23/02/2010
Suy ngẫm xuyên qua hơn hai thiên niên kỷ
Lê Mai Anh
Tiếp theo bài viết của hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, lần này BVN xin trân trọng đăng bài của Luật sư Lê Mai Anh, một trong số thành viên của Nhóm lão thành cách mạng ở Hà Nội, luận giải về những vấn đề nóng bỏng của đất nước thông qua câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy mà ông vừa có dịp chiêm nghiệm nhân ghé thăm đền Cổ Loa. Một trong những kiến giải của ông khiến chúng tôi hết sức tâm đắc là sự trái ngược giữa ông với nhà thơ Tố Hữu khi ông bênh vực Mỵ Châu, khi ông cho rằng không phải Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu” mà chính là do người điều hành đất nước bị mua chuộc, đâm ra lú lẫn, bỏ quên cảnh giác với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, ruồng rẫy vị tướng soái đại tài là Cao Lỗ, và chủ động kết hiếu với kẻ thù, nên đã để xây ra thảm họa 1.000 năm Bắc thuộc cho cả một dân tộc.
Bauxite Việt Nam
- Luật sư Lê Mai Anh
Thành Cổ Loa. (Ảnh: channelvn.net)
Đã mấy năm rồi, tôi mới trở lại thăm Cổ Loa, nơi mà An Dương Vương đắp thành dựng Đô giữ nước hơn hai nghìn năm trước.
Vì tuổi cao, huyết áp cao, chân đau, tôi không thể đi thăm hết các vòng thành vĩ đại đã bị thời gian, nắng, mưa biến thành phế tích. Thành quách xưa nay chỉ còn là hình dáng. Ngồi trên xe, phóng tầm mắt qua các vòng thành nguy nga thuở nào chỉ còn là những lằn đất nhấp nhô mà người dân địa phương đang sử dụng để trồng cây hoặc làm nhà, phục vụ cuộc sống lam lũ hàng trăm đời nay của một vùng cư dân nông nghiệp. Chỉ khi xe vào đến khu trung tâm, tôi mới thấy hàng quán tạm bợ hai bên đường đứng chen lấn, chủ yếu là hàng giải khát, hàng ăn và hàng lưu niệm. Cuộc sống nơi đây nhộn nhịp hẳn nên khách du lịch tương đối đông, các xe con, xe máy, xe ca đậu san sát. Xe buýt từ nội thành đã đến tận nơi.
Đền thờ An Dương Vương và Am Mỵ Châu hương khói nghi ngút. Giếng Ngọc cũng được sửa sang nằm giữa hồ nước trong vắt.
Cũng giống như những khách hành hương khác, sau khi đi thăm các di tích, vào thắp hương trước bàn thờ Đức Vua Thục An Dương Vương và Am Mỵ Châu, tôi ngồi bên đầu Rồng để nghỉ ngơi.
Nhìn cảnh “thành cũ lâu đài bóng tịch dương” của kinh đô Âu Lạc hơn hai ngàn năm trước mà đầu óc tôi miên man nghĩ về một thời bi tráng của dân tộc.
Truyền thuyết kể rằng khoảng giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Thục Phán sau khi chỉ huy con dân Âu Việt và Lạc Việt đánh bại nhà Tần, một đế chế mạnh nhất thời Trung Hoa cổ đại, giết chết tướng giặc Đỗ Thư, dựng lên nhà nước Âu Lạc, lên ngôi vua, lấy tên là An Dương Vương. Thục An Dương Vương đã trọng dụng tướng quân Cao Lỗ, một vị tướng soái tài ba, một khai quốc công thần, xây thành Cổ Loa, một tòa thành quân sự vĩ đại, chế tạo ra nỏ Liên Châu, một vũ khí rất lợi hại lúc bấy giờ, còn gọi là Nỏ Thần Liên Châu để bảo vệ nền độc lập lâu dài của đất nước.
Nhà Triệu, một vương triều phía Nam Trung Hoa nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc đều bị thua. An Dương Vương dựa vào sự chỉ huy tài tình của tướng quân Cao Lỗ cùng với thành cao, hào sâu, nỏ thần Liên Châu lợi hại đã đánh bại quân Triệu.
Nhà Triệu biết không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt và khuất phục được nước Âu Lạc cuối cùng phải dùng đến độc kế. Còn thục An Dương Vương thấy quân dân Âu Lạc liên tiếp thắng lợi sinh chủ quan coi thường quân địch. Thế rồi cái gì đến ắt phải đến. Cuối thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, vua nhà Triệu là Triệu Đà cho người thông hiếu với Âu Lạc, cho con trai là Trọng Thủy sang để làm rể Thục An Dương Vương và ở lại Cổ Loa làm con tin. Đi nước cờ này Triệu Đà bắn một mũi tên trúng hai đích là hòa hiếu tạm thời và làm suy yếu nước Âu Lạc, tiến tới thôn tính được Âu Lạc.
Nhà nước Âu Lạc bị tiêu diệt. Lịch sử dân tộc ta đã phải trả giá bằng một ngàn năm đô hộ của phong kiến Phương Bắc, chỉ vì cái lỗi không nhìn xa trông rộng của kẻ cầm đầu.
Ngẫm lại câu chuyện bi tráng của một triều đại phong kiến nước nhà cách đây hai ngàn hai trăm năm, tôi tự hỏi mình: Thục An Dương Vương có công lớn hơn hay có tội lớn hơn với dân tộc này?
Còn tội thì sao? Thục An Dương Vương có tội trong việc nhà nước Âu Lạc bị tiêu diệt hay con gái ông là Mỵ Châu có tội?
Không, Mỵ Châu không có tội tình gì, nàng chỉ là nạn nhân của một mối tình chính trị, một thương vụ thông hiếu mù quáng, phải chịu tiếng oan là giặc trong nhà và bị vua cha chém đầu lúc cùng đường quẫn trí. Phải nói nàng sống đúng với trái tim trong trắng của mình chứ không phải “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” (Tố Hữu).
Nhìn bức tượng không đầu và cái chết oan nghiệt của nàng cách đây hơn hai ngàn năm, bất kỳ một vị khách tham quan nào cũng phải ngẹn ngào, thảng thốt. Không ai có đầu óc mà không tỏ lòng oán trách đức vua đã gây ra thảm cảnh mất nước rồi lại đổ lỗi lên đầu con trẻ.
Ai gả Mỵ Châu cho Trong Thủy để thông hiếu với Triệu Đà? Chính là An Dương Vương. Ai không nghe lời can gián của tướng quân Cao Lỗ về chiến lược ngoại giao với nhà Tần? Chính là An Dương Vương. Ai bãi chức tướng quân khai quốc công thần tài ba lỗi lạc Cao Lỗ, để đến khi quân đội không có người chỉ huy như rắn mất đầu phải tháo chạy? Chính là An Dương Vương. Ai đưa Trọng Thủy cùng đội quân đội lốt phục vụ và lái buôn vào thành Cổ Loa? Chính là An Dương Vương.
Vậy thì tại sao con người tài ba lỗi lạc như An Dương Vương lại mắc những sai lầm chết người như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải bằng tâm lý say sưa ngủ quên trong chiến thắng. Thói đời xưa nay là vậy, sau một thắng lợi hiển hách, kẻ đứng đầu đất nước thường rất dễ chủ quan khinh địch. Chiến thắng càng lớn chủ quan càng nhiều. nhất là các triều đại không biết đặt vững nền tảng tinh thần trên lòng dân, thường lao nhanh vào ăn chơi hưởng lạc, đội ngũ quan lại thì tham nhũng hà hiếp dân lành, các bậc trung thần bị ruồng bỏ, thậm chí bãi quan cách chức hoặc bị giết hại, nhân dân oán hận, sản xuất đình đốn. Một chế độ được dựng lên những tưởng dài lâu với sông núi, nào ngờ như tòa lâu đài nguy nga nhưng mục ruỗng, chỉ một cơn gió to là sụp đổ.
Và kẻ thù phương Bắc chỉ chờ có vậy. Một khi nhìn thấu vào nội tình của triều đình và dân chúng nước ta thì chúng lập tức trờ mặt, biến láng giềng tốt thành ngay kẻ thù, kéo sang đánh úp, mở đầu cho mối thảm họa lớn nhất, một ngàn năm tăm tối của dân tộc ta.
Rõ ràng là:
Một cá nhân sai lầm, tai họa chỉ mình họ chịu.
Một chủ gia đình sai lầm, cả nhà chịu họa.
Một lãnh đạo sai lầm cả quốc gia nghiêng ngửa, trăm họ lầm than.
Bài học nhãn tiền của nhiều dân tộc, qua mọi thời đại nghĩ mà kinh sợ hãi hùng.
Tôi trộm nghĩ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay các nước, các dân tộc, các khu vực phải dựa vào nhau hợp tác, cùng phát triển. Đó là một bước đi tất yếu, không nước nào có thể đứng ngoài và cũng không thể không đổi mới về nhận thức để bắt kịp tình hình. Tuy nhiên do sự phát triển không đồng đều trong thế và lực giữa các nước, nhiều nhà chính trị đã lợi dụng sự hợp tác toàn diện này để phục vụ cho những toan tính chính trị đen tối của họ khi thời cơ đến.
Các cụ ta xưa có câu : “yêu nhau rào dậu cho chắc” , ấy là nói quan hệ hai nhà ở cạnh nhau, muốn êm ấm hòa thuận lâu dài, hãy rành mạch trong mọi việc. Một kinh nghiệm sống để đời, còn đúng đến ngày nay và hẳn là còn đúng đến nhiều đời sau. Suy rộng ra, điều ấy càng rất quan trọng trong mối bang giao giữa các nước vốn có đường biên giới chung. Hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam với Campuchia và phía Bắc với Trung Quốc vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước là bài học đắt giá vẫn còn nóng hổi.
Việt Nam – Lào – Campuchia, ba nước Đông Dương sát cánh bên nhau suốt một thế kỷ, đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Xương máu củabao thế hệ ba nước đã vun đắp nên tình hữu nghị đặc biệt trên bán đảo Đông Dương. Ấy vậy mà, khi vừa giành được độc lập, những người cộng sản Khơ me đỏ Campuchia chẳng hiểu nghe ai xúi bẩy đã cắm phập lưỡi dao vào sườn những người cộng sản anh em Việt Nam để đòi đất, gây ra cuộc chiến tranh thảm khốc giữa những người đồng chí cùng chung một lý tưởng, cùng chung một chiến hào.
Trong tình cảnh khó khăn, rối ren như vậy, Đảng Cộng Sản Trung Quốc – một Đảng đàn anh, không những không đứng ra hòa giải mà lại phát động một cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc, để ủng hộ những người Cộng sản Campuchia, vứt phăng khẩu hiệu “Môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm” của tình hữu nghị “Núi liền núi, sông liền sông” mà hai Đảng đã dày công vun đắp cả nửa thế kỷ. Hậu quả của nó là hàng vạn con em của ba nước phải hy sinh một cách oan nghiệt. Cùng với sự việc này, người Việt Nam buộc phải nhớ đến Hoàng sa. Trong lúc chúng ta đang phải vất vả dồn sức đánh giặc ở đất liền thì người bạn đã thừa cơ cướp gọn hòn đảo này, Người Việt Nam càng quan tâm hơn tới những ứng xử ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông nhất là ở quần đảo Trường Sa hiện nay.
Cho đến nay quan hệ Việt –Trung tuy được coi là đã trở lại bình thường nhưng lãnh thổ, lãnh hải của chúng ta vẫn bị họ chiếm giữ một phần, và họ đang ngày càng lấn lướt một cách ngang ngược trên những phần còn lại. Thân thể Tổ quốc ta vẫn còn rỉ máu, binh lính và nhân dân chúng ta vẫn còn bị giết hại một cách vô lối, tài nguyên vẫn bị họ chiếm đoạt. Do vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác trong “giao lưu hợp tác, hữu nghị 16 chữ vàng”. Nên nhớ rằng sự xâm lăng có thể thực hiện bằng nhiều con đường. Trước tiên thường là mở đường bằng buôn bán, truyền bá văn hóa rồi đến vũ lực trực tiếp.
Một trong những vấn đề nóng hổi hiện nay ở nước ta là dự án khai thác vùng mỏ quặng Bauxte Tây Nguyên. Trong khi mà dự án còn bàn cãi ở Quốc hội và cho đến cuối năm 2009 vẫn chưa được Quốc hội thông quathì Trung Quốc đã đưa hàng trăm người vào vùng Tây Nguyên chiến lược “mái nhà của ba nước Đông Dương”.
Phải chăng đây là đội quân tùy tùng giả dạng theo kế của Triệu Đà cũ. Lạ là một số người lãnh đạo của ta lại cố tình đem xé nhỏ giá trị vốn đầu tư ra thành các tiểu dự án để tránh phải đưa ra Quốc hội thông qua. Một sự lách luật lộ liễu đến thế mà qua mắt được cả một Quốc hội “của dân do dân vì dân” mới là điều kỳ. Người ta hỏi vì động cơ nào mà họ làm được như thế? Liệu có uẩn khúc xấu xa nào của sự liên minh trong ngoài hay không? Ai có thể đảm bảo rằng cuộc hôn nhân kinh tế Bauxite Tây Nguyên không để lại hậu quả như mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy, kể cả khi họ đã trả lại cho chúng ta toàn bộ vùng đất, vùng biển mà họ đang chiếm giữ.
Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại rằng, vào lúc đó ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học kỹ thuật, đất nước vừa ra khỏi ba cuộc chiến tranh, lại đang bị thế giới cô lập. Cấm vận kinh tế vô cùng khó khăn, rất cần tiền xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một đề án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên đã được đề xuất và nhờ các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ. Những người cộng sản Liên Xô lúc đó, không vì món lợi mà họ được hưởng từ đề án ấn tượng này mà vì quyền lợi của chính đất nước chúng ta, họ khuyên ta không nên khai thác, cái lợi kinh tế trước mắt không thể bù đắp lại thảm họa môi trường sẽ xảy ra với cả Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Bộ Chính trị và Chính phủ lúc đó đã quyết định không khai thác bauxite Tây Nguyên nữa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà chính trị nhà quân sự thiên tài, một đặc đẳng khai quốc công thần, một huyền thoại sống của dân tộc Việt Nam và thời đại đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo của chúng ta “không nên khai thác bauxite Tây Nguyên vì đứng về toàn cục và phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”. Than ôi! Những lời vàng đá này rút ra từ gan ruột của một thiên tài đã sống trọn một thế kỷ vì nước vì dân mà không được tiếp thu.
Thưa Đại tướng! Hiện giờ một nhóm người nào đó chưa hiểu hết được lời răn dạy của Người nhưng cả dân tộc này, trên 80 triệu con người Việt Nam rất hiểu lòng Người, vì dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần từ lâu tinh thần “độc lập hay là chết”, đã phải trả giá cho bài học lịch sử từ hơn hai ngàn năm trước của Vua Thục An Dương Vương, thấu hiểu nỗi đau của Bác Hồ khi người chứng kiến sự phản bội của những người Cộng sản anh em. Lẽ nào một kịch bản Cổ Loa lại để xảy ra lần nữa tại Tây Nguyên hay bất cứ nơi nào trên đất nước này.
Không! Thưa Đại tướng, dù khó khăn đến mấy xin Đại tướng không làm theo tướng quân Cao Lỗ ngày xưa chịu bó tay vì bị cách chức rồi sống bàng quan nhìn cả dân tộc mình chìm trong đau thương. Dù khó khăn đến đâu cũng không để cho những quả bom bùn nằm trên Cao Nguyên thường trực đe dọa đất nước. Bài học thông hiếu mù quáng của Thục An Dương Vương đã đưa cả một dân tộc chìm trong ách nô lệ một ngàn năm vẫn còn nóng hổi đó.
Nhiều nhà khoa học và các bậc lão thành cách mạng cùng những tướng lĩnh lỗi lạc đều đã ra sức can ngăn và về phía Tập đoàn TKV, một kẻ như Đoàn Văn Kiển dám đánh lừa dư luận bằng những lời giải trình mỹ miều cuối cùng đã bị lật tẩy và cách chức. Song chẳng hiểu vì sao dự án vẫn được tiến hành với ý rằng không có gì đáng lo, chúng ta đã nhìn thấy tất cả, mọi cái xấu đã và sẽ được ngăn chặn.
Bây giờ chỉ còn cầu Trời khấn Phật mong sao cho mọi sự được yên lành. Tôi lo, không chỉ lo cho hiện tại trước mắt vì môi trường sẽ bị đầu độc bởi bùn đất đỏ lẫn với những hóa chất độc hại dùng trong quá trình khai thác tràn về các sông suối miền Trung và miền Đông Nam Bộ (Người ta hứa sẽ “xử lý triệt để” khối bùn đỏ khổng lồ ấy bằng hai lớp nilon. Đến con trẻ cũng có thể luận ra được đâu là thật và đâu là lời nói dối. Hãy đợi đấy?!).
Tôi lo, lo cho ba mươi năm, năm mươi năm sau (dĩ nhiên là lúc đó nhiều người của thế hệ hôm nay sẽ không còn nữa) con cháu chúng ta sẽ phải lầm than trong cảnh phụ thuộc, mất độc lập tự do.
Lo lắng cho vận mệnh, tương lai của đất nước không phải là quyền của riêng ai. Nhiều cá nhân muốn làm giàu nhanh chóng đã phải trả giá vì trúng phải viên đạn bọc đường. Biết trước được họa để tránh cho thế hệ sau khỏi phải khổ sở vì cha ông sai lầm chẳng phải là việc nên làm của những người nắm giữ vận mệnh dân tộc lúc này hay sao.
Tôi được biết ở nhiều nước châu Phi, Trung Quốc đến khai thác đồng, bauxite và khoáng sản khác gây ra vô số hậu quả và nợ nần cho những nước chủ nhà khiến họ phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc. Ở Việt Nam thì công nghệ xi măng lò đứng, gang thép Thái Nguyên, mỏ đồng sinh quyền… Đang có nhiều vấn đề về công nghệ, môi trường, cũng bị phụ thuộc và nợ nần vào tay họ.
Vấn đề khai thác Bauxite Tây Nguyên là vấn đề lớn, nguy hại đến sinh mệnh của hàng triệu con người ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; đồng thời hàng chục dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang bị hăm dọa sẽ hủy diệt, nhưng cái lớn hơn là bọn nước lớn với tư tưởng bành trướng như những kẻ cướp có được chỗ ngồi trên nóc nhà ba nước Đông Dương thường xuyên, nền độc lập của cả ba dân tộc bị uy hiếp thì dân chúng không nơm nớp lo sao được. Thế mà vấn đề này chưa được giải quyết thấu đáo thì vấn đề kia đã phát sinh, khiến những ai tỉnh táo vì vận mệnh đất nước càng như ngồi trên lửa bỏng.
Với phát hiện của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nay lại nẩy ra cái họa 10 tỉnh biên giới bán rừng đầu nguồn cho Trung Quốc. Thử hỏi, đứng về mặt luật pháp, có đạo luật nào cho phép bán đất đai của Tổ quốc không thông qua Quốc hội hay không? Một đất nước cai trị bằng luật và đang cố gắng tiến tới một nhà nước pháp quyền, vậymà mọi thứ đều dẫm lên trên luật thì đất nước ấy còn ra thế nào? Thì ra “mối lo Trọng Thủy” bây giờ không chỉ thu hẹp riêng ở Tây Nguyên nữa mà đã lan ra rất nhiều nơi. Rồi đây, như âm binh của Cao Biền, chẳng ai biết những gì ẩn náu trong các cánh rừng đầu nguồn đã bán kia sẽ nổi dậy và kéo về xuôi, chúng ta còn trở tay sao kịp, và liệu những người cầm chịch đất nước có “ngồi mát ăn bát vàng” được hay không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đất nước ta nhân dân ta đã phải đổ xương máu của hàng triệu con người để giành giữ, bảo vệ nền độc lập của mình. Quốc hội cần phải xem xét thận trọng và phải cảnh giác, biểu quyết các vấn đề liên quan đến lãnh thổ và an ninh theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân Việt Nam yêu nước. Đó cũng là thực hiện và bảo vệ đạo luật về Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, và được thể chế hóa thành luật .
LMA
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.
*
No comments:
Post a Comment