==
Chuyến xe lửa ngày Tết
Truyện ngắn của Saroyan Vann Phan
Bà Tư Quảnh, đặt được cái đít xuống sàn toa xe lửa, thở phào nhẹ nhõm. Cũng may mà cái đít của bà không đụng phải đống dao, búa của đám kiếm củi từ ven rừng Long Khánh mới túa ra và nhảy lên xe lửa khoảng năm phút trước đó. Mà thằng con trai của bà cũng ác, nó gần như là liệng đại bà vào giữa cái khoảng trống nhỏ xíu còn lại của toa xe, vì nó bảo rằng giờ này mà còn lo đi tìm chỗ tốt thì chỉ có “Tết Ma-rốc” mới có!
“Mới Hăm Lăm Tết mà xe lửa đã chật cứng như thế này, không biết tới Hăm Bảy Tết tao đi thêm một chuyến nữa thì liệu có còn chỗ nào cho tao để cái chưn lên hay không đây?”, bà Tư Quảnh, vừa cố lấy cái nón lá ra khỏi đầu sao cho khỏi đụng vào mặt một ông sư áo vàng ngồi sát bên hông, vừa càu nhàu với thằng Bảy, con trai út của bà, hiện đang đi cùng chuyến để hộ tống cho bà đi tới nơi, về tới chốn.
“Thì má cũng phải để cho người ta tranh thủ buôn bán ngày Tết như mình chớ! Một năm chỉ có một dịp này là buôn may, bán đắt, không lẽ họ lại chịu ở nhà?”, thằng nhỏ, mới mười bảy tuổi đầu, đã ăn nói khôn ngoan như một ông già nhờ quanh năm phải lăn lộn ngoài đường để kiếm sống kể từ ngày Miền Nam được “giải phóng” tới nay.
Như bao đứa trẻ con nhà nghèo khác trong xóm Tôn Ðản bên Khánh Hội của Bà Tư Quảnh, thằng Bảy chỉ đi học tới lớp bốn rồi bỏ học, theo mẹ buôn bán. Ba nó là một thượng sĩ già trong quân đội của chế độ cũ. Ngày quân “giải phóng” vào Sài-gòn, tuy ổng thoát khỏi bị bắt đi “học tập cải tạo” như chú Sáu của nó trên Thủ Ðức nhưng, chưa đầy một năm sau, thì lại phải khăn gói đi vùng “kinh tế mới” là vùng mà chính quyền cách mạng vẫn dành ưu tiên cho những thành phần có dính dáng tới chế độ cũ, dân buôn bán bất hợp pháp hoặc dân “cắm dùi” lậu tại mười một quận đô thành, để cho đám người này đi khai hoang lập nghiệp, trực tiếp sản xuất đặng làm giàu cho đất nước. Gia đình nó chỉ lên Sông Bé cuốc đất, trồng màu đâu được chín tháng thì bỏ chạy về Sài-gòn vì đói quá. Ðâu đâu, những vùng kinh tế mới cũng chỉ là những chốn lưu đày đám dân cô thế, bởi vì những vùng đất mà họ tới khai khẩn hầu như đều là những vùng khô cằn, “chó ăn đá, gà ăn muối,” có khi là những căn cứ quân sự đầy mìn, bẫy hoặc ít ra cũng đầy dầu mỡ, bê-tông do Quân Ðội Miền Nam bỏ lại sau khi họ thua chạy. Không vốn liếng, không tiền bạc và không thuốc men vì nhà cầm quyền địa phương coi như chẳng hề biết tới họ, những người này, sau một thời gian ăn toàn khoai mì và chống chỏi kịch liệt với bệnh sốt rét, đã tự động “rã ngũ,” trốn về nguyên quán để buôn gánh, bán bưng kiếm sống, số khác thì đi xì-ke, ma-túy hay hành nghề ma-cô, đĩ điếm đặng sống cho qua ngày. Mộng ước chung của đám người này là, một ngày đẹp trời nào đó, họ sẽ có được cái may mắn vượt biên thành công tới Mỹ hay các nước tự do khác để làm lại cuộc đời.
Chiếc xe lửa rúc lên một hồi còi thê thảm trước khi ì ạch, khọt khẹt rời khỏi nhà ga Long Khánh, mang theo mẹ con Bà Tư Quảnh là hai trong số những hành khách, tuy có mua vé hẳn hoi, đã nhảy lên tàu như bọn đi lậu vì cả mười mấy toa khách đều đã đầy cứng người, gần một phần ba trong số đó là dân đi lậu vé, kể cả mấy anh “bộ đội” ham vui nữa.
Ði xe lửa tại Việt Nam, bất kể vào thời đại nào, cũng là một trò phiêu lưu nguy hiểm, có thể mất mạng như chơi. Thành thử phải có công, có chuyện gì hệ trọng lắm - như đi buôn bán để kiếm sống hay đi thi cho kịp khóa chẳng hạn - thì người ta mới đi, chỉ vì đi xe lửa thiệt ra vẫn còn rẻ tiền hơn đi xe đò rất nhiều. Hồi thời ông Diệm mới lên chấp chính ở Miền Nam Việt Nam, chính phủ đã ra sức sửa chữa lại tuyến đường “Xe Lửa Xuyên Việt” từ Quảng Trị vào tới Sài-gòn, từng bị Việt Minh đào phá, đặng cho dân chúng đi lại. Những năm đầu, đi trên tuyến đường này thiệt là thú vị, vì hành khách còn được tha hồ ngắm nhiều cảnh đẹp của núi non hùng vĩ cũng như biển cả bao la, xanh ngắt tận chân trời, nhứt là tuyến đường từ Ðà Nẵng đi Huế hay từ Bình Ðịnh vào Phan Thiết thường có những đèo cao và hầm dài.
Nhưng rồi nền hòa bình của đất nước đã không tồn tại được lâu, cho nên cái chuyện đi xe lửa để ngắm cảnh này cũng đành phải chấm dứt. Khi Việt Cộng bắt đầu thành lập Mặt Trận Giải Phóng để rồi từ đó khởi sự các cuộc tấn công vào các đồn bót và căn cứ quân sự lẻ loi của chính phủ cũng như đêm đêm về “làm thịt” các cán bộ xã, ấp của chính quyền thì cũng chính là lúc họ gia tăng các cuộc phá hoại cầu, đường trên các trục lộ giao thông, đặc biệt là các quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, Quốc lộ 13, và Quốc lộ 4. Cùng chung số phận với những cầu, đường - mà Việt Cộng gán cho là giữ vai trò chiến lược yểm trợ các cuộc hành quân càn quét của quân đội “Mỹ-Diệm” trên toàn lãnh thổ Miền Nam - là những chuyến xe đò liên tỉnh và xe lửa xuyên Việt vô tội, ngày ngày chỉ biết chăm chỉ chuyên chở người đi, người về xuôi ngược buôn bán làm ăn, phần đông là dân nghèo từ ngoài Trung vô Nam và ngược lại.
Gần như cứ vài, ba ngày là trên bản tin chiến sự của Ðài Phát Thanh Sài-gòn thế nào cũng có loan báo một vài vụ xe đò hoặc xe lửa bị giựt mìn và tấn công đâu đó trên toàn quốc, với số thương vong là người chết, người bị thương và người què, cụt kèm theo. Vì tầm mức hệ trọng của xe lửa cũng có và vì thương dân cũng có, chính phủ đã cho những toán “an ninh thiết lộ,” tức là quân đội biệt phái cho hỏa xa, để đi hộ tống các chuyến xe lửa, những mong giảm thiểu thiệt hại cho dân nhờ. Nhưng dù cho có rà mìn kỹ lưỡng đến mấy hay có võ trang hùng hậu đến mấy, những vụ giựt mìn và tấn công xe lửa vẫn cứ xảy ra, đặc biệt là những chuyến có móc theo mấy toa chở quân dụng, quân nhu cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Việt Cộng thì đâu có cần biết tới hay phân biệt gì toa nào là chở đồ lính, toa nào là chở dân - thường là dân nghèo, vì dân giàu chẳng có mấy khi lại dại dột đem tánh mạng của mình ra đánh bạc với Thần Chiến Tranh. Riết rồi ai cũng ớn, cũng sợ khi phải đi xe lửa.
Nhưng có điều, đối với dân nghèo phải buôn bán, làm ăn kiếm sống qua ngày, không đi xe lửa cũng chết (vì đói nhăn răng ra) mà đi xe lửa cũng chết (vì khi xe lửa “lật gọng” mình cũng chết nhăn răng ra), chỉ có điều khác biệt là ngày nào người ta cũng đói, cũng phải ăn, trong khi đó tới vài ba hôm mới có chuyện Việt Cộng giựt mìn xe lửa, và cũng phải mấy lần bị giựt mìn như vậy một người nào đó mới xui xẻo bị “dính chấu!” “Trời kêu ai, nấy dạ,” dân chúng Miền Nam Việt Nam hiền hòa vẫn cứ cố bám vào cái triết lý bình dân này để mà tiếp tục nhẫn nại, đợi chờ ngày cuộc chiến tàn phai và thanh bình trở lại trên đất nước cho đỡ bớt những thảm cảnh như Cộng sản pháo kích vào xóm lao động chen chúc nơi thị thành hay giựt mìn xe lửa chốn đồng không, mông quạnh.
“Hòa bình chi mà đi xe lửa coi bộ còn cực hơn hồi thời còn chiến tranh nữa đó!” vị sư áo vàng, với giọng nói hơi nặng của người Miền Trung, bâng quơ thốt lên lời bình luận. Ông không phải chờ đợi lâu mới nghe thấy hồi âm, vì bên trái bà Tư Quảnh đã có tiếng của một cô gái góp chuyện:
“Càng hòa bình thì dân càng nghèo, càng đi xe lửa đông, biểu làm sao mà không chen lấn, giành giựt và đánh lộn nhau để lên tàu? Thôi kệ, ăn thì nhiều chớ ngồi xe thì có bao nhiêu lâu đâu mà lo cho nó mệt!” cô gái dường như cũng muốn mọi người cùng toa chia sẻ cái triết lý muôn đời “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” của người bình dân Việt Nam.
“Nhưng không thể cứ mãi như thế này được khi mấy ổng vẫn nói là đất nước mình đang trên đà đi lên,” một ông, dáng chừng là một cựu công chức thuộc chế độ cũ còn sót lại, lên tiếng phản đối. Ông này, tuổi chừng ngoài sáu mươi, đang ngồi vắt vẻo trên một cái “xắc ma-ranh” có màu xanh xám loang lổ những vết thâm nâu. Ðó là cái túi đồ thứ nhì của ổng, trong khi cái túi thứ nhứt của ổng là cái bao bố đen đúa đựng cái gì như than củi thì lại nằm quá về phía chỗ nhà sư đang gác cẳng lên.
Một người có dáng một thương binh, nãy giờ ngồi gọn lỏn trong một góc toa tàu, bỗng lên tiếng:
- Mấy người còn lạ gì những chuyến tàu “xã hội chủ nghĩa” nữa? Ở ngoài Bắc chúng tôi, hàng mấy mươi năm nay, với biết bao đợt cải cách và thi đua mà “trâu vẫn lại hoàn trâu,” tàu lửa ngày càng xạc xệ ra chớ có thấy cải tiến thêm được chút nào đâu mà đòi phải được ngồi cho sướng cái đít khi đi xe lửa? Phải biết rằng cánh thương binh, liệt sĩ, được ưu tiên cùng mình như tôi, mà chúng còn nhét bố vào đây thì, xin lỗi, bà con đừng có tiếp tục mơ giữa ban ngày nữa!
Xe lửa hình như đang đổ dốc về phía ga Trảng Bom, làm cho một số củi bó không chặt và dao, rựa nhét không kỹ nơi mấy cái giá sát trần sút ra, rơi xuống chỗ mọi người đang đứng, ngồi ngổn ngang phía dưới, kêu lách cách, rầm rầm, loảng xoảng, leng keng.
“Trời ơi! Ðau quá!”, có tiếng la của một cô bé đang nằm cong đuôi tôm bên mấy cái rọ heo. Cô bé đã bị mấy thanh củi khô, nặng rớt trúng mình.
“Chết cha! May mà mấy con dao này không rớt phần lưỡi vào đầu tôi! Ai để dao chi bất nhơn quá, lại cột không kỹ nữa! Dao của ai đây, không nhận, tôi liệng đi à?,” một bà, mặt mũi coi bộ bặm trợn, đang thu gom đống dao, rựa dưới tay mình, mắt dáo dác nhìn quanh kiếm chủ nhân mớ dụng cụ dễ sợ đó.
“Của tôi, của tôi. Thôi xin lỗi bà nghe! Bà nên thông cảm: Tôi có một thước mốt, làm sao mà chồm cho tới để nhét mấy cái dao cho sâu vào trong giá? Mà cũng tại ai để mấy cái chum nước mắm quỷ sứ này choáng đường, choáng lối nữa! Mà bà có sao hông? Có bị thương gì hông? Ðể tôi lấy dầu nhị thiên đường thoa cho bà nghe!”, người đàn bà lùn tịt trong bộ quần áo thợ điện đầy những túi đã cũ mèm, chủ nhân của mớ dao, rựa, lúi húi lục xắc tay của mình, sau khi đã lại nhét mớ của nợ suýt gây tai họa đó vào chỗ cũ, lần này có sâu hơn một chút.
Bà có khuôn mặt bặm trợn bỗng dưng cười vui, quên mất sự quạu quọ. Có lẽ vì bà thấy thái độ săn giòn trước tình cảnh nguy hiểm của mình của người đàn bà tự xưng là cao có một thước mốt đó. Mà cũng có lẽ vì bả nghe cái bà lùn lùn kia tính dùng dầu nhị thiên đường xoa vào chỗ đau cho mình, bất kể người ta có bị thương hay là chảy máu gì cũng vậy. Dân Việt Nam có tật hễ bị cái gì cũng xài dầu nhị thiên đường, coi như là thứ thuốc trị bá bịnh, dù đó là cảm mạo, thương hàn hay trầy da, chảy máu. Ai có ở đâu, đi đâu cũng thủ trong mình một chai dầu cay xè đến chảy nước mắt này, không đếm xỉa gì tới lời tuyên truyền rằng nền y tế công cộng thời Cộng sản hiện tại tiến bộ hơn nhiều so với thời “Mỹ-Ngụy” trước đây.
Ðoàn tàu đang đi chậm lại, có lẽ còn phải chờ nhân viên đường sắt bẻ ghi để vào ga Trảng Bom. Không khí ngột ngạt và nóng bức gia tăng vì thiếu gió. Xe đang rập rình tiến vào ga thì bỗng nghe đánh rầm một cái, ngay liền đó có tiếng la chói lói từ toa tàu bên cạnh:
“Oái! Trời ơi là Trời! Bể cái đầu tôi rồi! Trời đất ơi! Chết tao rồi, Nga ơi!”.
Người phát ra tiếng kêu la điếc cả tai và thảm thiết đó là một bà già khoảng bảy mươi tuổi, trước đó chừng vài phút đang ngồi ôm ô trầu nhai bỏm bẻm thiệt vô tư, thanh bình gần cửa lên xuống của toa tàu. Con Nga, đứa cháu của bà lão, một cô bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi, nhào tới ôm lấy bà:
“Ngoại ơi là ngoại! Ðừng có la nữa! Tổ cha đứa nào liệng bó củi bất nhơn, trúng đầu ngoại tao! Thôi, ngoại ơi, để con lấy khăn băng bó cho ngoại đỡ chảy máu, nghen! Con băng liền đây, ngoại ơi!”.
Bà lão, rõ ràng là chịu không nổi cái đau đớn từ chỗ bị thương, chảy máu trên đầu, nằm lăn ra sàn như nằm ăn vạ ai vậy đó. Mà quả thiệt là máu đang chảy tuôn xuống gò má bên trái của bà. Một thanh niên mặc bộ đồ ka-ki xanh xám của lính Sài-gòn cũ, có lẽ là người mới ném mấy bó củi lên tàu gây thương tích cho nạn nhơn, lật đật chạy tới nâng cái đầu của bà lão lên cho đứa cháu bà quấn chiếc khăn lông vòng quanh như một giải băng cá nhân. Cũng may là vết thương không có gì trầm trọng lắm, vì bó củi có lẽ đã đụng vào thành toa trước, rồi mới rớt xuống đầu bà lão...
Gã thanh niên, vừa xoa đầu bà già khốn khổ, vừa rối rít xin lỗi:
“Trời ơi! Cháu xin lỗi bác nhé! Tụi cháu phải lo ném củi lên trước rồi mới leo lên sau, vì nếu chậm chưn thì người khác sẽ giành mất chỗ... Bác thông cảm cho cháu đi, nghe bác!”.
Người Việt Nam mới thiệt là dễ tính. Bất kỳ gây thiệt hại hay thương tích cho ai, miễn là người đó đừng chết và không bị hao tiền, tốn bạc gì đáng kể, thì kẻ gây ra tai nạn cho người khác chỉ cần “xin lỗi”, qua quít hoặc xuýt xoa tùy từng trường hợp, là xong!
Nhóm thợ rừng đi kiếm củi này vẫn hay làm vậy khi tàu lửa chạy chậm lại để vào ga. Ngày thường thì chất đốt vẫn là thứ hiếm, quý tại thành phố, huống hồ hôm nay Tết đã cận kề. Bọn thợ này coi như chuyên đi lậu vé, chỉ lợi dụng lúc người ta lơ là là quẳng đại củi lên tàu để chiếm chỗ trước, rồi cứ dùng phương pháp chuyền toa mà đi từ Long Khánh về tới Sài-gòn không tốn một đồng xu! Ðiều bậy nhứt là vì muốn tranh thủ thời gian, mà tàu lửa lại chật, cho nên rất nhiều lần bọn họ ném củi lên gây thương tích cho hành khách vô tội trên tàu, may mà cho tới nay chưa có ai chết, hay đã có người chết rồi mà chưa ai hay biết, cũng nên!
Thương hại cho bà lão này, nghe nói đang trên đường về nhà ở Xóm Gà, Gia Ðịnh, sau khi đã ghé Trại Xuân Lộc thăm nuôi đứa con trai đang “học tập cải tạo” tại đây hồi sáng nay. Cậu con trai út của bà, mới cưới vợ được vài tháng gì đó thì “cách mạng” vào, đã cùng bao nhiêu sĩ quan, viên chức chế độ cũ khác của Miền Nam Việt Nam khăn gói quả mướp đi tập trung “học tập cải tạo,” lúc đầu thì nghe đâu chỉ đi có mười ngày, sau lại biến thành mấy năm trời mà vẫn chưa có ngày về. Cô vợ trẻ của anh ta, có lẽ chịu không nỗi cảnh đợi chờ mòn mỏi cái ngày về vô định của chồng, đã lặng lẽ cùng một ông chủ tàu ở Rạch Giá - mà cô quen được trong chỗ buôn bán, làm ăn - đóng tàu vượt biên sang tới đảo Bi-Ðông hồi năm ngoái, bỏ lại đứa con trai của bà lão trong trại Xuân Lộc chẳng ai ngó ngàng hay thăm nuôi, vất vơ, vất vưởng và đói dài.
Khi xe lửa còn cách Suối Máu khoảng ba, bốn cây số thì diễn ra cảnh bố ráp dân đi tàu lậu. Cả đoàn tàu nhốn nháo như loạn tới nơi vì tiếng chưn chạy, nhảy bình bịch hòa với tiếng kêu réo ơi ới, thông tin cho nhau của bọn người này. Họ tha hồ trổ tài đánh đu cửa sổ, núp vào cầu tiêu hay chuyền từ toa này sang toa khác để tránh né nhân viên kiểm soát vé trên tàu. Thậm chí, nhiều người còn leo tuốt lên nằm trên nóc tàu, chờ khi người kiểm vé đã sang toa bên cạnh thì mới nhảy xuống, leo vào chỗ cũ của mình. Vì chuyện này, một số tai nạn đã xảy ra, trong đó có vụ một người đàn ông trạc ba mươi mấy tuổi bị một đà cầu đập bể đầu chết khi đoàn xe lửa mà anh ta đi lậu chạy qua một cây cầu gần ga Biên Hòa. Bọn trộm cắp cũng thừa nước đục thả câu dữ lắm: Nhiều người, sau khi chạy sang các toa khác trốn khỏi bị soát vé, lúc trở về mới khám phá ra rằng đồ đạc của mình đã không cánh mà bay, vì đã bị quân gian lấy đem sang toa khác, giấu mất tích.
Lúc xe lửa gần đến ga Biên Hòa, Bà Tư Quảnh bảo thằng con trai:
“Bảy, mày lấy tiền đi mua cái gì ăn cho đỡ đói. Hồi sáng nay, tao lấy cơm đem theo mà ít quá, sợ tao với mày ăn không đủ. Ở toa hàng ăn cách đây bốn toa, về phía cuối tàu, có bán cơm dĩa đó mày! Ðây, để tao đưa tiền cho mày nghe...”
Vừa nói, Bà Tư Quảnh liền lấy tay mò vào lưng quần, chỗ mà bà đã giấu cục giấy bạc và ba chỉ vàng mà Thắm, con gái lớn của bả, mới đưa cho hồi hôm khi bà sửa soạn đi Sài-gòn sắm thêm hàng về bán chợ Tết. Bà Tư Quảnh bỗng thấy như bị điện giựt bất thình lình, toàn thân chết điếng khi cảm nhận được rằng phía sau lưng quần của bà, nơi mà bà nghĩ là có cục bạc, dường như đã bị ai khoét một lỗ lớn, và cục giấy bạc mà bà đã cẩn thận lận vào đó tới hai lần cho chắc ăn đã tự nhiên biến mất, chẳng còn sờ thấy đâu nữa!
“Chết cha rồi! Chắc cái thằng đánh giày hồi nãy lấy... của tao chớ không ai hết!”, người đàn bà la to như muốn cho mọi người cùng nghe, cùng biết cái mất mát tức tưởi của mình. Mới ba phút trước, thằng bé đó, không biết muốn giở trò gì, mà lại đi ngang sau lưng bà, lấn bà một cái như đang cố chen lối ra, rồi lĩnh tới phía trước, đứng ngay chỗ cửa lên xuống của toa tàu, tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra...
Thằng bé đánh giày, mới chừng mười ba tuổi, da ngăm đen, tay chân khô đét, nghe Bà Tư Quảnh la chói lói, lật đật cầm lấy thùng đồ nghề, dợm chưn nhảy phóng xuống khỏi toa tàu; đầu nó suýt đâm chúi xuống đất theo với trớn đoàn tàu đang lao tới.
Sự thể đã quá rõ ràng, Bà Tư Quảnh la thất thanh:
“Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Trời ơi, nó rạch túi tiền của tôi rồi, bà con ơi! Bảy ơi, mày đuổi theo, chạy mau theo nó đi mày!”.
Thằng Bảy, nghe má nó la inh ỏi, lại thấy thằng bé đánh giày bất thình lình nhảy phóc ra khỏi toa tàu rồi chạy bay biến vào xóm nhà tôn ven đường, thì đã hiểu hết mọi sự. Nhưng nó cũng hiểu rằng tình thế không thể nào cứu vãn được nữa, vì đã trễ quá rồi. Con tàu đã chạy quá chỗ xóm mà thằng bé đánh giày lủi vào trốn đến hơn trăm thước, không cách gì thằng Bảy đuổi kịp. Vả lại, nơi đó chắc chắn đang có đồng bọn của nó, toàn là bọn dao búa, chờ sẵn để bảo vệ cho nó đặng cùng nhau chia chác “chiến lợi phẩm” trong ngày.
Ðó cũng chỉ là một trong những chuyện thường tình xảy ra như cơm bữa trên những chuyến tàu lửa ngược xuôi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vô Nam trên mảnh đất Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, một tình trạng mà các cụ giỏi chữ ngày xưa vẫn than thở là “bần cùng sinh đạo tặc!”. Ðã thế, cái ngày xui xẻo của mẹ con Bà Tư Quảnh lại trùng vào dịp thiên hạ đang rộn rịp lo chuẩn bị Tết nhứt, kẻ đi Ðông, người đi Tây, chen chúc, dập dìu trên những toa tàu lửa chật cứng và mất trật tự, vốn là phương tiện đi lại hằng ngày vừa thiết yếu vừa rẻ tiền của đại đa số dân nghèo.
==
No comments:
Post a Comment