Sunday, December 25, 2011

QUỐC PHÒNG MỸ VÀ VIỆT NAM



QUỐC PHÒNG MỸ
Subject: Tập # 4

Lính Mỹ phải mang hơn 70 món đồ cá nhân
Cập nhật lúc :6:00 AM, 11/10/2011
Quần lót làm bằng sợi Kevlar, kính nhìn đêm cải tiến và pin mặt trời xách tay... chỉ là một vài trong số hàng trăm sản phẩm mới của Quân đội Mỹ.
(ĐVO) Hiện một bộ trang bị tiêu chuẩn cho lính Mỹ bao gồm 73 món đồ khác nhau, từ quần áo đến vũ khí.

Khẩu M4 vẫn là súng bộ binh cơ bản trong Quân đội Mỹ, thế nhưng việc thêm vào đủ thứ lỉnh kỉnh khiến binh sĩ Mỹ giờ đây trông giống Thám tử Gadget (một thám tử robot với đủ loại trang bị). Tuy nhiên, những trang bị này được yêu cầu cung cấp từ thực tế chiến trường Afghanistan và Iraq.

PEO Soldier, cơ quan phụ trách thiết kế và sản xuất trang bị của Quân đội Mỹ, cho biết những món lỉnh kỉnh nói trên có nhiều công dụng khác nhau, một số giúp bảo vệ lính Mỹ khỏi những nguy hiểm trên mặt đất, số khác giúp hiểu rõ địa hình.

Từ năm 2004, mỗi binh sĩ đã được phát áo chống đạn có bổ sung thêm miếng bảo vệ. Thế nhưng việc các loại bom, mìn tự tạo (IED) gây ra hơn phân nửa số tử vong của binh sĩ Mỹ ở Afghanistan dẫn đến cuộc cách mạng quy mô lớn về trang bị bảo vệ.
Một trang bị cá nhân của lính Mỹ gồm 73 món khác nhau
Trong vòng 2 tháng tới, hàng trăm nghìn quần mặc ngoài làm bằng sợi Kevlar giúp bảo vệ phần mu sẽ được gửi tới cho quân Mỹ ở Afghanistan, Đại tá William Cole thuộc PEO Soldier cho biết. “Nó sẽ giúp bảo vệ binh sĩ nếu họ giẫm lên một IED và giảm thiểu thương tích”, ông Cole nói.

Các binh sĩ ở Afghanistan cũng sẽ nhận những chiếc quần lót làm bằng Kevlar, kiểu dáng giống như quần đùi của vận động viên xe đạp, để giúp bảo vệ khỏi nhiễm trùng do bụi đất và những mảnh đá văng ra từ vụ nổ.

Để giải quyết những chấn thương não gây sốc thường gặp ở binh sĩ tại Afghanistan và Iraq, mà theo các bác sĩ có thể dẫn tới rối loạn tâm lý, quân đội Mỹ đã bắt đầu lắp đặt bộ cảm biến vào mũ bảo hộ. “Khi một binh sĩ vướng vào một vụ nổ IED, chúng tôi sẽ ngay lập tức tải dữ liệu từ mũ bảo hộ để xem nó bị hư hại như thế nào, từ đó giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác loại chấn thương não mà binh sĩ đó có thể gặp phải”, ông Cole cho biết.

Còn Đại tá Stephanie Foster thì không giấu vẻ tự hào về thiết bị cá nhân giúp phát hiện xạ thủ, mà theo bà sẽ giúp binh sĩ Mỹ “trị” những kẻ bắn tỉa của đối phương. “Bạn có thể mang trên vai hoặc mang kèm với các trang bị khác – bà Foster nói – Với thiết bị này bạn có khả năng làm chủ tình hình khi chống lại bắn tỉa. Bộ phận âm thanh của nó cho phép bạn xác định khoảng cách và hướng của phát đạn bắn tới”. Bà Foster cho biết 5.000 thiết bị loại này đang được sử dụng trên các chiến trường.

Quân đội Mỹ vừa hoàn thiện một loại kính nhìn đêm cải tiến sẽ giúp phát hiện đối phương dễ dàng hơn nữa, dù quân đội khối NATO đã có lợi thế so với phiến quân trong các cuộc giao tranh ban đêm.

Một số “dụng cụ” khác cũng đang hoàn thiện, như loại thiết bị laser nhỏ gọn có thể giúp binh sĩ chỉ điểm mục tiêu cho máy bay oanh tạc. Quân đội Mỹ đang sử dụng một thiết bị tương tự nhưng nặng vài kilogram và phải đặt trên giá đỡ.

Việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử có thể trở thành vấn đề khi hết năng lượng? Không thành vấn đề, theo ông Bill Brower, một thành viên dự án trả lời.

"Khi đang ở chiến trường, làm sao bạn sạc pin được?" – ông Brower hỏi và tự trả lời "Với một thiết bị nhỏ bằng hộp thuốc lá, bạn có thể lấy năng lượng từ bất kỳ nguồn nào. Nếu tôi tình cờ gặp một chiếc xe cũ, tôi có thể cắm ngay nó vào và sạc”.

Thậm chí nếu như không có nguồn năng lượng nào thì binh sĩ Mỹ cũng có thể sử dụng một loại pin mặt trời nhỏ gọn gồm nhiều miếng pin, đủ cung cấp năng lượng cho một máy tính nhỏ.

(theo AFP)

Quốc phòng
Mỹ ra mắt hệ thống máy phóng điện từ cho Hàng Không Mẫu Hạm.
Cập nhật lúc :9:10 AM, 13/12/2010
Hải quân Mỹ và công ty General Atomics đang thử nghiệm hệ thống phóng máy bay bằng điện từ cho các Hàng Không Mẫu Hạm.
Hệ thống EMALS (Electromagnetic Aircraft Launch System) được thiết kế để thay thế cho loại máy phóng bằng thủy lực và hơi nước trên các tàu sân bay của hải quân Mỹ hiện nay. Hệ thống được thử nghiệm trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-21).

Chương trình khởi động từ năm 2000, trong một dự án nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động của hải quân. General Atomics hoàn thành bản thiết kế và thuyết trình dự án năm 2004, năm 2007 bắt đầu sản xuất hệ thống phần cứng và phần mềm và tích hợp hệ thống. Việc lắp đặt hoàn thành vào năm 2008, các thử nghiệm được bắt đầu một năm sau đó.

Hệ thống E-MALS đang thử nghiệm.

E-MALS là hệ thống gồm: máy phát điện, bộ lưu trữ năng lượng, hệ thống chuyển đổi điện từ trường, một động cơ điện công suất 100.000 mã lực.

E-MALS mang lại các ưu điểm sau: giảm khối lượng công việc, giảm nhiệt độ do ma sát, tăng cường tốc độ khởi động máy bay, giảm trọng lượng boong tàu, giảm khối lượng lắp đặt, có thể dùng để phóng các máy bay không người lái mà không cần đến hệ thống chuyên dụng.

Nếu các thử nghiệm diễn ra thành công, hệ thống E-MALS sẽ là tiêu chuẩn mới cho các tàu sân bay của Mỹ.
Các thành phần chủ yếu của E-MALS:

Giao tiếp điện áp cơ bản:
cung cấp các kết nối với hệ thống điện của tàu, cung cấp điện cho ổ đĩa của máy lưu trữ năng lượng điện.

Động cơ khởi động: hoạt động chuyển đổi dòng điện thành các lực điện từ để khởi động máy phóng.

Sau khi máy bay rời đi, dòng điện trong động cơ sẽ đảo chiều để dừng hệ thống máy phóng, do đó, hệ thống không cần sử dụng đến các phanh hơi nước. Hệ thống cung cấp tốc độ phóng máy bay lên đến 333km/h.

Hệ thống chuyển đổi năng lượng:

Các móc của máy phóng chính là nam châm điện. Khi hệ thống hoạt động năng lượng đẩy máy bay dọc theo hành trình của đường ray khởi động là năng lượng từ, tương tự nguyên tắc hoạt động của tàu điện ngầm.

Kiểm soát phóng: EMALS sử dụng hệ thống kiểm soát phóng tiên tiến, giúp cho việc phóng máy bay chính xác và tốc độ nhanh hơn. Trong quá trình phóng, máy bay sẽ "trượt" trên hệ thống đệm điện từ một cách mượt mà, do đó, tuổi thọ được kéo dài. Hệ thống hoạt động với độ tin cậy cao và yêu cầu bảo trì cũng dể dàng hơn.

Hệ thống lưu trữ năng lượng: cung cấp năng lượng cho hệ thống trong thời gian quá độ chỉ kéo dài 2-3 giây. Năng lượng này được nạp bằng hệ thống điện của tàu sân bay.
(theo Defense News)



F-35C cất cánh từ máy phóng điện từ
Cập nhật lúc :3:11 PM, 06/12/2011
Cuối tháng 11/2011, biến thể trang bị trên tầu sân bay của máy bay F-35 là F-35C đã cất cánh thành công từ máy phóng mới sử dụng công nghệ điện từ.
(ĐVO) Theo khẳng định của nhà sản xuất Lockheed Martin, thiết kế của F-35 sẽ trở thành tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu sau này.
Trong tương lai, F-35C sẽ là loại máy bay đầu tiên được trang bị cho không quân Hải quân Mỹ và cất cánh trên hàng không mẫu hạm nhờ máy phóng.

Với cấu tạo cánh và phần điều khiển trên cánh có diện tích rộng, cùng với cánh tà tại đầu mút cánh, phi công F-35C có thể điều khiển máy bay hạ cánh chính xác hơn trên sàn máy bay.

Ngoài ra, các bộ phận như càng hạ cánh của máy bay F-35C cũng được chế tạo bền hơn nhằm chống chịu những tác động mạnh khi cất cánh bằng máy phóng và hãm đà hạ cánh bằng cáp.

Nhà sản xuất cũng công bố F-35C đã được trang bị công nghệ sơn tàng hình cải tiến, có khả năng chịu đựng được những môi trường khắc nghiệt hơn loại sơn đang sử dụng trên các máy bay tàng hình khác của Mỹ, do đó, F-35C hoàn toàn có khả năng hoạt động được trong môi trường biển.

Máy bay F-35C cất cánh từ máy phóng điện từ (EMAL)
Hệ thống vũ khí của F-35C cũng linh hoạt hơn hệ thống nguyên bản với khả năng mang nhiều loại vũ khí không đối không, không đối đất hỗn hợp trong khoang vũ khí kín. Thậm chí pháo Gau-22A 25 mm trên máy bay cũng có thể gỡ bỏ nhanh gọn nếu nhiệm vụ không cần đến.

Nếu nhiệm vụ không cần thiết tính năng tàng hình, F-35C có thể mang thêm vũ khí trên các điểm treo tại hai cánh và dưới thân với tổng khối lượng lên đến 8,2 tấn (tương đương loại máy bay hạng nặng 2 động cơ Su-35 của Nga).
Hệ thống phóng máy bay bằng năng lượng điện từ (EMAL) trên bản thiết kế tầu sân bay CVN78
Cặp đôi với F-35C là hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMAL - Electromagnetic Aircraft Launch) thay cho máy phóng bằng hơi nước truyền thống.

Đây là hệ thống phóng máy bay được thiết kế dành cho tầu sân bay CVN 78 USS Gerald R.Ford trong tương lai của Mỹ.

Một hệ thống EMAL được cấu tạo từ 6 thành phần chính, có khả năng phóng máy bay nhanh hơn với giá thành vận hành rẻ hơn. Hiện tại, tầu sân bay CVN 78 đã hoàn thành 30% và sẽ lắp đặt EMAL vào năm 2015.

Nguyễn Linh (theo Theblaze)


QUỐC PHÒNG VIỆT NAM
Việt Nam chiếm 5/10 hợp đồng vũ khí lớn của Nga
Cập nhật lúc :10:31 AM, 23/12/2011
Trong 10 hợp đồng cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Nga trong năm 2011, một nửa trong số 10 hợp đồng cung cấp vũ khí này thuộc về Việt Nam.
Theo TSAMTO, trong 10 sự kiện cung cấp các thiết bị, vũ khí quan trọng hàng đầu của Nga trong năm 2011, gồm 8 hợp đồng đã bàn giao theo kế hoạch (các hợp đồng đã được ký kết trước đó), 1 hợp đồng đang thực hiện, 1 hợp đồng đang được thảo luận.

Dưới đây là xếp hạng của Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu TSAMTO:

1. Hải quân Ấn Độ thuê tàu ngầm K-152 Nerpa thuộc Project 971U Pike-B trong 10 năm
Tàu ngầm K-152 Nerpa.
Theo kết quả của cuộc họp Ủy ban nhà nước, được tổ chức vào cuối tháng 8/2011, Bộ Quốc phòng (BQP) Nga đã quyết định chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân K-152 Nerpa thuộc Project 971U Pike-B vào cuối năm 2011.

Cuộc họp được tổ chức tại Komsomolsk-on-Amur, với sự tham gia của Rosoboronexport và các công ty công nghiệp - quốc phòng.

NPS sẽ được cho Hải quân Ấn Độ thuê tàu ngầm K-152 trong thời gian 10 năm với trị giá 650 triệu USD.

Tthời hạn chuyển giao có thể diễn ra trong qúy I năm 2012.
2. Cung cấp thêm 2 tàu Project 11661E Gepard 3.9 cho Việt Nam
Hợp đồng này được Interfax tiết lộ vào đầu tháng 12/2011 (>>chi tiết). Hãng tin dẫn nguồn từ Phó Giám đốc kinh tến đối ngoại của Công ty cổ phần nhà máy đóng tàu Gorky Zelenodolsk Sergei Rudenko. Theo yêu cầu của phía Việt Nam, hai tàu Gepard 3.9 tiếp theo sẽ được tăng cường vũ khí chống ngầm.

Theo TSAMTO, Việt Nam từ lâu đã bày tỏ ý định để mua thêm được hai tàu tương tự, và sau đó xin giấy phép để tự đóng tàu Gepard tại Việt Nam.

Hiện tại, các thông số kỹ thuật của 2 tàu Gepard mới cũng như giá trị của hợp đồng cũng chưa được công bố.

3. Cung cấp 2 tàu Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam

Trong năm 2011, hai chiến hạm hộ tống Gepard 3.9 trong hợp đồng đầu tiên được Việt Nam ký kết với công ty Gorky Zelenodolsk vào tháng 12/2006 đã lần lượt được phía Nga bàn giao cho Hải quân Việt Nam.
Chiến hạm Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng của HQ Việt Nam.
Đầu tháng 3/2011, tại căn cứ hải quân Cam Ranh, Nga đã chuyển giao chiếc tàu khu trục nhỏ Gepard 3.9 đầu tiên cho Hải quân Việt Nam trong một nghi lễ trang trọng. Tàu được đặt theo tên một vị hoàng đế Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng (HQ-011 Đinh Tiên Hoàng) (>>chi tiết).

Tiếp sau đó, tháng 8/2011, Nga tiếp tục bàn giao tàu Gepard thứ hai cho Việt Nam và tàu được đặt tên là HQ-012 Lý Thái Tổ (>>chi tiết).

Tàu Gepard thứ hai đã được cải thiện hiệu suất đi biển, khả năng cơ động linh hoạt, có phạm vi hoạt động rộng.

Nội thất ở tàu Gepard thứ hai tiện nghi hơn. Giá trị của hợp đồng trên được TSAMTO ước tính khoảng 350 triệu USD.
4. Bàn giao cho Syria 2 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P
Nga đã cung cấp Syria hai hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P trong khuôn khổ của hợp đồng được ký kết từ năm 2007, Interfax thông báo dẫn nguồn tin ngoại giao - quân sự tại Moscow (>>chi tiết).

Nguồn tin cũng lưu ý, hợp đồng cung cấp 2 hệ thống này cho Syria chưa được thực hiện đầy đủ bởi vì cần có thời gian đào tạo sỹ quan vận hành.

Nhiều nguồn tin ở cả Nga và phương Tây đã cho biết, ít nhất hai hệ thống Bastion được trang bị 72 tên lửa Yakhont cho mỗi hệ thống.

Theo số liệu không chính thức, tổng số tiền của hợp đồng được ước tính vào khoảng 300 triệu USD.
TSAMTO cho biết, tổ hợp Bastion-P đầu tiên đã được bàn giao cho Syria vào cuối tháng 8/2010, và tổ hợp thứ hai vào tháng 6/2011.
5. Bàn giao cho Việt Nam hệ thống Bastion-P thứ hai

Giữa tháng 10/2011, Rosoboronexport đã bàn giao cho Việt Nam tổ hợp tên lửa bờ biển K-300P Bastion-P thứ hai (>>chi tiết) theo hợp đồng đã được ký kết từ năm 2005.

Theo đó, Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên nhận được tổ hợp tên lửa Bastion–P từ Nga.
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P.
Tờ Kommersant dẫn lời nguồn tin thân cận trong Bộ Tài chính, Việt Nam đang đàm phán với Nga để ký kết một hợp đồng để mua thêm vài tổ hợp Bastion–P nữa.

Tạp chí Jane’s Defense cho biết, hợp đồng mới sẽ được phân bổ từ nguồn tín dụng của Nga cấp cho Việt Nam, và các hệ thống Bastion-P mới có thể được thực hiện trong năm 2013-2014.
6. Cung cấp 2 tàu tên lửa Molnya cho Hải quân Turkmenistan

Turkmenistan đã nhận được hai tàu tên lửa cao tốc Project 12418 Molniya, được đóng bởi Công ty Cổ phần Nhà máy đóng tàu Trung ương Nevsky.

Theo TSAMTO, bản hợp đồng được ký kết vào năm 2008 có giá trị khoảng 200 triệu USD.

Trong đó, chiếc tàu Molnya đầu tiên của hợp đồng này đã được bàn giao trong tháng 6/2011 và tàu thứ hai vào tháng 10/2011.
7. Đóng tàu hộ tống Project 20382Tiger cho Hải quân Algeria

Tàu hộ tống Project 20382 Tiger (biến thể xuất khẩu của Project 20380 Guarding) đã giành chiến thắng trong hợp đồng đấu thầu của Hải quân Algeria.

Theo kế hoạch, 2 tàu Project 20382 sẽ được đóng để cung cấp cho khách hàng.

Thông tin trên đã được Chủ tịch của Tập đoàn đóng tàu Quốc gia (USC) Roman Trotsenko cho biết tại triển lãm IMDS-2011.

Tuy nhiên đến nay, tiến trình của cuộc đàm phán để ký kết hợp đồng cuối cùng vẫn chưa được thông báo.
Tàu hộ tống Project 20380 của Hải quân Nga.
8. Cung cấp tàu tuần tra thuộc Project 10412 Svetlyak cho Hải quân Việt Nam
Ngày 20/10/2011, nhà máy đóng tàu Almaz đã tiến hành ký kết văn bản bàn giao tiếp hai tàu tuần tra cao tốc Svetlyak cho Hải quân Việt Nam (>>chi tiết).

Hai tàu tuần tra cao tốc mang số hiệu tạm thời là 044 và 045 đã tiến hành các thử nghiệm trong tháng 10/2011 và sẽ được chuyển về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, 2 tàu tuần tra cao tốc khác mang số hiệu tạm thời là 420 và 421 cũng đang được gấp rút hoàn thành để bàn giao cho Việt Nam.
Năm 2002, phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tuần tra cao tốc Svetlyak đầu tiên theo hợp đồng đã ký trước đó.

Trong tháng 3/2010, các phương tiện truyền thông cho biết, Việt Nam đã đồng ý mua của Nga 10 tàu tuần tra cao tốc Project 10412 Svetlyak.

9. Chuyển giao hai tàu tuần tra Project 1159T và 1234E cho Hải quân Algeria

Tháng 2/2011, Nhà máy đóng tàu phương Bắc đã thực hiện buổi lễ chuyển giao hai tàu tuần tra Project 1159T và 1234E cho hải quân Algeria sau khi đại tu và hiện đại hoá.

Hai tàu trên được trang bị nội thất hiện đại, hệ thống thông tin, hệ thống sonar, hệ thống tên lửa mới và radar được nâng cấp.

Trong quá trình sửa chữa, khoảng 80% các hệ thống của tàu đã được thay thế để kéo dài thêm thời gian hoạt động 10 năm.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán đang để tiếp tục hiện đại hóa hai tàu Project 1159T và 1234E khác cũng đang được tiến hành.
10. Chương trình cung cấp bộ phận để lắp đóng tàu Molniya tại Việt Nam

Nhà máy đóng tàu Vympel đã ký một hợp đồng phụ với Doanh nghiệp nhà nước Tổ hợp khoa học-công nghiệp Turbine khí Zoria-Mashproekt (Ukraine) để cung cấp các hệ thống động cơ đẩy tàu P-15 cho bốn tàu tên lửa Molniya thuộc Project 1241.8 đang được đóng cho Hải quân tại Việt Nam (>>chi tiết).

Theo hợp đồng, Zoria-Mashproekt sẽ cung cấp các động cơ P-15 cho 4 tàu Molniya của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013. Bốn tàu tên lửa này sẽ được các kỹ sư từ nhà máy Vympel tham gia giám sát và tư vấn.

Như kế hoạch trước đó, các tổ hợp máy điện đầu tiên cho Việt Nam sẽ được bàn giao trong tháng 12/2011.

Theo ARMS-TASS, một hợp đồng để cung cấp các thành phần thiết bị cho 6 tàu tên lửa Molnya đã được ký kết với Việt Nam trong năm 2010.

Năm 1990, Việt Nam đã mua được 4 tàu Molniya từ Nga, được trang bị hệ thống tên lửa Termit.

Năm 1993, Việt Nam đã mua giấy phép để tự đóng loại tàu tên lửa này được trang bị với hệ thống tên lửa Uran.

Các tài liệu kỹ thuật, pháp lý và để có thể đóng các tàu này bắt đầu vào năm 2005. Từ năm 2006, bắt đầu quá trình chuẩn bị cho sản xuất.

Theo hợp đồng đã ký trong năm 2003, hai tàu Molniya trang bị tổ hợp tên lửa Uran đã được lên kế hoạch đóng ở Nga và 10 tàu sẽ được đóng theo giấy phép tại Việt Nam.

Tàu tên lửa Molnya đầu tiên trang bị hệ thống tên lửa đối hạm Uran-E đã được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2007, tàu thứ hai vào năm 2008.

Trong năm 2010, chiếc tàu Molniya đầu tiên đã được bắt đầu đóng tại xưởng ở TP Hồ Chí Minh, mở đầu cho hợp đồng đóng theo giấy phép 10 tàu Molniya đến năm 2016.
(theo TSAMTO)


Quân đội Việt Nam thay trang phục
Từ 22/12/2009, quân đội Việt Nam sẽ đồng loạt bắt đầu mặc trang phục sỹ quan kiểu K-08 với màu xanh ô-liu là màu sắc chủ đạo.

Lễ phục K-08 (Hình Quân Sử Việt Nam)
Bộ đội biên phòng trong lễ phục K-08
Việc thay đổi quân phục được nói là hướng đi "hiện đại hóa, hội nhập quốc tế" của quân đội Việt Nam.
Từ đó tới nay, lễ phục mới đã được thử nghiệm tại một số đơn vị trước khi đưa vào đồng loạt.
Ngày 22/12 cũng là dịp quân đội Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập.
Ngoài lễ phục, các phụ kiện kèm theo như giày, nền quân hiệu sỹ quan… cũng sẽ thay đổi về chất liệu, màu sắc và kiểu dáng.
Tuy nhiên một số quân nhân cho rằng đồ kiểu K-08 không được gần dân, bao gồm thường phục và lễ phục, tất cả đều màu xanh thay màu cỏ úa.
Nhưng cũng có người nói đây là "một điểm trong quá trình hiện đại, chính quy hóa quân đội thôi, không quan trong quần áo, cơ bản là cái phẩm chất bộ đội cụ Hồ không bị thay đổi."


Quân đội Thái Lan và Việt Nam thi bắn quân dụng. (Hình Quân Sử Việt Nam)



Nhu cầu hiện đại hóa và hội nhập thế giới ngày càng cao: trong hình lính Việt Nam và lính Thái Lan thi bắn quân dụng.
'Bộ đội cụ Hồ'
Diễn đàn của các quân nhân đã từng rộ lên những thảo luận về chuyện thiết kế trang phục mới.
Theo họ trang phục khi thiết kế xong cần ''vẫn giữ được nét truyền thống, khi nhìn vào quân phục biết là của quân đội Việt Nam, ví dụ giữ lại nón cối, nhưng màu sắc phải đồng nhất với áo quần, chất liệu thì bảo đảm nhẹ, nhưng vẫn an toàn khi sử dụng, chống đạn...''
Điều quan trọng theo các quân nhân là ''tính ứng dụng cao, có nghĩa là sử dụng thuận tiện, không làm khó chịu cho người sử dụng, mang tính thoải mái, cơ động, mặc nhanh gọn, và quan trọng là thực thi...''


Nhiều quân nhân cũng đồng ý rằng ''trang phục phải mang tính thẩm mỹ, và quan trọng là khi mặc quân phục đó vào, người chiến sĩ cảm thấy tự hào, vì đẹp..."
Gần đây quân đội Việt Nam mặc kiểu K-07, là đồ dã chiến, có 2 loại cho lính và sĩ quan. Loại lính thì áo có 2 túi, còn loại sĩ quan áo có 4 túi, có thêm cái đai để cài tay áo khi xắn lên, nhưng cùng loại cũng không thống nhất hoàn toàn và chất liệu vải cũng khác nhau.
Hiện tại đồ K-07 chủ yếu phục vụ cho công tác huấn luyện và SSCĐ, nhưng đa số vẫn ưa chuộng kiểu K-03 xanh.

Trước đây, quân đội Việt Nam mặc đồ K-82 màu cỏ úa. Từ năm 2005 thì lính bắt đầu thay đồ K-03, từ năm 2007 thì thêm đồ K-07.

Đồ dã chiến K-07 (Hình Quân Sử Việt Nam)
Đồ dã chiến K-07
Công khai
Mới đây, cũng nhân dịp 65 năm thành lập quân đội, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho công bố Sách trắng Quốc phòng 2009.
Trong đó, Việt Nam công khai một số chi tiết được đưa ra lần đầu tiên như ngân sách quốc phòng và tổng quân số.
Toàn quân có 450.000 bộ đội chính quy.
Ngân sách cho bảo vệ đất nước là 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Tuy nhiên một số nguồn tin nước ngoài cho rằng ngân sách quốc phòng thực tế của Việt Nam phải gấp đôi ngân sách công bố.



No comments: