Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Sunday, January 11, 2009
TRUYỆN NGẮN * BỨC TRANH CỔ
Thủy Lâm Synh
Chú tôi là người ưa sưu tầm tranh cổ, chưa lần nào ông lại sung sướng như lần nầy vì ông đã mua được một bức tranh mà ông tin rằng đó là bức tranh vô giá.
Câu chuyện đưa đẩy chú tôi đi đến việc mua bức tranh khá giản dị. Ông nghe đồn có một người lạ vừa dọn tới làng nầy ở. Người ấy đã không chịu nổi cảnh túng thiếu của gia đình trong những ngày năm hết - tết tới, nên phải bán bức tranh gia bảo đó đi. Cũng có người bắn tiếng rằng bức tranh cổ đó đã có nhiều người nài nỉ mua với giá cao, nhưng người hàng xóm mới dọn tới nầy vẫn không thể bán vì lẽ những lời trối trăn của nội và cha ông ta cứ văng vẳng bên tai: “dù cho khổ sở đến đâu cũng đừng nên bán bức tranh nầy bởi nó là vật gia bảo của giòng họ nhà ta. Trên thế gian nầy sẽ không bao giờ tìm được bức thứ hai”.
Nghe láng giềng đồn đãi như thế, tính hiếu kỳ của chú tôi bị kích thích nặng, nên ông thường lân la tới làm quen với người hàng xóm mới nầy. Điều đó hơi lạ bởi vì trong làng chú tôi thường chỉ giao du với nhóm thượng lưu, địa chủ. Nay chú tôi lại la cà đến một túp lều đơn sơ như thế nầy khiến thiên hạ xầm xì. Sau thời gian tới lui tâm sự, chú tôi được biết người hàng xóm mới nầy nguyên trước ở một huyện khác, nhà ông ta lại gần bờ con sông. Trận lụt lớn của mùa đông vừa qua đã trôi đi ngôi từ đường của giòng họ nhà ông ra biển. Đồ đac trong nhà đều bị nước cuốn phăng đi. Người hàng xóm cho biết ông phải tranh đấu vô cùng vất vã với cơn nước xoáy mới giành lại được chiếc rương gỗ đựng giấy tờ, khế ước ruộng nương và trong đó có cả bức tranh mà lâu lắm ông quên khuấy đi. Giọng người hàng xóm trở nên bùi ngùi như tiếc của cải đã mất mát, đôi mắt ông ta chớp lia, hai môi mím chặt để khỏi bật lên tiếng khóc, nếu ai để ý sẽ thấy chú tôi thoáng xúc động.
Và mỗi lần chú tôi đến chơi, người hàng xóm dù đang bận việc như chẻ lạt, đánh tranh cũng ngừng tay chạy vào nhà lôi ra bình trà nóng đang dựng trong vỏ trái dừa khô, hai cái ly vàng ố như lâu ngày không rửa. Đặt ly và bình trà trên chiếc bàn thô sơ ngoài hiên rồi rót nước mời chú tôi. Đối với chú tôi, loại trà nầy ông thường không thèm uống, nhưng người hàng xóm lịch sự quá thành ra ông cũng hết chén nầy đến chén khác. Chú tôi lung khởi nhập đề để xin xem bức tranh mà ông đã từng nghe kể lại. Như thông cảm được ý chú tôi, người hàng xóm mời ông vào trong, và mời chú tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu đang đặt giữa nhà. Người hàng xóm vào trong mở rương dài lấy ra bức tranh treo lên cái đinh đóng sẵn trên vách đất phía bên phải bàn thờ gia tiên. Nhìn sơ qua bức tranh, một buổi hoàng hôn ảm đạm, lòng chú tôi đã nảy ra ý khinh miệt, ông cho đó là tác phẩm của một tay họa sĩ rất tồi - một cây tùng cổ thụ cành lá sum suê đứng nghiêng mình xuống ao như chờ trăng lên soi bóng. Nhưng ánh trăng non vẫn núp sau cây tùng chỉ phản chiếu loang loáng trên mặt nước gợn lăn tăn nhiều vòng tròn như tự dưới ao một con cá đang trồi lên đớp mồi. Nền trời tím thẫm như than, một vài vì sao lấp lánh. Một loại tranh dân gian không đặc biệt, nhái lại các bức tranh Tàu đã có tự ngàn xưa mà chú tôi đã thấy treo nhan nhản ngoài chợ. Cái ý khinh khi còn trong trí chú tôi, ông thầm nghĩ “Chắc khó ba đời, nên họ cho bức tranh nầy là quý chăng!”. Tuy nghĩ vậy, nhưng cái đặc biệt của bức tranh ở chỗ chẳng có gì đặc biệt lại khiến chú tôi phân vân muốn tìm hiểu thêm. Cũng giống như khi xưa có nhà toán học cứ cắm đầu chạy theo mảnh ván nhỏ của chiếc xe ngựa để cố chứng minh một định đề chưa khám phá ra.
Ấy vậy mà sau nhiều ngày lui tới nhà người hàng xóm, chú tôi như ngộ ra vì đã tìm được giá trị đích thực của bức tranh mà ông nghĩ rằng vì mãi cất trong rương nên người chủ của nó hiện tại không hề hay biết. Hơn nữa, “một gã nông dân thất học như hắn làm gì biết thưởng thức tranh cổ”. Chú tôi nghĩ bụng như thế nên đưa ra đề nghị cùng người hàng xóm xin nhượng lại bức tranh với giá 200 lượng bạc, tương đương với ba mẫu ruộng tốt thời đó. Sau khi trả giá như thế, người hàng xóm chưa trả lời dứt khoát, chú tôi không đến nhà người hàng xóm nữa vì ông muốn chứng tỏ cho đối phương biết rằng không bán thì thôi chứ ông không tha thiết cho lắm. Quả nhiên người hàng xóm trúng kế chú tôi, ông ta gọi chú tôi đến để bán bức tranh nhưng đưa ra một điều kiện là khi nào làm ăn nên nổi ông sẽ mang tiền tới chuộc lại bức tranh theo thời giá. Dù chú tôi đã mê bức tranh đến độ đêm quên cả ngủ, ngày quên cả ăn, ông vẫn đồng ý ngay vì ông quan niệm rằng “của vô nhà khó như gió vô nhà trống”. Chú tôi còn chủ quan tin tưởng rằng cái nghèo sẽ đi theo người hàng xóm nầy đến hết cuộc đời, làm sao mà ông ấy có tiền để chuộc lại bức tranh. Hơn nữa; chắc gì lúc ấy giá trị bức tranh là con số 200 lượng. Đó là những lý do khiến chú tôi đồng ý ngay để người hàng xóm giao bức tranh cho ông càng sớm càng tốt. Được thế, theo chú tôi đây là bức tranh quí giá nhất so với vô số tranh cổ ông đang có trong nhà.
Tiền trao cháo múc, người hàng xóm nhận tiền, chú tôi đem tranh về. Cả đêm đó ông trằn trọc mãi, ông nghĩ thầm nếu giá 400 lượng ông cũng mua chứ đừng nói chi 200. Danh lam gặp khách hữu tình, bức tranh quý như thế mà thưởng thức một mình thì quả vô vị. Nhân cơ hội nầy, chú tôi làm một bữa nhậu, ông mời những người cùng sở thích về nhà uống rượu, ngồi xem bức tranh thần diệu đó. Chú tôi đánh cá những người bạn thử xem ai biết được sự thần diệu của bức tranh. Mọi người đều hớn hở, cố mở to mắt tìm xem cái độc đáo của nó, ai cũng nghĩ là mình sẽ tìm thấy cái giá trị mà chú tôi chưa tiết lộ vì họ đều là tay sành về tranh cổ. Chiếc đồng hồ quả lắc treo cạnh bàn thờ đổ mấy lần, bình rượu rót thêm bao lần cũng đã vơi. Mọi người đều uể oải nhưng bức tranh vẫn kênh kiệu không chịu thố lộ nét gì kỳ bí. Nó chễm chệ chiếm một vị trí quan trọng nhất trong phòng khách nhà chú tôi mà vẫn im lìm phong kín bí mật. Ngọn đèn tọa để trên bàn như ráng sức tỏa ra ánh sáng nhiều hơn để giúp những cặp mắt trọng tuổi, nhưng xem chừng những đôi mắt ấy vẫn chưa tìm được điểm gì đặc biệt. Đâu đó tiếng gà đã gáy, nỗi thất vọng toát ra trên từng gương mặt vốn đã khắc khổ nay trông càng thêm chảy dài. Có người đưa tay cầm tách trà nguội đổ vào miệng nuốt ực rồi từ giã, mấy người khác cũng đứng dậy theo, chào tạm biệt chú tôi, cũng có người hẹn đêm mai thế nào cũng tìm ra manh mối. Nhưng đêm mai và nhiều đêm mai nữa, không ai tìm thấy chút gì khác biệt trên bức tranh cổ đó. Và không cần tinh mắt lắm ai cũng thấy gương mặt chú tôi bắt đầu toát ra nỗi bàng hoàng.
Những người bạn của chú tôi đều chịu thua, có người tự trọng xác nhận mình già nên không còn tinh nhuệ như xưa, cũng có người ra vẻ phong độ nhưng lại đổ thừa cho những ngày cuối năm tâm trí bận rộn việc tết nhứt. Tuy vậy ai cũng mong được chú tôi mách nước cho cái thần bí mà họ đoan chắc rằng ông đã khám phá. Miệng chú tôi đắng chát, ông hớp ngụm rượu đã bay hết hương vị rồi kể:
“Nghe người hàng xóm mới dọn tới có một bức tranh ảnh cổ, tôi đến xem chơi cho biết. Theo lời yêu cầu của tôi, người ấy lấy bức tranh treo lên vách đất và bảo rằng đó là bức tranh của ông nội để lại. Theo ông ta kể thì cả ông nội và cha ông ấy đều căn dặn rằng dù cho hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng đừng bao giờ bán bức tranh ấy, riêng ông ta thì không biết nó quý ở chỗ nào. Thực tình lúc đầu tôi cũng không thấy cái gì đặc biệt, nhưng vì óc tò mò và sở thích tranh cổ đã khiến tôi ghé qua nhà người hàng xóm thường xuyên hơn. Tôi để ý bức tranh nhiều ngày mới hay là mặt trăng phía sau cây tùng lớn dần theo những ngày trước rằm và non dần theo những ngày sau rằm mỗi tháng. Đó là lý do khiến tôi nài nỉ ông ta để mua lại bức tranh dù ông ta không hề có ý bán nó. Nhưng từ khi đem về cho đến nay như mấy anh đã thấy, mặt trăng núp sau cây tùng trong bức tranh không có gì thay đổi cả. Chắc tôi phải ghé lại ông hàng xóm hỏi cho ra lẽ.
Vừa qua khỏi tết chú tôi trở lại nhà người hàng xóm. Ông định bụng sẽ hỏi thăm thêm về gốc gác bức tranh. Sau bao lần chú tôi gọi cửa không có tiếng trả lời, thấy cánh cửa chỉ khép hờ chú tôi đẩy nhẹ bước vào nhà. Trên chiếc chõng tre không trải chiếu, một đống tranh vẽ chừng ba mươi tấm giống y như bức tranh chú tôi đã mua, chỉ khác nhau hình dáng mặt trăng núp sau cây tùng. Không đầy một tuần sau, chú tôi ngã bệnh qua đời, khi tẩn liệm người ta còn thấy bên khóe miệng chú tôi còn rỉ ra một vệt máu. Biết đâu chú tôi đã để lại tất cả, nhưng sẽ mang theo hình ảnh người hàng xóm thất học và bức tranh cổ xuống đáy âm ti.
Thủy Lâm Synh
Jan. 1980
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment