Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Barack Obama
20/01/2009
*
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc bài diễn văn nhậm chức tại Trụ sở Quốc hội ở thủ đô Washington ngày 20/1/2009
Thưa quốc dân đồng bào,
Hôm nay tôi đứng đây với sự khiêm cung trước nhiệm vụ mà chúng ta phải đối phó, với lòng biết ơn về sự tin tưởng mà đồng bào đã dành cho tôi, và nghĩ đến những hy sinh mà các bậc tiền bối của chúng ta đã chịu đựng. Tôi cảm ơn tổng thống Bush về sự phục vụ của ông cho đất nước chúng ta, cũng như lòng hào hiệp và tinh thần hợp tác mà ông đã chứng tỏ trong suốt quá trình chuyển tiếp.
Cho đến nay, đã có 44 người Mỹ đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời tuyên thệ này đã được đọc lên vào những thời kỳ đầy thịnh vượng và trong những thời hòa bình yên ổn. Tuy vậy, lời tuyên thệ này cũng vẫn thường được đọc lên trong những lúc thời gian đầy u ám và sóng gió. Vào những thời điểm như thế, nước Mỹ vẫn tiếp tục tiến bước không phải đơn giản chỉ vì tài năng và viễn kiến của những người nắm giữ các chức vụ cao, mà còn bởi vì nhân dân chúng ta tiếp tục trung thành với những lý tưởng của các bậc tiền bối, và trung thành với các văn kiện lập quốc.
Sự việc đã diễn ra như vậy. Và nó phải diễn ra như vậy với thế hệ người Mỹ hiện nay.
Sự kiện chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng là điều ai cũng hiểu rõ. Quốc gia chúng ta đang có chiến tranh, chống lại một mạng lưới rộng lớn của bạo lực và lòng thù hận. Nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu trầm trọng, do hậu quả của lòng tham và sự thiếu trách nhiệm của một số người, nhưng cũng vì sự thất bại chung của chúng ta phải có những lựa chọn khó khăn và chuẩn bị đất nước cho một thời đại mới. Nhà cửa đã bị mất mát; công việc bị cắt giảm; cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Công tác chăm sóc sức khỏe quá tốn kém; trường học chúng ta làm nhiều người thất bại; và mỗi ngày lại có thêm bằng chứng cho thấy rằng cách thức sử dụng năng lượng của chúng ta làm cho kẻ địch của chúng ta mạnh thêm và đe dọa đến hành tinh của chúng ta.
Đây là những chỉ dấu của khủng hoảng, bằng vào số liệu thống kê. Có những chỉ dấu không đo lường nhưng cũng không kém phần sâu sắc là sự hủy hoại lòng tin trên khắp đất nước. Đó là mối sợ hãi canh cánh rằng sự suy thoái của nước Mỹ là không thể tránh khỏi và rằng thế hệ kế tiếp phải hạ thấp kỳ vọng của mình.
Hôm nay, tôi xin nói với đồng bào rằng những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là có thực. Những thách thức này rất nhiều và nghiêm trọng. Những thách thức không thể được giải quyết một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng nước Mỹ phải biết rằng, chúng sẽ được giải quyết.
Ngày hôm nay, chúng ta tề tựu ở đây bởi vì chúng ta đã chọn hy vọng thay vì sợ hãi, thống nhất về mục đích thay vì sự xung đột và bất hòa.
Ngày hôm nay, chúng ta đến đây để tuyên bố sự cáo chung của những lời than phiền nhỏ nhặt và những lời hứa hão huyền, những lời trách cứ và những giáo điều đã lỗi thời, đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta quá lâu.
Chúng ta vẫn là một đất nước trẻ trung nhưng như lời Thánh Kinh đã nói, đã đến lúc ta phải gạt qua một bên những điều ấu trĩ. Đã đến lúc chúng ta phải tái khẳng định tinh thần kiên trì; để chọn cho chúng ta một lịch sử tốt đẹp hơn; để tiếp tục phát huy tặng phẩm quý giá đó; tư tưởng cao cả đó, đã được truyền lại cho chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác: đó là lời hứa được Thượng Đế mặc khải là mọi người đều bình đẳng, mọi người đều tự do, đều xứng đáng có cơ hội mưu cầu hạnh phúc đầy đủ.
Trong khi tái khẳng định tính chất vĩ đại của đất nước chúng ta, chúng ta hiểu rằng sự vĩ đại đó không bao giờ là một điều đương nhiên mà có được. Phải có công phu mới xây dựng được sự vĩ đại đó. Cuộc hành trình của chúng ta không hề là những lối đi tắt hay sự chấp nhận những điều bất cập. Đó không phải là một con đường cho những người thiếu can đảm, cho những người thích nhàn nhã hơn là lao động, hay những người mưu tìm sự vui thú của giầu sang và danh vọng. Thay vào đó, ấy là con đường của sự chấp nhận rủi ro, những người hành động, những người tạo ra thời thế – một số những người đó là những người nổi tiếng nhưng thường hơn đó những người, nam cũng như nữ, mà việc làm không được ai biết đến, những người đã đưa chúng ta tiến lên con đường dài, gập ghềnh tiến đến phồn vinh và tự do.
Đối với chúng ta, họ là những người đã gói ghém một ít của cải trần thế của và vượt qua những đại dương để đi tìm một cuộc sống mới.
Đối với chúng ta, họ đã lao động cực nhọc trong những cơ xưởng tối tăm và chinh phục miền Tây; chịu đựng roi vọt và cầy xới đất đai khô cứng.
Đối với chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; ở Normandy và Khe Sanh.
Luôn luôn những người đàn ông và phụ nữ này đã không ngừng tranh đấu, hy sinh và làm việc cho tới khi đôi tay của họ rướm máu để cho chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Họ đã nhận ra rằng nước Mỹ cao cả hơn con số gộp chung của những tham vọng cá nhân, cao cả hơn mọi sự khác biệt bắt nguồn từ bối cảnh gia đình, của cải hoặc phe nhóm.
Đây là hành trình mà ngày nay chúng ta tiếp tục theo đuổi. Đất nước chúng ta tiếp tục là quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh nhất trên Trái đất. Sức sản xuất của công nhân của chúng ta không hề sút giảm so với thời kỳ trước khi vụ khủng hoảng này bắt đầu. Sự sáng tạo của trí óc của chúng ta không hề sút giảm, và hàng hóa và dịch vụ của chúng ta vẫn tiếp tục được cần tới in hệt như tuần trước, tháng trước, hoặc năm trước. Khả năng của chúng ta vẫn không hề suy giảm. Nhưng thời đại mà chúng ta đứng yên trong tự mãn, bảo vệ những quyền lợi hẹp hòi và trì hoãn việc đưa ra những quyết định khó khăn – thời đại đó quả thật đã qua rồi. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta phải đứng dậy chiến thắng chính chúng ta và bắt đầu làm việc lại để xây dựng lại nước Mỹ.
Bất cứ chỗ nào chúng ta nhìn tới đều có những việc cần phải làm. Tình trạng của nền kinh tế đòi hỏi chúng ta hành động, hành động một cách quả quyết và nhanh chóng, và chúng ta sẽ hành động – không những để tạo ra công ăn việc làm mới, nhưng còn để xây dựng một nền tảng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây dựng đường sá, cầu cống, mạng lưới tải điện và đường dây chuyển tải dữ liệu số để hỗ trợ cho công cuộc thương mại và nối kết chúng ta với nhau. Chúng ta sẽ khôi phục vị thế xứng đáng của khoa học, và áp dụng những điều kỳ diệu của kỹ thuật để nâng cao phẩm chất của công tác chăm sóc sức khỏe và giảm thiểu chi phí của công tác này. Chúng ta sẽ biến ánh sáng mặt trời, sức gió và đất đai thành năng lượng để chạy xe và vận hành nhà máy. Và chúng ta sẽ chuyển hóa trường học các cấp của mình để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Chúng ta có thể làm được tất cả những việc này. Và những việc này là tất cả những gì mà chúng ta sẽ làm.
Giờ đây, có một số người đặt nghi vấn về tầm vóc của những tham vọng của chúng ta – những người cho rằng hệ thống của chúng ta không có khả năng để thực hiện nhiều kế hoạch to lớn như vậy. Nhưng những người đó là những người có trí nhớ không mấy tốt. Vì họ đã quên mất những gì mà đất nước này đã làm; những gì mà những người đàn ông và phụ nữ tự do có thể đạt được khi óc tưởng tượng được kết hợp với mục đích chung và nhu cầu kết hợp với lòng dũng cảm.
Những gì mà những người có thái độ hoài nghi quá độ không thể hiểu được là mặt đất dưới chân họ đã chuyển dịch – là những sự tranh cãi chính trị vô bổ đã phí phạm năng lực của chúng ta quá lâu giờ đây không còn áp dụng nữa. Câu hỏi mà chúng ta nêu lên hôm nay không phải là chính phủ của chúng ta quá lớn hay quá nhỏ, mà là chính phủ hoạt động có hiệu quả hay không – phải chăng chính phủ giúp đỡ các gia đình tìm được công ăn việc làm với mức lương khả quan, giúp họ có được sự chăm sóc sức khỏe với phí tổn phải chăng, giúp họ có được một cuộc sống về hưu tử tế. Nếu câu trả lời là ‘phải’, chúng ta nhất định sẽ xúc tiến. Nếu câu trả lời là ‘không’, chúng ta sẽ chấm dứt các chương trình đó. Và những người quản lý tiền bạc của công chúng như chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm – phải chi tiêu một cách khôn ngoan, sửa đổi những thói quen xấu, và làm việc minh bạch trong ánh sáng ban ngày, bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể khôi phục niềm tin của dân chúng đối với chính phủ.
Câu hỏi trước mắt chúng ta cũng không phải là thị trường là một sức mạnh tốt hay xấu. Sức mạnh của thị trường trong việc tạo ra của cải và nới rộng tự do là vô địch, nhưng vụ khủng hoảng này nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có một cặp mắt chăm chú theo dõi, thị trường có thể vượt khỏi tầm kiểm soát – và đất nước không giàu mạnh trong lâu dài khi thị trường chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu có. Sự thành công của nền kinh tế của chúng ta lúc nào cũng không thể chỉ tùy thuộc vào Tổng Sản Lượng Nội Địa, mà tùy thuộc vào sự thịnh vượng lan tỏa đến đâu; tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc nới rộng cơ hội cho những người có ý chí – không phải vì đó là một việc từ thiện, mà vì đó con đường chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu chung.
Về vấn đề phòng vệ chung của chúng ta, chúng ta bác bỏ sự lựa chọn sai lầm là lựa chọn giữa an toàn và lý tưởng. Những người sáng lập nước Mỹ, từng đương đầu với những mối hiểm nguy mà chúng ta khó lòng tưởng tượng, đã soạn thảo một hiến chương để bảo đảm cho pháp trị và quyền của con người, một hiến chương được nới rộng bằng máu của nhiều thế hệ. Đây là những lý tưởng vẫn tiếp tục soi sáng thế giới và chúng ta sẽ không từ bỏ những lý tưởng này vì sự tiện lợi nhất thời. Và vì vậy, tôi xin nói với tất cả những dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi buổi lễ hôm nay, từ những thủ đô to lớn cho tới ngôi làng nhỏ bé mà cha tôi đã chào đời, rằng quí vị nên biết là nước Mỹ là bạn của tất cả mọi quốc gia, mọi người đàn ông, mọi người phụ nữ, và mọi em bé – là bạn của những ai muốn mưu tìm một tương lai của hòa bình và phẩm giá, và chúng tôi sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo thêm một lần nữa.
Xin quí vị nhớ rằng những thế hệ trước đây đã đương đầu với chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng phi đạn và xe tăng, nhưng bằng những mối quan hệ đồng minh vững chãi và những sự tin tưởng mạnh mẽ. Những thế hệ đó hiểu rằng chỉ riêng sức mạnh không thôi không đủ để bảo vệ chúng ta, và sức mạnh cũng không dành chúng ta quyền làm những gì chúng ta thích. Thay vào đó, họ biết rằng sức mạnh của chúng ta gia tăng qua việc sử dụng sức mạnh một cách thận trọng; an ninh của chúng ta phát xuất từ sự chính đáng của mục tiêu của chúng ta, từ sức mạnh của tấm gương của chúng ta, và từ những phẩm chất tốt đẹp của lòng khiêm tốn và tinh thần tự chế.
Chúng ta là những người canh giữ di sản này. Một lần nữa, với sự hướng dẫn của những nguyên tắc này, chúng ta có thể ứng phó với những mối đe dọa mới, những mối đe dọa đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn – đòi hỏi sự hợp tác và thông cảm nhiều hơn nữa giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ triệt thoái một cách có trách nhiệm để giao cho nhân dân Iraq đất nước của họ, và củng cố nền hòa bình phải vô cùng chật vật mới có được ở Afghanistan. Với những người bạn mới và những người từng là kẻ thù, chúng ta sẽ làm việc không ngừng nghỉ để giảm thiểu mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, và đảo ngược xu hướng tăng nhiệt toàn cầu. Chúng ta không có gì để phải cảm thấy xấu hổ vì lối sống của mình, và chúng ta cũng nhất định bảo vệ cho lối sống này; và đối với những người muốn đạt được mục tiêu bằng cách gieo rắc khủng bố và giết hại những người vô tội, chúng tôi muốn nói ngay với quí vị rằng tinh thần của chúng tôi đã trở nên vững mạnh hơn và không thể bị khuất phục; quí vị không thể thắng được chúng tôi - chúng tôi sẽ đánh bại quí vị.
Vì chúng ta biết rằng di sản đa dạng của mình là một sức mạnh chứ không phải là một nhược điểm. Chúng ta là một quốc gia của người Cơ đốc giáo và Hồi giáo, của Do thái giáo và Ấn độ giáo và của cả những người không tin theo đạo nào. Đất nước chúng ta hình thành bởi mọi ngôn ngữ và văn hóa bắt nguồn từ khắp nơi trên trái đất; và bởi vì chúng ta đã nếm mùi cay đắng của nội chiến và chia cách chủng tộc và đã vượt qua chương sử đen tối đó và trở nên mạnh hơn và đoàn kết hơn, cho nên chúng ta tin rằng những mối thù hận lâu năm rồi sẽ có ngày phai nhạt; tin rằng những lằn ranh chủng tộc sẽ nhanh chóng bị xóa đi; tin rằng thế giới đang thu hẹp, và sự liên đới của loài người sẽ được thể hiện; và tin rằng nước Mỹ phải đóng một vai trò để xây dựng một kỷ nguyên mới của hòa bình.
Đối với các quốc gia Hồi giáo, chúng ta tìm một hướng mới phía trước, dựa trên ích lợi hỗ tương và kính trọng lẫn nhau. Đối với các lãnh đạo trên khắp quả địa cầu muốn gieo rắc tranh chấp, hoặc đổ lỗi cho những tệ nạn xã hội của họ cho phương Tây, cần biết rằng nhân dân quí vị sẽ phán xét tốt cho quí vị về những gì quí vị có thể xây dựng, chứ không vì những gì quí vị hủy hoại. Đối với những ai bám víu quyền lực bằng tham nhũng, gian lận, và bằng cách bịt miệng những người bất đồng, hãy biết rằng quí vị đang đứng ở phía trái của lịch sử; nhưng chúng tôi sẵn sàng đưa tay giúp đỡ nếu quí vị sẵn sàng thay đổi lề lối của quí vị.
Đối với các quốc gia nghèo, chúng tôi cam kết làm việc với quí vị để các đồng ruộng của quí vị đơm hoa kết trái, và để cho nước sạch được tuôn chảy đến mọi nơi; để nuôi sống những cơ thể thiếu đói và giúp phương tiện cho những người cầu tiến mơ ước được mở mang trí tuệ. Và đối với các quốc gia giống như đất nước chúng ta, được hưởng những của cải tương đối dồi dào, chúng ta nguyện rằng chúng ta không thể nào vô cảm trước những thống khổ bên ngoài biên giới của chúng ta, và chúng ta cũng không thể tiêu dùng các nguồn lực của thế giới mà không nghĩ đến hậu quả. Vì thế giới đã thay đổi, chúng ta phải thay đổi với thế giới.
Trong lúc xét đến con đướng mở ra phía trước, chúng ta tưởng nhớ với tấm lòng biết ơn sâu sắc trước những người Mỹ dũng cảm cao cả, ngay vào giờ phút này, tuần tra các sa mạc xa xôi và núi non hẻo lánh. Họ nêu lên tấm gương cho chúng ta hôm nay, cũng hệt như những anh hùng đã khuất yên nghỉ nơi nghĩa trang quốc gia Arlington để lại cho chúng ta qua nhiều thời đại...Chúng ta vinh danh họ, không phải chỉ vì họ là những người bảo vệ tự do cho chúng ta, mà còn vì họ thể hiện tinh thần phục vụ; một ý chí hướng đến một điều gì cao cả hơn chính bản thân họ. Thật vậy, trong lúc này, lúc sẽ định hình cho cả một thế hệ, quả thực tinh thần này cần phải hiện hữu trong tất cả chúng ta.
Khi nói đến chuyện chính phủ có thể làm gì và phải làm gì,thì điều tối hậu chính là niềm tin và quyết tâm của toàn dân mà quốc gia này trông cậy vào...Đó chính là lòng tử tế đưa tay đón nhận một người lạ vào trong nhà mình khi vỡ đê gây nạn lụt, nó cũng là lòng vị tha mà các công nhân sẵn sàng giảm bớt giờ để chia sẻ thiệt hại chung thay vì để cho một đồng nghiệp của mình mất việc; lòng tử tế đó soi sáng cho chúng ta mỗi khi chúng ta ở vào tình huống đen tối nhất. Lòng dũng cảm của nhân viên chữa cháy xông vào một cầu thang ngạt khói để cứu người, và cũng như ý chí của bậc cha mẹ quyết tâm chăm lo nuôi dưỡng cho con cái, mà cuối cùng số phận của chúng ta được quyết định.
Những thử thách của chúng ta có thể là mới mẻ. Các công cụ mà chúng ta dùng để đối phó với thách thức có thể là mới mẻ. Nhưng các giá trị đã dẫn đến thành công của chúng ta là những giá trị tự ngàn xưa, đó là siêng năng, cần cù trong công việc, lương thiện, can đảm, tinh thần thượng võ, khoan dung, thích tìm hiểu, học hỏi, trung thành và yêu nước. Đó là những chuyện có thật. Chúng là động lực âm thầm cho tiến bộ xuyên suốt lịch sử của nước Mỹ. Điều đang đòi hỏi chúng ta là quay về với những chân giá trị đó. Điều đòi hỏi chúng ta hiện nay là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm ; một sự thừa nhận của mỗi người Mỹ rằng chúng ta có nghĩa vụ với chính chúng ta, quốc gia chúng ta, và cả thế giới ; những nghĩa vụ mà chúng ta vui lòng nhận lãnh, không phàn nàn với ý thức sắt đá rằng không có điều gì giúp thỏa mãn tinh thần, phản ảnh tư cách của chúng ta, cho bằng cống hiến tất cả cho một sự nghiệp khó khăn.
Đây là cái giá và sự hứa hẹn của quyền công dân.
Đây là nguồn gốc của sự tin cậy của chúng ta - sự hiểu biết rằng Thượng Đế để cho chúng ta để định hình một định mạng không chắc chắn.
Đây là ý nghĩa của tự do và tín ngưỡng của chúng ta- Tại sao mọi người, nam, nữ, trẻ em thuộc mọi chủng tộc và mọi niềm tin có thể cùng nhau vui mừng kỷ niệm tại quảng trường quốc gia vĩ đại này và tại sao một người có thân phụ cách đây gần 60 năm đến một nhà hàng ăn địa phương đã bị từ chối không được tiếp mà nay đứng trước mặt quý vị để đọc một lời tuyên thệ thiêng liêng nhất.
Do đó, chúng ta hãy đánh dấu ngày này bằng cách nhớ lại chúng ta là ai và chúng ta đã đi qua những chặng đường dài như thế nào. Vào năm khai sanh quốc gia Hoa Kỳ, trong những tháng giá lạnh nhất, một nhóm nhỏ những người ái quốc xúm lại với nhau bên cạnh đống lửa gần tàn bên bờ một dòng sông băng giá. Thủ đô đã bị bỏ lại phía sau. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang đầy máu. Vào thời điểm mà nhiều người ngờ vực nhất không biết cuộc cách mạng của chúng ta có đi đến kết quả hay không, thì vị quốc phụ của chúng ta hạ lệnh tuyên đọc những lời sau đây: “Hãy nói cho thế giới tương lai...là vào lúc mùa đông giá lạnh nhất, không có gì ngoài hy vọng và đức tính có thể sống còn...rằng thành phố này và xứ sở này, được cảnh báo trước hiểm họa chung, nhất quyết tiến tới…”
Đất nước Hoa Kỳ, đối mặt với những hiểm họa chung, trong mùa đông gian khổ này của chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại những lời lẽ vượt thời gian đó. Với hy vọng và đức tính, chúng ta hãy một lần nữa can đảm vượt qua dòng nước băng giá và chịu đựng bất cứ cơn giông bão nào có thể thổi tới. Hãy để cho hậu thế của chúng ta nhắc lại là khi chúng ta bị thử thách, chúng ta đã không dừng bước bỏ dở cuộc hành trình, rằng chúng ta không quay lui trở lại mà chúng ta cũng chẳng hề ngập ngừng, nao núng và với tầm mắt đăm đăm đặt vào chân trời phía trước và với hồng ân của Thượng Đế ban cho chúng ta, chúng ta mang món quà tự do quý giá nhất chuyển giao lại một cách an toàn cho các thế hệ mai sau.
lLỜI BÌNH CỦA GIA HỘI
--
No comments:
Post a Comment