Sunday, March 28, 2010

XÃ HỘI VIỆT NAM * NHÀ THƯƠNG

*


Nhà thương hay nhà ghét

Tác Giả : Thủy Tiên

Thứ Tư, 10 Tháng 2 Năm 2010 21:45

Bao thơ phải nộp đúng tiêu chuẩn và đúng thời hạn, nếu không . . .

Trong cơn thập tử nhất sinh, cái phao duy nhất để người ta níu kéo, giành giật sự sống với tử thần, chính là Bác sĩ và Bệnh Viện. Tuy nhiên ở VN, cái phao này không chịu làm việc miễn phí, mà.đòi hỏi phải có “bao thơ lót tay “, gọi nôm na là “tiền bồi dưỡng”. Có tiền trong tay, thì “từ mẫu” mới chịu làm nhiệm vụ. Bao thơ phải kín đáo đưa tay cho cô y tá, để cô chuyển tới Bác sĩ, nhưng sẽ được phân chia theo chức vụ của những người liên đới trách nhiệm. Bao thơ phải nộp đúng tiêu chuẩn và đúng thời hạn, nếu không có, thì ca mổ sẽ bị trì hoãn, y tá sẽ mặt ủ mày chau, và Bác sĩ thì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” khi khám bệnh.

Hiện tượng đưa bao thơ hầu như đã thành thông lệ, và xẩy ra trong hầu hết các bệnh viện, và được gọi là “lộc”. Cũng vì cái “lộc” mà nhiều Bác sĩ đã đi ngược lại khuyến cáo của y khoa. Thay vì “khuyến khích sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ” , thì bác sĩ lại rỉ tai xúi bẩy sản phụ nuôi con bằng sữa bột để được chia tiền hoa hồng của các hãng sữa ngoại quốc.

Tuy nhiên nỗi khổ của bệnh nhân không phải chỉ là chạy vạy “bao thơ bồi dưỡng, mà còn khổ vì hoàn cảnh điều trị quá thấp kém của bệnh viện .” Báo điện tử Tuổi trẻ, ngày 1/20/10 đã đăng một phóng sự tại bệnh viện Tâm Thần, số 192 Hàm tử. Q.5, Saigon với tựa đề: “Bệnh Viện Tâm Thần không còn chỗ…nén”. Bài phóng sự kể rằng: “Tháng 9/2005, bệnh viện này đã bị cắt một phần diện tích cho việc thi công đại lộ Đông Tây, nay chỉ còn vỏn vẹn chừng 1,700 mét vuông. Số giường nằm điều trị phải cắt từ 200 xuống còn 60. Tuy thế, dịch vụ vẫn giữ nguyên như cũ. Mỗi ngày phòng khám phải phục vụ trên 300 bệnh nhân, giám định sức khoẻ tâm thần cho từ 60 tới 100 người. Căng tin được làm tạm bợ bằng một mái che trên lối đi. Mỗi khi có cơn gió mạnh là cát, bụi do công trình xây dựng Đại Lộ Đông Tây cuốn vào ồ ạt, làm mọi người phải ngưng ăn uống để che đậy đồ ăn. Các bệnh nhân đã phải sống và khám bệnh trong môi trường vô cùng chật chội, nóng bức, và bẩn thỉu. Nhiều người đem thân nhân tới khám bệnh, nhìn thấy hoàn cảnh này đã phải quay về. Một số nhân viên bệnh viện đã bỏ việc. Có Bác sĩ nói rằng: “chúng tôi chưa bị bệnh tâm thần cũng là may !”

Chuyện chưa chấm dứt. Ngày 1/24/10, báo Tuổi Trẻ lại phổ biến một bức thư góp ý của ông Choi Jung Eun, Giám Đốc đại diện Myung Ga Food. Ông mở đầu bằng: “điều tôi suy nghĩ và lo lắng nhất là tình trạng bệnh viện ở đất nước các bạn.”

Rồi tiếp: “Vào một số Bệnh viện, tôi thấy lớp lớp người nằm ngồi la liệt trên đất, tay họ chống xuống đất, rồi nhà vệ sinh thường không có nước….Điều này thực kinh khủng, vì bệnh viện là nơi tập trung rất nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng trong không khí.” Ngạc nhiên về ý thức vệ sinh của người VN quá thấp kém, ông diễn tả: “bàn tay người nhà vừa chống xuống đất, rồi sau đó lại vuốt má, đút cháo cho bệnh nhân”. Ông than phiền: “người bạn của tôi bị gãy chân vì tai nạn giao thông, được chở vào cấp cứu. Anh ta đã phải chờ đợi mỏi mòn trong tình trạng đau đớn. Giờ nghỉ trưa của B/S tại Bệnh viện VN “quá dài”, và vô cùng nguy hiểm cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Ở Hàn Quốc, bệnh viện không có giờ nghỉ, mà sắp xếp theo ca, thay phiên phục vụ bệnh nhân liên tục.”

Cách sử xự và thái độ của nhân viên bệnh viện thì tỏ ra “kiệm lời” và thiếu thiện cảm với bệnh nhân, đặc biệt là với bệnh nhân người nước ngoài.”

Ông Eun cũng than phiền về chi tế y phí khác biệt giữa người ngoại quốc và người trong nước. Ông viết: “Ở Hàn Quốc, khám tổng quát chỉ phải trả 3 đô la, thế mà tại VN, tôi phải chi phí từ 100 tới 150 đô la. Có lần tôi bị bệnh nặng, phải trả tới 2000 đô la tiền điều trị. Số tiền chi phí y tế ở cac quôc gia khác đều bình đẳng giữa người trong nước và ngoại quốc. Còn ở VN là một sự khác biệt khổng lồ.”

Kết luận bức thư, ông viết: Chúng tôi bảo nhau: nếu bị bệnh thì nên bay về nước để chữa trị, vừa rẻ, vừa thoải mái. Các bệnh viên ở đây, chỉ nghĩ tới, cũng đủ rùng mình.”

Đọc bức thư trên, không biết lãnh đạo VN nói chung, và ngành y tế VN nói riêng còn tự hào, hay nên lấy tay che mặt trước khẩu hiệu ‘lương y như từ mẫu”? Nguyên do vì đâu ? Phải chăng là vì áp dụng “đói ăn rau, đau khắc phục”? Hay vì ông Choi Jung Eun không biết nguyên tắc đầu tiên là phải đưa “bao thơ bồi dưỡng”? Dù sao thì thắc mắc vẫn là tại sao báo Tuổi Trẻ điện tử lại đăng một bức thư làm chạm tới niềm tự hào của nhà nước Công hoà Xã hội chủ nghĩa VN quá vậy?

No comments: