Monday, March 8, 2010

BÙI MỸ DƯƠNG * HỒI KÝ VỀ TRƯỜNG TRƯNG VƯƠNG



*
NGÀY XƯA THÂN ÁI




Ngày xưa đi học nghe thầy cô giải thích thời gian trôi nhanh như ngựa chạy, như tên bay, như gió thổi, như chiêm bao ….sao mơ hồ chẳng đúng với thực tế chút nào.





Khi còn dưới tuổi đôi mươi nói theo bây giờ là tuổi “teen”, ở thời của chúng tôi cha mẹ còn quyền kiểm soát rất nhiều về tư tưởng, học hành, cách ăn mặc cho đến lối giao thiệp bè bạn, nên rất mong thời gian qua mau cho sự kiểm soát được nới lỏng đôi chút nhưng sao ngày giờ chậm ơi là chậm! Bây giờ đã vào ý-nghĩa của câu ca-dao: Năm mươi thuộc họ nhà ma, Sáu mươi chẳng chết cũng đưa ra ngoài đồng??? Theo y-học những người hay nhớ về dĩ-vãng là bước vào tuổi già, tôi thì hiểu ở tuổi này không còn gì cho tương-lai nên dĩ-vãng là ngà-ngọc, yêu quí. Thực ra người đời rất khó hiểu những gì đang có trong tầm tay thì coi thường mà chỉ ao-ước cái chưa tới, bây giờ lại luyến tiếc việc đã qua.

Để không mất thì giờ tôi xin kể cho các bạn nghe những sự kiện đã xẩy ra bốn, năm chục năm trước và tạm gọi là :Ngày xưa thân ái. Nhớ lại những chuyện ngày xưa lúc mới 6,7 tuổi, khi đó gia-đình tôi ở quê, một làng nhỏ bé thuộc tỉnh Thái-Bình ( Kim-Sơn, Tiền-Hải nơi công trình khai-phá của cụ Nguyễn công-Trứ ).






Làng tuy nhỏ nhưng quân dân có tinh thần chống Pháp rất hăng, vì thế làng bị tàn phá trường-sở không còn nên việc học bị gián-đoạn. Trường tiểu học Trình-Phố rất đẹp xây kiểu Tây, gồm hai dẫy nhà một tầng nhưng bề-thế, ngay sau là đình làng gồm nhà Văn-Chỉ, trước sân có đặt nhiều tượng người, voi và ngựa, một căn nhà lớn nơi hội-họp của dân làng, trường mượn làm lớp học . Vỡ lòng cho tôi là Mẹ, những trưa hè ngồi bên án-thư trong phòng thờ, bà dạy cả chữ Việt lẫn chữ Pháp .Vực nghé ( trâu nhỏ ) thật khó, với bao lời dỗ-dành dịu ngọt, rồi sau tiếng roi mây quất đen đét xuống bàn cho bớt cơn buồn ngủ và chán nản . U ơi học để làm chi ? Hễ sờ đến sách là y như buồn!





Lớp năm ( lớp 1) tôi học thầy giáo Châu, thày cẩn thận và nguyên tắc từ cách ăn mặc và lối sống, ông thường mặc quốc-phục áo the đen, đội khăn xếp . Không nhớ rõ vào năm nào tôi và các bạn cùng lớp như Hát, Mạc ra chơi chạy trên các bờ ruộng, phần lớn quanh trường đều trồng mầu ( rau, đậu, khoai, sắn, bông vải) thứ mà chúng tôi ưa thích là những hoa bông vải, ôi những đọt bông non trông đẹp ăn lại ngon nữa . Thế là ngày nào lũ chúng tôi cũng kéo nhau ra bẻ bông vải non ăn, nào có biết làm như thế là phá hại mùa màng.




Chủ ruộng bực mình rình và bắt quả tang mang cả lũ vào mách thầy, chắc là bị phạt nặng, ghi nhớ kỷ-niệm đầu đời của thời học-sinh. Cô giáo lớp 3 là bà giáo Huyến, bà đẹp vấn tóc trần áo quần trang nhã như mẹ tôi, hình ảnh của các bà Phán bà huyện xưa trong truyện của nhóm Tự-Lực Văn-Đoàn . Vào giờ sinh hoạt bà dạy múa hát và thường than chân tay tôi không dẻo, uyển chuyển, nhưng lý do chính vì vải quần cứng. Thời kỳ kháng chiến hàng hoá, vải vóc hiếm, đắt nên mẹ tôi mặc dầu xuất thân nơi thành thị cũng phải hoà nhập, quần áo do nhà trồng bông, mẹ kéo thành sợi, dệt và tự nhuộm nên vải cứng và thô. Cô dạy lớp nhì là cô Vỵ, người Hà-nội tản cư về lối ăn mặc thật đẹp, tóc búi trễ ngang vai, quần trắng áo dài, hình ảnh của cô Loan, cô Mai trong chuyện của Khái-Hưng, Nhất-Linh.



học: Hà-nội trường công-lập cho nữ sinh mang tên hai bà trường Trưng-Vương, với dân số đông nên mơ ước được nhập học thật là khó khăn. Muốn con hay chữ phải chọn thầy:thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn. Bà Nguyễn thị Thơm dậy lớp nhất là bạn của bố tôi nổi tiếng dậy giỏi và dữ đòn .Có thể vì bà và bố mà con bé nhà quê đã bước vào trường nữ trung-học Trưng-Vương một cách dễ dàng, xin muôn vàn cảm ơn Bố Mẹ, cô Nguyễn Liên-Dung và bà giáo Nguyễn thị Thơm. Trường toạ lạc ngay trên đường mang tên hai vị nữ anh-hùng dân-tộc Trưng-Vương, chung quanh trường là khu phố Tây hay những nhà giầu nên nhà cửa to và đẹp.



Ngôi trường gồm một toà nhà lớn hai tầng, phía trước tầng dưới là văn phòng của bà hiệu-trưởng, giám-học, tổng-giám-thị và nhân viên . Một căn trệt nối với toà nhà lớn thành hình chữ L, tất cả dùng cho lớp học, căn nhà phụ thuộc cho gia đình bác tuỳ-phái , phía sau có cổng thông sang trường là nhà bà Hiệu-trưởng .Giữa sân trường cây bàng lớn rợp bóng mát về mùa hè, quả chín vàng mùi thơm ăn ngon, nhân bùi, tất cả là những thứ ăn chơi cho những cô học trò nhỏ .Chúng tôi lính mới, lớp chót của trường, khác với tiểu-học các nữ sinh phải mặc áo dài, mỗi đầu tháng hay ngày lễ tham gia với các trường bạn áo mầu lam đồng phục .





Mới rời khỏi tiểu học vẫn là những cô bé hồn nhiên, ngực lép kẹp chưa biết điệu bộ, trò chơi lớp dưới tiếp tục nào nhẩy dây, lò cò, đánh chuyền, năm mười v..v.. Trung-học chúng tôi thụ giáo nhiều thầy cô, mỗi người dạy một môn rất thích thú do đó có những nhận xét, cảm tình tuỳ theo lối giảng dạy và hành xử của mỗi người . Môi trường mới còn bỡ ngỡ nhưng vì đã mang tiếng “đứng thứ ba” trong hàng ma quỉ nên những trò nghịch ngợm được chúng tôi mang trình làng: nào đặt tên cho giáo-sư, trêu chọc thầy cô mỗi khi tìm ra điều mới lạ . Bà hiệu trưởng TăngXuân-An (khuê danh Nguyễn thị Hợp) người cao lớn, dáng uy nghi học trò sợ oai bà ( bà mất ngày 27-tháng 2 năm 2001) . Các môn sinh tại quận Cam tổ chức tại chùa Liên-Hoa lễ cầu xiêu, vinh danh và tưởng niệm mong hương linh bà sớm nhập cõi niết bàn. Các học sinh mặc đồng phục mầu lam thuộc nhiều niên khoá từ




ở Hà Nội xưa đến Sài-Gòn miền Nam tới khi mất nước . Buổi lễ diễn ra thật long trọng qua những lời cầu xiêu của thầy viện chủ, lời kể về sự-nghiệp, công-đức của bà Hiệu-trưởng do cựu nữ-sinh giáo-sư Trưng-Vương Nguyễn thị Đức ngôn ngữ thật nồng nàn và cảm động Giám học bà Nguyễn thị Phú, soạn thảo, điều-khiển, phân phối giáo-sư cùng nhân viên toàn trường, bà nghiêm nghị học trò kính trọng nhưng ít tiếp xúc. Bà Vũ thị Nguyệt Minh tổng giám-thị trông kỷ-luật toàn trường, người cầm cân nẩy mực lo cho hơn một ngàn các cô gái xuân thì, tương lai của xã hội, của quốc gia. Minh chứng cụ thể, các nàng Trưng-Vương đã chứng tỏ phần nào là con cháu Hai Bà qua năm 1975 ở trong cũng như ngoài nước. Cô Nguyệt-Minh với chức vụ điều hành kỷ-luật của trường, lũ học trò rất sợ vì mỗi lần có giấy gọi ra văn phòng thì “không chết cũng bị thương”. Cô đẹp, sang, nghiêm, lạnh, từ cách ăn mặc tới giáng điệu chúng tôi kính trọng nhưng rất sợ; bộ giáo dục đã chọn và trao đúng chức vị.



Với ấn tượng đó chúng tôi “kính nhi viễn chi” nhưng tới bây giờ trái ngược điều đã nghĩ về cô. Năm 2008 ghé Montreal muốn tìm lại chút kỷ niệm xưa, trước hết thăm thầy cô và bạn bè cũ. Đầu tiên thăm cô tổng giám thị Nguyệt-Minh bây giờ chắc niên kỷ cũng bát tuần nếu có cũng là bà già khó tính. Thật ngạc nhiên trước mặt vẫn là cô Nguyệt-Minh thuở nào: đẹp sang, tuy thời gian làm tóc đổi mầu, dáng dấp vẫn chững chạc khoẻ mạnh trang phục cẩn trọng. Cô tươi cười cởi mở trò chuyện vui vẻ nhớ tên từng đứa học trò mặc dầu đã hơn nửa thế-kỷ. Biết tôi có chuyện buồn cô an-ủi, chia sẻ, sau đó viết thư khuyên giải lời lẽ nồng nàn thắm thiết. Cám ơn cô nhiều đã cho những lời vàng ngọc, quí giá, bây giờ tôi không còn sợ hãi mà coi cô như bà mẹ hiền để tâm sự mỗi khi có chuyện bất như ý! Giáo sư dạy Pháp-văn là cô Nguyễn thị An, mỗi khi vui cô cười hai mắt híp lại nên có biệt danh là cô Tuất híp ( phu nhân là bác sĩ nha khoa Trịnh văn Tuất) .Cô dạy tận tâm và chúng tôi thương mến cô. Cô Lan dạy Anh văn có thân hình bụ bẫm nên được gọi là cô Lan (béo), cô lúc nào cũng vui vẻ luôn có nụ cười trên môi. Tôi không nhớ tên thầy dạy Hán-văn nhưng giờ thầy rất vui, có lẽ thầy là ông đồ nên khi dậy học thầy mặc áo dài và lũ chúng tôi được thầy gọi là thị Mẹt . Giờ thầy chúng tôi rất chăm xoá bảng vì một vết phấn nào còn sót lũ dốt nát chúng tôi tưởng nét của chữ Hán.



Thầy Bốn dạy vẽ, 5 lớp đệ thất chỉ được thầy cho vẽ có vài vật như mũ, giỏ rác, ghế v..v..mà thầy chẳng dậy nguyên tắc vẽ ra làm sao nên chúng tôi cứ cọp-dê của nhau .Giờ của thầy rất vui, lớp ồn ào như cái chợ. Thầy Bốn và cô Lan cũng đẫy đà như nhau nên cứ tới giờ của cô và thầy là trên bảng vẽ bốn bông hoa lan .Không biết thầy và cô có biết lũ học trò quỷ-quái trêu chọc không?? Tôi xém bị phạt vì dấu kính của thầy! Cô Tiến dạy sử, cô trẻ nhưng nghiêm nghị . Môn sử thế-giới có nhiều mới lạ nên giờ cô rất lý-thú . Cô Từ dạy toán nét tươi trẻ của cô làm bớt sự khô khan của toán học. Cô Hạnh phụ-trách môn Lý-hoá, có thể vì việc gia-đình, vui buồn thất thường nhưng cô giảng dậy tận tâm, học trò rất thương quí. Cô Mai dạy Việt văn, hiền lành, dịu dàng chúng tôi thường đến nhà thăm. Cô Tuyết Mai và ái nữ Bích Thủy Cô Vượng giáo sư vạn-vật, hoà đồng với học trò, học sinh mến, nên cố gắng sưu tầm hoa lá, cỏ cây ép đầy vở, có tài liệu cụ thể giảng dậy dễ dàng. Nhớ kỷ niệm xưa của thời nghịch ngợm, tà áo bị xé rách và cơn thịnh nộ của bố vì bị giấy phạt (công-si ngày chủ nhật). Nguyên do giản-dị là 4 đứa tụi tôi Nguyễn thị Tâm, Nguyễn giáng-Tuyết, Đinh diệu-Vinh,Lê thị Uẩn-Ngọc đến trường





sớm chơi đu dây, khổ và xui khi bà hiệu trưởng tới hiện trường thì tôi đang ở trên trời trong khi lũ bạn chạy thoát … Mỹ-Dương, Nguyễn t Tâm Từ nhà tới trường bốn đứa rong ruổi trên những con ngựa sắt, qua khỏi ngã năm Cửa Nam là đường Hai bà Trưng thẳng tắp tới trường. Muốn an-toàn cho con, Bố nhắc đến ngã tư phải xuống dắt xe. Cụ nào có biết chúng tôi thi nhau tốc độ và không cầm tay lái xem ai đi được lâu! Thưa quí vị để khuyến khích (khỏe vì nước) một tâm hồn lành trong thể xác mạnh nên các kỳ thi trung học, tú-tài I và II thêm cơ hội, nếu đạt được điểm cao trong kỳ thi thể-dục.



Tính hiếu động của tuổi trẻ mặc dầu không cần thiết cho lớp đệ thất nhưng chúng tôi vẫn ghi danh thi, để chuẩn bị hễ có giờ rảnh là hẹn nhau tại sân Septo phố Hàng Đẫy tập nhẩy xa, cao, leo dây… Diệu Vinh, Mỹ Dương Thời gian học ở Hà-Nội có 1 năm, đất nước chia đôi chúng tôi phải rời bỏ ngôi trường thân yêu vào miền Nam. Thời gian quá ngắn chưa nhiều gắn bó với ngôi trường nguyên thuỷ nhưng vẫn nhớ thương vời-vợi vì là kỷ-niệm của thời thơ-ấu. Năm 1954 Trưng-Vương mới di-cư không có trường sở học nhờ trường Gia-Long. Gia-Long học buổi sáng, chúng tôi học buổi chiều, ngôi trường to đẹp lúc đầu chưa quen cũng có ít nhiều lục đục (ma cũ bắt nạt ma mới hay chó cậy gần nhà) giữa học sinh hai trường. Sau thời gian chúng tôi là bạn của nhau qua thư từ trong ngăn bàn, rồi gặp nhau thân thiết. Năm đệ ngũ ban giám đốc trường chia và xếp lại, cứ 10 người theo thứ tự thành lớp mới tất cả có Tứ1, tứ 2, tứ 3, ,tứ 4, tứ 5. Phân chia như vậy học sinh sức học đồng đều mọi người phải cố gắng, kết quả sau kỳ thi trung-học đệ nhất cấp Tứ 1 đỗ gần hết và Tứ 5 chỉ được vài người, một điều nữa là chúng tôi cùng niên khoá quen nhau thêm. Ninh, Vân Xã, Phương, Uẩn Ngọc, Mỹ-Dương, Diệu-Vinh, Giáng Tuyết , Cẩm Tú Thời gian đệ nhất cấp có cô bạn thân Lê thị Uẩn-Ngọc, chị ở gần nhà không biết đi xe đạp tôi cứ phải mang thân gầy còm ra kéo. Đáp lại chị mua quà cho ăn, chị thường gọi tôi là chú Hai Dê. Khổ vì tên cúng cơm, hỏi Mẹ cụ giải thích Mỹ-Dương là cây dương-liễu đẹp, để tin cụ nói Dương có bộ mộc bên cạnh. Thực ra tên Dương rất ít trong đám con gái, nhớ trong kỳ thi trung-học chỉ có một chị tên Minh-Dương có thể sau này lấy chồng nên mấy kỳ thi tú tài I và II chỉ có mình tôi trong đám nam thí-sinh.





Vào Nam gia-đình tôi cư-ngụ trong khu Nguyễn tri-Phương xưa khu nhà bị hoả-hoạn, chính phủ xây lại bán rẻ, dân bắc-kỳ ít tiền mua lại rủ nhau đến ở rất đông. Tính hay ăn quà là bản năng của chúng tôi khi đi học ăn ở trường, ở trong lớp chưa đã, về gần nhà cũng phải ghé vào xe bán đá nhận, đậu đỏ. Thuý-Loan cùng xóm sau một lớp, thân phụ bạn Bố, cụ dễ dàng hơn Thuý Loan thường xin phép cho tôi đi xem một vài phim tình do Audrey đóng. Giờ đây Thuý-Loan đã ra người thiên cổ, chị linh thiêng run rủi tôi có mặt vào ngày giỗ đầu nhân chuyến thăm California, xin chị phù hộ cho gia-đình và đám bạn hữu. Dương Dung Giang Như đã nói Bố mẹ rất thương con nhưng cụ sợ có tiền sẽ rong chơi chẳng học, cụ thường kể : có thiếu thốn mới chăm chỉ. Cụ cho tiền phòng hờ bất trắc như chữa xe hay ngã vào hàng bánh tráng phải đền chứ những chi tiêu như đi cine vụng, ăn quà vặt hay chụp ảnh của chú phó nhòm Duy-Hy đều bất hợp lý! Năm đệ lục, đệ ngũ là những năm lè-phè chỉ cần học vừa phải không đội quá nhiều hay đèn đỏ, thứ bậc trên 20 là ít bị tra hỏi vì thế chúng tôi lợi dụng tối đa nào múa hát, làm bích báo. Bạn Trần thị Trâm lớp tôi có biệt tài về ca múa, để sửa soạn cho ngày tất niên, lũ lười biếng, ham chơi chúng tôi được giáo sư cho ra ngoài tập dượt. Bản nhạc ngoại quốc Jambalaya nhịp nhàng âm thanh sống động, lũ chúng tôi đóng vai mọi đực và mọi cái, Trâm chúa mọi. Sau lần biểu diễn tất-niên điệu vũ được tuyển thi đua với các trường trung học khác ở rạp Thống-Nhất. Ban múa gồm có chúa mọi Trần thị Trâm, mọi đực Bùi mỹ-Dương, Ngô kim Nhuỵ, Lê thị Khuê, Phạm thị Thảo, Nguyễn lan Phương, Nguyễn thị Thảnh, đám mọi cái có Đinh diệu Vinh, Nguyễn trinh-Thục, Nguyễn đạm-Cúc, Trần thị Tân, Nguyễn hữu thị thu-Thuỷ. Nguyễn anh Vân. Nhìn lại ảnh rất buồn cười vì trường nữ nên các bà trong ban giám hiệu không cho mặc đúng cách: hở chân, hở ngực, lưng bụng.



Mặc dầu đóng vai mọi đực vẫn phải mặc quần dài chung quanh quấn giấy bóng xanh đỏ, còn mấy cô mọi cái váy dài tới mắt cá chân. Trong đám mọi đực tôi nhớ nhất Ngô kim Nhuỵ, Nam-kỳ, cao nhòng, tai đeo tòng teng, dễ thương mỗi khi có xích mích với đám Gia-Long, chị thường bênh tụi tôi nên được thâu làm đồ-đệ. Nhuỵ bị hủ-hoá thành dân Bắc-kỳ sau bao năm gặp lại biết chị là con dâu dân rau muống, đanh đá chanh chua, đía mồm miệng không còn hiền lành như xưa! Mọi đực Phạm thị Thảo, người nhỏ bé loắt-choắt




dáng dấp con trai nên chúng tôi gọi là cậu hay Choé. Lên đại học chị học Toán sau này lại nghiên cứu thêm về văn chương chữ Hán của Nguyễn-Du thật giỏi. Ban múa Mọi: Trinh Thục,Tân,Vân Xã,Cô Hiền,Thu Thủy,Vinh,Đ.Cúc Khuê, Thảnh,Thảo,Nhụy,Dương,Lan - Trâm Mọi cái Nguyễn hữu thị thu-Thuỷ, tên dài đọc mỏi cả mồm cô nàng có đôi gò bồng đảo đầy đặn bạn này hay bắt nạt tôi bằng cách lôi nón lá ném tung lên rồi la om sòm: “ chúng mày ơi ra mà xem con Da Bà Bầu” (chả là bố sợ ai lấy lộn nón nên viết tên và địa chỉ có tên đường Da bà bầu). Trần thị Tân tức Nguyệt xinh đẹp lại thêm chiếc răng khểnh chị đã bỏ cuộc chơi sớm vì có người đến sỏ mũi. Trinh-Thục, Đạm-Cúc cháu ngoại cụ Thẩm-Quỳnh hai người học rất giỏi về mọi môn ngay cả thể-dục. Đinh diệu Vinh cao đẹp dễ thương, sau chị là người trông nom hầu bao của cả nước ( ngân hàng quốc gia Việt-nam). Nguyễn anh Vân bụ bẫm nên bị gọi là Xã Xệ, thấy đúng và cũng tự nhận là Vân Xã, chị đã cùng chồng góp thêm dân số cho nước Hoa-kỳ…. Khi lấy chồng, người bạn đời của tôi trấn nhiệm trên vùng cao nguyên Pleiku cũng đổ thừa là ngày xưa hay múa mọi ( định mệnh). Trường mở lớp dạy võ do thầy Phạm-Lợi bát đẳng huyền đai nhu-đạo cấp lớn nhất Việt-Nam, môn nhiệm ý. Tôi đã lén may võ phục và xin phép Bố nhưng cụ nói con gái phải hỏi mẹ, mẹ tôi thuộc phái cổ, nghe con gái dự định học võ cụ từ chối quyết liệt. Lý do nêu ra là con gái phải thuỳ-mị, dịu-dàng, công dung ngôn hạnh làm đầu mới lấy được chồng chứ học võ ai nghe cũng chết khiếp. Vinh, Tâm, Dương, Ninh Thời thế đổi thay bên ngoài nhiều tệ trạng, Bố Mẹ sợ chứa con gái trong nhà như bom nổ chậm vì thế cụ huấn luyện tôi như mấy đứa em trai. Xin kể để quí-vị thấy được hình dáng của tôi lúc 15, 16 tuổi vì sợ tôi đi xe đạp đội nón gió thổi ụp xuống sẽ gây tai nạn nên Bố bắt phải đội mũ quả dưa (mũ Tây thuộc địa). Giờ tập thể dục phải mang dầy bata ngay từ nhà, xe hư dùng xe đạp đàn ông của Bố vậy nên tôi nói năng, đi đứng không giống mấy cô tiểu thư khuê các. May nhờ phúc ấm Tổ-Tiên nên cũng có người đến xỏ mũi lôi đi ( hú hồn).





Cô bạn Nguyễn thị Tâm tiếp tục học võ sau này lên đai đen thế mà cô cũng có gia-đình, tôi nghĩ ông nào lấy cô võ nghệ phải cao cường hay ông gồng mình can đảm chịu đựng những khi bạn tôi thịnh nộ. Mấy chục năm không gặp, tình cờ sang đây liên-lạc, tôi mong gặp để xem mặt ông rể Trưng-Vương như thế nào gan to lắm không ??. Được diện kiến thấy anh hiền khô, người mảnh mai như thư-sinh. Vậy ý kiến của các cụ còn đúng không ??? Tân Nguyên, Lệ Giên, Kim Hân,Mỹ- Dương, Thúy Nga Tôi sinh trong gia-đình nhiều con trai, tôi là chị lớn Bố thương nhiều hơn (tôi nghĩ thế) nên khi mẹ dậy nữ-công, gia-chánh ( cẩn thận và chăm chỉ) thường bị la rầy ( đan bồ nghe chửi) nhưng lần nào cũng được Bố đỡ cho bằng cách xin dành giờ học chữ, sau này có tiền sẽ thuê người!




Thế là tôi sổ toẹt về nữ công một trong tứ-đức của phụ-nữ. Ở trường để có bài nộp tôi thường xin những miếng vải mà Kim-Dung, Lệ Giên chê xấu vứt bỏ ấy thế có khi tôi lại hơn điểm. Sau này chồng tôi nhờ tài khéo của vợ, tôi đưa cho thợ làm giúp, đôi lúc chàng cằn nhằn tôi còn cãi lý nếu muốn thì chàng hãy lấy cô thợ may hay chị bếp. Lập gia-đình vài năm, tôi làm giỗ mẹ chồng mời hai bên nội ngoại, Bố hãnh diện giới thiệu với bố chồng những món ăn học lóm của bạn bè làm tôi quê quá! Đàn bà con gái chuyện bếp núc là lẽ thường nhưng riêng

tôi cụ biết vì xưa mẹ dậy đan thêu bánh trái, nấu nướng đều nại cớ trốn.

Năm 1975 vượt thoát tìm tự-do với hai bàn tay trắng và 4 con thơ, để có thời giờ cho chồng học, tôi (văn dốt, vũ dát) xin đi làm việc nặng không có sức mà việc nhẹ chỉ có nghề may là dễ kiếm nên tôi đã làm cho tiệm sửa quần áo (quả báo). Nhìn lại những vinh nhục của đời tỵ-nạn buổi đầu chồng tôi pha trò cho thêm thi-vị:

Người vụng về thì bây giờ làm thợ may.

Người hay nói thì bây giờ câm (mới qua Anh ngữ ăn đong) thế mà tôi đã từng làm teacher aid và thông dịch ở nhà thương (oai không)


Không khoe nhưng xin nhắc lại câu mà cô giáo yêu quí Vũ thị Ninh của chúng tôi khi sang chơi gặp lại đám trò cũ đã phát biểu: Học trò Trưng-Vương là nhất nghĩa là cả tứ-đức, tam-tòng các chàng rể phải hãnh diện bằng chứng là sau bao năm dâu bể, nổi trôi các học sinh cũ ai cũng có gia-đình tốt đẹp, con cái thành tài…

Ba năm học nhờ, sĩ-số học-sinh gia-tăng, bộ giáo-dục cho trụ sở mới đó là nhà thương của quân đội Pháp trao trả nhưng trường chúng tôi chỉ được sử-dụng 2/3. phần còn lại là những nha sở của bộ. Trường mới toạ-lạc ngay trước của Thảo-cầm viên, trên đường Nguyễn bỉnh-Khiêm ( danh nhân đời nhà Mạc, biệt danh Trạng-Trình, uyên thâm Hán-học, thông hiểu thiên-văn, địa-lý, tướng số) thật hãnh diện cho những nữ-sinh vì trường mang tên hai vị nữ anh-hùng dân-tộc lại còn được gần nhà học-sĩ uyên-bác. Thảo cầm viên hay sở thú cũng là nơi gợi cho lũ học-trò có chỗ rong chơi mỗi khi có giờ trống hoặc thầy cô nghỉ bất thường. Chúng tôi chạy sang ngay sở thú để tìm về với thiên-nhiên nào ngắm nhìn các loại thú lạ, nào tản bộ trên con đường rợp bóng mát hay leo trèo trên cây như lũ khỉ, nghĩ lại đời học-sinh tuy mệt mỏi sách đèn nhưng là quãng đời đẹp nhất vì ở tuổi vô-tư, hồn nhiên và trong sáng.

Mỗi năm vào ngày lễ giỗ Trưng-Vương cũng là ngày phụ-nữ, trường chúng tôi được vinh-dự tuyển hai học-sinh đóng vai Hai Bà bạn tôi Lệ-Hằng và cô em Mộng Thuý ( hai chị em đều đẹp). Lệ-hằng bạn học từ đệ nhất cấp, người đẹp từ thuở còn thơ đến tuổi cập kê thì chín mùi nên đã bị lôi ra khỏi đám bạn rất sớm. Bao năm gặp lại nhau bạn vẫn đẹp nhưng đẫy đà hơn xưa!




Đệ tam gạch nối giữa đệ tứ thi trung-học và đệ nhị thi tú-tài I. Học-sinh phải đỗ bằng trung-học ít nhất hạng bình-thứ trở lên còn đỗ thường phải qua kỳ thi tuyển nên bạn cũ rơi rụng ít nhiều. Một số tức quá tìm đường làm quan tắt, số khác chuyển sang học nghề vì thế chúng tôi mất đi một số bạn cũ đồng thời có thêm bạn mới.



Trường Gia-Long học-sinh là người miền Nam, trường Trưng-Vương là học sinh miền Bắc nhưng sau vài năm thì Nam Bắc đề huề không còn phân biệt nữa. Lớp đệ tam là năm coi như được nghỉ xả hơi vì sau năm đệ tứ học bở hơi tai còn đệ nhị thì chưa đến nên chúng tôi trở lại nghề nghịch ngợm của tuổi học-trò cho đời thêm vui để bây giờ có chuyện kể. Chẳng chối cãi vì tụi con gái ( con gái bẩy nghề) nghề thứ ba được dùng nhiều nhất đó là ăn quà, miền Nam trù phú, mùa hè biết bao trái cây ngon, hấp dẫn, ăn ở nhà, ngoài đường không đã mà ăn trong lớp mới thú-vị. Giờ ăn quà nhiều nhất là giờ Anh-văn của cô Lan (béo), nửa giờ đầu cô chỉ bắt từng cặp lên bàn cô đọc những câu đối thoại sao cho giọng tự-nhiên và lưu loát, những đứa khác cứ việc cúi đầu xuống mà ăn vụng. Cô dễ dãi nên ít bị phạt nhưng riêng bàn thứ ba gồm những tên sau đây mà cô muốn khi vào lớp thì sáu đứa phải di-tản tới sáu bàn khác: Tôi Bùi mỹ Dương, Hoàng lệ-Giên, Nguyễn tân Nguyên, Trần kim Hân, Trịnh thuý Nga, Vũ thuý Nga.




Tới giờ này tôi vẫn chưa tìm được lý-do, hình như cô bạn Lệ-Giên đẹp, da trắng mắt to và đen, yểu điệu, dịu-dàng có tài pha trò và chọc cười bằng những câu vọng-cổ như rót vào tai làm sao mà nín cười. Những năm đầu chưa phải mặc đồng phục Kim-Hân thường mặc áo dài nâu, mầu áo này đôi khi làm lá chắn cho Vũ Nga mỗi khi quên vở hay quên học bài. Kim Hân tới giờ này ở tuổi lão bà bà rồi nhưng thân thể còn đẹp nõn nường, chị không bị thức ăn quyến rũ và thời gian soi mòn. Tân Nguyên thích xem tiểu thuyết và báo nên ước nguyện sau này có sạp bán sách báo để tha hồ đọc nhưng nghe nói sau khi lập gia đình chị cũng chỉ đóng vai mẹ và vợ đảm đang mà thôi. Trịnh thuý Nga có tang mẹ ngay năm đệ Tứ, chị rất giỏi đã phụ cha chăm nom nuôi nấng các em nên người và bây giờ với đàn con ngoan. Phan thị Quỳnh-Giao, thật dễ thương, luôn vui tươi, thường làm vừa lòng bạn bè, mọi chuyện dù khó khăn đến đâu nàng chỉ việc cười tít mắt là xong . Giao cùng tôi chung 3 năm đại-học nàng còn là dâu phụ trong ngày cưới của chúng tôi. Bây giờ Giao và tôi mới trải qua một tang lớn của cuộc đời! Hai vợ chồng tôi và Giao cùng Thìn-Tuất người ta nói: “Thìn, Tuất, Sửu, Mùi” tứ hành sung còn đúng không với tuổi cổ lai này ??



Các thầy cô dạy chúng tôi từ khi di-cư vào Nam từ đệ Lục đến khi tốt nghiệp.

Nguyễn thị Hoà dạy vạn-vật lớp đệ nhất cấp, đúng với tên cô rất hiền nhưng nguyên tắc, chúng tôi mến yêu và cô đã bỏ trần-gian từ mấy năm nay.

Vũ thị Ninh dậy sử-địa, nghiêm nghị nhưng dịu dàng, dáng người sang trọng chúng tôi nhận xét cô có nhiều nét giống nữ hoàng Elizabeth đệ II. Lớp học đông (50) cô thường hỏi ai muốn xung-phong lên đọc bài thì được điểm cao, lũ chúng tôi chẳng chăm gì nhưng để được lòng cô nên mỗi đầu tháng cố học cho có điểm, rồi sau đó không phải xay gạo nữa. Cô được nhiều học-sinh mến, năm 2000 do hội cựu nữ sinh TV Houston bảo lãnh sang Hoa-Kỳ, môn đệ khắp năm châu mời đón thù tiếp, học trò rất vui khi được gặp lại cô. Như một giấc mơ thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi vì cả thầy lẫn trò đều da mồi, tóc bạc. Một điều vui là cô vẫn mạnh khoẻ tuy hơi già nhưng so với đám học trò thì cô còn tráng kiện hơn nhiều. Cô ở chơi 6 tháng luôn chuyển dịch, tiệc sáng, tiệc chiều có thể nói hầu hết những thành phố lớn tại Hoa-Kỳ, Canada và Âu châu đều đến thăm thế mà không than mệt mỏi ! Bái phuc.

Hà Dương thị Uyên dạy toán, trẻ vui tính rất chăm nhưng cũng có qui luật. Nghĩa là học ra học, chơi ra chơi, tôi tuy lười nhưng mê cô nên không làm biếng. Sau bao năm xa cách, quả đất tròn sang đây thầy trò gặp nhau cô cho lại tấm ảnh chụpchung với cô năm đệ ngũ đã trên năm chục năm.

Nguyễn xuân Đào dạy Pháp văn dáng cao gầy, lưng hơi còng cô dạy hay nhưng khó hễ ai nói chuyện là bị cô dùng phấn ném.




Bội-Hoàn dịu dàng, xinh đẹp, học trò thương mến, cô luôn giúp đỡ hội cựu nữ sinh Trưng-Vương trong những ngày tổ chức lễ giỗ Hai Bà.Cô Bội Hoàn Cô Ngô thị Ngà

Ngô thị Ngà dạy toán, tận tâm vui vẻ, cô nói nhanh học trò gọi cô là “súng liên thanh” sau cô học trở thành dược-sĩ. May mắn gặp lại cô trong kỳ đại hội Trưng-Vương vùng Hoa thịnh Đốn hình ảnh cũng không khác xưa là mấy. Cô đã ra người thiên cổ khoảng năm 2006.

Đinh thị Nại dạy Việt-văn lớp đệ ngũ , cô đẹp, dịu dàng nhưng đôi mắt thật buồn. Tôi còn nhớ nhất bài thơ Vương-Tường người cung nữ đời Hán bị gửi cống Hung Nô. Xem phim đại-hội Trưng-Vương Houston cô kể lại hoàn cảnh khi cô đi dạy học và những lý do buồn. Sau cơn mưa trời lại sáng bây giờ cô trẻ đẹp vui vẻ hơn đám học trò.

Kỳ-Thu dạy Pháp văn, người nhỏ bé, xinh đẹp rất diện, giờ đây chỉ còn nhớ câu chuyện của Alphonse Đauet và chú bé Bamban.

Thuần người Huế dạy lý hoá rất hấp dẫn, cô hiền và chăm.

Riệp, cô Phụng, hai cô chia nhau mặc áo đình chiến.

Nguyễn thị Lý dạy Việt văn đệ tứ, cô vui tính nhưng nóng nẩy thưởng phạt bất thường. Chúng tôi thường ghép cô với thầy dạy toán Kiều quang Đạo vì mỗi lần nói chuyện với thầy cô rất vui, khi có giờ cô là trên bảng có viết: “ Đạo lý thánh hiền




Năm đệ tam nhóm chúng tôi Dung, Giang, Dương, Cương tuy nghịch nhưng cũng cùng nhau đua học vì thích cô giáo vạn-vật là cô Gioãn mới ra trường còn rất trẻ đổi mới cách xưng hô:chị. Bùi thu Dung dịu-dàng ăn nói nhỏ nhẹ cùng chồng vào nghề gõ đầu trẻ sau 75 gia đình kẹt lại, đã tìm đường vượt biên mấy lần không thành. Dung đã về với Chúa nơi thiên-đường một năm trước đây. Nghiêng mình chào bạn!






Phạm vân Cương năng nổ vui tính được cưng nên mốt méo gì có là chị đi tiên phong, chúng tôi thường đến nhà chị tụ họp vui chơi. Hết trung học chị theo gia-đình sang Pháp, đường tình duyên không suông sẻ mấy bây giờ chị chơi thể-thao lấy tennis làm vui.

Nguyễn thị Giang học giỏi, dễ thương với bạn bè nhưng đường đời cũng không bằng phẳng, sau cơn mưa trời lại sáng bây giờ chị an vui cùng con cháu, hậu vận tốt.

Dung, Giang, Cương, cũng là những cô phù dâu xinh đẹp trong ngày cưới của vợ chồng tôi, cám ơn các cô bạn mến yêu.

Lại nói chuyện ăn quà trái xoài tượng thật to mang vào lớp rồi dùng dao cạo gọt thật mỏng chấm mắm ruốc thơm phức, các bạn gọi xin ơi ới và sau cùng Vân Thu lãnh cái hột mà tới bây giờ chị còn phàn nàn. Dương vân Thu rời vùng Hoàng Triều Cương Thổ ( Đà lạt) nhập cuộc chơi vào những năm đệ nhị cấp. Thu luôn tươi cười nên trở ngại nào cũng vượt qua và bây giờ vẫn nụ cười trên môi và đôi mắt có đuôi là mọi việc đẹp hết.



Chúng tôi khi học đệ tam đang ở tuổi “ bẻ gẫy sừng trâu, tuổi cập kê, tuổi dậy thì” nghĩa là biết làm dáng, lòng rộn ràng, vui mừng khi có kẻ để ý vì thế ngoài cửa trường có nhiều trang nam nhi đứng chờ đưa đón. Lời nói dối lúc đầu là anh rồi anh họ cô bạn Vân Cương của tôi sáng tác từ mới cháu nhưng rồi cũng bại lộ. Nhớ năm học đệ nhị nhân ngày Noel, Vân Cương xin phép cho tôi tham dự lễ Giáng-Sinh, chị đến đón bố tôi dặn phải về sớm, sau chị cứ chì chiết là nhà con Dương ăn lễ Reveillon lúc 10 giờ. Dung, Giang có bồ không dám đi một mình, hai chị kéo tôi làm kỳ-đà. Quí anh chị âu yếm trò chuyện vui vẻ còn tôi lẽo đẽo theo sau buồn ơi là buồn!! Nghĩ lại sao mình nhút nhát để mất một phần đời của tuổi dậy-thì?

Chúng tôi tuy mặc đồng-phục nhưng cũng cố làm đẹp bằng cách chọn nhà may khéo làm nổi rõ nét đẹp trời cho, nhưng bị nhà trường khiển trách. Lũ chúng tôi bị giữ lại không cho vào lớp, cô Nguyễn thị Tỉnh dạy Việt-văn cảm thông có đôi lời trách các bà giám thị quá khắc nghiệt:

Khi xưa ai cấm duyên bà, bây giờ bà già bà cấm duyên tôi”

Cô Tỉnh cởi mở, rộng rãi dễ thương sau này tôi trở về trường thực tập, cô tận tình giúp đỡ nhưng người hiền tốt lại vắn số, cô đã rời bỏ cõi tạm khi tuổi đời còn sung mãn. Chúng tôi thương mến và kính trọng cô!



Nguyễn thị Hồng dạy Pháp văn lớp đệ tam, nhớ những “lá thư Ba-Tư”.

Cô xinh đẹp trang phục lối mới, son phấn nhẹ nhàng, áo quần thường mầu nhạt, cắt tóc cao, vui vẻ dễ thương. Cô là phu nhân bộ trưởng ngoại giao Vương văn Bắc thời Cộng-Hoà

Lan (nhỏ) dạy Anh văn nghe nói cô mới du học về, cô đọc đúng giọng nhưng chúng tôi phải uốn lưỡi rất nhiều lần mà cô vẫn lắc đầu!

Lâm thị Phúc ( cô họ) dạy Anh văn lớp đệ nhị đẹp người, tốt tướng cô từng sang Mỹ du học, chúng tôi ban khoa học nên lơ là. Bây giờ hối hận nếu có tài tiên tri thì đã chăm chỉ để giờ này đỡ vất vả.

Rất hiểu và thông cảm với ban giám-đốc vì là trường nữ dưới tay cả ngàn học sinh nếu kỷ-luật không nghiêm minh sẽ mang tiếng và loạn ngay!




Các bà giám thị phần lớn đứng tuổi, phái cổ đã thuộc lòng câu “ nam nữ thụ thụ bất thân”. Ngày lễ Trưng-Vương gần kề lũ chúng tôi phải xuống sân tập đi cho đều, để có nhịp điệu ban nhạc Hải quân đến phụ giúp. Lợi dụng thời cơ mong sớm ra khỏi lớp nên cứ nhấp nhổm trông ngóng các anh quân nhạc, các bà giám thị ghét đã buông lời khó nghe: “ thấy trai là sáng mắt lên”. Chúng tôi chẳng giận mà còn thích thú trêu chọc thêm.

Nết, giám thị thích gọi bằng me, bà hiền thường cho chúng tôi ăn bánh đậu, bánh đúc chúng tôi chọc cho bà cười là quên hết tội lỗi.

Trí hay làm dáng, phấn son loè loẹt, dễ tính ưa nghe nịnh, chúng tôi biết nhà và thường rình xem lúc bà mặc quần đùi tập thể dục trước hiên.

Con gái nếu đứng một mình thì dịu dàng ( có thật không) nhưng đông, một nhóm nên phải xét lại, số là vào một buổi sáng lúc chúng tôi đang tập thể-dục với cô huấn luyện viên Tăng thị Hiền thì một kẻ khác phái đi ngang qua vào văn phòng chắc xin phép cho em hay chị. Một trò chơi cậy đông bắt nạt, cả lũ mấy chục đôi mắt đổ dồn, đếm bước chân, lúc đầu chàng trai đi hùng dũng nhưng sau chân khuỵu lại, mặt tái xanh thế mà chúng tôi phá lên cười làm cho chàng trai đó ù té chạy như ma đuổi.

Về các thầy nghe nói bà Hiệu trưởng tuyển lựa rất kỹ: phải trọng tuổi có gia-đình một vài trường hợp kẹt mới có thầy trẻ, độc thân.

Thầy Đỗ minh Triết dạy toán đệ nhất lúc đầu tỏ ra nghiêm và kỷ-luật chúng tôi rủ nhau làm găng sau thầy phải năn nỉ cho điểm cao mới chịu học.

Thầy Lý quốc Sỉnh dạy Việt văn chúng tôi thú vị cách giảng của thầy.

Thầy Đặng trần Lợi là phu quân cô Nguyễn phương Tần, thầy cô đều dậy Vạn-Vật, cô đẹp






Thầy Nguyễn hữu Tài là tác giả bộ Lý Hoá đệ nhị và đệ nhất, thầy rất khó chuông reo chúng tôi đứa nào đứa nấy ba hoa nói chuyện, cuối giờ nhận được giấy phạt, không xin xỏ gì được cứ việc thi hành. Thầy Đào văn Vĩnh dậy Lý Hoá cho bài tập nhưng không giảng, chỉ chép bài mẫu trên bảng. Nhớ thầy không đọc được chữ chlori natri (nadi) nhưng nghiêm, thầy dễ dãi giảng bài mà không chịu vẽ vì thầy bảo hình trong sách đẹp hơn.

Thầy Đàm sĩ Hiến dạy Pháp văn, cẩn thận, sạch sẽ, mỗi lần viết bảng xong là dùng khăn ướt lau tới đỏ mặt, thầy nghiêm nhưng ít phạt. Môn học này khó nhất là phê bình triết lý tiêu-cực của La Martine, tư tưởng một bài thơ, một tác giả. Thầy là bộ trưởng bộ Lao-động, giờ dạy chỉ là một thú riêng nơi học đường. Thầy Nguyễn viết An dạy Toán ít ai hiểu, muốn thi đậu phải kiếm các thầy ở trường tư như thầy Nguyễn xuân Nghiên, Nguyễn văn Phú. Thầy Lữ Hồ dạy Triết, môn học mới nhiều danh từ trừu tượng khó hiểu. Để qua được kỳ thi chúng tôi phải tìm thầy Trần bích Lan hay linh mục Trần văn Hiến Minh.



Thầy Nguyễn tuấn Anh là bác-sĩ của liên minh phòng vệ Tổng Thống dạy môn Vạn-Vật đệ nhất về cơ-thể. Môn học mới khó nhưng thầy giảng dậy tận tình và vui khiến chúng tôi chăm chỉ và vượt qua cửa ải trung học. Thầy Lê-Ân dậy sử, thầy rất hiền nhưng giọng hùng-hồn mỗi khi diễn tả các vị vua hay tướng anh dũng chống xâm lăng. Một điểm ghi nhớ khi viết lưu bút cho học trò chúng tôi luôn được gọi là chú và cuối cùng lời Chào quyết thắng. Nghe nói sau này cuộc sống thanh bạch và thầy đã trở về cát bụi, cầu chúc thầy yên vui nơi Tiên-Cảnh! Thầy Tăng xuân An dạy sử năm đệ nhị, lối giảng lôi cuốn hấp dẫn mặc dầu cuộc cách mạng Pháp rất nhiều nhân vật, địa danh, niên kỷ khó nhớ. Cám ơn thầy đã giúp chúng con dễ dàng qua kỳ thi vấn đáp.





Thầy Nguyễn sĩ Tế ( nổi tiếng vợ đẹp) dạy năm đệ nhị, chương trình dài từ thời Nguyễn-Du tới hiện đại. Thầy viết nhiều sách khảo luận về các tác giả rất hay như Chu mạnh Trinh, Cao bá Quát, Trần tế Xương, Tản Đà, Nguyễn Du …Thầy dạy hay nhưng giọng nói không mấy hấp dẫn, sau này lên đại học sư-phạm tôi lại được thụ giáo, nhờ vậy khi hành nghề có nhiều tài liệu mới lạ và xác đáng. Với lòng hăng say với quốc văn ra hải ngoại thầy còn tham gia cộng tác với Viện Việt-học, viết thêm sách, xin ca ngợi tinh thần dân tộc nơi thầy. Thầy Tế cũng đã xa rời cõi tạm được mấy năm nay, xin thầy ở trên cao phù hộ cho nước Việt cùng đám hậu bối gặp may-mắn, hanh-thông. Thầy Phạm kế Viêm, thầy Đàm quang Hưng là hai thầy đẹp trai vui tính, độc thân. Chắc bà Hiệu-trưởng quên xem lý-lịch nên duyên tình cũng nhiều vương vấn giữa thầy trò.




Tôi chỉ là người học sinh trung-bình nhưng hân hạnh được cùng niên khoá với các bạn giỏi như Trinh-Thục, Đạm-Cúc, Diệu-Vinh, Nguyễn thị Phương, Nguyễn thị Điển.. các bạn chim sa cá lặn như Lệ-Giên, Lệ-Hằng, Ngọc-Châu, Ngọc-Hoàn, Trần thị Tân (Nguyệt) Tú-Thuỷ, Hoà-Phong, Kim-Long.. Các thầy cô trong những năm tiểu-học, trung-học ghi lại tâm trí tôi những kỷ-niệm đẹp đã giúp chúng tôi có căn bản học vấn vào đời, xin ghi ơn mãi.


Chính vì yêu mến thầy cô, trường sở và yêu sự trong trắng, ngây thơ vô tư của đời học-sinh mà kẻ viết bài này cũng cố gắng vào nghề gõ đầu trẻ mong tìm về thế giới thần-tiên, thuần-khiết của tuổi học-trò. Thưa các bạn giờ này tuổi đã cao để ký-ức tràn về dĩ-vãng có thể rất nhiều sự việc trí óc già nua không nhớ hết nhưng một số hình ảnh, sự việc của những ngày đã qua làm cho tôi vui sướng như trẻ thơ. Xin cám ơn thầy cô và các bạn, mỗi lần hồi tưởng

lại dù vui hay buồn cũng làm xúc-động và thương mến, muốn miên man sống trong kỷ-niệm vì thế những giòng ý này được đặt tên: Ngày xưa thân ái.

Ra hải-ngoại cô đơn buồn chán, tuổi già sồng-sộc tới, một lần nữa cám ơn hội cựu nữ-sinh Trưng- Vương đã không quản ngại khó khăn hàng năm tổ chức lễ giỗ Hai Bà. Quí-vị đã làm công việc của dân Việt là vinh-danh anh-hùng dân-tộc sau nữa là dịp cho chị em chúng tôi gặp nhau ôn kỷ-niệm về các thầy cô, trường-sở và các bạn cũ ít nhất chúng ta tìm được tuổi thơ trong giờ họp măt...


Ôi, êm ái là thời gian cắp sách
Ôi, vui tươi là lúc hãy còn thơ...
(Thế Lữ)

Đệ Ngũ B4


No comments: