Wednesday, March 24, 2010

BBC * ĐỐI LẬP TẠI VIỆT NAM

14 Tháng 2 2005 - Cập nhật

Đối lập ở Việt Nam - Họ là ai?







Nhiều nhà bất đồng chính kiến là đảng viên Đảng Cộng sản
Mặc dù đã có nhiều sách báo nước ngoài viết về tình hình chính trị Việt Nam thời kì 20 năm qua, nhưng vẫn ít có tài liệu nào cho người ta biết rõ hơn về những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Những người này gồm những ai? Họ muốn gì? Họ có phải là một liên minh chặt chẽ, hay có những tư tưởng, động cơ khác nhau?

Một trong số ít các bài nghiên cứu về vấn đề này là của giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia người Mỹ về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á.



Trong một bài tiểu luận viết năm 2000, đăng ở tờ Harvard Asia Quarterly, Zachary Abuza đưa ra những nhận định ban đầu về những người đối lập ở Việt Nam.Bài viết mang tựa đề: "Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents" (Đối lập trung thành: Sự xuất hiện của những nhà phản kháng Việt Nam).Từ ''đối lập trung thành'' được tác giả sử dụng vì ông cho rằng nếu không kể những người bất đồng chính kiến tôn giáo, thì đa số những người khác trong nhóm đối lập đều là đảng viên, nhiều người có thời gian phục vụ cách mạng lâu năm. Rất ít người ủng hộ một nền dân chủ tư sản đa đảng, mà chỉ kêu gọi cải cách và tranh luận dân chủ bên trong khuôn khổ đảng Cộng sản.Để cung cấp thêm một cái nhìn từ ngoài về Việt Nam, xin giới thiệu trích đoạn bài tiểu luận, qua phần dịch thuật của ông Trần Bình Nam:

Nguồn gốc đối lập tại Việt Nam

Sau 11 năm (1975-1986) chiến thắng và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đứng trước một sự bế tắc kinh tế và sự bất mãn của quần chúng nên đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chương trình đổi mới kinh tế qua đại hội thứ 6 của đảng tháng 12 năm 1986. Dân chúng được tự do buôn bán và trao đổi, tăng cường xuất cảng và mở cửa nhận đầu tư nước ngoài. Ðến năm 1998 tổng số đầu tư lên đến 16 tỉ mỹ kim. Song hành với đổi mới kinh tế là chính sách cởi mở chính trị do một số đảng viên có thế lực trong đảng chủ trương do ảnh hưởng của các phong trào cởi mở chính trị tại Ðông Âu và Liên bang Xô viết dưới thời Gorbachev.Tuy nhiên khi Ðông âu sụp đổ Hà Nội hoảng hốt và đinh ninh rằng khuynh hướng đa nguyên chính trị là nguyên nhân của sự sụp đổ nên dập tắc ngay sự cởi mở chính trị và đưa ra chính sách "ba không": Không đặt vấn đề lãnh đạo của đảng Cộng sản. Không đặt vấn đề độc đảng đúng hay sai. Không bàn chuyện đa nguyên chính trị. Ðồng thời giới quân nhân lên tiếng cam kết bảo vệ sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản Việt Nam bằng bạo lực cách mạng.
Bức tường Berlin sụp đổ cùng biến cố Đông Âu tác động mạnh tới Việt Nam
Hội nghị trung ương đảng họp tháng 3 năm 1990 quyết định khai trừ Trần Xuân Bách ra khỏi Bộ chính trị. Ông Bách chủ trương đổi mới chính trị. Trong tháng 1/1990 ông Bách nói với Bộ chính trị rằng những xáo trộn trong thế giới cộng sản tại Âu châu sẽ đến Á châu. Và rằng, cải tổ kinh tế không thể thành công nếu không đồng thời cởi mở chính trị. Từ đó đến nay đảng Cộng sản Việt Nam rất nặng tay đối với những ai đặt vấn đề đa nguyên chính trị. Vậy tại sao gần đây đối lập có vẻ nở rộ tại Việt Nam? Theo giáo sư Zachary Abuza có 4 lý do:
Thứ nhất là nhận định của đảng Cộng sản Việt Nam về hiểm họa đối với nền an ninh của đất nước. Ðảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Trung quốc không nguy hiểm bằng "diễn biến hòa bình" do các thế lực phương Tây. Thứ hai sự tăng trưởng kinh tế chậm lại (từ 7 đến 8% sụt xuống còn 2% hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) do chính sách kiểm soát của đảng trong việc không chịu giải tư nhanh chóng các công ty quốc doanh và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997. Sau đại hội thứ 8 năm 1998 đảng Cộng sản Việt Nam đã không có một quyết định nào để chấn hưng tình trạng trì trệ kinh tế vì bất đồng ý kiến nội bộ

.

Thứ ba sự tham nhũng và lộng quyền của các đảng viên cầm quyền làm cho nhân dân ở nông thôn bất mãn, đặc biệt ở Thái Bình, vùng đất từng ủng hộ đảng, làm cho thành phần ưu tú trong đảng sửng sốt. Theo các tổ chức quốc tế, tham nhũng ăn chia từ 5 đến 15% tiền nước ngoài đầu tư. Thứ tư là tác động từ bên ngoài. Ngoài sự sụp đổ tại Ðông âu, và sự phát triển kinh tế chóng mặt của các nước chung quanh, Việt Nam còn bị áp lực của một số nước bạn Tây phương như Pháp. Năm 1997 khi đến Hà Nội dự hội nghị toàn cầu của các nước từng nói tiếng Pháp, tổng thống Jacques Chirac đã yêu cầu Hà Nội trả tự do cho 40 nhà đối lập và cho phép một đoàn truyền hình của Pháp đến quay phim một trại giam. Phía Hoa Kỳ cũng áp lực qua vấn đề nhân quyền. Các tác động này đã làm cho những người đối lập trở nên bạo dạn hơn.

Ai là những người đối lập

Ðiểm đặc biệt của đối lập Việt Nam là xuất phát từ bên trong chính quyền hơn là bởi các nhân vật ngoài chính quyền. Ða số từng giữ chức vụ cao cấp trong đảng và đóng góp nhiều cho đảng. Những người này đáng kính ở chỗ đối lập với đảng, họ có thể mất hết. Mất sự nghiệp cá nhân và mất chỗ đứng cho con cái trong xã hội.Đám tang tướng Trần Độ, đảng viên lâu năm, gây nhiều chú ý năm 2002Ngoài ra còn một số người ở miền Nam Việt Nam có thành tích đối lập với chế độ cũ cùng với các linh mục, các thầy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản đối chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền. Nhưng đối lập của Việt Nam còn yếu, không như các phong trào đối lập tại Ðông âu trước đây. Tại Việt Nam không có phong trào nghiệp đoàn công khai hay không công khai. Phong trào sinh viên đấu tranh như tại Nam Hàn và Indonesia cũng không có.


Lý do số sinh viên đại học chỉ chiếm 2% dân số thành phố. Khi được một người nước ngoài hỏi tại sao ở Việt Nam sinh viên không đấu tranh như ở Trung quốc và Indonesia, một sinh viên Việt Nam trả lời rằng: "Ðơn giản thôi. Này nhé, nếu anh sinh viên là con cái của cán bộ thì họ cho chế độ này cũng OK. Nếu anh ấy thuộc gia đình khá giả thì gia đình đó cũng được hưởng ân huệ của chế độ bằng một hình thức nào đó thì cũng OK luôn. Còn nếu anh ấy thuộc một gia đình nông dân nghèo nay nhờ không khí cởi mở, cha mẹ cố gắng chạy tiền cho ăn học thì anh ấy cũng không đủ can đảm làm hỏng niềm hy vọng vươn lên cho mình và cho gia đình bố mẹ." Giáo sư Zachary Abuza viết rằng ông ngh
iên cứu 25 nhà đối lập Việt Nam đã xuất hiện từ năm 1986 đến năm 2000 qua những gì họ viết hay nói.

Đám tang tướng Trần Độ, đảng viên lâu năm, gây nhiều chú ý năm 2002


Trong số 25 nhà đối lập này có 16 cựu đảng viên, 9 người đã bị khai trừ ra khỏi đảng, 2 người tự ý từ bỏ đảng tịch. Trong 25 người đối lập chỉ có 7 người bị tù dài ngày. Những người này đa số gốc miền nam không có quan hệ gì với đảng Cộng sản Việt Nam. Tuổi trung bình của các người đối lập từ 65 đến 69 tuổi, trong đó có 2 phụ nữ. Có 7 nhà văn, nhà báo, hai bác sĩ, một nhà khoa học, một sử gia, một nhà toán học và một kinh tế gia. Trong số họ có nhiều cựu viên chức chính quyền cộng sản như tổng bí thư bộ Nội vụ, và một viên chức cao cấp thuộc Ban an ninh của trung ương đảng.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thuộc số nhà đối lập ở miền Nam

Ba người từng là ủy viên trung ương đảng, và 2 người từng là thành phần cao cấp trong các bộ. Trong số họ hơn một nửa từng tham dự cuộc đấu tranh chống Việt Nam Cộng Hòa với tư cách cán bộ lãnh đạo hay tuyên truyền, hoặc binh sĩ, trong đó có một người là nhân vật số hai của lực lượng võ trang của Hà Nội tại miền Nam Việt Nam. Có 4 người từng tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập. Nhiều người từng ở trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong đó có một người sáng lập là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Một số nhà đối lập nói trên đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ và Pháp.

Ðiểm mặt các nhà đối lập Việt Nam, giáo sư Zachary Abuza nhắc đến một số tên tuổi như đại tá Bùi Tín, tướng Trần Ðộ, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Dương Thu Hương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà sinh vật học Hà Sĩ Phu, giáo sư Phan Ðình Diệu, ông Nguyễn Hộ, bác sĩ Nguyễn Ðan Quế và giáo sư Ðoàn Viết Hoạt nếu chỉ kể vài nhân vật tiêu biểu. Những người đối lập Việt Nam như đã nói, đa số thuộc thành phần lãnh đạo. Cho nên khi dấn thân đấu tranh họ mất hết. Họ là những người từng tự nguyện hiến thân cho cách mạng, và nền độc lập của đất nước. Bởi vậy đảng Cộng sản Việt Nam liệt 25 nhà đối lập này vào thành phần nguy hiểm đối với chế độ. Họ còn được một số người trong đảng nể nang và che chở. Tuy nhiên họ đều đã cao niên và không biết sau họ có còn thành phần đối lập không? Nhưng dù đã già và không còn quyền lực họ vẫn là những kích thích tố có giá trị đối với quần chúng. Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không quên rằng sự ủng hộ của nhân dân Hungaryvà nhân dân Tiệp khắc đối với Imre Nagy và Alexander Dubcek đã thúc đẩy những cải tổ chính trị đưa đến sự chấm dứt độc quyền của cộng sản.



Có một điều cần quan tâm là những người đối lập Việt Nam đa số có gốc đảng nên họ chỉ muốn làm đối lập ôn hòa hơn là đối lập để lật đổ sự cầm quyền của đảng. Họ vẫn tỏ ra trung thành với đảng mặc dù họ rất bất mãn đối với những chính sách của đảng từ ngày thống nhất đất nước đến nay. Và nếu thỉnh thoảng có người trong nhóm đối lập chỉ trích đảng họ không quên ca ngợi công của đảng trong công cuộc giành độc lập cho đất nước. Ngay cả nhà đối lập không phải là đảng viên như ông Hà Sĩ Phu cũng nhận rằng đảng là con thuyền chở dân tộc Việt Nam sang bờ, nhưng đến bờ rồi đảng giữ chân không cho Việt Nam tiến lên cho kịp lân bang. Họ tự cho mình là đối lập ôn hòa với mục đích làm cho đất nước phú cường và mang sức sống mới cho đảng Cộng sản. Do đó những đòi hỏi của những người đối lập thường chừng mực. Ðối với họ đối lập như vậy chẳng những là một cái quyền mà còn là một bổn phận.



Nhưng trong cái truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng học và Mác xít người trí thức Việt Nam dính liền với chính quyền, và muốn vươn lên phải trung thành với chế độ, người trí thức không dám lên tiếng, cho nên không có sức mạnh xã hội thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Và đây là cái trở ngại chính giải thích tại sao tại Việt Nam không có một sức mạnh đối lập của giới trí thức buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách. Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà đối lập than phiền rằng: "Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, người trí thức phải cầm cờ đi trước. Nhưng có thật vậy không? Hay chúng ta thấy điều ngược lại? Phải chăng người trí thức sợ dân chủ, vì dân chủ tối hậu làm mất quyền lợi muôn đời của họ?" Có thể Bảo Cự đã nêu ra một điểm then chốt giải thích tại sao những người đối lập Việt Nam không tạo được một sức mạnh, và thành phần đối lập tuy không đông đảo nhưng rất phức tạp: có cựu đảng viên, có những người từng ủng hộ chế độ miền Nam, có các linh mục, có tu sĩ Phật giáo và một số trí thức mà mục tiêu đối lập chỉ để được tự do ăn nói và thường không tin lẫn nhau. Vì đối lập phân hóa như vậy nên nhà cầm quyền Hà Nội rất dễ chia để trị.

Những người đối lập đòi hỏi gì?

Họ đòi 4 chuyện. Thứ nhất đòi dân chủ hơn, nhưng họ rất ít nói họ đòi một nền dân chủ đa nguyên Tây phương và hình như không có ai đòi lật đổ hay giải tán đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đòi chung chung quốc hội phải có nhiều quyền hơn, và nên công khai hóa cách lấy các quyết định quan trọng.

Thứ hai họ đòi áp dụng chế độ pháp quyền, đảng Cộng sản Việt Nam không nên cai trị bằng nghị quyết của đảng, không nên đứng trên pháp luật qua điều 4 Hiến pháp.

Thứ ba họ chống sự hình thành giai cấp mới, chống tư bản đỏ, chống tham nhũng và đòi sự tự do trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật,

Thứ tư là đòi tự do báo chí.

Quyền hành cho Quốc hội

Quốc hội là cơ quan làm luật của một quốc gia. Từ năm 1949 cho đến năm 1960 quốc hội không họp vì chiến tranh. Bộ Tư Pháp cũng đóng cửa từ năm 1961 đến 1981. Từ năm 1945 cho đến năm 1986 Việt Nam ban hành 8.910 văn kiện luật pháp, trong đó có 62 bộ luật do quốc hội, phần còn lại là sắc lệnh, nghị định của chính quyền, nhưng tất cả các bộ luật cũng như sắc lệnh, nghị định đều được ban hành dưới chỉ thị của Bộ chính trị.

Những người đối lập muốn một quốc hội công khai thảo luận mọi vấn đề

Khi bầu quốc hội đảng đã cài đặt đảng viên vào đầy đủ để nắm mọi chức vụ then chốt. Thí dụ khi bầu quốc hội thứ 9, có 32 ứng cử viên độc lập thì hết 30 ứng cử viên bị gạt ra khỏi danh sách vì lý do kỹ thuật. Hai người còn trong danh sách cũng thất cử. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang muốn ra ứng cử. Khi bình bầu bởi người dân nơi ông cư trú ông được 96% dân ủng hộ, nhưng khi bình bầu bởi các đảng viên trong chi bộ đảng nơi ông làm việc ông chỉ được 30%. Nhân viên làm việc cùng sở với ông không được tham dự cuộc bầu chọn ứng cử viên.


Những người đối lập không đòi quốc hội độc lập với đảng. Trái lại họ muốn một quốc hội gồm những chuyên viên trong đủ mọi lĩnh vực và được tự do và công khai thảo luận mọi vấn đề của quốc gia, đề ra giải pháp để cho đảng chọn lựa. Và nói chung họ sợ hiểu lầm rằng họ muốn lật đổ đảng.


Tướng Trần Ðộ khi còn sống đã viết cho Bộ chính trị đề nghị rằng "Tôi tán thành sự lãnh đạo của đảng. Tôi thấy điều đó là cần thiết. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt. Ðảng lãnh đạo không có nghĩa "đảng là luật pháp". Tướng Trần Ðộ cũng không kêu gọi sự thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Ông chỉ nói: "Tôi nghĩ sự cải tổ của chúng ta phải đi đến sự từ bỏ quyền kiểm soát tuyệt đối mọi chuyện bởi đảng. Ðảng chỉ nên nắm quyền lãnh đạo chính trị, còn mọi chuyện khác hãy để cho quốc hội, chính phủ và Mặt trận Tổ quốc lo liệu.

Có một số đề nghị đa nguyên nhưng nguời đề nghị nói ngay rằng đảng không có gì để sợ đa nguyên vì đa nguyên tạo ra tranh đua sẽ làm cho đảng thêm sức sống. Chỉ có một mình ông Hoàng Minh Chính, một đảng viên nhiều tuồi đảng là đặt vấn đề một cách rốt ráo. Ông Chính nói: "Cái gốc của mọi bất hạnh quốc gia là Ðiều 4 trong bản Hiến pháp. Nó cho phép đảng độc tôn lãnh đạo. Như thế đảng ở trên quốc gia, trên dân tộc, trên hết."

Nhưng đối với đảng Cộng sản Việt Nam cho phép thảo luận công khai là chứng tỏ đảng bất lực và làm cho cá nhân nào cũng có quyền chỉ trích đường lối của đảng.

Ðòi hỏi pháp quyền


Thay vì đòi hỏi đa nguyên chính trị, những người đối lập đòi đảng thực thi một chế độ pháp quyền và để cho tòa án có quyền độc lập. Trong ngành tư pháp hiện nay tại Việt Nam có từ 30 đến 40% quan tòa do đảng bổ nhiệm, và những người này không có một chút kinh nghiệm gì về luật. Tất cả đều xử án theo lệnh của đảng. Dù sao, theo giáo sư Zachary Abuza, trong lĩnh vực này nếu đảng muốn cải tổ cũng cần nhiều thì giờ. Từ năm 1979 Việt Nam mới có trường luật. Và hội luật sư tại Hà nội năm 1993 chỉ có 50 người. Trong khi đó chỉ riêng nhu cầu cởi mở kinh tế Việt Nam cũng cần đến từ 500 đến 1.000 luật sư.

Cũng do nhu cầu đổi mới kinh tế đảng Cộng sản Việt Nam phải ban hành một số luật lệ, nhưng những luật lệ này có quá nhiều lỗ hổng vì những điều khoản cho phép đảng can thiệp khi nào đảng muốn. Thí dụ các bộ luật mới đều cho phép người dân được hưởng thêm quyền tự do, nhưng khi nào cũng có điều khoản "miễn là không làm mất sự an toàn của chế độ và an ninh của quốc gia".

Hệ tư tưởng và giai cấp mới

Những người đối lập Việt Nam nói chung chống toàn trị nhưng không chống xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có thành phần nghĩ rằng phải có sự chọn lựa dứt khoát. Ông Phan Đình Diệu viết: "Chúng ta phải nhìn nhận rằng lý thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội dựa vào giai cấp đấu tranh, kinh tế chỉ huy và độc quyền lãnh đạo của đảng đã mang lại quá nhiều tai ương cho đất nước".

Những người đối lập nghĩ rằng đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực chứ không phải để phát triển kinh tế, và tự biến thành một "giai cấp mới" như ông Milovan Djilas, một người cộng sản Nam Tư viết trong cuốn "The New Class". Theo Djilas, và cũng là điều những người đối lập Việt Nam nghĩ, giai cấp mới hành động theo quyền lợi của mình chứ không phải vì quyền lợi của quốc gia hay của đảng. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa nói với một ký giả phương tây rằng bà đã hỏi những nhà lãnh đạo tại Hà Nội rằng: "Mục đích làm cách mạng của các anh là gì? Vì hạnh phúc của nhân dân hay vì quyền lực?" Và bà trả lời thay cho họ: "Vì quyền lực."

Nhiều người đối lập Việt Nam cho rằng những người lãnh đạo đảng trở thành những "tư bản đỏ", lợi dụng chức vụ để chia chác lợi nhuận và ăn cắp của công. Ðảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận có nạn tham nhũng nhưng cho rằng tệ trạng này là phó sản của sự đổi mới kinh tế.

Ðòi tự do báo chí

Trong một khảo sát tự do báo chí năm 1999 ở Đông Á và Đông Nam Á, Việt Nam xếp cuối bảng. Mặc dù Ðiều 69 của Hiến pháp ghi: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí", nhưng trên thực tế các tờ báo đều do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên nhờ cởi mở chế độ kinh tế, nhà xuất bản lậu và báo lậu xuất hiện nên dân được thông tin một phần nào ngoài con đường chính thức. Hai tờ báo lậu nổi tiếng là tờ "Diễn Ðàn Tự Do" (của giáo sư Ðoàn Viết Hoạt) và tờ "Truyền Thống Kháng Chiến" của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ. Cả hai tờ đều bị đóng cửa và chủ nhiệm bị tù. Nhưng dần dần nhờ internet những người đối lập vẫn còn có cơ hội lên tiếng.

Năm 1986 sau đại hội đảng lần thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mở cửa cho báo chí. Ông Linh nói: "các anh đừng bẻ cong ngòi bút để làm hài lòng người khác". Nhưng mục đích của ông Linh là dùng báo chí để giúp ông thúc ép bộ máy thư lại của đảng nhúc nhích. Ðến khi Ðông âu sụp đổ và vụ Thiên An Môn xẩy ra (1989) đảng Cộng sản Việt Nam lại siết lại báo chí và nhà văn.

Những người đối lập Việt Nam nói rằng khi đảng vi phạm Ðiều 69, nắm trong tay độc quyền thông tin đảng làm cho đất nước bị thiệt thòi, và rằng quyền thông tin độc lập chẳng những không làm mất ổn định mà còn giúp chính quyền làm việc một cách có trách nhiệm hơn.

Tiến sĩ Phan Ðình Diệu nói rằng ngoài lợi ích phát triển tư duy, sự tự do thông tin là điều không thể thiếu trong một nền kinh tế thị trường. Ông nói, "kinh tế thị trường căn bản dựa vào quyết định của người sản xuất và người tiêu thụ nên cả hai phía đều cần thông tin. Nước Việt Nam không thể chạy theo đà phát triển kinh tế trên thế giới hay hội nhập vào trào lưu kinh tế toàn cầu nếu chính quyền không thay đổi chính sách thông tin hiện nay."

Kết luận
Ðối lập tại Việt Nam còn non trẻ. Và sức mạnh của đối lập Việt Nam hiện nay có là nhờ vị trí xã hội và chính trị của những người đối lập.

Họ, hoặc là đảng viên cao cấp nhiều tuổi đảng, hoặc là những cựu chiến binh có thành tích cách mạng, hoặc là những nhà trí thức chín chắn nên những gì họ nói ra đều có sức mạnh của lẽ phải và đạo lý.

Họ có tư tưởng khác nhau nhưng hình như có một mẫu số chung là mong muốn một thể chế qua đó Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề của quốc gia dưới sự quan sát của dân qua báo chí tự do.

Ít người trong số họ công khai kêu gọi đa nguyên đa đảng. Họ muốn làm tốt chế độ hiện nay, chứ không kêu gọi lật đổ. Nhưng họ bất mãn với cung cách nắm quyền hành một cách tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam như nắm quốc hội, bịt miệng người trí thức, bịt miệng báo chí, và không chịu cải tổ kinh tế một cách triệt để. Nói cách khác họ chỉ trích mục tiêu và phương pháp của đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo những người đối lập, nếu đảng Cộng sản Việt Nam không chịu cải tổ đảng sẽ mất dần tính chính thống và sự ủng hộ của quần chúng. Họ nói họ đối lập để đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia.

Nhưng đối với một chế độ bất an phải dựa vào hào quang quá khứ và bạo lực để duy trì quyền lực, thì những người lãnh đạo vẫn xem những người đối lập này dù ôn hòa cũng là một mối đe dọa chẳng những cho chế độ mà còn cho sự độc lập và toàn vẹn của quốc gia nên cần phải trừng trị.

..................................................................................................

Về tác giả Zachary Abuza: Ông là giáo sư chính trị học ở trường Simmons College, Boston. Nhận bằng tiến sĩ tại Fletcher School of Law and Diplomacy thuộc ĐH Tufts. Ngoài Việt Nam, Zachary Abuza còn viết về vấn đề an ninh Đông Nam Á và Hồi giáo.

Các tác phẩm chính: Renovating Politics in Contemporary Vietnam (2003). Militant Islam in Southeast Asia: Crucible of Terror (2003). Funding Terrorism in Southeast Asia: The Financial Network of Al Qaeda and Jemaah Islamiya (2003).

....................................................................................................

Minh Thảo
Tôi có mấy nhận xét, trước tiên là về sự thống nhất:

1/ Muốn có một nền chính trị dân chủ có đối lập (dân chủ đại nghị,dân chủ đa đảng)
2/ Muốn xóa bỏ sự độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản
3/ Phê phán triệt để chủ nghĩa Mác Lênin
4/ Nguy cơ của đất nước trước các thế lực bành trướng quốc tế

Sự thống nhất đó được đảng Cộng sản coi là tư tưởng phản động

Sự khác biệt:

1/Cách nhìn, đánh giá lịch sử,chủ yếu là lịch sự cận đại và hiện đại của đất nước
2/Vai trò của đảng Cộng sản trong tình thế Việt nam có một nền chính trị dân chủ đa đảng.
3/Những khác biệt về nhận thức chính trị xã hội khác rất cá nhân,chủ quan,riêng tư.
Chưa có những điều cần có trong một cuộc vận động chính trị:Cương lĩnh, đường lối chính trị,chính sách,chủ trương…(chua có là do bị đàn áp triệt để,hoặc là chưa có điều kiện công bố…)
Do chưa có những thứ đó nên người Cộng sản nói: Phê phán cái sai thì dễ,cách sửa cái sai và đề xuất cái mới là chính và người Cộng sản nói họ còn có khả năng sửa sai hơn bất cứ ai.

Tình thế an ninh chính trị:

Dù có sự khác biệt như vậy nhưng những người ấy có chung một áp lực. Đảng Cộng sản coi họ là phản động nên sẵn sàng đưa họ vào nhà tù với nhiều tội danh

Đặc biệt gần đây có một nhận xét khác thường về phía người Cộng sản: đối lập là thế lực cấp tiến phản động. Có thể hiểu cấp tiến(không xấu) là để gán cho những người đối lập công nhận đảng Cộng sản có vai trò trong nền chính trị đa đảng,phản động(xấu) vì những người ấy phê phán sự độc quyền cai trị của đảng Cộng sản.

Theo tôi chính cách nhìn quá khứ và hoàn cảnh cá nhân chứ không phải người trí thức là tác nhân chủ yếu làm cho đối lập trong nước chưa thống nhất hàng động. Muốn có dân chủ nên nhìn về phía trước là chính hay cần thống nhất đánh giá những gì đã qua là chính? Để Việt nam có một nền dân chủ đích thực cần có một cái nhìn xa, rộng và khách quan, công bằng về quá khứ và tương lai.

Tôi cho là chưa thống nhất quan điểm như vậy thì chẳng có sự thống nhất nào cả. Nói đến hòa hợp hoà giải để giữ nước và phát triển đất nước bền vững thì người Cộng sản cần chấp nhận chính trị dân chủ đa đảng. Phía đối lập cần khách quan và công bằng với lịch sử đất nước và công nhận một đảng chính trị nào đó dựa trên học thuyết nào đó là quyền của đảng ấy. Và nếu trong một cuộc bầu cử dân chủ thực sự mà thế lực ấy có được đa số thì họ có quyền lãnh đạo đất nước (học thuyết ấy có thể là chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh chẳng hạn).

Ngay cả khi đảng chính trị ấy cho một nước nào đó là chỗ dựa anh em đồng chí mà lại có nhiều phiếu bầu hơn (nhân dân tín nhiệm) thì vẫn có quyền lãnh đạo đất nước.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/02/050213_loyalopposition.shtml










No comments: