Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Saturday, January 31, 2009
LÊ TẤN LỘC * SỔ TAY HÀNH TRÌNH
SỔ TAY HÀNH TRÌNH
Quê hương ruồng bỏ…
Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
Tân thì thầm trong màn đêm giả tạo qua chiếc mặt nạ che mắt, sau bữa ăn tối với hương vị rượu đỏ nồng ấm còn đọng trên môi, trên chuyến bay rời Xứ Tuyết về hướng thành phố mà một thời, rất thương yêu, Tân đã gắn thêm cụm từ “của những cuộc tình” vào tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông (Saigon de mes amours), sau khi bỏ lại sau lưng trong ray rứt nuối tiếc “Paris của những mộng mơ” (Paris de mes rêves):
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ,
Quay về xem non nước giống dân Hời.…
«
*Sàigòn, 20.2.2003
Sàigòn ơi! Anh trở về thăm em sau hai mươi ba năm biệt xứ …
Bước xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, cái nóng hỏa lò hắt mạnh vào mặt khiến tôi hoa mắt, lảo đảo. Những nắng là nắng: nắng chói chang, nắng đổ lửa, nắng thiêu đốt! Hai mươi tám năm về trước, cũng cái nắng cháy da, cái nắng bốc khói như thế nầy đã thuộc da, đã thui sống tôi và đồng bạn “cải tạo” đang hì hục còng lưng dùng tay trần cào xới sỏi đá để “canh tác”, dưới sự thúc ép nghiệt ngã của bọn quản ngục.
Tôi về lại chi mảnh đất ngàn đời thương khó nầy? Chắc hẳn không thể như “quan trạng vinh qui về làng” được rồi: So với nếp sống phồn vinh của bè bạn, hàng xóm láng giềng hiện nay, “Việt kiều nghèo” tôi khác chi phường khố rách áo ôm? Cũng chẳng phải để hí hửng làm “Việt kiều du lịch kiểu du khách ngoại quốc trên đất nước của mình”: tôi không đủ sức mà cũng không thấy hứng thú.
Tình thật, tôi chẳng chút chi “hồ hởi” về thăm một quê hương triền miền khốn khổ mà mình đã đoạn đành lìa xa, bỏ mặc, quên lãng. Chỉ vì bà chị duy nhất của tôi hấp hối, muốn thấy mặt thằng em chị đã bồng ẵm, chăm sóc thay mẹ đau yếu đến phải bỏ dở con đường học vấn -vốn hứa hẹn nhiều thành quả rực rỡ- mà tôi đành múi mặt đối diện tại phi cảng với đám hung thần đã đày đọa, trù đập chí cốt các bạn đồng cảnh ngộ bi phẩn với tôi…
Động lực thúc đẩy khác cũng không kém phần quan trọng là do tôi nuôi hi vọng gặp lại vài thằng bạn đã từng chia cơm xẻ áo, cùng hứng chịu nhục nhằn trong lò cải tạo năm nào. Thử xem chúng nó sống còn ra sao. Nhứt là muốn tìm dấu một vài đồng nghiệp “gõ đầu trẻ” hiếm hoi còn sót lại ở quê nhà, cùng các cựu môn sinh của tôi, hiện rải rác khắp nơi.
Nhưng…làm sao dò tìm những bóng dáng thân thương nầy trên những đường phố thơ mộng, chan chứa ân tình xa xưa -những “con đường xưa em đi”- giờ đây đã hoàn toàn biến thể dưới hàng hàng lớp lớp cao ốc sừng sững hai bên đường, che lấp hết ánh mặt trời…
Đường phồ Sàigòn bưng bít gió,
Tôi biết nơi nào gửi nhớ thương!
Hoàn toàn lạc hướng giữa chốn phồn hoa đô thị xa lạ, tôi chỉ còn biết nhắm mắt mơ hồ ngỡ như nhận ra dáng dấp thân quen của những đứa bạn từng sống chết có nhau, huyền ảo như bóng “muôn ma Hời” thoáng hiện về lung linh trong “Điêu tàn”…
*Gia Định, 21.2.2003
Con đường Hàng Xanh, cạnh Ngã tư xa lộ Biên Hòa, hoàn toàn lột xác. Con đường đầy tang tóc máu lửa xưa kia giờ đây thay hình đổi dạng thành khu phố sầm uất, bán buôn ì xèo, xe cộ như mắc cửi, chiếm hết mặt lộ và “xử lý” luôn cả hai lề đường. Tiếng động cơ chát chúa, tiếng đôi co tru tréo ầm ĩ nghe như tiếng súng nổ rền vang, tiếng kêu la thảm thiết của vô số người bị trọng thương, nằm la liệt bên cạnh hàng đống xác chết đã bắt đầu trương rữa, hôm Tết Mậu Thân… Làm sao mà quên được:
Đây chiến địa, nơi đôi bên giao trận,
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang…
Căn nhà thờ Hàng Xanh vách ván, mái tôn lụp xụp năm nào vừa làm trạm cứu thương, cứu đói, vừa làm nơi trú ẩn cho nạn nhân chiến cuộc “Mậu Thân” từ các nơi đầy máu lửa Cầu Sơn, Bình Triệu, Gò Vấp đổ xô về lánh nạn -đồng thời cũng là nơi tích lũy hàng khối tử thi chưa thể đem đi chôn, được bó chiếu sơ sài hoặc nhét vội vào bốn miếng ván ghép hối hả, gở từ phên vách những ngôi nhà cháy dở dang- giờ đây đã hóa thân thành một ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, bê-tông cốt sắt. Khách thập phương, giáo dân và người bán hàng rong chen chút nhau trong sân trước giáo đường có tường rào kiên cố bảo vệ. Tượng Đức Mẹ trước nhà thờ đã được dời đi nơi khác. Di tích duy nhất còn lại để nhắc nhở thời nghèo nàn tang tóc nhưng dồi dào tình người của nhà thờ Hàng Xanh xa xưa là tấm plaque cẩm thạch lưu niệm, gắn trên tường, ghi võn vẹn tên Cha Sở Thomas Trần Lê Vinh, năm sinh và năm mất. Ngắn gọn! Tôi cúi đầu trước di tích buồn tênh đó, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn vị linh mục đã đóng một vai trò trọng yếu trong đời sống tâm linh của tôi sau khi tôi ra tù cải tạo. Và tự hỏi: “Chúa có còn ngự trong ngôi thánh đường phồn thịnh nầy chăng? Hay Người đã đến một nơi mà con cái Người đang đau thương, quằn quại, khốn đốn như dân chúng xưa kia trong căn nhà thờ Hàng Xanh ngập tràn tiếng kêu khóc thương xót”?
*Thủ Đức, 22.2.2003
Chợ Nhỏ Thủ Đức gần như không thay đổi đáng kề. Cái nóng hâm hấp trong ngôi chợ còn giữ được gần nguyên vẹn nếp sinh hoạt trước 1975 không làm tôi ngột ngạt, bởi vì đó là hơi nóng ấm nồng tình người của đồng bào thân quen của tôi. Không xa lạ, không dửng dưng, không kênh kiệu, khinh khỉnh như đám “bào-đồng=cùng-màu-da” ở cửa khẩu nhập cảnh, chực chờ “bào” đồng đô-la của “khúc ruột ngàn dặm” được họ “ban ơn khoan hồng” cho về thăm nơi chôn nhao cắt rún!
Thế nhưng ngôi chợ nhỏ nầy chỉ là một ốc đảo như “khu bảo toàn sinh vật sắp tuyệt chủng” nằm trơ vơ trong đại đương bao la của những biến đổi phi nhiên tính do tập đoàn “dân-tộc-ra-cửa-gặp-ngay-anh-hùng-nhởn-nhơ-đầy-đường-phố” chủ xướng. Qua khỏi khu bảo toàn nầy, “người con về từ phương xa” chẳng còn nhận diện được đất đai xứ sở của mình nữa: Cả môt vùng đất mênh mông chung quanh Trường Bộ Binh trước kia giờ đây chẳng còn một xẻo đất trống. Nhà cửa xây hỗn loạn, hầu hết là những villa lộng lẫy được bao quanh bởi một vòng đai tường gạch ngạo nghễ mà cổng vào luôn luôn được một bảng hiệu to tướng, đỏ rực “Doanh trại Quân đội nhân dân” xác định quyền sở hữu bất di dịch, bất khả xâm phạm, cha truyền con nối của đám cư dân “con cưng của chế độ” được nhà nước tận tình ưu đãi! Doanh trại tiếp liền doanh trại, liên tục nối dài “xa tít tận chân trời”…Cơ hồ như cả nước, từ Cà Mau đến ải Nam Quan được một dãy Trường-Sơn-Doanh-Trại-Quân-Đội-Nhân-Dân “nối vòng tay lớn”!
Loanh quanh, dò dẫm mãi trong đám rừng doanh trại tôi mới tìm ra lối mòn dẫn tới một vùng chứa rác lộ thiên khổng lồ: vài trăm căn nhà “khiêm tốn” của cư dân bị trục xuất khỏi mấy khu kề cận Trường Bộ Binh mọc lên chung quanh các núi rác. Hai thiếu phụ -một thư ký, một y tá- cựu cộng sự viên ở trường Trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương đón tôi ở đầu ngõ khu “bàn cờ” tái sinh bất đắc dĩ, cho tôi khỏi mất tích trong mê cung nghèo khó nầy. Đôi bên nhìn nhau, rưng rưng…Muốn choàng ôm nhau nghẹn ngào nhưng…vẫn cứ ngại ngần: Dẫu sao chúng tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng không khí “cổ kính”, “mô phạm” của cửa Khổng sân Trình thời trước!
Bữa cơm thanh đạm do hai cựu thuộc viên nghèo khó tự tay nấu nướng “chiêu đãi” trưởng cơ quan cũ -cũng chẳng khá giả gì lắm- vậy mà vui hết sức! Mùi nylon cháy khét lẹt từ những núi rác không làm ô nhiểm không khí đậm tình anh em thân thiết giữa chúng tôi.
- Nầy cô Xuân! Không thấy cô giới thiệu chồng con chi cả.
- Ai mà chịu lấy tôi, hở anh? Vừa nghèo vừa xấu.
- Ai dám bảo cô y tá của tôi xấu? Cô kén chọn quá kỹ chăng? Còn cô Cang, cậu con trai giờ ra sao rồi? Cô có bước thêm một bước nữa chăng?
- Nhờ anh đỡ đầu lúc nó ra đời nên nó ăn học khá lắm, bây giờ có việc làm vững chắc, rất hiếu thảo. Từ lúc ba nó mất tích ở Bình Long, tới nay tôi vẫn ở vậy nuôi con. À! Anh còn nhớ chú Trầm, tùy phái không? Tội nghiệp, ổng già yếu lại bịnh nặng. Hai ông bà thương anh lắm, nhắc anh hoài…
Làm sao tôi quên được hai vợ chồng người đã hết lòng ân cần chăm sóc tôi, những ngày đầu tôi nhận trách nhiệm điều khiển trường Trịnh Hoài Đức? Cả ba chúng tôi lặng lẽ thở dài...
- Bé Tám dạy nhạc bây giờ ra sao rồi?
- Anh nhắc làm chi cái thứ nằm vùng ôn hoàng dịch lệ vật đó! Xuân trả lời.
-“Giải phóng” vô hôm trước, hôm sau hắn vênh váo xách AK tới trường hoạnh họe, hạch sách các thầy cô và nhân viên văn phòng đủ điều. Rồi hắn ra lệnh cho tôi đánh máy danh sách phân loại để hắn báo cáo lên Ban An Ninh, Cang tiếp lời. Bây giờ hắn bị cho ra rìa rồi, chẳng ai thèm ngó tới mặt. Đáng đời!
Tôi lắc đầu ngao ngán cho thế thái nhân tình: Bé Tám, người được toàn trường chúng tôi hết lòng thương yêu, đùm bọc, nhiệt tình giúp đỡ mọi mặt…
Lúc bùi ngùi chia tay, tôi kín đáo chạm nhẹ vào bàn tay gầy yếu xanh xao của hai cô em đã giữ nguyên vẹn lòng cảm mến dành cho người anh viễn phương…
Áo em vạt tím ngàn sim,
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ.
*Trường Dạy Nghề Thủ Đức, 23.2.2003
Lần nầy thì tôi chẳng nghe ai kể hết. Chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe: Cửa quyền hống hách coi dân như rơm rác. Chính quyền do “nhân dân làm chủ” đấy nhé!
Quá thương tâm trước cảnh nghèo rớt mồng tơi của gia đình một người thân -nhà dột cột xiêu, cơm ngày hai buổi hẩm hiu với muối hột mà cũng chẳng đủ no lòng, con cái nheo nhóc; đứa con gái đầu đàn phải bỏ học đi bưng mâm rửa chén cho một tiệm phở, trước để được no bụng, sau để kiếm vài đồng bạc phụ mua gạo muối hàng bữa cho gia đình- tôi nhất quyết tìm cách rút đứa cháu gái tuổi chưa quá đôi tám, mặt mũi “dễ coi” ra khỏi cảnh đau lòng đầu bù tóc rối, chân đi trần, đầy vết mỡ loang : giúp cháu học nghề.
Bước vào văn phòng trường dạy nghề tôi chẳng thể nào tưởng tượng sẽ phải đối mặt với một mụ Giám hiệu quá ư mất dạy! Cán bộ nhà nước -“đầy tớ của nhân dân”- vô giáo dục phụ trách công tác giáo dục nhân dân! Đem tiền đến đóng học phí cho họ mà họ coi như mình đến xin ăn không bằng. Nói chuyện phang ngang bửa củi, trả lời nhát gừng, có ghế nhưng không mời khách ngồi. Đóng tiền xong, hỏi chi tiết về chương trình học, giờ giấc. Trả lời cụt ngủn: về đi, trở lại coi thông báo niêm yết. Hết!
- Ban giám hiệu trường nào cũng tiếp phụ huynh như vậy hết hả con?
- Dạ phải, dượng ba ! Chỗ nào của nhà nước cũng vậy hết, chớ không riêng trường học. Dân đem tiền “cúng” cho họ mà bị coi như tới van xin họ ban ơn bố đức!
- Hết ý!
*Bình Dương, 23.2.2003
- Allô! Thưa thầy! Tụi em đang trên đường xuống rước thầy…Thầy biết ai gọi thầy không đây?
- Huê Mỹ phải không?
- Trời Phật! Hai mươi mấy năm rồi mà thầy vẫn còn nhận ra tiếng em!
- Làm sao quên giọng “hai-phai-xì-tê-rê-ô” của nữ lực sĩ được!
Ba mươi phút sau, chiếc mini van đầy người gấp rút tấp vô lề đường trước cổng nhà chị tôi. Một đoàn áo dài trắng tức tốc túa ra, ào tới quấn quít lấy tôi, đứa nắm tay, đứa bá cổ, đứa choàng vai, đứa bẹo mặt, đứa vuốt tóc, vừa reo cười vừa mếu máo khóc!
- Thầy ơi! Phải thiệt thầy Tân dạy Triết của tụi em không đây? Một đứa hỏi. Tụi em nghe đồn thầy tự tử chết trong trại cải tạo rồi. Thầy mình thực sự còn sống, phải hôn tụi bây? Hỏi xong, bèn bật khóc!
- Thầy biết con nhỏ cười qua nước mắt kia là ai không? Huê Mỹ hỏi.
- Không nhớ. Trông rất quen. Đẹp. Nhưng có vẻ buồn thảm quá!
- Hồng Phượng mà thầy không nhớ ra à? Hồi trước, sáng nào nó cũng quá giang xe thầy từ Lái Thiêu tới trường mà!
- Trời đất! Hèn chi tôi cứ ngờ ngợ.
Hồng Phượng đối với tôi như em ruột vì là con của thầy tôi ở Bạc Liêu. Cũng là em gái của Danh, thằng bạn nối khố, đồng nghiệp.
Huê Mỹ ngày xưa thân hình cân đối, rắn chắc, bây giờ gầy gò, cao nghệu như tre miễu, nhưng nụ cười vẫn còn rạng rỡ. Đám cựu môn sinh đang quây quần bên tôi giờ đây đã “ông ông mụ mụ rồi” hết ráo, nhưng không rõ có phải vì cái khung cảnh tái ngộ quá đặc biệt nầy mà đột nhiên chúng trở thành đám nữ sinh lăng xăng tíu tít như dạo nào chăng? Hoài niệm vẫn còn xanh trong chúng tôi…
(Bình Dương)
*
Giám hiệu Trường Trịnh Hoài Đức, một cựu học sinh của Trường, mời tôi, Phúc, một cựu Hiệu trưởngTHĐ kế tôi, cùng đám cựu môn sinh vào văn phòng trò chuyện thân mật. Giám hiệu ngỏ lời chào mừng và hoan nghinh sự trở về trường xưa của người thầy cũ-nguyên hiệu trưởng, lời lẽ cảm động chân thật. Ba hiệu trưởng kế tiếp nhau, mỗi người tiêu biểu cho một thế hệ, ngồi bên nhau trong tinh thần sư đệ: Điều tôi không ngờ có thể “được phép” làm ở một cơ sở giáo dục “do nhân dân làm chủ”! Không khí “có giáo dục” nầy, tôi nghĩ là do vị Giám hiệu đã được “giáo dục” trước 1975. Nếu không, chắc cũng rập khuôn “cửa quyền” như ở trường dạy nghề Thủ Đức thôi.
- Chào thầy! Em là Hiệu phó. Lúc thầy làm Hiệu trưởng, em mới vào đệ thất nên chắc thầy không biết em. Xin mời thầy cùng quí anh chị “tham quan” trường.
Cô Hiệu phó rất xinh, y phục lịch lãm, sở dĩ ăn nói “có văn hoá” là nhờ đã được đào tạo trong môi trường “tôn sư trọng đạo”, cũng trước 1975…
- Xin thầy đứng chụp ảnh trước dãy phòng mới cất, rất khang trang. Cô Hiệu phó vừa nói vừa nằm tay tôi lôi về hướng kỳ đài “phất phới cờ đỏ ngôi sao vàng”!
- Không, không! Huê Mỹ can thiệp, trì tay tôi lại, kéo về hướng khác. Lúc thầy dạy tụi mình, rồi lên làm Hiệu trưởng chỉ có dãy phòng cũ kỹ nhưng rất nhiều kỷ niệm thầy trò nầy thôi! Thầy về thăm trường cũ trò xưa là muốn tìm lại hoài niệm thân thương đó...Em hãy để yên cho bọn chị cùng thầy sống lại vùng hoài niệm xanh lúc thầy mới về trường chúng ta đi nghe !
Quả thật Huê Mỹ nói rất đúng, dãy phòng xưa cũ nầy và văn phòng Hiệu trưởng vừa chật cứng hoài niệm đối với tôi, vừa là di tích lịch sử đối với cựu nhân viên giảng huấn, nhân viên văn phòng và các cựu học sinh trước 1975. Chắc rồi cũng sẽ bị đập bỏ,
thay thế bằng hàng loạt kiến trúc do các ông chủ mới thiết kế đồ án, với lá cờ đỏ sao vàng chói chang -bắt buộc phải có- phất phới như một quyết tâm triệt hạ những gì gợi nhớ tới nền giáo dục nhân bản xa xưa…
- Thưa thầy! Em đứa là học trò nghèo năm xưa chẳng bao giờ quên thầy đã cho em lên xe Toyota của thầy để em khỏi cuốc bộ đến trường : Một điều mà em chẳng bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra giữa một học sinh quèn như em và một người vừa là thầy đứng lớp vừa là Hiệu trưởng! Nho, Phó Giám đốc Sở Giáo Dục Bình Dương ngõ lời trong buổi cơm thân mật tiếp đãi tôi và “phái đoàn cựu học sinh 12A1-12A2/THĐ/1970”, qui tụ trên dưới ba mươi khuôn mặt thân thương tại một quán cơm bình dân, ngoài thành phố.
- Em không giấu thầy, Nho tiếp, em là người cộng sản -và em là người cộng sản duy nhứt trong bàn tiệc nầy. Em theo lý tưởng của em, nhưng em vẫn kính mến, thương quí thầy và tôn trọng lý tưởng của thầy. Xin thầy cứ yên tâm: Tổn phí xe cộ đưa đón và bữa cơm hôm nay là do tụi em, học trò cũ của thầy, tự nguyện chung góp đài thọ. Tụi em dứt khoát không cho mấy đứa cựu môn sinh của thầy bây giờ là tay to mặt bự -cỡ bí thư tỉnh ủy, huyện ủy trở lên- gặp thầy, dù tụi nó có yêu cầu. Em nói với chúng nó :«Thầy Tân trực tính. Tụi bây quen thói “lên lớp” sảng, rủi ổng nhịn không nổi “quạt” lại, bị mất mặt, tụi bây dám bắt ổng đi cải tạo lần nữa lắm!».
- Thưa thầy! Chắc thầy không còn nhớ em đâu! Một giọng nữ trong như chuông ngân, không xưng danh, phát biểu. Ngày xưa, nhà nghèo quá, em phải nghỉ học xin làm thư ký đánh máy cho trường. Khi lên làm Hiệu trưởng, thầy không cho em làm…
- Tôi đuổi việc em?...
- Dạ không phải vậy! Thầy nói em còn nhỏ quá, bắt em tiếp tục học buổi sáng và cho em làm việc buổi chiều, thứ bảy, chủ nhựt làm thêm giờ bù…Nhờ vậy em tốt nghiệp đại học sư phạm, nối nghiệp thầy!
- Dù em có khai tên ra thầy cũng không nhớ nổi em đâu! Một cựu môn sinh phái nam chen vào, tiếp chuyện. Xin đọc bài thơ “Tái ngộ” em vừa làm xong tặng thầy, mà em dự trù đưa vào tập thơ “Chàm khúc tình” của em, sắp xuất bản. Em chỉ xin thầy, cũng là người cầm bút, nhớ bút hiệu của em thôi : Chu Ngạn Thư.
(….) Mượn câu vạn lý trùng phùng
Ấm trong tay bắt lòng mừng nỗi xưa.
Lạ thật! Tôi nghĩ thầm. Chàm khúc tình? Chẳng lẽ nhà thơ thấu suốt tâm trạng “quay về xem non nước giống dân Hời” trong Điêu tàn của người-dân-Việt-ngoại-kiều-trên-đất-Việt như tôi? Chàm khúc… Một cơn trốt xoáy tung bụi mù hay… Hồn tử sĩ gió ù ù thổi?
- Tôi kể anh Tân nghe chuyện dài Trịnh Hoài Đức. Phúc uống cạn ly bia, rơm rớm nước mắt, trầm buồn lên tiếng. Lúc tôi ngồi tù cải tạo, trường bị xoá tên và mất luôn vị trí một cơ sở giáo dục. Họ cưỡng đoạt ngôi trường làm trung tâm “bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ”.
Khi tôi ra tù, mấy đứa học trò cũ của mình -“quan lớn” trong chế độ “đổi đời”- tìm tôi, thúc đốc tôi ra nhận lại chức vụ hiệu trưởng. Tôi ra điều kiện tiên quyết : phục hồi danh hiệu Trịnh Hoài Đức và dời trung tâm gì đó đi nơi khác. Yêu cầu được đáp ứng sau nhiều năm dài tranh cãi. Sở Giáo Dục do học trò cũ mình cai quản giao cho tôi điều khiển trường được trao trả và yêu cầu tôi vận động cựu đồng nghiệp và cựu học sinh ở hải ngoại gởi tiền về gây quỹ phát triển trường cũ. Khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Nhưng rồi tôi nhận ra chính quyền chỉ muốn lợi dụng tôi để moi tiền những ai còn tha thiết với trường cũ.
Anh em điện thư yêu cầu tôi mở trương mục cho họ chuyển tiền. Lúc bấy giờ chánh quyền mới lộ tẩy : Chỉ có Sở Giáo Dục tỉnh Bình Dương mới có tư cách nhận và sử dụng tiền! Tôi thông báo ngay cho bè bạn khắp nơi, rồi cáo bịnh xin từ nhiệm. Sở không chấp nhận, trái lại càng lúc càng thúc ép tôi kêu gọi thiên hạ gởi tiền về.
Viễn ảnh tôi đi cải tạo lần nữa chập chờn…Cuối cùng tôi nghĩ ra cách rút lui an toàn. Tôi dàn cảnh đi xe đạp bị tai nạn chấn thương não, mất trí nhớ, ăn nói ngọng nghịu, lảm nhảm. Bệnh viện -do BS Phượng Hoàng, học trò ruột của chúng ta làm trưởng khoa bệnh lý- xác nhận bệnh trạng. Tôi thoát nạn!
- Lúc đó mình chới với khi nghe Danh báo “hung tin”. Không ngờ Phúc “siêu” quá cỡ!
Trên đường về, các em đề nghị tôi ghé qua khu Trường Nữ THĐ, gần chợ Búng. Trước 1975, Trường cũ gồm hai khu nam nữ, cách nhau trên hai cây số. Bây giờ khu nầy dành cho nữ cán bộ làm trụ sở hợp tác xã gì gì đó.
- Đây mới thật là nơi tụi em có quá nhiều kỷ niệm với thầy! Đấu, cô-nữ-sinh-mít-ướt ngày xưa, lệ đoanh tròng, nhìn tôi nói. Em nhớ, lúc học đệ tam với thầy, em ưa khóc vì mặc cảm nghèo, chỉ có một bộ đồ tương đối coi được mặc đi học. Thầy dỗ em và biểu em lúc nào muốn khóc thì nhìn mặt thầy sẽ hết khóc. Em cũng chẳng hiểu vì sao mà nghe theo lời thầy thì …em nín khóc thiệt! Và từ từ em hết mít ướt luôn!
- Thầy nhìn lên dãy lầu xem! Thầy còn nhớ căn chót phía tay mặt, nơi thầy dạy triết cho lớp đệ nhất A1, năm đầu tiên thầy về trường chăng? Gần Tết năm 1967, thầy đang đứng lớp trên đó thì có hai thanh niên giả dạng nam sinh THĐ sang bán báo Xuân đột nhập vào lùa thầy cô và tụi em ra sân cờ để tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”. Tình cờ có hai anh chuẩn úy không hay biết gì hết, từ chợ Búng đèo nhau trên xe gắn máy chạy ngang trường…Họ nổ súng sát hại. Em còn nhớ mồn một nụ cười tươi tắn của hai anh còn rầt trẻ đó thoáng qua cổng trường rồi vụt tắt ngấm theo tiếng súng nổ chát chúa. Và ngay bây giờ em vẫn tưởng như sự việc đang xảy ra trước mắt: Chiếc Suzuki màu xanh dương lật ngang giữa đường, máy vẫn còn nổ, bánh xe vẫn còn lăn, hai anh chuẩn úy vẫn còn giẫy chết…
Cơn xúc động do hoài niệm thương động tái xuất hiện dần dần lắng động.
- Thầy à! Đấu-mít-ướt cười hiền hòa nói. Bữa nay sao em cảm thấy như đang học lớp đệ tam đó thấy. Phải hôn tụi bây?
- Ê, con nhỏ! Tụi mình tóc hoa râm hết rồi nghe mậy! Huê Mỹ chọc phá.
- Tao cảm thấy thiệt vậy mà!
- Thầy có thấy cái miễu nhỏ trước cổng trường không? Hồng Phượng hỏi. Cái miễu đó, cho tới nay dân chúng vẫn tiếp tục nhan đèn cúng vái. Họ bảo hai anh chuẩn úy nầy linh lắm! Chánh quyền địa phương muốn dẹp mà không dám, vì nghe đâu mấy cán bộ gộc trên tỉnh cũng thường xuống xá lạy, van vái, cầu xin!
- Thầy ơi! Thầy ở lại chơi với tụi em đi. Lâu lắm rồi thầy mới có dịp trở lại Bình Dương. Đấu năn nỉ. Thầy còn về Việt Nam nữa không?
- Tôi thì không thành vấn đề. Nhưng cô thì không thể ở lại vì sức khỏe không cho phép. Chứ cô cũng rất thích sinh hoạt với các em. Tôi về nữa, các em nghèo quá làm sao đủ gạo nuôi tôi?
- Dạ thầy đừng lo. Tụi em chia nhau nuôi thầy cô, mỗi đứa một tuần. Rồi xây tua làm lại như vậy nữa. Dư sức “nuôi” thầy cô dài dài…
Tôi rời cảnh cũ người xưa, rạt rào thương cảm… Chốn ấy quê hương, ôi cảm tình! :
Đưa nhau đấu rượu hoa nầy,
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm…
(Thành phố Đà Nẵng)
*Đà Nẵng, 26.2.2003
Bốn mươi lăm năm rồi tôi mới lại có dịp đi xe lửa trên một tuyến đường xa. Lần chót tôi dùng phương tiện giao thông nầy là do năm 1958, giữa niên học, ban Triết Đại Học Sư Phạm chúng tôi tại Sàigòn được lệnh chuyển lên Đàlạt. Lần nầy đặc biệt hơn vì chuyến xe lửa mang tên “Thống Nhất” chạy suốt từ Sàigòn -đã bị mất tên- tới Hà Nội -địa danh trơ trơ như đá vững như đồng vì được “đảng và nhân dân ta” tôn vinh là “cái nôi của loài người ( v.v…)”, không như Sàigòn chỉ mới là Hòn Ngọc Viễn Đông ấm ớ thôi! Có nên nhắc lại, khách mở hàng chuyến tàu hỏa Thống Nhất nầy là hằng hà sa số quân cán chính VNCH được nhồi nhét như gia súc trên các toa tàu bít bùng, đưa ra miên Bắc “học tập cải tạo” và phần lớn đã vĩnh viễn nằm xuống trên con tàu định mệnh, được vùi lấp “không một nấm mồ” hai bên đường rầy “đầy máu và nước mắt” chăng? Bất giác tôi rùng mình: Toa “Couchette” khá tiện nghi tôi đang sử dụng, trước đây chắc chắn đã “tiếp thu” ít nhất trên trăm chiến hữu của tôi đang đói khát, ngộp thở, bịnh hoạn không thuốc thang, bài tiết tại chỗ, chết dần mòn…Phong cảnh nhạt nhòa theo lệ ứa :
Đây những cảnh rừng sâu cây lả ngọn,
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.
Cảnh vật hai bên đường rất đẹp và rất “quê hương”, với trâu bò nhơi cỏ trên đồng áng, với hàng dừa, rặng cao, lũy tre bao quanh đình chùa, làng thôn nếu không có cảnh tượng thương tâm phu dân nghèo khổ đập đá như tù khổ sai kiếm cơm độ nhật, gợi nhớ cảnh đày ải, cưỡng bức lao động trong các trại cải tạo năm nào…Lác đác vài ngôi nhà mồ nguy nga, tráng lệ trông rất bắt mắt nổi bật trên vô số nấm mồ lở lói, xác xơ. Người chết giờ đây cũng phân chia giai cấp trong một xã hội luôn huênh hoang tự hào “không giai cấp”. Nhà mồ huy hoàng, màu sắc rực rỡ : người chết có thân nhân là cán bộ hoặc Việt kiều. Nấm mồ sụp lở : hoặc vô chủ, hoặc con cháu người chết là đa số dân đen sống lây lất qua ngày! Dĩ nhiên nghĩa trang “liệt sĩ” thì y như lăng tẩm vua chúa thời xưa. Và cũng rất dĩ nhiên như một “tất yếu lịch sử” (sic!) vô số doanh trại quân đội nhân dân lại…lấn dân giành đất khằp nơi, khắp nước…
Thành phố Đà Nẵng không xô bồ như thành phố Sàigòn-mất-tên. Đường phố sạch sẽ, lưu thông trật tự, người dân nói năng lễ độ, tử tế. May mắn thay Trường Phan Chu Trinh vẫn còn giữ được tên và nét trang nghiêm của thời trước. Nhưng buồn thay, tôi chẳng gặp được “cố nhân” nào cả : bạn bè và đồng nghiệp cũ chắc đã vượt biên hết rồi!
Hai đứa cháu họ, Sử và Thảo, hướng dẫn chúng tôi thăm bãi Bụt nổi tiếng. Cành trí tuyệt đẹp. Nhà cửa xinh xắn như các chalet nghỉ mát Tây phương. Đất đai được rào phân cách thành lô rạch ròi. Hỏi tên các “phước chủ” mới bật ngửa : Khu đất và các chalet nầy là của Hen-ri Chúc, khu kia là của Eo-vít Phương, khu nọ là của Làng Văn! Cả ba khu nầy chiếm gần phân nửa diện tích bãi Bụt. Ô hô Việt kiều! Cứ đà nầy, bãi Bụt sẽ trở thành Bãi Văn Nghệ Sĩ nước ngoài ”yêu nước”… có đất kinh tài!
Trong buổi cơm chiều, Thảo kể chuyện ông tỉnh ủy từ chức vì thằng con hà hiếp dân lành. Ông là cán bộ cao cấp duy nhất không ém nhẹm chuyện xằng bậy. Nhưng một con én không làm nên mùa xuân. Sau đó, ông từ khước mọi chức vụ khác, xin hưu non.
- Con nghĩ ông ấy thấy xa.Thảo kết thúc chuyện kể. Nếu tiếp tục công tác, trước sau gì ông cũng bị đám tham ô ám hại.
- Con muốn chú xem kỷ vật con cất giữ của thằng bạn cách đây hai mươi tám năm. Sử buồn bã nói. Một tháng sau ngày “giải phóng”, bạn con lén lút đến nhà trao cho con một món quà gói ghém và ngụy trang rất kỹ. Và con cũng đã chôn giấu rất cẩn thận nên mới còn tới ngày hôm nay. Chú xem đây!
Sử trút từ ống tre ra một thanh kiếm nằm trong bao đen nạm vân vàng, mời tôi tuốt kiếm…Lưỡi kiếm đã rỉ sét, nhưng ánh thép vẫn còn lấp lánh! Tôi bồi hồi nhận ra thanh kiếm của sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia!
- Lúc sắp “đứt phim” bạn con là sinh viên sĩ quan đang chuẩn bị “vung kiếm gương cung” ra trường. Những lời cuối của bạn tới giờ nầy vẫn còn văng vẳng bên tai con: «Tao rất may mắn được Trường Võ Bị Quốc Gia giáo dục làm người, rèn luyện tinh thần trách nhiệm, tôn trọng danh dự. Trường đã cho tao một lý tưởng phục vụ tổ quốc. Những thứ quí báu đó không còn trong tay nữa với một quê hương đã mất, tao chẳng còn lý do gì để trường tồn. Hãy giữ hộ tao cây kiếm nầy để nhớ đến thằng bạn đã có lần được làm người, đúng nghĩa Làm Người…».
…Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai,
Không có ai ngày ngày, không có ai đời đời…
*Phi trường Tân Sơn Nhứt, 26.3.2003
Nho, Mỹ, Hồng Phượng và một số cựu môn sinh tiễn tôi xa lìa quê hương lần nữa, có thể chẳng bao giờ quay về lại. Nắm nuối, bịn rịn, “bước đi nhưng chưa nỡ rời…”. Nhưng rối thầy trò lại phải xa nhau nữa thôi!
Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ…
- Nầy anh kia! Một “bào-đồng-cát-kết-cầu-vai-đỏ-ối” trỏ tay về hướng tôi, nhe hàm răng “xâm lăng” hét to. Tôi nói tiếng Việt mà anh không hiểu sao? Có xếp hàng vào cửa lên máy bay ngay không thì bảo? Rõ lẩn thẩn!
Hình ảnh các quản ngục non choẹt năm nào sừng sõ quát tháo -“anh nầy anh kia”- bọn tù cải tạo đáng tuổi cha chú mình lại hiện về...
- Chú theo tôi vào đây làm việc. Một giọng miền Nam -duy nhứt ở phi cảng quốc tế nầy- nhỏ nhẹ rót vào tai tôi. Tuy vậy, tôi cảm thấy “lạnh cẳng” với cụm từ “làm việc” rất dễ động não. Vì bất cứ cựu tù cải tạo nào cũng đã từng đổ mổ hôi hột khi mình được kêu “lên làm việc”! Chắc lại có chuyện rồi… Vì chuyến thăm trường cũ chăng?
Vào phòng an ninh, trước đôi ba bộ mặt gầm gừ, giọng Nam dễ thương kia đổi sang ngay giọng Bắc - vì “lãnh đạo ” là đồng chí phương Bắc- nhưng vẫn nhẹ nhàng :
- Xin chú cho biết có quên cái gì trước khi lên phi cơ chăng?
- Tôi không nhớ. Hình như không.
- Thế thì cái áo gi-lê-phóng-viên-nhiều-túi nầy chắc của tôi, phỏng? Giọng Bắc “cấp trên” chanh chua xoi mói.
- Ô! Xin lỗi quí anh. Tôi già rồi, quên trước quên sau. Lúc nãy tôi bỏ sót nó trên quầy khám xét. Xin lỗi! Xin lỗi!
- Chúng tôi nhặt nó, soát qua các túi, thấy bản sao “bách-bo” của anh nên mới tìm anh trao lại. Anh kiểm lại các thứ xem có thiếu món gì không.
- Dạ, chỉ thiếu quyển sổ tay…
- Anh viết những gì chúng tôi không hiểu, vì viết tiếng nước ngoài. Nhật ký?
- Dạ không! Tôi ghi chú những cảm nghĩ hằng ngày về các luận án tiến sĩ của các sinh viên đại học Paris nhờ tôi nhuận sắc.
- Được rồi. Trả lại anh đây.
Hú vía! May là nhật ký viết bằng tiếng Pháp. Có lẽ nhờ chữ “Paris” mà tôi thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Nếu viết bằng tiếng Anh hay nói tới đại học nào ở Mỹ, chẳng biết cuộc diện sẽ ra sao…
».
…
Tân dán mắt vào “hublot” ghi nhận lần cuối hình ảnh thành phố thân yêu nhỏ dần khi phi cơ vút lên cao. Cúi nhìn ly rượu đỏ, như chờ đợi Sàigòn “thoáng hiện em về trong đáy cốc”, Tân thầm thì :
- Biết bao giờ còn thấy nhau lần nữa, Sàigòn ơi! Vì…
Tôi sẽ chết như hoàng hôn đã tắt
Mây bay đi không cuốn được u hoài
Chớm đêm về mưa gió sẽ chia tay
Cho lá nhớ mưa buồn dâng ướt mắt…
- Ôi quê hương dấu yêu , phải đoạn đành ruồng bỏ! Bởi…
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp,
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi!
Thôn trang Rêu-Phong, 30 tháng Tư 2008
- Lê Tấn Lộc-
Xin nghe bản "Trở về mái nhà xưa" qua giọng Ngọc Hạ và Nguyên Khang
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment