Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Sunday, February 8, 2009
NGUYỄN PHONG CHÂU * NGUYỄN DU
NGUYỄN DU, NHỮNG NGÀY THÁNG CHƯA QUÊN
NGUYỄN PHONG CHÂU
Trong hai mươi tám làm nghề dạy học , thời gian tôi dạy ở Nguyễn Du ngắn nhất, vỏn vẹn có năm năm, mà còn bị bớt đi một năm tôi đi du học nước ngoài. Bù vào chỗ này, đó là thời gian sung mãn nhất cuả tôi, vì tôi về Nguyễn Du vào đúng tuổi 'tam thập nhi lập', và như một nhà thơ tiền chiến đã viết:
Lòng người trai ba mưoi,
Vui hơn tuổi lên mười,
Yêu hơn độ mười bẩy,
Già hơn sắc năm mươi.
Nên thời gian tôi ở Nguyễn Du tuy ngắn, nhưng tình cảm cuả tôi dành cho ngôi trường này, các đồng nghiệp và học sinh, không dừng lại sau khi tôi đổi về trường khác, mà cứ tăng theo thời gian, nhất là thời kỳ sau 30-4-75, và cho tới bây giờ. Vâng, cho tới bây giờ, vưà vào tuổi 'cổ lai hy', những kỷ niệm về ngôi trường xưa bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Nhiệm sở đầu tiên cuả tôi là Trung Học Nguyễn Đình Chiểu , Mỹ Tho. Thời gian gần tám năm ở đây là thời gian bổ túc và ứng dụng vốn liếng gom góp được từ hai trường Sư Phạm và Văn Khoa Saigon. Kiến thức một sinh viên tốt nghiệp mới ngoài hai mươi còn cần phải bổ xung nhiều, nhất là kinh ngiệm giảng dạy. Thực tế có những cái không đúng như mình đã tưởng. Muốn thành công trong nghề dạy học, kiến thức chưa đủ. Nghề nào cũng có những tiểu xảo, vấn đề là có nên dùng tiểu xảo trong nghề dạy học hay không, và dùng tới mức độâ nào còn coi là chấp nhận được.Tôi nghiệm ra rằng đồng nghiệp và học trò rất tinh, vàng thau khó có thể lẫn lộn về lâu về dài được. Vả lại, hình như đa số những người chọn nghề dạy học đều rất khái. Họ chấp nhận ' không ăn khách ' và ' lạc đạo vong bần.'
Năm 1969 tôi được thuyên chuyển về trường Trần Lục , tiền thân cuả Nguyễn Du. Nhân nói chuyện thuyên chuyển, việc tôi được về Saigon là điều bất ngờ nhưng không phải ngẫu nhiên. Sau hai năm đầu ở Mỹ Tho, theo đúng nguyên tắc tôi có quyền nạp đơn xin về Saigon , và năm nào tôi cũng nạp đơn, tuy biết chẳng có hy vọng gì.
( Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho)
Năm 1969, Tết đã qua rồi và các thuyên chuyển cũng đã xong, tôi ' yên tâm công tác ' và đợi tới kỳ nạp đơn tiếp. Bất ngờ vì tôi không đợiø mà nó xẩy đến , nhưng không phải ngẫu nhiên vì nó có nguyên nhân. Sau này ba tôi cho biết nhân dịp ba tôi về Saigon ăn tết với gia đình--trong năm ông cụ ở Quảng trị một mình trông nom một tiệm thuốc tây-- tình cờ gặp lại một người bạn lo về nhân viên ở Nha Trung Học. Nhân lúc hỏi thăm nhau về gia cảnh, biết được tôi đã dạy ở Mỹ tho hơn bẩy năm mà chưa được thuyên chuyển, ông bạn nói với ba tôi ông có thể giúp vì tôi đủ điều kiện. Ba tôi không cho tôi biết, ý ông cụ đợi xem sao rồi hẵng hay.
Một hôm ông hiệu trưởng Phan Văn Huấn cho tùy phái mời tôi vào văn phòng và cho biết tôi có sự vụ lệnh đổi về Saigon. Vì thấy tôi cũng bị bất ngờ và không có phản ứng gì rõ rệt, ông hiệu trưởng liền 'chiêu hồi' tôi ở lại trường. Oâng nói, “ Bây giơ ngoài mấy vị giáo sư già ra, anh thuộc nhóm tốt nghiệp Khoá 1 Đại học Sư phạm là chim đầu đàn trong trường. Anh có nhà cưả nhà trường cho ở, thời khoá biểu xếp linh độâng cho anh đi dạy tư dễ dàng, bạn bè và quen biết rất nhiều và nhất là học trò đều mến anh. Về Saigon, có thể coi như anh làm lại từ hai bàn tay trắng.” Tôi cám ơn ông và nói để tôi về nghĩ lại.
Nhưng tôi không phải nghĩ lại lâu. Ngay ngày hôm sau tôi đã vào gặp ông để thông báo quyết định cuả tôi. Tôi nhớ đã nói với ông, “ Tôi thành thật cám ơng ông hiệu trưởng đã có hảo ý và muốn tôi ở lại. Nhưng đây là một quyết định quan trọng, một quyết định để tôi trở thành một ' người lớn'. Tôi biết về Saigon bây giờ là sẽ gặp khó khăn kiếm nhà thuê, nhất là kiếm chỗ dạy tư để phụ thêm vào số lương cứ nhỏ đi dần vì vật giá leo thang và số đinh trong nhà cũng tăng.”
Nhớ lại hồi năm 1961 khi mới ra trường, lương độc thân hơn bẩy ngàn đồng, phải năn nỉ không dạy thêm giờ phụ và xin xắp thời khoá biểu thật gọn, để mỗi tuần trưa Thứ Năm đã có thể về lại Saigon. Thời gian đó thật hạnh phúc, tiền bạc rủng rỉnh, chiều Thứ Năm đám bạn Văn Khoa đã đợi với danh sách các phim chiếu ở rạp nào. Suốt ngày lê la ở Văn Khoa, vậy mà cuối cùng cũng lấy được nốt hai chứng chỉ Cử nhân.
Ngay từ hồi còn học trung học ở Huế, tôi đã mơ vào học ở Saigon vì nghĩ rằng đó là trung tâm văn hoá và nghệ thuật. Cho nên khi về dạy ở Mỹ Tho, tôi không bao giờ quên là một ngày nào đó tôi phải trở lại Saigon. Cho nên ngày dọn nhà về Saigon, lòng tôi thật hân hoan, tuy có lúc bất chợt thấy lo âu vì không biết bao giờ đời sống mới ổn định trở lại, và nao nao khi chợt nhớ lại nét mặt Lê Trọng Thủy - ông bạn thiết hàng xóm dạy toán - khi nắm tay tôi và nói, “ Châu ơi, mày nhất định bỏ Mỹ Tho và bọn tao đó hay sao?”
( Trường Trần Lục, Saigon 2004)
Tôi đến nhận nhiệm sở ở Trần Lục vào một buổi chiều muà hạ. Sở dĩ vào buổi chiều vì Trần Lục hồi đó còn đang dạy nhờ ở trường Tiểu Học Tân Định. Buổi sáng dành cho các học sinh tiểu học . Nhà trường chỉ có một khu nhỏ là riêng cuả mình: văn phòng, phòng hiệu trưởng, phòng giáo sư … tất cả gom vào một chỗ. Trường chỉ có tới lớp Đệ Tam, lên Đệ Nhị học sinh phải chuyển qua Petrus Ký.
Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Ngọc tiếp tôi tại bàn giấy cuả ông kê ở giưã phòng. Qua cặp kiếng cận thật dầy, ông hấp háy nhìn tôi và mỉm cười nói mừng tôi về với Trần Lục. Tôi thích vẻ mộc mạc cuả ông. Ông cho tôi biết trường sẽ đổi tên là Nguyễn Du khi về cơ sở mới ở Cư xá Sĩ Quan Chí Hoà, khi đó còn đang xây. Đoạn ông giới thiệu tôi với thầy Dũng, giám học, thầy Tuyến, tổng giám thi, mấy nhân viên văn phòng và giám thị. Cuối cùng ông đưa tôi qua một bàn dài phiá trong cùng, đó là phòng giáo sư. Lúc đó chỉ có hai ba vị, tôi nhớ nếu không lầm là thầy Cảo, thầy H.L.Toàn và một vị nữ giáo sư nưã mà tôi quên mất tên.
Vì quen với một trường lớn, cơ ngơi đâu ra đó, các nhân viên già từ thời Tây rất chững chạc và trang trọng, những buổi họp hội đồng giáo sư trong amphithéatre nghiêm trang, tôi không khỏi có cảm giác lạ lùng ngày đầu tiên tôi tới Trần Lục.
Nhưng ngay sau đó, cảm giác này được thay thế bởi một cảm giác dễ chịu, thoải mái. Tôi thấy có cái gì đó thân quen, giao tiếp với các giáo sư khác và ban nhân viên thật dễ chịu, đầy không khí gia đình. Dạy ở điạ điểm Tân Định có cái thú là hôm nào về sớm, tôi thường la cà quanh khu Hai Bà Trưng và Yên Đổ, ghé tiệm này tiệm nọ, hay vào quán cà phê ở góc đường ngồi ăn uống lai rai, nhìn thiên hạ.
Trong số học sinh tôi dạy năm đầu ở Trần Lục, chỉ còn một em có liên hệ đặc biệt với tôi, và có lẽ là độc nhất trong đời 'godautre' cuả tôi. Tôi dạy H.T. Lý lúc đó học Đệ Tam. Hình ảnh về em mà tôi còn hình dung ra được là một cậu bé khá cao, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ và học rất giỏi. Năm sau em về học Pétrus Ký. Có hai chi tiết đặc biệt về em. Sau kỳ đầu Tú Tài II ít lâu, Lý đến thăm tôi và cho tôi biết vì làm một bài thi mà em tự đánh giá chỉ đủ điểm trung bình, như vậy sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng văn bằng cuả em, nên em đã bỏ một môn để thi lại kỳ hai. Em nói muốn xin được học bổng thì phải đậu ít nhất hạng Ưu, còn tự túc ít ra cũng phải hạng Bình.
Một hôm Lý tới nhờ tôi viết thư giới thiệu để em bổ túc hồ sơ xin học ở một trong các trường thuộc Ivy League. Tôi cũng không thắc mắc tại sao em không nhờ thầy đang dạy em viết thư giới thiệu. Về sau tôi được biết ba trường lớn đã chấp nhận cho em học, và em đã chọn học ở Yale.
Quan hệ giưã tôi và Lý không ngừng lại ở mức thầy-trò, mà giưã hai gia đình. Hồi Lý còn đang học bên Mỹ, mẹ Lý thỉnh thoảng từ Gò Vấp lặn lội tới khu Nguyễn Thiện Thuật để cho tôi hoa trái và trứng gà. Bà cụ bảo có chút quà cây nhà lá vườn để “ thầy tẩm bổ “ , nhân thể cho biết qua loa về việc học cuả em. Sau 30-4-75, liên hệ càng thân hơn khi thầy mẹ Lý dọn nhà về Cư Xá Công Lý, trước chuà Vĩnh Nghiêm. Nơi đây tôi lui tới nhiều hơn, ăn phở Công Lý vào buổi sáng, chơi mạt chược với một bạn giáo sư ở phiá mặt tiền vào buổi tối. Cụ thân sinh ra Lý coi tôi như bạn vong niên và mê mạt chược. Tôi chỉ biết chơi mạt chược sau 4-75. Chúng tôi đi chơi ở nhiều điạ điểm khác nhau, và khi tôi qua Mỹ thăm bạn bè ở Cali, cụ đã lôi tôi tới chơi ở nhà một ông nghị viên. Cụ cũng nhờ tôi kèm Anh văn cho tất cả các em trai và gái cuả Lý.
Các em khi qua Mỹ đều thành đạt, đặc biệt là cô em út khi tốt nghiệp đại học đã được bà Gorbachev trao bằng, nhân dịp bà cùng chồng thăm Hoa kỳ. Em tiếp tục qua Stanford học và đậu PH.D về tin học. Khi qua Mỹ, ghé Boston hay Westminster, tôi đều ghé ở lại ở nhà cụ thân sinh ra Lý, cũng như lúc cụ đã ngoài 80 vẫn một mình bay qua Ottawa ở chơi với gia đình tôi một tuần. Mẹ Lý rất thích kể lại hồi năm 1977 hay 78 gì đó, thời gian 'đọi' nhất, một hôm bà cụ tới nhà tôi cho cái gì đó, vợ chồng tôi đi dạy học, chỉ có cháu bé ở nhà. Lúc đo cháu mới lên tám, nguời gầy yếu, bà cụ phải bê hộ nồi cơm điện lên cái bàn cao, vậy mà cháu còn biểu diễn xào rau muống 'không người lái', không cần mỡ, cho cụ coi.
Tôi rất trân qúy mối liên hệ hiếm hoi này và luôn thầm cám ơn gia đình cụ đã luôn luôn ở bên gia đình tôi vào thời kỳ khó khăn nhất . Thời gian Trần Lục đổi tên thành Nguyễn Du khi dọn về Cư xá Sĩ quan Chí hoà là thời gian đầy ấn tượng trong đời tôi. Lúc đó trường mới xây xong, chung quanh chỉ có hàng rào, chưa xây tường, nhưng với hai tầng lầu dài, đủ dể có văn phòng, phòng hiệu trưởng, phòng giáo sư đâu vào đó. Đặc biệt là mở thêm tới lớp Đệ Nhất, nên giáo sư có thể tới dạy Đệ Nhị Cấp vào buổi sáng và Đệ Nhất Cấp vào buổi chiều. Trong thời gian này, tôi đã được một người bạn giới thiệu dạy Anh văn tại một trường tầu ở Chợ Lớn vào buổi sáng, nên tôi đã xin dạy một số lớp vào buổi chiều. Vì không có nhu cầu giáo sư Anh văn Đẹâ Nhất Cấp nên tôi được xếp dạy Sử Điạ cho Lớp Đệ Thất và Đệ Lục.
Điều lý thú là số học sinh buổi chiều tôi dạy rất ít so với số học sinh buổi sáng, nhưng không hiểu tại sao những học sinh cũ mà tôi gặp lại sau này đều là học sinh Thất, Lục. Tôi cũng không ngờ tại Ottawa đã có ba học sinh tới nhận tôi và cho biết học Sử Điạ với tôi. Tôi gặp lại Đào ngay năm 1989 khi tôi mới qua Canada. Lúc gặp lại thật bất ngờ và cảm độâng. Trên xe buýt đầy người đi làm vào buổi sáng, một thiếu phụ đi về phiá tôi và nói, “ Chào thầy. Con là Đào, thấy có nhận ra con hay không?” và không kịp nghe tôi trả lời, Đào nói luôn, “ Hồi đó con học Đệ Thất ở Nguyễn Du.” Chi tiết này giúp ký ức tôi làm việc nhanh hơn. Tôi nhớ tới cô bé mắt to ngồi bàn đầu, rất hoạt động và có vẻ như điều khiển được cả đám con trai ở ” xóm nhà lá.” Còn Hoan tôi gặp lại ở sân tennis Đại Hoc Ottawa, lúc em chưa học xong PH.D. Mạnh tôi cũng gặp ở sân tennis, mãi về sau và đã đi làm rồi. Cả hai đều đến chào tôi và nhận thầy, nếu không tôi chẳng thể nào nhớ được.
Chuyện hầu như chỉ trò nhớ thầy cũng dễ giải thích. Mỗi lớp tuần học Sử Điạ có hai giờ, mà lại là lớp nhỏ. Thầy dạy quá nhiều học trò thì làm sao nhớ được. Chỉ em nào có cái gì thật đặc biệt mới được thầy để ý và nhớ lâu hơn, chẳng hạn như thật giỏi hay thật dở, thật nghịch ngợm và lười biếng, hoặc có năng khiếu về thể thao hay văn nghệ… Các em lớp nhỏ chưa lo thi cử, nên cả thầy và trò đều thoải mái. Bài vở chẳng có gì, lại có sẵn sách, tôi khuyến khích em nào không có sách thì ráng mua để khỏi mất thì giờ chép bài trong lớp. Cho nên giờ học sau khi giảng bài xong, thì giờ còn lại là giờ kể chuyện, mọi chuyện tôi biết liên quan tới bài học. Tôi muốn mở rộng thêm kiến thức tổng quát cho các em và làm các em cảm thấy thích môn học thường bị coi là thứ yếu trong học trình. Có lẽ cũng vì thế mà các em nhớ tôi lâu hơn. Nếu đây là một điều hay, thì tôi phải nói đó là nhờ thầy Đàm Xuân Thiều.
Tôi chưa từng bao giờ là học sinh cuả thầy Thiều. Tôi học ở Quốc Học, Huế. Kỳ thi Tú tài II năm 1958, tôi vào vấn đáp môn Sử Điạ với giáo sư Thiều. Câu hỏi tôi bốc trúng liên quan tới nước Đức trong thời Đaị Chiến 2, chi tiết để trả lời đúng vào câu hỏi thì tôi không nhớ. Chả lẽ đứng ì ra, tôi nói lòng vòng quanh đó, thầy cứ gật gù để tôi nói gần nưả giờ. Sau cùng thầy hỏi đã xong chưa, tôi bẽn lẽ gật đầu.
Thầy nói , “ Anh không trả lời trúng vào câu hỏi, nhưng điều anh nói chứng tỏ anh đãù đọc nhiều. Tôi cho anh đủ điểm trung bình. “ Tôi rối rít cám ơn, và từ đó về sau mỗi gặp hay nhắc tới giáo sư Thiều, tôi đều dùng chữ Thầy một cách yêu kính. Tôi vẫn còn nhớ sau 4-75, tôi thỉnh thoảng gặp thầy cô ra ăn phở ở tiệm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự. Lần đầu tôi xin phép thầy cô ngồi cùng bàn. Khi ăn, tôi nhắc tới chuyện trên. Thầy cô nhìn tôi thật hiền và vui vẻ.
Về điạ điểm mới, Nguyễn Du dần dần đi vào nền nếp. Tôi đặc biệt nhớ tới một truyền thống bất thành văn là trong các dịp quan hôn tang tế, một số đông giáo sư và nhân viên văn phòng đã có lệ tự động quyên tiền đóng góp. Hình thức tương trợ này ngoài việc giúp đõ thiết thực, còn nói lên được cái tình cuả mọi người đối với nhau. Không khí ' làng xã ' này rất phù hợp với bản tính cuả tôi.
Một điểm khác nưã là nhiều giáo sư trẻ rất chịu khó đi học thêm ở các trường đại học với mục đích thăng trật hoăïc chuyển ngành. Rồi một kiosk nhỏ được đựng lên ở gần cổng ra vào. Ai cảm thấy có khả năng thì đứng ra 'thầu', cung cấp học liệu lặt vặt cho học sinh với giá rẻ, thực phẩm nhẹ và cà phê thuốc lá cho nhân viên. Đây là điạ điểm lý tưởng cho mấy thầy giáo ngồi nói đủ thứ chuyện trên đời vào các giờ trống. Ở đây, tình bạn cuả một số trong bọn tôi là vượt quá xa tình đồng nghiệp. Giám học Dũng và Tổng Tuyến vì quan trên trông xuống, 'học trò' trông vào, nên ăn nói còn phải ngó trước ngó sau, còn đám thầy giáo bọn tôi thì thật thoải mái. Không biết căn cứ vào đâu mà Tổng Tuyến một hôm đã đổi một bài thơ xưa rồi ghép bốn tên trong đám chúng tôi vào:
Nguyễn Du có bốn anh hùng,
Toàn gian, Long láo, Bảng khùng, Châu ngu.
Đọc xong, ông ta cười hô hố và nói, “ Đáng lẽ me-sừ Châu cũng phải đổi sang họ Đỗ.” Quả vậy, tôi họ Nguyễn, còn ba 'vị' kia là Đỗ Quý Toàn, Đỗ Kim Bảng và Đỗ ngọc Long. Hàn Long Toàn dạy Toán, còn Toàn này dạy Văn, là một nhà thơ, nhà báo khi còn ở Saigon chuyên viết 'phiếm', mộât nhà giáo dục, và hiện giờ là một nhà một nhà phân tích kinh tế và chính trị xuất sắc, thường được các đài phát thanh ở Hoa Kỳ và Pháp phỏng vấn. Tôi không đủ khả năng để thấy Toàn 'gian' ở chỗ nào cả. Hồi đó hàng tuần chúng tôi phải vào trực đêm trong trường, tổ tôi có Toàn, Bùi Văn Hiệp, Đỗ Ngọc Long và tôi. Lần đầu tán chuyện, đọc sách để đợi lúc đi ngủ. Sau chán qua, tôi nghĩ tới chuyện chơi chắn, nhưng thiếu tay nên tôi phải gọi thêm P.K.Anh dạy cùng với Long và tôi ở Regina Pacis tới cho có đủ năm chân.
Thế là chúng tôi có một tổ chắn 'còm' rất lành mạnh. Toàn đi thoát khỏi Việt nam ngay từ 4-75 và định cư ở Montreal , Canada. Khoảng hai tuần sau khi tôi được người anh bảo lãnh qua Canada vào cuối Tháng 3-1989, vợ chồng Toàn đã lái xe xuống Aylmer, Quebec, nằm bên kia sông Ottawa, thăm chúng tôi. Toàn mang cho tôi một số sách, truyện và chị Duyên - có tiệm thuốc tây ở Montreal - thì cho nhà tôi một số thuốc.
Khi đó chúng tôi còn đang ở nhờ nhà anh tôi, Toàn xin phép đưa vợ chồng tôi qua Ottawa chơi, vào ăn bánh cuốn ở quán Phở Bắc ở Phố Tầu. Khi trở về gần đến nhà, Toàn cởi chiếc Sportscoat đang mặc đưa cho tôi, cười nói, “ Oâng giữ lấy mà mặc. Tôi không đưa cho ông ở trong nhà vì thấy nhà anh ông sang quá, sợ hurt ông ấy.” Chiếc áo đó tới nay tôi vẫn thường mặc khi trời đã ấm hơn vào muà xuân và chưa quá lạnh buổi tàn thu. Vợ chồng Toàn đã qua ở hẳn Cali để hoạt động văn nghệ. Trước khi đi, Toàn lái xe xuống thăm tôi. Chúùng tôi ngồi ở vườn sau, lơ đãng nhìn lá rơi. Khi chỉ có hai người, ngồi bên nhau, nói chuyện thì ít mà yên lặng thì nhiều.
Chúng tôi thích khoảng thời gian như vậy. Hiện thời, có dịp qua lại Mỹ và Canada, nếu có thể chúng tôi vẫn gặp nhau. Lần mới đây nhất tôi gặp Toàn là ở toà soạn báo Người Việt hồi Tháng 4-2008. Toàn đưa tôi tới chụp ảnh kỷ niệm trước cưả các phòng họp mang tên những người bạn nay đã là người “ cuả muôn năm cũ” : Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu và Đỗ Ngọc Yến. Vị anh hùng thứ nhì là Đỗ Ngọc Long. Long dạy Văn và Triết. Long cao lớn. Chơi bóng chuyền, tôi chuyên nâng bóng cho Long đập. Nhưng Long ăn nói nhẹ nhàng, giọng trầm ấm, và khi đi cũng chậm chạp. Các nữ sinh đã nhận xét rất đúng, “ Thầy Long đi như trôi vào lớp.” Long hát hay, làm thơ tình cũng tuyệt. Nhưng Long chỉ cho một hai người bạn rất thân đọc, sau đó bỏû đâu tôi cũng không biết. Chơi rất thân với Long, tôi thấy tuyệt đối không có chỗ nào có thể nói là “ Long láo ” được.Dù đã về Y khoa từ năm 1973, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Long, nhất là sau 4-75 thì hầu như mỗi ngày. Long chỉ cho tôi bí quyết viết ' sơ yếu lý lịch ', vụ này cứ phải làm đều đều dài dài.
Đại khái là viết thật ngắn, chỉ viết những chi tiết chính, các con số cần thiết, và phải nhớ kỹ cái gì mình đã viết lần đầu. Tiện nhất là sao lại một bản, lần sau phải viết chỉ thay đổi cái 'râu ria', còn cái chính phải y chang như cũ. Tiếc rằng lúc tôi biết thì đã trễ, vì ngay lần đầu tiên ở phường khóm, tôi đã khai đủ thứ trên đời. Về sau bổ túc hồ sơ cho con gái tôi mới lên chín ra tập huấn môn thể dục dụng cụ ở Hanoi, Phòng Tổ Chức thuộc Sở Thể Dục Thể Thao thành phố đã bác đơn vì phần lý lịch tôi khai thiếu mất hai chi tiết so với tờ khai ở phường. Tôi đã giải thích vì thiếu chỗ nên tôi phải tóm tắt, trưởng phòng bảo được cứ về, nhưng rút cuộc con tôi vẫn cứ ở nhà. Cô cán bộ huấn luyện con tôi đã mách nước cho tôi giải thích với Phòng Tổ Chức, nay thấy vô hiệu, đã trút cái bực bội lên đầu tôi, “ Sao anh dại thế, đã Bắc kỳ di cư thì khai nhiều làm gì. Con bé rất có năng khiếu.” Khi Long chỉ cho tôi cách khai lý lịch, tôi hỏi đuà Long làm sao mà hay vậy, cán bộ nào chỉ mánh cho thế. Long chỉ mỉm cươiø. Long kể cho tôi một hôm có một cán bộ tới tìm Long tại nhà ở Đường Phan Thanh Giản và trao cho Long một lá thư. Đó là thư cuả ông Hoàng văn Hoan. Thư cho biết ông thân sinh cuả Long là đồng chí hoạt động trong bóng tối cùng với ông Hoan và ông Nguyễn Lương Bằng.
Đó là ông Đỗ Ngọc Du, bí thư thành ủy đầu tiên cuả Hà-nội. Ông Du bị tù ở Côn Đảo, chết năm 1938 vì bệnh lao, khi Long mới lên hai. Oâng Hoan dặn Long cứ yên tâm công tác, “ các bác luôn luôn chiếu cố tới con cháu đồng chí,” có chuyện gì cần thì cứ liên lạc với người đưa thư. Nhưng Long làm sao yên tâm công tác được. Cái đầu đầy triết tư sản khó tẩy lắm. Có lần Long đã đi vượt biên nhưng không thành. May sao chị Long trước học ở Tân Tây Lan, xin thầy cũ đứng ra bảo lãnh cho gia đình Long qua bên đó được. Long được đi khoảng năm 1984-85 gì đó. Thời gian trước khi đi, Long thường kêu hay đau bụng, cả Long và chúng tôi đều nghĩ là nhiều lo âu dễ làm người ta đau dạ dầy lắm. Như đã nói ở trên, Long rất to con, bạn bè gọi là Long Voi, nên ăn cũng rất khỏe.
Buổi sáng sớm những hôm chơi tennis, chúng tôi thường ăn phở gánh ở đường Kỳ Đồng. Khi tôi chưa ăn hết nưả tô thì Long đã ăn xong, và lúc nào cũng có vẻ còn thòm thèm. Những lần Long ghé nhà tôi, gặp giờ cơm hay nhà có món gì đặc biệt, Long vào ăn rất tự nhiên. Nhà tôi cứ áy náy là không có nhiều để Long ăn thoả thê. Khi ra về, Long có thói quen vỗ nhẹ vào má tôi thay lời chào. Long hơn tôi hai tuổi, và đối với tôi như anh với em. Sau 4-75, những lần về lại Nguyễn Du chơi bóng chuyền, tôi thường cùng Long kéo nhau về nhà San ở gần đó để trò chuyện thoải mái, không sợ bị ai để ý. Lúc vào nhà, việc đầu tiên là Long đi thẳng lai tủ lạnh, mở kiếm xem có gì ăn được không. Thời gian sau khi không còn 'chà đồ nhôm' được nưã thì bọn tôi đói triền miên. Nhét đầy bụng ' chè bo bo' mà vẫn cảm thấy đói. Một nưả ký thịt một tháng, chủ yếu dành cho mấy đưá con, thì lấy đâu protêin nuôi cơ thể. Tôi vốn gầy mà còn thế, huống chi Long voi . Long có lần đã nói với chị San một câu thật thấm thiá, “ Giờ tôi mới nghiệm ra một cách rõ ràng là cái giữ chịt con người xuống mặt đất chính là cái bao tử.”
Lá thư đầu Long gửi về cho tôi từ Tân Tây Lan cho biết vưà mới tới phi trường Bangkok thì Long đã bị đau bụng dữ dội, không ăn uống được gì cả. Tới TTLan, thì mới biết bị ung thư dạ dầy và đã lan sang các cơ quan chung quanh. Long bảo lần cuối chơi tennis với tôi bị thua là vì bị bệnh, nên chưa tâm phục. Tối nhớ buổi sáng hôm đó như thường lệ chúng tôi ghé ăn phở ở Kỳ Đồng. Tôi ngạc nhiên vì đã ăn xong rồi mà Long vẫn còn gần nưả tô. Long nói bụng ngâm ngẩm đau, ăn không thấy ngon. Long kể đi làm ở hãng giầy Addidas và giờ ăn “ mình chỉ ăn được tí súp, cắn bi-tết một miếng rồi bỏ. Phải chi có thể gửi về cho các cậu những phần bí tết cuả mình.” Mấy thư sau Long phải đọc cho con gái viết. Rồi Long ra đi vĩnh viễn, hình chị Long gửi về cho tôi là một Long mà tôi chỉ nhận ra được cặp môi. Chứng bệnh đã tàn phá Long nhanh quá. Đỗ Kim Bảng là đại lão trong số bốn chúng tôi.
Bảng tốt nghiệp Cao Đảng Sư Phạm ở Hànội và trước khi di cư, lúc con học đệ nhất cấp, tôi đã nghêu ngao bài Muà Thi nổi tiếng cuả Bảng. Thi ơi làthi Sinh mi làm chi Oâi đời đời Khóc cùng cười Hoà theo muà thi. Thời còn đi học, may mắn tôi chưa một lần khóc theo muà thi. Nhưng trong thời đi dạy học, tôi đã hai lần 'khóc', vì bị hành hung khi đi coi thi ở Long Xuyên và Biên Hoà. Tôi chưa từng làm biên bản một thí sinh gian lận nào, chỉ tịch thu tài liệu quay phim hoặc bài đánh tráo từ ngoài đem vào, rồi cho giấy thi khác làm tiếp. Tôi không khóc vì cả hai lần đều không trúng đòn, nhưng 'khóc' khi về Nha Trung Học báo cáo thì được dặn dò, “ Thôi, em phải cẩn thận. Lần sau 'qua' không đưa em về nơi đó coi thi nưã.” Tuy vậy, muà coi thi dù sao vẫn là thời gian thư giãn, nhất là những lần đi coi thi cùng với Long, mà lại gặp Chu Hoài Nhân ở cùng hội đồng thi. Nhân là cháu cụ Chu Mạnh Trinh, tôi thường đuà bảo Nhân là không được chút tài hoa nào cuả ông cha cả, ngoài tài đánh bạc. Long và tôi rất tin tài chơi xì phé cuả Nhân. Hè 71 khi coi thi ở Cần Thơ, tôi và Long gom tiền đưa cho Nhân, kỳ đó chúng tôi đều đi ăn cơm Tây hay nhà hàng 'đặc sản.' Như đã bào chưã cho Toàn và Long, tôi không thể không biện hộ cho Bảng.
Khi tranh luận, mặt Bảng hay đỏ lên và giọng cao hơn. Đó chỉ là cách để truyền đạt một cách thuyết phục lập luận cuả minh. Vả lại, làm nghề dạy học, thường càng lớn tuổi càng gàn, mà gàn nhiều dễ bị ngộ nhận là khùng lắm. Còn tôi, tôi đã nghĩ sao khi được tặng chữ 'ngu.' Tôi thấy đúng quá đi chứ, chả có gì phải bàn cãi cả. Đã không biết bao nhiêu lần tôi tự xỉ vả tôi, “ Châu ơi, làm sao mày có thể ngu thế!' Như vậy chỉ nói ngu thôi là còn nhẹ tay, còn thương đấy. Nhiều bạn khác còn thay chữ 'ngu' bằng chữ khác ghê hơn nhiều, tôi cũng chẳng dám cãi. Sau 4-75, còn hai người bạn nưã mà tôi chơi rất thân, thường xuyên gặp nhau cho tới ngày tôi xuất ngoại. Đó là Trương Tiếu Oanh, còn được bạn bè thương gọi là Oanh Ngồi, và Bùi Thế San, với nickname San Gà. Tôi hỏi Oanh tại sao có tên này, Oanh chỉ cười. Còn San thì nói ,” Bà xã tao tên Nga, tao ký tên hai người với nhau, thành Sanga,'bọn xấu' nó chế ra thành San Gà.”
Tôi cười , bảo,” Mày ký thế thì bắt người ta gọi khác làm sao được.” Vì dạy ở đại học rảnh, tôi thường về lại Nguyễn Du chơi với bạn bè cũ, nhất là sau năm 75, hầu như tuần nào tôi cũng về chơi bóng chuyền ít nhất một lần với Long, Oanh, Mậu, Hoàng, Nhiếp, San . . .Sau này tôi còn chơi tennis với Oanh tuần ba lần ở sân Thoại Ngọc Hầu. Trước khi chơi thì thỉnh thoảng ăn phở, còn sau khi chơi phải là cà phê, tán gẫu. Qua tennis, tôi học được ở Oanh hai cái khôn là làm sao giữ tinh thần luôn luôn thoải mái và cách suy nghĩ tích cực lạc quan. Oanh thường bảo tôi, “ Chơi cốt cho ra mồ hôi thôi mà ” và khi thua đến nơi rồi Oanh vẫn nói, “ Còn da lông mọc.” Quả vậy, có những trận đảo ngược thế cờ, lông không những mọc được, mà còn mọc xum xuê nưã. San ngay từ lúc đứng ra khai thác kiosk đã lộ cái tài 'sĩ kiêm bách nghệ' cuả mình, và sau 4-75 thì cái tài đó nở rộ. Khi tôi chưa được phép dạy tư Anh Văn thì San đã xoay sang buôn bán rồi.
Hai mặt hàng San thường cung cấp cho các quán cà phê và bạn bè là đường và sưã đặc. Hỏi kiếm ở đâu ra, San nói túng thì phải tính. Máy ly tâm ở máy giặt được dùng ở các lò đường, còn sưã đặc là trộn sưã bột với đường và ít nước. Thỉnh thoảng San ghé vào nhà tôi, quăng cho tôi bịch đường, “ để mày cải thiện”, hay hôm nào khá hơn thì lôi tôi tới Sân Cộng Hoà nhậu bia hơi . Một tài khác nưã là San đoán tử vi và nhất là bói Dịch. Tài này không đem tiền lại cho San, nhưng cà phê thuốc lá và những bưã cơm gia đình là chuyện thường xuyên. Hình như San đã bắt đầu trau giồi nghề này từ khi còn dạy ở Bình Dương, sau năm 75 là đào xâu thêm và thực nghiệm. Riêng đối với gia đình tôi thì tài bói Dịch cuả San thật lạ lùng. San nói trúng thời gian tôi được xuất cảnh, rồi bị từ chối khi phỏng vấn, trong khi một người bạn chung khác cuả hai chúng tôi dùng tử vi thì lại nói ngược hẳn lại. Em rể tôi vượt biên và bị bắt giam ở Vũng Tầu. Hăm ba tết, người bạn kia dùng tử vi, nói với mẹ tôi,” Nó mà được về trước tết thì con mất cho cụ hai lạng vàng.” San ngồi bên, thấy mẹ và em gái tôi nước mắt giòng giòng, bèn nói, “ Cụ lấy hộp tăm bốc cho con mấy cái.” Đếm xong mấy cái tăm, San suy nghĩ một lúc rồi nói, “ Hai mươi tám Tết thằng Th. sẽ có mặt ở nhà.” Chiều hăm tám Tết, em rể tôi lừng lững về nhà thật. Phải nói ngay là người bạn kia rất được nể phục về tài đoán tử vi, có thể vì vậy mà San chuyểân qua bói Dịch.
Tôi thì nghĩ rằng giữa người bói và người xem bói, nếu có cái gì đó phù hợp với nhau, hoặc có duyên với nhau, thì bói sẽ trúng. Do đó San thường bảo người muốn coi bói phải tập trung, nghĩ về điều mình muốn biết, tâm có động thì mới linh được. Có lẽ tôi hợp với San hơn là với người bạn kia. Cái 'tài' cuối cùng cuả San thì quả là độc đáo. Hồi đó phong trào đi học Tài Chi rất mạnh. San theo học một võ sư gốc Hoa và sau cũng đi huấn luyện tại các bãi tập như ở các sân chuà, nhà thờ hoặc công viên. Qua võ thuật, San tìm tòi về y thuật liên quan tới các huyệt đạo rồi chuyển qua châm cứu. Các học viên lớn tuổi bị đau nhức chỗ nọ chỗ kia, San dùng châm cứu giúp được nhiều người bớt đau hoặc khỏi hẳn. Tùy theo chứng bệnh, khi thì San dùng kim (châm) khi thì dùng sức nóng(cứu) để kích thích các huyệt đạo. Để kích thích huyệt đạo bằng sức nóng, San cắt một lát tỏi mỏng đặt lên trên huyệt, rồi dùng một nén nhang dí vào lát tỏi. Tôi chịu đụng dễ dàng , nhưng một nữ sinh viên cuả tôi bị chứng ra mồ hôi tay, nhờ San chữa, khi đi về cô bé nói nhỏ với tôi, “ Thầy ơi, thầy San 'tra tấn' em đau qua! “
Dùng kim đả huyệt thì chỉ công hiệu được một thời gian ngắn, San kích thích huyệt lâu hơn bằng cách chích B12 vào ngay huyệt, thời gian thuốc tan được tính theo giờ. Tình huống này từ hoà đến thắng, vì dù sao B12 cũng chỉ coi như thuốc bổ. Sau San còn nghĩ ra được cách kích thích huyệt nhiều ngày và nói công hiệu lắm. Tôi không biết bao nhiêu người đã được San chữa bằng cách này, nhưng chắc chắn có ít nhất một người, đó là nhà tôi. Hồi đó nhà tôi bị đau thần kinh toạ, Tây y chưã mãi không khỏi, chuyển sang Đông y. Thôi thì thuốc băùc, thuốc nam, ai chỉ đâu thử đó. Có cả điả hút máu, 100 con ong chích xưng cả người, cũng không hết. San bảo thử dùng cách mới cuả San xem sao. San dùng một kim chích lớn - loại kim dùng chọc đốt sống thắt lưng - chích vào huyệt đạo, kế đó cắt một mẩu nhỏ chỉ phẫu thuật tự tan(catgut) bỏ vào nòng kim, rồi dùng một kim nhỏ khác như piston đẩy mẩu chỉ vào tới huyệt. San nói, giống như B12, mẩu chỉ sẽ kích thích huyệt, nhưng cả tuần là ít. Dĩ nhiên San rất cẩn thận thực hiện thanh trùng trong tất cả các khâu đoạn này. Sau đợt trị liệu này, chúng tôi bận rộn lo các thủ tục và nhà cưả để xuất ngoại nên quên luôn về cái đau thần kinh toạ cuả nhà tôi.
Qua bên này rồi, cả năm sau mới nhớ đến, và tự hỏi không hiểu cái gì đã làm nhà tôi hết đau, nọc cuả 100 con ong hay khúc chỉ catgut nằm trong huyệt đạo. Điều tôi biết chắc là San có khá nhiều bệnh nhân và không có 'sự cố' nào cả. Thôi thì cứ cho là 'phúc chủ lộc thầy', câu nói mà San thường dùng mỗi khi có ai cám ơn San đã bói trúng hay chưã lành một chứng đau nào đó cho mình. Nếu còn ở lại Việt nam, không biết San sẽõ đưa cái tài này tới đỉnh cao nào, vì sau tôi một thời gian, San cũng đã được xuất cảnh đi Mỹ. Không thể nói hết được, nên tôi muốn dành sự kính trọng đặc biệt cho người cuối cùng ở Nguyễn Du mà tôi nhắc tới trong bài này. Đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc. Như đã nói ở trên, ấn tượng đầu tiên cuả tôi về ông là vẻ mộc mạc. Oâng ăn mặc giản dị, ít nói và gần như khắc khổ. Ông nghiêm nhưng thương học trò. Nếu không bận dạy học hay lo giấy tờ ở văn phòng, ông thường đi quanh trường, để ý tới mọi thứ để hoàn chỉnh ngôi trường mới cơ bản xây xong, còn nhiều thứ khác phải hoàn tất.
Tôi về trường mới khoảng một năm đã được một fellowship cuả Colombo Plan qua học ở Đ.H. Sydney, Uùc. Về dạy lại được hơn hai năm thì xin được về dạy Anh văn chuyên môn ở Đại học Y Khoa Saigon. Lần nào cầm đơn vào đưa cho ông, tôi cũng thấy lúng túng, nhưng vẻ điềm nhiên cuả ông làm tôi cảm thấy yên lòng. Oâng chỉ đọc rồi ký đơn chứ không nói gì cả. Chỉ khi tôi vào nhận sự vụ lệnh về Y khoa, ông mới nói với tôi,” Không như một vài ông hiệu trưởng khác, tôi không bao giờ muốn cản bước tiến cuả nhân viên mình. Tôi linh động xắp giờ dạy cho các giáo sư cần đi học thêm ở các trường đại học, và không bao giờ gây khó dễ cho những ai có ý định rời trường. Và bây giờ tôi thành thực chúc mừng anh.” Có lẽ đây là lần đầu ông nói chuyện với tôi dài như thế. Tôi cũng muốn nói thêm ở đây là việc tôi được về dạy ở Y khoa không đơn giản như kể lại ở mấy giòng trên.
Tôi đã nạp đơn xin về Y khoa từ năm 1971 vì nghe có nhu cầu giảng viên Việt thay thế cho các giảng viên Mỹ, và từ khi Hoà Đàm Paris được ký thì tiến trình thay thế càng gấp rút hơn. Tôi nạp đơn lại vào năm 1972 và đơn cứ bị 'ngâm' ở Viện Đại Học. Sau được biết là có hai đơn xin về dạy sinh ngữ ở Y khoa và cả hai đương đơn tình cờ đều là người Bắc. Đó là lý do tại sao vị viện trưởng cứ bỏ quên trong hộc bàn hoài. Mãi tới khi ông đi công cán ngoại quốc -- mà người ta nói đuà rằng thời gian tổng cộng để ông lãnh công tác phí ngoài lương tháng còn dài hơn thời gian làm việc trong năm -- thì hồ sơ cuả chúng tôi mới chuyển nhờ vị quyền viện trưởng, một bác sĩ kiêm huynh trưởng Hướng Đạo, thanh toán các đơn còn ối đọng. Nhưng khi qua Bộ Giáo Dục thì lại bị kẹt lại tại văn phòng Tổng Thư ký, ông này cũng thuộc loại không ưa dân ' rau muống.' Người cùng làm đơn xin với tôi may mắn có bạn là công cán ủy viên cuả ông bộ trưởng, nên đơn cuả chúng tôi đãø được cầm tay lên cho ông kýù. Sau 30-4-75, tôi được nghe kể là giao trường xong cho ban tiếp quản, ông Ngọc đã bỏ về và không bao giờ trở lại trường nưã.
Chúng tôi bảo nhau là ông đã cáo quan về ở ẩn, hái rau vi cho qua ngày. Về sau tôi nghe nói ông đã đi tu. Cho tới một hôm tôi được San báo tin ông đã mất. Về khu Oâng Tạ đưa ma ông, gặp lại một số giáo sư cũ cuả trường, chúng tôi không ai không ngậm ngùi. Tôi càng cảm phục ông thêm khi nghe các bà bán hàng ở chợ bên đường tán tụng, “ Xưa ông ấy làm hiệu trưởng đấy. Giờ sống rất đạo hạnh. Mấy đưá con ông ấy đều nên người cả.” Từ ngày tôi về dạy Nguyễn Du, tính tới nay đã tròm trèm bốn muơi năm. Một nưả đời người, thời gian qua thật nhanh. Nhưng nghĩ lại, đã biết bao vật đổi sao dời trong khoản thời gian này. Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, chuyện đau lòng mà người ta cố quên đi để mà sống. Quả vậy, con người sống được vì có khả năng quên và quen.Nhưng chính nhờ còn nhờ những kỷ niệm đẹp, những người đã cho minh biết thế nào là cái ngọt ngào đầm ấm cuả tình bè bạn và thầy trò, mà tôi coi là những ân huệ mà cuộc đời đã ưu ái dành cho tôi và giúp tôi an nhiên sống nhữõng ngày tháng còn lại ở xứ người.
Nguyễn Phong-Châu
Tháng 10-2008
Xin xem sinh hoạt hội ái hữu trường Nguyễn Du
Xin xem hình ảnh trường Nguyễn Du-Saigon
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment