Thursday, February 26, 2009

HỨƠNG DƯƠNG * QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG



Quyết Định Cuối Cùng

Truyện Ngắn Tình Cảm của Hướng Dương




Không biết có phải mạng căn của hắn đã đến đường cùng cho nên hắn mới quyết định như thế vào tối ngày hôm qua. Trong đầu óc hắn chỉ còn là những hình ảnh đen tối. Hắn đã nhớ đến bài Gloomy Sunday, bài ma ca dẫn đưa Thần Chết tới gần, bài ca nổi tiếng của Lászlo Javor được mệnh danh là bài ca tự tử của Hung Gia Lợi do Billie Holliday lừng danh hát, và hắn đã mở ra nghe, hắn đã nghe đi nghe lại suốt đêm. Càng nghe hắn càng thấy thấm thía, hắn càng thấy cuộc đời đen bạc, không đáng sống nữa. Tình yêu mất, danh vọng không có, tiền bạc cũng gần cạn, hắn đã quyết định làm giống như bao nhiêu kẻ đã đi trước hắn, đã đâm đầu qua cửa sổ nhẩy bẩy tám từng lầu xuống đất chết, chết cho xong cái nợ đời. Nhưng trong khi những đứa kia đi tìm cái chết khi còn ở cái tuổi xuân xanh thì hắn khác.
Hắn đã hưởng đủ mùi vị của cuộc đời, hắn đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm sống, hạnh phúc, đau thương, vinh, nhục, lẫn lộn, lên voi xuống chó. Nói chung thì sau hơn năm mươi năm lăn lộn trên trái đất, hắn nghĩ, ra đi cũng không sớm sủa gì, sống một cuộc đời khốn nạn thì đâu còn đáng sống, và hắn đã muốn chết đi cho rồi. Cũng như cả trăm những đứa đã đi tìm cái chết kia, hắn cũng có ý định leo lên từng lầu 13 của toà nhà nơi suốt hơn 13 năm qua hắn làm việc, hắn sẽ vào bàn giấy của hắn, hắn sẽ đặt chiếc đĩa hát Billie Holliday và lá thư từ biệt lên trên mặt bàn, rồi sẽ bước ra lan can ngồi tu cho hết chai whisky trước khi phóng mình nhẩy bổ xuống đất. Hắn đã quyết định như thế.


 Trước khi hắn thực hiện hành động ngoạn mục này, hắn sẽ gọi điên thoại báo cho em biết hắn đang ở đâu, sắp sửa làm gì, hắn sẽ nói với em đôi câu từ biệt, chúc em ở lại mạnh giỏi, và hắn sẽ nhờ em thông báo cho các cơ quan truyền thông biết cuộc biểu diễn cuối đời sắp diễn ra của hắn. Hắn sẽ sẵn sàng chờ cho đến khi có những chiếc camera chạy xè xè dưới kia, những cặp mắt kinh hoàng nhìn lên phiá hắn, rồi như thể là một đạo diễn phim ảnh, hắn sẽ hét to: “Are you guys ready? One, two three, here I come!” rồi hắn thủ diễn cái vai chính trong đọan video ngắn mà các nhà truyền hình sẽ thâu vào ống kính, màn chót của vở bi hai kịch miêu tả đoạn kết liễu của cuộc đời hắn.


Hắn đã quyết định. Từ mấy ngày nay đầu óc hắn đã làm việc liên tục ngày đêm, chỉ trừ những giờ ngắn ngủi hắn nhắm mắt ngủ. Chính vì ngủ ít nên hắn thấy mệt mỏi và nỗi chán chường lại càng gia tăng và đó là cái vòng lẩn quẩn, vì nỗi mệt mỏi chán chường đã càng làm cho hắn mất ngủ. Trong những lúc tinh thần hắn xuống dốc, hắn đã có những ý tưởng đen tối, hắn đã buồn bã cùng cực, hắn đã thấy vô vọng, thấy cuộc đời hắn đi vào một ngõ bí không còn lối thoát và từ đó mà hắn đã nghĩ tới việc giã từ nó. Thật là một ý nghĩ khốn nạn, một ý nghĩ đê hèn, bởi như thế là đầu hàng một cuộc tranh đấu mà cho đến nay hắn vẫn tự hào là kẻ chiến thắng. Trong suốt hơn ba mươi năm qua, hắn đã luôn luôn chiến thắng, chưa bao giờ đầu hàng, hắn đã luôn luôn được, chưa bao giờ thua. Kể cả những khi quyết liệt, khi cuộc đời quất vào mặt hắn những ngọn roi nhức nhối nhất, hắn cũng đã chưa bao giở chịu gục, cứ thế hắn lại đứng dạy, hiên ngang đứng dạy, mặc dầu hắn đã chịu những thương tích ghê gớm, đứng dạy để mà đi tiếp con dường mà hắn muốn đi. Hình ảnh Clint Eastwood trong một phim cao bồi, hình ảnh những ngọn roi quất tới tấp lên người, lên đầu lên mặt anh ta làm bật máu, làm anh ta nhăn nhúm mặt mày vì đau đớn nhưng không hề rên xiết, hình ảnh anh ta cắn răng chịu đòn để sống còn và để lại hùng dũng đứng trước mặt kẻ thù, đó là hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí hắn. Hắn đã muốn là một Clint Eastwood trong cuộc đời riêng tư của hắn.
Nhưng bây giờ thì khác, hoàn cảnh đã thay đổi, thời cơ đã hết. Hắn đã chứng tỏ đủ về lòng can trường của hắn, hắn đã là một hình ảnh đáng khâm phục trong đầu óc những người xung quanh, hắn đã là một hiện tượng, một điển hình của sức mạnh của ý chí và sự cương quyết. Cái gì thì cũng chỉ tồn tại một thời. Cái gì cũng có ngày phải chấm dứt. Giờ thì đã hết, tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Những cái đẹp đã qua đi, chỉ còn lại sự thất vọng, sự hèn yếu, sự đầu hàng… kể từ ngày em quyết định thôi, thôi không còn muốn có hắn trong cuộc đời em nữa. Em đã là cái phao hắn bám vào để sống, em đã là niệm khúc cuối, mất em, chỉ còn là vô vọng. Vì cuộc đời hắn chỉ còn có em, em là lý do duy nhất, là giấc mơ còn lại. Mặc dù hắn đã biết từ trước, từ ngay thuở ban đầu, rằng sẽ có một ngày mối tình của hắn với em, người em gái nhỏ bé, cũng sẽ tan rã, cũng sẽ thành mây thành khói, em rồi cũng sẽ vẫy tay chào hắn ra đi. Nhưng hắn còn gì khác để vui? 


Hắn đã nhận thức rằng có em ngày nào, hắn còn may mắn ngày đó. Thật là khốn nạn cho hắn ở cái chỗ hắn đã chỉ còn một niềm vui duy nhất đó.
Mới sáu tháng trước đây, hắn đâu có như bây giờ? Ngày ngày hắn vẫn còn chạy chiếc Corvette vàng chói - hắn vẫn chỉ thích màu vàng, màu của vua chúa, màu của nước da hắn mà hắn rất tự hào - đến sở làm, đi đến đâu vẫn có người gật đầu cười với hắn và nói “Hello!” Khi đó đầu óc hắn còn minh mẫn, hắn vẫn còn tỉnh táo, thông minh, chưa hề có một dấu vết của buồn phiền. Hắn vẫn còn đẹp trai, ăn bận kẻng, chiều chiều tan sở vẫn xách vợt đi đánh tennis. Đánh xong, hắn vẫn đến ngồi nơi sân ngoài trời của quán rượu quen thuộc, uống aperitif, nhìn cuộc đời màu hồng vì khi đó hắn đang còn có em trong đời, em, người em gái xinh như mộng mà hắn đã phải đeo đuổi cả năm trời mới bắt được. Nhưng có em chưa được bao lâu, mối tình đã phai nhạt, em thấy hắn không là miếng mồi ngon mà em đã mong đợi. Trên cõi đời này tình yêu tính trên cái giá phải trả và em có tấm thân ngọc ngà đáng bạc triệu còn hắn có gì để cho em, ngoài những cuộc du hí ăn xài không đáng kể? Ở mãi bên hắn làm chi khi em không thấy tương lai, ý em muốn nói, hắn không chịu ký giấy cho em tất cả của cải mà hắn đang có? Làm gì có “tình cho không biếu không” như trong cái bài ca quái dị mà anh nhạc sĩ nào đó dịch từ một bản nhạc ngoại quốc? 



- Em chưa ba mươi, anh đã trên năm mươi, vậy khi anh chết đi anh sẽ cho em những gì?
- Thì anh sẽ để lại cho em tất cả những gì anh có trên đời.
- Mà anh có những gì trên đời?
- Em hỏi lạ! Anh có gì thì em đã biết!
- Em thấy anh có một căn nhà, một chiếc xe hơi. Còn tiền trong ngân hàng bao nhiêu anh có nói cho em đâu mà em biết?
- Em cần gì biết? Em yêu anh đâu phải vì tiền?
- Vẫn biết thế nhưng ở mãi với anh như vầy, khi em về già anh chết đi thì sao? Em phải lo từ bây giờ chứ! Anh cho em để tên chung vào những giấy làm chủ căn nhà, xe hơi và những chương mục của anh ngay từ bây giờ đi…


 Anh chỉ việc cưới em về…
Tự nhiên hắn thấy lạnh xương sống. Hình ảnh người vợ hắn lại hiện ra trong tâm trí hắn, hình ảnh tên luật sư người Mỹ lạnh lùng. Hắn đã mất tiêu gần triệu bạc, tiền hắn chắt chiu trong gần hai mươi năm trời, hắn để trong ngân hàng chờ ngày về hưu hắn lấy ra tiêu dần. Thế là đi tiêu những chương trình du lịch khắp thế giới mà hắn đã đặt kế hoạch thực hiện khi về già. Bây giờ hắn không còn trông mong nghỉ sớm để hưởng đời nữa. Hắn lại phải tiếp tục đi cầy thêm mươi năm khác để có chút tiền sau này xài thêm. Đời hắn phải có các em, mà muốn có em phải có tiền, thế mới khốn nạn. Tiền an sinh xã hội trả cho hắn về già đâu được bao nhiêu? Không lẽ chỉ còn cái nhà, lại cũng đem bán nốt, để mà về sống chui sống lủi trong một căn phòng đi thuê? Khi đó em nào còn muốn theo? Căn nhà là miếng mỡ, tuy không béo bở như cục thịt bít tết hai pao, nhưng có còn hơn không. Các cụ nói “mỡ để miệng mèo.” Không có miếng mỡ nào để miệng mèo, thì mèo nào chịu tới?
Bi giờ em gái đòi cho tên em vào những “cơ sở” còn lại của hắn, em gái đòi chia chác, đòi có ngay liền tù tì, chờ hắn chết lâu quá! Hắn thấy ngay cái tâm địa đàn bà của em. Hắn lại nhìn thấy bóng dáng chập chờn của một tên luật sư khác, nhe răng cười đểu nói với hắn:

- Tôi thông cảm với ông về những suy tư đang làm ông điên đầu. Nhưng tôi có vợ con phải nuôi nên cần việc làm. Vụ bà nhà xin ly dị ông, và đòi ông chia cho nửa phần tài sản chung, chỉ là một vụ như những vụ khác mà tôi phải làm…. để kiếm tiền.
Lại cải cảnh xưa kia đã xẩy ra! Không phải hắn buồn vì mất tiền lần thứ hai mà thôi, hắn buồn vì thêm một lần dại dột. Sau lần đầu, hắn đã tự nhủ: “Mình phải cẩn thận với đàn bà! Không bao giở nên sát gần họ quá! Phải biết thận trọng, phải biết lúc ngưng, phải biết chạy, chớ để bị mắc bẫy lần nữa!” Bỗng hắn thấy sáng suốt trở lại. Hắn nghĩ bây giờ là lúc mình phải quất ngựa truy phong, lúc mình phải tẩu mã, phải chạy theo con đường mình đã tính trước, chạy cho lẹ, chạy như những tay chạy marathon, cắm cổ mà chạy, đừng ngoái cổ lại mà thấy tiếc hùi hụi. Dù em có thơm như múi mít….



- Em không nghe Ý Lan hát bài ca đó hay sao?
- Bài gì? Anh nói gì em không hiểu?
Tự nhiên, hắn thấy em giả vờ không hiểu, thấy bộ mặt em dễ ghét ơi là dễ ghét… hắn cố lấy can đảm tiếp tục nói mặc dù nói gì đi nữa trong lúc này cũng chỉ vô ích... Cơn sóng ngầm đã nổi lên cao ngút, hắn còn cách gì phá lớp sóng thần mà mong tiếp tục chơi với nước biển?

- Thì bài “Hãy cứ là tình nhân” chứ còn bài gì nữa. Em thích bài ca này lắm cơ mà! Sao giờ anh hỏi đến lại quên…?
- Bộ anh tin cô ta hát thật hay sao? Cô ta chỉ giả vờ như thế lúc đầu…. Ai chiụ làm tình nhân mãi? Làm tình nhận cả đời, ăn cái giải rút gì hả anh?
Lối nói “ăn cái giải rút gì” làm hắn nhớ đến Hoàng Hải Thủy. Ngày xưa hắn vẫn mê đọc Hoàng Hải Thủy vì lối viết văn ngạo đời của ông. Vả lại, chính hắn cũng đã từng ngạo đời. Cho đến khi vụ kiện khốn nạn khia quất vào mặt hắn, hắn thấy xính vính, hắn buồn, hắn trở nên hận đời. Hắn đã quen uống rượu, nay hắn lại còn uống nhiều hơn. Và trong cơn say, hắn đã từng tính đi kiếm một khẫu P38, đóng vai ông tướng gì đó, người đã để đầu nòng súng lên đầu tên VC bóp cò. Chẳng biết hắn có dám làm như vậy không, nhưng cơn tức giận làm cho hắn thèm đưa khẩu súng lên đầu bóp cò, đầu ai thì lại là chuyện khác. Có thể là đầu vợ hắn, có thể là chính đầu hắn!

“Anh chớ có nghĩ bậy! Cứ uống vừa vừa thôi! Rồi cơn buồn sẽ vơi đi. Cuộc đời sẽ vẫn còn đáng sống!”
Thằng bạn hắn đã ngăn cản hắn, không muốn hắn làm một cử chỉ oai hùng. Mà nào hắn có dám làm? Bộ làm thế dễ làm hả?

- Ơ kià! Em đang nói chuyện với anh sao tự nhiên anh lại cứ như mê mẩn cả người đi thế? Anh đang nghĩ gì vậy?
- Anh nghĩ đến cuộc đời anh sẽ ra thế nào nếu không còn em nữa.
- Sao lại không còn em nữa? Bộ anh tính bỏ em hay sao?
- Ai tính bỏ ai thì em biết đó, sao em hỏi anh?
- Anh nói mới hay nhỉ? Em có bao giờ có ý nghĩ bỏ anh đâu? Em muốn về làm vợ để ở với anh suốt đời mà!
Hắn nhìn thấy vở bi hài kịch tái diễn ra trước mắt. Cuộc đời chỉ là giả dối, toàn là giả dối, ai cũng giả dối, chỉ có ít hay nhiều. Hắn bỗng cảm thấy bi quan, thấy một màu xám xịt trên bầu trời, chằng còn thấy đâu ánh sáng mặt trời, chẳng còn thấy mây xanh lơ lửng, gió mát hiu hiu thổi … Hắn nói một câu, ai nghe cũng thấy ngớ ngẩn:

- Anh sợ lấy vợ rồi. Một lần lấy vợ là đủ rồi em ơi!
Có lẽ thấy câu nói của hắn có vẻ cải lương nên em phì cười. Em nói ngon lành:

- Không lấy thì thôi! Miễn anh cho tên em vào là em bằng lòng ở mãi mãi với anh. Anh biết em thương anh biết là chừng nào mà. Em chỉ có mình anh trong đời thôi…
Hắn bỗng thấy chán nản lạ lùng. Nhìn em, hắn chẳng còn thấy em đẹp, em hấp dẫn nữa. Bao lưu luyến trước kia nay bỗng bay đi đâu rồi, hắn chẳng cần biết. Hắn nói:

- Khổ lắm, anh biết rồi. Em cứ nói mãi….\

Thế mà từ ngày cuộc đối thoại kia diễn ra tới nay cũng đã ba bốn tháng rồi. Ba bốn tháng dài dằng dặc làm cho hắn thấy cuộc đời hắn thật ăn mày, hắn cứ lủi thủi một mình trong sự cô đơn buồn bực. Mất em, hắn mất hết lý thú trong cuộc sống, hắn nhớ lại những ngày tháng đen tối sau vụ ly dị. Hắn nhớ lại nỗi chua cay, những cảm giác ê chề, vô vọng, những suy tư không lối thoát, càng ngày càng đưa hắn vào chỗ bí, vào chân tường. Đã bao lần trong cơn tức giận hắn đập phá một thứ gì trong căn nhà, nay rộng thênh thang và lạnh lẽo như một nhà mồ! Khốn nạn hơn nữa là sau khi đập rồi, sau khi hắn bình tâm lại, thì chính hắn lại phải đi lấy chổi quét, lại phải tự thân đi dọn dẹp. Và từ từ hắn đi vào cơn trầm cảm, hắn thấy chán đời, hắn thích nghe những bản nhạc buồn như bản “Chán Nản”:

Đã có những lúc chán chường,
Chán cho đời,
Sao buồn quá…”
Hắn bỗng thấy thương giọng hát nhừa nhựa của Thùy Dương và thương em ca sĩ có cái lối hát thật quyến rũ này, em cứ kéo dài chữ “đ” như thể em nói ngòng ngọng, như thể em muốn làm hắn yêu em hơn, yêu em nữa, yêu em mãi mãi. Đồng thời hắn nhớ lại hình ảnh em ca sĩ người Bồ trong cái quán rượu ở Lisbon nơi hắn đến uống rượu, em ca sĩ xinh đẹp như một nàng tiên, em bận đồ đen, để rũ mớ tóc dài đến tận đít, em cứ nhắm nghiền đôi mắt lại mà ngân ca, em hát không cần micro, em để hết tâm hồn vào bài ca tình, bài ca em hát cho người yêu xa vắng mà em nhớ đến cùng tận. Hắn không biết Thùy Dương có nhắm nghiền đôi mắt khi ca bài “chán nản” này hay không, nhưng có điều hắn càng nghe, hắn càng mê bài ca có lời than thở nảo nuột, càng mê giọng ca nhừa nhựa của em ca sĩ , và hắn càng thấy cuộc đời buồn chán hơn bao giờ hết. Và đã có khi hắn thấy muốn ra đi, đi trốn cuộc đời đã chó má với hắn, hắn muốn “good bye la vie” từ giã cuộc đời, hắn muốn bỏ đi vĩnh viễn…
Thế nhưng khi tên bác sĩ da trắng hỏi hắn với đôi mắt cú vọ, “Have you thought of taking your own life?” (có khi nào ông nghĩ tự tử không?) thì hắn đâu ngu gì mà nói thật? Nói thật thì hắn sẽ bị đưa vào khu quan sát, hắn sẽ 24 tiếng trong một ngày bị canh chừng, và có thể phải bận chiếc áo straight jacket cột chân cột tay hắn lại. Hắn tự nhủ, “Mẹ kiếp, ông muốn chết thì để cho ông chết, mắc mớ gì đến mày mà mày cản ông?” Rồi hắn nghĩ tới Iris Chang, người văn sĩ nữ Trung Hoa trẻ đẹp, nổi danh như cồn, sách viết, cuốn “The Rape of Nanking”, bán hàng triệu cuốn, tiền bạc thu vào như nước. Thế mà một hôm buồn tình, em lái xe vào một khu rừng, đưa khẩu súng săn loại cổ có từ trăm năm trước, mà em mua để trưng bầy, lên ngay chỗ dưới quai hàm, bóp cò chết tốt. Có ai biết em buồn đâu? Ai biết em đi tìm cái chết giữa cái tuổi còn xuân xanh, giữa lúc tên tuổi em nổi lên như cồn, ai cũng nói đến, báo chí truyền thông tranh nhau phỏng vấn em? Cái buồn nó ẩn giấu, nó ở bên trong, nó gậm nhấm em từ từ, em không muốn nói ra, bởi vì người ta sẽ bảo em điên, em sung sướng như thế mà buồn mà chán, em đòi chết, em chết để chồng con cho ai, để tiền bạc lại cho ai? Nhưng khốn nỗi khi người ta đã muốn chết thì còn có cái gì trên đời này là đáng quan tâm nữa? “Nothing matters no more in the world.” Mỹ nó nói thế!


Sáng nay hắn không còn muốn chần chờ gì nữa. Kể cũng lạ, hắn có những ý tưởng mà người bình thường không thể hiểu được. Hắn đã nghĩ rằng cả đời đã sống ngon lành thì bi giờ chết cũng phải chết ngon lành. Đã có lúc hắn muốn chết như James Dean, thần tượng của hắn, chết trong một tai nạn xe hơi mà hắn cố ý gây ra. Hắn đã có lần ăn bận đẹp, bỏ mui chiếc Corvette, chạy nó xuống vùng Salinas, đến đúng ngay nơi James Dean chết, tại ngã ba nơi con lộ 46 cắt con lộ 41, gần Paso Robles để đậu xe ở đó trầm ngâm cả tiếng đồng hồ. Biết James Dean khi chết lái chiếc Porsche Spyder, hắn đã muốn đổi chiếc Corvette lấy chiếc Porsche, nhưng rồi thấy làm như thế quá nhiêu khê, hắn không có đủ tinh thần làm. Vả lại nếu muốn chết giống James Dean thì hắn phải cho chiếc Corvette đâm đầu vào một chiếc xe khác, một hành động có thể giết người lái của chiếc xe hắn sẽ húc vào.


Nghĩ đi nghĩ lại, hắn thôi, hắn đổi ý, hắn về nhà tiếp tục ngồi uống Cognac nghiền ngẫm, và hắn đã tìm ra con đường giải thoát mới: nhẩy chục từng lầu như thể các em gái Tây ôm dù nhẩy từ trên đỉnh núi nhẩy xuống. Chỉ có khác là hắn sẽ không ôm dù, hắn sẽ nhẩy ngoạn mục hơn, hắn sẽ nhẩy vào cõi chết. Người ta hồi hộp trước khi phóng mình ra, còn hắn, hắn sẽ phơi phới trong lòng, hắn sẽ thấy vui, thấy nhẹ nhàng. Hắn quyết định hắn sẽ từ biệt tất cả trong một sự thanh thản kỳ diệu, một sự an nhiên tự tại cùa một vị bồ tát. Người ta chỉ hoảng hốt khi còn nuối tiếc cõi đời, mà riêng hắn, hắn đâu còn gì để nuối tiếc?


Và như thế, hắn đã vui vẻ vào nhà tắm làm những công việc vệ sinh thường lệ. Hắn đã đi tắm rất lâu, làn nước nóng cháy bỏng da thịt đã làm cho hắn cảm thấy đê mê khoan khoái, hắn đã đứng lâu hơn dưới vòi sen và tự nhiên nghĩ đến những em gái hắn đã may mắn được đứng bên cạnh, dưới vòi nước nóng như thế. Trong đầu óc hắn, trong khoảnh khắc, hiện ra bao nhiêu hình bóng những người tình, từng hình bóng, từng hình bóng, với từng vẻ mặt, thân hình, cử chỉ, nụ cười, vuốt ve …, tất cả hiện ra như một đoạn video ngắn mà tâm khảm hắn đã ghi nhận và giữ lại cho đến giờ phút đó. Bỗng dưng hắn mở miệng khe khẽ hát bài “To all the girls I loved before..” mà một dạo hắn đã mê nghe ca sĩ Julio Iglesias hát, để rồi chính hắn cũng nghêu ngao theo. Đầu óc hắn lúc đó như đã bị ma nhập quỉ bắt hay sao ấy. Không có ai trên cõi đời mà lại có thể đi vào cõi chết một cách kỳ dị như vậy. Có thể hắn đã bị bệnh tâm thần nặng, có thế hắn đã mất hết trí khôn, hắn hành động một các vô tri vô giác. Người đởi nghe chuyện này vể hắn sẽ khó có thể tin là thật vì làm sao lại có chuyện quái gở như thế?


Nhưng đối với riêng hắn thì chẳng có gì là quái gở. Còn bảo hắn điên, thì cũng đúng thôi, vì có ai không điên mà lại quyết định đi tìm cái chết? Người bình thường tất nhiên phải ham sống, dù có khốn khổ đến đâu, bởi vì có sống mới hy vọng hết khổ, chẳng thế mà đã có câu “hết bĩ cực thời thái lai.” Và như thế, hắn đã thoải mái bước ra khỏi phòng tắm, bận đồ như thể hắn đi chơi hay đi làm ngày xưa, chải đầu tóc láng coóng, xịt nước bông cho thơm. Hắn nghĩ hình ảnh khi hắn nằm cong keo dưới đất phải là một hình ảnh đẹp, ít ra là về bề ngoải. Ngay cả khi chết rồi, hắn vẫn còn thơm rực mùi nước hoa Chanel pour Homme mà hắn ưa thích. Và cho đến đôi vớ và giầy hắn đi dưới chân, hắn cũng đã lựa vớ soie đắt tiền và giầy Italie đánh bóng nhẫy, làm bằng thứ da mềm chẳng khác gì da làm găng tay cho các bà các cô đài các. Hỉnh ảnh người ta lúc chết là hình ảnh để đời. Chẳng thế mà Marilyn Monroe đã chọn chết giữa một rừng hoa đẹp mê hồn, em nằm trong một chiếc giường nệm như đang nằm mơ, khăn trải, mền mùng đều một màu hồng, cái màu của tình yêu, của hạnh phúc, của sự bất diệt.


Bận quần áo xong xuôi, hắn soi gương nhìn ngắm mình cho chắc ăn, như thể hắn sắp đi gặp em, đi dạ hội, hay đi cua đào như thuở nào, vào những ngày xa xưa… lưu luyến ấy. Rồi hắn đi một vòng căn nhà để từ biệt cái nơi mang bao nhiêu dấu tích kỷ niệm của nửa cuộc đời hắn. Nói nửa cuộc đời thì cũng là hơi quá, nhưng hơn 15 năm, nếu kể từ ngày hắn trưởng thành, thì cũng có thể coi đó là nửa cuộc đời người của hắn quá đi chứ! Hắn không còn thấy tiếc gì cả. Căn nhà, sau khi hắn chết, sẽ được cho một cơ quan từ thiện để cứu giúp những trẻ em nghèo không được đi học ở quê nhà. Hắn nhớ lại ngày còn bé, mẹ hắn cũng phải vất vả lắm mới nuôi được hắn ngày hai bữa cơm và cho hắn đi học. Nhưng hắn đâu có thích đi học? Hắn chỉ thích đi đá banh, đi chơi với những đứa bạn cùng lứa. Cho nên lớn lên hắn mới hư hỏng, không thích đi học mà chỉ thích đi kiếm tiền để ăn chơi. Mà cái tật ăn chơi nó đã vào máu, vào xương tuỷ của hắn, thiếu nó thì hắn không còn là hắn, hắn sẽ giống như bao nhiêu con người khác trên cõi đời. 

Vì thấy tật xấu tai hại của mình - hắn thấy nhưng không từ bỏ được mà cũng chẳng muốn từ bỏ – nên hắn quyết định phải khuyến khích, phải tạo cơ hội cho những đứa bé ở quê hắn sớm được đi học, không cho chúng bụi đời, lêu lổng. Do đó trước khi chết, hắn quyết định mở rộng tim hắn ra, tiếp đón giúp đỡ một số những đứa bé bất hạnh. Hắn muốn làm một cái gì đẹp để đời, hắn muốn người ta thấy rằng hắn điên mà tỉnh, xấu mà tốt, hèn nhưng dám chơi ngon. Vả lại triết lý nhà Phật, mà mới đây hắn vội vã tìm hiểu, dạy cho hắn rằng cuộc đời vô thường, vô ngã, không có gì là của ta mãi mãi, chết đi chẳng mang theo được gì trừ… cái nghiệp. Mà cái nghiệp của hắn thì hắn thấy chẳng hay ho tí nào, nay hắn muốn tạo nghiệp tốt, hắn muốn xám hối, hắn muốn được Phật Bà thương mà nghe đến lời cầu xin của hắn cho hắn trở lại làm người… bởi vì …hắn sợ phải làm súc sinh.


Đi xong một vòng căn nhà, hắn tiến lại nơi có bộ máy hát, hắn thò tay bốc chiếc CD Billie Holliday, bỏ nó cẩn thận vào cái bao ngoài, rồi nhét vào túi veston. Hắn đi lại quầy rượu, mở cánh tủ, đưa cánh tay vào phía trong, lấy ra một cái ly pha lê có trạm chổ tên hắn và chai Glenfiddich Rare Collection Single Malt Scotch Whisky 40 year old, chai whisky hắn quí nhất trên đời mà hắn đã mở nhưng vẫn chưa uống hết, hắn cứ để dành mãi cho đến nay. Hắn đưa chai rượu lên ngang tầm mắt, nhìn nó và nghĩ trong đầu, “Mẹ kiếp trong cả đời, ông chỉ mong uống mày rồi chết!” Và lát nữa, hắn sẽ mở nút chai rượu, uống cho đã thèm, trước khi đâm đầu từ tầng 13 của toà nhà building xuống đất, hắn sẽ đâm đầu như thế để kết liễu cuộc đời hắn một cách ngon lành.


Rồi hắn tiến lại chiếc bàn gỗ mahogany đen bóng trong study room của hắn. Hắn đưa mắt nhìn những kỷ vật xung quanh, mỉm cười. Hắn nói khe khẽ đủ để cho chính hắn nghe mà thôi, “Vĩnh biết tất cả, vĩnh biệt, adieu, adios, farewell, Sayonara!” Hắn nói như thể hắn đang nói với người tình của hắn. Hắn không tỏ vẻ gì là buồn. Cuộc chia tay này cũng chẳng khác chi cuộc chia tay hắn đã phải gánh chịu khi rời bỏ Saigon thương mến của hắn. Đối với hắn, chỉ những vật vô tri vô giác mới làm cho hắn bịn rịn, hắn chỉ chung thủy với những thể vật, những thứ không biết yêu biết giận, không biết hờn biết ghen, không biết chung thành hay phản bội. Hắn ngồi xuống chiếc ghế nệm da êm ấm, với tay lấy chiếc Parker Duofold bằng vàng, và bắt đầu viết trên tấm giấy màu hồng nhạt có tên hắn in sẵn nơi đầu trang giấy:



Tôi xin vĩnh biệt tất cả những ai đã thương yêu tôi trên cõi đời này.
Tôi không thấy còn gì để lưu luyến cuộc sống. Tôi đã bằng lòng tựđi tìm cái chết.
Xin mọi người thông cảm và đem tôi đi chôn tại mảnh đất tôi đả chọn trước.
Cám ơn những ai đã nhỏ lệ cho tôi sau khi tôi đã nằm xuống!
Ký tên
xxxxxxxxx


Hắn mở ngắn kéo bàn, rút ra một phong bì lớn, cho tờ giấy hắn vừa viết vào. Đặt chiếc phong bì xuống, hắn cầm cây viết quí ghi lên trên mặt chiếc phong bì mầu trắng: “To Whom It May Concern” rổi tay cầm chiếc túi da đeo vai trong đó có chai whisky, một cái lý pha lê, lá thư, và tấm CD, hắn thanh thản bước ra cửa, tiến lại chiếc Corvette thân yêu của hắn. Hắn đặt chiếc túi nơi ghế bên cạnh, lẳng lặng đút chiếc chìa khoá và nổ máy chiếc xe. Ba mươi giây sau, chân trái hắn nhận chiếc bàn đạp sang số, tay trái đề trên bánh lái, hắn dùng tay phải sang số và chân phải hắn nhấn mạnh xuống bàn đạp ga. Chiếc xe vọt đi như vũ bão.


Khi hắn đậu chiếc xe vào parking lot thì đã hơn 8 giờ sáng. Bữa nay bầu trời xanh ngắt báo hiệu một ngày đẹp tuyệt vời. Mặt trời sẽ lên cao, nhiệt độ sẽ nóng hơn bình thường một chút, nhưng thà thế còn hơn là một bầu trời ảm đạm, xám xít hay đen xì. Hắn sẽ chết vào một ngày trời nắng đẹp, mây xanh phủ lơ lững trong ánh sáng tràn ngập, đoạn phim thâu lại giây phút sau cùng của cuộc đời hắn sẽ rực rỡ, hắn sẽ chết trong sự huy hoàng của thiên nhiên, sự đón nhận của trời Phật. Hắn nghĩ thế và không thể nghĩ sai được. Nhưng khi hắn đẩy chiếc cửa, vừa bước chân vào trong toà nhà thì tên gác gian da đen chặn hắn lại:

- Xin lỗi, ông đi đâu?
- Tôi lên văn phòng cũ của tôi ở lầu 13.
- Cả lầu 13 bây giờ trống không. Công ty XXX đã phá sản, các văn phòng đã đóng cửa, không còn nhân viên nào trực ở đây.
- Tôi biết. Tôi xin anh cho tôi một ân huệ cuối cùng….
Hắn móc túi lấy tờ 100 dúi vào tay tên gác dan. Nhìn thấy tờ giấy bạc, tên da đen sáng mắt lên, miệng há hốc ra ngạc nhiên. Có lẽ chưa ai cho y 100 bao giờ… Hắn nói:

- Tôi còn một số đồ đạc riêng chưa dọn ra. Tôi mới đi Hawaii. Đi nghỉ xả hơi ấy mà… Lại có em đi theo nên không về kịp… anh thông cảm cho tôi nhe?
- Okay. Tôi để cho ông lên văn phòng lần này. Và chỉ lần này thôi đấy nhé!
- Cám ơn anh! Chỉ một lần này thôi!
Hắn thở phào nhẹ nhõm. Trong đầu hắn nghĩ, “May quá! Thằng khốn nạn đó mà không chịu lấy tiền thì kế hoạch của mình đi đoong! Mình đi đâu mà chết bi giờ?” Thay vì lên bằng thang máy nơi hắn nghĩ có thể mấy thằng nhân viên sở khác nhận ra hắn, hỏi chuyện này chuyện nọ, khó ăn khó nói, hắn hướng về phiá cánh cửa sắt nơi đưa vào chiếc cầu thang đi chân. Hắn tự nhủ, “Mẹ kiếp! Việc gì mà mình phải vội? Trước sau gì, mình cũng chết, chỉ nội trong ngày nay!” Thế là hắn từ từ vừa bước những bực thang vừa suy ngẫm lại về cuộc đời của hắn, về những kinh nghiệm đau thương, những chuyện khốn nạn, những chuyện ăn mày mà hắn đã phải chịu đựng trong suốt ba mươi năm qua.


Hắn nghĩ đến những ngày hắn ở trong quân đội, những ngày hắn phải xa mẹ hắn, những ngày hắn phải lội suối leo rừng đi đánh nhau với bọn Việt Cộng, hắn tưởng chết mấy lần. Rồi hắn nghĩ tới những đồng đội của hắn và tự nhiên những bộ mặt thân thiết nhất trong đời lính của hắn hiện ra rõ như mồn một, những tiếng nói tiếng cười, những hành động, những tính nết dị biệt của từng đứa, những lúc chung lưng đấu cật chiến đấu để sống còn, những lúc cùng nhau vui bên các em trong làng chơi, những buổi nhậu say mèm…
Hắn nghĩ đến người em gái hậu phương đến thăm các anh nơi tiền đồn vùng Cao Nguyên vào hai ba ngày trước Tết năm 72, em bận chiếc áo dài trắng tha thướt, tóc để ngang vai, em cùng những đứa bạn lăng xăng đi vòng vòng hỏi thăm các anh lính, miệng cười chúm chím, vẻ mặt thật ngây thơ, vui như mùa xuân về. Đến khi nói chuyện với hắn, em ngây thơ hỏi:

- Anh phải xa nhà những dịp xuân về, anh có buồn không?
Hắn buồn thấy mẹ trong lòng nhưng nói ra sao được? Đâu phải chỉ mình hắn xa nhà? Đi chinh chiến giữ non sông, như bao người lính khác, hắn có bổn phận phải ở lại sẵn sàng chiến đấu chống bọn giặc đang hăm he lợi dụng những ngày Tết để tấn công bất ngờ, mưu toan chiếm đất vùng cao nguyên này. Hắn nói:

- Chúng anh quen rồi em ơi! Có gì mà buồn, ở đây anh có nhiều bạn bè, sống chết có nhau. Vả lại bọn anh không có thì giờ đâu để buồn…
- Thế anh không nhớ người yêu ư?
- Anh chưa có người yêu…. Thế em có chịu làm người yêu bé nhỏ của anh hay không? Nếu thế, anh sẽ có em để thương để nhớ…
Em đỏ mặt, bẻn lẻn quay sang phía khác lí nhí:

- Anh kỳ quá à! Hỏi thế em biết sao trả lời…
Khi ra về, em dúi trong tay hắn một lá thư viết sẵn, cuối thư hắn thấy ghi tên em, tên trường em học, lớp học và địa chỉ của trường ở tỉnh em. Hắn cầm lá thư, gấp đôi bỏ túi áo nơi ngực, nơi trái tim còn trống rỗng của hắn, chưa có nàng tiên nào chui vào đó nằm. Đúng đêm giao thừa, dưới ánh đèn pin, hắn viết mấy giòng chữ cho em như sau:

Hương thương nhớ,
Chỉ gặp em có mấy phút, nói chuyện với em có mấy câu mà sao hình bóng em đã ăn sâu vào tâm trí anh? Trước đây anh không biết nhớ, biết buồn. Em đến với anh ngày hôm đó, để dạy anh biết buồn biết nhớ! Nhớ ai em có biết không? Nhớ cô em gái có mớ tóc thề đã cất công lên tận đây thăm anh, để lại cho anh trong tim một cảm giác ấm áp tràn ngập tình thương…
Năm mới đã đến, anh viết thư để cám ơn em và chúc em luôn luôn vui và thành công, muốn gì được nấy. Khi rảnh em hãy biên thư cho anh, anh sẽ thương nhiều.
Ký tên
KBC…
Hắn gửi lá thư đi nhưng chằng bao giờ được hồi âm. Thế rồi cuộc đời trôi qua, hình ảnh em chỉ một thoáng đã biến đi khỏi tâm trí hắn lúc nào hắn cũng chẳng hay biết, để rồi giờ đây nó lại hiện ra, tuy mờ mờ ảo ảo, nhưng vẫn như mới ngày hôm qua, vẻ mặt xinh xinh của em, nụ cười, điệu bộ, lời nói… Thật là kỳ lạ! Hắn tự hỏi, “Không biết giờ này em ở đâu, em có chồng mấy con, vui hay buồn, hạnh phúc hay khốn khổ….?”
Hắn nghĩ tới những ngày hắn ở trong nhà tù Cộng Sản. Ba năm dài hắn sống trong uất hận, trong cơn nhục nhã vì bị bọn khốn nạn VC hành hạ tinh thần, đầy ải thân xác, làm khổ hắn đủ mọi cách mọi kiểu. Ba năm hắn căm thù bọn đế quốc giả nhân giả nghĩa đã phản bội dân tộc hắn, bỏ rơi Miền Nam mà chúng gọi là đồng minh chiến đấu cho tự do. Hắn căm hận bọn thực dân tư bản đã đến quê hương hắn không nhằm gì hơn là để hút máu, để nô lệ hóa, để bóc lột. Hắn tức điên người vì những kẻ lãnh đạo Miền Nam đã hèn hạ đầu hàng quân thù, không dám đương đầu với bọn giặc Cộng Sản. Lắm lúc hắn đã thèm có đủ can đảm, để như những anh lính Nhẩy Dù ở Hàng Sanh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, thịt hết bọn giặc cho đến khi hết đạn rổi cho nổ lựu đạn để tự đi tìm cái chết vinh quang.
Rồi hắn nhớ lại lần đi vượt biên để lại mẹ già ở quê nhà. Hắn nhớ lời mẹ hắn đã tha thiết nói với hắn:

- Con à, con phải tìm đường đi đi. Đất nước này không còn của chúng ta nữa! Ở đây chỉ để chờ ngày chết. Mẹ đã già thì không sao, nhưng con còn trẻ, con còn cả một vùng trời tương lai để hưởng, để sống như con người. Ở đây con sống không bằng con vật. Con vật nó còn tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, con thì không…



- Nhưng con đi sao được, con đành lòng nào để mẹ ở lại? Mà mẹ đi thì quá gian nan nguy hiểm.
- Con đừng lo cho mẹ. Con cứ đi đi. Sang bên đó cố đi học lại. Con hư lắm không chiụ học khi còn bé, nay phải học bù đó nghe con! Gắng học xong, kiếm tiền gửi về nuôi mẹ, chứ ở đây làm sao con nuôi được mẹ? Thân con, con lo còn chưa xong…
- Học thì đối với con không thành vấn đề. Sang được bên đó, con sẽ vừa đi làm, vừa đi học. Con sẽ sớm gửi tiền về cho mẹ sống đỡ vất vả hơn. Nhưng… nhưng những lúc mẹ ốm đau… thì sao? Ai ở bên mẹ chăm lo cho mẹ? Ngày con còn bé, có mẹ luôn bên cạnh chăm lo cho con … Nay mẹ già con nỡ nào bỏ mẹ một mình để ra đi …cho sướng lấy cái thân con?
- Mẹ nói cho con nghe. Tre già chết đi thì măng non mọc lên. Mà con có ở lại cũng chẳng làm gì được cho mẹ. Cứ ở đây thì cả hai mẹ con mình càng chết sớm, lấy gì mà sống? Con phải đi. Con phải đi tìm đường sống cho cả hai mẹ con mình. Hơn nữa, vài năm con khá rồi, con đón mẹ sang ở với con, khi đó con lấy vợ đẻ con, mẹ sẽ chăm lo cho chúng nó. Nghe mẹ đi con…
Nghe mẹ hắn nói có lý, hắn cũng đã thấy cùng đưởng, hắn đã thấy không còn con đường nào khác để cho hắn chọn. Không có tiền đi vượt biên bằng đường biển, hắn đã lủi thủi một mình đi tìm con đường bộ, lăn lộn băng rừng băng núi, vượt qua mọi gian nguy, đi tới biên giới Thái Lan. Hắn đã may mắn được đi Mỹ nhanh chóng, sau có sáu tháng lết qua hết trại tị nạn này sang trại tị nạn khác. Đến Mỹ, hắn đã đi bỏ báo ban đêm, đi làm nhà hàng ban ngày, chiều tối đi học. Hắn đã kiên trì tranh đấu, cắn răng chịu đựng bốn năm, hắn đã vươn lên và đã thành công. Khốn nạn cho hắn là ngày hắn học xong và cũng là ngày có giấy báo của sở di trú sắp sữa cho phép mẹ hắn xum họp gia đình thì hắn nhận được tin từ bên nhà cho biết mẹ hắn đã qua đời. Bà đã ốm đau từ lâu nhưng đã giấu hắn, sợ hắn buồn, hắn lo, hắn bỏ ăn bỏ học bỏ làm. Người đàn bà đẻ ra hắn cũng đã cắn răng chịu đựng cho đến phút chót của đời mình. Bà là sự điển hình của người mẹ Việt Nam. Bà tiêu biểu của tình mẫu tử, bà là gương can đảm sáng chói cho hắn noi theo. Và hắn đã noi theo, hắn đã tự hào là con của mẹ, tự hào là đứa con xưa hư hỏng, nhưng nay đã hoàn lương, đã vượt lên khỏi bùn nhơ, đã chiến thắnh định mệnh. Được tin mẹ hắn chết, hắn đã khóc hu hu như một đứa bé con, hắn đã gào thét, hắn đã đau đớn, hắn đã trách ông trời sao quá ác, sao đã bắt me hắn chết trước khi được thấy sự vinh quang của đứa con mà bà thương yêu vô ngần. Hắn tự trách hắn đã vô tâm, đã bất hiếu, đã không biết trước lúc mẹ mới ốm để mà chạy thuốc cho mẹ hắn….


Sau cùng hắn nhớ đến người vợ cũ của hắn, hắn nhớ đến người đàn bả ích kỷ ác độc mà hắn đã cưới lầm về làm vợ, hắn nhớ đến bao nhiêu nhục nhằn khốn khổ, bao nhiêu phiền muộn chán trường do việc hắn đã tính sai, đã để bề ngoài sai khiến. Trong hơn mười năm trời, hắn đã phải trả cái giá quá đắt. Hắn không muốn nói đến của cải vật chất, đến đồng tiền mà hắn đã phải chia. Hắn vốn là con người hiểu lẽ phải, hiểu thế nào là công bình. Hắn không hận người đàn bà đã hành hạ hắn, hắn chỉ hận chính hắn, chỉ tự trách mình là ngu, là dại, là đần độn. Đã thế hắn lại hèn không dám nhìn vào thực tế, hắn đã không đủ can đảm dứt mình ra khỏi cái mối dây nhợ đã rối beng, không thể còn gỡ ra được nữa. Cuối cùng chính hắn đã là kẻ thụ động tiếp nhận sư tha tội từ vợ hắn. Thế mới khốn nạn cho hắn. Thế mới làm cho hắn thấy nhục. Chẳng vì thế mà trong lúc cùng quẩn, hắn đã muốn có một khẩu súng để đưa lên đầu mình bóp cò. Từ đó, hắn cứ thấy khó chịu làm sao mỗi khi phải nhìn bộ mặt hắn trong gương, Hắn cứ nghe thâm tâm hắn nói, “Hèn! Mày là thằng hèn!”. Và từ đó hắn mất tự hào, mất tự tin, mất tự trọng. Hắn đã bị đưa xuống hàng một con người tầm thường, tầm thường như tất cả những con người khác, một điều làm cho hắn thấy khốn khổ nhất. Cả đời, hắn đã chỉ muốn khác người.


Khi tâm trí hắn dừng nơi đây, khi hắn cảm thấy mệt mỏi về cả tâm hồn lẫn thể xác thì hắn đã leo hết 130 bực thang để lên đến lầu 13, nơi hắn có văn phòng làm việc khi xưa. Hai chân hắn đã rã rời, lồng ngực hắn gần như nghẹt thở, tim hắn đập phình phịch. Đầu óc hắn thì lại nặng chình chịch, nặng như chưa bao giờ hắn thấy nặng như thế. Hắn cố lê bước dọc theo hành lang vắng hoe để đến cửa căn phòng số 1313 xưa kia của hắn. Mấy đứa bạn hắn đã có lần nói rỡn chơi về con số 1313 này:

- Tao thấy mày nên xin đổi sang một căn phòng khác mà làm việc. Con số 13 chưa bao giờ đem lại may mắn cho bất cứ ai trên cõi đời!
- Sao mày mê tin dị đoan thế?
- Không phải tao mê tín dị đoan. Tao nghe ai cũng nói thế! Tránh đi là tốt. Ai đời bọn mình phải làm việc ở tầng thứ 13, thế đã khốn nạn rồi, mà mày lại còn ở phòng số 13! Hôm nào trùng ngày thứ sáu 13 nữa, chắc tại họa có thể xẩy ra cho mày!
Nhớ đến câu nói này làm cho hắn giật mình. Hắn đưa chiếc đồng hồ Bulova đeo trên cổ tay lên xem. Trong cái cửa sổ nhỏ xíu bên phải hắn nhìn thất chữ FRI và ngay cạnh là con số 13. Hắn nghĩ, “Mẹ kiếp đúng thật! Mình có chọn ngày chết đâu mà sao nó lại trùng hợp lạ lùng như vậy ta?” Hắn đưa chiếc các chià khoá vào trong lỗ nơi gần tay mở cửa rồi kéo nhanh ra đến xoẹt. Tự nhiên hắn mỉm cười khi mường tượng đến một hình ảnh kéo ra cũng nhanh như thế. Chưa kịp làm gì khác, hắn xoay tay cửa, đẩy cánh cửa khá mạnh, rồi bước vào phía trong căn phòng. Căn phòng kỳ trước hắn dọn ra bừa bãi những đồ đạc, lổn ngổn rác rưởi dưới đất, nay đã được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Hắn đến ngồi vào chiếc ghế có bánh xe lăn hắn đã ngồi quen hàng nấy chục năm nay, trước chiếc bàn gỗ to vừa phải, đi đôi với chiếc ghế. Chiếc computer hắn vẫn dùng để làm việc không còn nữa. Hắn mỡ chiếc túi đeo vai lấy ra cái ly pha lê, đưa lên ngang tầm mắt ngắm nghía, rồi đặt nó xuống mặt bàn. Hắn thò tay vào sâu trong túi lấy chai rượu whisky ra và lập tức mở nút rót rượu vào ly. 


Để chai rượu xuống bàn xong, hắn liền cầm cái ly lên, ngửa cổ nốc một hơi dài gần hết ly, miệng hà một cái ngon lành, rồi đặt cái ly xuống bàn trở lại. Xong hắn đứng dạy, cởi chiếc veston, cầm nó trên tay để móc lấy cái CD nhạc do Billìe Holliday hát, để tấm CD xuống mặt bàn rồi khoác chiếc áo lên lưng ghế.
Hắn thò tay vào túi quần tính móc chiếc cell phone ra nhưng hơi hoảng khi không thấy nó trong cả hai túi quần. Hắn vội cầm chiếc túi sách đeo lưng, banh rộng nó ra, nhìn vào xem có chiếc phone không, nhưng cũng không thấy. Hắn trợn mắt lên vì kinh ngạc, lần này cầm chiếc veston lên trở lại, cho tay vào tất cả những túi áo tìm kiếm cũng không thấy có. Hoảng hốt, hắn nghĩ không biết phải làm sao bi giờ. Hắn cần chiếc cell phone để gọi cho em để say good-bye forever (chào vĩnh biệt) và để nhờ em báo cho các cơ quan truyền thông về cái màn nhẩy lầu của hắn. Không có các phóng viên báo chí nhìn lên, không có cameramen quay phim, cái chết của hắn sẽ rất uổng công. Cả kế hoạch “chết ngon” của hắn sẽ “a lô” (à l’eau), sẽ tan tành, sẽ phí đi, sẽ vô nghĩa, vô dụng. Mà hắn thì đang muốn chết, sẵn sàng chết. Chờ đến mai thì biết đâu hắn sẽ đổi ý, hắn sẽ nghĩ lại, sẽ thôi không còn muốn đai (die) nữa. 

Bỗng nhiên hắn nghĩ đến cái tựa của một cuốn cuốn phim xi nê mà hắn mê thích khi còn ở tuổi thanh niên: “Le temps d’aimer et le temps de mourir” (Một thời để yêu và một thời để chết) hắn chẳng còn nhớ câu chuyện trong phim ra sao nữa, nhưng hắn cũng cóc cần. Hắn chỉ biết hiện giờ là thời để hắn chết và hắn phải chết bi giờ, ngày mai sẽ quá trễ. Nghĩ đến đây, hình ảnh Elvis Presley lại hiện ra trong tâm trí hắn với bài ca bất hủ “It’s now or never” trong đó có câu, “Tomorrow will be too late!” Đúng vậy! ngày mai sẽ quá trễ. Hắn sẽ lại thích sống, sẽ lại đi tìm em gái khác để làm tươi lại cuộc đời hắn. Hắn có thể lại hồi sinh, rồi biết đâu sẽ lại yêu đời, không còn dám nhẩy 13 tầng lầu xuống đất chết tốt nữa? Cho nên hắn hoảng, hắn sợ phát điên! hắn tự nói, “Thôi bỏ mẹ, bi giờ biết làm thế nào?”


Nhưng may cho hắn đúng lúc hắn cuống lên, không biết phải làm gì, thì có một giọng nói Mỹ từ ngoài cánh cửa còn mở he hé rót vào tai hắn:

- Hello! Is somebody in here? (He lô, có ai trong đây không?)
Mắt hắn sáng rực lên vì sung sướng. Đầu hắn làm việc rất nhanh. Hắn vội cầm ly rượu lên nốc một phát cho ấm giọng rồi mới lên tiếng:

- Is it Helen? I know it’s you! I recognize your voice! It’s me Peter Nguyễn. You still remember me don’t you? (Có phải Helen đó không? Anh biết đúng là em! Anh nhận ra giọng em mà! Anh đây, Peter Nguyễn đây. Tất nhiên em còn nhớ anh, chứ quên sao được?)
Hắn nhớ có mấy lần hắn đưa em về nhà trên chiếc Corvette, em khoái hắn nhưng hắn lại không khoái em, vì em là Mỹ, thân xác em to gấp rưỡi hắn, làm sao hắn chịu nổi?

- Oh my god! What are you doing in here? I thought you’re gone, gone forever! (Mèng đéc ơi! Anh làm gì trong đây? Em tưởng anh đi khỏi rồi, đi luôn rồi chứ!)
Helen vừa nói vừa mở cửa bước vào. Vừa thấy hắn ngồi ngon lành uống rượu, chai Glenfiddich Rare Collection Single Malt Scotch Whisky 40 year old, đặt chễm chệ trên bàn, em dang đôi cánh tay ra, phóng tới ôm hắn nói:

- Is this for your birthday ? Is it today your birthday, darling ? (Cái này là để mừng sinh nhật anh đấy à ? Hôm nay là ngày sinh nhật anh sao ?)
- Today is my death day. And I need your help, Helen. (Hôm nay là ngày anh chết. và anh cần em giúp anh, Helen)
- What do you mean ? I don’t understand… (Anh nói gì ? Em chẳng hiểu gì cả…)
Hắn bèn rót whisky vào ly, mời em uống. Em bảo em không uống được trong giờ làm việc. Hắn nói điều hắn sắp nói với em là điều đứng đắn và rất nghiêm trọng, hắn không nói đùa, nghe xong em có thể xỉu. Đáng lẽ hắn không nói ra nhưng vì kẹt, hắn cần em giúp đỡ, nên hắn phải nói. Vậy em cứ làm một ngụm cho nóng người, cho có đủ can đảm để nghe hắn nói. Thấy vẻ mặt nghiêm nghị của hắn, em như có linh cảm, em nghi có chuyện bi thảm sắp xẩy ra, nên em chịu nghe hắn, em làm một hớp whisky. Rồi thấy rượu êm dịu quá – rượu $2500 một chai mà không dịu sao được ? – em làm thêm một hớp nữa.


Hắn kể cho em nghe vắn tắt rằng hắn đã bị trầm cãm nặng, lại thêm nhiều căn bệnh khác nữa nên không còn muốn sống. Lát nữa uống xong chai rượu, hắn sẽ nhẩy lầu tự tử. Không ai có thể ngăn cản hắn được, vì cánh cửa sổ đã mở sẵn, hắn lại là đai đen karate, quen phóng mình lên không trung, hắn chỉ cần 10 giây là phóng qua. Hắn nói hắn đã đặt xong xuôi kế hoạch, chỉ còn chặn chót bị trục trặc vì hắn để quên chiếc cell phone ở nhà. Hắn muốn gọi cho người tình của hắn để tử biệt nhưng thôi cũng không cần gọi nữa. Nhưng hắn muốn có phóng viên truyền thanh truyền hình đến chứng kiến hành động ngoạn mục của hắn, vì hắn không có điện thoại để gọi thông báo, nên hắn phải nhờ em. Nghe đến đây em toát mồ hôi lạnh, tim em đập dồn dập, nước mắt em chảy ra dàn dụa, em lắp bắp van xin hắn:

- But I don’t want to be part of this! I don’t want to feel guilty! I would rather die with you! (Nhưng em không muốn dự phần vào chuyện này. Em không muốn gây ra tội. Thà em chết với anh còn hơn)
Hắn rót thêm rươu vào ly, đưa lên miệng làm nửa ly, xong hắn đưa cho em, bảo em uống đi cho có thêm can đảm. Rồi hắn giải thích:

- Honey, you are not part of anything. You’re not going to feel guity. And do’nt talk silly, you’re not going to die with me. (Em à, em không dự phần vào chuyện gì hết. Em không gây ra tội gì cả. và đừng có nói bậy! Em không chết theo anh được!)
Hắn thấy em nhìn hắn với đôi mắt chó con, đôi mắt cầu khẩn, đôi mắt van xin. Hắn bèn đứng dạy hôn em một cái lên má, rồi nói:

- After I died, my Corvette is yours. I know you like it. I’ll write a trust-like letter. Here are the keys ! Take them please. (Anh chết đi chiếc Corvette là của em. Anh biết em thích nó. Anh sẽ viết một chúc thư cho em. Đây là chìa khóa xe, em cầm lấy đi, cưng!)
Em không chịu cầm xâu chìa khoá, hắn phải dúi vào tay em, rồi hắn để tay lên vai em, nói với giọng ngọt ngào nhất của hắn :

- Now go honey! Go make the call! (Bây giờ em ngoan, em hãy đi kêu điện thoại dùm anh)
Em còn cố mè nheo:

- But I don’t know what number to call. (Nhưng em đâu biết số nào để gọi - nhà báo?)
- Honey, call 911 then tell them what I told you. ( Em cưng ơi, em cứ gọi 911 rồi kể cho họ nghe những gì anh đã nói với em!)
Helen đi rồi, hắn ngồi chờ tiếng hú của xe cảnh sát. Chừng bẩy phút sau đó, hắn đứng dạy đi ra mở to cánh cửa ra vào căn phòng, rồi lại gần cửa sổ đứng ngó xuống đường. Hắn thấy bốn chiếc xe cảnh sát lần lượt tới đậu lại thành một hình bán cung dưới sân, nơi chiếc cửa sổ nhìn xuống. Chừng một hai phút sau đó, đến phiên hai xe chữa lửa khổng lồ đến đậu ngay nơi gần chỗ cửa sổ đổ xuống. Kế đó là hai xe cứu thương đến đâụ bên hai chiếc xe chữa lửa. Vô số nhân viên cảnh sát và cứu hoả chạy tới chạy lui, và chẳng bao lâu sau, dưới kia đông nghẹt những kẻ tò mò đứng ngoái cổ lên phía hắn mà dương mắt lên nhìn. Hắn chưa thấy bóng dáng tên ký giả nhà báo hay nhân viên truyền hình nào nên hắn vẫn cứ bình tâm đứng nơi lan can nhìn xuống.
Bỗng nhiên, có tiếng người nói eo éo nơi hành lang dẫn đến căn phòng 1313 của hắn, làm cho hắn giật thót mình. Hắn quay người lại, đưa lưng dựa vào lan can, mắt hướng về phiá cửa ra vào phòng hắn. Rổi hắn nghe tiếng Helen từ ngoài vọng vào:



- Peter darling! The police want to talk to you! (Anh Peter! Có nhân viên cảnh sát muốn nói chuyện với anh nè!)
Vừa nghe thấy tiếng “cảnh sát” là hắn hoảng, hắn tức giận, hắn điên lên. Hắn la toáng:

- Helen, go away! I don’t want to talk to anybody! All I want is the camera crew! I’m warning you! If I see the police, I’ll jump! (Helen, đi đi em! Anh không muốn nói chuyện với ai hết! Anh chỉ muốn có bọn nhà báo đến quay phim thôi! Anh báo trước cho em biết, nếu anh thấy cảnh sát là anh nhẩy đó nghe!)
Nhưng rồi như trong những trường hợp có những vụ tự tử tương tự, như đứng trên cầu nhẩy xuống sông hay đứng trên cầu bắt ngang xa lộ nhẩy xuống giòng xe đang chạy áo ào, nhà chức trách đã đến điều đình với hắn, tìm cách khuyên răn hắn bỏ đi ý nghĩ khốn nạn đi tìm cái chết đi, bởi vì hắn còn trẻ mặc dù đã ở cái tuổi trên năm mươi - ngày nay người ta có thể sống đến tuổi tám chín mươi dễ dàng – hoàn cảnh của hắn chẳng có gì bi đát, trái lại hắn còn ngon lành hơn nhiều người, hắn có nhà có cửa, có xe hơi ngon, có tiền để dành trong ngân hàng. Vợ hắn bỏ hắn, em gái thôi hắn thì có chết thằng tây đen nào đâu mà phải buồn, phải thất vọng, phải muốn chết? Còn chuyện hắn mất việc thì trong cái hoàn cảnh kinh tế thụt lùi chung của cả nước, có bao nhiêu người chứ đâu riêng gì hắn được các hãng cho mảnh giấy màu hồng? Nói chi nguyên hãng của hắn đi đoong, tất cả mọi nhân viên đều phải đi về đuổi gà cho vợ? Hắn lại may hơn ở chỗ không còn vợ nên không phải đuổi gà, chỉ việc ngồi nhà uống cognac hay whisky chờ thời. Một ngày đẹp trời nào đó, khi mọi chuyện bình thường trở lại, người ta sẽ lại mời hắn đi làm. Khi đó biết đâu, hắn lại chẳng chơi xe Porsche thay vì Corvette cho giống thần tượng James Dean của hắn?

Cứ như thế anh bác sĩ tâm thần của hắn nhai nhải gần một tiếng đồng hồ. Lại còn em Helen, cứ bù lu bù loa xin hắn sống, đừng chết vì nếu hắn chết em sẽ “phiêu ghiêu ty” (feel guilty), cái chết của hắn sẽ ám ảnh em suốt đời. Em còn đề nghị với hắn để em vể làm người tình tạm, săn sóc cho hắn một thời gian cho đến khi hắn lành mạnh trở lại, ý em muốn nói cho đến khi hắn tìm được đào Việt Nam, vì em biết hắn cũng có cảm tình với em, nhưng chỉ tội em bự con nên hắn sợ chịu không nổi. Em nói mãi, em nói xùi cả bọt mép, em liệng cả chùm chià khóa chiếc Corvette vào phía trong phòng trả lại cho hắn, miệng nói, “ I don’t want it, I don’t want it after your death, it’s gonna kill me too!” có nghĩa là “Em không thèm chiếc xe đó, em không thèm nó sau khi anh chết rồi, vì nó cũng sẽ đưa em đến chỗ chết nốt!”



Hắn nghe nói mãi điếc cả lỗ tai, đầu óc hắn đã quay cuồng, hắn đã thấy chóng mặt. Đã đến lúc hắn muốn nhẩy mẹ nó đi cho rồi. Nhưng hắn lại muốn một cái chết huy hoàng, hắn muốn có vài nhóm quay phim đến quay cái cảnh hắn anh hùng phóng ra không trung để rồi rớt xuống cái bịch trên mặt đất xi măng, hắn thèm để đời những bức hình ngoạn mục cho thấy hắn bay như thể đang đánh võ, bay lơ lửng trên không trung ít ra cùng vài chục giây, may ra thì được một phút…trước khi chết.

- Peter thấy không, anh chết đi mà không để lại một hình ảnh nào cả, vì bọn cameramen không chịu đến. Họ cũng như em, không muốn dính dấp vào cái chết của anh. Họ không muốn “phiêu ghiêu ti”. Vậy anh hãy nghe em nói đây! Xin anh đừng chết, đừng chết một cách uổng phí như thế, bởi vì chết như thế, chết không được quay phim thì chẳng khác gì mọi người tầm thường chết cả!
Nghe đến đây, hắn bỗng thấy em Helen có lý, em đã nói lên chân lý của cuộc đời. Chỉ khi nào chết được vinh quang thì mới nên chết sớm. Còn chết bình thường thì hãy chờ bệnh hay già hãy chết. Hắn khóc sụt sùi một cách thảm hại, hắn mếu máo, rồi tự trèo qua lan can trở vào trong căn phòng. Helen chạy tới ôm chầm lấy hắn, vừa cười vừa mếu. Nàng tự cảm thấy mình vừa là một nữ anh hùng, nàng đã làm được một chuyện phi thường, nàng đã cứu được mạng hắn.
Xa xa dưới kia vẫn còn văng vẳng tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay của đám người đứng xem vở bi hài kich mới vừa chấm dứt…



Hướng Dương txđ

Tháng 2 năm 2009




No comments: