xin anh khỏi cần nói cũng được. Tôi chỉ biết rằng tôi sắp gặp lôi thôi, khó khăn...Tôi sẽ sửa soạn tinh thần để đối phó.."
Diên lại tặc lưỡi :
"Thôi được, nếu anh đã hứa chắc như vậy, tôi xin nói. Lão Trương của anh vừa báo cáo mật lên tỉnh tố cáo anh là cán bộ cộng sản nằm vùng rất nguy hiểm...Yêu cầu cho điều tra..."
Chuyên giật mình hoảng sợ :
"Lão dám vu cho tôi là cán bộ cộng sản nằm vùng ?"
Chàng bỗng thấy sống lưng mình lạnh toát, nhưng hai bàn tay dơm dớm mồ hôi. Trong khi đó, Diên nói tiếp :
"Anh biết thế là đủ rồi. Tôi tình cờ được đọc bản báo cáo mật dài ngót hai trang đánh máy. Anh không những là cán bộ cộng sản mà còn có nhiều tội khác nữa. Đối với cấp trên, tôi là người có tội vì đã tiết lộ bí mật của sở..."
Quỳnh gạt đi :
"Anh chả có tội gì hết, em mới có tội. nhưng em không thể ngồi yên khi thấy người ngay thẳng bị vu oan, hãm hại."
Diên lừ mắt, nghiêm giọng :
"Từ rày về sau, anh cấm em bép xép."
Nàng vẫn đùa :
"Em sẽ không bép xép mà chỉ...ngồi lê đôi mách thôi..."
Diên thấy vợ chưa cưới cười nói duyên dáng, nhí nhảnh, cũng đành cười theo. Trong khi đó, vì lòng bồn chồn không yên khi biết mình bị lão Trương vu cho là cộng sản nằm vùng, Chuyên không nhận ra cái nhí nhảnh của Quỳnh. Chàng đưa mắt nhìn ra đường, nhưng không nhìn thấy gì hết chỉ thấy lửa giận bừng bừng trong huyết quản. Chàng không ngờ lão tu xuất ấy lại hiểm độc như vậy. Trong thời chiến tranh chống cộng này, bị vu là cán bộ cộng sản nằm vùng là coi như bị kết án tử hình hay ít ra cũng hủy hoại tất cả tương lai của một con người. Lão vừa ngu vừa hiểm độc như vậy mà cũng được bộ giáo dục cho chỉ huy một cơ quan giáo dục. Chàng nhớ tới lời phê bình của Hoằng khi nói tới cách sử dụng nhân viên của bộ giáo dục :"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã !" Trước kia, chàng cho là Hoằng chỉ nói đùa cho vui, ai ngờ lại là một nhận xét xác đáng ! Lão Trương muốn trả thù chàng vì chàng đã phá vỡ âm mưu gian lận của lão. Phải làm gì bây giờ ? Chàng tự hỏi. Nếu lúc này tình cờ gặp lão Trương, chàng sẽ nhổ một bãi nước bọt vào giữa mặt lão và mắng :"Đồ chó đẻ !" Không biết có phải chàng đã vô tình nói lên ý nghĩ đó không mà Diên mỉm cười, cay đắng :
"Nhưng chính những tên chó đẻ mới được cấp trên tín nhiệm cho đè đầu đè cổ người khác. Thế mới đau !"
Quỳnh nói đùa :
"Nỗi đau thời đại mà, anh !"
Chuyên lo lắng hỏi Diên :
"Theo anh, tôi nên làm gì bây giờ ?"
Diên vội đáp :
"Theo nguyên tắc, anh chưa biết được bí mật này. Nếu anh có phản ứng sớm quá, tức là bên tòa tỉnh có người tiết lộ. Người ta sẽ lần lần phăng mối dây, Quỳnh và tôi sẽ bị lôi thôi. Vậy, theo tôi, anh đành phải chờ..."
Chuyên thở dài, im lặng. Vừa lúc đó, chiếc xe đò của Chuyên đã qua phà, khách đang lên xe, chàng vội cảm ơn Diên và Quỳnh rồi xin cáo biệt. Chàng ra đến cửa, còn nghe Diên trách Quỳnh :
"Em bép xép quá."
8
N
iên học mới bắt đầu trong bầu không khí vui vẻ, ồn ào. Từ giáo sư đến học sinh ai cũng đều hớn hở, mừng rỡ gặp lại bạn bè. Sau mấy tháng hè, cỏ trên sân trường mọc cao và xanh mướt. Bọn học trò nhỏ vui đùa, chạy nhảy, nằm lăn trên cỏ một cách khoan khoái. Những học trò lớn họp thành từng nhóm bàn chuyện học hành, thi cử. Càng lên cao, chương trình học càng nặng. Không những thế, chuyện lính tráng càng làm tăng mối lo của chúng. Chậm lại một năm hoặc thi rớt là đi lính. Vì thế, chúng phải tận lực cố gắng học hành, quên đi những thú vui của tuổi trẻ. Hoàn cảnh đất nước làm chúng già trước tuổi. Tình trạng này đã kéo quá dài, không biết đến bao giờ mới chấm dứt ?
Trong khi đó, giáo sư cũng có chuyện cần bàn luận đầu niên học. Mối quan tâm hàng đầu của họ lúc này là thời khóa biểu. Ai cũng muốn xin nghỉ ít nhất hai ngày liền hoặc cuối tuần hoặc đầu tuần. Thường thường các trường xa Saigon đều có lệ dành cho giáo sư một số ngày nghỉ. Do đó, học sinh phải học dồn một môn trong mấy ngày liên tiếp. Tuy nhiên, các ông hoặc bà giám học cố tránh xếp những giờ khoa học đi liền nhau để học sinh đỡ mệt óc.
Chuyên ngồi riêng ở một góc phòng giáo sư, lơ đãng nhìn xuống sân trường. Chàng có vẻ buồn bã, chán nản, không còn thích hoạt động như năm trước nữa. Mà hoạt động để làm gì ? Đem hết thiện chí, tâm huyết ra để đổi lấy một lời vu khống trắng trợn, ác độc. May là viên trưởng ty công an cũng là người hiểu biết rộng rãi, nếu không, chàng đâu còn ung dung ngồi ở đây. Hôm qua, chàng vừa vào phòng giám học để lấy thời khóa biểu tạm, thì nhận được "Giấy mời" của ty công an tỉnh do phòng giám học chuyển. Nhìn "Giấy mời" của công an, chàng giật mình, dù biết trước sẽ được công an "hỏi thăm", tim đập mạnh dồn dập. Nói đến công an là nói đến những đòn tra tấn, quay điện... Chàng nhớ tới lời tố cáo của lão Trương mà Diên và Quỳnh đã miễn cưỡng tiết lộ.. Chàng cho rằng tai họa sắp giáng lên đầu chàng vì lời vu khống ấy. Biết rằng không thể trì hoãn hoặc trốn tránh, chàng đến ngay ty công an sau khi nhận thời khóa biểu. Chàng được viên trưởng ty tiếp trong phòng riêng. Sau khi mời chàng ngồi, ông ta trấn an ngay :
"Xin giáo sư đừng lo sợ, tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên cho đúng...thủ tục. Tôi mời giáo sư tới để cho biết có người tố cáo giáo sư là... cộng sản nằm vùng. Đọc thư tố cáo đó, tôi phì cười vì người tố cáo đó quá ngây thơ..."
Rồi ông cho biết vụ ném truyền đon trong lớp học đã được điều tra cẩn thận. Ngay từ đầu, ông đã biết Chuyên bị tố oan. Theo ông, nếu là cộng sản chàng sẽ không cần ném mấy tờ truyền đơn trong lớp học. Đó là công việc của một cán bộ thấp nhất Trong khi giảng bài, chàng có thể khéo léo tuyên truyền, quảng bá lý thuyết cộng sản. Ngoài ra, ông cũng đã biết nữ sinh Liễu Huệ mới chính là thủ phạm vụ ném truyền đơn. Ông chưa muốn bắt ngay vì còn muốn tìm ra những tên đồng lõa của nó. Nhưng rất tiếc là sự dọa nạt của viên tổng giám thị làm nó hoảng sợ bỏ trốn ra mật khu.
Khi ra khỏi ty công an, Chuyên nhẹ hẳn người, nhưng lại thấy buồn chán hơn cho nhân tình thế thái. Tuy nhiên, chàng vẫn hy vọng "hiện tượng lão Trương" chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cái ngành được coi là mô phạm. Mỗi lần thoáng trông thấy lão từ xa, chàng bèn ghê tởm quay phắt đi. Một con chó ghẻ, người ta còn có thể thương, tìm thuốc chữa cho nó. Nhưng đối với lão Trương, chẳng còn thuốc nào chữa được nữa. Thế mà chàng vẫn phải làm việc dưới quyền lão. Chàng tự an ủi rằng dạy học chỉ cần biết học sinh. Đối với các đồng nghiệp, chàng cũng không còn muốn thân mật như trước nữa. Đa số là người tốt nhưng tất cả đều muốn an phận để tự bảo vệ.
Chuông vào học vừa reo, Chuyên đứng lên ngay. Nhưng chàng chưa kịp bước đi, đã nghe thấy tiếng Hoằng hỏi lớn :
"Mày làm cái gì mà vội thế ?"
Chàng liền đáp trống không :
"Chuông rồi !"
Chàng đã bước ra khỏi phòng giáo sư còn nghe Hoằng mắng theo :
"Đồ ngu !"
Nhưng vừa lúc đó, lão Trương xuất hiện trước mặt chàng với một vẻ giận dữ. Chàng định bước tránh sang một bên để lấy lối đi, lão đã lớn tiếng nói :
"Tôi có chuyện cần hỏi giáo sư."
Chàng buông xẵng :
"Thì hỏi đi !"
Lão ngạc nhiên trước thái độ thách thức và vô lễ của chàng, nên ngập ngừng :
"Mời giáo sư về phòng tôi..."
Chàng ngắt :
"Không việc gì phải đi đâu hết. Muốn hỏi gì thì hỏi ngay ở đây đi."
Mặt lão tái đi vì giận, nhìn chàng bằng đôi mắt nẩy lửa mà không sao nói nên lời.. Thấy lão vẫn im lặng, chàng xem đồng hồ tay, định bỏ đi. Lão chợt lớn tiếng hỏi :
"Tại sao ông lại làm đơn gửi lên bộ tố cáo tôi gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa rồi ? Ai cho phép ông qua mặt tôi ?"
Chàng cũng không chịu kém, nói lớn hơn :
"Thế nào là qua mặt ? Qua mặt là đi vu khống người khác bên tòa tỉnh, phải không ?"
Lão tỏ vẻ lúng túng khi thấy có nhiều người nhìn lão. Lão lại mời chàng về phòng lão lần nữa. Chàng vung tay, quát vào mặt lão :
"Tôi không việc gì phải vô phòng ai hết ! Tại sao ông dám vu cho tôi là cộng sản ném truyền đơn ở trong lớp học ? Tại sao ông xin công an bắt tôi ?"
Lão dằn từng tiếng :
"Tôi là trưởng nhiệm sở, ông không có quyền nói với tôi như vậy."
"Trưởng nhiệm sở thì có quyền vu cáo nhân viên dưới quyền là cán bộ cộng sản ? "
"Xin ông nói nhỏ một chút..."
"Tôi cần nói lớn để mọi người biết ông là hạng người nào. Ông thù tôi đã phanh phui sự gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa qua nên tìm cách hại tôi. Đó có phải là tác phong đứng đắn của một trưởng nhiệm sở không ?"
Lão Trương lúng túng không biết phải đối phó ra sao trước lời tố cáo của Chuyên. Lão chưa bao giờ gặp một giáo sư bướng bỉnh và hỗn láo như chàng. Ai cũng xun xoe nịnh bợ lão để được hưởng một vài ưu đãi nhỏ nhặt, hèn mọn. Trong khi đó, thấy có lộn xộn giữa hiệu trưởng và một giáo sư, hầu hết những người khác tìm cách lẩn tránh, lặng lẽ xách cặp đi ra, lối cửa hông, để tới lớp, chỉ còn lại một vài người giả bộ chăm chú đọc sách. Chuyên không lạ về thái độ hèn nhát và cầu an của họ.
Khi thấy mọi người đã bỏ đi gần hết, Chuyên định bước tránh sang một bên để xuống lớp dạy. Lão Trương bỗng nói :
"Lát nữa có ông thanh tra ở trên Nha xuống muốn gặp ông Chuyên...để hỏi thêm về lời tố cáo của ông. Tôi sẽ cho mời ông lên gặp ổng."
Chàng làm thinh, bước đi thẳng.
Trong khi đợi học sinh xếp hàng vào lớp, Chuyên phân trần với một bạn đồng nghiệp dạy lớp bên cạnh :
"Anh coi, thằng chả khốn nạn như vậy đó. Nó dám vu tôi là cộng sản và còn yêu cầu công an bắt giam tôi. Tôi chưa thấy một tên trưởng nhiệm sở nào tồi tệ, lưu manh, khốn nạn như nó. Thế mà ngày trước cũng đòi đi tu. Mặt nó là mặt người, mà lòng là lòng chó má."
Người bạn gượng cười, nhận xét :
"Anh cũng dữ quá. Thế mà trước kia tôi tưởng anh lành lắm."
Chàng chép miệng :
"Con giun xéo lắm cũng quằn. Tôi đâu có muốn gây chuyện làm gì. Đã đến nước này thì cùng lắm là vào Thủ Đức. "
Người bạn đồng nghiệp không nói gì thêm, lặng lẽ bước theo học trò vào lớp.
Khi thấy học sinh đã ngồi yên lặng chờ đợi trong lớp, Chuyên vừa định bước vào thì bỗng thấy bác tùy phái hớt hải chạy tới gần. Chàng đoán ngay là lão Trương cho mời chàng tới gặp vị thanh tra mới từ Saigon xuống. Chàng phân vân vì đây là buổi học đầu tiên của niên học mới. Nhưng chàng cũng không thể không bỏ lớp để gặp thanh tra. Người ta tới đây chỉ cốt gặp chàng để điều tra về lá đơn chàng tố cáo lão Trương gian lận trong kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất vừa rồi. Mấy hôm ở Saigon, chàng đã hỏi ý kiến một số người có kinh nghiệm dạy học lâu năm, ai cũng khuyên chàng nên "ra tay" trước là làm đơn tố cáo sự gian lận của lão Trương với nha Trung học và bộ Giáo dục. Bây giờ có người xuống điều tra, chàng không thể tránh mặt được, dù với bất cứ lý do nào. Chàng đành yêu cầu bác tùy phái gọi một giám thị tới coi lớp trong khi chàng vắng mặt.
Trên đường đi gặp thanh tra, Chuyên cũng không khỏi băn khoăn lo nghĩ. Chàng nghe đồn thanh tra của nha, bộ bao giờ cũng đứng về phe hiệu trưởng vì dù sao hiệu trưởng cũng là người đại diện nha, bộ điều khiển một nhiệm sở. Nếu trưởng nhiệm sở không phạm lỗi gì quá đáng, thanh tra sẽ bênh vực họ. Nhưng chàng tin rằng chàng có đủ chứng cớ và nhân chứng về vụ gian lận này thì thanh tra không thể thiên vị được. Nghĩ vậy chàng vui vẻ bước nhanh đến phòng giáo sư, nơi ông thanh tra đang chờ đợi chàng.
Thanh tra là một vị giáo sư già sắp về hưu. Nhìn vẻ đạo mạo, nghiêm trang của ông, Chuyên bỗng cảm thấy tin tưởng ở sự ngay thẳng và công bằng của ông ta. Sau khi giới thiệu chàng với vị thanh tra, lão Trương xin phép trở về phòng mình để làm việc. Lão cho ông thanh tra biết là ngoài cửa lúc nào cũng một tùy phái sẵn sàng nghe theo lệnh của viên thanh tra. Cửa phòng giáo sư được khép kín.
Khi chỉ còn hai người ngồi đối diện nhau, vị thanh tra nghiêm nghị lên tiếng :
"Tôi đã đọc kỹ lá thư tố cáo của ông giáo sư, vì thế hôm nay tôi về đây để gặp giáo sư, dù đơn tố cáo của giáo sư đã sai nguyên tắc hành chánh. "
Ngừng một chút, ông tiếp :
"Giáo sư tố cáo một việc quan trọng như vậy mà không trưng ra một bằng cớ nào."
"Thưa ông thanh tra, tôi có một số nhân chứng và những bài thi cho điểm mập mờ..."
"Nếu vậy, ông cho biết những ai là nhân chứng trong vụ này và những bài nào đáng nghi ?"
Suy nghĩ một lát, Chuyên đáp :
"Tạm thời xin ông thanh tra cho mời cô Quỳnh. Còn những bài khả nghi thì..."
Viên thanh tra ngắt :
"Để tôi yêu cầu ông hiệu trưởng mời cô Quỳnh tới đã, những bài khả nghi sẽ xét sau."
Ông bước nhanh ra cửa, nhờ tùy phái đi mời Quỳnh. Chỉ mấy phút sau, lão Trương xuất hiện, cho biết hôm nay Quỳnh không có giờ, nhưng lão đã cho người đi mời nàng tới gấp. Ông thanh tra nói với Chuyên :
"Trong khi chờ đợi, chúng ta coi lại những bài thi đáng nghi. Ông giáo sư cho biết tên những thí sinh đó để tôi nhờ ông hiệu trưởng cho người đi lấy."
Chuyên ngập ngừng :
"Thưa ông thanh tra, tôi...không rõ tên thí sinh...mà chỉ biết số mật mã của mấy xấp bài thôi, vì khi ráp phách tôi không để ý nữa."
Ông thanh tra gật đầu :
"Số mật mã cũng được."
Chàng mở sổ tay, lấy giấy bút ghi cẩn thận từng số mật mã của từng xấp bài khả nghi, rồi trao cho viên thanh tra. Ông liền đưa cho lão Trương :
"Xin ông hiệu trưởng cho người lấy những xấp bài thi có số mật mã này ngay. Tôi không có nhiều thì giờ, chiều nay tôi phải lên máy bay về Saigon."
Lão Trương tỏ vẻ hớn hở đáp :
"Dạ, xin ông thanh tra đợi một phút."
Đúng như lời lão, không đầy một phút, tất cả những xấp bài khả nghi được mấy ông giám thị đem tới. Nhìn vẻ hớn hở của lão và thấy mấy xấp bài thi được đem tới quá nhanh, Chuyên hơi chột dạ, cảm thấy có cái gì bất ổn trong vụ này. Phải chăng lão đã sửa soạn sẵn mọi thứ để chờ đợi thanh tra của nha ? Chàng không phải chờ đợi lâu. Tất cả những bài thi đều không có vết tích gian lận nào hết. Chàng không khỏi ngạc nhiên đến hoảng sợ, run run lật qua lật lại mấy xấp bài thi mà không thấy những bài đã sửa lại điểm. Chàng xem kỹ số thứ tự ghi trên phách và góc bài. Không mất một bài nào hết ! Số thứ tự không bị ngắt quãng. Thế là thế nào ? Chàng chợt nhớ rằng có chấm một xấp bài "câu hỏi thường thức" và đã sửa điểm một bài từ 20 xuống số không. Chàng vội tìm xấp bài đó. Nhưng, thật kỳ lạ ! Bài bị không điểm vẫn còn đó, nhưng chắc chắn số 0 không phải là tuồng chữ của chàng mà số điểm 20 mà chàng đã bôi xóa cũng không thấy đâu. Chàng chợt hiểu ra rằng lão Trương đã tìm cách làm mất hết dấu vết của sự gian lận. Lão quả thật là con người xảo quyệt.
Thấy chàng tìm kiếm mãi, viên thanh tra sốt ruột hỏi :
"Bài nào gian lận, xin ông giáo sư cho biết."
Chàng ấp úng không nói ra lời, lòng đầy lo lắng, sợ hãi.
Viên thanh tra lại hỏi :
"Thế nào, ông giáo sư ?"
Mồ hôi đã lấm tấm trên trán và nhơm nhớp trong lòng bàn tay, chàng rụt rè :
"Có lẽ người ta...đã sửa lại hết rồi..."
Viên thanh tra nghiêm mặt nói bằng một giọng trách móc :
"Không, ông không thể ăn nói hồ đồ như vậy được. Làm thế nào ông có thể chứng minh được rằng có sự sửa đổi ?"
Chàng chợt nghĩ tới Quỳnh và mấy giáo sư đã tình nguyện chấm lại những xấp bài gian lận. Một tia hy vọng lóe lên trong óc chàng.
"Xin ông thanh tra cho gọi những người sau đây, ngoài cô Quỳnh, để hỏi họ thì biết ngay co có sửa đổi không."
Viên thanh tra chưa có ý kiến gì, lão Trương đã sốt sắng hỏi :
"Ông giáo sư muốn mời những ai, xin cho biết tên."
Thấy lão bình tĩnh quá, chàng lại chột dạ. Nhưng không thể lùi được nữa, chàng đành phải cho lão biết tên mấy người mà chàng muốn mời tới gặp viên thanh tra.
Vừa lúc đó, tùy phái thông báo Quỳnh đã tới. Chuyên khấp khởi mừng thầm. Lão Trương bước nhanh ra cửa mời nàng vào. Hôm nay, nàng mặc một chiếc áo dài trắng lụa Thái Lan, trông thật sang và đẹp. Nàng khoan thai bước vào chào viên thanh tra, nhưng không thèm để ý tới chàng. Nàng nhìn thẳng như có ý lẩn tránh đôi mắt của chàng.
"Cô Quỳnh, ông thanh tra cất tiếng hỏi, chắc cô rõ lý do tại sao tôi cho mời cô tới đây ?"
"Dạ." Nàng đáp khẽ.
"Ông Chuyên tố cáo ông hiệu trưởng đã gian lận trong kỳ thi đệ thất vừa rồi...."
Nhưng ông chưa nói hết câu, Quỳnh đã lên tiếng :
"Thưa ông thanh tra, tôi có biết gì về chuyện này đâu."
Viên thanh tra tỏ vẻ ngạc nhiên :
"Cô nói sao ? Cô không biết gì ? Thế là nghĩa làm sao ?"
"Dạ", nàng lại đáp nhỏ.
Bỗng Chuyên hoảng hốt nói lớn :
"Chị Quỳnh, xin chị cứ nói thật hết cho..."
Lão Trương mỉm cười nhìn Chuyên với một vẻ đắc thắng không cần giấu diếm. Trong khi đó, Quỳnh vẫn không nhìn chàng, nói với viên thanh tra :
"Thưa...Tôi đã khai thật..."
Viên thanh tra hỏi gặng :
"Nghĩa là không có gian lận ?"
Quỳnh cúi đầu im lặng. Viên thanh tra hỏi thêm một lần nữa, nàng, rụt rè :
"Thưa...thưa...tôi không biết gì hết."
Chuyên lại kêu lớn :
"Chị Quỳnh !"
Nàng cúi xuống vân vê tà áo. Có lẽ thấy nàng bắt đầu nao núng trước lời khẩn cầu của Chuyên, lão Trương vội nói với nàng :
"Cô Quỳnh, cô đã khai xong, xin mời ra về."
Nàng đứng lên như người mất hồn, quay lại nhìn Chuyên, hai mắt đỏ hoe long lanh ướt, nói rất nhỏ, chỉ đủ chàng nghe :
"Xin lỗi anh."
Rồi nàng lặng lẽ cúi đầu chào viên thanh tra, quay gót bước ra cửa. Dường như chân nàng bị vướng mắc làm sao ấy nên di không vững, loạng choạng. Chuyên nhìn theo, lòng đầy hoang mang. Viên thanh tra cũng nhìn theo nàng, như định nói một câu gì, nhưng chỉ nhún vai, rồi giữ im lặng. Chuyên có cảm tưởng như đất trời quay cuồng. Tại sao lại có thể như vậy được ? Phải chăng có sự mờ ám trong vụ này ? Nhưng chàng không biết làm thế nào có thể giữ nàng lại để năn nỉ nàng nói hết sự thật. Chỉ có sự thật mới cứu được chàng mà thôi.
Quỳnh đi rồi, lão Trương cho mời thêm mấy giáo sư do Chuyên đề nghị. Nhưng tất cả những người này đều khai như Quỳnh :"Chúng tôi không biết gì hết !"
Khi đã bị dồn vào đường cùng, Chuyên đề nghị họp hội đồng giáo sư để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng viên thanh tra gạt đi ngay :
"Điều đó không cần thiết ! Ông giáo sư đưa hai chứng cớ đều không đúng cả hai. Bài thì không có dấu vết gian lận, nhân chứng thì không ai xác nhận có gian lận. Họp hội đồng giáo sư cũng sẽ chẳng đi đến một kết quả nào, lại làm xáo trộn cả chương trình của cả trường, mất rất nhiều thì giờ. Tôi thấy và nghe như vậy cũng đủ rồi. Thôi, cảm ơn giáo sư, mời giáo sư về lớp."
Chàng vẫn ngồi im lặng, gục mặt xuống. Chàng không ngờ chàng lại thất bại một cách đau đớn như vậy. Bây giờ chàng đã trở thành một kẻ vu khống, tố cáo oan một trưởng nhiệm sở. Viên thanh tra lên mặt đạo đức dạy dỗ :
"Ông giáo sư còn trẻ, tôi xin khuyên một điều : dạy học là nghề lấy đạo đức làm căn bản. Vu khống cho người khác là một điều dơ bẩn nhất ở cõi đời này. Phải chăng ông giáo sư có thù oán gì ông hiệu trưởng nên mới làm vậy ?"
Lão Trương nói chen vào ngay :
"Dạ, có lẽ ông Chuyên để tâm thù tôi nên vu cáo tôi gian lận trong kỳ thi đệ thất vì trong niên học vừa qua ông ấy có phạm mấy lỗi rất nặng. Tôi kêu ông ấy tới văn phòng để khuyên răn, ai dè ông ấy để tâm thù. Thiệt rầu hết sức !"
Chuyên định cãi, viên thanh tra đã tò mò hỏi :
"Đó là những lỗi gì ?"
Lão Trương nhìn chàng bằng đôi mắt thương hại, tỏ vẻ bất đắc dĩ mới phải tiết
lộ :
"Ông ấy đã dụ dỗ một nữ sinh rồi bỏ rơi nó khiến nó phải tự tử suýt chết...Ông ấy
lại còn ném truyền đơn tuyên truyền cho Việt cộng ở trong lớp học nữa."
Chuyên vùng la to :
"Láo ! Ông mới là kẻ vu khống ! Tôi không dụ dỗ nữ sinh nào hết...Tôi cũng không phải là kẻ ném truyền đơn trong lớp học."
Viên thanh tra không để ý tới sự phản kháng của chàng, hỏi lão Trương :
"Tại sao ông hiệu trưởng không báo cáo về nha ngay hồi đó ?"
Lão có giọng nhân từ :
"Thưa ông thanh tra, tôi thấy ông Chuyên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên cũng không nỡ làm hại ông ấy. Tuy nhiên, về vấn đề an ninh, tôi đã phải báo cho ông tỉnh trưởng rõ."
Viên thanh tra nghiêm khắc :
"Không được ! Ông làm vậy là sai nguyên tắc. Ông đã thương người không phải chỗ. Ông có thể bị khiển trách về vụ này."
Lão thở dài, lên mặt đạo đức :
"Cũng đành phải chịu, vì tôi rất thương những đồng nghiệp trẻ người non dạ."
Viên thanh tra ra lệnh :
"Ông hiệu trưởng làm gấp một tờ trình về hai vụ này để tôi mang về nha làm tài liệu."
Lão Trương vội vã đi ra khỏi phòng. Chuyên vội nói :
"Thưa ông thanh tra, tất cả đều hoàn toàn không đúng sự thật..."
Viên thanh tra ngắt lời chàng :
"Có nữ sinh nào tự tử vì giáo sư không ?"
"Dạ có, nhưng chỉ là..."
Viên thanh tra bèn át lời chàng :
"Như vậy, sao gọi là vu khống ? Thôi được, ông giáo sư có thể về lớp được rồi."
"Nhưng thưa ông thanh tra, tôi bị vu oan."
Viên thanh tra nghiêm nghị :
"Sao gọi là oan được ? Những điều ông tố cáo đều không có một bằng chứng nào hết. Những nhân chứng ông nêu ra, không ai xác nhận lời tố cáo của ông. Bây giờ ông hiệu trưởng vạch rõ những lỗi lầm của ông thì chính ông xác nhận là có...Vậy là đủ rồi. Tôi không cần nghe ông nói thêm gì nữa. Xin mời ông về lớp."
Biết là mình đã thất bại hoàn toàn, Chuyên uể oải đứng lên, cúi gầm mặt, không thèm chào viên thanh tra, bước từng bước nặng nề ra khỏi phòng giáo sư. Chàng không ngờ mọi chuyện lại đảo ngược một cách kỳ lạ như vậy, hoàn toàn bất lợi cho chàng. Chàng không ngạc nhiên khi thấy các nam đồng nghiệp khai gian, vì dù sao họ vẫn sợ hiệu trưởng hơn là sự thành thật, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi. Nhưng còn Quỳnh ? Tại sao nàng cũng đứng về phe hiệu trưởng để hại chàng ?. Chắc chắn là phải có một bí ẩn gì đó. Nàng vẫn được bạn bè ca ngợi là con người ngay thẳng, dễ thương. Nàng đã chứng tỏ cho mọi người biết nàng xứng đáng với lời ca ngợi khi nàng sốt sắng cộng tác với chàng phá vỡ cuộc gian lận qui mô trong kỳ thi đệ thất vừa qua. Thế mà bây giờ nàng đã phản lại sự thật để hại chàng. Đôi mắt rưng rưng hoen đỏ của nàng đã cho chàng biết nàng hối hận vì đã bắt buộc phải nói những điều không đúng sự thật có hại cho chàng. Ôi, thật là khó hiểu ! Chàng tự hứa sẽ phãi tìm cho ra cái bí ẩn này bằng được.
Chuyên phân vân đứng ở sân trường tự hỏi không biết có nên vào lớp bây giờ không ? Nếu bỏ đi, chàng sẽ phải bỏ luôn nghề dạy học ở trường công mà cũng có thể bỏ luôn cả trường tư để trở thành một sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Chàng không sợ đi lính, chàng chỉ sợ phải...xa Quỳnh vĩnh viễn, dù nàng đã có chồng. Ít nhất hàng ngày chàng vẫn còn nhìn thấy nàng. Chàng ngạc nhiên về ý nghĩ chứa chan tình cảm ấy của mình. Bây giờ chàng mới nhận ra một điều mà từ lâu chàng cứ vô tình hay cố ý làm ngơ : chàng đã yêu nàng !
9
L
iền mấy ngày sau đó, Quỳnh cố tình lẩn tránh Chuyên. Hai người không có một dịp nào để có thể nói chuyện trực tiếp với nhau. Trong khi nàng có vẻ ngượng ngùng, xấu hổ, chàng vẫn thản nhiên như không. Chàng không hề tỏ ý giận hay ghét nàng vì chàng biết chắc nàng đã miễn cưỡng làm một đều trái ý nàng. Đó là một bí ẩn mà chàng muốn tìm hiểu. Như vậy là thêm một điều chàng cần biết nguồn gốc hay lý do của nó. Từ lâu chàng muốn biết tại sao có tin đồn chàng và Quỳnh yêu nhau để đưa đến việc tự tử của nữ sinh Liên. Chàng vẫn nghĩ rằng có thể Quỳnh biết chuyện đó, nhưng chưa có dịp nào để hỏi nàng. Bây giờ lại thêm một bí ẩn nữa. Cũng vẫn phải tìm hiểu ở nàng.
Chuyến thất bại vừa rồi đã khiến Chuyên chán hết mọi sự, chán nhân tình thế thái, chán bạn đồng nghiệp. Nghề dạy học vốn là một nghề cao quý nhưng ngày nay có nhiều kẻ tiểu nhân quá. Đã trót bước vào nghề thì đành chấp nhận. Chàng đã học được một bài học cay đắng về sự thiện chí và lẽ công bằng trong ngành giáo dục. Trừ một số người cần xun xoe, nịnh bợ ban giám đốc nhà trường vì quyền lợi riêng tư của họ, đa số bạn bè dạy cùng trường không tìm cách xa lánh chàng, tuy họ không còn thân với chàng như trước. Họ cười nói với chàng, nhưng không bông đùa nữa Chỉ có Hoằng là vẫn đối xử với chàng như cũ, nhưng anh không mời chàng cộng tác trong những lớp riêng luyện thi. Có ai hỏi lý do thì anh thản nhiên đáp :"Nó sắp đi trường khác rồi, lớp luyện thi của moa đâu có thể nửa đường thay ngựa một cách dễ dàng được." Tất cả mọi người bây giờ chờ đợi sự ra đi của chàng. Đó là một chiến thắng vẻ vang của lão Trương. Đó cũng là một bước củng cố quyền hành của lão ở ngôi trường này. Ai trái ý lão kẻ đó sẽ mang họa vào thân ! Hãy trông gương Chuyên mà liệu hồn, mà giữ mồm giữ miệng, mà thần phục lão một cách tuyệt đối. Hiệu trưởng ở một trường xa Saigon là một ông vua con trong một lãnh địa nhỏ bé. Phản loạn chỉ có nghĩa là tự hủy diệt mình ! Trên lão, theo hệ thống dọc, lão có hậu thuẫn, gân như mù quáng, của nha Trung học và bộ Giáo dục. Theo hệ thống ngang, lão được tỉnh trưởng và nhiều nhân viên cao cấp của tòa tỉnh đỡ đầu. Mọi người đều biết rằng sự ra đi của Chuyên là một điều chắc chắn, không có gì thay đổi nữa. Nếu chàng phải chuyển tới một nơi xa hơn tỉnh này, uy quyền của lão Trương tỏ ra rất mạnh, do đó tất cả mọi người phải khiếp sợ và răm rắp vâng lời lão. Trường học là nơi đào tạo lớp trẻ mà cũng cần uy quyền để ức hiếp kẻ khác sao ? Hoằng giải thích rằng, nếu hiệu trưởng không có quyền thì làm sao giữ được trật tự của một tập thể...bát nháo như một trường học. Giáo sư ỷ mình có chút chữ nghĩa tưởng mình đã là ông trời con nên vênh váo, coi mọi người bằng nửa con mắt. Học sinh thì nhỏ dại, dễ bị xúi dục, xách động. Khi hiệu trưởng có lỗi, Chuyên thắc mắc, cũng vẫn được cấp trên che chở, tín nhiệm sao.? Không ai dung túng những đứa làm bậy, Hoằng đáp, nhưng vụ gian lận vừa rồi của lão Trương, mày là thằng ngu nhất đời. Cái ngu của mày là không đòi hỏi làm biên bản đàng hoàng để có thể nắm đằng chuôi. Khi mày đã làm biên bản có nhiều người ký thì bố nó cũng không thay đổi được. Mày còn non lắm, còn phải học hỏi nhiều. Trong khi đó lão Trương là một con cáo già. Cừu non đứng trước cáo già thì cừu phải chết là hợp với lẽ sống còn của trời đất rồi.
Chuyên rụt rè hỏi :
"Còn vụ cô Quỳnh khai với thanh tra trái với sự thật thì mày nghĩ sao ?"
Hoằng gật gù :
"Đó là một điều rất khác thường, nhưng không phải việc của tao nên tao cũng chả mất công tìm hiểu làm chi. Từ trước tới nay, cổ là người rất đàng hoàng. Cái vụ khai gian này làm tao hoang mang không hiểu nổi cổ nữa...Hay là em thù mày vì mày không ngó ngàng gì đến em trong khi em đã thầm yêu trộm nhớ mày rồi ? Mày thì lúc nào cũng bám lấy con Liên nên thờ ơ với em."
Chuyên lắc đầu :
"Tao không tin là Quỳnh trả thù vì tao với cổ đã có gì đâu. Với lại, sau khi khai gian, cổ đã khóc và xin lỗi tao."
"Nếu vậy thì tao cũng chịu."
Trong những ngày chờ đợi sự vụ lệnh đổi đi trường khác, Chuyên vẫn tận tâm giảng và chấm bài. Chàng không muốn học sinh thiệt thòi vì chuyện riêng của mình. Điều quan trọng trong thời chiến này là vấn đề an ninh. Chàng đã dược trưởng ty công an xác nhận chàng không phải là cộng sản nằm vùng thì không còn gì đáng lo ngại nữa. Bây giờ phải đổi đi xa hay đi gần, chàng cũng không quan tâm. Lòng chàng dần dần trở lại thư thái, yên ổn. Những ngày được nghỉ, chàng vẫn về Saigon vui chơi. Đôi khi chàng cũng chợt nhớ tới cô nữ sinh Liên và muốn tìm hiểu xem cô ta sống ra sao. Nhưng chàng lại không dám tới nhà cô ở tỉnh này để hỏi mẹ cô địa chỉ của cô ở Saigon. Sống ở tỉnh nhỏ, không giữ gìn cẩn thận có thể lại mang tiếng lôi thôi. Trong khi đó, hai nữ sinh Cẩm Hồng và Ngọc Như, sau khi đậu tú tài phần nhất, đều đã lên Saigon học vì trường tỉnh không có lớp đệ nhất ban C. Nghe nói hai cô đang học ở trường "áo tím".
Vào một buổi chiều, được nghỉ hai giờ cuối, Chuyên lững thững đi bộ đến nhà một người bạn đồng nghiệp ở cuối tỉnh. Khi đi ngang bến xe đò, chàng chợt trông thấy Quỳnh đang mua vé. Chàng phân vân không biết có nên gặp nàng không ? Từ lâu chàng vẫn muốn tìm hiểu lý do nào nàng nói dối để bênh vực lão Trương. Thế mà bây giờ tình cờ gặp nàng ở đây, chàng lại ngại ngùng. Tại sao ? Chàng sợ gì ? Sợ nàng giận ? Sợ nàng không muốn nói chuyện với chàng ở giữa đường ? Nhưng khi chàng sắp đi thẳng, Quỳnh chợt ngoảnh nhìn về phía chàng. Bốn mắt gặp nhau một cách tình cờ. Cả hai cùng tỏ ra lúng túng. Ngập ngừng một chút, chàng chào trước bằng một giọng vui vẻ miễn cưỡng :
"Chị Quỳnh !"
Nàng chào lại ngượng ngập :
"Thưa anh..."
"Chị mua vé về Saigon ?"
"Dạ...Tôi về chuyến sáng mai..."
"Chị hết giờ tuần này rồi ?"
Nàng bỗng đỏ ửng hai má, e thẹn :
"Đâu có...Tôi xin nghỉ hai tuần..."
"Ủa, chị sắp đi chơi xa ?"
Nàng nhìn chàng với một vẻ ngạc nhiên :
"Ngày mốt là ngày cưới của...chúng tôi...Anh không nhận được thiệp báo hỉ ?"
Chàng ngẩn mặt, cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, lắc đầu :
"Không, tôi chưa nhận được thiệp hồng của chị....Mà cũng không quan hệ. Bây giờ tôi biết tin chị sắp làm đám cưới là đủ rồi. Vậy, tiện đây, tôi xin chúc chị và anh Diên..."
Nàng chặn lại :
"Anh cũng khách sáo ghê vậy đó ! Tôi tưởng anh đang...thù ghét tôi..."
Chàng giữ im lặng một lát, rồi đáp bằng một giọng dịu dàng :
"Không, tôi không thù ghét chị...Giá tôi ghét được chị, chắc tôi sung sướng hơn..."
Quỳnh như không hiểu ý chàng nên có vẻ ngơ ngác, nhìn chàng đăm đăm. Chàng vội nói lảng :
"Chị gửi thiệp cho tôi bao giờ và về địa chỉ nào ? Saigon hay ở đây ?"
"Tôi xin văn phòng địa chỉ của tất cả trường. Hình như họ cho tôi địa chỉ ở Saigon của anh."
Chàng cười :
"Cuối tuần trước, tôi không về Saigon nên chưa nhận được thiệp của chị."
"Anh cũng ít về Saigon ?"
"Năm ngoái thì rất ít vì kẹt lớp luyện thi của anh Hoằng. Năm nay chẳng kẹt gì, lại sắp bị thuyên chuyển đi nơi khác nên tuần nào cũng vù về Saigon du hí."
Nàng bỗng ngập ngừng hỏi :
"Anh có rảnh không ?...Tôi có chuyện muốn nói với anh..."
Chàng đùa :
"Rõ ràng chị thấy tôi đang rảnh mà. Được nghỉ hai giờ cuối nên tôi định đến thăm anh Phan."
Nàng ngập ngừng :
"Tôi muốn nói với anh chuyện...chuyện ông thanh tra..."
Chàng liền gạt đi :
"Thôi, chuyện đã qua, chị đừng nhắc lại nữa. Tôi quên rồi."
Vừa nói xong, chàng liền cười thầm trong bụng vì sự giả dối của mình. Chàng vẫn thắc mắc về sự khai man của Quỳnh, bây giờ sắp được biết lại tỏ vẻ cao thượng một cách giả dối. Hay tại đứng trước Quỳnh, chàng không còn là chàng nữa ? Ồ, người ta sắp lấy chồng rồi, mơ tưởng hão làm chi.
Nàng buồn buồn :
"Nhưng tôi không thể quên được...Tôi bị lương tâm dày vò từ ngày đó....Nhiều đêm tôi mất ngủ vì quá hối hận...Vì thế, tôi không dám gặp anh..."
Chàng tặc lưỡi :
"Thôi được, để lương tâm của chị khỏi hành hạ chị nữa, tôi xin nghe. Nhưng, ngay từ đầu, tôi biết chị không hề có ý hại tôi mà vì một lý do bất khả kháng nào đó."
"Dạ, đúng như vậy...."
Rồi nàng đề nghị :
"Tôi với anh nên vừa đi vừa nói chuyện có lẽ tiện hơn là đứng mãi ở đây."
Chàng liền vui vẻ đáp :
"Dạ, chị muốn sao cũng được...miễn có thể làm vui lòng chị"
Hai người đi về phía trung tâm tỉnh lỵ. Nhưng mới đi được mấy bước, nàng ngừng lại, nói :
"Trời ! Tôi vô tâm quá. Anh định đến thăm anh Phan mà tôi lại đi ngược đường của anh."
"Không sao đâu, chị. Rảnh thì đến chơi với anh ấy, không có chuyện gì cần hết. Có điều tôi đi với chị thế này ở ngoài đường có tiện không ?"
Nàng nhún vai :
"Không sao đâu, anh. Tôi bất chấp ! Tỉnh nhỏ là hay đồn bậy lắm, nhưng tôi chả thèm để ý. Bộ hai đồng nghiệp không thể đi với nhau ngoài đường được sao ?"
"Hai đồng nghiệp bình thường thì không sao, nhưng hai đồng nghiệp đã từng là nạn nhân của một lời đồn thì chắc chắn phải khác. Vả lại, tôi sợ anh Diên không nghĩ như chị."
"Anh Diên và tôi rất hiểu nhau nên anh ấy không ghen bậy đâu."
"Vậy thì chúng ta cứ đi."
Đến đây hai người cùng giữ im lặng. Khi đã đi được một quãng khá xa, Quỳnh mới lên tiếng :
"Về vụ ông thanh tra bữa hổm, tôi bị anh Diên ép phải...chối hết. Quả thật, ảnh không muốn hại anh, nhưng đó là áp lực của ông tỉnh trưởng. Ảnh bị đe dọa đủ mọi điều, kể cả tính mạng. Chắc anh cũng hiểu bên hành chánh người ta rất sợ cấp chỉ huy, mệnh lệnh của cấp trên coi như tuyệt đối..."
"Dạ, tôi hiểu."
"Ông hiệu trưởng trường mình đã sang khóc lóc, lạy van ông tỉnh cứu mạng. Ông tỉnh nhận lời vì ổng cũng có con thi vào đệ thất bị anh đánh rớt. Ổng thù anh lắm. Anh Diên bị ổng ép phải bắt tôi khai man."
Chàng cười buồn :
"Ngay từ lúc đầu tôi cũng đã đoán chị bị ép buộc. Khai xong, chị đã khóc, hai mắt đỏ hoe."
Nàng bẽn lẽn, cúi mặt để dấu một nụ cười, rồi nói :
"Ra khỏi trường, tôi vừa đi vừa khóc như mới bị đánh đòn."
"Ai mà dám đánh chị !"
"Lương tâm của tôi đã nguyền rủa tôi bằng những lời nặng nề nhất từ ngày tôi khôn lớn."
Chàng nói đùa :
"Anh Hoằng đã cảnh cáo tôi ngay từ khi tôi mới về trường này là đừng có nhiều lương tâm nếu muốn được sống yên ổn. Bây giờ tôi mới thấy anh ấy nói đúng. Ông tỉnh trưởng đã mãn nguyện, chắc anh Diên sẽ được khen thưởng ?"
Nàng thật thà đáp :
"Dạ. Ổng đang chạy anh ấy một chân phó tỉnh trưởng."
Chàng buột miệng :
"Chỉ phó tỉnh trưởng thôi sao ?"
Nhưng chàng hối hận ngay vì đã có giọng mỉa mai. Vậy mà mình cứ nói mình không hề giận Quỳnh, chàng thầm tự trách. Nhưng Quỳnh không nhận ra giọng mỉa mai ấy, nên thật thà đáp :
"Được làm phó tỉnh trưởng cũng khá lắm rồi anh ạ"
Chàng vội nói theo :
"Dạ đúng, muốn làm phó tỉnh trưởng cũng đâu phải dễ."
Nàng bỗng lại có giọng buồn :
"Từ ngày đó, tôi mắc cỡ quá, không dám gặp anh nữa."
"Tại chị cứ nghĩ quẩn chứ tôi đâu có giận chị. Mỗi người có hoàn cảnh riêng của mình, chả nên giận trách ai. Tôi vẫn nghĩ rằng tôi còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, lại quá hăng say với thiên chức của một nhà giáo nên đã phạm nhiều lỗi lầm. Mình không trách mình thì thôi, sao lại trách người khác, nhất là người ấy... lại là Chị. "
Nàng nhìn chàng bằng đôi mắt biết ơn, vui vẻ nói :
"Được anh thông cảm, tôi thấy nhẹ hẳn người. Câu chuyện chỉ có thế, bây giờ anh có thể đi thăm anh Phan được rồi."
Chàng nửa đùa nửa thật :
"Chưa gì chị đã đuổi tôi rồi ! Bộ chị sợ tôi bám riết lấy chị sao ?"
Nàng nhìn chàng bằng đôi mắt khác thường, định nói một câu gì, nhưng lại đổi ý, vội quay mặt đi, khẽ thở dài :
"Một lần nữa, cảm ơn anh...Xin chào anh..."
Chàng vẫn níu lấy nàng :
"Nhưng chị tệ lắm đấy nhé. Đám cưới chị mà cả trường không ai được uống rượu mừng chị."
Nàng đỏ mặt, ngượng ngùng :
"Bị chúng tôi làm đám cưới vào ngày thường và ở Saigon nên không dám làm phiền ai. Mong anh thong cảm."
Khi chàng đã đi ngược lại đường cũ, nàng chợt gọi :
"Anh Chuyên !"
Chàng dừng bước, quay lại ngó nàng chờ đợi :
"Dạ..."
Lưỡng lự mấy giây, nàng tặc lưỡi :
"Hay là...anh thử gặp lại ông thanh tra..."
Chàng thắc mắc :
"Để làm gì ?"
Nàng đáp nhỏ :
"Tôi sẵn sàng...khai lại...Rồi muốn ra sao thì ra."
Chuyên ngẩn mặt nhìn Quỳnh, giữ im lặng cả một phút đồng hồ, rồi lắc đầu :
"Cảm ơn chị...Trễ rồi !...Mọi chuyện đã đâu vào đấy, khuấy lên cũng chả ích gì nữa, lại làm chị rắc rối. Xin chị hiểu cho rằng vấn đề an nguy của chị...hạnh phúc của chị...bây giờ đối với tôi là quan trọng hàng đầu...Tất cả mọi thứ trên cõi đời này không còn nghĩa lý gì với tôi nữa..."
Nàng cảm động, khẽ gọi :"Anh Chuyên !" rồi nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Đôi mắt nàng long lanh ướt, hai má ửng hồng. Nàng ngước nhìn chàng, bốn mắt quyện lấy nhau không nỡ rời. Nàng ấp úng :"Trễ rồi !" - "Dạ, trễ rồi !" Nàng bỗng cúi mặt, bỏ đi, không một lời từ biệt. Chàng thầm hiểu nàng đang chạy trốn.
10
K
hoảng một tuần sau khi gặp Quỳnh, Chuyên nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển đến một tỉnh ở sát biên giới Cao Miên. Vì tinh thần đã được sửa soạn trước, chàng bình tĩnh đón nhận sự thay đổi. Sau khi nhận được sự vụ lệnh do văn phòng nhà trường chuyển giao, chàng bỏ về ngay để sửa soạn đến nhiệm sở mới. Thế là xong giai đoạn đầu của nghề "gõ đầu trẻ", chàng nghĩ, một giai đoạn đầy sóng gió, tai tiếng vì sự ngu ngốc của mình. Chàng tự hứa sẽ cẩn thận hơn ở giai đoạn tới.
Ngay hôm sau,Chuyên đến trình diện ở nhiệm sở mới. Đường đi thật khó khăn và nguy hiểm, chỉ có mấy chục cây số mà phải đổi xe hai lần, mãi quá trưa mới đến nơi.
Khi chàng đến trường để trình sự vụ lệnh, viên hiệu trưởng tỏ vẻ ngạc nhiên vì nhà trường chưa nhận được giấy tờ gì mà cũng không nghe nha, bộ cho biết có giáo sư mới được bổ tới. Không những thế, trường đã có dư giáo sư Anh văn. Viên hiệu trưởng ngắm nghía tờ sự vụ lệnh một lúc, rồi rụt rè hỏi :
"Chắc giáo sư...có chuyện lủng củng nơi trường cũ nên...nên mới...bị đày tới đây ?"
Chuyên thẳng thắn đáp :
"Dạ, đúng như vậy...Tôi đụng với hiệu trưởng...Chắc ông hiệu trưởng cũng biết lão Trương ?"
Viên hiệu trưởng dè dặt đáp :
"Tôi đã có hân hạnh được gặp ổng một vài lần ở trên nha trung học....Tôi có một đề nghị, không biết ông giáo sư nghĩ sao...Nơi đây được coi như "Tầm dương đất trích", ai tới đây đều là bị đày, vậy mình nên coi nhau như bạn, đừng có một điều 'ông hiệu trưởng' hai điều 'ông giáo sư'' nghe xa cách quá. Tên tôi là Hưởng, anh Kim là giám học, tôi sẽ giới thiệu với... anh."
Chuyên đồng ý ngay. Hưởng chạy sang phòng bên cạnh gọi viên giám học. Sau đó, ba người ngồi nói chuyện thân mật cho đến lúc sắp tan học. Chuyên ngỏ ý xin nghỉ hai tuần để về nhiệm sở cũ thu xếp việc riêng. Hưởng chấp thuận ngay, không những thế ông còn sẵn sàng cho Chuyên tùy tiện muốn nghỉ đến lúc nào cũng được vì trường dư giáo sư.
"Nè, anh Chuyên, Hưởng nói, anh nhận được sự vụ lệnh sớm hơn cả tôi, nghĩa là lão Trương ghét anh lắm, muốn tống khứ anh đi càng sớm càng tốt. Tôi nghe nói thằng cha này thù dai lắm. Anh đổi về đây mà vẫn phây phây là thế nào nó cũng tìm cách tiếp tục hại anh nữa. Phải cẩn thận !"
Đêm hôm đó Chuyên phải trú tạm nhà Kim vì viên giám học cũng độc thân và ở một mình. Cách đối sử thân mật của Hưởng và Kim đã khiến chàng bớt buồn chán. Sáng hôm sau, chàng trở lạï nhiệm sở cũ để chờ đợi Quỳnh. Sau đám cưới vợ chồng nàng đi hưởng tuần trăng mật ngay. Gặp nàng để làm gì ? Chính chàng cũng không biết. Người ta có chồng rồi, chàng nghĩ, có gặp cũng chỉ trơ mắt ra mà nhìn thôi. Nhưng chàng vẫn muốn "nhìn" nàng vì chàng cảm thấy nhớ nàng vô cùng.
Trong khi thu xếp đồ đạc để dọn hẳn đi, chàng đếm từng ngày Quỳnh trở lại trường dạy học. Chàng có linh cảm thế nào chàng cũng được gặp nàng. Dù chỉ trông thấy nàng thấp thoáng xa xa chàng cũng mãn nguyện rồi. Chàng không ngờ mình lại si tình như vậy.
Vào buổi chiều cuối cùng trước ngày Chuyên rời khỏi tỉnh, Quỳnh bất chợt đến thăm chàng. Sau vài câu xã giao, nàng tỏ vẻ buồn buồn :
"Mai anh đi rồi. Biết bao giờ gặp lại ?"
Chuyên cười nhẹ :
"Có dịp gặp không quan trọng bằng có muốn gặp không. Chị bây giờ đâu còn tự do nữa."
Nàng khẽ thở dài :
"Vậy mới thật đáng buồn ! Bây giờ tôi mới biết anh Diên mê chức tước, quyền hành hơn...mê vợ. Kể tôi với anh ấy cũng quá vội vã khi quyết định làm đám cưới."
Chàng nhìn nàng hồi lâu, rồi hỏi :
"Cái gì đã làm chị vội vã như vậy ?"
Nàng ngoảnh mặt đi để tránh đôi mắt soi mói của chàng, rồi chợt hỏi :
"Hồi này, anh vẫn liên lạc với cô nữ sinh Liên ? Hiện giờ cô ấy ở đâu ?"
"Không biết chị có tin tôi nói thật không ? Chị phải tin thì tôi mới trả lời."
Nàng bèn dí dỏm đáp :
"Không biết anh có nói thật không ? Anh phải nói thật thì tôi mới tin."
Chuyên phì cười :
"Tôi không ngờ chị trả lời tếu như vậy. Đây là lận thứ nhì tôi được nói chuyện trực tiếp với chị, mới biết chị có tài nói chuyện, khiến nhiều người mê."
Nàng lừng khừng :
"Những ai mê thì tôi không biết hay không cần biết. Chỉ tiếc cái người mà tôi muốn thì lại không mê tôi...vì tôi đâu có trẻ bằng nữ sinh..."
Chuyên bỗng kêu lớn :
"Quỳnh ! Quỳnh hiểu lầm tôi rồi !"
Nàng nhún vai :
"Nếu...Quỳnh hiểu lầm thì cả trường đã hiểu lầm chứ không riêng gì Quỳnh đâu."
Cách xưng hô mới của nàng làm Chuyên ngỡ ngàng và sung sướng đến ngây người không nói nên lời. Nàng bỗng đứng lên :
"Thôi, Quỳnh phải về..."
Chàng hốt hoảng :
"Sao Quỳnh lại vội về ? Quỳnh hỏi, tôi chưa kịp trả lời..."
Nàng hóm hỉnh :
"Quỳnh hỏi chọc anh vậy thôi, chứ Quỳnh biết anh chả yêu ai hết...kể cả cô nữ sinh Liên."
Chàng tha thiết :
"Quỳnh ! Quỳnh có biết tôi đau khổ vô cùng khi nghe tin Quỳnh lấy chồng không ? Chính Quỳnh vừa công nhận Quỳnh quá vội vã khi quyết định một việc quan trọng như vậy ? Sự vội vã đó đã khiến tim tôi vỡ ra từng mảnh."
Nàng lưỡng lự một lúc rồi rồi lại ngồi xuống, khẽ thở dàiï :
"Thế nào cũng phải có một lần giải thích để anh rõ, vậy thì hôm nay Quỳnh xin nói hết... Nhưng kìa, sao anh cứ đứng mãi thế, không sợ mỏi chân ư ?"
Chàng bèn ngồi phệt ngay xuống đất sát chân nàng. Nàng dẫy nẩy :
"Kỳ không ! Lỡ ai trông thấy thì chết !'
Chàng làm mặt trơ :
"Việc gì mà chết ! Cùng lắm người ta biết tôi đã trở thành nô lệ của Quỳnh."
Nàng năn nỉ :
"Quỳnh van anh, dù sao Quỳnh cũng là gái đã có chồng. Anh phải giữ thể diện cho Quỳnh. Anh ngồi lên ghế đi, mình nói chuyện đàng hoàng như hai bạn đồng nghiệp chào từ biệt nhau...Không ai có thể dị nghị được."
Chuyên đành nghe lời nàng, kéo ghế ngồi dối diện với nàng.
Quỳnh giữ im lặng khá lâu như để sắp xếp câu chuyện và lựa cho đúng lời. Chuyên kiên nhẫn chờ đợi. Bây giờ chàng mới được tự do ngắm kỹ nàng. Thì ra nàng đẹp thật. Khuôn mặt bầu, đôi mắt to và đen láy, cái mũi dọc dừa gọn gàng và đôi môi hồng như lúc nào cũng sẵn sàng hé nở một nụ cười. Má bên trái có một mụn nốt ruồi duyên mờ mờ. Có điều đặc biệt là nàng không trang điểm, cứ để mộc mạc mà hai má vẫn hây hây đỏ hồng. Chàng không ngờ nàng có một vẻ đẹp hiền hậu và kín đáo như vậy. Anh chàng Diên thật có phúc, chàng nghĩ.
Quỳnh bỗng ngửng lên hỏi :
"Có phải anh đang so sánh Quỳnh với trò Liên không ? Cái gì chứ trẻ thì Quỳnh thua cô ta là cái chắc rồi, phải không ?"
Chuyên không trả lời mà nói như tự hỏi mình :
"Không biết anh chàng Diên đã tu mấy kiếp mà sung sướng như thế này !"
Nàng bỗng cười :
"Thôi, mình đừng ghen bóng ghen gió nữa. Quỳnh sẽ không nhắc tới trò Liên mà anh cũng đừng thèm nói tơi anh Diên. Chuyện đã dĩ lỡ, thì cho qua luôn."
Rồi nàng tiếp :
"Bây giờ Quỳnh xin kể từ đầu nhé.
Chàng chợt hỏi :
"Mà từ đầu là từ đâu ?"
Nàng lườm, mỉm cười :
"Còn từ đâu nữa ? Từ ngày đầu tiên anh tới trường dạy học đó. Anh không nhớ anh và Quỳnh nhìn nhau sao ? "
Chàng gật đầu :
"Có, tôi nhớ, nhưng có gì đặc biệt đâu."
Quỳnh lắc đầu :
"Thế mới biết anh vô tình thật ! Quỳnh thì...nhưng anh không được cười chê thì Quỳnh mới dám nói...Quỳnh thì có cảm tình ngay vơi anh từ phút đầu tiên đó...Đừng chê Quỳnh lãng mạn quá nhé..."
Chàng đáp khẽ :
"Làm sao tôi có thể chê trách Quỳnh được. Người đáng trách là tôi. Tại sao tôi lại ngu muội đến độ bỏ lỡ một dịp tìm thấy hạnh phúc của đời mình !"
"Không, anh không ngu đâu. Ngày đó, anh đang đeo đuổi một lý tưởng cao xa, có thể coi là viển vông, muốn xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn tốt đẹp giữa một xã hội nhiễu nhương nát bấy vì chiến tranh cả mấy chục năm. Vì thế, anh quên hết mọi thứ chung quanh...Khi anh săn sóc trò Liên một cách quá lố, cho nó tiền, kêu bằng học bổng, thì ai cũng phải hiểu rằng anh yêu nó. Thầy trẻ, mới ngoài hai mươi, trò đang độ dậy thì, mười sáu, mười bảy, thật xứng đôi vừa lứa quá..."
Chuyên tự bào chữa :
"Nó học giỏi, nhà nghèo, bố lại mới tử trận..."
Quỳnh nở nụ cười nhạo báng :
"Sao anh không kể thêm một lý do nữa là xinh đẹp ? Những lý do anh vừa nói tới có thể áp dụng cho cả ngàn, cả triệu đứa học trò trên mảnh đất đang bị chiến tranh dày xéo này. Nhưng phải công nhận rằng con Liên rất đẹp. Tất nhiên Quỳnh không thể bì với nó được..."
Chuyên nhìn nàng đắm đuối :
"Không, Quỳnh đừng tự hạ mình quá. Quỳnh không còn trẻ như con Liên, nhưng đẹp hơn nó nhiều. Thế bây giờ Quỳnh có tin rằng tôi không hề yêu con Liên không ?"
Nàng thở dài :
"Tin hay không thì cũng đã trễ, quá trễ rồi...Anh còn nhớ câu ca dao về chuyện lỡ làng này không ?"
Chàng lắc đầu.
"Tôi dạy sinh ngữ nên không thuộc nhiều thơ hay ca dao."
Nàng buồn buồn, khẽ ngâm : :
"Chim vào lồng biết thuở nào ra !"
Nàng bỗng đổi giọng vui vẻ, nói lớn :
"Thôi, Quỳnh phải về để anh sửa soạn ngày mai về nhiệm sở mới. Hy vọng sẽ còn gặp anh."
Chuyên lại níu giữ :
"Quỳnh làm gì mà vội thế ? Tôi còn muốn hỏi Quỳnh một chuyện."
Quỳnh cười :
"Lại còn gì nữa đây ?"
Chàng ngập ngừng :
"Về...về...tin đồn...Quỳnh và tôi...yêu nhau ?"
Náng đáp ngay :
"Mới đầu Quỳnh cũng rất ngạc nhiên về lời đồn này. Rõ ràng anh và Quỳnh chưa hề nói chuyện với nhau một lần. Thế mà người ta đồn hai đứa mình...yêu nhau. Thật kỳ lạ !"
"Có hôm anh Hoằng còn hỏi tôi là có phải Quỳnh và tôi thường...gặp nhau ở Saigon không ?"
Quỳnh phì cười :
"Thơ mộng quá nhỉ. Tiếc rằng chỉ là lời đồn vu vơ. Không ai nói với Quỳnh chuyện hẹn hò ở Saigon ấy...Anh có nhớ chị Ngọc Hoa dạy Toán không ?"
"Tôi chỉ nghe tiếng mà chưa gặp lần nào."
"Anh chưa gặp chị ấy cũng phải. Anh về trường này được ít lâu thì chỉ được đổi về Saigon, với lý do theo chồng. Anh ấy làm ở bộ ngoại giao, nghe đâu sắp đi làm tham vụ ở ngoại quốc."
"Chị Hoa thì có liên quan gì đến lời đồn ?"
Quỳnh bẽn lẽn :
"Chỉ một mình chị ấy là biết...Quỳnh có cảm tình với anh. Không biết có phải chỉ muốn giúp Quỳnh bằng cách phao ầm lên rằng ...hai đứa mình yêu nhau..."
"Vì thế mới đưa đến vụ trò Liên tự tử. Lúc đó chị Hoa đã về Saigon chưa ?"
"Chỉ đi lâu rồi mới có vụ tự tử. Một hôm, Quỳnh gặp chị ở Saigon, chị hỏi thăm mọi người kể cả anh. Quỳnh mới nói tới vụ trò Liên tự tử, chị cười rũ ra. Quỳnh ngạc nhiên hỏi sao chị cười, chị mới bật mí là chính chị rỉ tai mấy bà cùng dạy ở đây là Quỳnh với anh...yêu nhau để trò Liên xa rời anh ra."
Chuyên lắc đầu :
"Thật mấy bà cũng ghê quá đi. Nhưng nếu chị Hoa muốn giúp Quỳnh thì cứ đến nói thẳng với tôi, có phải là tiện và nhanh không ?"
Quỳnh trề môi :
"Thế mà anh cũng đòi là người hiểu đời. Ai lại nói thẳng như vậy bao giờ, chả hóa ra Quỳnh nhờ chị ấy đến năn nỉ với anh sao ? Quỳnh đâu đã đến nỗi ế ẩm như vậy !"
"Thế còn vụ anh Diên với Quỳnh ?"
"Anh ấy theo đuổi Quỳnh từ lâu...Nhưng mãi đến khi Quỳnh biết anh chỉ mê có con Liên thì Quỳnh nhận lời lấy anh ấy."
"Bây giờ Quỳnh còn giận tôi lắm không ?"
Nàng lắc đầu :
"Anh với Quỳnh có gì đâu mà phải giận hờn nhau...Nhưng thú thật là có tiếc vì đã hiểu lầm anh để đến nỗi lỡ làng hết mọi sự."
Chàng có vẻ mơ mộng :
"Nếu tôi vẫn tin có một ngày...trong tương lai thì Quỳnh nghĩ sao ?"
Nàng đáp ngay :
"Thì Quỳnh nghĩ rằng anh vẫn còn ngủ mơ."
Nàng nhìn ra đường, thấy lác đác có một vài học sinh đi qua, bỗng đứng lên, nói nhanh :
"Chết không ! Tan học rồi. Quỳnh phải về."
Rồi nàng có giọng bịn rịn, dặn dò :
"Đến trường mới, anh phải cẩn thận nhé. Đừng...đừng để Quỳnh phải lo quá..."
Chàng vụt nắm lấy tay nàng làm nàng giật mình, tái mặt, muốn rụt tay về mà không nỡ, chỉ run run năn nỉ :
"Anh Chuyên...đừng làm em sợ..."
Chàng van nài :
"Đừng...đừng bao giờ quên..anh nhé...Có khi nào mình lại có thể gặp nhau không , em ?"
"Em cũng không biết nữa, nhưng em sẽ cố gắng tìm cách...Thôi, buông ra cho em về, trễ rồi !"
Chưa ra tới cửa, chợt nhớ ra điều gì nàng ngoảnh lại nói :
"Em quên không cho anh biết một tin là anh Diên đã được làm phó tỉnh trưởng một tỉnh ở miền Trung. Rồi, em sẽ phải theo anh ấy ra miền Trung."
Chuyên thở dài :
"Lại càng xa cách nhau hơn.""
"Em cho như vậy mới tốt. Có gì mình sẽ gặp nhau ở Saigon tiện hơn là ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé đầy thành kiến hẹp hòi này. Hãy cứ tin ở tương lai, anh nhé."
Quỳnh đi đã xa mà Chuyên vẫn còn ngó theo. Chàng có cảm tưởng mình vừa đánh mất một viên ngọc quý vô giá, một tài sản vô cùng lớn lao, một người rất thân trong cuộc đời mình...Năm đầu tiên chính thức bước vào nghề dạy học với một hoài bão nhỏ nhoi là làm tròn nhiệm vụ chức năng của một nhà giáo có lương tâm, chàng đã gặt hái được một thất bại đau đớn, nhục nhã, cả về tinh thần lẫn vật chất. Sự mất mát to lớn nhất là chàng đã để vuột ra khỏi tầm tay một hạnh phúc, một chân hạnh phúc mà bất cứ con người nào ở cõi đời này cũng đều mơ ước. Nhưng chàng có một an ủi rất lớn là đã chinh phục được Quỳnh về mặt tình cảm, vì thế chàng lại tin tưởng ở tương lai. Có ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai đâu, chàng tự nhủ.
11
S
au một tuần về Saigon nghỉ ngơi, Chuyên trở lại nhiệm sở mới để bắt đầu một giai đoạn khác trong cuộc đời dạy học. Chàng không còn hăm hở như niên học trước nữa, nhưng chàng cũng chưa biến thành một kẻ văng mạng như Hoằng. Chàng đã suy nghĩ kỹ xem có nên đổi nghề không ? Chuyện đi lính, vào Thủ Đức, chàng không ngại, vì có cả trăm ngàn cách để trốn, nếu thực sự muốn trốn. Cuối cùng chàng quyết định ở lại với cái nghề mà người ta thường gọi đùa là nghề "bán cháo phổi". Nghề này trước kia được coi là một nghề cao quý và đã có nhiều bậc thầy đáng kính, bằng lòng với cuộc sống thanh đạm để rèn luyện cho thế hệ tương lai. Ngày nay, vì xã hội thay đổi, vì cuộc sống trở nên xô bồ, bấp bênh trong một nước đã chịu đựng một cuộc chiến tranh kéo dài quá một phần tư thế kỷ, lúc âm ỉ lúc bột phát, hầu như tất cả các giá trị cũ trong xã hội không còn đưọc tôn trọng nữa. Nghề dạy học tất nhiên cũng chịu ảnh hưởng chung. Dù bất mãn với các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, chàng vẫn chưa thể vùi dập lương tâm mình để coi nghề dạy học là một nghề kiếm ăn độ nhật như những nghề khác. Theo chàng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào, "nghề Thầy" vẫn có một giá trị riêng và vẫn cao quý. Vì thế, chàng cho rằng chẳng có một lý do nào khiến chàng phải đổi nghề.
Cuộc hành trình ra biên giới Miên-Việt của Chuyên lần này vất vả hơn lần trước vì chàng phải mang theo nhiều hành lý. Chàng trù tính sẽ ở luôn đến tận nghỉ hè mới về Saigon, nên đã mang theo rất nhiều sách để đọc. Chàng rất cảm kích khi được biết Hưởng và Kim đã thu xếp sẵn nơi ăn ở cho chàng. Chàng ở chung với hai bạn đồng nghiệp, một người tên Trọng dạy Triết và một người tên Hồ dạy quốc văn. Kim cẩn thận dặn trước :
"Thằng Trọng suốt ngày nói triết lý...cùn, còn thằng Hồ cứ ngâm thơ ông ổng, điếc cả tai. Nhưng chúng nó đều là những người tốt, chơi được."
Quả nhiên, khi Chuyên được gặp Hồ, sau lời giới thiệu của Kim, Hồ bèn ngâm thơ :
"Cùng một lứa bên trời lận đận, Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau."
Kim nháy mắt, nói với Chuyên :
"Anh thấy chưa ? Liệu có chịu nổi không ?"
Chàng đáp ngay :
"Tôi dốt thơ văn, nhưng nghe ngâm thơ thì thích lắm."
"Vậy thì được, Kim vui vẻ nói. Hồ ơi, bây giờ có người chịu nghe mày ngâm thơ rồi đó. Thích nhé ! Ngâm thả cửa đi cho vui nhà."
Hồ sốt sắng giúp Chuyên thu xếp chỗ ngủ, chỗ làm việc. Căn nhà rộng mà chỉ mới có hai người nên Chuyên được dành cho một phòng riêng, như hai người bạn kia. Đến chiều, tan học, Trọng mới về. Cũng như Hồ, Trọng tỏ ra thân mật ngay với Chuyên. Trọng dặn dò người bạn mới :
"Để cho nhà cửa được sạch sẽ và ấm cúng, bọn tôi chỉ có một điều cấm kỵ là không bài bạc, không đưa gái về hú hí."
Chuyên vui vẻ :
"Điều đó thì các anh khỏi lo. Còn điều cấm gì khác nữa không, xin cho biết ngay để giữ gìn. Nhập gia tùy tục mà."
Trọng khoát tay nói lớn :
"Libre comme le vent !"
Tồi hôm đó, Chuyên và bốn người bạn mới ăn mừng cuộc gặp gỡ ngay tại nhà...
Cuộc sống của Chuyên ở nhiệm sở mới tương đối yên tĩnh. Đối với các bạn đồng nghiệp, từ hiệu trưởng đến các nhà giáo trẻ măng, chàng thấy không có gì đáng phiền trách, phàn nàn. Hầu như ai cũng mang tâm trạng của một kẻ bị lưu đày, trừ một vài người sinh trưởng tại địa phương. Học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, không đua đòi, có lẽ vì xa chốn đô thị phồn hoa. Chúng đa số là con nhà nghèo nên sách vở thiếu thốn. Để có bài học, chúng mượn sách về chép nguyên văn ra mấy cuồn vở. Đó là một công trình vĩ đại vì đòi hỏi rất nhiều thì giờ. Có sách dày ngót ba trăm trang in, chúng cũng không bỏ sót một chữ nào. Hết năm, chúng có thể bán lại cho những học sinh mới lên . Chuyên không những thương hại mà còn khâm phục chúng nữa. Đã nhiều lần chàng muốn bỏ tiền riêng để mua một số sách tặng chúng, nhưng lại nhớ đến chuyện cũ, đành dẹp bỏ ý định giúp đỡ đó đi.
Nhờ không khí vui vẻ và cởi mở giữa các đồng nghiệp, Chuyên dần dần lấy lại được lòng tin tưởng vào việc dạy học. Chàng giảng bài cẩn thận hơn và chịu khó chấm bài hàng tuần để học sinh được tiến bộ nhanh chóng. Mối thù hận đối với lão Trương, hiệu trưởng trường cũ, dần dần nguôi đi. Nhờ vậy, chàng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn trước.Thế mới biết thù hận làm mình khổ trước. Bây giờ chàng mới nhận ra điều đó. Chàng để hết tâm trí vào việc dạy học. Ngoài những giờ bận rộn với nghề nghiệp, chàng thường dành nhiều thì giờ đọc sách. nhưng thời gian định dành cho việc đọc sách đó thường bị gián đoạn vì hình ảnh Quỳnh. Từ ngày chia tay với nàng, chàng không nhận được một tin tức nào của nàng. Diên đã ra miền trung nhậm chức phó tỉnh trưởng chưa ? Quỳnh đã theo chồng chưa ? Có lần chàng định viết thư cho Hoằng để hỏi về nàng, nhưng phải bỏ ngay ý định đó vì chỉ sợ Hoằng loan truyền cho mọi người biết để khoe mình thuộc loại người "thông thạo tin tức". Chàng tiếc là hôm gặp nàng lần cuôi chàng không cho nàng địa chỉ mới của chàng. Vậy thì làm sao có thể biết tin nàng được ? Đành phải chờ đợi.
Trong khi đó, hai người bạn ở chung với chàng cũng làm chàng vui và yêu đời vì cái gàn của họ. Trọng thì hay giở triết lý mà chàng gọi đùa là "ba xu". "Chuyên ơi, cậu phải hiểu rằng cuộc đời ngắn ngủi lắm. Dù có sống đủ trăm năm thì cũng chỉ như...." Hồ bèn cướp lời :"Như bóng sổ, như gang tay." "Ờ ờ, đúng rồi. Vì thế, lắm lúc mình tự hỏi : “To be or not to be ?" Chuyên cũng phụ họa để nói đùa cho vui :"Làm sao 'Not to be' được, vì rõ ràng mình có ăn, có uống, có bài tiết, thì mình phải đang sống thực, không thể nghi ngờ được." Trọng gật gù :"Ừ, cậu nói đúng. Nhất là lúc mình bài tiết thì rõ ràng mình đang sống nhăn. Không sống thực sao lại thấy thối, thấy khai ? Khi mình đau khổ vì táo bón thì nhất định không thể là mơ được" Hồ vẫn không chịu, đọc thơ cổ :"Sử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh ! Các cậu nói chuyện dơ bẩn quá. Cái gì mà thối với khai, cái gì mà táo bón ? Thơ văn ngày xưa hay như thế mà các cậu không biết thưởng thức. Đúng là dùi đục chấm mắm cáy !" Trọng tỏ ra phân vân, Chuyên vẫn đùa :"Nè, các cậu phải cẩn thận nhé. Khi mơ thấy ngủ với dàn bà mà xuất tinh thì người ta kêu bằng mộng tinh đó. Các cậu đã trải qua kinh nghiệm mộng tinh mấy lần rồi ?" Cả hai cùng vội đáp :"Chưa bao giờ !" Chuyên gật gù :"Ừ, thế thì tốt, vì nếu mộng tinh nhiều lần là có bệnh, phải đi chữa ngay, kẻo hại đến đường con cái sau này."
Nhờ những câu chuyện lẩm cẩm như vậy hàng ngày, Chuyên cũng tạm khuây khỏa nỗi nhớ Quỳnh. Cuộc sống của chàng nơi "đất trích" cũng đã tạm yên. Sau thất bại vì thiếu kinh nghiệm mà cũng vì quá nồng nhiệt với nghề "gõ đầu trẻ", chàng tự an ủi bàng tình yêu của Quỳnh, chờ đến nghỉ hè sẽ về Saigon tìm cách liên lạc với nàng. Chàng đoán nàng đã theo chồng ra miền Trung. Lắm lúc chàng lại hy vọng nàng sẽ tìm cách liên lạc với chàng ngay ở nơi "khỉ ho cò gáy" này.
Nhưng cuộc sống của chàng chỉ tạm yên ổn có một thời gian ngắn. Lão Trương và viên tỉnh trưởng nơi nhiệm sở cũ vẫn rắp tâm theo đuổi việc trả thù. Lão gửi cho Hưởng một lá thư dài, tố cáo Chuyên là cán bộ cộng sản nằm vùng. Hưởng đưa cho chàng đọc lá thư rồi đốt đi vì cho đó là hành động của một kẻ tiểu nhân không đáng chấp. Anh cũng không buồn trả lời lão Trương. Có lẽ thấy thư của mình chưa làm hại được kẻ thù, lão Trương xúi giục viên tỉnh trưởng nói chuyện thẳng với viên tỉnh trưởng nơi biên khu này. Thế là Chuyên gặp rắc rối. Chàng bị công an làm phiền. Ngày nào họ cũng gọi chàng tới để thẩm vấn. Họ hỏi đủ mọi thứ chuyện để cố tìm xem chàng có liên lạc gì với Việt cộng không. Suốt một tháng liền như vậy, Chuyên đâm hoảng, dù vẫn tin mình hoàn toàn vô tội. Dần dần chàng mất ăn mất ngủ, gầy xọp hẳn đi, hai má hóp lại, đôi mắt sâu hoắm. Việc dạy học cũng bị ảnh hưởng nặng. Vào lớp, chàng không buồn giảng bài, cả tháng học sinh không làm một bài tập nào. Chỉ trong có một thời gian ngắn, chàng già hẳn đi. Nhiều bạn đồng nghiệp rất ái ngại cho chàng. Do đó, một hôm, Kim nói với Hưởng :
"Toa phải nhân danh hiệu trưởng can thiệp ngay vụ này đi. Moa thấy thằng Chuyên xuống tinh thần quá rồi. Trưởng ty công an thân với toa lắm mà."
Hưởng gật đầu :
"Moa đã nghĩ đến chuyện đó từ lâu, nhưng lại muốn để bên công an làm việc của họ cho xong , rồi mới can thiệp, sau này họ không trách mình được. Khi nhận được thư tố cáo, tất nhiên họ phải điều tra và theo dõi. Chiều nay moa sẽ gặp xừ Thường. Thằng Chuyên thì cộng sản cái con mẹ gì. Cái thằng tu xuất thù dai thiệt ! Có lẽ nhân viên dưới quyền hành thằng Chuyên chứ xừ Thường chắc cũng không biết đâu. Xừ ấy trăm công ngàn việc, để ý gì nhửng chuyện vặt vãnh."
Trước khi gặp trưởng ty công an, Hưởng nói chuyện với Chuyên. Chàng mừng rỡ :
"Xin anh ráng giúp vì nói thật với anh là tôi đã có ý định bỏ trốn về Saigon, dù sao ở trển tôi cũng có nhiều người quen. Ở đây thân cô thế cô, chả biết trông cậy vào ai."
Hưởng trấn an :
"Moa hứa với toa cái trò hề này sẽ chấm dứt ngay sau khi moa gặp xừ Thường. Có thể ngay ngày mai cũng không chừng. Cứ yên tâm đi."
Quả nhiên, hôm sau Chuyên được mời tới ty công an lần chót. Viên trưởng ty công an đã đích thân hỏi han chàng và cho biết từ nay chàng cứ ăn ngon ngủ yên vì ông đã nhận thấy chàng hoàn toàn vô tội.
Những tưởng sóng yên bể lặng từ đây, ai ngờ một cơn bão khác lại nổi lên. Trận bão này rất cuồng bạo khiến Chuyên lao đao.
Một tờ nhật báo ở Saigon đăng một bài của một người tự nhận là phụ huynh học sinh tố cáo vu vơ rằng một số giáo sư ở trường biên khu này đã dụ dỗ nữ sinh đi vào con đường dâm ô tồi bại. Dư luận trong tỉnh tức thì xôn xao náo loạn. Tất cả các nam giáo sư đều bị nghi ngờ. Bọn nữ sinh cũng ngơ ngác tìm hiểu xem những nữ sinh nào đã bị các thầy dụ dỗ. Một số ký giả của mấy tờ báo khác căn cứ vào lời tố cáo vu vơ ấy để viết nhiều bài đả kích nền giáo dục mà họ lên án là suy đồi. Bộ giáo dục vội ra lệnh cho nha trung học phải điều tra gấp và phúc trình trong hạn một tuần lễ. Một phái đoàn thanh tra gồm ba người hối hả chạy ra biên khu. Không may cho Chuyên là trong phái đoàn đó có vị thanh tra già đã từng gặp chàng và lão Trương nơi nhiệm sở cũ. Sau khi nghe câu chuyện lão Trương bịa đặt về chàng mà không cho phép chàng tự biện hộ, ông đã có thành kiến xấu đối với chàng.
Việc đầu tiên, phái đoàn thanh tra họp kín với ban giám đốc nhà trường, gồm Hưởng Kim và Đức, tổng giám thị. Cả ba đều cực lực đính chính tin đồn vu vơ và quả quyết không một nữ sinh nào ở trường này bị dụ dỗ. Tỉnh nhỏ, trường nhỏ, học sinh ít, nếu có chuyện gì bất thường ngay dân trong tỉnh đã biết trước khi báo chí ở Saigon hay tin. Báo chí thường thiếu tin giật gân để lôi kéo độc giả nên dù là thư tố cáo vu vơ cũng cho đăng. Rồi một số ký giả không ưa bộ giáo dục, vì một lý do nào đó, căn cứ vào lá thư tố cáo mà viết bài chỉ trích, cũng không ngoài mục đích lôi kéo độc giả. Nếu cần, phái đoàn có thể họp với ban điều hành của hội phụ huynh học sinh. Nhưng mấy ông thanh tra không đồng ý với ban giám đốc nhà trường vì họ lý luận rằng "phải có lửa mới có khói" ! Viên thanh tra già bỗng hỏi :
"Có phải ông giáo sư Chuyên dạy Anh văn ở đây không ?"
Kim biết là ông ta có thành kiến, vội đáp ;
"Dạ đúng, nhưng ổng là một giáo sư gương mẫu của trường này, một con người rất đứng đắn."
Viên thanh tra cười nhạt :
"Nhưng ở trường cũ ông ấy đã có thành tích xấu là...dụ dỗ nữ sinh."
Hưởng than thầm là Chuyên đã gặp phải hung tinh. Anh ôn tồn nói :
"Thưa ông thanh tra, chuyện cũ tôi không biết đúng được bao nhiêu phần trăm vì chưa có một cuộc điều tra cặn kẽ, đến nơi đến chốn nào, chỉ mới do lời ông hiệu trưởng Trương tố cáo thôi. Ông Trương thù ông Chuyên nên bịa chuyện để hại người ngay. Tôi không rõ hai người thù hằn gì nhau vì không phải chuyện của tôi nên tôi không tìm hiểu. Khi ông Chuyên đã bị...nha trừng phạt thuyên chuyển về đây, ông Trương còn chưa hả lòng nên đã viết một bức thư riêng cho tôi kể xấu ông ấy. Ngoài ra, ông tỉnh trưởng nơi nhiệm sở cũ của ông Chuyên còn vu cho ông Chuyên là cán bộ cộng sản nằm vùng nữa. Nhưng ty công an tỉnh này đã điều tra xếp hồ sơ lại vì không có chứng cớ. Vậy bây giờ nếu không có ai tố cáo đích danh ông Chuyên thì quý vị không thể chĩa mũi dùi vào một mình ông ấy được. Khi điều tra, xin quý vị đừng có thành kiến với bất cứ ai để khỏi có người bị oan."
Viên thanh tra tím mặt, nói như gắt :
"Xin ông hiệu trưởng đừng có dạy chúng tôi cách điều tra."
Hưởng vội đáp :
"Chúng tôi chỉ muốn nêu ra một nguyên tắc khách quan mà thôi."
Kim nói theo :
"Từ ngày ông Chuyên đổi về đây, Chúng tôi chưa thấy ông ấy có điều gì đáng trách. Ông được bạn bè quý mến, học sinh kính phục. Trường chúng tôi là trường nhỏ, nếu có chuyện gì bất thường là không những cả trường mà cả tỉnh cùng biết ngay. Theo chỗ chúng tôi biết, ngoài giờ dạy học ở trường, ông ấy chỉ giải trí bằng cách đọc sách. Ngay cả Saigon ông ấy cũng chưa về lần nào." .
Viên thanh tra nhún vai :
"Những điều ông giám học vừa nói chưa thể bảo đảm là ông Chuyên không làm bậy, vì thế tôi muốn nói chuyện với ông ấy trước đã."
Một viên thanh tra tuổi trung niên cân thận đề nghị :
"Theo tôi, mình nên phối hợp cả hai cách. Vừa mời ban chấp hành hội phụ huynh học sinh đến họp vừa hỏi ông giáo sư Chuyên."
Hưởng nhìn hai người dưới quyền để hỏi ý. Kim gật đầu, còn viên tổng giám thị tỏ vẻ bất mãn :
"Tôi cũng đồng ý phương pháp đó, dù rằng việc hỏi riêng ông giáo sư Chuyên là không công bằng, nếu không muốn nói là có tính cách...thù vặt."
Viên thanh tra già hỏi ngay :
"Tôi thù gì ông ấy ?"
Viên tổng giám thị bướng bỉnh :
"Không thù mà chỉ nhắm có một mình ông ấy thôi ? Trường này có cả mấy chục nam giáo sư, sao không hỏi người khác mà cứ hỏi ông Chuyên ?"
"Vì hồ sơ ông Chuyên rất xấu." Viên thanh tra già hậm hực đáp.
Viên tổng giám thị không chịu thua, hỏi lại ngay :
"Vậy, ông thanh tra đã xem hết tất cả mấy chục hồ sơ chưa ?"
Viên thanh tra già cứng lưỡi, im lặng. Hưởng vội lên tiếng để viên thanh tra già đỡ bị lúng túng vì bẽ mặt :
" Thôi, anh Ðức ! Anh cho mời ban chấp hành hội phụ huynh học sinh tới họp với các vị thanh tra vào lúc 9 giờ sáng mai. Còn Kim, cậu báo cho ông giáo sư Chuyên biết sáng sớm mai gặp ông thanh tra trước khi họp với hội phụ huynh học sinh."
Như nhớ ra điều gì, anh nói nhỏ với viên tổng giám thị :
"À, cậu liệu thu xếp nơi ăn chốn ở tạm tối nay cho các vị thanh tra nhé."
Khi Kim và Ðức đã ra khỏi phòng, Hưởng phải ngồi lại nói chuyện với các viên thanh tra cho đến khi Ðức trở lại mời mấy vị khách phương xa tới khách sạn.
Sáng sớm hôm sau, vì đã được thông báo trước, Chuyên ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt đàng hoàng tới trường sớm để gặp viên thanh tra già. Hưởng nhường văn phòng của mình cho hai người. Anh sang phòng giám học ngồi đợi.
Vừa trông thấy viên thanh tra già, Chuyên có giọng khiêu khích hỏi ngay :
"Tại sao ông thanh tra lại cứ theo đuổi tôi mãi thế ? Ông nghe lời thằng Trương, đày tôi ra tận đây mà chưa hả lòng sao ? Tôi có tội tình gì mà bị ông hành quá vậy ?"
Viên thanh tra nghiêm giọng :
"Ông ngồi xuống đi, rồi nói chuyện đáng hoàng."
"Không ngồi ! Thích đứng thì đã làm sao ? Ông chưa trả lời tại sao ông cứ tìm cách hành tôi như vậy ?"
"Người ta tố cáo ông dụ dỗ nữ sinh..."
Chuyên la to :
"Vu khống ! Ai đã tố cáo đích danh tôi, ông trưng bằng cớ ra đi !"
Viên thanh tra trừng trừng nhìn chàng mà không thốt được nửa lời. Hưởng và Kim nghe tiếng la, vội chạy sang, đứng ở cửa dòm vào. Chuyên lại nói lớn hơn :
"Tôi biết tại sao mấy người cứ thích hại tôi. Ông vểnh tai mà nghe đây : vì tôi là Bắc kỳ di cư ! Ông và thằng Trương là người Nam nên toa rập nhau để hại người Bắc như tôi. Bọn Liên trường các ông đều là những thằng khốn nạn, bất tài, ngu dốt, mới có đầu óc kỳ thị vì không bằng người khác. .."
Hưởng vội chạy vào can Chuyên :
"Thôi, toa. Thế đủ rồi..."
Chuyên gạt tay Hưởng, tiếp tục nói lớn :
"Toa cứ để moa cho tụi chúng nó một trận. Cùng lắm là đi lính chứ đã chết chóc gì đâu mà sợ. Vì ghen, vì có mặc cảm thua kém người Bắc, chúng nó liên kết nhau để tìm cách hại người Bắc. Đồ vô liêm sỉ cả lũ !"
Biết không thể can nổi chàng trong cơn "tức nước vỡ bờ", Hưởng và Kim đành kéo chàng ra khỏi phòng, trong khi viên thanh tra giận đến tím mặt mà không nói được một câu nào để chống chế hay cải chính. Sau đó, lão không chịu tham dự buổi họp với ban điều hành của hội phụ huynh và giáo sư nhà trường, Lão trốn trong phòng hiệu trưởng cho đến lúc ra xe về Saigon vào buổi trưa.
Vì không có viên thanh già quá khích, buổi họp của hội phụ huynh học sinh đã đi đến một kết quả nhanh chóng là hội sẽ gửi thư cho tờ báo đã đăng lá thư tố cáo vu vơ yêu cầu phải đăng thư đính chính của hội trong vòng ba ngày, nếu không sẽ bị kiện về tội vu khống và mạ lỵ. Kim được ủy nhiệm mang thư của hội với đầy đủ chữ ký của những người có mặt trong buổi họp, trừ hai viên thanh tra là quan sát viên, lên Saigon nhờ luật sư tống đạt thư cho nhà báo.
Sau khi nhà báo vô trách nhiệm ấy đăng lá thư của hội phụ huynh, dư luận về chuyện dụ dỗ nữ sinh ở trường biên khu biến đi rất nhanh. Dân trong tỉnh thở phào nhẹ nhõm, tất cả các giáo sư của trường cũng vui vẻ, mừng rỡ. Người vui nhất có lẽ là Chuyên vì chàng đã nói hết được những điều ấm ức trong lòng từ bao lâu nay. Bây giờ chàng trở lại việc giảng dạy một cách hăng hái. Tuy nhiên, chàng vẫn chờ đợi cuộc báo thù của viên thanh tra già đầy óc kỳ thị.
Quả nhiên, chưa đầy hai tháng sau, Chuyên nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển lên một tỉnh ở miền cao nguyên Trung phần. Trong khi Hưởng và Kim tỏ vẻ tức giận, Chàng thản nhiên nói :
"Đi đâu cũng được, biên giới Miên hay đèo heo hút gió thì cũng là phải xa Saigon rồi. Bọn chúng nó hẹp hòi và hèn nhát, nhưng moa đâu có ngán. Moa sẽ còn chửi chúng nó nữa nếu có dịp."
Hưởng đề nghị :
"Moa sẽ làm đơn xin giữ toa lại, viện cớ toa chẳng có tội tình gì và trường đang thiếu giáo sư Anh văn. Ông Hào vừa được đổi về Cần Thơ, nếu toa đi nữa thì không còn ai dạy Anh văn."
Thấy bạn có nhiệt tình với mình, Chuyên bằng lòng ở lại trường. Hưởng vui vẻ :
"Xong rồi ! Toa cứ ở đây với bọn moa cho đến khi nào toa có cơ hội tốt đổi hẳn về Saigon. Moa chỉ khuyên toa một điều là từ nay đừng gây gổ, cãi lộn với bọn thanh tra."
Kim nói theo :
"Mình đã chọn nghề dạy học thì chỉ cần biết có học sinh thôi. Những chuyện lảm nhảm khác coi như ‘pha’ mới đuợc."
Chuyên thở dài :
"Thì moa vẫn coi như ‘pha’, ‘dĩ hòa vi quý’, nhưng chúng nó đâu có chịu để mình yên. Chúng nó còn đụng đến moa, moa còn chửi. Vừa rồi moa làm được một mách cũng đã đời, nhưng chưa hả giận đâu. Bọn đầu óc hẹp hòi kỳ thị này phải diệt cho hết vì chính chúng nó đã gián tiếp tiếp tay cho cộng sản."
Hưởng xoa nhẹ lưng chàng, cười :
"Thôi mà, toa. Thế đủ rồi. Bọn moa tất nhiên là đứng về phe toa, nhưng ôn hòa hơn."
"Thì moa rất ôn hòa đấy chứ. Khi biết mình đã bị thất bại một vố nặng nề, moa chấp nhận hình phạt của bọn chúng nó. Nhưng ‘cây muốn lặng mà gió chẳng đừng’ “ !
Kim trấn an;
"Bây giờ thì hết gió rồi, toa cứ an tâm đi. À, vừa rồi ,ông chủ tịch hội phụ huynh học sinh có ý kiến muốn viết thư lên bộ giáo dục bênh vực và ca tụng toa. Như vậy, bộ càng không có lý do gì đổi tao ra miền Trung nữa."
Chuyên đáp xuôi :
"Tùy các toa tính toán, định liệu. Moa rất cảm kích khi thấy các toa đã bênh vực moa hết lòng."
TẠ QUANG KHÔI * BẾN MÊ II
Sau vụ rắc rối với viên thanh
tra nặng đầu óc kỳ thị, cuộc sống của Chuyên ở ngôi trường nơi biên khu tương
đối yên tĩnh. Nhưng cái nhìn của chàng đối với cuộc đời, với nghề dạy học đã
thay đổi nhiều. Lương tâm chức nghiệp của chàng qua bao nhiêu sóng gió đã giảm
sút đáng kể. Chàng nhận thấy mình càng có nhiều lương tâm càng gặp khó khăn.
Bạn đổng nghiệp thì chê là "ngựa măng háu đá", là "con nít mới
ra trường". Rồi họ khuyên :"Ông bạn ơi, ông bạn nên đi nha sĩ cho
người ta mài bớt hàm răng nhọn của lương tâm đi để nếu nó cắn cũng không đau
mấy nữa." Hoặc :"Mày bán quách lương tâm cho Mẽo đi, lấy đô la xanh
mà xài. Giữ nó chỉ khổ vào thân thôi."
Bây giờ thì chàng thảnh thơi rồi. Chàng không còn nhiều lương tâm nữa. Có ai
hỏi thì chàng nói đùa :" Moa đem ra tiệm cầm đồ rồi, kiếm được tý tiền còm tiêu vặt." Thật ra tư cách của các cấp lãnh đạo bộ giáo dục, cũng là những hội viên hội Liên trường chủ trương kỳ thị Nam-Bắc, làm chàng thất vọng đến lợm giọng. Bọn họ chả có bao nhiêu lương tâm, lúc nào cũng nặng tinh thần bè phái. Họ lại được những người Nam giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ ủng hộ nên càng hoành hành dữ dội, bất chấp cả luật pháp. Như vậy, cái thân hèn mọn, bé bỏng của Chuyên có nghĩa lý gì đâu, không bằng một hạt cát giữa đại dương. Như vậy, điều hay nhất, hợp lý nhất, là cố gắng cho lương tâm ngủ yên. Phải ứng dụng triệt để câu châm ngôn "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Chúng nó nhiễu nhương, chàng tự nhủ, tội gì mình ngay thẳng, trong sạch. Chúng nó ép mình phải bán rẻ hay cầm cố lương tâm để được yên thân thì mình cũng bán hay cầm đi cho cuộc đời đỡ vất vả, tội gì mà khư khư ôm lấy ! Đời đục sao riêng ta trong được !
Tuy nhiên, trước khi bước qua ranh giới của lương tâm, Chuyên cũng đã chịu đựng một cuộc tranh đấu nội tâm rất gay go. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chàng quyết định một cách rụt rè là dành nhiều thì giờ nghỉ ngơi và đọc sách hơn là chấm bài học trò. Trước kia, cứ mỗi tuấn chàng có thể chấm một bài cho một lớp. Bây giờ thì phải một hay hai tháng. Hôm nào không có hứng giảng bài, chàng lại bắt học trò làm bài tập để rồi ném vào một xó nhà cho chuột gậm hay dán nhấm. Nếu chẳng may có đứa nào dại dột nhắc tới, chàng bèn quắc mắt, nạt nộ cho nó câm họng lại. Từ đó, chàng cảm thấy cuộc sống dễ chịu, nhàn hạ, mà cũng chẳng ai rầy trách gì. Rồi chàng có nhiều bạn hơn. Đôi khi, những người bạn này rủ chàng ngồi vào chiếu bạc hoặc tham dự những trò giải trí khác. Chàng khéo léo từ chối để khỏi mất lòng bạn. Chàng muốn bắt chước Trọng và Hồ, có đời sống đượm vẻ vừa triết lý vừa lãng mạn mà người ta cho là gàn gàn, dở dở. Nhờ lối sống "gàn dở" hai người bạn ở cùng nhà với chàng đã phần nào trốn tránh thực tế đôi khi rất phũ phàng.
Nhưng điều an ủi và khích lệ nhất đối Chuyên là lá thư của Quỳnh. Từ ngày hai người xa nhau, đây là lần đầu tiên (mà cũng là lần đầu tiên trong đời chàng) nhận được thư của nàng. Thoạt nhìn thấy tên nàng trên một góc bao thư với nét chữ mềm mại và nắn nót, chàng tưởng như tim mình ngừng lại. Chàng mừng rỡ muốn reo thật to. Thư gửi qua văn phòng nhà trường. Nàng chỉ viết ngắn không đầy một trang nhưng đầy ý nghĩa. Trước hết nàng chúc mừng chàng đã qua một cơn sóng gió và khuyên chàng hãy dẹp bỏ bớt lương tâm đi. Nàng cũng biết nạn kỳ thị trong ngành giáo dục và cực lực phản đối chuyện kỳ thị đó, dù nàng là người Nam, sinh trưởng ở Sóc Trăng. Nàng hẹn gặp chàng trong kỳ nghỉ hè tới. Nàng cũng cho biết chồng nàng là phó tỉnh trưởng hành chánh ở một tỉnh miền Trung, nàng cho chàng biết địa chỉ hiện tại của nàng nhưng khuyên chàng không nên viết cho nàng, vì lý do gì thì chàng cũng đoán được. Chàng đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư ngắn ấy đến nỗi thuộc lòng...
Từ ngày đó, tháng nào Chuyên cũng nhận được thư Quỳnh. Thư chỉ ngắn, không đầy một trang giấy học trò, có lẽ vì nàng phải viết vội và lén lút. Nhưng dù ngắn chúng đều là những thang thuốc bổ khiến chàng khỏe lại và yêu đời như xưa.
Rồi niên học qua. Lễ phát thưởng được tổ chức vào buổi học cuối cùng. Lác đác chỉ có một số rất ít giáo sư tham dự buổi lễ. Nhiều người vừa hết giờ dạy là vội về ngay Saigon với gia đình hoặc phóng sang Cần Thơ để du hí. Chuyên không vội về Saigon vì Quỳnh đã báo cho chàng biết nàng sẽ chỉ có mặt ở Saigon trước các kỳ thi trung học có ít ngày.. Vì muốn gặp chàng nàng đã gửi đơn về nha Khảo thí tình nguyện làm thư ký hội đồng các kỳ thi ở Saigon. Nàng cũng không quên ghi địa chỉ của gia đình nàng ở Saigon. Dù không đi đâu, chàng cũng không dự buổi lễ phát thưởng, chỉ nằm nhà ngủ, đọc sách và mơ về người tình xa xôi cách trở.
Sau ngày bãi trường ít lâu, Chuyên nhận được giấy gọi đi coi và chấm thi ở Saigon. Chàng hăm hở rời nhiệm sở ngay.
Chàng được gặp Quỳnh tại nhà cha mẹ nàng. Vừa trông thấy nàng chàng ngây người ngắm. Sau nhiều tháng xa cách. Nàng đẹp hẳn ra, đẹp lộng lẫy và quyến rũ. Chàng đứng lặng ngắm nàng rất lâu mà không thốt được nửa lời. Chàng như bị mê hoặc trước nhan sắc kiều diễm của nàng. Chàng chỉ choàng tỉnh khi nàng vui đùa hỏi :
"Bộ em giống khỉ sở thú xổng chuồng hay sao mà anh hổng có thèm nói với em một lời ?"
Chàng vội đáp :
"Anh cứ ngỡ anh gặp tiên."
Nàng cười :
"Thôi đi, anh. Em không thích đi tàu bay giấy đâu. Mời anh vô nhà, đứng cửa mãi đâu có tiện."
Khi hai người ngồi đối diện nhau trong phòng khách rộng rãi, chàng thở dài nói :
"Em bây giờ thuộc về người khác rồi. Anh thật vô phúc."
Nàng buồn buồn :
"Cũng là duyên số cả, anh ạ. Giá anh đừng đặt nặng lương tâm chức nghiệp quá, giá anh cũng đừng hăng hái giúp đỡ trò Liên...thì đâu chúng mình có hiểu lầm nhau để phải xa nhau như ngày nay. Thôi, chuyện đã dĩ lỡ, mình đành chấp nhận...Bộ bây giờ anh không bằng lòng với mối tình em dành cho anh sao ? Em thú thật với anh, em chỉ yêu có anh thôi."
Chàng có giọng trách móc :
"Yêu anh mà em vội vàng đi lấy người khác ?"
Nàng nguýt chàng :
"Anh chỉ biết trách người thôi, còn lỗi của anh thì anh quên đi."
"Nhưng anh đâu có biết là em...có cảm tình với anh."
Nàng bỗng đỏ mặt, cười e thẹn :
"Nếu anh cho rằng chỉ có cảm tình thôi thì...quá nhẹ đó, anh à."
"Nghĩa là...nghĩa là em yêu anh từ hồi đó ?"
Nàng bẽn lẽn cười :
"Đùng chê em hư thì em mới dám nói hết..."
Chàng sốt sắng :
"Không, không bao giờ anh chê em bất cứ về chuyện gì."
Nàng vẫn rụt rè :
"Em yêu anh...từ phút đầu tiên gặp anh. ..Anh có nhớ hôm đó anh và em nhìn nhau một lúc lâu không ? Trước kia em vẫn nghĩ rằng tiếng sét...chỉ là sản phẩm tưởng tượng của mấy ông bà nhà văn, nhà thơ lãng mạn thôi. Ai dè, chính em bị tiếng sét đó. Anh có tin không ? Đôi mắt anh đa tình quá, quyến rũ quá. Khi anh nhìn ai thì như hút cả hồn người đó vào đôi mắt ấy. Và em đã bị anh thu mất hồn từ giây phút đó. Vậy mà anh vẫn vô tình, lại còn săn sóc, cưu mang con Liên nữa. Bất cứ ai cũng phải tin rằng anh yêu nó. Vì thế, em âm thầm đau khổ. Em nhận lời lấy anh Diên chỉ là một lối thoát cho sự bế tắc trong tâm hồn em mà thôi..."
Nghe nàng nói một hơi dài đượm vẻ vừa trách móc vừa than thở, chàng tê tái im lặng, không biết nên an ủi nàng như thế nào. Chàng cho rằng lúc này nói gì cũng là thừa, cũng chỉ làm tăng nỗi buồn của nàng mà thôi. Nàng khẽ thở dài tiếp :
"Ai mà không nghĩ anh yêu con Liên ? Giá anh giúp đỡ một nam sinh đi thì lại đi một lẽ. Con Liên đẹp vào loại nhất trường chớ có phải tầm thường đâu..."
Chàng ngắt lời nàng :
"Thật oan cho anh quá ! Anh tình ngay mà lý gian."
Nàng trề môi chế nhạo :
"Thôi đi ông ! Ông thì cả tình lẫn lý đều gian hết ! Chỉ có mình em là biết anh oan thôi. Nhưng lại biết trễ quá...mới ra nông nỗi."
"Sao em không biết sớm cho anh nhờ ?"
"Chỉ mãi khi sắp làm đám cưới với anh Diên em mới biết là anh không yêu con Liên. Nhưng lúc đó đã hết đường gỡ. Nói cho ngay, lúc đó, em cũng chưa chắc là anh yêu em."
"Bây giờ thì chắc chưa ?"
Nàng cười khanh khách :
"Nếu không chắc thì anh đâu có được phép ngồi đây với em."
Chàng chợt hỏi :
"Chả lẽ mình cứ ngồi đây nói chuyện xuông mãi sao ? Em thích đi đâu, anh đưa em tới đó."
Nàng suy nghĩ một chút rồi nói :
"Thông thạo đất Saigon là anh chứ không phải em. Em là con gái, có dám đi đến đâu đâu. Hay mình vào Chợ lớn, anh nhé ? Nhưng phải kiếm chỗ nào vắng người, lỡ gặp ai quen thì phiền lắm."
Chàng vui vẻ đứng lên ngay :
"Chân trời góc bể nào em thích, anh cũng đưa em đi được."
"Giá anh nói câu đó trước khi em là vợ anh Diên có phải hay không !"
Chàng đề nghị :
"Thôi, như em đã nói, chuyện đã lỡ, đừng trách móc nhau làm chi nữa. Biết đâu rồi mình chả có ngày..."
Nàng liền ngắt :
"Đừng hy vọng hão !"
Từ ngày đó, chiều nào hai người cũng đi chơi với nhau, dần dần hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn. Dù được nàng khuyên không nên hy vọng sẽ có thay dổi trong tương lai, chàng vẫn thấy một tia sáng lờ mờ đâu đó trong cái bầu trời đen tối đầy tuyệt vọng. Biết đâu, chàng thầm nhủ, biết đâu cuối cùng mình và Quỳnh chả được hưởng hạnh phúc bên nhau. Cứ tin tưởng đi, dù là hão huyền, dù là viển vông. Chàng nghĩ chính Quỳnh cũng ngấm ngầm nuôi một hy vọng nào đó. Nếu không, nàng khuyên chàng học thêm để làm gì ? Một hôm, nàng bỗng hỏi chàng về việc học. Chàng cho biết trong thời gian học sư phạm, chàng có hoc mấy chứng chỉ văn chương Anh, Mỹ bên đại họcï Văn khoa, chỉ còn một chứng chỉ nữa là chàng hoàn tất cử nhân. Đó là chứng chỉ văn chương Việt Nam, một chứng chỉ căn bản cho bằng cử nhân văn khoa. Nàng khuyến khích chàng cố học cho xong, vì biết đâu sau này sẽ có thể dùng tới. Nghe lời nàng,, chàng xúc tiến ngay việc học lại ở văn khoa, dù chưa biết sẽ dùng làm gì với cái bằng cử nhân ấy. Đa số những người có cử nhân văn khoa đã chọn nghề dạy học. Nhưng bây giờ đối với chàng ý Quỳnh là ý trời. Nàng thích là chàng phải chiều ngay.
Gần trọn ba tháng hè Chuyên và Quỳnh được gần gũi nhau, bõ những ngày phải
xa cách. Nhưng sự gần gũi không được liên tục, vì sau mỗi kỳ thi, nàng lại phải về với chồng khoảng một tuần hay mười hôm. Những ngày xa cách ấy làm hai người nhớ nhau nên cảm thấy cần có nhau hơn. Nếu chẳng may cứ phải sống trong tình trạng nửa vời như thế này mãi họ sẽ đau khổ triền miên. Nhưng làm sao có thể giải quyết được nỗi khó khăn này ? Rồi, gần cuối hè, khi các kỳ thi khóa hai bắt đầu, hai người không còn được gần nhau nữa. Nàng phải trở về miền Trung để sửa soạn cho niên học mới. Trong khi đó, Chuyên nhận được lệnh đi coi và chấm thi ở Cần Thơ. Quỳnh đã khóc khi hai người gặp nhau lần cuối trước khi chia tay. Chuyên muốn ôm nàng vào lòng để an ủi mà không dám vì có lần chàng chỉ mới nắm lấy tay, nàng đã phản đối.
"Xin anh đừng làm em sợ. Em đi chơi với anh như thế này đã là quá đáng rồi. Dù sao, anh Diên với em cho đến nay cũng chưa có gì bất hòa. Ảnh tin em nên mới để em về Saigon cho đỡ nhớ nhà. Ảnh đâu có biết rằng em nhớ nhà thì ít mà nhớ...ai đó thì nhiều. Dù yêu anh vô cùng, em tin rằng anh không yêu em bằng em yêu anh đâu, em cũng không thể buông thả để rồi bị lương tâm cắn rứt."
Sau khi tiễn người yêu lên máy bay, lòng Chuyên tan nát vì không biết chắc ngày gặp lại. Không lẽ chàng sẽ phải đợi đến mùa hè năm sau ? Ôi, cả một chuỗi thời gian dằng dặc dài. Làm sao chàng có thể sống sót những một năm trời xa cách ?
Khi nhận được giấy cử đi Cần Thơ coi và chấm thi, Chuyên định xin giấy bác sĩ để cáo bệnh. Nhưng sau, nghĩ đi nghĩ lại ở Saigon mà thiếu Quỳnh thì còn vui thú gì nữa đâu. Thế là chàng đành cùng một số bạn đồng nghiệp lên đường đi miền Tây.
Vì hình ảnh Quỳnh lúc nào cũng hiện rõ trong tâm tưởng, Chuyên coi thi một cách uể oải, thờ ơ đến nỗi thí sinh giở tài liệu ra chép hoặc coi bài của nhau, chàng cũng không biết. Viên giám thị hành lang phải vào phòng chàng nạt nộ thí sinh mấy lần, khiến chàng phải ngượng ngùng xin lỗi. Bà giám thị coi cùng phòng với chàng nhìn chàng tỏ vẻ ái ngại :
"Ông bịnh sao không xin nghỉ ? Tôi thấy có dư nhiều giám thị ngồi chơi trong văn phòng."
Chàng lắc đầu :
"Muốn nghỉ phải có giấy bác sĩ chứng nhận. Nếu không có giấy bác sĩ thì tử tế lắm cũng được ngồi văn phòng cho...các ông bà chánh phó chủ khảo sai vặt. Thà đứng trong phòng thi lại hơn."
Bỗng bà giám thị nói nhỏ với Chuyên :
"Kìa, cậu ngồi bàn thứ ba cạnh cửa sổ có tài liệu trong ngăn bàn."
Chàng nhẹ nhàng bước nhanh về phía cửa sổ, lách vào lối đi thật hẹp sát tường, đến bên thí sinh đang chăm chú mở tài liệu. Chàng xuất hiện bất ngờ quá khiến cậu nhỏ giật mình, luống cuống, không kịp giấu cuốn giấy nhỏ trong ngăn bàn. Cậu bé mặt tái nhợt, hai tay run rẩy. Chàng chìa tay ra hỏi :
"Tài liệu gì, cho tôi coi được không ?"
Thằng nhỏ vội chắp hai tay trước ngực, van xin :
"Con lạy thầy...Con trót dại...Xin thầy tha cho con lần đầu."
Chàng vẫn chìa tay, nói :
"Thì cứ đưa tôi coi đã nào."
Không còn cách nào khác, thằng nhỏ phải vâng lời. Đó là một cuộn giấy nhỏ, chữ viết li ti, có nhiều phần liên quan đến bài đang thi. Chàng cười, bảo thằng nhỏ :
"Công ngồi chép phim như thế này thà học cho thuộc có phải hơn không ? Bây giờ anh tính thế nào đây ? Người ta đã cấm mang tài liệu vào phòng thi, anh bị bắt quả tang, chắc không thể tha được đâu. Có hai cách giải quyết : một là tôi làm biên bản và đề nghị cấm thi, ít nhất cũng kỳ này; hai là tôi cho anh nộp giấy trắng, coi như anh bỏ cuộc. Đó là giải pháp khoan dung."
Thằng nhỏ nước mắt vòng quanh, mếu máo :
"Xin thầy thương con...Con rớt kỳ này là đi lính...hết được học nữa..."
"Biết như vậy, tại sao anh không chịu học ?"
"Bị con...con...mắc đi làm..."
Chàng nghiêng đầu ngắm nó từ đầu đến chân, rồi nghi ngờ hỏi :
"Anh mà phải đi làm ? Ba má anh hiện ở đâu ? Làm gì ?"
Nó cúi mặt, đáp khẽ :
"Con không có ba...Má con chết rồi..."
"Nghĩa là ba má anh chết cả rồi ?"
Nó lắc đầu :
"Con không có ba, chỉ có má thôi..."
Chàng ngạc nhiên :
"Tại sao không có ba ?"
Nó không đáp, chỉ mếu máo van xin :
"Lạy thầy, xin thầy tha cho con lần đầu..."
Chàng không nói gì nữa, cầm cả tờ giấy thi lẫn cuốn tài liệu lên bàn giám thị, rồi hỏi bà bạn đồng nghiệp :
"Bà tính sao ?"
Bà liền lắc đầu :
"Cái đó tùy ông, tôi không có ý kiến gì."
Chàng không ngạc nhiên về câu trả lời trút trách nhiệm cho người khác, vì dù sao chàng cũng là giám thị chính, bà chỉ phụ thôi. Chàng lẳng lặng lục tìm trong chồng phiếu báo danh và căn cước hay thẻ học sinh để tìm lý lịch của thí sinh vừa bị bắt vì gian lận. Trong phần "Tên cha", ghi “vô danh”. Phần "Tên mẹ", có ghi rõ họ và tên, nhưng bên cạnh, trong ngoặc đơn thêm chữ "chết". Như vậy, nó đã khai thật. Chàng bỗng nghe lòng rộn lên một niềm thương. Chàng trở lại chỗ thí sinh ngồi, dịu giọng nói :
"Giải pháp thứ ba là tôi cho anh giấy trắng để anh làm bài lại, được chữ nào hay chữ nấy."
Thằng nhỏ khóc lóc, nước mắt nước mũi ràn rụa, lại van xin :
"Xin thầy nhủ lòng thương...Con đi học được cũng là một việc rất khó khăn..."
Chàng có giọng thông cảm :
"Tôi hiểu hoàn cảnh của anh nên mới cho anh giấy trắng làm lại..."
"Nhưng, thưa thầy, chỉ còn có mười lăm phút nữa thôi...mà con lại chẳng nhớ gì hết..."
Chàng mủi lòng, lưỡng lự chưa biết tính sao, một viên giám thị hành làng chợt đi qua. Thấy có chuyện bất thường trong phòng thi, ông ta bước vào ngay. Chuyên than thầm :"Thế là hỏng bét rồi !" Quả nhiên, sau khi biết chuyện gian lận của thằng nhỏ, viên giám thị hành lang nhất định bắt làm biên bản cấm thi. Chuyên đành phải nghe theo. Nhưng khi viết đến phần đề nghị cấm thi, chàng ngập ngừng mãi. Cuối cùng chàng chỉ đề nghị đánh trượt khóa này thôi.
Nhìn thằng nhỏ cúi đầu hổ thẹn bước ra khỏi phòng thi, Chuyên chợt hối hận. Đời nó rồi sau này sẽ ra sao ? Đi lính, ra trận, rồi bị thương đến què cụt hay gục ngã ngoài chiến trường ? Chàng thầm nói như tự trách :"Bất công ! Ở cõi đời này, thiếu gì kẻ phạm pháp công khai mà có bị trừng phạt gì đâu. Ăn cắp của công, ức hiếp dân lành, không là những tội đáng trừng phạt đó sao ? Mình chỉ dám ăn hiếp một thằng con nít thôi ! Tội nghiệp nó không có cha, mẹ lại chết sớm. Mình đúng là một tên hèn !" Thật ra, chàng cũng không thể làm khác được, vì dù sao chàng cũng chỉ là một trong nhiều tay sai của kẻ khác. Muốn yên thân phải làm theo lệnh cấp trên. Vả lại, thi cử cũng phải có luật lệ mới duy trì được sự công bằng. Nếu cứ chiều theo tình cảm thì rối loạn không thể tránh được.
Thấy chàng có vẻ băn khoăn, bà giám thị cùng coi thi với chàng chợt hỏi :
"Ông đề nghị chỉ đánh rớt khóa này có nhẹ không ?"
Bây giờ thì chàng thảnh thơi rồi. Chàng không còn nhiều lương tâm nữa. Có ai
hỏi thì chàng nói đùa :" Moa đem ra tiệm cầm đồ rồi, kiếm được tý tiền còm tiêu vặt." Thật ra tư cách của các cấp lãnh đạo bộ giáo dục, cũng là những hội viên hội Liên trường chủ trương kỳ thị Nam-Bắc, làm chàng thất vọng đến lợm giọng. Bọn họ chả có bao nhiêu lương tâm, lúc nào cũng nặng tinh thần bè phái. Họ lại được những người Nam giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ ủng hộ nên càng hoành hành dữ dội, bất chấp cả luật pháp. Như vậy, cái thân hèn mọn, bé bỏng của Chuyên có nghĩa lý gì đâu, không bằng một hạt cát giữa đại dương. Như vậy, điều hay nhất, hợp lý nhất, là cố gắng cho lương tâm ngủ yên. Phải ứng dụng triệt để câu châm ngôn "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Chúng nó nhiễu nhương, chàng tự nhủ, tội gì mình ngay thẳng, trong sạch. Chúng nó ép mình phải bán rẻ hay cầm cố lương tâm để được yên thân thì mình cũng bán hay cầm đi cho cuộc đời đỡ vất vả, tội gì mà khư khư ôm lấy ! Đời đục sao riêng ta trong được !
Tuy nhiên, trước khi bước qua ranh giới của lương tâm, Chuyên cũng đã chịu đựng một cuộc tranh đấu nội tâm rất gay go. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chàng quyết định một cách rụt rè là dành nhiều thì giờ nghỉ ngơi và đọc sách hơn là chấm bài học trò. Trước kia, cứ mỗi tuấn chàng có thể chấm một bài cho một lớp. Bây giờ thì phải một hay hai tháng. Hôm nào không có hứng giảng bài, chàng lại bắt học trò làm bài tập để rồi ném vào một xó nhà cho chuột gậm hay dán nhấm. Nếu chẳng may có đứa nào dại dột nhắc tới, chàng bèn quắc mắt, nạt nộ cho nó câm họng lại. Từ đó, chàng cảm thấy cuộc sống dễ chịu, nhàn hạ, mà cũng chẳng ai rầy trách gì. Rồi chàng có nhiều bạn hơn. Đôi khi, những người bạn này rủ chàng ngồi vào chiếu bạc hoặc tham dự những trò giải trí khác. Chàng khéo léo từ chối để khỏi mất lòng bạn. Chàng muốn bắt chước Trọng và Hồ, có đời sống đượm vẻ vừa triết lý vừa lãng mạn mà người ta cho là gàn gàn, dở dở. Nhờ lối sống "gàn dở" hai người bạn ở cùng nhà với chàng đã phần nào trốn tránh thực tế đôi khi rất phũ phàng.
Nhưng điều an ủi và khích lệ nhất đối Chuyên là lá thư của Quỳnh. Từ ngày hai người xa nhau, đây là lần đầu tiên (mà cũng là lần đầu tiên trong đời chàng) nhận được thư của nàng. Thoạt nhìn thấy tên nàng trên một góc bao thư với nét chữ mềm mại và nắn nót, chàng tưởng như tim mình ngừng lại. Chàng mừng rỡ muốn reo thật to. Thư gửi qua văn phòng nhà trường. Nàng chỉ viết ngắn không đầy một trang nhưng đầy ý nghĩa. Trước hết nàng chúc mừng chàng đã qua một cơn sóng gió và khuyên chàng hãy dẹp bỏ bớt lương tâm đi. Nàng cũng biết nạn kỳ thị trong ngành giáo dục và cực lực phản đối chuyện kỳ thị đó, dù nàng là người Nam, sinh trưởng ở Sóc Trăng. Nàng hẹn gặp chàng trong kỳ nghỉ hè tới. Nàng cũng cho biết chồng nàng là phó tỉnh trưởng hành chánh ở một tỉnh miền Trung, nàng cho chàng biết địa chỉ hiện tại của nàng nhưng khuyên chàng không nên viết cho nàng, vì lý do gì thì chàng cũng đoán được. Chàng đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư ngắn ấy đến nỗi thuộc lòng...
Từ ngày đó, tháng nào Chuyên cũng nhận được thư Quỳnh. Thư chỉ ngắn, không đầy một trang giấy học trò, có lẽ vì nàng phải viết vội và lén lút. Nhưng dù ngắn chúng đều là những thang thuốc bổ khiến chàng khỏe lại và yêu đời như xưa.
Rồi niên học qua. Lễ phát thưởng được tổ chức vào buổi học cuối cùng. Lác đác chỉ có một số rất ít giáo sư tham dự buổi lễ. Nhiều người vừa hết giờ dạy là vội về ngay Saigon với gia đình hoặc phóng sang Cần Thơ để du hí. Chuyên không vội về Saigon vì Quỳnh đã báo cho chàng biết nàng sẽ chỉ có mặt ở Saigon trước các kỳ thi trung học có ít ngày.. Vì muốn gặp chàng nàng đã gửi đơn về nha Khảo thí tình nguyện làm thư ký hội đồng các kỳ thi ở Saigon. Nàng cũng không quên ghi địa chỉ của gia đình nàng ở Saigon. Dù không đi đâu, chàng cũng không dự buổi lễ phát thưởng, chỉ nằm nhà ngủ, đọc sách và mơ về người tình xa xôi cách trở.
Sau ngày bãi trường ít lâu, Chuyên nhận được giấy gọi đi coi và chấm thi ở Saigon. Chàng hăm hở rời nhiệm sở ngay.
Chàng được gặp Quỳnh tại nhà cha mẹ nàng. Vừa trông thấy nàng chàng ngây người ngắm. Sau nhiều tháng xa cách. Nàng đẹp hẳn ra, đẹp lộng lẫy và quyến rũ. Chàng đứng lặng ngắm nàng rất lâu mà không thốt được nửa lời. Chàng như bị mê hoặc trước nhan sắc kiều diễm của nàng. Chàng chỉ choàng tỉnh khi nàng vui đùa hỏi :
"Bộ em giống khỉ sở thú xổng chuồng hay sao mà anh hổng có thèm nói với em một lời ?"
Chàng vội đáp :
"Anh cứ ngỡ anh gặp tiên."
Nàng cười :
"Thôi đi, anh. Em không thích đi tàu bay giấy đâu. Mời anh vô nhà, đứng cửa mãi đâu có tiện."
Khi hai người ngồi đối diện nhau trong phòng khách rộng rãi, chàng thở dài nói :
"Em bây giờ thuộc về người khác rồi. Anh thật vô phúc."
Nàng buồn buồn :
"Cũng là duyên số cả, anh ạ. Giá anh đừng đặt nặng lương tâm chức nghiệp quá, giá anh cũng đừng hăng hái giúp đỡ trò Liên...thì đâu chúng mình có hiểu lầm nhau để phải xa nhau như ngày nay. Thôi, chuyện đã dĩ lỡ, mình đành chấp nhận...Bộ bây giờ anh không bằng lòng với mối tình em dành cho anh sao ? Em thú thật với anh, em chỉ yêu có anh thôi."
Chàng có giọng trách móc :
"Yêu anh mà em vội vàng đi lấy người khác ?"
Nàng nguýt chàng :
"Anh chỉ biết trách người thôi, còn lỗi của anh thì anh quên đi."
"Nhưng anh đâu có biết là em...có cảm tình với anh."
Nàng bỗng đỏ mặt, cười e thẹn :
"Nếu anh cho rằng chỉ có cảm tình thôi thì...quá nhẹ đó, anh à."
"Nghĩa là...nghĩa là em yêu anh từ hồi đó ?"
Nàng bẽn lẽn cười :
"Đùng chê em hư thì em mới dám nói hết..."
Chàng sốt sắng :
"Không, không bao giờ anh chê em bất cứ về chuyện gì."
Nàng vẫn rụt rè :
"Em yêu anh...từ phút đầu tiên gặp anh. ..Anh có nhớ hôm đó anh và em nhìn nhau một lúc lâu không ? Trước kia em vẫn nghĩ rằng tiếng sét...chỉ là sản phẩm tưởng tượng của mấy ông bà nhà văn, nhà thơ lãng mạn thôi. Ai dè, chính em bị tiếng sét đó. Anh có tin không ? Đôi mắt anh đa tình quá, quyến rũ quá. Khi anh nhìn ai thì như hút cả hồn người đó vào đôi mắt ấy. Và em đã bị anh thu mất hồn từ giây phút đó. Vậy mà anh vẫn vô tình, lại còn săn sóc, cưu mang con Liên nữa. Bất cứ ai cũng phải tin rằng anh yêu nó. Vì thế, em âm thầm đau khổ. Em nhận lời lấy anh Diên chỉ là một lối thoát cho sự bế tắc trong tâm hồn em mà thôi..."
Nghe nàng nói một hơi dài đượm vẻ vừa trách móc vừa than thở, chàng tê tái im lặng, không biết nên an ủi nàng như thế nào. Chàng cho rằng lúc này nói gì cũng là thừa, cũng chỉ làm tăng nỗi buồn của nàng mà thôi. Nàng khẽ thở dài tiếp :
"Ai mà không nghĩ anh yêu con Liên ? Giá anh giúp đỡ một nam sinh đi thì lại đi một lẽ. Con Liên đẹp vào loại nhất trường chớ có phải tầm thường đâu..."
Chàng ngắt lời nàng :
"Thật oan cho anh quá ! Anh tình ngay mà lý gian."
Nàng trề môi chế nhạo :
"Thôi đi ông ! Ông thì cả tình lẫn lý đều gian hết ! Chỉ có mình em là biết anh oan thôi. Nhưng lại biết trễ quá...mới ra nông nỗi."
"Sao em không biết sớm cho anh nhờ ?"
"Chỉ mãi khi sắp làm đám cưới với anh Diên em mới biết là anh không yêu con Liên. Nhưng lúc đó đã hết đường gỡ. Nói cho ngay, lúc đó, em cũng chưa chắc là anh yêu em."
"Bây giờ thì chắc chưa ?"
Nàng cười khanh khách :
"Nếu không chắc thì anh đâu có được phép ngồi đây với em."
Chàng chợt hỏi :
"Chả lẽ mình cứ ngồi đây nói chuyện xuông mãi sao ? Em thích đi đâu, anh đưa em tới đó."
Nàng suy nghĩ một chút rồi nói :
"Thông thạo đất Saigon là anh chứ không phải em. Em là con gái, có dám đi đến đâu đâu. Hay mình vào Chợ lớn, anh nhé ? Nhưng phải kiếm chỗ nào vắng người, lỡ gặp ai quen thì phiền lắm."
Chàng vui vẻ đứng lên ngay :
"Chân trời góc bể nào em thích, anh cũng đưa em đi được."
"Giá anh nói câu đó trước khi em là vợ anh Diên có phải hay không !"
Chàng đề nghị :
"Thôi, như em đã nói, chuyện đã lỡ, đừng trách móc nhau làm chi nữa. Biết đâu rồi mình chả có ngày..."
Nàng liền ngắt :
"Đừng hy vọng hão !"
Từ ngày đó, chiều nào hai người cũng đi chơi với nhau, dần dần hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn. Dù được nàng khuyên không nên hy vọng sẽ có thay dổi trong tương lai, chàng vẫn thấy một tia sáng lờ mờ đâu đó trong cái bầu trời đen tối đầy tuyệt vọng. Biết đâu, chàng thầm nhủ, biết đâu cuối cùng mình và Quỳnh chả được hưởng hạnh phúc bên nhau. Cứ tin tưởng đi, dù là hão huyền, dù là viển vông. Chàng nghĩ chính Quỳnh cũng ngấm ngầm nuôi một hy vọng nào đó. Nếu không, nàng khuyên chàng học thêm để làm gì ? Một hôm, nàng bỗng hỏi chàng về việc học. Chàng cho biết trong thời gian học sư phạm, chàng có hoc mấy chứng chỉ văn chương Anh, Mỹ bên đại họcï Văn khoa, chỉ còn một chứng chỉ nữa là chàng hoàn tất cử nhân. Đó là chứng chỉ văn chương Việt Nam, một chứng chỉ căn bản cho bằng cử nhân văn khoa. Nàng khuyến khích chàng cố học cho xong, vì biết đâu sau này sẽ có thể dùng tới. Nghe lời nàng,, chàng xúc tiến ngay việc học lại ở văn khoa, dù chưa biết sẽ dùng làm gì với cái bằng cử nhân ấy. Đa số những người có cử nhân văn khoa đã chọn nghề dạy học. Nhưng bây giờ đối với chàng ý Quỳnh là ý trời. Nàng thích là chàng phải chiều ngay.
Gần trọn ba tháng hè Chuyên và Quỳnh được gần gũi nhau, bõ những ngày phải
xa cách. Nhưng sự gần gũi không được liên tục, vì sau mỗi kỳ thi, nàng lại phải về với chồng khoảng một tuần hay mười hôm. Những ngày xa cách ấy làm hai người nhớ nhau nên cảm thấy cần có nhau hơn. Nếu chẳng may cứ phải sống trong tình trạng nửa vời như thế này mãi họ sẽ đau khổ triền miên. Nhưng làm sao có thể giải quyết được nỗi khó khăn này ? Rồi, gần cuối hè, khi các kỳ thi khóa hai bắt đầu, hai người không còn được gần nhau nữa. Nàng phải trở về miền Trung để sửa soạn cho niên học mới. Trong khi đó, Chuyên nhận được lệnh đi coi và chấm thi ở Cần Thơ. Quỳnh đã khóc khi hai người gặp nhau lần cuối trước khi chia tay. Chuyên muốn ôm nàng vào lòng để an ủi mà không dám vì có lần chàng chỉ mới nắm lấy tay, nàng đã phản đối.
"Xin anh đừng làm em sợ. Em đi chơi với anh như thế này đã là quá đáng rồi. Dù sao, anh Diên với em cho đến nay cũng chưa có gì bất hòa. Ảnh tin em nên mới để em về Saigon cho đỡ nhớ nhà. Ảnh đâu có biết rằng em nhớ nhà thì ít mà nhớ...ai đó thì nhiều. Dù yêu anh vô cùng, em tin rằng anh không yêu em bằng em yêu anh đâu, em cũng không thể buông thả để rồi bị lương tâm cắn rứt."
Sau khi tiễn người yêu lên máy bay, lòng Chuyên tan nát vì không biết chắc ngày gặp lại. Không lẽ chàng sẽ phải đợi đến mùa hè năm sau ? Ôi, cả một chuỗi thời gian dằng dặc dài. Làm sao chàng có thể sống sót những một năm trời xa cách ?
Khi nhận được giấy cử đi Cần Thơ coi và chấm thi, Chuyên định xin giấy bác sĩ để cáo bệnh. Nhưng sau, nghĩ đi nghĩ lại ở Saigon mà thiếu Quỳnh thì còn vui thú gì nữa đâu. Thế là chàng đành cùng một số bạn đồng nghiệp lên đường đi miền Tây.
Vì hình ảnh Quỳnh lúc nào cũng hiện rõ trong tâm tưởng, Chuyên coi thi một cách uể oải, thờ ơ đến nỗi thí sinh giở tài liệu ra chép hoặc coi bài của nhau, chàng cũng không biết. Viên giám thị hành lang phải vào phòng chàng nạt nộ thí sinh mấy lần, khiến chàng phải ngượng ngùng xin lỗi. Bà giám thị coi cùng phòng với chàng nhìn chàng tỏ vẻ ái ngại :
"Ông bịnh sao không xin nghỉ ? Tôi thấy có dư nhiều giám thị ngồi chơi trong văn phòng."
Chàng lắc đầu :
"Muốn nghỉ phải có giấy bác sĩ chứng nhận. Nếu không có giấy bác sĩ thì tử tế lắm cũng được ngồi văn phòng cho...các ông bà chánh phó chủ khảo sai vặt. Thà đứng trong phòng thi lại hơn."
Bỗng bà giám thị nói nhỏ với Chuyên :
"Kìa, cậu ngồi bàn thứ ba cạnh cửa sổ có tài liệu trong ngăn bàn."
Chàng nhẹ nhàng bước nhanh về phía cửa sổ, lách vào lối đi thật hẹp sát tường, đến bên thí sinh đang chăm chú mở tài liệu. Chàng xuất hiện bất ngờ quá khiến cậu nhỏ giật mình, luống cuống, không kịp giấu cuốn giấy nhỏ trong ngăn bàn. Cậu bé mặt tái nhợt, hai tay run rẩy. Chàng chìa tay ra hỏi :
"Tài liệu gì, cho tôi coi được không ?"
Thằng nhỏ vội chắp hai tay trước ngực, van xin :
"Con lạy thầy...Con trót dại...Xin thầy tha cho con lần đầu."
Chàng vẫn chìa tay, nói :
"Thì cứ đưa tôi coi đã nào."
Không còn cách nào khác, thằng nhỏ phải vâng lời. Đó là một cuộn giấy nhỏ, chữ viết li ti, có nhiều phần liên quan đến bài đang thi. Chàng cười, bảo thằng nhỏ :
"Công ngồi chép phim như thế này thà học cho thuộc có phải hơn không ? Bây giờ anh tính thế nào đây ? Người ta đã cấm mang tài liệu vào phòng thi, anh bị bắt quả tang, chắc không thể tha được đâu. Có hai cách giải quyết : một là tôi làm biên bản và đề nghị cấm thi, ít nhất cũng kỳ này; hai là tôi cho anh nộp giấy trắng, coi như anh bỏ cuộc. Đó là giải pháp khoan dung."
Thằng nhỏ nước mắt vòng quanh, mếu máo :
"Xin thầy thương con...Con rớt kỳ này là đi lính...hết được học nữa..."
"Biết như vậy, tại sao anh không chịu học ?"
"Bị con...con...mắc đi làm..."
Chàng nghiêng đầu ngắm nó từ đầu đến chân, rồi nghi ngờ hỏi :
"Anh mà phải đi làm ? Ba má anh hiện ở đâu ? Làm gì ?"
Nó cúi mặt, đáp khẽ :
"Con không có ba...Má con chết rồi..."
"Nghĩa là ba má anh chết cả rồi ?"
Nó lắc đầu :
"Con không có ba, chỉ có má thôi..."
Chàng ngạc nhiên :
"Tại sao không có ba ?"
Nó không đáp, chỉ mếu máo van xin :
"Lạy thầy, xin thầy tha cho con lần đầu..."
Chàng không nói gì nữa, cầm cả tờ giấy thi lẫn cuốn tài liệu lên bàn giám thị, rồi hỏi bà bạn đồng nghiệp :
"Bà tính sao ?"
Bà liền lắc đầu :
"Cái đó tùy ông, tôi không có ý kiến gì."
Chàng không ngạc nhiên về câu trả lời trút trách nhiệm cho người khác, vì dù sao chàng cũng là giám thị chính, bà chỉ phụ thôi. Chàng lẳng lặng lục tìm trong chồng phiếu báo danh và căn cước hay thẻ học sinh để tìm lý lịch của thí sinh vừa bị bắt vì gian lận. Trong phần "Tên cha", ghi “vô danh”. Phần "Tên mẹ", có ghi rõ họ và tên, nhưng bên cạnh, trong ngoặc đơn thêm chữ "chết". Như vậy, nó đã khai thật. Chàng bỗng nghe lòng rộn lên một niềm thương. Chàng trở lại chỗ thí sinh ngồi, dịu giọng nói :
"Giải pháp thứ ba là tôi cho anh giấy trắng để anh làm bài lại, được chữ nào hay chữ nấy."
Thằng nhỏ khóc lóc, nước mắt nước mũi ràn rụa, lại van xin :
"Xin thầy nhủ lòng thương...Con đi học được cũng là một việc rất khó khăn..."
Chàng có giọng thông cảm :
"Tôi hiểu hoàn cảnh của anh nên mới cho anh giấy trắng làm lại..."
"Nhưng, thưa thầy, chỉ còn có mười lăm phút nữa thôi...mà con lại chẳng nhớ gì hết..."
Chàng mủi lòng, lưỡng lự chưa biết tính sao, một viên giám thị hành làng chợt đi qua. Thấy có chuyện bất thường trong phòng thi, ông ta bước vào ngay. Chuyên than thầm :"Thế là hỏng bét rồi !" Quả nhiên, sau khi biết chuyện gian lận của thằng nhỏ, viên giám thị hành lang nhất định bắt làm biên bản cấm thi. Chuyên đành phải nghe theo. Nhưng khi viết đến phần đề nghị cấm thi, chàng ngập ngừng mãi. Cuối cùng chàng chỉ đề nghị đánh trượt khóa này thôi.
Nhìn thằng nhỏ cúi đầu hổ thẹn bước ra khỏi phòng thi, Chuyên chợt hối hận. Đời nó rồi sau này sẽ ra sao ? Đi lính, ra trận, rồi bị thương đến què cụt hay gục ngã ngoài chiến trường ? Chàng thầm nói như tự trách :"Bất công ! Ở cõi đời này, thiếu gì kẻ phạm pháp công khai mà có bị trừng phạt gì đâu. Ăn cắp của công, ức hiếp dân lành, không là những tội đáng trừng phạt đó sao ? Mình chỉ dám ăn hiếp một thằng con nít thôi ! Tội nghiệp nó không có cha, mẹ lại chết sớm. Mình đúng là một tên hèn !" Thật ra, chàng cũng không thể làm khác được, vì dù sao chàng cũng chỉ là một trong nhiều tay sai của kẻ khác. Muốn yên thân phải làm theo lệnh cấp trên. Vả lại, thi cử cũng phải có luật lệ mới duy trì được sự công bằng. Nếu cứ chiều theo tình cảm thì rối loạn không thể tránh được.
Thấy chàng có vẻ băn khoăn, bà giám thị cùng coi thi với chàng chợt hỏi :
"Ông đề nghị chỉ đánh rớt khóa này có nhẹ không ?"
No comments:
Post a Comment