Từ Xuân Kỷ Sửu 2009 nhìn về:Những điều chưa giải mã trong trận Mậu Thân 1968
Trần Bình Nam
Đến Xuân Kỷ Sửu (2009) này là 41 năm sau trận Mậu Thân 1968, trận đánh làm chuyển hướng cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên nhiều câu hỏi vẫn còn tồn tại đối với các nhà nghiên cứu. Cái kết quả kỳ lạ của nó là phía cộng sản Bắc việt thua trên chiến trường nhưng đạt được kết quả chính trị và tâm lý ngoài dự liệu của họ. Tướng Võ Nguyên Giáp, người hoạch định và chỉ huy cuộc tổng tấn công không phải là người nguyên thủy chủ trương cần có cuộc tấn công.Cuối năm 1965 khi Giáp đưa các sư đoàn thiện chiện của Bắc Việt thử lửa với sư đoàn kỵ binh không vận của Hoa Kỳ (một sư đoàn di chuyển hoàn toàn bằng trực thăng) và cuối cùng đánh không lại phải chạy thoát thân sang bên kia biên giới Cam bốt, ông biết quân đội Bắc việt không thể đánh trực diện với quân đội Hoa Kỳ. Theo ông Giáp cuộc chiến đấu để chiếm miền Nam chỉ có thể thực hiện bằng chiến tranh hao mòn cho đến khi Hoa Kỳ mệt mỏi. Nhưng bộ ba Lê Duẫn, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh (đại tướng ngang cấp với Võ Nguyên Giáp) cho rằng cần đánh mạnh đánh mau và đánh một cách liều lĩnh mới hy vọng chuyển đổi thế cờ.Để giải quyết sự bất đồng ý kiến giữa các đàn em thân tín, tháng Tư năm 1967 ông Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị Trung ương đảng 13. Hội nghị cân nhắc hai ý kiến là đánh hao mòn của tướng Võ Nguyên Giáp hay đánh chớp nhoáng để chiếm thời cơ .
Với sự ủng hộ của Lê Duẫn, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh, hội nghị thông qua nghị quyết 13 chuẩn bị đánh mạnh đánh mau để chiếm miền Nam kết thúc chiến tranh. Nghị quyết 13 là lệnh căn bản của trận Mậu Thân 1968 còn gọi là cuộc “Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa”Cho đến nay Hoa Kỳ cũng chưa nắm hết các sự kiện về Mậu Thân. Tháng 6 năm 1997 trong chuyến đi tìm sự thật “Những cơ hội bỏ lỡ” tại Hà Nội phái đoàn McNamara đã ghi trong danh sách nhiều câu hỏi về cuộc chiến đó, nhưng không được trả lời thỏa đáng. Cũng có thể còn nhiều dữ kiện về Mậu Thân còn nằm trong văn khố mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.Nhưng tuy còn bí ẩn, giới nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam đều đồng ý rằng trận Mậu Thân đã làm thay đổi hướng của cuộc chiến Việt Nam dẫn đến chiến thắng của Hà Nội năm 1975.Trong cuộc chiến Việt Nam Hà Nội, dù được sự giúp đỡ của Nga sô và Trung quốc, không mạnh hơn Hoa Kỳ về mặt quân sự, nhưng có hai yếu tố làm thế của Hà Nội mạnh hơn. Thứ nhất Hoa Kỳ sợ Trung quốc can thiệp như ở Triều Tiên (1950-53) nên năm 1965 khi buộc lòng phải đổ quân đến Việt Nam vì không muốn thấy miền Nam sụp đổ, Hoa Kỳ, qua các lời tuyên bố ngoại giao không úp mở, cho phía cộng sản biết Hoa Kỳ không muốn thấy Hà Nội chiếm miền Nam, và Hoa Kỳ không có ý định lật đổ chính quyền miền Bắc, nên đối với Hà Nội nếu tung mọi nỗ lực vào miền Nam họ chỉ thắng hay hòa.Thứ hai, trong chiến lược bảo vệ miền Nam Hoa Kỳ không có kế hoạch cắt đường tiếp vận của Hà Nội từ Bắc vào Nam qua đường Lào và Cam Bốt. Những cuộc tiến quân ngắn hạn qua Cam bốt năm 1970 và Lào năm 1971 không nằm trong chiến lược ngăn chận vĩnh viển mà chỉ là những hành động ngắn hạn để giải quyết những vấn đề có tính cách chiến thuật. Cuộc hành quân phối hợp giữa quân lực Mỹ và quân đội miền Nam đánh qua Cam bốt tháng 4 năm 1970 cốt phá hủy hậu cứ của quân đội Bắc Việt. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 qua Lào để chận đường mòn Hồ Chí Minh và để trắc nghiệm chương trình Việt Nam hóa chiến tranh.
Không gì làm các nhà lãnh đạo cộng sản yên tâm hơn khi nghe tổng thống Johnson tuyên bố: “Chúng ta không có ý tiêu diệt Bắc Việt. Chúng ta không có ý thay đổi chính quyền tại đó. Chúng ta không có định thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn tại miền Nam. Chúng ta đưa quân đến Nam Việt Nam cốt để thuyết phục Bắc Việt nên chấm dứt xâm lăng các nước lân bang, và để chứng tỏ cho Hà Nội biết rằng chiến tranh du kích do nước này gây ra chống nước kia sẽ không thể có kết quả. Chúng ta cần cho Bắc Việt biết giá xâm lăng của họ sẽ rất cao để họ chọn lựa giữa thương thuyết hay đơn phương chấm dứt cuộc xâm lăng.” (Diễn văn của tổng thống Johnson đọc trước American Alumni Council ngày 12-7-66).Theo Henry Kissinger (Diplomacy, Easton Press, 1994: Vietnam on the Road to Despair, trang 660) trên nguyên tắc có hai chiến lược để thắng một cuộc chiến tranh du kích:
Thứ nhất, bảo đảm an ninh cho dân chúng, không cho địch tổ chức nhân dân bằng tuyên truyền và khủng bố để thành lập một chính quyền.
Thứ hai, là tấn công vào hậu phương và đường tiếp vận của địch, trong trường hợp Việt Nam có nghĩa mở rộng chiến tranh qua Lào, Cam Bốt và nếu cần đánh ra Bắc Việt.Hoa Kỳ áp dụng chiến lược thứ hai nhưng chỉ áp dụng nửa vời bằng oanh tạc. Tổng thống Johnson không muốn Trung quốc cảm thấy bị đe dọa, không muốn cuộc chiến Việt Nam làm quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết căng thẳng và cũng không muốn chiến tranh làm hỏng chương trình Đại Xã Hội (Great Society) của ông trong nước. Hoa Kỳ giới hạn chiến tranh bằng bộ binh trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam trong khi Bắc Việt xem Đông Dương là một chiến trường toàn bộ.Nhìn lại, cơ quan CIA và các chính trị gia Hoa Kỳ trong lãnh đạo chiến tranh Việt Nam đã không hiểu được Trung quốc nghĩ gì. Do tranh chấp với Liên bang Xô viết Trung quốc không muốn thấy Bắc Việt toàn thắng tại Việt Nam nên Trung quốc sẽ không can thiệp nếu Hoa Kỳ cùng với quân đội VNCH mở rộng chiến tranh bộ binh ra Bắc với bảo đảm không xâm phạm đất đai của Trung quốc. Đối với Trung quốc, nếu Bắc Việt thắng, cái gai Xô viết càng gần hơn.
Ngoài ra lịch sử quan hệ Việt-Trung cho Trung quốc thấy một nước Việt Nam thống nhất sẽ không phải là một người bạn dễ chơi. Mao Trạch Đông đã nhắn khéo Hoa Kỳ qua nhà báo Edgar Snow rằng Trung quốc không có quân đội ở nước ngoài và không có ý gây chiến với ai ngoại trừ khi lãnh thổ Trung quốc bị xâm lăng (“Interview with Mao” The New Republic, 27-2-65).Trong quyết định tung cuộc tấn công Mậu Thân Hà Nội đánh một canh bạc nguy hiểm nhưng Hà Nội biết không “thua” vì đã nắm vững các yếu tố về phía Hoa Kỳ.Vào cuối năm 1967 quân đội Hoa Kỳ không còn được dân chúng ủng hộ như trước trong vụ Maddox và tại Hoa Kỳ đã có những cuộc biểu tình chống chiến tranh.
Nhưng nói chung dân chúng Hoa Kỳ chưa quyết liệt chống chiến tranh và quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn thống nhất trong quyết định hơn thua với khối cộng và với Hà Nội. Vì vậy, theo Bernard C. Nalty viết trong cuốn The Vietnam War (trang 183) Hà Nội cần một trận Điện Biên Phủ thứ hai để chuyển hướng dư luận dân chúng Hoa Kỳ.Không có gì chứng tỏ Hà Nội nắm chắc một trận đánh lớn vào các thành phố miền Nam sẽ làm cho dân nổi dậy lật đổ chính quyền, nhưng Hà Nội tin rằng một trận đánh tạo ra sự rối loạn và gây ra nhiều tổn thất (nhất là cho quân nhân Hoa Kỳ) sẽ thổi bùng ngọn lửa chống chiến tranh tại Hoa Kỳ .Hơn nữa lúc này Hà Nội có rất ít lựa chọn. Lợi dụng các xáo trộn chính trị tại Nam Việt Nam cuối năm 1963, Hà Nội kiểm soát gần phân nửa miền Nam vào cuối năm 1964 (Vietnam War Day by Day, John S. Bowman, trang 60). Mùa thu năm 1964, sau vụ Maddox tháng 8, Hồ Chí Minh quyết định tạo một chuyển biến cơ bản tại miền Nam trước khi Hoa Kỳ kịp can thiệp. Chính trị bộ đảng cộng sản Việt Nam gởi một sư đoàn quân chính qui Bắc Việt vào cao nguyên miền Trung định cắt đôi Nam Việt Nam từ An Khê ra Qui Nhơn. Trước viễn ảnh miền Nam sụp đổ, hay ít nhất các tỉnh phía Bắc quốc lộ 19 bị cô lập, đầu năm 1965 một trung đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Việt Nam giữ an ninh căn cứ không quân Đà Nẵng để quân đội miền Nam rảnh tay chiến đấu. Nhưng tướng Westmoreland tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam nghĩ rằng đã quá trễ không còn thì giờ tăng quân số, huấn luyện và trang bị cho quân đội miền Nam để đánh nhau với quân đội Bắc Việt.
Lãnh đạo quân sự yếu kém của miền Nam trong trận Ấp Bắc đầu năm 1963 lại tái diễn trong trận Đồng Xoài giữa tháng 6/65 gây thiệt hại nặng cho quân đội miền Nam. Để mua thời gian tướng Westmoreland đề nghị lập một hàng rào phòng thủ phía Nam khu phi quân sự bằng 5 sư đoàn bộ binh Hoa Kỳ từ bờ biển phía Đông sang Tây cắt đôi nước Lào đến tận sông Cửu Long, nhưng tổng thống Johnson bác bỏ. Giải pháp duy nhất còn lại đối với Westmoreland là đưa vào Việt Nam ít nhất một sư đoàn bộ binh Mỹ để chận đứng kế hoạch cắt đôi Việt Nam Cộng Hòa của Bắc Việt, đồng thời tăng cường quân đội Mỹ bảo vệ các tỉnh phía Bắc, quan trọng nhất là cố đô Huế.Trong khi đó đại sứ Maxwell Taylor không muốn thấy quân đội Hoa Kỳ trực tiếp chiến đấu. Ông đề nghị dùng quân đội Hoa Kỳ phòng thủ các vùng đông dân ở ven biển để quân đội VNCH lo việc chiến đấu và bình định.Tổng thống Johnson do dự trước hai đề nghị.
Tuy nhiên sau hội nghị Honolulu tháng 4/65 do McNamara chủ tọa với các tướng lãnh tại bộ Quốc phòng và cố vấn tại Bạch Ốc với sự tham dự của tướng Westmoreland và đại sứ Maxwell Taylor, tổng thống Johnson quyết định gởi 9 tiểu đoàn đến Việt Nam và cho phép tướng Westmoreland dùng lực lượng để diệt dịch. Tuy nhiên trên mặt chính thức Hoa Kỳ tuyên bố không thay đổi nguyên tắc quân đội Hoa Kỳ chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ (để làm vui lòng đại sứ Taylor?). Sự việc “nói một đàng làm một nẽo” này là nguyên nhân làm các phóng viên tại Việt Nam bắt đầu không tin những gì bộ tư lệnh quân sự Mỹ tại Việt Nam phổ biến, và sau trận Mậu Thân không tin cả những gì do tòa Bạch ốc hay bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố .
Trong khi Hoa Kỳ do dự, Hà Nội lần đầu tiên tung các đơn vị cấp tiểu đoàn đẩy mạnh các cuộc đánh phá trên toàn miền Nam, đồng thời đưa các đơn vị chính quy cấp trung đoàn (trung đoàn 33, 34 & 66) chuẩn bị cho chiến trường cao nguyên. Nhiều quân lỵ bị tiêu diệt và nhiều trại lực lượng đặc biệt dọc biên giới bị tấn công. Hoa Kỳ trả đũa bằng các dùng máy bay B-52 bỏ bom các nơi nghi ngờ quân đội cộng sản trú đóng.Nhưng tình hình càng ngày càng bất lợi, và Hoa Kỳ lại đứng trước một lựa chọn bắc buộc khác là gởi thêm quân đến Việt Nam theo đề nghị của tướng Westmoreland. Tháng 7-65 tổng thống Johnson quyết định gởi sư đoàn kị binh không vận vừa mới được thành lập cùng với nhiều đơn vị thuộc nhiều binh chủng khác nhau nâng quân số Hoa Kỳ từ 75.000 lên 125.000, và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ gởi thêm quân đến Việt Nam nếu tình hình đòi hỏi.Với phương tiện và nhân lực mới, tướng Westmoreland vạch một kế hoạch bình định 3 điểm: thứ nhất, xây dựng hạ tầng cơ sở như phi truờng, bến tàu, và đường giao thông để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh và tạo cơ sở phát triển kinh tế miền Nam. Thứ hai, dùng quân đội Hoa Kỳ tấn công các đại đơn vị cộng sản ở cao nguyên.
Thứ ba, cầm chân quân đội Bắc Việt còn lại trên toàn miền Nam để quân đội Việt Nam Công Hòa thực hiện giai đoạn chót của cuộc bình định.Cuộc đụng độ với quân đội chính qui Bắc Việt trong thung lũng sông Ia Drang phía Tây Pleiku trong hai tháng 10 & 11/65 giữa sư đoàn kị binh không vận Hoa Kỳ và các trung đoàn chính qui 33, 34 và 66 Bắc Việt là cuộc đụng độ lớn nhất giữa quân đội Bắc Việt và Hoa Kỳ. Tại Ia Drang, lần đầu tiên máy bay chiến lược B-52 được dùng yểm trợ chiến thuật cho các đơn vị Hoa Kỳ. Sau một tuần lễ giao tranh ác liệt từ 14 đến 19/11, quân đội Bắc Việt rút qua bên kia biên giới Cam bốt. Hoa Kỳ không truy kích, chỉ oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh trong một chiến dịch không tập bí mật gọi là Operation Steel Tiger do tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Lào chịu trách nhiệm. Cuộc không tập bí mật Steel Tiger gồm 20.000 phi vụ phối hợp với chiến dịch không tập Bắc Việt công khai Operation Rolling Thunder gồm 55.000 phi vụ trong năm 1965 vẫn không cắt đứt nổi con đường tiếp vận của Bắc Việt. Chiến lược tưởng như chắc thắng của Westmoreland bắt đầu có vấn đề.Năm 1966 cuộc chiến tiếp tục leo thang. Tại hội nghị thượng đỉnh Honolulu tháng 2/66 giữa tổng thống Johnson và hai tướng Nguyễn Văn Thiệu (Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia - như quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ (Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương - như Thủ tướng), hai tướng Thiệu và Kỳ hứa xây dựng một chính quyền dân sự hợp hiến để thu phục nhân tâm (In the Jaws of History, Bùi Diễm, trang 162.) Trong khi đó tổng thống Johnson tăng thêm 100.000 quân, nâng tổng số lên 280.000 người, không kể 60.000 thủy thủ của hạm đội 7 yểm trợ cho cuộc không tập Bắc Việt và 35.000 quân đồn trú tại Thái Lan. Quân đội miền Nam tăng lên 750.000 người kể cả địa phương quân và cảnh sát. Bộ đội cộng sản tại miền Nam cuối năm 1966 gồm 275.000 quân gồm 45.000 quân chính qui Bắc Việt (điều trần của McNamara trước Thượng nghị viện ngày 23/1/67).
Chiến cuộc sôi động trong năm 1966 làm cán bộ hạ tầng của cộng sản bận rộn với chiến trường nên năm qua 1967 tình hình an ninh nông thôn miền Nam trở nên sáng sủa, nhất là sau khi tổng thống Johnson giao cả hai nhiệm vụ quân sự và dân sự vụ cho tướng Westmoreland, và nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống tại miền Nam theo tinh thần bản Hiến Pháp Đệ nhị Cộng hòa được một Quốc hội Lập hiến công bố trong tháng 4/67. Tháng 9/67 tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống cùng liên danh với tướng Nguyễn Cao kỳ đứng phó.Nhưng vào lúc tình hình miền Nam có vẻ sáng sủa thì trận Mậu Thân xẩy ra với hình ảnh chiến trường sôi động nhất là hình ảnh căn cứ Khe Sanh bị bao vây, toà đại sứ Mỹ tại Sàigon bị đột nhập, một số thành phố như Huế, Bến Tre bị đổ nát. Lần đầu tiên truyền hình mang kinh hoàng của chiến tranh đến tận từng gia đình người Mỹ và làm cho dân chúng Mỹ hoàn toàn mất tin tưởng vào một sự chiến thắng tại Nam Việt Nam như chính phủ từng tuyên bố. Tổng thống Johnson đang chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ 2 (tháng 11/68) và ông không đủ can đảm thấy một cuộc chiến dai dẳng trong ngày bầu cử và cá nhân ông bị thành phần chống chiến tranh bêu rếu “nướng thanh niên Mỹ” ngoài chiến trường. Ngoài ra sự tin tưởng chiến thắng của bộ tham mưu của tổng thống Johnson cũng bắt đầu lung lay, mặc dù cuối tháng 11/67 khi về Hoa Kỳ báo cáo tình hình với tổng thống tướng Westmoreland lạc quan tuyên bố Hoa Kỳ đang thắng và quân đội Mỹ có thể bắt đầu rút về từ năm 1969. Các cố vấn của tổng thống gồm bộ trưởng quốc phòng McNamara, bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow thấy thắng không phải là dễ và đang nghĩ cách xuống thang cuộc chiến.Henry Kissinger cố vấn bình định cho đại sứ Cabot Lodge sau nhiều chuyến đi thăm nông thôn Việt Nam trong hai năm 1965 và 1966 về tận nông thôn cũng nghĩ Hoa Kỳ khó thắng (Diplomacy, 1994, trang 663).
Trong khi đó Hà Nội lượng định rằng nếu tiếp tục các cuộc tấn công vào quân đội Hoa Kỳ phối hợp với sự phá hoại công trình bình định nông thôn để bao vây thành thị theo sách vở không chắc sẽ thành công vì Hoa Kỳ có một khả năng vật chất to lớn. Hà Nội cần một trận thư hùng đánh thẳng vào tất cả các đô thị miền Nam để tạo điều kiện cho dân chúng miền Nam đồng loạt nổi dậy buộc quân đội Hoa Kỳ phải rút lui trước áp lực quốc tế; nếu không dư luận trong nước cũng làm sụp đổ ý chí chiến đấu của Hoa Kỳ. Quan niệm của một trận tấn công qui mô và đồng loạt vào các thành thị miền Nam nẩy mầm. Và như đã nói ở trên, Nghị quyết 13 của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam tháng 4 năm 1967 đã đưa trận TCK-TKN lên dàn phóng.Bắt chước vua Quang Trung đánh quân Thanh bất kỳ xuất ý vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789, Hà Nội vạch một kế hoạch đánh các đô thị miền Nam vào Tết Mậu Thân (30-1-68). Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán có hưu chiến, quân nhân miền Nam nghỉ phép, pháo đốt gây tiếng vang là những điều kiện tốt cho một cuộc tấn công bất ngờ.Hà Nội còn cần yếu tố bất ngờ chiến lược. Tháng 7-67 Hà Nội triệu tập các đại sứ về nước. Trước khi trở lại nhiệm sở các đại sứ đều có nhiệm vụ làm cho các nước sở tại hiểu Hà Nội đang muốn thương thuyết với Hoa Kỳ. Điều kiện thương thuyết là Hoa Kỳ ngưng dội bom Bắc Việt. Hà Nội cần điều kiện tốt để chuyển người và vũ khí vào miền Nam. Mùa hè năm 1967, ông Raymond Aubrac, một người Pháp từng giúp đỡ Hồ Chí Minh khi ông ta đến Paris thương thuyết với Pháp năm 1946, lúc đó đang làm cho Cơ quan Y tế Liên hiệp quốc ngỏ ý với Hoa Kỳ qua Kissinger (hai người gặp nhau trong một hội nghị của các nhà khoa học kêu gọi giải giới vũ khí nguyên tử giữa năm 1967) sẵn sàng đi Hà Nội thuyết phục Hồ Chí Minh thương thuyết với Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến.
Qua Kissinger, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý, miễn là Raymond Aubrac không chính thức đại diện cho Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh, qua Raymond Aubrac, nhắn rằng Hà Nội sẵn sàng thương thuyết nếu Hoa Kỳ ngưng dội bom Bắc Việt, và Hoa Kỳ có thể tiếp xúc với Mai Văn Bộ, đại diện ngoại giao của Hà Nội tại Paris. Mắc mưu Hồ Chí Minh, ngày 29-9 tổng thống Johnson tuyên bố tại Houston, Texas rằng không quân Hoa Kỳ sẽ ngưng dội bom Bắc Việt nếu việc này dẫn tới một cuộc thương thuyết hữu ích. (Johnson papers, 1968, Vol II, trang 879).Hai bên ướm lời nhưng không có hành động cụ thể. Hoa Kỳ vẫn oanh tạc Bắc Việt và Hà Nội vẫn chuyển người và chiến cụ vào Nam. Nhưng Hà Nội biết Hoa Kỳ có phương tiện tình báo để biết nên cần một kế hoạch nghi binh khác để Hoa Kỳ không thể đoán được mưu đồ chính. Giữa tháng 10/67 Bắc Việt cho uy hiếp căn cứ Cồn Thiên ở địa đầu vùng giới tuyến bằng trọng pháo và đặc công, đồng thời cho quân bao vây căn cứ Khe Sanh, và cuối năm 1967 tung nhiều cuộc tấn công cấp trung đoàn và bán sư đoàn vào Lộc Ninh (29/10 - 3/11/67) và Dak To (3/11 - 22/11/67) nằm dọc biên giới. Riêng Khe Sanh với 2 sư đoàn (304 và 325C) gồm hơn 20.000 quân Hà Nội tính rằng nếu diệt được Khe Sanh cuộc tấn công vào các thành thị miền Nam dự tính vào dịp Tết sẽ dễ thành công hơn. Nếu không, cuộc tấn công sẽ giúp che dấu ý đồ của Mậu Thân.Cứ điểm Khe Sanh cách giới tuyến phân chia Nam Bắc Việt Nam 24 km, cách biên giới Lào 10 km được lập từ năm 1962 do một lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ trú đóng.
Tháng 1-67 khi cuộc chiến lên cao độ, Thủy quân lục chiến đến thay thế đưa quân số đồn trú lên 6,000 người gồm 2 trung đoàn Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và 1 tiểu đoàn Biệt Động quân Việt Nam. Ngày 20-1-68 cộng quân ồ ạt nã trọng pháo vào căn cứ Khe Sanh và hôm sau bộ binh Bắc Việt mở các cuộc xung phong vào các cứ điểm chung quanh mở màn trận đánh Khe Sanh kéo dài 77 ngày.Trong lúc đó, nhân Tết Nguyên Đán Hà Nội tuyên bố đơn phương ngưng bắn một tuần lễ từ ngày 27/1/68 đến 3/2/68. Tại miền Bắc Hà Nội cho dân chúng ăn Tết trước một ngày nói là để dân chúng hưởng hoàn toàn những ngày Hoa Kỳ ngưng dội bom, nhưng sự thật chỉ là một kế hoạch làm lạc hướng Hoa Kỳ, đồng thời để dân chúng chuẩn bị tinh thần cho những cuộc oanh tạc mạnh mẽ hơn sau khi cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân.Trong thời gian này Hoa Kỳ và Hà Nội chờ đợi lẫn nhau. Hoa Kỳ đợi Hà Nội ngưng xâm nhập để ngưng dội bom, Hà Nội chờ Hoa Kỳ ngưng dội bom để tăng cường xâm nhập.Một nghi vấn chung quanh trận Mậu Thân là Hoa Kỳ biết ý định tổng tấn công của Hà Nội đến đâu và đã thông báo cho tổng thống Thiệu đến mức độ nào? Có lẽ Hoa Kỳ biết nhiều hơn những gì tướng Westmoreland thông báo cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Có thể Hoa Kỳ muốn trắc nghiệm khả năng tình báo quân sự của VNCH và xem quân đội VNCH sẽ chống đỡ cuộc tấn công như thế nào. Có thể Hoa Kỳ muốn quân đội cộng sản xuất hiện để dùng hỏa lực tiêu diệt. Hoa Kỳ.
Trong thời gian này các sĩ quan Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam đều được cảnh giác một cuộc tấn công của cộng quân vào các thành phố miền Nam trong dịp Tết, nhất là một trận đánh quy mô chiếm thành phố Huế (1), trong khi đó quân đội miền Nam vẫn được nghỉ phép và nhất là ngày 27 Tết tổng thống Thiệu ban hành quyết định bãi bỏ giới nghiêm tại Sàigòn trong 36 giờ ngưng bắn (Vietnam War Day by Day của John Bowman, trang 119), và thủ tướng Nguyễn Văn Lộc cho dân chúng tùy tình hình an ninh địa phương được đốt pháo trong 4 ngày từ 30 Tết đến hết ngày mồng 3 (Cuộc TCK-TKN của Việt cộng - Mậu Thân 1968, tài liệu Khối quân sử Phòng 5/TTM, trang 12). Ngày 30 Tết tổng thống Thiệu rời Sàigòn về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết (The Vietnam War, Bernard C. Nalty, trang 185)Cũng có thể tướng Westmoreland không muốn cho báo chí Mỹ biết tình hình nghiêm trọng. Truyền thông Mỹ đang có khuynh hướng bi đát hóa tình hình tại Việt Nam. Trước đó hai tháng tại Washington, tướng Westmoreland, với sự khuyến khích của Bạch cung đã tuyên bố Hoa Kỳ sắp kết thúc cuộc chiến trong thắng lợi.Tuy nhiên tin tức tình báo vào những ngày gần Tết cho tướng Westmoreland thấy tình hình nghiêm trọng hơn đã tưởng nên ông yêu cầu tổng thống Thiệu duy trì ít nhất 50% quân số ở vị trí chiến đấu. Lệnh ngưng bắn được hủy bỏ tại các tỉnh vùng I chiến thuật và giảm từ 36 giờ xuống 24 giờ tại các nơi khác.
Nhiều tư lệnh sư đoàn do khuyến cáo của sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ thu hồi giấy nghỉ phép của sĩ quan và binh sĩ trực thuộc như hai sư đoàn chung quanh Sài gòn, một sư đoàn tại cao nguyên và sư đoàn đóng tại Huế.Trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân (29/1 rạng ngày 30/1/68) cộng quân mở cuộc tấn công vào 8 thành phố và tỉnh lỵ thuộc vùng II và bộ tư lệnh vùng I tại Đà Nẳng, tất cả đều thuộc Quân khu 5 theo tổ chức vùng của cộng sản (TCK-TKN, Khối quân sử Phòng 5/TTM, trang 353). Dùng quân số cấp tiểu đoàn cộng sản đánh vào Nha Trang, Hội An, Ban Mê Thuộc, Qui Nhơn, Pleiku. Từ Mỹ Tho trở về Sàigòn sáng mồng 1 Tết, tổng thống Thiệu bãi bỏ lệnh ngưng bắn trên toàn quốc và ra lệnh quân nhân nghỉ phép trở về đơn vị.Đêm hôm sau, mồng 1 Tết cộng quân đánh vào 33 trên 42 thị trấn và thành phố khác của miền Nam, gồm Sài gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ và Bến Tre, bộ tư lệnh của tướng Westmoreland, dinh Độc Lập và tòa đại sứ Mỹ. Tại dinh Độc Lập đặc công cộng sản trang phục giả quân đội miền Nam để tấn công nhưng bị đẩy lui.Tại tòa đại sứ Hoa Kỳ, 23 đặc công thuộc tiểu đoàn đặc công tinh nhuệ C-10 mặc thường phục tập trung tại một tiệm sửa xe hơi lãnh chất nỗ, súng tự động và súng chống thiết giáp rồi dùng xe đến tòa đại sứ Mỹ (Eyewitness History of the Vietnam War 1961-1975, The Associated Press, trang 101.) Toán đặc công bắn chết lính canh, dùng bộc phá đục một lỗ thủng ở vòng thành rồi chui vào bên trong. Toán Thủy quân lục chiến ở tầng cuối cùng khóa chặt cửa tử thủ. Sáng ngày, hai đại đội quân cảnh Hoa Kỳ phá tường lọt vào bên trong thanh toán từng ổ kháng cự của đặc công. Trong khi đó lính dù Hoa Kỳ từ trực thăng đổ xuống sân thượng tảo thanh từng tầng một từ trên xuống. Chín giờ sáng tiếng súng chấm dứt tại tòa đại sứ , 23 đặc công bị giết, 6 chiến sĩ Hoa kỳ tử thương (TCK-TKN, Khối quân sử Phòng 5/TTM, trang 99).
Việc đặc công chỉ lọt vào khuôn viên hay vào bên trong tòa nhà của tòa đại sứ không phải là một khác biệt quan trọng. Nhưng đối với dư luận Mỹ lại khác. Nếu Hoa Kỳ không giữ được an ninh cho tòa đại sứ của mình thì làm thế nào để giữ an ninh cho một xứ rộng hơn 160.000 cây số vuông như Westmoreland vừa báo cáo? Cuộc tấn công toàn quốc cho thấy những gì tướng Westmoreland và tòa Bạch Cung tuyên bố mấy tháng trước là tình hình đang sáng sủa thật ra chẳng sáng sủa chút nào. Trước Mậu Thân giới truyền thông nghi ngờ chính quyền nhưng nói chung dân chúng vẫn còn tin quân đội Hoa Kỳ đang chiến thắng. Sau Mậu Thân niềm tin mong manh này cũng không còn.Thật ra tướng Westmoreland không tô mầu hồng cho bức tranh chiến cuộc Việt Nam khi cuối tháng 11/67 ông nói Hoa Kỳ đang chiến thắng và tiên đoán Hoa Kỳ có thể bắt đầu rút quân năm 1969. Ông miêu tả thực trạng của lực lượng đôi bên dựa theo lối lượng định sức mạnh quân sự cổ điển.
Ông không thấy được khả năng huy động của người cộng sản trong một trận chiến tranh du kích có sự tham dự của nhân dân, mặc dù tham dự dưới áp lực của khủng bố.Cộng sản đã dùng 84.000 quân gồm lính chính qui Bắc Việt và bộ đội tại chỗ (tại các tỉnh vùng I đa số lực lượng tấn công là quân chính qui) tấn công 36 trên 44 tỉnh lỵ, 5 trên 6 thành phố, 64 trên 242 quận lỵ, 50 trụ sở hội đồng xã, 23 căn cứ và phi trường. Cộng quân lọt vào được 13 trung tâm đông dân cư nhưng đều bị đẩy lui từ 2 đến 3 ngày ngoại trừ một vài ổ kháng cự kéo dài 6 ngày tại Sàigon, và Huế 25 ngày. Trong 25 ngày tác chiến Bắc việt thiệt 45.000 quân, bị bắt 6.991 người, miền Nam thiệt 2.788 người, 8.299 bị thương, Hoa Kỳ thiệt 1,536 quân, bị thương 7.764 (The Vietnam War, Bernard C. Nalty, trang 189). Quân đội miền Nam dù chỉ có nửa quân số dưới cờ đã chiến đấu một cách anh dũng và không một đơn vị nào bỏ súng theo đối phương, cũng không có vùng nào dân chúng nổi dậy phất cờ gióng trống theo cộng sản. Tổ chức bí mật và nhân sự của Mặt trận Giải phóng miền Nam xuất hiện chuẩn bị nắm chính quyền bị lộ diện và bị vô hiệu hóa sau Mậu Thân. Sau cuộc tấn công dân chúng miền Nam ở thành thị hiểu cộng sản là gì, nhất là sau khi các mồ chôn tập thể các nạn nhân bị cộng sản giết tại Huế được phanh phui. Lệnh tổng động viên của tổng thống Thiệu sau Mậu Thân được đáp ứng và ông ta bạo dạn trang bị vũ khí cho nhân dân tự vệ.
Tuy nhiên, phóng viên tại chỗ và báo chí thấy khác.Trong đêm súng nổ tại tòa đại sứ Hoa Kỳ, phóng viên từ hai khách sạn Caravelle và Majestic kéo tới làm tin và tranh nhau loan tin du kích cộng sản đã lọt vào tòa đại sứ. Tin này làm xúc động dư luận tại Hoa Kỳ. Sáng hôm sau tướng Westmoreland đính chính rằng đặc công cộng sản chỉ vào được trong khuôn viên nhưng các phóng viên lờ đi vì họ có thói quen nghi ngờ các nguồn tin của chính quyền. Chiến trường Việt Nam là nơi lý tưởng để nổi danh nên nhiều phóng viên trẻ chưa có kinh nghiệm chiến trường lẫn lý thuyết về chiến tranh đổ đến làm tin. Họ làm phóng sự nhanh vội nhắm chuyển về Hoa Kỳ tin tức nóng hổi và hình ảnh gây xúc động. Họ làm tin với mục đích chỉ cho dân thấy những gì tòa Bạch Ốc và tướng Westmoreland tuyên bố về cuộc chiến đang thắng là một trò cười. Họ chuyển đoạn phim quay cảnh đổ nát của thành phố Bến Tre để bình luận “quân đội Hoa Kỳ phải phá nát thành phố này để cứu nó” mặc dù Bến Tre chỉ sụp đổ 25%, nhẹ hơn các thành phố Âu châu trong thế chiến thứ II. Họ loan tin kinh thành Huế sụp đổ hoàn toàn trong khi các bức thành của cố đô vẫn còn đứng vững.Tại Hoa Kỳ các nhà bình luận có uy tín thi nhau bình luận bất lợi cho Hoa Kỳ. Walter Lippman (Newsweek 11/3/68) tiên đoán Hoa Kỳ sẽ thất bại tại Việt Nam. Walter Cronkite (CBS News 27/2/68) nói nếu Hoa Kỳ leo thang chiến tranh, Hà Nội đủ khả năng đáp ứng và Hoa Kỳ sẽ đuối sức trước. Wall Street Journal vốn ủng hộ cuộc chiến Việt Nam, đổi lập trường, bình luận: “nếu chưa chuẩn bị tư tưởng, dân chúng Hoa Kỳ cần chuẩn bị chấp nhận thực tế rằng chính sách của Hoa Kỳ đã thất bại tại Việt Nam” (The Logic of the Battlefield, 23/2/68). Đài truyền hình NBC trong một chương trình đặc biệt về Việt Nam ngày 10/3/68 kết luận, “bỏ mọi chuyện khác ra ngoài, đã đến lức chúng ta phải quyết định có cần phải phá hủy Việt Nam để cứu Việt Nam không”.
Tuần báo Time viết, (The War, 15/3/68) “Năm 1968 cho chúng ta thấy một sự thật là, chiến thắng - hay ngay cả một cuộc thương thuyết thuận lợi -, không ở trong tầm tay của quốc gia mạnh nhất thế giới.” (theo Diplomacy, Henry Kissinger, page 671 và 672)Truyền thông, phụ họa với phong trào chống chiến tranh dâng cao đã lung lay tinh thần của tổng thống Johnson và đoàn cố vấn từng chủ chiến của tổng thống. Đêm 31/3/68 tổng thống Johnson tuyên bố đơn phương ngưng dội bom trên vĩ tuyến 20, không ra ứng cử tổng thống nữa, và kêu gọi Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị. Chưa đầy 72 giờ sau Hà Nội, vì cần củng cố lực lượng đang tan nát của họ tại miền Nam tuyên bố sẵn sàng hòa đàm. Ngày 31 tháng 10, để yểm trợ cho ứng cử viên Hubert Humphrey, tổng thống Johnson ra lệnh ngưng dội bom toàn cỏi Bắc Việt. Humprey thất cử vì dân chúng Hoa Kỳ, tuy không ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam như năm 1964, không muốn thấy một chính quyền Dân chủ chạy trốn do Humphrey đại diện. Theo sử gia Arthur Schlesinger viết trong cuốn “Robert Kennedy and His Times” (1978), thăm dò dư luận lúc tổng thống Johnson đọc diễn văn cho thấy 61% dân chúng Hoa Kỳ vẫn còn muốn chiến đấu, và 70% nghỉ Hoa Kỳ chưa nên chấm dứt cuộc oanh tạc Bắc Việt.Bàn về ảnh hưởng quyết định của tổng thống Johnson đến kết quả của cuộc chiến Việt Nam, Henry Kissinger, thương thuyết gia của tổng thống Nixon với Hà Nội tại Paris viết: “Đó là một quyết định có tính cách định mệnh của một tổng thống Hoa Kỳ sau thế giới đại chiến.
Nếu ông Johnson không rút lui, ông ta vẫn có thể đương đầu với cuộc chiến và đắc cử một nhiệm kỳ nữa. Cho dù ông không muốn tiếp tục ứng cử vì lý do sức khỏe ông vẫn có thể tăng áp lực đối với Hà Nội trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để người kế nhiệm có thế mạnh thương thuyết với Hà Nội. Sau trận Mậu Thân thế quân sự của Hà Nội yếu nhiều, vì vậy nếu Hoa Kỳ tăng áp lực trong năm 1968 thế thương thuyết của Hoa Kỳ đã mạnh hơn. Vừa xuống thang chiến tranh, vừa tuyên bố không ra ứng cử tổng thống, đề nghị hòa đàm của Hoa Kỳ hoàn toàn bất lợi. Hai ứng cử viên tổng thống Richard Nixon và Hubert Humphrey tranh nhau hứa đem lại hòa bình trong danh dự nhưng chẳng có gì trong tay để bảo đảm lời hứa. Hà Nội đồng ý thương thuyết chỉ để được Hoa Kỳ ngưng dội bom để củng cố hạ tầng cơ sở chính trị miền nam bằng nhân sự Bắc Việt. Hà Nội đã không nhượng bộ tổng thống Johnson, và họ biết họ chẳng cần nhượng bộ người kế nhiệm.” (Diplomacy, Henry Kissinger, trang 672).
Hà Nội đã thắng qua Hiệp Định Paris 1973 và cuộc tấn công 55 ngày năm 1975. Hoa Kỳ rút được kinh nghiệm gì? Chưa thấy. Chỉ thấy Hoa Kỳ đã bỏ lở cơ hội thiết lập dân chủ tại Việt Nam khi khối cộng sản Nga sô sụp đổ. Và cho đến nay qua 6 đời tổng thống (Carter, Reagan, George Bush, Clinton, W. Bush, Obama) Hoa Kỳ vẫn còn lúng túng về một chính sách Việt Nam.Chuyến thăm viếng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 6/2008 đánh dấu một bước thay đổi căn bản trong quan hệ Mỹ Việt .Bản thông cáo chung kết thúc cuộc thăm viếng ghi nhận Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ “trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước. …. sẽ ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”. Và sau cùng Hoa Kỳ “tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.” Hoa Kỳ đang có cơ hội tạo một thế đứng tại Việt Nam và qua đó củng cố thế chiến lược của mình tại Tây Thái Bình Dương. Nhưng cơ hội còn chờ những bước đi của chính phủ Barack Obama. Ông Obama nhiệm chức tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/1/2009 nhất định sẽ mang lại một không khí mới trên chính trường Hoa Kỳ và thế giới, nhưng trước một khối công việc khác quan trọng hơn nhất là sự chống đỡ tình trạng suy thoái kinh tế, không chắc ông ta có đủ thì giờ để tìm ra một chính sách đúng đối với Việt Nam trước áp lực của Trung quốc . Sự việc tháng 7/2008 vừa qua hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ im lặng chấm dứt giao kèo khai thác dầu mỏ và khí đốt với công ty PetroVietnam không phải là một dấu hiệu tốt. (2)
Trần Bình Nam
binhnam@sbcglobal.nethttp://www.tranbinhnam.com/
(1) Cá nhân tôi có một bằng chứng rằng Hoa Kỳ biết khá rõ dự tính tấn công vào dịp Mậu Thân. Năm 1967 tôi đi tu nghiệp tại Trung tâm huấn luyện hải quân Hoa Kỳ tại San Diego . Cuối năm 1967 trước khi trở về Việt Nam tôi đến tham dự một buổi tiếp tân ban đêm chào đón các sĩ quan Hoa Kỳ vừa trở về sau một năm phục vụ tại Việt Nam . Tôi chuyện trò với một đại úy hải quân (rất tiếc tôi không nhớ tên) và được biết ông ta là cố vấn cho căn cứ hải quân VNCH tại Thuận An, cửa sông Hương dẫn lên Huế . Nói chuyện Huế, chuyện Tết và tôi cho ông ta biết Tết sắp tới (tức Tết Mậu Thân) tôi có dự tính đưa các con về Huế ăn Tết và để các cháu thăm ông bà nội . Ông đại úy làm tôi ngạc nhiên vô cùng khi ông khuyên tôi Tết sắp tới nghỉ đâu thì nghỉ nhưng đừng có về Huế. Tôi hỏi tại sao thì ông ta lảng sang chuyện khác. Câu chuyện chứng tỏ bộ tư lệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam biết rõ kế hoạch tấn công trong dịp Tết Mậu Thân của cộng sản Hà nội và đã thông báo các cấp sĩ quan cố vấn. Tôi không quan tâm đến lời khuyên của ông đại úy Mỹ cho rằng chỉ là chuyện đùa vui. Tôi đã mang hai con trai về Huế ăn Tết và xuýt bỏ mạng tại đó.(2) Theo Roger Mitton trong tài liệu “China-Vietnam ties remain more sour than sweet” (Asia Sentinal Consulting 14 November 2008).
No comments:
Post a Comment