Thursday, January 15, 2009

NGUYỄN PHÚ THỨ * NĂM KỶ SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU




Năm Sửu Nói chuyện Trâu(Kỷ Sửu từ 26-01-2009 đến 13-02-2010)
(Trich dẫn trong tác phẩm Tìm Hiểu Cuộc Đời của Nguyễn-Phú-Thứ)


Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ









Sau khi năm Mậu Tý chấm dứt, thì đến năm Kỷ Sửu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm chủ nhựt , 25-01-2009 để cầm tinh đến 24 giờ đêm thứ bảy 13-02-2010. Năm Kỷ Sửu này cũng thuộc hành Hỏa và mạng Tích Lịch Hỏa tức Lửa Sấm Sét, năm này thuộc Âm, có can Kỷ thuộc mạng Thổ và có chi Sửu thuộc mạng Thổ. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này "Can tương hòa Chi" Bởi vì, Can = Thổ và Chi = Thổ. Trường hợp này, giống như các năm Kỷ Mùi (1919-1979-2039-2099) có Can Chi tương hòa lại có cùng mạng Thổ giống như năm Kỷ Sửu này hoặc là các năm Nhâm Tý (1912-1972-2032-2092) có Can Chi tương hòa đều có cùng mạng Thủy.


Vì vậy, người hay năm Kỷ Sửu này xem như tổng quát rất thuận lợi, bởi vì Trời Đất được giao hòa nhau, không khác trong nhà có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc vậy, cho nên có thể nói là năm được thăng tiến từ vật chất đến tinh thần được vững chắc trong sự nghiệp tương lai. Được biết năm Sửu vừa qua là năm Đinh Sửu thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ sáu, 07-02-1997 đến 27-01-1998.Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2009 = 4646, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 26 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm 2043. Do vậy, năm Kỷ Sửu 2009 này là năm thứ 26 của Vận Niên Lục Giáp 78.Năm Sửu tức Trâu cũng là Ngưu, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :


Sửu là con Trâu đứng hạng thứ 2 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, vì lớn con kình càng, lại còn mang cặp sừng trên đầu nên không thể sánh bằng con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.Giờ Sửu = là giờ từ 01 giờ đến đúng 03 giờ sáng hôm sau.Tháng Sửu = là tháng Chạp của năm âm lịch.Hoàng Ngưu = Hỏa Ngưu = con Bò.Thủy Ngưu = Con Trâu.Ngưu Dương = Trâu Dê.Ngoài ra, chúng ta còn thấy cây cỏ mang tên Ngưu, xin trích dẫn như sau :Ngưu hoàng = Vật vàng vàng mà cứng ở trong cái mật con Bò, người ta dùng để làm thuốc trị phong đàm.Hắc Sửu = là loại cây bìm bìm lông, hột nó đen, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.Ngưu bàng tử = Hột cây muồng hoè để làm thuốc trị ghẻ.Ngưu tất = Rễ cỏ xước dùng để làm thuốc trị chứng bịnh đau gân cốt.Khiên Ngưu = Loại dây hắc sửu, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.v.v.Đặc biệt, có những Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau :Trâu Bò ở với nhau, quen chuồng quen chỏi ( cây chắn ngang ở cửa chuồng)Người ở với nhau lâu, inh ỏi đủ điềuTrâu kia kén cỏ bờ ao,Anh kia, không vợ đời nào có con.Người ta con trước con sau,Thân anh không vợ như cau không buồng.Cau không buồng như tuồng cau đực,Trai không vợ cực lắm anh ơi!Người ta đi đón về đôi,Thân anh đi lẻ về loi một mình.Mất Trâu thì lại mua Trâu,Những quân cướp nó có giàu hơn ai.Trâu Bò được ngày phá đổ,Con cháu được ngày giổ ông.Nhịn thuốc mua Trâu,Nhịn trầu mua ruộng.Muốn giàu, nuôi Trâu cái,Muôn lụn bại, nuôi Bồ Câu... (Ca Dao).

Trâu chậm uống nước đục.
Trâu ngơ ăn cỏ héo.
Trâu lành không ai mà cả (trả giá để mua).
Trâu ngả lắm kẻ cầm dao.
Trâu đạp cũng chết,
Voi đạp cũng chết
.Trâu hay ác thì Trâu vạt sừng.
Trâu bịnh cũng bằng Bò khoẻ.
Trâu toi thì Bò ngả.
Trâu lấm vẩy quàng.
Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy.
Trai mười bảy, bẻ gãy sừng Trâu.
Thân Trâu lo, thân Bò liệu.
Có ăn có chọi mới gọi là Trâu.
Thở hơn Trâu hạ địa (Trâu bịnh lâu ngày).
Mua Trâu vẽ bóng.
Máu đâu, Trâu đó.
Không có Trâu, bắt Bò thế, (đi đẩm).
Thà chết vũng chân Trâu, hơn chết khi dĩa đèn.
Tham bong bóng bỏ bọng Trâu.
Thật thà lái Trâu.
Thở như Trâu Bò mới vực (tập kéo xe hay cày bừa)
Trâu Bò húc nhau Ruồi Muổi chết oan.
Trâu cày, Ngựa cởi.
Trâu chết chẳng khỏi rơm.
Trâu chết mặc Trâu, Bò chết mặc Bò.
Trâu cột ghét Trâu ăn.
Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy.
Trâu già đâu nệ dao phay.
Trâu nghiến hàm, Bò bạch thiệt (lưỡi trắng).
Trâu tìm cột, cột chẳng tìm Trâu.
Dắt Trâu chui qua ống.Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã.
Thọ hóa thanh Ngưu.(Cây lâu năm hoá thành Trâu xanh)... v.v. (Thành Ngữ).


Miếng trầu là đầu cậu chuyện,
Con Trâu là đầu cơ nghiệp... v.v (Tục Ngữ).


Xuyên qua Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ có liên quan đến Trâu đã dẫn ở trên kia, chúng ta không thể ngừng ở đây, mà còn thấy rất nhiều sách viết về những huyền thoại Trâu, xin trích dẫn để quý bà con đồng hương nhàn lãm như sau :Trâu là gia súc, loài nhai lại, trên đầu có cặp sừng hình vòng cung, nó chính là người bạn chân thành của những nhà nông từ xa xưa, đã từng đổ mồ hôi, sót con mắt trên luống cày hay bừa trên thửa ruộng, để cho có những hạt lúa, nương khoai nuôi dưỡng gia đình tộc Việt chúng ta. Ngày nay, nhờ cơ giới hóa có máy cày thay Trâu, nên Trâu bớt cơ cực như ngày xưa. Đối với thời xưa, dân tộc mình xem Trâu là một trong ba việc hàng đầu căn bản cho gia đình và xả hội cần phải sắm, cho nên trong dân gian thường nhắc nhở như sau :Tậu Trâu, lấy vợ, làm nhàTrong ba việc ấy lọ là khó thay!Ngoài ra, đất nước chúng ta là nông nghiệp, cho nên trong dân gian cũng thường nhắc đến Chồng cày, Vợ cấy, con Trâu đi bừa trên đồng ruộng. Đó chính là hình ảnh thân quen của những nông gia, có đời sống rất chất phát, cần cù lại êm đềm và hạnh phúc trong sự phân công giữa người và Trâu, xin trích dẫn như sau đây:

Rủ nhau đi cấy, đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con Trâu đi bừa.
hoặc là :

Trâu ơi, ta bảo Trâu cày,
Trâu ra ngoài ruộng, Trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, Trâu đấy ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Trâu ăn.


Khi viết về cái Cày và con Trâu, tôi lại nhớ trong ngạn ngữ (Proverbe) Pháp cũng có câu như sau : Mettre la charrue devant les bœufs (Đặt cái cày trước con Trâu). Ý nói, bất cứ việc gì chúng ta đừng bao giờ làm việc trái đời, ví như đặt cày cái trước con Trâu, thì không thể thực hiện để thành công được.Trong dân gian mình có những huyền thoại tương truyền về Trâu, xin trích dẫn như sau:

Tại sao Trâu ăn cỏ !Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị Bồ Tát xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để phổ độ chúng sanh. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị Bồ Tát đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị Bố Tát, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị Bồ Tát này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp. Do lý do trên, nên Trâu thường đi cày bừa giúp nông gia và ăn cỏ.Trong dân gian xem Trâu là vị Bồ Tát, có tánh tình hiền, nên ít ăn thịt hơn Bò là thế.Tại sao Trâu chỉ có một hàm Răng !Cũng tương truyền thuở xưa rằng : Các loài thú vật bốn cẳng như : Chó, Mèo, Trâu, Cọp ...v.v thì có được hai hàm răng, duy chỉ có con Ngựa dù cũng có 4 cẳng, nhưng chỉ có một hàm răng. Bửa nọ, Ngựa được mời đi dự tiệc, Ngựa nghĩ rằng mình chỉ có một hàm răng ăn rất chậm, nên đi hỏi Chó, Mèo, Cọp ... để mượn hàm răng, thì Chó, Mèo, Cọp ... cũng được mời ăn tiệc, chỉ còn Trâu cũng được mời ăn tiệc, nhưng không muốn đi vì lười, phần làm việc cực nhọc nên thân thể ê ẩm, nên không đi dự tiệc, cho nên Trâu được Ngựa đến năn nỉ và than thân trách phận vì số không có hai hàm răng, rồi hứa chỉ mượn tạm hàm răng của Trâu đi ăn tiệc xong sẽ trả lại liền, còn đền ơn đáp nghĩa cho Trâu. Trâu nghe bùi tai, động lòng nên gỡ cho Ngựa mượn. Sau khi dự tiệc xong, Ngựa thấy có hai hàm răng ăn rất mau và lại ngon miệng, nên động lòng tham, không giữ gìn lời hứa, bèn trốn lánh Trâu để giựt luôn hàm răng. Một hôm Trâu gặp được Ngựa đòi lại hàm răng và mắng chửi Ngựa thậm tệ, Ngựa phóng nước đại chạy trốn mất dạng, Trâu rượt theo một hồi không bắt kịp Ngựa, vì thân thể nặng nề nên rất chậm chạp. Từ đó, Trâu dành nuốt hận cho đến ngày nay, chỉ có một hàm răng, trong khi Ngựa lại có hai hàm răng.Đó là, nguyên do Trâu ăn cỏ, chỉ có một hàm răng và cày bừa giúp nhà nông trồng lúa. Đây là một trong những tương truyền trong dân gian để răng đời đáng quý !Tại saoTrâu không biết nói tiếng người và có cái sẹo như nốt ruồi dưới cổ !


Thuở xa xưa, Trâu cùng nói được tiếng với người, nhờ vậy người dùng lời nói để sai khiến Trâu, cho nên bọn mục đồng (chăn Trâu) không thể dùng roi để đánh đập Trâu hay không cho Trâu ăn cỏ đầy đủ, vì sợ Trâu mét chủ. Nhờ vậy, người cùng vật quấn quít và thương mến nhau. Có một gia đình nông dân nọ, có nuôi một con Trâu và mướn một cậu bé để chăn Trâu, thời gian sau nó bỏ bê chăn Trâu, vì mê lo đánh đáo cùng bọn chăn Trâu khác, nhưng sợ Trâu đi ăn lúa, nên nó cột Trâu lại một chỗ không cho ăn uống, cho nên Trâu bị đói, bụng xếp ve, để qua mắt chủ, nó lấy mo cau áp vào bụng Trâu rồi trét bùn bên ngoài. Cứ thế, ngày ngày nó dẫn Trâu về chuồng, người chủ thấy bụng Trâu no tròn thì hài lòng và yên bụng tưởng rằng nó lo cho Trâu cẩn thận chu đáo, có ngờ đâu Trâu thì bị đói cả ngày, không như các ngày vừa qua, chỉ bỏ Trâu đói vài giờ, cho nên Trâu định mét chủ, nhưng Trâu bị nó khôn ngoan, lanh lợi dùng lời lấn áp Trâu, không cho Trâu có dịp nói với chủ. Sáng họm sau, người chủ vắt Trâu đi cày, Trâu đi không nổi vì đói, nên bị chủ quát : "Mau lên đồ lười".

Trâu trả lời : "Không phải lười vì đói" Chủ nói :Ngày nào nó cũng cho mầy ăn một bụng no nê mà đói nỗi gì?. Trâu thố lộ : "Nó chỉ lo mê đánh đáo, rồi nói láo cho tôi ăn no, no gì mà no trong mo cau ngoài đất sét". Người chủ vội vàng kiểm chứng thấy sự thật, khi lột mo cau trét bùn dưới bụng Trâu và đánh cậu bé chăn Trâu một trận nên thân. Từ đó, ngày nào Trâu cũng được ăn no và tắm rửa chu đáo. Riêng cậu bé chăn Trâu, ba bốn ngày hôm sau chỗ bị đánh vẫn còn sưng, cậu bé ngồi khóc trên bờ ruộng, bỗng một ông lão hiện ra hỏi han nguyên do bị đánh, cậu bé trình bày sự thật và ông lão rút trong người ra một nén nhang, rồi đốt lên dí vào cổ con Trâu, làm cho Trâu đau điếng, kêu khan cả cổ, tiếng nói dần dần biến mất, sau cùng khi nào muốn nói, Trâu chỉ phát ra được tiếng "nghé...ọ". Riêng ở chổ bị thương, sau đó trở thành một cái sẹo như nốt ruồi. Từ đó, Trâu sanh ra đều không nói được tiếng người và đều mang cái nốt sẹo ở dưới cổ.

Những huyền thoại về Trâu còn nhiều, nào là :Trâu nhà, Trâu rừng, Ngưu Mân (Trâu ngủ), trong Tây Du Ký tác giả Ngô Thừa Ân nói về Ngưu Ma Vương đánh với Tề Thiên Đại Thánh cuối cùng nhờ có Thái Thượng Lão Quân mới thu phục được Ngưu Ma Vương dẹp bỏ được chướng ngại trên đường thầy Trần Huyền Trang tức Tam Tạng phụng chỉ vua Đường Thái Tôn sang nước Thiên Trúc để thỉnh kinh Phật về truyền bá trong dân gian. Ba bộ kinh của Phật Giáo là : Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng gọi chung là Tam Tạng. Trên đường đi xa xôi ngàn dặm, hành trình gian nan, nguy hiểm vì có nhiều yêu quái, nhờ có b học trò giỏi the phò như sau :Ø thứ nhứt là Tôn Ngộ Không tức Tôn Hành Giả, cốt Khỉ tu hành lâu năm nên thành người, có 72 phép biến hóa thần thông, được biệt danh là Tề Thiên Đại Thánh.Ø thứ nhì là Trư Bát Giới, cốt Heo tu hành lâu năm nên thành người, cũng có phép không vừa.Ø thứ ba là Sa tăng, một con quỷ hung tợn được thầy Tam Tạng thuyết phục và thâu dụng làm đệ tử.Mặc dù thầy Trần Huyền Trang có ba đệ tử tài năng phép luật cao cường, nhưng khi đến Hoả Diệm Sơn đành phải chùn bước, vì trở ngại núi quá cao lại có phun lửa rực trời, sức nóng mãnh liệt. Muốn vượt qua phải dập tắt ngọn lửa này, nhưng phải có cây quạt Ba Tiêu của Ngưu Ma Vương tức chồng của Bà La Sát nắm giữ. Được biết, Ngưu Ma Vương vốn là con Trâu đã tu luyện cả ngàn năm thành người, nên tài phép không thua gì Tề Thiên Đại Thánh. Thầy trò Đường Tăng Tam Tạng tìm đến mượn quạt Ba Tiêu, thì Ngưu Ma Vương không cho mượn, còn nặng lời sỉ vả, cho nên Tôn Hành Giả hiệp cùng Trư Bát Giới được Thổ Địa trợ giúp vây đánh Ngưu Ma Vương suốt ba ngày ba đêm để chiếm đoạt quạt Ba Tiêu, nhưng bất phân thắng bại. Sau cùng, nhờ Phật Tổ cho bốn Ông Kim Cang tấn công bốn hướng như sau :* Ông Đại Lực Kim Cang hướng Đông.* Ông Vĩnh Trụ Kim Cang hướng Tây.* Ông Thắng Chi Kim Cang hướng Nam* Ông Bát Pháp Kim Cang hướng Bắc.Khi đó, Ngưu Ma Vương mới cùng đường chống đỡ, nên phải chạy trốn, nhảy lên cao núp trong mây, nhưng cũng không thoát khỏi được, vì có các sứ thần của thượng đế là Na Tra và Lý Thiên Vương chận đường vây bắt. Cuối cùng Ngưu Ma Vương mới chịu đầu hàng và quy y đầu Phật.Nhân đây, tôi xin trích dẫn Ngài Huyền Trang như sau : Ngài Huyền Trang tức Hiuan-Trang (có người nói ngài họ Trần tên Huyền Trang), sanh năm 602 và chết năm 664, hưởng thọ 63 tuổi. Năm 13 tuổi ngài xuất gia học đạo. Năm 20 tuổi thọ giới cụ túc, lúc bấy giờ nước Tàu có loạn lạc, mãi đến năm 629, ngài được 27 tuổi, thuộc đời nhà Đường (618-907) niên hiệu Trinh Quáng năm thứ ba, Ngài mới sang Ấn Độ thỉnh kinh, phãi qua 100 quốc gia thuộc các nước nhỏ của xứ Ấn Độ, cho nên có tên Đường Tam Tạng. Việc đi này, rất nhiều cuộc nguy hiểm trên đường đi và nhờ phép Phật che chở, nên Ngài vượt qua các tai nạn và cuối cùng được các Vua Tây Vực tiếp rước và giúp đỡ tận tình để Ngài tu học các ngôi đại tự cho thành tài, cuối cùng thỉnh các tạng kinh sách từ Ấn Độ mang về, được Vua Thái Tông tiếp rước nồng hậu. Sau đó, Ngài dịch kinh luận được trên 1.500 quyển từ Phạn ngữ sang Hán ngữ, riêng bộ Duy Thức Luận là đặc sắc nhứt và được người đời tôn Ngài là Giáo Tổ dịch giả của Pháp Tướng Tông.


Hơn nữa, Ngài còn soạn xong bộ Tây Du Ký dâng lên vua Thái Tông, được vua ngự phê cùng các bộ kinh khác của Ngài dịch và khi Ngài tịch được vua Cao Tông cử hành quốc táng, cùng xây tháp tôn thờ Ngài. Do đó, có thể nói Ngài là một đại sa môn người Trung Hoa đầu tiên dịch kinh từ tiếng Phạn sang tiếng bản xứ. Nếu kể từ sau khi Đức Phật diệt độ, cho đến Ngài đi thỉnh kinh từ Ấn Độ về năm 645 là 1.189 năm (bởi vì : 544 + 645 = 1.189 năm) và thời gian ngài đi thỉnh kinh là 16 năm (bởi vì : 645 - 629 = 16 năm). (Trích dẫn bài Năm Hợi Nói Chuyện Heo ở trước).



Ngoài ra còn có :Tục đấu (chọi) Trâu: Tục này xưa kia thường được tổ chức ở một vài nơi như huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Yên hoặc ở Đình Bảng, Hà Đông hay ở Đồ Sơn, Kiến An, cho nên trong dân gian thường truyền tụng để nhớ ngày đấu Trâu như sau :Dù ai bán đâu, buôn đâu,Mùng mười tháng tám đấu Trâu thì về.hoặc là :Dù ai buôn bán trăm nghề,Mùng mười tháng tám nhờ về đấu Trâu.Đặc biệt, khi nói đến mục đồng(chăn Trâu) ngày xưa, không phải người mục đồng nào cũng nghèo hèn, thất học hết, tối ngày chân lắm tay bùn cơ cực suốt một cuộc đời ở cận kề với Trâu, mà không thể trở thành danh nhân lừng lẩy. Bằng chứng là trong lịch sử đất nước chúng ta có hai danh nhân đã từng là mục đồng.


Đó là:Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ là người mục đồng, quê ở Hoa Lư, huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình. Sau khi đứng lên dẹp được loạn sứ quân lên ngôi trở thành vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968) làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi (chết năm 979).Trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca, có đoạn nói về vua Đinh Tiên Hoàng như sau :Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,Con quan Thứ Sử ở thành Hoa Lư,Khác thường từ thuở còn thơ,Rủ đoàn mục tử mở cờ bông lau ...Đào Duy Từ thuở nhỏ cũng là mục đồng, con của Đào Tá Hán làm nghề hát tuồng và Bà Kim Chi là người hiếu học, nên sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được phong chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, Quan Quản nội ngoại quân cơ, Tham lý quốc chánh và Cụ Đào Duy Từ là người đứng ra tổ chúc đắp xây lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc và lũy Định Bắc Trường Thành dọc theo sông Nhật Lệ tục gọi là Lũy Thầy Đồng Hới để ngăn chận hữu hiệu quân Chúa Trịnh.Viết huyền thoại về Trâu còn dài dài, nếu kể thêm các lịch sử tương truyền bên Tàu hoặc đi vào văn chương sách vở thì không thể kể hết được, cho nên xin tạm ngưng ở đây, khi có dịp sẽ nối tiếp.Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Trâu vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Sửu hay không như dưới đây :Tên NămThời GianHành Gì?Tân Sửu19-02-1901 đến 07-02-1902ThổQuý Sửu06-02-1913 đến 25-01-1914MộcẤt Sửu25-01-1925 đến 12-02-1926KimĐinh Sửu11-02-1937 đến 30-01-1938ThủyKỷ Sửu29-01-1949 đến 16-02-1950HỏaTân Sửu15-02-1961 đến 04-02-1962ThổQuý Sửu03-02-1973 đến 22-01-1974MộcẤt Sửu20-02-1985 đến 08-02-1986KimĐinh Sửu07-02-1997 đến 27-01-1998ThủyKỷ Sửu26-01-2009 đến 13-02-2010HỏaVà nhân đây, xin trích dẫn các ngày Tết nguyên đán kể từ năm Tân Mão 2011 đến năm Quý Mão 2023 để cống hiến quý bà con đồng hương thưỡng lãm như sau:- Tết Tân Mão, nhằm thứ năm, 03-02-2011 *
- Tết Nhâm Thìn, nhằm thư hai, 23-01-2012 **- Tết Quý Tỵ, nhằm chủ nhựt, 10-02-2013 **- Tết Giáp Ngọ, nhằm thứ sáu, 31-01-2014 *- Tết Ất Mùi, nhằm thứ năm, 19-02-2015*- Tết Bính Thân, nhằm thứ hai, 08-02-2016 **- Tết Đinh Dậu, nhằm thứ bảy, 28-01-2017 *- Tết Mậu Tuất, nhằm thứ sáu, 16-02-2018 *- Tết Kỷ Hợi, nhằm thứ ba, 05-02-2019 *- Tết Canh Tý, nhằm thứ bảy, 25-01-2020 *- Tết Tân Sửu, nhằm thứ sáu, 12-02-2021 *- Tết Nhâm Dần, nhằm thứ ba, 01-02-2022 **- Tết Quý Mão, nhằm chủ nhựt, 22-01-2023 *Kính chúc tất cả gia đình quý bà con đồng hương năm mới Vạn Sự Cát Tường.
____________________________


Cước Chú : Những năm có một dấu * thì Tết có ngày 30, còn những năm có hai dấu ** thì Tết không có ngày 30, nên đón giao thừa vào giữa đêm 29, vì tháng thiếuHàn Lâm Nguyễn-Phú-ThứMừng Xuân Kỷ Sửu 2009

No comments: