Thursday, March 18, 2010

CHU TẤT TIẾN * THƯ NGỎ

*




Thư ngỏ kính gửi Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn




Tác Giả :
Chu Tất Tiến



Thứ Bảy, 13 Tháng 3 Năm 2010 17:35

Trọng kính Đức Hồng Y,

Lời đầu tiên mà con muốn gửi đến Đức Hồng Y là lời chân thành xin lỗi về sự đường đột của lá thư này. Thật sự, con không đủ tư cách để viết thư đến Đức Hồng Y, nhất là để góp ý với Ngài về môt lá thư đã được phổ biến trên nước Mỹ cách đây vài tuần lễ. Tuy nhiên, vì nhớ lời Chúa dậy: "Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống" , Chúa đến thế gian để đem lại Sự Thật và lẽ Công Bằng, nên con xin dựa theo những Sự Thật mà kiến thức thấp kém của con thu thập được mà mạn phép trình bầy với Đức Hồng Y vài sự kiện quan trọng liên quan đến sinh hoạt Giáo Hội Việt Nam.

Một lý do nữa khiến con phải viết lá thư này là sự thúc đẩy bởi bổn phận của một con chiên phải bảo vệ đạo giáo khỏi bị tấn công một cách vô lý, chỉ vì một tư tưởng lạ lẫm mà Đức Hồng Y viết trong lá thư của Ngài. Như Đức Hồng Y đã biết, sau khi thư Ngài được phổ biến trên toàn thế giới, lập tức có rất nhiều kẻ lợi dụng vài sơ hở trong lá thư ấy mà dùng mọi phương tiện tấn công Công Giáo một cách khốc liệt.

Nhiều thơ rơi, nhiều bài báo được phóng trên mạng lưới toàn cầu với các lời lẽ thô bạo nhắm vào Đức Hồng Y. Một số kẻ ác ý lại đưa tín lý Công Giáo ra để giễu cợt. Lời của Đấng Tối Cao bị đem ra làm trò hề. Nếu người Công Giáo mà không bình tâm trước mọi sự tấn công đó, có thể một cuộc chiến tranh Tôn Giáo lại nổ ra, như ngày xưa ở Việt Nam vào thập niên 60.

Máu đã đổ trên nhiều đường phố Thủ Đô, vài làng mạc và còn ám ảnh cho mãi đến bây giờ. Tuy ngày nay, mức độ chiến tranh như thế không thể nào xẩy ra tại Hoa Kỳ, nhưng nhất định sẽ làm cho cộng đồng hải ngoại phân hóa, vỡ ra thành năm bẩy mảnh.

Những người Công Giáo chân chính, sẽ phải lên tiếng biện hộ cho tôn giáo của mình. Nhiều người sẽ tạo ra các cuộc tranh luận không cần thiết. Kẻ nóng nẩy thì lại xử dụng loại ngôn ngữ chiến đấu để tặng cho người khác tôn giáo. Hai ba bên sẽ lời qua tiếng lại, dần dần đi đến chỗ tuyệt giao với nhau. Như thế, công cuộc đòi Tự Do và Dân Chủ cho những con người Việt Nam, trong số đó có những người Công giáo như Đức Hồng Y, sẽ chỉ còn là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.

Vì thế, con mạo muội viết lá thư này, kính mong Đức Hồng Y rộng lượng mà tha thứ cho những điều thô thiển mà con sắp trình bầy sau đây. 1- Về vụ lá cờ vàng: Theo Đức Hồng Y, các con cái Việt Nam lúc thì tôn trọng cờ vàng, lúc lại treo cờ đỏ. Thưa Ngài, thực tế lịch sử cho thấy, chỉ có lá cờ vàng là được chính thức ban hành từ vị nguyên thủ chính thống của quốc gia Việt Nam mà thôi.

Ngay từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Việt Nam, và có lẽ là cuộc cách mạng đầu tiên trên thế giới, do Hai Bà Trưng lãnh đạo, cờ của dân tộc là một lá cờ mầu vàng. Sau nhiều thế kỷ thăng trầm, với nhiều mầu cờ khác nhau, đến thời Vua Gia Long thống nhất sơn hà vào đầu thế kỷ 19, cờ của Việt Nam vẫn là cờ vàng. Rồi chính vua Thành Thái đã công bố lá cờ có Ba (3) sọc đỏ, tượng trưng cho Ba (3) miền Bắc-Trung-Nam.


Đến năm 1954, khi người Việt Tự Do chọn miền Nam làm quê hương chính thức, thì lá cờ vàng lúc ấy bắt đầu rực rỡ trên khắp thế giới. Cho đến hôm nay, tuy không thể treo trên đất nước mình, nhưng vẫn lộng lẫy trên đất Mỹ một cách chính thức qua các văn bản quyết nghị của các Tiểu Bang, và các Thành phố, nơi nào có người Việt Quốc Gia cư ngụ. Còn lá cờ đỏ?

Từ trên nửa thế kỷ nay, chưa có một thể chế chính trị chính thống nào công bố lá cờ này là của dân Việt. Khi lá cờ vàng ba sọc đỏ chính thức ngạo nghễ trên thành nội Huế những thập niên 40-50, lá cờ đỏ vẫn chỉ là cờ hiệu của một Đảng phái, có gốc rễ ngoại lai từ phương Bắc.

Sau 1975, Đảng kỳ ấy, cho dù đã bỏ đi cái búa, cái liềm sắt máu, mà đổi bằng ngôi sao, thì cũng chỉ là cờ của một chi nhánh của một cái Đảng quốc tế đã tan nát, rơi rớt nhiều ngôi sao khắp nơi. Những ngôi sao vàng Nam Tư, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung gia Lợi... đã chìm trong đống rác của lịch sử. Ngay đến ngôi sao Cam Bốt cũng đã sẹt xuống bãi bùn nào đó bên cửa ngõ phía Tây của Việt Nam mình. Còn lại một ngôi sao vàng của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang lung lay, và nhất định sẽ rớt xuống theo quy luật tiến hóa của lịch sử. Tự Do và Dân Chủ nhất định sẽ trở về với quê hương. Thế kỷ 21 sẽ nhất định không khoan dung cho các nền cai trị độc tài, đảng trị, tham nhũng, thối nát, làm băng hoại cả nhiều thế hệ.

Vì vậy, thưa Đức Hồng Y, không nhất thiết phải đề cập đến việc "con cái Việt Nam lúc mặc áo đỏ, lúc mặc áo vàng", vì không phải là Sự Thật. Chỉ có lá cờ vàng mới là Cờ Quốc Gia, mới là Quốc Kỳ. Còn lá cờ đỏ kia chỉ là Đảng Kỳ mà thôi, chưa hề được vị nguyên thủ quốc gia chính thống nào công bố, và chưa hề được dân chúng bỏ phiếu bầu trong một cuộc trưng cầu dân ý nào.

Điều quan trọng hơn là ngày nào còn nhìn thấy cái Đảng Kỳ ấy, người dân Việt Nam còn chẩy nước mắt, ngào nghẹn nhớ lại hơn hai triệu sinh mạng đã đổ máu dọc theo chiều dài quê hương trong hơn 50 năm chiến tranh oan nghiệt, còn nhớ cả nửa triệu người bỏ thây trên rừng hay trong biển cả khi chạy trốn cái mầu đỏ rực máu lửa ấy, còn nhớ đến Lý Bá Sơ, Đầm Đùn, nhớ đến những câu gào thét vang trời "giết, giết mãi, bàn tay không phút nghỉ", những ngày mà cả nửa triệu người bị đóng gông Địa Chủ, Tư Sản, bị chôn sống, đầu thò lên cho lưỡi cầy kéo qua, bị mã tấu chặt làm hai đoạn.

Chắc Đức Hồng Y cũng còn nhớ, cũng mầu máu đỏ ấy đã phủ trùm lên bao nhiêu nóc nhà thờ, nhà nguyện, nhà tu; đã đưa bao vị tu sĩ, chăn chiên, hay bà Sơ rời bỏ trần thế; đã tước đoạt đi bao nhiêu địa phận, biến nhà chung thành ngục tù; biến bệnh viện thành nơi tra tấn...

Mầu đỏ ấy, ngày trước tượng trưng cho căm thù, giết chóc, nay biểu tượng cho những tâm hồn trẻ thơ bị bán đi làm nô lệ tình dục khắp năm châu, cho các công nhân bị đầy đọa xứ người, cho nguyên một thế hệ đàng điếm, sa đọa, chụp giật, mánh mung, và một thứ văn hóa quái đản, không còn hồn thiêng dân tộc. Kính thưa Đức Hồng Y, lá cờ đỏ ấy tượng trưng cho Quỷ Satăng, người Việt chân chính dứt khoát không bao giờ mặc.

2- Về việc lá cờ vàng làm cản đường Hiệp Thông: Chúng con thành thực không hiểu từ nguyên lý nào mà lá cờ vàng lại trở thành một chướng ngại như thế?

Thiết nghĩ việc Hiệp Thông là việc các nguồn tư tưởng khác nhau tuôn đổ về một giòng chính duy nhất là Thiên Chúa. Con nguòi được Chúa Ngôi Hai cho phép được hiệp thông với Ngài để dâng lời cầu nguyện lên Chúa Trời. Con người lại hiệp thông với nhau, từ châu này đến lục địa kia, từ dân tộc này đến dân tộc khác.

Trong khi thi hành nghi thức hiệp thông, các biểu tượng của các sắc dân được trưng ra, nhằm tạo thành một thứ cầu vồng muôn sắc để ca tụng kỳ công của Thiên Chúa. Và, các biểu tượng ấy, chính là lá cờ của mỗi quốc gia.

Lá cờ vàng của người Việt Nam chân chính đã được trương ra trong các cuộc lễ cũng chỉ vì mục đích như thế đó. Vậy, thì tại sao lại có thể làm trở ngại cho việc hiệp thông? Con trộm nghĩ, có lẽ Đức Hồng Y muốn ám chỉ đến việc thương thảo của Giáo Hội Việt Nam tại quê nhà với nhà cầm quyền thì đúng hơn. Gần đây, chúng con được biết Giáo Hội đang có những dấu chỉ có sự nhường nhịn nhà cầm quyền để đổi lấy vài đặc ân từ kẻ có vũ khí, có nhà tù, cùm gông, và bạo lực.

Giáo Hội đã không nhắc nhở đến sự việc Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng, mặc dù đã nổi tiếng trên hoàn vũ, và lý luận rằng "Linh Mục Lý làm chính trị", nên không can thiệp!

Giáo Hội cũng không nhìn thấy lũ dân oan đứng đầy đường, khóc la thảm thiết. Giáo Hội cũng chưa lần lên tiếng về những vụ hiếp đáp nhân dân, lợi dụng bạo quyền để giam giữ quyền sống của con người, ngoài việc tịch thu đất đai nhà xứ, còn chiếm đoạt chùa chiền, bắt giam trụ trì, tra tấn Mục sư.

Chưa thấy vị đại diện Giáo Hội nào lên tiếng đòi công bằng cho các vị lãnh đạo đáng tôn kính như Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ khi các Ngài bị quản chế, bị tước đoạt quyền đi lại. Trên hết là Giáo Hội chưa lần lên tiếng về một con chiên ghẻ là Linh Mục Phan Khắc Từ vi phạm luật tu trì, xúc phạm thiên chức linh mục, chỉ vì linh mục này là thành phần chủ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản.

Ngoài vị này, còn một số "cha quốc doanh" vẫn hung hăng tấn công Giáo Hội qua nhiều phương diện, mà Giáo hội vẫn để yên. Có lẽ Giáo Hội muốn tạo sự hiệp thông không điều kiện với nhà cầm quyền?

Kính thưa Đức Hồng Y,

Viết đến đây, con vô cùng xúc động khi nghĩ đến lời dậy của Đức Hồng Y khi nhắc nhớ đến niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Như thế thì, nếu đã tin vào Chúa, "dù trần truồng, đói khát, dù khổ đau, con vẫn ngợi khen Người", thì giáo hữu sẽ không bao giờ biết sợ đao, thương, chém giết, tù ngục, hay tra tấn.

Nếu đã tin vào Chúa, thì không sợ nhà cầm quyền, nếu nhà cầm quyền ấy chỉ là một nhóm cai trị vũ trang, không đại diện cho dân chúng. Như Thánh Kinh đã khẳng định: " Dù một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng là do thánh ý Chúa định".

Vậy thì, tại sao lại phải hiệp thương, hay thỏa hiệp với nhà cầm quyền Cộng Sản? Nếu Người Cộng Sản có lòng muốn hòa giải, thì tự họ phải biết cách giải quyết. Người tín hữu can đảm không phải đóng kịch và không phải cầu hòa với kẻ giết mình. Vì đã có Chúa! Nếu Chúa muốn, thì dù cho có ở trong nhà thép, có bảo vệ trùng trùng điệp điệp, vẫn đột nhiên ngã ra mà chết. Nếu Chúa không muốn, dù cho có súng nhằm thẳng vào ngực, cũng không thể bị bắn.

Vậy, tại sao lại chúng con lại phải thỏa hiệp với nhà cầm quyền Cộng Sản, Kính thưa Đức Hồng Y?

Người xưa nói: "Biết việc phải mà không làm, thì là làm trái. Biết việc trái mà không cản, cũng là làm trái." Hiện nay, quê hương Việt Nam, bề ngoài thì hào nhoáng, xa xỉ, nhưng bề trong là cả một biển trời phân chia giai cấp. Người nghèo thì khốn khó kinh khủng, người giầu lại ăn chơi hơn cả người nước ngoài.

Những ai lên tiếng cho Dân Chủ đều bị chà đạp dã man, điển hình là Luật Sư Bùi Kim Thành, cứ bị nhốt đi nhốt lại trong nhà thương điên, một biện pháp mà chỉ có ở thời Trung Cổ của những kẻ cầm quyền không có con tim mà chỉ có sức mạnh.

Có lẽ Đức Hồng Y không quên được điều đó, khi mà vài năm trước đây, trong một dịp hân hạnh được phỏng vấn Đức Hồng Y, con đã được nghe Ngài nói chuyện về các điều kiện sinh sống của các cha già trong viện hưu dưỡng rất tệ. Nhà cầm quyền, dĩ nhiên, là bỏ mặc các vị linh mục già cho chết dần chết mòn, chết trong đau khổ, bệnh hoạn. Việc trợ giúp các cha già là một việc phải, cần làm.

Nhưng ngoài ra, còn biết bao việc phải mà chưa thấy Giáo Hội Việt Nam làm. Để rồi, bất ngờ, lá thư của Đức Hồng Y gây nên một sự xáo trộn mãnh liệt không những trong đời sống tín hữu mà còn trong sinh hoạt cộng đồng, nói chung, nữa.

Chỉ với tư cách một giáo hữu, con không biết phải viết những lời nào mà không làm mất lòng Vị Chủ Chăn Đáng Kính của chúng con, niềm hãnh diện của toàn thể Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Con chỉ biết cầu xin Thiên Chúa, Người Cha Nhân Từ của tất cả chúng ta giúp cho những tấm chân tình của các người tín hữu hải ngoại được Đức Hồng Y rộng lượng dung thứ mà chấp nhận. Để cho một ngày nào đó, tất cả giáo hữu và các vị chủ chăn cùng gặp nhau trong Nước Trời, nơi không có chiến tranh, không có mầu đỏ của sắt máu, chỉ có Bình An và Hạnh Phúc vĩnh cửu.

Một giáo hữu,
Chu Tất Tiến


*

No comments: