Monday, May 17, 2010

TIN TỔNG HỢP * BIỂN ĐÔNG

*

Viễn ảnh tranh chấp Biển Đông
2010-05-16

Trang web Nhân Dân và Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc ngày 29/4/2010 đã chính thức post lên những nhận định gay gắt về tình hình tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, chủ yếu là Việt Nam.

Screen captured from www.boxitvn.net

Bài dịch của GS Vũ Cao Đàm đăng trên mạng Bauxite Việt Nam, từ một bài báo của TQ với tựa đề “Trung Quốc phải dùng vũ lực để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói”

Cộng với những bài viết hồi gần đây trên các trang mạng Trung Quốc đồng loạt lên án, mạt sát Việt Nam bằng thứ ngôn ngữ kích động thù hận đang dấy một làn sóng lo ngại cho một viễn ảnh đen tối trên khu vực Biển Đông. Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề này trong bài viết sau đây.

Câu chuyện về tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam Trung Quốc trong thời gian gần đây đang tiến vào một ngã rẽ quan trọng mà những người quan tâm theo dõi cho rằng ngày càng tiến gần hơn đến mức nguy hiểm có thể dẫn tới những động thái khởi động cuộc chiến nếu Việt Nam không đủ sức kềm chế.

TQ tấn công VN?

Trong vài ngày qua, nhiều trang mạng Trung Quốc đã loan tải các bài viết chống Việt Nam đăng tải trên các cơ quan chính thức của chính phủ Trung Quốc khiến sức nóng của Biển Đông hơn lúc nào hết hừng hực hơn lên. Bài báo có đoạn viết:

Lâu nay sự khoan dung và nhân nhượng một cách lịch sự của chúng ta trên vấn đề Biển Đông không đổi lại sự tôn trọng cần phải có, ngược lại một số nước đã coi nhân từ là mềm yếu điên cuồng cướp đoạt ngày càng nghiêm trọng hơn tài nguyên dầu khí và nghề cá của ta, nhiều lần tiến hành bắt giữ và giam cầm ngư dân ta đang tác nghiệp hợp pháp, thậm chí làm tổn hại về người.

Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm    2009.
Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009.


Vì thế, phải gia tăng sức mạnh chấp pháp hải dương tại vùng Biển Đông, xua đuổi và bắt giữ kịp thời những thuyền cá tác nghiệp phi pháp tại vùng biển của ta, đồng thời căn cứ vào luật pháp có liên quan của Trung Quốc tiến hành xử lý, và cũng phải tiến hành hành động chống bắt giữ, chống xua đuổi, nhằm bảo đảm an ninh cho ngư thuyền tác nghiệp nước ta.

Cách đặt vấn đề một chiều của bài viết gợi ý rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để nói tiếng nói của kẻ bề trên và những luận cứ họ áp đặt có thể được coi là dọn đường cho những hoạt động kế tiếp khó thể coi là hòa hiếu.

Nhà ngoại giao lão thành Dương Danh Dy, người đã bỏ công dịch những bài viết trong các web site chính thức của chính phủ Trung Quốc cho biết ý kiến của ông:

“Đáng lẽ trong bài dịch này tôi còn có lời mở đầu hay hơn nhưng vì họ ngại quá nên họ cắt đi. Đây là cái động thái trong rất nhiều động thái mà tôi biết. Trong bài này cùng với những sự kiện đang diễn ra nơi biển Đông tôi thấy là đúng. Có khả năng nó sẽ mãnh liệt hơn nhưng cũng có khả năng chỉ là việc dọa dẫm chính phủ Việt Nam.”

Dọa dẫm hay chuẩn bị dư luận cho một cuộc tấn công từ Trung Quốc đều là câu hỏi mà Việt Nam cần phải đặt trên bàn làm việc của giới chức ngoại giao lẫn quốc phòng cao cấp nhất. Giáo sư Phạm Quang Minh, chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định theo kinh nghiệm của ông về các mối tương quan giữa các nước, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam:


- Tháng 11 năm 2000, khi hội đàm với TBT mới ĐCSVN Nông Đức Mạnh đến thăm, TBT Giang Trạch Dân nêu rõ, 16 chữ này là phương châm quan trọng chỉ đạo sự phát triển quan hệ hai nước:
- Ổn định lâu dài
- Hướng tới tương lai
- Hữu nghị láng giềng
- Hợp tác toàn diện

“Tôi cho rằng trên nguyên tắc thì đúng là Việt Nam và Trung Quốc phải xác định với nhau là quan hệ hai bên cần phải ưu tiên tôn trọng chủ quyền bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ. Không sử dụng vũ lực hay là đe dọa sử dụng vũ lực thì đấy là những nguyên tắc mà tôi cho rằng quan trọng nhất trong quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các nước khác trong khu vực.

Việt nam cần phải làm gì? Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam ở khu vực này, đấy là điều thứ nhất. Điều thứ hai Việt Nam cần phải cùng với các nước trong khu vực đặc biệt là các nước ASEAN, vì là thành viên của ASEAN rồi thì phải có một tiếng nói chung quan hệ trong khu vực đối với các nước ngoài khu vực như Trung Quốc để đảm bảo trong khu vực này có sự hòa bình, ổn định. Và điểm thứ ba tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có thông tin một cách rộng rãi đối với các tầng lớp nhân dân của mình đặc biệt là các tỉnh vùng ven biển cần phải biết tình trạng hôm nay để các cấp địa phương cũng như là người dân biết được hiện trạng vấn đề. Thực tế cho thấy rằng những thông tin đó trong một thời gian dài đã không được chuyển tải, trao đổi rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân cũng như các lãnh đạo ở địa phương thành ra có sự hiểu lầm.”

Nhún nhường quá đáng?

ntt-giangto-27-4-10-chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đến thăm tỉnh Giang Tô - Trung Quốc ngày 26/4/2010.


Nguyên tắc ứng xử quốc tế này nếu bị Trung Quốc phá vỡ thì việc gì sẽ xảy ra? Nhà ngoại giao Dương Danh Dy cho rằng:

“Ta nhún nhường, ta tôn trọng Trung Quốc nhưng có giới hạn chứ không phải chúng ta hoàn toàn chịu khuất phục. Ngay như thời cụ Trần Hưng Đạo, cụ viết hịch tướng sỹ đấy, sứ thần nó sang nó còn chửi mắng triều đình. Các cụ dằn cho đến lúc không chịu được mới trói gô cổ chúng nó lại!”

Ta nhún nhường, ta tôn trọng Trung Quốc nhưng có giới hạn chứ không phải chúng ta hoàn toàn chịu khuất phục.

Nhà ngoại giao Dương Danh Dy

Tiếp theo sau các bài viết trên các trang web được coi là chính thức, hằng hà sa số các bài viết khác có giọng điệu bài xích Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn. Một trong những đoạn mà chúng tôi cho là nhẹ nhất được trích dẫn sau đây:

“Khoan dung thái quá với Việt Nam là hủy diệt chính mình. Dùng vũ lực tấn công Việt Nam cần tàn nhẫn, cần phá hủy triệt để các cơ sở quân sự của Việt Nam, tất nhiên bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân sự. Đối với một nước vô liêm sỉ như vậy, chúng ta không cần xem xét những gì là đạo đức và vô đạo đức, chỉ cần phù hợp với lợi ích quốc gia đó chính là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhân dân Trung Quốc cũng sẽ ủng hộ đến cùng.”

Trước những thù hằn này Việt Nam vẫn tỏ ra nhún nhường trên mặt trận ngoại giao. Người dân đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự nhún nhường quá đáng này, cụ thể mỗi lần Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu cá, bắt trả tiền chuộc mới thả người thì Bộ Ngoại Giao hình như chỉ sử dụng cùng một văn bản được soạn trước dành cho mọi trường hợp. Phải chăng cách phản ứng tiêu cực này càng làm cho Trung Quốc ngày một lấn sâu hơn vào cung cách ứng xử nước lớn này?

Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, đương kiêm đại biểu quốc hội cho biết Bộ Ngoại Giao vẫn thường xuyên điều trần trước quốc hội về biển đảo và chủ quyền cùng nhiều vấn đề có liên quan. Tuy nhiên báo chí không được biết vì các buổi điều trần này đều không tiết lộ ra bên ngoài. GS Thuyết nói:

“Thật ra gần đây Bộ Ngoại giao đã ra điều trần trước quốc hội cũng đã hai ba lần rồi, nhưng thường thì những phiên điều trần ấy là kín chỉ trong quốc hội nghe thôi các nhà báo không tham dự. Trong những phiên đó trình bày về biên giới trên bộ. Các việc cụ thể về thác Bản Giốc, đàm phán như thế nào, lịch sử ra làm sao....chúng tôi có đề nghị bộ Ngoại giao báo cáo về vần đề biển đảo.”

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ. Photo courtesy of    lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ. Photo courtesy of lysonforum.

Về vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt, bị đòi tiền chuộc GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

“Ngư dân mình bị bắt thì gần đây mình cũng lên tiếng rất là mạnh mẽ, về phía Trung Quốc cũng trả dân của mình để đòi tiền chuộc. Việc mình nói có chuyện là đánh đập đồng bào thì mình cũng đã yêu cầu Trung Quốc điều tra. Ở đây cũng có 1một phần nữa là mình phải tuyên truyền cho người dân họ biết rõ hơn những tọa độ trên biển để từ đó khi đồng bào mình đi thì có tọa độ chính xác để không lạc vào những vùng đang tranh chấp.”

Ông Dương Danh Dy, nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc chia sẻ những cảm nhận của ông về vai trò của quốc hội, ông nói:

“Tôi xin nói thật không phải là tất cả người Việt đều không biết hết đâu. thế nhưng với lòng yêu nước của mình mà mình thấy chưa cần phải nói. Đến lúc nào đó sẽ nói để có lợi hơn. Trách nhiệm của một công dân Việt Nam thì như thế thôi. Không phải các anh trong quốc hội các anh ấy không biết nhưng còn nhiều vấn đề tế nhị mà mình không biết được. Có thể người ta quan niệm chưa cần thiết phải làm như vậy. Mang tư duy tự do dân chủ phương Tây mà vào Việt Nam thì rất nhiều vấn đề không lý giải được đâu.”

Thật ra gần đây Bộ Ngoại giao đã ra điều trần trước quốc hội cũng đã hai ba lần rồi, nhưng thường thì những phiên điều trần ấy là kín chỉ trong quốc hội nghe thôi các nhà báo không tham dự.
GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo thông lệ của nhiều nước, Bộ ngoại giao phải điều trần công khai trước quốc hội để báo chí biết việc gì đã và đang xảy ra trong quan hệ quốc tế. Quốc hội không đủ nguồn lực như báo chí để có thể tiến hành các cuộc điều tra độc lập len lỏi vào tận các ngóc ngách tối tăm của các thế lực đen tối. Chỉ có báo chí mới có thể vạch trần các âm mưu chia chát quyền lợi đất nước của một tập đoàn hay một nhóm ưu đãi nào đó nhằm đưa ra trước ánh sáng quốc dân.

Mặc dù Việt Nam có những hệ thống quản lý rất khác biệt với phương tây, nhưng ngay cả nhìn dưới nhãn quan của một công dân bình thường cũng khó thể chấp nhận cách giải thích của nhà cầm quyền hiện nay khi cho rằng hai nước vẫn đang sống trong tinh thần hòa hiếu. Tàu Ngư Chính vẫn hiện diện trên Biển Đông trong phạm vi chủ quyền đất nước là một bằng chứng cho thấy cách dẫn dắt dư luận thiếu thông tin chính xác là một sai lầm lớn của chính sách hiện nay.

Trong bài tới chúng tôi sẽ trình bày những góc nhìn khác nhằm tìm ra cách đối phó hữu hiệu đối với những bài báo manh động xuất hiện ngày một nhiều tại Trung Quốc hiện nay.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2010
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-needs-to-prepare-the-public-opinion-before-the-south-china-sea-war-becomes-reality-part1-mlam-05162010164135.html




Chiến lược mới của hải quân Trung Quốc
2010-05-12

Ngày 10/04/2010 Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã theo dõi 10 tàu chiến Trung Quốc đi qua 140 km từ Nam Okinawa qua eo biển Miyako đánh dấu giai đoạn mới về phát triển hải quân của Trung Quốc.

AFP PHOTO/Japan Coastguard via Jiji Press/HO

Tàu Haijian 51 của Trung Quốc bị lính biên phòng của Nhật Bản phát hiện cách đảo Oshima Amami của Nhật Bản khoảng 320 km vào ngày 04/05/2010.




Việc triển khai về quy mô và phạm vi chưa từng thấy đối với hải quân Trung Quốc, và là lần thứ hai các hoạt động như thế đã được Trung Quốc thiết lập liên tục nhanh chóng: tháng 3, một đội tàu nhỏ hơn đã triển khai tập trận. Hai cuộc tập trận, cùng với các hoạt động chống cướp biển của Trung Quốc tại vịnh Aden, thể hiện sự linh hoạt của các lực lượng hải quân Trung Quốc và sự nổi bật lớn hơn trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh.

Đội tàu nhỏ của Hải quân Trung Quốc (1) gồm một số tàu chiến hiện đại nhất, có hai tàu ngầm tấn công loại Kilo, chạy bằng dầu diesel trên mặt nước và chạy bằng điện khi lặn dưới nước, và ít nhất hai tàu khu trục loại Sovremenny do Nga sản xuất. Nhiệm vụ trong tháng 3 và tháng 4 là lần đầu tiên với quy mô vượt ra khỏi ‘chuỗi đảo thứ nhất’ – thuật ngữ được Trung Quốc sử dụng cho các đảo gồm Aleutian, Kuriles, quần đảo của Nhật Bản, Ryukyus, Đài Loan, Philippines và Borneo - và chỉ ra rằng việc triển khai vượt ra khỏi chuỗi đảo này bây giờ là chính sách chính thức, đã được các sĩ quan hải quân thảo luận vài năm trước.

Căng thẳng trên Biển Đông

Thời điểm các cuộc tập trận cho thấy, có mối liên quan trực tiếp đến sự căng thẳng tăng cao trong tranh chấp chủ quyền lâu dài của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông. Biên giới hiện tại của Trung Quốc trong khu vực lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc khảo sát do chính phủ Quốc gia Trung Quốc tiến hành vào năm 1935, và được chính phủ Cộng sản giữ lại sau năm 1949. Họ xác định nhiều nhóm đảo của Trung Quốc bao gồm một số quần đảo như Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa), Pratas (Ðông Sa), bãi Macclesfield (Trung Sa) và bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham Đảo).

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tranh chấp một số hoặc tất cả các quần đảo này với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Khoáng sản, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ được cho là lý do tranh chấp, mặc dù thiếu các cuộc khảo sát độc lập để biết được có nhiều hay ít. Nhưng điều không chắc chắn này đã không ngăn được các quốc gia đòi chủ quyền trong việc xây dựng các căn cứ quân sự trên nhiều rạn san hô. Hiện nay Trung Quốc có các căn cứ trên đảo Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Huy Gơ, Đá Gạc Ma, Đá Vành Khăn, Đá Ga Ven và Đá Su Bi. Các căn cứ này, từ các tòa nhà nhỏ ba tầng có đường băng lên thẳng, cho tới các cơ sở có khả năng hoạt động như một bến tiếp nhiên liệu.


Tàu chiến bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc    hồi tháng 8/2005 tại vùng biển đảo Sơn Đông. AFP PHOTO/Xinhua.
Tàu chiến bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc hồi tháng 8/2005 tại vùng biển đảo Sơn Đông. AFP PHOTO/Xinhua.


Những cuộc tranh cãi dữ dội nhất gia tăng trong năm qua giữa Trung Quốc và Việt Nam, nước chính thức tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa là một tỉnh của Việt Nam trong năm 1973. Việt Nam chiếm 29 đảo và các rạn san hô trong khu vực, trong khi Trung Quốc sở hữu khoảng 9 đảo. Khi tranh chấp vùng biển xung quanh, nhiều như tranh chấp các hòn đảo, các hoạt động thương mại như đánh cá đã phát triển trong những năm gần đây, trở thành một vấn đề chiến lược. Các tàu đánh cá Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên tụ tập trong cùng khu vực.

Trong tháng ba, Trung Quốc đáp lại lời yêu cầu giúp đỡ của các tàu đánh cá Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Trường Sa mà họ bị lính tuần duyên Việt Nam sách nhiễu. Tàu ngư chính 311, tàu tuần tra thủy sản lớn nhất của Trung Quốc, 4.600 tấn, vào ngày 18 tháng 3, từ Tam Á, đảo Hải Nam, được phái đến Biển Đông cùng với tàu tuần tra 202. Tin tức của Trung Quốc đặc biệt tin tức nhấn mạnh sự hiện diện của các khẩu súng máy hạng nặng trên tàu 311.

Ngày 1 tháng 4, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam, được hai tàu khu trục hộ tống, đến thăm hòn đảo tranh chấp Bạch Long Vĩ (được Trung Quốc gọi là Bái Long Ngụy), hòn đảo nằm giữa thành phố Hải Phòng, Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ông Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố tại hòn đảo rằng Việt Nam sẽ ‘không cho phép bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi, biển, đảo của chúng tôi’. Hà Nội chính thức kháng nghị với Bắc Kinh về việc cục thuỷ sản Trung Quốc bắt giữ chín ngư dân vào ngày 22 tháng 3 gần quần đảo Hoàng Sa.

Tập trận hải quân tầm xa

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt tay vào hoạt động đầu tiên điều được mô tả trên các phương tiện truyền thông chính thức là ‘các cuộc tập trận hải quân tầm xa’. Ngày 18 tháng 3, một đội tàu nhỏ gồm sáu tàu, từ Hạm đội Bắc Hải rời căn cứ ở Thanh Đảo, qua eo biển Miyako gần Okinawa, đi thành ba cặp, có thể trong sự cố gắng nhằm tránh sự chú ý.

Các tàu khu trục Amagiri của Nhật Bản báo cáo nhìn thấy một tàu khu trục loại Luzhou và một tàu khu trục Jiangwei II. Một tàu khu trục khác, tàu Asayuki, phát hiện cả tàu khu trục Jiangwei II và Jianghu III. Một tàu chở dầu của Trung Quốc và một tàu cứu hộ đi theo sau. Trước khi đoàn tàu đi qua, một chiếc máy bay KJ-200 của Trung Quốc, có hệ thống điều khiển và cảnh báo trên không, đã bị máy bay F-15 của Nhật theo dõi vì nó bay qua eo biển vào ngày 12 tháng 3.

Theo tin tức trên tờ PLA Daily giữa tháng tư, mô tả điều này như là một “cuộc tập trận đường dài”. Chương trình Tin tức Quân sự chính thức của CCTV-7 cũng đưa ra các manh mối như bản chất của việc triển khai: phó Hạm trưởng Hạm đội Bắc Hải nói rằng ‘Trung Quốc cần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình thông qua việc chứng tỏ sức mạnh hải quân đường dài’. Bản báo cáo cũng cho thấy, các máy bay chiến đấu J-8 cung cấp lực lượng không quân hỗ trợ cho các cuộc hành quân tầm xa, và các cuộc tập trận chống tàu ngầm (ASW) đang được thực hiện.

Đội tàu nhỏ cho thấy sự hiện diện của nó khi đi qua eo biển Miyako và sau đó là kênh Bashi giữa Philippines và Đài Loan. Các tàu thực hiện nhiều bài tập như thật, cũng như các cuộc tập trận đối đầu với các thành phần của Hạm đội Nam Hải. Báo cáo của Hải quân Trung Quốc cho biết hạm đội đã đến thăm Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, cũng như thực hiện các thêm bài tập gần eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia. Việc triển khai và các cuộc tập trận là một thông điệp rõ ràng về sự sẵn sàng của Hải quân Trung Quốc để khẳng định quyền lực của Trung Quốc trong khu vực. Đội tàu nhỏ đã quay về căn cứ vào đầu tháng 4.

Hạm đội Đông Hải

Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc và máy bay chiến đấu tập dợt tại vùng    biển tỉnh Sơn Đông ngày 23 tháng tư năm 2009. AFP PHOTO/POOL/Guang    Niu.
Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc và máy bay chiến đấu tập dượt tại vùng biển tỉnh Sơn Đông ngày 23 tháng tư năm 2009. AFP PHOTO/POOL/Guang Niu.


Nhật đã ngạc nhiên thêm một lần nữa khi một nhóm công tác thứ hai - gồm mười tàu từ Hạm đội Đông Hải, gồm có các tàu khu trục lớn, tàu khu trục nhỏ và nhiều tàu phụ trợ (2) - đi qua eo biển Miyako vào ngày 10 tháng 4. Hai tàu ngầm loại Kilo đi cùng với đội tàu nhỏ, đi trên mặt biển khi đi qua eo biển theo quy định của luật pháp quốc tế. Lần này Tokyo quyết định đưa tin tức ra trước công luận.

Tàu khu trục Nhật Bản, tàu Suzunami và máy bay giám sát đã được phái đi để chụp ảnh đội tàu nhỏ của Trung Quốc, trong đó thay vì đi theo từng cặp, nó đi thành một nhóm lớn qua Okinawa. Tàu Suzunami bị báo động bởi một máy bay trực thăng chống tàu ngầm của Trung Quốc, Ka-28, đã đến quá gần tàu chiến của Nhật Bản trong khoảng 90 mét. Đến cuối tháng 4, đội tàu nhỏ cho thấy dừng chân tại phía Đông của Đài Loan, và tiến hành diễn tập chống tàu ngầm. Việc tạm dừng cuộc hành trình về hướng Nam dường như liên quan trực tiếp đến một sự thay đổi về hoàn cảnh khó khăn của các tàu đánh cá của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

Khi tàu tuần tra thủy sản của Trung Quốc, tàu 311 và 202, đến quần đảo Trường Sa, họ thấy các tàu đánh cá của Trung Quốc bị nhiều tàu Việt Nam bao quanh. Tình hình trở nên xấu đi sau khi đội tàu hải quân đầu tiên trở về nhà, khi ngày càng có nhiều tàu Việt Nam tập hợp quanh các tàu Trung Quốc. Một phóng viên báo chí trên tàu 311 nói rằng, ngày 8 tháng 4, có khoảng 20 chiếc tàu nhỏ bao vây quanh tàu [Trung Quốc], và ngày 10 tháng 4 con số này đã lên đến 60. Các tàu nhỏ này chỉ cách tàu 311 khoảng 200 mét, và đã chụp ảnh các tàu Trung Quốc.

Có lẽ Việt Nam đã không mong đợi phía Trung Quốc có thêm hành động hải quân nào, bởi vì đội tàu đầu tiên [của Trung Quốc] đã quá sức chịu đựng sau 19 ngày, đi hơn 6.000 hải lý. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Nhật Bản rằng đội tàu thứ hai đã đi qua eo biển Miyako với ý định làm các tàu Việt Nam sửng sốt. Phóng viên trên 311 mô tả sự kinh ngạc của các thủy thủ Trung Quốc khi từng con tàu Việt Nam biến mất khỏi khu vực vào ngày 12 tháng 4.

Dường như tin tức về đội tàu thứ hai của Trung Quốc gây ngạc nhiên cho Việt Nam. Hơn nữa, quyết định đi qua eo biển Miyako mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào trước có thể có ý định gây sự chú ý càng nhiều càng tốt, để gửi một cảnh báo đến các tàu nhỏ của Việt Nam vây quanh tàu mắc cạn 311. Một khi tàu thuyền Việt Nam rút lui, nhóm của Trung Quốc ngừng di chuyển về phía Nam và bắt đầu tiến hành các bài tập đối phó.

Chính sách phát triển

Các hoạt động đó là một minh chứng cho việc hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc trong thập kỷ qua. Sẽ không thể có được, nếu không tiếp tục tập trung vào các cuộc tập trận tầm xa đã chiếm hết việc đào tạo của họ trong thập kỷ qua. Quyết định của Trung Quốc trong tháng 12 năm 2008 tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế ở Vịnh Aden đã đưa đến việc các tàu hải quân Trung Quốc sử dụng một số tuyến hàng hải chính trên thế giới thường xuyên hơn.

Đối với một số nước Đông Nam Á, các hoạt động gần đây cho thấy nỗ lực của Trung Quốc tạo một tiền lệ cho việc thiết lập sự hiện diện hải quân lâu dài trong khu vực. Chiến lược hải quân tiếp tục mở rộng, gồm một tàu sân bay – nâng cấp từ tàu sân bay Varyag của nước Ukraina cũ đang được thực hiện – và các tàu ngầm mới, cũng là mối quan ngại đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Trong năm 2009, Việt Nam phản ứng lại bằng cách đặt mua sáu chiếc tàu ngầm tấn công loại Kilo của Nga.

Rõ ràng là Hải quân Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện vai trò nổi bật hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tại lễ kỷ niệm 60 năm hồi năm 2009, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rằng tạo ra ‘một điểm lịch sử khởi đầu’ mới. Năm năm trước đó, Hồ [Cẩm Đào] đã đặt ra ‘sứ mệnh lịch sử’ cho tương lai Hải quân Trung Quốc: củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản; giúp bảo đảm chủ quyền của Trung Quốc, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh trong nước; để bảo vệ Trung Quốc mở rộng lợi ích quốc gia, và giúp duy trì hòa bình thế giới. Các chỉ dẫn rõ ràng rằng một chính sách mới chính thức thông qua khi các sĩ quan hải quân đưa "đề nghị" lên Quốc hội Trung Quốc trong năm 2009 và 2010.

Phạm vi linh hoạt

Nhấn mạnh kết quả của việc thay đổi chiến lược hải quân, không ít hơn 19 tàu chiến, gồm cả ba tàu trở về từ hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somali, đi qua các đảo tranh chấp ở Biển Đông trong tháng 3 và tháng 4. Ông Toshimi Kitazawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mô tả hoạt động này là một ‘tình trạng chưa từng có’.

Quan trọng nhất là sự trình diễn của Hải quân Trung Quốc về khả năng tổ chức và tiến hành các hoạt động tầm xa với sự phối hợp nhiều thứ. Điều này cho thấy sự gia tăng khả năng chỉ huy và điều khiển, cũng như cải thiện sự phối hợp giữa các hạm đội khác nhau của hải quân. Mặc dù Hạm đội Đông Hải, được sự ủng hộ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, là lực lượng tiên phong trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan (chẳng hạn như khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996), cả hạm đội này cũng như Hạm đội Bắc Hải chưa từng tham gia vào việc triển khai ở Biển Đông . Trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Hồ [Cẩm Đào], Hạm đội Nam Hải đã được hiện đại hóa triệt để và thường là lực lượng chính được Trung Quốc sử dụng để khẳng định chủ quyền trên biển.

Sự linh hoạt mới này báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong tư duy chiến lược của hải quân. Khả năng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa ba đội tàu, đánh dấu một sự chuyển dịch hướng tới một lệnh củng cố trung tâm và thoát khỏi hệ thống lỗi thời về ba hạm đội tàu hoạt động độc lập. Điều này cho thấy hải quân sẵn sàng và có thể vượt qua chuỗi đảo đầu tiên và đi vào Thái Bình Dương - một sự thay đổi đáng kể từ học thuyết trước đó. Trọng tâm mới hiện nay là ‘huấn luyện hàng hải tầm xa’ để ‘bảo vệ chủ quyền quốc gia hàng hải’. Các sĩ quan cao cấp của Hải quân Trung Quốc cũng kêu gọi ‘hình thành và [duy trì] khả năng chiến đấu tầm xa’.

Tiến bộ đáng kể đã được thực hiện để đạt được mục tiêu của Trung Quốc trong việc xây dựng một lực lượng hải quân viễn dương hoàn toàn vào năm 2050. Nguồn tài trợ mới đáng kể đã cho phép nó phát triển nhanh chóng từ một lực lượng quốc phòng ven biển với khả năng hải quân hạn chế trong việc chứng tỏ sức mạnh. Hoàn thành [tàu sân bay] Varyag vào năm 2012, sẽ mở rộng hơn khả năng chứng tỏ sức mạnh bằng cách cung cấp sự đào tạo có giá trị cho tương lai, sử dụng cho lực lượng tàu sân bay.

Đối với khu vực, tác động chiến lược sẽ phức tạp. Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán hơn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhật Bản và các nước khác sẽ phải làm quen với các đội tàu Trung Quốc di chuyển thường xuyên hơn vào Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu của nó sẽ là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ hơn là sự bành trướng hung hăng.

Ghi chú:

(1) PLAN: Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, tức Hải quân Trung Quốc

(2) Auxiliary vessel: là tàu phụ trợ, cũng là tàu hải quân nhưng được thiết kế để hoạt động trong các vai trò hỗ trợ các tàu chiến và các hoạt động hải quân khác. Mục đích chính của tàu phụ trợ không phải để chiến đấu, mặc dù nó có khả năng chiến đấu nhưng giới hạn.

Ngọc Thu dịch từ: http://www.iiss.org/publications/strategic-comments/past-issues/volume-16-2010/may/chinese-navys-new-strategy-in-action/

Theo dòng thời sự:




Tin, bài liên quan

Quyết bám biển bất kể lệnh cấm đánh cá của TQ

Tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng

Viễn ảnh tranh chấp Biển Đông

Hải quân Việt Nam mua máy bay của Canada

Chiến lược mới của hải quân Trung Quốc

Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông

Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông

Việt Nam mua hoả tiễn của Israel

Quảng Ngãi đề nghị bộ ngoại giao phản đối lệnh cấm đánh cá của TQ

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-International-Institute-For-Strategic-Studies-NgThu-05122010170116.html




TQ sẽ không nhượng bộ về Biển Đông



Thuyền cá của Việt Nam

Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt

Cơ hội thương lượng giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông dường như ngày càng ít dần khi Trung Quốc tỏ ra ngày càng cứng rắn trong vấn đề chủ quyền.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hong Kong vừa có bài nhắc lại lập trường không khoan nhượng của Bắc Kinh trong cách tiếp cận các nguồn lợi biển.

Báo này nhận định: "Bắc Kinh cương quyết bảo vệ các vùng biển mà Trung Quốc coi là của mình".

Bằng chứng được dẫn là việc tàu tuần tiễu và cả tàu chiến của Trung Quốc tuần tra các khu vực kinh tế đặc quyền ngày càng nhiều so với trước.

Báo Hong Kong nói nhiều phần của các khu vực mà Bắc Kinh tự định chuẩn này lại chồng lấn với các nước láng giềng, gây nguy cơ đối đầu và tranh chấp.

Hôm thứ Sáu 07/05 Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã cho mời Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến để phản đối về việc tàu hải quân Trung Quốc theo sát tàu thăm dò Nhật tại một khu vực tranh chấp ở Đông Hải cách đảo Amami Oshima phía Nam Nhật Bản 320 km.

Cả Trung Quốc và Nhật đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhanh chóng phản ứng, rằng tàu Trung Quốc làm đúng phận sự.

Bà Khương nói: "Việc tàu Trung Quốc thực hiện hoạt động thi hành pháp luật tại các khu vực đó là hoàn toàn hợp pháp."

Không nhượng bộ nguồn lợi biển

Giới phân tích cho rằng lý do chính nhất để Trung Quốc ráo riết hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, trong có Biển Đông, là vì nguồn tài nguyên biển.

Chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp sang vị thế cường quốc hàng hải, Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhân nhượng trong tranh chấp chủ quyền biển.

Giáo sư Vương Hàn Linh, chuyên gia các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được dẫn lời nói Trung Quốc dần nổi lên như cường quốc biển, và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng cũng dần nóng lên.

Chúng tôi thấy rằng các nước láng giềng bản thân cũng còn tranh chấp với nhau, lại còn nhiều quyền lợi quốc gia cần bảo vệ nên khó có thể đoàn kết để chống Trung Quốc. Và ngay cả khi họ liên hiệp lại thì cũng không đủ mạnh để thắng Trung Quốc.




Giáo sư Vương Hàn Linh, Viện KHXH Trung Quốc

Giáo sư Vương nói: "Thực ra, tranh chấp giữa các bên đã nảy sinh từ những năm 1970, khi người ta tìm thấy dầu lửa và các nguồn tài nguyên khác tại các quần đảo Điếu Ngư, Trường Sa và Hoàng Sa."

"Từ hồi đó đã có ý tưởng là các nước Đông Nam Á nên liên kết lại để đối đầu với Trung Quốc và trong một thời gian, Bắc Kinh đã tỏ ra quan ngại về điều này."

Thế nhưng theo ông Vương, sau 30 năm không thấy động tĩnh gì (từ phía các nước Đông Nam Á), Trung Quốc nay cũng không còn lo lắng.

"Chúng tôi thấy rằng các nước láng giềng bản thân cũng còn tranh chấp với nhau, lại còn nhiều quyền lợi quốc gia cần bảo vệ nên khó có thể đoàn kết để chống Trung Quốc."

"Và ngay cả khi họ liên hiệp lại thì cũng không đủ mạnh để thắng Trung Quốc."

Ông Vương Hàn Linh nói Bắc Kinh cần duy trì quan điểm rằng Trung Quốc đã có văn bản khẳng định chủ quyền và quyền tài phán với các quần đảo ở Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông) cả ngàn năm nay.

Ngư dân Việt Nam gặp khó

Trước lập trường ngày càng kiên quyết của Trung Quốc, có thể thấy rằng nỗ lực thương lượng của các quốc gia liên quan đang gặp trở ngạ̣i.

Mới đây, hôm 06/05, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản đối lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc ban hành từ 16/05-01/08 ở Biển Đông, trong có các khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Phương Nga, nói: "Việt Nam sẽ có giao thiệp ngoại giao để phản đối quyết định này của Trung Quốc."

Động thái 'giao thiệp ngoại giao' xem ra chưa làm người dân yên lòng vì lệnh cấm đánh bắt nói trên ảnh hưởng tới việc mưu sinh của nhiều ngàn ngư dân.

Sau khi bà Nguyễn Phương Nga lên tiếng một ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã ký văn bản gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, đề nghị phản đối việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên biển Đông.

Tỉnh này cũng đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp đòi Trung Quốc thả vô điều kiện tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị bắt hồi đầu tháng.

Trung Quốc vừa trả tự do cho 23 ngư dân Quảng Ngãi, nhiều người bị bắt từ hồi tháng Ba khi đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng tuần ngư Trung Quốc hôm 04/05 lại bắt một tàu cá khác cũng của Quảng Ngãi với 11 thuyền viên.

Tàu đánh cá của ông Đặng Tằm ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cũng bị bắt khi đang hoạt động gần Hoàng Sa. Toàn bộ số ngư dân trên tàu hiện đang bị giam trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100508_china_vietnam_sea.shtml





Việt Nam cứng rắn hơn với Trung Quốc vấn đề Biển Đông
2010-05-17

Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam được phép tố cáo Trung Quốc một cách mạnh mẽ việc nước này cấm đánh bắt cá trên vùng biển tranh chấp, đang lật qua một chương mới trong quan hệ hai nước.

AFP photo / Aris Messinis

Một chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 Việt nam mới mua của Canada để tuần trên biển.



Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề nhằm tìm hiểu động cơ nào Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn hơn trong cách đối xử với Trung Quốc như vậy.

Chiến thuật vết dầu loang của TQ

Những áp lực ngày một lớn của Trung Quốc đang làm cho người dân Việt Nam lo âu về chủ quyền đất nước đang tiến dần đến chỗ khó giữ yên dưới tham vọng bành trướng của nước láng giềng phương Bắc. Ngư dân Việt Nam không còn cơ hội hành nghề một cách an toàn để kiếm sống khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá bất kể công pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của các nước trong vùng đang có tranh chấp.

Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Trích bản tin TPHCM


Trung Quốc ngang nhiên chiếm đoạt từng phần lãnh hải qua chiến thuật vết dầu loang, cứ cho tàu Ngư Chính có mặt trên các vùng biển tranh chấp lâu dần sẽ trở thành sân nhà của mình.

Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng Tàu Ngư chính 301 và 302 sẽ lãnh trách nhiệm tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa từ ngày 1 tháng 4.

Việt Nam không đủ phương tiện khí tài để chống lại âm mưu này, do đó Trung Quốc ngày càng lấn sân và tỏ ra coi thường tiếng nói ngoại giao của một nước mà trong thâm tâm họ cho rằng không đáng bận tâm bàn cãi. Được chân lân đầu, Tàu Ngư Chính tiến xa hơn ở các lãnh hải khác với cùng chiến thuật đã áp dụng với Việt Nam.

Tuy nhiên khi đụng vào Malaysia thì tàu Ngư Chính đã không còn cơ hội diễu võ dương oai như đối với ngư dân Việt Nam. Pháo hạm Maylaysia đã rượt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ và hình ảnh này đã làm cho nhiều nước trong khu vực phải suy nghĩ lại phương án đối phó mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua, trong đó không thể không kể đến Việt Nam.

10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4, tàu ngư chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát trong khoảng thời gian 17 tiếng đồng hồ, và cùng lúc phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất hiện bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc tàu này, sau đó tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ chạy.

Đã có sự thay đổi

south-china-sea-250
Vùng biển đông nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền. AFP photo
Trong một bài bình luận trên đài phát thanh Thành Phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta nghe Việt Nam gọi đích danh Trung Quốc không thua gì hải tặc Somali, khi ngang nhiên bắt người đòi tiền chuộc cộng với việc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trong vùng biển đang tranh chấp. Bản tin có đoạn như sau:

“Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Với lệnh cấm bắt cá mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa mới ban hành là một hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với các quan hệ hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây nguy hại đến tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam.”

Tình trạng nghiêm cấm nói động tới Trung Quốc sau bao nhiêu năm có khuynh hướng đổi chiều. Cơ quan truyền thông nhà nước mặc nhiên nhìn nhận sự đàn áp trắng trợn của Trung Quốc phải chăng mở ra một trang sách mới sau kinh nghiệm đối đầu của Malaysia?

Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng.

Ô. Dương Danh Dy


Nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc là ông Dương Danh Dy chia sẻ những điều mà ông cho rằng nhà nước đã làm được, ông nói:

“Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng. Từ chỗ phiếm chỉ nay đã chỉ đích danh như thế là tiến bộ và còn những việc tôi tin rằng Đảng và nhà nước Việt Nam không hề có ý định dấu diếm nhân dân trong vấn đề này.

Thí dụ, ngày 26 tháng Tư tôi và TS Nguyễn Nhã vừa nói chuỵện với hơn 300 sinh viên trường đại học Ngoại Thương về vấn đề này. Anh Nguyễn Nhã trình bày tất cả 12 hiện trạng lịch sử. Tôi trình bày quan hệ Việt Nam Trung Quốc như thế nào. Anh em nghe rất thoải mái tự do và sau đó anh em đặt rất nhiều câu hỏi.”

Dự án nhiều chục tỷ đô la dành cho phát triển biển đảo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký cộng với việc vài tháng trước Hà Nội đặt mua 6 tàu ngầm Kilo, 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU 30 MK2 của Nga và mới nhất là mua của Canada 6 thủy phi cơ Otter DHC-6 dành để tuần tiễu trên biển, cùng lúc thương lượng với Israel để mua một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn còn được gọi là EXTRA tất cả những trang bị trên được giới quan sát quốc tế lượng giá là một động thái đánh tiếng với Trung Quốc rằng Việt Nam đang dọn đường cho một tình huống xấu nhất nếu việc ứng xử biển đông không được các bên tuân thủ.

Nên dựa vào ASEAN

ngu-chinh-2009-250
Tàu ngư chính Trung Quốc tuần tiễu vùng biển Đông năm 2009. AFP Photo
Khi được hỏi rằng các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm “Karat” như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau một cách hữu hiệu trước những đe dọa có thể xảy ra từ Trung Quốc. Liệu Việt Nam có nên tham gia “Karat” như một thành viên hay không? Giáo Sư Phạm Quang Minh chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

“Theo tôi thấy thì Việt Nam vẫn đang thực hiện những cam kết của mình đối với ASEAN. Một trong những điểm quan trọng là xây dựng an ninh trong cộng đồng ASEAN. Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức khác hay các nhóm khác mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại Việt Nam chưa tính đến và cũng chưa cần thiết.

Về phía người dân, GS Nguyễn Minh Thuyết, đương kiêm đại biểu quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải bàn tới:

Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại chưa cần thiết.

GS. Phạm Quang Minh


“Nhân dân mình rất là quan tâm đến vấn đề này. Thật ra các tầng lớp nhân dân đã có những thái độ thông qua nhận thức trong đó có cả những kiến nghị với quốc hội, với cơ quan nhà nước. Còn việc mình cư xử như thế nào trong chuyện này đưa ra công luận đến mức nào thì tôi nghĩ phải có sự tính toàn khôn khéo về mặt ngoại giao. Kinh nghiệm của ông cha ta trong vấn đề ngoại giao phải có sự mềm dẻo nhất định.”

Đâu đó có bài viết phân tích nếu xảy ra chiến tranh thì Việt Nam sẽ đủ khả năng để đối phó vì những trang bị mà Trung Quốc hiện có chưa đủ sức để tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước với Việt Nam. Nhận xét này không chính xác trước sự thật hiển nhiên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Dư luận vẫn cho rằng Việt Nam có trang bị vũ khí hiện đại tới đâu thì cũng cần tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Đây là vốn quý tiềm ẩn từ bao ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng nói đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân có lẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất mà Việt Nam có thể trưng dụng trong chiến lược đối đầu với ngoại bang như từ xưa tới nay vẫn thế.

Lịch sử đã chứng minh điều này và lịch sử sẽ lập lại.


Theo dòng thời sự:




VN phản đối TQ về lệnh cấm đánh cá

Có nhiều vụ ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ ở vùng biển tranh chấp

Việt Nam nói sẽ phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sau khi công bố kế hoạch kinh tế và quốc phòng 8,5 tỷ đôla để củng cố vành đai các đảo.

Các hãng thông tấn đưa tin trong cuộc báo thường lệ hôm 6/05, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối lệnh cấm đánh cá ngoài Biển Đông của Trung Quốc.

Phản đối và tự cường

Khi được hỏi, Phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam sẽ có giao thiệp ngoại giao để phản đối quyết định này của Trung Quốc."

Bà cũng nói: "Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế."

Hồi tháng 6 năm ngoái, Việt Nam cũng cáo buộc Trung Quốc đã công bố lệnh cấm trong một số khu vực ngoài Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Năm nay, phía Trung Quốc nói lệnh có hiệu lực từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8.

Các khu vực này, theo phía Việt Nam, là thuộc Bấm chủ quyền của họ.

Việt Nam sẽ có giao thiệp ngoại giao để phản đối quyết định này của Trung Quốc

Bà Nguyễn Phương Nga

Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa năm 1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa và liên tục cho tàu tuần tra đến Trường Sa, nơi họ chiếm một số đảo từ 1988.

Theo báo chí Việt Nam, các chuyến "tuần tra" mới nhất của đội tàu ngư chính Trung Quốc diễn ra trong tháng 4 này.

Tuy nhiên, các vụ Bấm bắt giữ ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc cũng xảy ra nhiều tại khu vực gần Hoàng Sa.

Báo chí Việt Nam cho hay gần đây nhất, 23 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ nhưng được thả về trước sự phản đối của Việt Nam.

Từ mấy năm qua, nhiều giới tại Việt Nam cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc công bố bản đồ với "hình lưỡi bò" chiếm gần hết vùng Biển Đông.

Cũng trong tháng 5 năm nay, Việt Nam công bố một kế hoạch phát triển vành đai các đảo, kéo dài 10 năm, trị giá 162,5 nghìn tỷ VND (8,5 tỷ đôla).

Theo tin các hãng thông tấn, dự kiến kế hoạch này sẽ được thực hiện từ Phú Quốc tới Cát Bà.

Theo truyền thông Việt Nam, quyết định số 568/QÐ-TTg về "Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành có mục tiêu nhằm "‘xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển đảo".

Cùng lúc, Việt Nam cũng tăng cường trang bị bằng cách mua tàu chiến và Bấm phi cơ từ các nước khác.

Trung Quốc liên tục cho tàu 'tuần tra' vùng Biển Đông

Đối ngoại đa phương

Tại hội nghị thượng đỉnh của Asean tại Hà Nội tháng 4 vừa qua, các nước thành viên Hiệp hội chỉ bày tỏ "tin tưởng" rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông chứ không đưa ra được văn bản thỏa thuận nào cả.

Ở vị trí nước chủ nhà và chủ tịch luân phiên của khối, trả lời câu hỏi BBC có mặt tại chỗ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói Asean "tin tưởng rằng với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông (DOC) cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".

Ông Dũng nói: "Vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và an ninh Biển Đông là lợi ích chung và là quan tâm lớn của các nước Asean cũng như các nước trong cả khu vực."

Ông cũng cho hay: "Các quan chức Asean và Trung Quốc đã thống nhất sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy triển khai thực hiện DOC."

Trong quá trình Bấm "quốc tế hóa" tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ngoài việc cố gắng tìm ủng hộ trong vùng, Việt Nam cũng hướng tới dư luận và chính giới các quốc gia Phương Tây.

Trong một động thái như vậy, lần đầu tiên, một Bấm hội thảo về Biển Đông bao gồm quan chức Việt Nam cùng giới học giả tại Mỹ được tổ chức tại Đại học Temple, thành phố Philadelphia vào hôm 25/3/2010.

Vấn đề chủ quyền trên biển của Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp với các nước trong vùng, chủ yếu là Trung Quốc, được bàn từ các góc độ lịch sử, môi trường sống và cả ngư nghiệp.

Tuy nhiên, chính giới Hoa Kỳ và phương Tây cho tới nay có vẻ như né tránh việc ra công bố chính thức ủng hộ bất cứ bên nào trong các tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á.

Cùng lúc, các cuộc thăm viếng cao cấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả giới quân sự và quốc phòng, vẫn diễn ra đều đặn.

Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam gọi chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từ 21 đến 28/04 là cơ hội để hai bên "cùng nhau bàn bạc các giải pháp về quản lý, bảo vệ biên giới; tăng cường tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước, tiến tới phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn, rà phá thủy lôi, chống cướp biển..."

Cuối tháng 4 sang đầu tháng 5, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc dự lễ khai mạc Hội chợ Quốc tế Thượng Hải Expo 2010 và gặp mặt Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Hai nước đã và đang có các hoạt động, tuyên bố kỷ niệm 60 năm Bắc Kinh và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100507_biendong_fishing_policy.shtml




Suy nghĩ gì khi Trung Quốc cấm đánh cá ở biển Đông?

2010-05-10

Trung Quốc vừa tái tục lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông từ ngày 16/05 đến ngày 01/08.

Photo courtesy of Lyson Forum

Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam hồi năm 2009.



Thôn tính chủ quyền Việt Nam

Chuyện Trung Quốc vừa tuyên bố lệnh cấm các tàu thuyền qua lại biển Đông có hiệu lực từ ngày 16 tháng 5 năm 2010 và công bố kế hoạch kinh tế và quốc phòng 8,5 tỷ đô-la để củng cố vành đai các đảo đã chiếm được của Việt Nam trong quần đảo Hoàng sa và Trường sa là bước đi nguy hiểm đối với an ninh về chủ quyền đảo biển của Việt Nam và cả an ninh quốc tế và khu vực.

Nhưng người ta đặc biệt chú ý nhất là lệnh này được đưa ra ngay khi ông Nguyễn Tấn Dũng tổng bí thư Đảng CSVN và tướng Trần Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đang ở thăm Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cố tình chiếm đóng và thôn tính các đảo biểm thuộc chủ quyền Việt Nam ở khu vực biển Đông, không thèm đến xỉa gì đến những sự năn nỉ hay phán ứng bằng miệng từ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều này như một cái vả lớn vào mồm của những người lãnh đảo Đảng và Nhà nước theo phe bảo thủ thân Trung Quốc như ông Nông Đức Mạnh, Tô Huy Rứa và nhiều nhân vật xưa nay vẫn ca ngợi tình hữu nghị thắm thiết gắn bó giữa hai nước và sự tuyên bố tôn trọng cam kết theo bản ứng xử biển mà Trung Quốc đã ký kết với các nước trong khu vực này là không còn giá trị nữa, nó như đã chết. Những nhân vật bảo thủ trong Đảng CSVN xưa nay vẫn cho rằng có thể dàn xếp tốt đẹp vấn đề chủ quyền về Đảo biển với Trung Quốc bằng phương châm 16 chữ vàng và bằng quan hệ hữu nghị truyền thống giữ hai Đảng và hai nhà nước cộng sản anh em.



Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of   lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of lysonforum.



Nhiều năm qua, họ vẫn hết lòng cổ súy cho việc vun đắp tình hữu nghị truyền thống hai nước, bỏ qua những ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới năm 1979 hàng năm và vẫn còn hy vọng hai quốc gia này cùng khai thác tài nguyên dầu khí và quản lý trên tinh thần hợp tác anh em khi các lực luợng tiến bộ trong Đảng CSVN và dư luận của Đông đảo mọi tầng lớp nhân dân lên án những hành động bành trướng thôn tình đảo biển của Trung Quốc nhất là việc Trung Quốc đã cho tàu hải quân đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, gây ra bao chết choc cho nhiều gia đình này khi họ đánh cá trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của nước mình.

Nhưng nay những hy vọng này đã tan vỡ và chuyện ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải tuyên bố kêu gọi lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo biển của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Việt Nam không còn cách nào là phải dựa vào sức mạnh của chính mình đó là sức mạnh của toàn dân và tăng tốc trang bị quốc phòng bảo vệ biển.

Chuyện chủ quyền đảo biển của Việt Nam đang là những thử thách lớn nhất vai trò lãnh đạo cả Đảng CSVN trong giai đoạn hiện nay và cho thấy họ có thực sự là người lãnh đạo quản lý đất nước được không? Chuyện Đảng và Nhà nước Trung tuyên bố lệnh cấm qua lại biển Đông lần này chắc chắn là thiêu đốt uy tín vốn ít ỏi của những nhà lãnh đạo bảo thủ thân Trung Quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam và càng chứng minh sự kêu gọi cảnh giác về an ninh đất nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Đồng Sỹ Nguyên và của hàng nghìn nhà trí thức hàng đầu Việt Nam vừa qua sau khi Đảng và Nhà nước Việt Nam để Trung Quốc trúng thầu khai thác Bauxite tại Tây nguyên và cho thuê đất rừng đầu nguồn.

Giọt nước tràn ly

Sau những vụ cho tàu tuần tra bắt bớ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đưa về Trung Quốc, bắt phạt tiền, thu phương tiện, đâm tàu thuyền đắm gây chết người thì động thái mới tuyên bố cấm tàu thuyền qua lại khu vực chủ quyền của chính Việt Nam đã là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, gây lên sự bất bình sâu sắc không chỉ ở đại đa số nhân dân mà còn gây lòng căm tức của các vị tướng lĩnh có tinh thần yêu nước cao của Việt Nam, đặc biệt của lực lượng hải quân hiện nay. Nhiều tướng lĩnh trong bộ tư lệnh hải quân đã thề quyết tử vì Đảo biển của tổ quốc.

Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm   2009. Photo courtesy of Lyson Forum.
Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum.

Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật đứng hàng thứ 4 trong bộ chính trị Đảng CSVN đã thay mặt quốc hội kêu gọi lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo biển của Việt Nam đã là dấu hiện cho thấy thương thuyết hữu nghị với Trung Quốc đang thèm khát dầu hỏa, tài nguyên và bành trướng thế lực ở biển Đông không có tác dụng nữa và nó nay đã chết. Ông là người mà nhiều người Việt Nam cho rằng vốn là hàng trung gian giữa hai phe bảo thủ và tiến bộ trong Đảng CSVN. Nay tuyên bố này của ông đã cho thấy những người vốn vẫn chần chừ, lưỡng lự trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảo biển nay đã có thái độ hoàn toàn khác khi nhìn thấy nguy cơ biến đảo biển của Việt Nam ở khu vực đang tranh chấp thành vùng biển đảo của Trung Quốc đã trở thành hiện thực và những ai hy vọng vào tình hữu nghị ngớ ngẩn đó là những người bạc nhước, đi lại chính nguyện vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam.

Bài học Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị và một Bạch Đằng mới ắt sẽ phải xảy ra khi mà Trung Quốc cố tình coi biển đảo của Việt Nam như sân nhà của mình. Người ta tự hỏi vai trò của những nhà lãnh đạo bảo thủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam còn tồn tại bao lâu? Và sự thử thách sức mạnh dân tộc Việt Nam trước một Trung Quốc bành trướng sẽ ra sao trong giai đoạn đầy cam go này? Biển Đông đã nổi sống cồn và hãy chờ xem Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ làm gì lúc này?

Người Quán Sát viết tại Hà nộị, ngày 9 tháng 5 năm 2010.

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/China-to-ban-vietNamese-fishermen-working-on-south-china-sea-NgQSat-05102010161311.html


TQ bắt đầu cấm đánh cá ở Biển Đông

Thuyền cá của Việt Nam

Việt Nam nói hàng nghìn ngư dân bị ảnh hưởng vì lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc

Bắt đầu từ Chủ nhật 16/05, Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông, kéo dài cho tới ngày 01/08.

Đây là lệnh cấm được áp dụng hàng năm kể từ 1999, cho hải phận từ vĩ tuyến 12 phía bắc quần đảo Trường Sa, cho tới vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh nói cần hạn chế đánh bắt để duy trì nguồn cá.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Hôm 06/05, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm của Trung Quốc, cho đó là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế".

Lời phản đối này bị Trung Quốc để ngoài tai, trong khi giới quan sát lo lắng rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc sẽ đổ dầu vào chảo lửa Biển Đông đang ngày càng tăng nhiệt.

Một quan chức ngoại giao khu vực được báo South China Morning Post tại Hong Kong trích lời nói: "Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi và tự hỏi xem chuyện này rồi sẽ đi đến đâu".

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cách để thúc đẩy chủ quyền."

Chủ quyền hay nguồn lợi thủy sản?

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc nhắm tới một mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn là bảo vệ nguồn cá.

“Mười năm nay, chúng ta có thể thấy Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi kinh tế của mình."

Sử dụng tàu tuần ngư là một cách thức tuyệt vời vì đây không phải tàu chiến, chúng sơn màu trắng chứ không phải màu xám; nhưng đừng lầm tưởng, vì chúng cũng được trang bị vũ trang đầy đủ.

Gs Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu

Ông Thayer phân tích: “Sử dụng tàu tuần ngư là một cách thức tuyệt vời vì đây không phải tàu chiến, chúng sơn màu trắng chứ không phải màu xám; nhưng đừng lầm tưởng, vì chúng cũng được trang bị vũ trang đầy đủ."

Theo GS Thayer, thực hiện hành động đơn phương như thế này không theo đúng tinh thần thúc đẩy hợp tác, kiềm chế căng thẳng mà Trung Quốc và các nước Asean đã thống nhất với nhau.

Giới quan chức và học giả Trung Quốc thì lại cho rằng lệnh cấm đánh cá bắt nguồn từ cả hai việc bảo vệ nguồn lợi hải sản và chủ quyền lãnh thổ.

Giáo sư Vương Hàn Linh, chuyên gia các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói mục đích chính là bảo vệ trữ lượng cá tại khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc và lệnh cấm đánh bắt này đã áp dụng từ lâu theo thông lệ quốc tế.

“Trung Quốc đã giữ chủ quyền và quyền tài phán tại các khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) tại Biển Đông từ hơn một nghìn năm nay, được các nước láng giềng như Việt Nam và Indonesia công nhận, nhưng các nước này tới những năm 1970 lại xé bỏ thỏa thuận khi phát hiện thấy dầu khí và các tài nguyên khác ở dưới biển."

Ngư dân ngại ra biển?

Năm ngoái, khi lệnh cấm được Trung Quốc áp dụng, Việt Nam nói hàng nghìn hộ ngư dân bị ảnh hưởng khi không dám ra khơi vì sợ bị bắt và phạt vạ.

Năm nay, thuyền cá Việt Nam được khuyến khích tiếp tục đánh bắt tại các vùng biển 'của Việt Nam', thông qua đó đồng thời khẳng định chủ quyền.

Việt Nam và Indonesia công nhận (chủ quyền của TQ tại Biển Đông), nhưng các nước này tới những năm 1970 lại xé bỏ thỏa thuận khi phát hiện thấy dầu khí và các tài nguyên khác ở dưới biển.

GS Vương Hàn Linh, Viện KHXH Trung Quốc

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, được trích lời nói: "Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con đánh bắt trên những vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, kể cả quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa".

Trong khi đó, Việt Nam cảnh báo hiện tượng nhiều tàu cá "lạ" đang vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, hoạt động đánh bắt hải sản gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Biên phòng và hải quân Việt Nam đang có kế hoạch tuần tra truy bắt, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Tình trạng ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt vẫn tiếp tục xảy ra. Hôm 15/05, tàu của ông Đặng Tằm, xã Bình Châu, Quảng Ngãi, với 11 thuyền viên đã được trả tự do về đến nhà sau khi nộp gần 200 triệu đồng tiền phạt cho Trung Quốc.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100516_china_fishing.shtml


href="file:///C:%5CDOCUME%7E1%5Cnguyenth%5CLOCALS%7E1%5CTemp%5Cmsohtmlclip1%5C01%5Cclip_themedata.thmx" rel="themeData">


Mặc Lâm tổng hợp ý kiến của các giới chức có quan tâm đến vấn đề nhằm tìm hiểu động cơ nào Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn hơn trong cách đối xử với Trung Quốc như vậy.

Chiến thuật vết dầu loang của TQ

Những áp lực ngày một lớn của Trung Quốc đang làm cho người dân Việt Nam lo âu về chủ quyền đất nước đang tiến dần đến chỗ khó giữ yên dưới tham vọng bành trướng của nước láng giềng phương Bắc. Ngư dân Việt Nam không còn cơ hội hành nghề một cách an toàn để kiếm sống khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá bất kể công pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của các nước trong vùng đang có tranh chấp.

Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Trích bản tin TPHCM



Trung Quốc ngang nhiên chiếm đoạt từng phần lãnh hải qua chiến thuật vết dầu loang, cứ cho tàu Ngư Chính có mặt trên các vùng biển tranh chấp lâu dần sẽ trở thành sân nhà của mình.

Ông Ngô Tráng, Giám đốc Cục Quản lý Nghề cá ở Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng Tàu Ngư chính 301 và 302 sẽ lãnh trách nhiệm tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa từ ngày 1 tháng 4.

Việt Nam không đủ phương tiện khí tài để chống lại âm mưu này, do đó Trung Quốc ngày càng lấn sân và tỏ ra coi thường tiếng nói ngoại giao của một nước mà trong thâm tâm họ cho rằng không đáng bận tâm bàn cãi. Được chân lân đầu, Tàu Ngư Chính tiến xa hơn ở các lãnh hải khác với cùng chiến thuật đã áp dụng với Việt Nam.

Tuy nhiên khi đụng vào Malaysia thì tàu Ngư Chính đã không còn cơ hội diễu võ dương oai như đối với ngư dân Việt Nam. Pháo hạm Maylaysia đã rượt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ và hình ảnh này đã làm cho nhiều nước trong khu vực phải suy nghĩ lại phương án đối phó mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua, trong đó không thể không kể đến Việt Nam.

10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4, tàu ngư chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát trong khoảng thời gian 17 tiếng đồng hồ, và cùng lúc phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất hiện bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc tàu này, sau đó tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ chạy.

Đã có sự thay đổi

south-china-sea-250
Vùng biển đông nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền. AFP photo


Trong một bài bình luận trên đài phát thanh Thành Phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người ta nghe Việt Nam gọi đích danh Trung Quốc không thua gì hải tặc Somali, khi ngang nhiên bắt người đòi tiền chuộc cộng với việc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trong vùng biển đang tranh chấp. Bản tin có đoạn như sau:

“Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali.

Với lệnh cấm bắt cá mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa mới ban hành là một hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với các quan hệ hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam-Trung Quốc, gây nguy hại đến tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam.”

Tình trạng nghiêm cấm nói động tới Trung Quốc sau bao nhiêu năm có khuynh hướng đổi chiều. Cơ quan truyền thông nhà nước mặc nhiên nhìn nhận sự đàn áp trắng trợn của Trung Quốc phải chăng mở ra một trang sách mới sau kinh nghiệm đối đầu của Malaysia?

Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng.

Ô. Dương Danh Dy


Nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc là ông Dương Danh Dy chia sẻ những điều mà ông cho rằng nhà nước đã làm được, ông nói:

“Nếu nhìn lại vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm được không ít việc. Thứ nhất từ chỗ im lặng bây giờ công khai đã lên tiếng. Từ chỗ phiếm chỉ nay đã chỉ đích danh như thế là tiến bộ và còn những việc tôi tin rằng Đảng và nhà nước Việt Nam không hề có ý định dấu diếm nhân dân trong vấn đề này.

Thí dụ, ngày 26 tháng Tư tôi và TS Nguyễn Nhã vừa nói chuỵện với hơn 300 sinh viên trường đại học Ngoại Thương về vấn đề này. Anh Nguyễn Nhã trình bày tất cả 12 hiện trạng lịch sử. Tôi trình bày quan hệ Việt Nam Trung Quốc như thế nào. Anh em nghe rất thoải mái tự do và sau đó anh em đặt rất nhiều câu hỏi.”

Dự án nhiều chục tỷ đô la dành cho phát triển biển đảo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký cộng với việc vài tháng trước Hà Nội đặt mua 6 tàu ngầm Kilo, 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU 30 MK2 của Nga và mới nhất là mua của Canada 6 thủy phi cơ Otter DHC-6 dành để tuần tiễu trên biển, cùng lúc thương lượng với Israel để mua một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn còn được gọi là EXTRA tất cả những trang bị trên được giới quan sát quốc tế lượng giá là một động thái đánh tiếng với Trung Quốc rằng Việt Nam đang dọn đường cho một tình huống xấu nhất nếu việc ứng xử biển đông không được các bên tuân thủ.

Nên dựa vào ASEAN

ngu-chinh-2009-250
Tàu ngư chính Trung Quốc tuần tiễu vùng biển Đông năm 2009. AFP Photo


Khi được hỏi rằng các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm “Karat” như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau một cách hữu hiệu trước những đe dọa có thể xảy ra từ Trung Quốc. Liệu Việt Nam có nên tham gia “Karat” như một thành viên hay không? Giáo Sư Phạm Quang Minh chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

“Theo tôi thấy thì Việt Nam vẫn đang thực hiện những cam kết của mình đối với ASEAN. Một trong những điểm quan trọng là xây dựng an ninh trong cộng đồng ASEAN. Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức khác hay các nhóm khác mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại Việt Nam chưa tính đến và cũng chưa cần thiết.

Về phía người dân, GS Nguyễn Minh Thuyết, đương kiêm đại biểu quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải bàn tới:

Làm gì thì làm Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã. Chứ tham gia vào một tổ chức mà nó đi ra ngoài chủ trướng chung của các nước ASEAN thì tôi cho rằng thời gian hiện tại chưa cần thiết.

GS. Phạm Quang Minh


“Nhân dân mình rất là quan tâm đến vấn đề này. Thật ra các tầng lớp nhân dân đã có những thái độ thông qua nhận thức trong đó có cả những kiến nghị với quốc hội, với cơ quan nhà nước. Còn việc mình cư xử như thế nào trong chuyện này đưa ra công luận đến mức nào thì tôi nghĩ phải có sự tính toàn khôn khéo về mặt ngoại giao. Kinh nghiệm của ông cha ta trong vấn đề ngoại giao phải có sự mềm dẻo nhất định.”

Đâu đó có bài viết phân tích nếu xảy ra chiến tranh thì Việt Nam sẽ đủ khả năng để đối phó vì những trang bị mà Trung Quốc hiện có chưa đủ sức để tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước với Việt Nam. Nhận xét này không chính xác trước sự thật hiển nhiên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Dư luận vẫn cho rằng Việt Nam có trang bị vũ khí hiện đại tới đâu thì cũng cần tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Đây là vốn quý tiềm ẩn từ bao ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng nói đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân có lẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất mà Việt Nam có thể trưng dụng trong chiến lược đối đầu với ngoại bang như từ xưa tới nay vẫn thế.

Lịch sử đã chứng minh điều này và lịch sử sẽ lập lại.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-needs-to-prepare-the-public-opinion-before-the-South-China-Sea-war-becomes-reality-Mlam-05172010115903.html

*

Suy nghĩ gì khi Trung Quốc cấm đánh cá ở biển Đông?

Người Quán Sát gởi RFA
2010-05-10

Trung Quốc vừa tái tục lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông từ ngày 16/05 đến ngày 01/08.

Photo courtesy of Lyson Forum

Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam hồi năm 2009.

href="file:///C:%5CUsers%5Cnguyenn%5CAppData%5CLocal%5CTemp%5Cmsohtmlclip1%5C01%5Cclip_themedata.thmx" rel="themeData">

Thôn tính chủ quyền Việt Nam

Chuyện Trung Quốc vừa tuyên bố lệnh cấm các tàu thuyền qua lại biển Đông có hiệu lực từ ngày 16 tháng 5 năm 2010 và công bố kế hoạch kinh tế và quốc phòng 8,5 tỷ đô-la để củng cố vành đai các đảo đã chiếm được của Việt Nam trong quần đảo Hoàng sa và Trường sa là bước đi nguy hiểm đối với an ninh về chủ quyền đảo biển của Việt Nam và cả an ninh quốc tế và khu vực.

Nhưng người ta đặc biệt chú ý nhất là lệnh này được đưa ra ngay khi ông Nguyễn Tấn Dũng tổng bí thư Đảng CSVN và tướng Trần Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đang ở thăm Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cố tình chiếm đóng và thôn tính các đảo biểm thuộc chủ quyền Việt Nam ở khu vực biển Đông, không thèm đến xỉa gì đến những sự năn nỉ hay phán ứng bằng miệng từ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều này như một cái vả lớn vào mồm của những người lãnh đảo Đảng và Nhà nước theo phe bảo thủ thân Trung Quốc như ông Nông Đức Mạnh, Tô Huy Rứa và nhiều nhân vật xưa nay vẫn ca ngợi tình hữu nghị thắm thiết gắn bó giữa hai nước và sự tuyên bố tôn trọng cam kết theo bản ứng xử biển mà Trung Quốc đã ký kết với các nước trong khu vực này là không còn giá trị nữa, nó như đã chết. Những nhân vật bảo thủ trong Đảng CSVN xưa nay vẫn cho rằng có thể dàn xếp tốt đẹp vấn đề chủ quyền về Đảo biển với Trung Quốc bằng phương châm 16 chữ vàng và bằng quan hệ hữu nghị truyền thống giữ hai Đảng và hai nhà nước cộng sản anh em.

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of   lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of lysonforum.
Nhiều năm qua, họ vẫn hết lòng cổ súy cho việc vun đắp tình hữu nghị truyền thống hai nước, bỏ qua những ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới năm 1979 hàng năm và vẫn còn hy vọng hai quốc gia này cùng khai thác tài nguyên dầu khí và quản lý trên tinh thần hợp tác anh em khi các lực luợng tiến bộ trong Đảng CSVN và dư luận của Đông đảo mọi tầng lớp nhân dân lên án những hành động bành trướng thôn tình đảo biển của Trung Quốc nhất là việc Trung Quốc đã cho tàu hải quân đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, gây ra bao chết choc cho nhiều gia đình này khi họ đánh cá trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của nước mình.

Nhưng nay những hy vọng này đã tan vỡ và chuyện ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải tuyên bố kêu gọi lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo biển của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Việt Nam không còn cách nào là phải dựa vào sức mạnh của chính mình đó là sức mạnh của toàn dân và tăng tốc trang bị quốc phòng bảo vệ biển.

Chuyện chủ quyền đảo biển của Việt Nam đang là những thử thách lớn nhất vai trò lãnh đạo cả Đảng CSVN trong giai đoạn hiện nay và cho thấy họ có thực sự là người lãnh đạo quản lý đất nước được không? Chuyện Đảng và Nhà nước Trung tuyên bố lệnh cấm qua lại biển Đông lần này chắc chắn là thiêu đốt uy tín vốn ít ỏi của những nhà lãnh đạo bảo thủ thân Trung Quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam và càng chứng minh sự kêu gọi cảnh giác về an ninh đất nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Đồng Sỹ Nguyên và của hàng nghìn nhà trí thức hàng đầu Việt Nam vừa qua sau khi Đảng và Nhà nước Việt Nam để Trung Quốc trúng thầu khai thác Bauxite tại Tây nguyên và cho thuê đất rừng đầu nguồn.

Giọt nước tràn ly

Sau những vụ cho tàu tuần tra bắt bớ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đưa về Trung Quốc, bắt phạt tiền, thu phương tiện, đâm tàu thuyền đắm gây chết người thì động thái mới tuyên bố cấm tàu thuyền qua lại khu vực chủ quyền của chính Việt Nam đã là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, gây lên sự bất bình sâu sắc không chỉ ở đại đa số nhân dân mà còn gây lòng căm tức của các vị tướng lĩnh có tinh thần yêu nước cao của Việt Nam, đặc biệt của lực lượng hải quân hiện nay. Nhiều tướng lĩnh trong bộ tư lệnh hải quân đã thề quyết tử vì Đảo biển của tổ quốc.

Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm   2009. Photo courtesy of Lyson Forum.
Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum.

Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật đứng hàng thứ 4 trong bộ chính trị Đảng CSVN đã thay mặt quốc hội kêu gọi lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo biển của Việt Nam đã là dấu hiện cho thấy thương thuyết hữu nghị với Trung Quốc đang thèm khát dầu hỏa, tài nguyên và bành trướng thế lực ở biển Đông không có tác dụng nữa và nó nay đã chết. Ông là người mà nhiều người Việt Nam cho rằng vốn là hàng trung gian giữa hai phe bảo thủ và tiến bộ trong Đảng CSVN. Nay tuyên bố này của ông đã cho thấy những người vốn vẫn chần chừ, lưỡng lự trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảo biển nay đã có thái độ hoàn toàn khác khi nhìn thấy nguy cơ biến đảo biển của Việt Nam ở khu vực đang tranh chấp thành vùng biển đảo của Trung Quốc đã trở thành hiện thực và những ai hy vọng vào tình hữu nghị ngớ ngẩn đó là những người bạc nhước, đi lại chính nguyện vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam.

Bài học Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị và một Bạch Đằng mới ắt sẽ phải xảy ra khi mà Trung Quốc cố tình coi biển đảo của Việt Nam như sân nhà của mình. Người ta tự hỏi vai trò của những nhà lãnh đạo bảo thủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam còn tồn tại bao lâu? Và sự thử thách sức mạnh dân tộc Việt Nam trước một Trung Quốc bành trướng sẽ ra sao trong giai đoạn đầy cam go này? Biển Đông đã nổi sống cồn và hãy chờ xem Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ làm gì lúc này?

Người Quán Sát viết tại Hà nộị, ngày 9 tháng 5 năm 2010.

Theo dòng thời sự:

No comments: