
SÀI GÒN trong mắt văn nhân HÀ NỘI
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA: Ở Sài Gòn thì người cưỡi xe
@ Lúc 10 tuổi đã nổi tiếng là một thần đồng thơ. Vậy khi ấy, trong cảm thức của một thần đồng, Sài Gòn được hình dung như thế nào?
Trần Đăng Khoa: Tôi có tuổi thơ gắn liền với cuộc chiến tranh. Những năm ấy, bom đạn mù mịt ở Miền Bắc. Nhà tôi lại ở gần cầu Phú Lương, một trọng điểm bắn phá của Mỹ, nằm trên đường 5, một huyết mạch giao thông, nối giữa Hải Phòng với Hà Nội. Qua bài giảng của các thày cô, rồi đặc biệt là qua câu chuyện của các chú bộ đội, các dũng sĩ diệt Mỹ, thường xuyên tổ chức trong các buổi ngoại khóa, tôi cứ hình dung Sài Gòn là một ...trận địa, một ...chiến trường còn khốc liệt gấp ngàn lần so với quê hương tôi. Vì thế, năm 1968, hồi còn học lớp 4, tôi đã “miêu tả” Sài Gòn trong một bài thơ ghi lại câu chuyện của chú bộ đội đến thăm nhà: “Này đây đường phố Sài Gòn/ Rực trời ánh lửa phá đồn đêm nao/ Bao xe bọc thép lật nhào/ Bao nhiêu giặc Mỹ chui vào áo quan...”
@ Anh bắt gặp Sài Gòn lần đầu tiên vào năm nào? Ấn tượng sâu đậm nhất của anh vào thời khắc đó là gì?
Trần Đăng Khoa: Tôi biết Sài Gòn lần đầu vào cuối năm 1975, khi đó tôi đã là một người lính. Điều tôi ngạc nhiên là Sài Gòn chẳng có đồn bốt nào. Đó là một đô thị náo nhiệt và sầm uất. Hà Nội và các tỉnh Miền bắc, trong đó có cả Hải Dương quê tôi, thường chỉ xỉn một màu ngụy trang. Người dân đi trên đường thường không mặc màu sáng, đề phòng máy bay Mỹ có thể phát hiện, còn Sài Gòn thì rực rỡ muôn màu. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy phụ nữ mặc váy. Có em đánh cũn cỡn một cái váy ngắn, trông cứ như búp bê...
@ Bây giờ có nhiều dịp ra vào thường xuyên Hà Nội – TPHCM, anh có sự so sánh nào giữa hai đô thị lớn nhất nước không?
@ Hiện tại, nếu vào Sài Gòn, anh chọn vị trí nào mà anh cho là “rất Sài Gòn” để ngồi lơ lãng như một thi sĩ?
Trần Đăng Khoa: Vào Sài Gòn, khi xong công việc, cần thư giãn, tôi hay đàn đúm với hai vị luật sư là Nguyễn Minh Tâm và Phan Trung Hoài. Cả hai ông này đều rất thông minh. Họ làm thơ, viết lý luận rất sắc sảo. Ông Hoài có khu nhà nghỉ ở ven sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố chừng 30 cây số thôi. Xế về mạn Củ Chi gì đó. Vùng ấy bây giờ, thành phố xây dựng thành khu vực sinh thái. Căn nhà rất tuyệt vời. Gió sông lồng lộng. Con sông Sài Gòn dâng cao ngang mặt. Những đám lục bình đi lừng lững trong đêm. Ấn tượng lắm. Tôi đã qua nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chưa có căn nhà nghỉ nào đẹp, sang trọng và thơ mộng như thế.
@ Theo anh, Sài Gòn với đặc trưng một đô thi dung nạp được tất cả cư dân mọi nơi về sinh sống và lập nghiệp, liệu có “cá tính người Sài Gòn” không?
Trần Đăng Khoa: Có chứ. Đó là tính cách Nam Bộ. Thi sĩ Nguyễn Duy đã khái quát rất sinh động: “Qua ngẫm chán, sống nghĩa là xả láng/ Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu/ Nhà lá bung biêng che lá dừa, lá mía/ Nón lá qua loa nhưng nhậu phải đều đều”
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Người Sài Gòn có ý thức công dân đô thị
@ Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Đáy, nhưng anh đã có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới. Diện mạo đô thị đối với anh như thế nào?
Nguyễn Quang Thiều : Với những thành phố trên thế giới tôi đã đi qua, đã dừng lại và đã ngắm nhìn thì đô thị là nơi chúng ta vừa được làm việc trong những điều kiện tốt nhất mà điều kiện hàng đầu theo quan điểm của tôi và giao lưu giữa các nền văn hóa và các thông tin và vừa được trở về với thiên nhiên, với sự tự do tĩnh lặng của các nhân mình với những khu vườn, những hồ nước, những công viên và cả những khu rừng.
@ Trong cảm nhận chung về đô thị, Sài Gòn có nét riêng gì không?
Nguyễn Quang Thiều : Sài Gòn là thành phố hiện đại nhất Việt Nam nhưng có những khu vườn trong phố và những miệt vườn bao quanh. Những công dân Sài Gòn tiếp nhận rất nhanh và có ý thức về những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới để rồi tạo ra một đời sống đặc trưng của mình.
@ Anh còn nhớ anh bắt gặp Sài Gòn lần đầu tiên ra sao? Cuộc hạnh ngộ ấy có gần giống với tưởng tượng của anh trước đó về Sài Gòn chăng?
@ Sống ở Hà Nội, anh thường nghĩ về Sài Gòn bằng suy tư gì?
Nguyễn Quang Thiều : Một điều tôi luôn luôn so sánh Sài Gòn với Hà Nội. Đó là ý thức của một đời sống đô thị của người Sài Gòn nghiêm túc hơn.
@ Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ tạm cư một khoảng thời gian lâu lâu ở Sài Gòn?
Nguyễn Quang Thiều : Tôi đã ở Sài Gòn một thời gian khá dài, gần 3 năm. Đó là những năm tháng trai trẻ của tôi. Và tôi cũng có ý định ở đó một thời gian như vậy khi có điều kiện.
@ Ngay lúc này, ấn tượng mạnh mẽ nhất của anh khi nhắc đến Sài Gòn?
Nguyễn Quang Thiều : Vẫn là ý thức sống của một công dân đô thị của người Sài Gòn. Sài Gòn là thành phố sống động và đông dân nhất trong các đô thị ở Việt Nam những họ sống kỹ nhất, cho dù bây giờ Sài Gòn là nỗi kinh hoàng của kẹt xe.
@ Theo anh, chúng ta cần làm gì để Sài Gòn đẹp hơn, văn minh hơn?
Nguyễn Quang Thiều: Câu hỏi này nên để người Sài Gòn trả lời. Họ biết thành phố cần phải làm gì.
Nhà văn DI LI: Với Sài Gòn, khách hàng luôn là thượng đế!
@ Trước hết, nếu dùng một câu ngắn gọn để nói về Sài Gòn, chị sẽ nói gì?
Di Li: “Một thành phố của những cơn mưa rào nhiệt đới”. Người Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn, không khí Sài Gòn luôn hối hả và gấp gáp, nên dường như những cơn mưa cũng như vậy. Có lẽ người ta khó có thể kiên nhẫn chờ đợi một cơn mưa dai dẳng như ở miền Bắc.
@ Lần đầu tiên đến Sài Gòn, cảm giác của chị ra sao?
@ Nếu so với những thành phố mà bạn đã đặt chân tới, Sài Gòn có những ưu, khuyết điểm?
Di Li: Người Sài Gòn có cái gì đó giống người phương Tây. Họ có vẻ bề ngoài rất thân thiện, ồn ã, tay bắt mặt mừng, nhưng rồi là xong, không thể thân mật thêm nữa. Sài Gòn nhiều sắc thái, nhiều tôn giáo, điều này cũng đặc biệt thú vị, khi tôi thấy rất nhiều dòng tu, hay đạo giáo khác nhau mà tôi chưa nghe nhắc tới bao giờ. Nhưng cũng như tất cả các thành phố Đông Nam Á khác, Sài Gòn là một vùng đất nhiệt đới không có mùa đông. Mà cá nhân tôi thì không chịu nổi sự đơn điệu của thời tiết.
@ Với nghề thông dịch viên, chị đã nghe vị khách nước ngoài nào nhận xét về Sài Gòn mà chị tâm đắc chưa?
Di Li: Khách nước ngoài thường nhận xét về Hà Nội nhiều hơn Sài Gòn, không biết sao lại thế. Nhưng nhiều người nước ngoài tế nhị và lịch sự lắm. Họ biết tôi là người Hà Nội thì sẽ không bao giờ quá khen Sài Gòn đâu. Cũng như nguyên tắc mà họ tuyệt đối tuân theo là “Không khen một người phụ nữ trước mặt một người phụ nữ”. Tuy nhiên, có một điều mà bất kỳ khách nước ngoài nào cũng đồng ý là “Dịch vụ ở Sài Gòn tốt hơn Hà Nội”. Tôi đồng ý với bình luận này. Ở Sài Gòn, nếu bạn là khách hàng thì bạn sẽ là thượng đế.
@ Sài Gòn đa dạng và đa diện. Nếu chỉ được chọn một, chị chọn góc phố nào để ngồi với bạn bè ở Sài Gòn?
Di Li: Tôi đặc biệt thích những quán cà phê trong các con ngõ ở ngay trung tâm Sài Gòn. Ngõ nhỏ yên tĩnh, và quán thì lại rất rộng, có cả sân vườn, nhưng cũng yên tĩnh nữa. Không khí ấy Hà Nội không có. Hà Nội chỉ có những quán cà phê máy lạnh ở mặt tiền phố. Nếu muốn tìm một quán có không gian vườn tược thì cần đi xa hơn. Nhưng cái không khí cũng không thể thú vị bằng ở Sài Gòn. Tôi thấy những quán cà phê trong ngõ phố Ngô Thời Nhiệm thực ấn tượng.
@ Giữa chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn hoặc Sài Gòn – Hà Nội, những ý nghĩ nào thường xuất hiện trong tâm trí chị?
Di Li: Khi đi từ Hà Nội, tôi chờ đợi cảm giác đến một nơi vừa quen vừa lạ. Và khi rời Sài Gòn, tôi chờ đợi trở về một nơi quen thuộc, gần gũi hơn. Cả hai cảm giác đều da diết.
@ Mỗi khi làm thủ tục hải quan rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, nếu gửi lại một lời chào, chị sẽ viết gì trong tin nhắn?
Di Li: Mỗi lần rời thành phố này, tôi lại cảm thấy mình mang theo thêm một góc Sài Gòn trong trái tim, để khiến tôi thấy quen thuộc hơn, gần gũi hơn. Vì thế trong cái tin nhắn gửi lại cho bất kỳ người bạn nào trước khi lên máy bay, tôi vẫn luôn muốn cài vào đó một câu “Cảm ơn Sài Gòn…”.
TUY HÒA ( thực hiện)
http://lethieunhon.com/read.php/4241.htm
*
No comments:
Post a Comment