Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Saturday, February 14, 2009
TRẦN MỘNG TÚ * TRUYỆN NGẮN
MẦU ĐỎ TRONG SÂN
Hai chiếc xe van đậu lại trong sân nhà thờ. Thả xuống sân những cụ ông và cụ bà , người tóc muối tiêu, người tóc trắng như cước, người lưng còn thẳng, người đã phải nhờ gậy trúc đưa đi. Hôm nay họ mặc toàn một mầu đỏ. Có người áo khoác dạ đỏ, có người áo len đỏ, có người quàng khăn đỏ, có cụ bà không mặc áo đỏ thì bôi son có mầu rất tươi của trái anh đào chín (bright red cherry). Họ đến ăn bữa cơm trưa vào ngày thứ ba của tuần lễ thứ hai trong tháng. (Bữa ăn, một tháng một lần, cung cấp bởi một nhóm phụ nữ của họ đạo, ở tuổi hưu trí làm thiện nguyện.)
Cuối tuần này có lễ Valentine, nên hôm nay nhóm tổ chức tiệc Valentine cho các cụ.
Mười chiếc bàn cho tám mươi người ngồi, được trải khăn bàn đỏ, đặt hoa đỏ. Món tráng miệng hôm nay cũng là những lát bánh có kem hoa hồng đỏ.
Thức ăn chính và món tráng miệng, chúng tôi đã chia nhau nấu nướng sẵn ở nhà, mang tới. Từ 10 giờ sáng, tụ họp nhau, đặt bàn, pha cà phê, nước trà, hâm nóng thức ăn. Các cụ lần lượt đến trước bữa ăn khoảng nửa tiếng. Cụ bà nhiều hơn cụ ông, có vài người còn đủ cặp, nhưng phần đông lẻ bạn.
Hôm nay tôi và năm người nữa phụ trách ở ngoài phòng ăn, chúng tôi đưa các cụ vào bàn, sau khi dán bảng tên lên áo cho mỗi người. Tôi cầm những bàn tay có hình dáng của những nhánh gừng khô; tôi đi chậm, theo chân người đi chậm, tôi thở nhẹ, theo tiếng người thở nhẹ, tôi kéo ghế, tôi trải khăn ăn trên lòng cho cụ nào không tự làm lấy được; tôi nhìn những sợi tóc mỏng xám bạc, những chiếc kính gọng nhỏ móc hờ trên tai, nằm ngơ ngác trên sóng mũi với cặp mắt nhìn chậm chạp dưới hai chiếc vòng kính tròn. Tôi thấy tôi trong tròng kính đó. Mầu đỏ của những chiếc áo, khăn bàn và hoa hồng ánh lên mặt mọi người, giúp các cụ tươi hẳn lên. Các cụ nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng phải nghiêng hẳn đầu vào nhau để nghe cho rõ. Tôi nhìn các cụ thân mật, thì thào vào tai nhau. Tôi lắng nghe họ nói về ngày lễ “Tình Yêu” cuối tuần này. Những người ở chung một nhà già hứa sẽ rủ nhau ngồi chung một bàn. Rồi họ nhắc lại những cái hẹn Valentine của ba mươi, bốn mươi năm, thậm chí năm mươi năm về trước (nếu còn nhớ được) Những tên tiệm ăn, những con đường hò hẹn, chén rượu nào đã rót ra, nàng mặc áo mầu gì, chàng đi xe hiệu gì? Những chiếc thiệp với lời tỏ tình, những bài thơ vụng về của thi sĩ mới viết bài thơ thứ nhất. Họ nghiêng xuống nhau những khuôn mặt nhầu như những nếp lụa bị xếp lâu ngày, những cặp mắt hấp háy sau tròng kính, những nụ cười với hàm răng thẳng tắp, đều đặn.
Bà Sarah, ngoài bẩy mươi, nói:
Valentine đáng nhớ của tôi, khi tôi được bốn mươi tuổi. Lúc đó chúng tôi còn ở Los Angeles, Mark đã đưa tôi đến khách sạn Bonaventure ăn ở từng lầu có tường kính và cả phòng ăn hình tròn quay chung quanh thành phố khi chúng tôi ngồi ăn.
Bà Pat chen vào:
- Khi tôi mười tám, tôi được một bạn trai cùng lớp mời đi dã ngoạn (picnic) ở bờ biển Dana Point, California trong ngày Valentine.”
Ông Tom cầm tay vợ hỏi khẽ:
- Bà có nhớ ngày Valentine đầu tiên khi chúng mình mới cưới nhau được một năm không?
Bà Daisy rụt cổ lại cười, những nếp nhăn trên mặt bà cũng cười theo, nói:
- Ông đưa tôi đi sanh, và mình đã đặt tên cho con trai là Valentine.
- Bà nhớ đúng không đấy?
Bà Daisy im bặt tiếng cười, nhìn ông như dò hỏi, bà không biết bà nhớ có đúng không. Nhưng rõ ràng bà có một người con tên là Valentine mà.
Những người còn lại ngồi im lặng, họ chưa nghĩ ra được trong đời họ có ngày Valentine nào “đáng nhớ” hay không?
Ở một bàn khác hình như chẳng ai nhắc đến ngày “Lễ Tình Yêu”. Có người hỏi, không biết chiều nay có mưa không? Có người trả lời ngày mai là ngày Lễ Giáng Sinh. Có người hỏi chị đã uống thuốc ho sáng nay chưa? Vâng, tối nào tôi cũng uống thuốc an thần.
Tôi rót cà phê, nước ngọt, dặn thật kỹ ly nào là nước, tách nào là cà phê. Nhắc cụ bà Pam nhớ cụ đã uống hai tách cà phê rồi; nhắc cụ ông John đừng cho sữa vào ly coke và tiêu muối trên bàn không cần rắc lên bánh ngọt.
Có một bàn gợi mắt tò mò của tôi nhất, cả tám người ngồi đó hình như là bốn cặp. Duy chỉ có một cặp là chung một họ (last name) nhưng ba cặp kia xem ra cũng âu yếm lắm. Tôi thấy họ cũng chạc tuổi giữa bẩy mươi đến tám mươi, nhưng ăn mặc rất tươm tất, nếu không nói là rất thời trang. Áo và khăn quàng cho các bà, mũ nỉ cho các ông, cả đến cặp kính trên mắt cũng kiểu mới nhất, họ là những người già, nhưng còn minh mẫn và sức khỏe khá tốt. Họ nói năng rõ ràng, và trao đổi khá hiểu biết trên những vấn đề thời sự mới nhất. Tôi nghe họ nói đến bữa tiệc “Tình yêu” ở một nhà hàng khá nổi tiếng họ sẽ đi với nhau vào cuối tuần này. Họ còn yêu đời và yêu người, tuổi tác hầu như không can thiệp được vào những sinh hoạt của nhóm người già trong bàn này.
Chiếc bàn cuối tôi mang bánh ngọt ra, tôi mới bất chợt thấy một cụ ông Á Đông, tóc bạc phau, nhưng còn khá nhiều, dáng gầy gầy, mặt nhỏ nhưng không thấy hốc hác, không đeo kính, hai mắt khá sáng. Tôi nhìn vào bảng tên thấy chữ “Dat Pham” tôi cúi chào cụ, cụ Đạt cho biết cụ theo người bạn Mỹ đến đây lần đầu. Cụ ở một mình trong khu Housing, chỗ cụ ở không thấy người Việt, cụ nói:
- Bên mình trước đây làm gì có ngày Lễ Tình Yêu, bây giờ nghe đâu Việt Nam cũng ăn mừng ngày này đấy.
Cụ nói xong mỉm cười, nói tiếp:
- Càng vinh danh tình yêu rầm rộ, càng li dị nhanh, bà nhỉ.
- Dạ.
Tôi nghĩ cụ có lí, nhưng tôi vẫn nói tiếp.
- Cháu chắc ngày nào cũng là ngày tình yêu rồi, nên không cần ăn mừng nữa.
- Bà lạc quan quá, thật ra người mình coi nặng cái “nghĩa” hơn “tình”, thế thôi.
Tôi rót thêm trà vào tách cụ, im ắng một giây, để cụ hiểu là tôi đồng ý với cụ. Tôi mời cụ tháng tới tiếp tục đến với chúng tôi, và cụ nhận lời. Tôi phụ giúp chương trình này cả hai năm, lần đầu tiên mới gặp một người đồng hương, tự nhiên thấy việc làm nhỏ nhoi của mình vui hẳn lên.
Tôi đi tới đi lui từ trong bếp ra tới những bàn tiệc. Nhìn ngắm các cụ ngồi ăn và các bà trong nhóm thiện nguyện đang loay hoay với công việc, (và nhìn cả chính tôi) Mỗi người một vẻ, người nhanh nhẹn cứng cáp, kẻ chậm chạp yếu ớt. Người có khả năng cho, người có nhu cầu nhận, những mái tóc muối tiêu hay bạc phơ như cước, những cặp mắt còn tinh anh hay đã mờ đục. Họ đã đi qua bao ngày Lễ Hội Tình Yêu, qua bao cơn hồng thủy của đời sống.
Bây giờ các cụ ngồi đây, trong căn nhà Hội của nhà thờ, ăn bữa trưa thanh đạm cung cấp bởi những người làm công tác thiện nguyện cũng già gần bằng họ, một bữa ăn được trang hoàng để ăn mừng cho ngày Lễ Tình Yêu; họ còn nhớ lại được những gì, họ có nuối tiếc không?
A, tình yêu như thế nào nhỉ? Còn ai trong chúng ta nhớ rõ cái cảm giác đó không? Nó ào ào như mưa rào nhiệt đới, nó hung hãn như ngày biển động, nó huy hoàng như mặt trời mọc hay nó ấm áp và nồng nàn như một vạt nắng đầu xuân; nó là ngụm rượu đầu tiên, là nụ hôn vội vã, là vòng tay vụng dại, là đam mê bồng bột, hay nó là….là gì nhỉ, có ai còn nhớ không?
- Cho tôi xin ly nước lạnh, nước cam sẽ làm tôi xót ruột
- Tôi không ăn được bông cải xanh, nó làm tôi đầy hơi trong bụng
- Ly cà phê uống vào buổi trưa, sẽ làm tôi mất giấc ngủ ngày đấy.
Có ai còn nhớ lại “Một thời để yêu, một thời đời chết”. Có ai còn nhớ để nhắc lại cho nhau một lời nói của Valentine thời trẻ dại: “Rồi chúng ta sẽ cùng già đi, rồi chúng ta tiếp tục đổi thay theo tuổi tác, duy có một điều sẽ không bao giờ thay đổi…Em luôn mãi để lòng mình yêu anh. (1)
Tôi không còn trẻ dại nữa, nhưng giữa khoảng không gian ửng đỏ của khăn bàn, của hoa, của áo khăn cho ngày Lễ Tình Yêu chúng tôi tổ chức cho những người ở tuổi “cổ lai hy” này, tôi bỗng thấy lòng rung lên một câu thơ:
Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
Bốn phương mây nước trời đôi ngả
Hai chữ tương tư một gánh sầu. (2)
Không biết có ai “tương tư” mình trong “Ngày Tình Yêu” này không nhỉ?
Lần tới, gặp lại cụ Đạt, tôi sẽ đọc câu thơ này cho cụ nghe, đố cụ nhớ là thơ của ai. Rồi tôi sẽ hỏi cụ xem hồi trẻ cụ có “đa tình “ không hay chỉ toàn là “nghĩa” với nhau thôi.
Trần Mộng Tú
(1)As we grow older together, As we continue to change with age, There is one thing that will never change. . . I will always keep falling in love with you.-_Karen Clodfelder
(2) Tản ĐÀ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment