Saturday, May 1, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * VŨ HOÀNG CHƯƠNG

VŨ HOÀNG CHƯƠNG




I.TIỂU SỬ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Vu hoang chuong.jpg


Vũ Hoàng Chương ( 1916 – 1976) sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán ở nhà, rồi học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 vào học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm. Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng.

Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập Ban kịch Hà Nội cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà Hát Lớn và gặp gỡ Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng, thành hôn năm 1944. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, về Nam Định, diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, đi tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến, ruồng bắt cả nhà, hồi cư về Hà Nội, dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.


Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục dạy học và sáng tác. Năm 1959 được giải thưởng toàn quốc của chính quyền Việt Nam cộng hòa về tập thơ Hoa đăng. Trong năm này tham dự Hội nghị thi ca quốc tế tại Bỉ. Năm 1964 tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok. Năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire. 1969-1973 là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam thuộc Việt Nam Cộng hòa. Năm 1972 đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Việt Nam Cộng hòa. Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam. Ngày 13 tháng 4 năm 1976, ông bị cộng sản bắt giam tại khám Chí Hòa trong chiến dịch khủng bố văn nghệ sĩ miền Nam. Ông bị bệnh nặng được đưa về nhà được 5 ngày thì mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

TÁC PHẨM

Các tập thơ:
Thơ say (1940)
Mây (1943)
Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948)
Rừng phong (1954)
Hoa đăng (1959)

Tâm sự kẻ sang Tần (1961)
Lửa từ bi (1963)
Ta đợi em từ 30 năm (1970)
Đời vắng em rồi say với ai (1971)

Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)

Kịch thơ:
Trương Chi (1944)
Vân muội (1944)

Hồng diệp (1944)


II.CHUYỆN TRÒ CÙNG VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Hôm nay ( xuân canh dần 2010) giở lại các tập tài liệu cũ, tôi tìm thấy bản ghi chép cuộc thăm viếng thi sĩ Vũ Hoàng Chương của tôi. Như vậy là bản ghi chép này đã tồn tại gần nửa thế kỷ mà tôi bỏ quên trong kệ sách, và trong tâm tưởng tôi, tôi cũng đã quên có cuộc gặp gỡ này.



Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ lớn của nước ta. Lúc bấy giờ tôi đang nghiên cứu về thơ mới cho nên tôi tìm đến thi sĩ để có một tài liệu sống. Nhưng rồi sau đó, sóng gió nổi dậy tại miền Nam, tôi lui về ẩn dật và bỏ lại các tài liệu vào góc tủ.Bản ghi chép đề Sài gòn ngày 6-4-1974, lúc 5 giờ chiều, tại đường Nguyễn Minh Chiếu, Sàigon. Ông lúc trước sống chung với Đinh Hùng, sau vợ chồng Đông Hồ bảo bọc ông, đưa về sống chung một nhà, tại biệt thự Nguyễn Minh Chiếu. Lúc bấy giờ ông đã ở đây hơn một năm.Năm này, thi sĩ đã 6o tuổi.

Bây giờ tôi cũng nhớ đôi chút chuyện cũ. Tất cả đã phai mờ như trong giấc mộng chỉ còn bản ghi chép là thực và rõ ràng.Tôi nhớ lại khoảng 1964, tôi đến thăm thi sĩ Đông Hồ tại khu hồ tắm Chi Lăng, Gia Định. Rất lâu, mười năm sau, tôi mới gặp Vũ Hoàng Chương. Lúc này thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở đường Nguyễn Minh Chiếu gần khu Lăng Cha Cả. Khu này có nhiều biệt thự ẩn nấp sau những hàng cây cổ thụ. Thi sĩ trú ngụ tại biệt thự của Đông Hồ. Biệt thự này có hai nhà. Đông Hồ đã mất, gia đình ở nhà chính. Bên cạnh là một căn nhà nhỏ, gia đình thi sĩ Vũ Hoàng Chương gồm phu nhân và cậu con nuôi tên là Vũ Hoàng Tuân học lớp 12 Chu Văn An ở tại đây.

Sau 1975, bọn nằm vùng Vũ Hạnh và bọn cộng sản Bắc Việt hung hăng thực hiện chính sách khủng bố văn nghệ sĩ miền Nam. Vũ Hạnh đe dọa bà Mộng Tuyết khiến cho Vũ Hoàng Chương phải dọn ra ngoài, không dám gây liên lụy cho gia đình người bạn vàng. Mà rồi kết cuộc, bà Mộng Tuyết cũng phải bỏ biệt thự Nguyễn Minh Chiếu mà về Hà Tiên là nơi quê cũ. Không biết biệt thự này về tay ai.? Đông Hồ chỉ có một gái , trước 1975 dạy học tại Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.



Vũ Hoàng Chương cho tôi biết ông sinh giờ dần, ngày mồng một, tháng giêng năm ất mão, tại Sơn Nam hạ là quê quán của ông nghè Vị Xuyên . Thân phụ (ông gọi là thầy ) của Vũ Hoàng Chương tên là Vũ Thiện Thuật, quê ở xã Phù Ủng là quê Phạm Ngũ Lão, đậu tú tài, tuổi hợi (1887), nếu còn sống đến lúc này thì được 88 tuổi. Cụ vào trường Sĩ Hoạn (École de madarin) thi Pháp văn, học bốn năm , đỗ thì ra tri huyện, rớt thì làm huấn đạo. Lúc này là khoa thi Hội cuối cùng ,khoa mão (1916), tú tài cũng được thi nhưng cụ không đi. Phan Kế Toại vốn là giáo viên, dạy học hai năm rồi cùng vào học trường Sĩ Hoạn, và ra cùng một khóa với thân phụ Vũ Hoàng Chương. . Thân phụ Vũ Hoàng Chương làm tri huyện ở Nam Định, Thái Bình, sau ở Bắc Giang, mất vì bệnh phổi năm 1941 hưởng dương 55 tuổi, Cụ tính nghiêm khắc, chỉ có một vợ.

Lúc làm tri huyện Thanh Liêm (Hà Nam) ngay tỉnh lỵ, tây đến, có giám binh (đứng đầu lính khố xanh ở tỉnh) đến khám. Lúc bấy giờ mỗi huyện có sáu hoặc bốn lính khố xanh,mỗi tên lính có một khẩu súng, ba viên đạn. Giám binh đến khám súng. Cụ bấy giờ khoảng 30 tuổi, đầu búi tó, chít khăn, để râu. Ông giám binh cấp bậc hạ sĩ, giải ngũ sang lính Thuộc địa ăn nói thô tục. Cụ không chịu được thói hống hách bèn vác ghế đánh tên này. Giám binh về mách quan sứ, cụ cũng làm rapport. Kết cuộc viên giám binh bị đổi đi chỗ khác còn cụ bị huyền chức. Nửa năm sau lại được bổ Tri huyện Trác Ân (Yên Bái) ở miền thượng du. Ông vốn ghét Pháp và không xu nịnh nên làm việc suốt hai mươi năm mà vẫn ở chức tri huyện. Sau cụ về hưu non lấy lý do sức khỏe.

Thân mẫu của ông tuổi hợi, mất năm 1961, tên là Hoàng Thị Sính, quê Vị Xuyên ( Vũ Công), thọ 75 tuổi. Bà ngoại buôn gạo, mua đất cát mà xây dựng cơ đồ, sau xây nhà thờ cụ nghè, nuôi các cháu trong họ. Vũ Hoàng Chương ở với bà ngoại lúc 6 tuổi. Bà nuôi Vũ Hoàng Chương vì bà hiếm cháu. Ông cố ngoại là ông nghè, đỗ khoa thìn, Bà ngoại sinh đuợc một mình thân mẫu thi sĩ, ở góa lúc 23 tuổi, lúc 50 tuổi được vua Khải Định ban bốn chữ "Tiết hạnh khả phong". . Chị ruột mừng câu đối:
"Cờ biển khoa thìn cha để tiếng,
Son vàng chữ tiết chúa ban khen."



Ông nội của Vũ Hoàng Chương tên là Vũ Đạo Trác, rớt tam trường . Ông cố là Vũ Đạo Thông đỗ tú tài hai khoa, làm huấn đạo. Lúc thi sĩ 5 tuổi được ông nội dạy Tam tự kinh, Ngũ ngôn thi, kinh Thi, và tập viết. Về chữ nôm thì lúc nhỏ, thi sĩ đã học Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca. Lúc bảy tuổi, thi sĩ học trường huyện. Trường này có một ông huấn đạo dạy chữ Nho, một ông giáo người Việt dạy chữ Tây, cả huyện chỉ có hai mươi học sinh lớp 5 (élémentaire).Mỗi tháng hai ngày học chữ Hán, còn ra là học chữ Pháp .


Ngày đi học trường huyện, tối lại học chữ Hán do ông nội dạy.Vài năm thì qua lớp Vỡ lòng.Bà cụ cũng dạy thi sĩ chữ Quốc ngữ. Ông cố ngoại (thân phụ của bà nội) là Ngô Thế Vinh ( 1802-1856), tức ông nghè Bái Dương ( huyện Nam Chân, Nam Định ) .Ông đậu tiến sĩ khoa kỷ sửu ( năm Minh Mạng thứ 10 ( 1829), được cử làm chánh chủ khảo thi Hương và ông cũng phạm cái tội của Cao Bá Quát , thành thử bị cách chức , và truất dạnh hiệu tiến sĩ, thu mũ áo, cờ biển. Cụ nghè Bái Dương trở về quê dạy học. Hai mươi năm sau, học trò có kẻ đỗ thám hoa, hoàng giáp . Đời Tự Đức, học trò dâng sớ kêu oan cho thầy, vua Tự Đức cho phục danh hiệu tiến sĩ, bổ làm quan. Lúc đó cụ đã 60 tuổi, không còn tham danh lợi nữa nên dâng biểu về triều xin từ chối. Thân mẫu của thi sĩ cũng học chữ nho mười lăm năm trời. Vũ Hoàng Chương học hai năm mà không khá. Sau Vũ Hoàng Chương theo học cụ Nguyễn Can Mộng về chữ Hán và Pháp văn, Quốc ngữ. Cụ Nguyễn Can Mộng hiệu là Nông Sơn, đỗ phó bảng dạy thi sĩ viết dictée mỗi buổi mười câu.Và học những câu đối thoại thông thường. Học ba năm thi về bên ngoại học lớp nhì, lớp nhất, rồi học trường tỉnh Nam Định.


Vũ Hoàng Chương đỗ tiểu học, đáng lý ông vào trường Bưởi tức là trường trung học Bảo Hộ
( Lycée du Protectorat). Lúc bấy giờ ở Hà Nội có hai trường lớn. Một là trường tây Albert Saurraut, mặc âu phục đắt tiền. Còn trường Bười mặc Việt phục, học bốn năm thi lấy bằng diplome, học hai năm lấy bằng tú tài I, rồi năm sau học thi tú tài toàn phần tức tú tài bản xứ. Còn học Albert Sarraut thì 6 năm thi tú tài Pháp. Năm 1931 thi vào Albert Sarraut thì lớn tuổi. Vào trường Bưởi thì đủ tuổi.Ông học vượt hai năm, học ban văn chương,năm 1935 thi tú tài I, đỗ một mình trong khi có bảy người thi. Lúc bấy giờ trung học chưa phát triển đầy đủ, chỉ có hai ban Văn chương và khoa học. Văn chương thì học Pháp văn, Latin, Anh văn.Đóng học phí một tháng bảy đồng trong khi lương tri huyện 100 đồng, đóng ba tháng là 20 đồng.Anh văn thì ra đề luận tả cảnh mặt trời buổi chiều trên cầu Long Biên. Sử thì học sử La Mã. Ông Lê Công Đắc là người bị báo Phong Hoá chế riễu, ông chỉ đỗ tú tài I. Học sinh it thôi, tây 7, đầm 7, Việt 7, chỉ trượt một hai người , một Pháp, một Việt.

Sau học Philo. Bạn của ông có Nguyễn Hữu Tấn ngoại giao giỏi. Philo có hai lớp. Mỗi lớp 60. Toán một lớp khoảng 30,40. Một người gôố Do Thái tên là Brachet giỏi toán. Nguyễn Nhật Quang thì Pháp Anh xòang nhưng giỏi toán nên sang ban Toán.Sau ông Quang đỗ bình. Ông Lê Văn Tuấn làm chưởng lý. Vũ Văn Cẩn đỗ bác sĩ y khoa và Luật.

Vũ Hoàng Chương khi học tiểu học đã học làm thơ Đường luật, Hát nói, song thất lục bát. Lúc còn học Albert Sarraut, chưa đỗ tú tài (1935) đã làm thơ tình theo thơ mới. Có hai bài thơ làm trong khoảng 1935-1937:
-Ta đợi em từ 30 năm."(in 1940)
-Ta đã làm chi đời ta? (1941-1942)


Tình yêu lúc cô nàng còn bé. Tình yêu ngẫu nhiên mà đến , ông không phải là một người dạy kèm ( précepteur).Lúc đó ông đang học, khoảng 1933 còn ba năm mới thi tú tài, thi sĩ 18 tuổi còn cô kia 12 tuổi. Ông ở trọ ở trên gác, còn gia đình cô ở dưới gác. Cả hai gia đình quen biết nhau.Cô ta sau thi tiểu học, còn cậu em là bạn của Vũ. Cả hai chị em sau đỗ Brevet. Năm sáu năm sau, gia đình cô ta là tiểu công chức, bà cụ buôn bán, cô ta đi lấy chồng, nhà giàu. lên. Chồng chết, bà ta ở một mình, con trai là luật sư, sau bà và con trai sang Pháp.

Sau đó20 năm là những mối tình khác: Kiều Thu, Tố Uyển và Tố Loan.

Lúc bấy giờ phong trào thơ mới phát triển. Thơ Đường, Hát nói có khuôn khổ nhất định. Lục bát thì không ai dám nghĩ. Nhiều bài thơ ý tưởng tây phương quá, mạnh quá. như bài "Hổ nhớ Rừng", Tiếng địch sông Ô". Nguyễn Nhược Pháp nhỏ hơn một tuổi, không cùng học ban Văn chương. Thơ mới có tính cách thành thị.

Ban đầu đa số theo Đường luật nhưng rồi bứt ra khỏi Đường luật. Sau 1940, người ta mới trở lại với nghệ thuật Đông phương. Thơ mới lúc này chịu ảnh hưởng Đường luật rất nhiều nhất là về nhịp điệu. Những bài thơ trong Rừng Phong (1954) mới in, nhưng Bài ca bình Bắc, Đời Vắng Em Rồi thì đã viết trước 1945.



*

No comments: