Saturday, May 1, 2010

TRẦN BÌNH NAM * TÌNH DỤC & GIÁO HỘI

*

Vị trí của người phụ nữ trong giáo hội Công giáo La Mã

Lời nói đầu:
Vấn đề tu sĩ giáo hội Công giáo vi phạm tình dục tại Boston, Hoa Kỳ bùng nổ năm 2002. Giáo hội Công giáo đã tìm cách giải quyết, và vấn đề lắng xuống một thời gian. Gần đây vấn đề lại xuất hiện và đụng chạm đến đức Giáo hoàng Benedict về phong cách ngài giải quyết vấn đề vi phạm tình dục của các linh mục trong thời gian ngài còn là Hồng Y. Tờ tuần báo NEWSWEEK số ngày 12 tháng Tư, 2010 qua bài viết “A Woman’s place is in the Church” của bà Lisa Miller đã phân tích cặn kẽ nguyên nhân và hậu quả của vấn đề tu sĩ và tình dục, và phương thức giải quyết. Tôi xin lược dịch sau đây.

** Trần Bình Nam **

--:o0o:-- Giáo hội Công giáo La mã là một định chế gồm đa số đàn ông tồn tại lâu đời và vững bền nhất thế giới. Giáo hội đang tìm cách gỉải quyết một vấn đề nội bộ: Một số linh mục vi phạm tình dục với trẻ em và con chiên. Trong mấy chục năm qua các vị linh mục tại Hoa Kỳ, Âu châu, Ireland, Brazil và nhiều nơi khác đã gợi tình dục và hiếp dâm trẻ em tại nơi cắm trại, trên xe, trong phòng ngủ hay tại phòng xưng tội. Một số rất ít nạn nhân trẻ em này đã có can đảm tiết lộ với mẹ hay chị. Và một số các bà mẹ, bà chị này đã trình với các vị giám mục xin giải quyết thì đều bị các vị giám mục lờ đi và khuyên nên im đi thì hơn. Trước sự vi phạm tình dục trong Giáo hội, người phụ nữ luôn luôn được khuyên bảo nên nhẫn nhục chịu đựng. Họ cầu nguyện xin đức Mẹ cứu giúp cũng không được đáp lại. Kết quả, các nam tu sĩ trong Giáo hội được giao phó giải quyết vấn đề tế nhị này bị mất uy tín. Các viên chức tôn giáo này hình như không thông cảm được sự đau khổ của con chiên. Tại các buổi giảng đạo nếu cần nói lời xin lỗi con chiên họ đã xin lỗi một cách máy móc. Người ta không quên hình ảnh đức Hồng y Timothy Dolan tại Palm Sunday ở New York lên án sự vi phạm tình dục tại giáo đường của ngài với cung cách một ông giám đốc đại công ty (dạy bảo nhân viên). Một đoạn phim YouTube khác cho thấy đức Hồng y Sean Brady tại Ireland, nơi – trong 40 năm liền – có 15.000 trẻ em bị các tu sĩ xâm phạm tình dục thản nhiên bác bỏ mọi lời yêu cầu ông từ chức của con chiên. Và mới đây khi tờ New York Times tiết lộ rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI (khi ngài còn là Hồng y Joseph Ratzinger ngồi tại Vatican phụ trách việc giải quyết sự vi phạm tình dục trong Giáo hội) đã không cách chức một linh mục vi phạm tình dục với 200 đứa trẻ điếc tại Winconsin, ngài đã gạt đi và cho rằng báo chí có ác ý. Ngài nói rằng “không vì tin đồn và dư luận mà mất đức tin”. Thái độ chung cho thấy đức Giáo hoàng và các phụ tá của ngài (Hồng y, Giám mục) chưa hiệp thông với nỗi đau của con chiên. Vấn đề cốt lõi không phải là - như nhiều người ngoài giáo hội tin - giáo hội không hiểu nỗi khổ của con chiên vì họ là những người sống độc thân (celibacy) và vì lối sống quá cách biệt quần chúng của họ.

Thật ra, lý do chính vì các vị Hồng y và Giám mục sống trong tháp ngà của một giáo hội khép kín theo mẫu mực của thời Tiền Khai Sáng (pre-Enlightenment) trước thế kỷ thứ 18, không bị - và không muốn bị - ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng dân chủ tại Pháp và tại Hoa Kỳ. Về phương diện luân lý Giáo hội đặt quyền lợi của Giáo hội trên quyền lợi của cá nhân và xem sự tiến bộ là một hiện tượng đe dọa Giáo hội. Người Tây phương coi trọng sự tự do cá nhận nên bức rức khi thấy Giáo hội xem sự gắn bó với Giáo hội là trên hết. Hai bên không gặp nhau vì vậy. Vì không coi trọng sự tiến bộ xã hội, Giáo hội không quan tâm đúng mức vai trò của người phụ nữ trong lực lượng sản xuất và những gì phụ nữ đã đóng góp và phục vụ đời sống công cọng. Tại Hoa Kỳ có 30 triệu phụ nữ làm việc toàn thời gian.


Tại Âu châu 60 triệu. Cách đây 50 năm, các người chủ chăn các nhánh Tin Lành đã tìm cách ngăn chận bước tiến của phụ nữ nhưng không thành công. Nhóm Lutheran tại Đan Mạch đã cho phép phụ nữ trở thành mục sư năm 1948 . Tại Hoa Kỳ người phụ nữ đầu tiên được phong mục sư năm 1976 thuộc giáo phái Episcopalian. Thế nhưng trong Giáo hội Công giáo các tu sĩ vẫn sống và làm việc như họ đã làm cả nghìn năm nay. Không lập gia đình, không thân mật, không quan hệ nghề nghiệp với phụ nữ, và không hề biết về đời sống gia đình và con cái của con chiên. Và khi một tu sĩ Công giáo rời khỏi xứ đạo, họ càng bị cách biệt trong tháp ngà hơn nữa. Bà Elaine Pagels, giáo sư về tôn giáo tại đại học Princeton nói rằng: “Giáo hội hoàn tòan không quan tâm gì đến sự an toàn của trẻ em (trước sự xâm phạm tình dục của các tu sĩ). Đối với chúng ta đó là một thái độ đứng ngoài sinh hoạt xã hội thật khó giải thích.


Nhưng quả thật các tu sĩ giáo hội không muốn sinh hoạt hài hòa với xã hội.” Đã đến lúc Vatican thực hiện những gì Giáo hội phán dạy. Công Đồng II họp đầu thập niên 1960 đã có nỗ lực hội nhập lối sống cũ xưa với đời sống mới. Qua văn bản của Công Đồng II, Giáo hội đã công nhận vị trí của người phụ nữ trong xã hộị một cách minh bạch rằng: “Người phụ nữ đã có một vai trò quan trọng trong xã hội như chưa từng có về ảnh hưởng, tác dụng cũng như quyền lực. Do đó đã đến lúc người phụ nữ có thể làm những công tác của Phúc Âm để cứu vãn nhân loại đang đi xuống.” Năm 1988, đức Giáo Hoàng John Paul II, trong một lá thư nhan đề Mulieris Dignitatem (On the Dignity of Women – Giá trị cao quý của người phụ nữ ) đã đề cao sự quan trọng của người phụ nữ đối với Giáo hội. Tuy nhiên 6 năm sau, ngài không quên nhắc lại Giáo hội chưa thể cho phép phụ nữ thụ phong linh mục.


Sự khác biệt giữa nguyên tắc và thực tế của Giáo hội quá rõ ràng. Tại Hoa Kỳ 60% người đi nhà thờ là phụ nữ, và số tiền 6 tỉ mỹ kim thu được mỗi năm sau các buổi lễ do đa số phụ nữ cho. Thế nhưng người phụ nữ không có một chỗ đứng nào trong bộ máy quyền lực của Giáo hội. Tại Vatican, số phụ nữ có một chức vụ nào đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Phụ nữ cũng rất ít được giữ các chức vụ điều hành quan trọng tại các giáo phận. Và mặc dù số nữ tu nhiều gấp bội số linh mục, ít ai thấy sự có mặt của họ. Đến nổi gần đây khi một nhóm nữ tu lên tiếng về vấn đề cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe, dư luận mới nhớ ra là có một tập thể các nữ tu trong Giáo hội. Bà Kathleen McChesney, một viên chức FBI có nhiệm vụ điều tra các vụ vi phạm tình dục trong Giáo hội Công giáo sau các vụ tố cáo tại Boston năm 2002 nhận xét rằng: “Tại Vatican không có một phụ nữ nào tham dự vào cuộc điều tra này.

Vatican xem đây là chuyện của đàn ông.” Tháng Ba vừa qua, bà Kerry Robinson, giám đốc cơ sở National Leadership Rondtable, một cơ sở gồm các nhà kinh doanh Hoa Kỳ lập ra với mục đích thuyết phục Giáo hội áp dụng nguyên tắc kinh doanh vào sự điều hành Giáo hội, đã cùng với một số phụ nữ khác đi Vatican để nói chuyện với các vị Hồng y. Bà Robinson nói: “Người phụ nữ trẻ tuổi nào trong thế giới kinh doanh cũng có thể nhìn thấy cơ hội thăng tiến của mình. Và họ rất khó chịu khi không thấy một cơ hội thăng tiến nào như vậy trong Giáo hội. Giáo hội thấy như mình không liên quan gì đến phụ nữ, và do đó thấy không liên quan gì đến con cái của họ.” Bà Robinson nhận xét thêm: “Dư luận cho rằng có vấn nạn vi phạm tình dục là vì Giáo hội chỉ toàn đàn ông: đàn ông gây nên tội lỗi, đàn ông che dấu và đàn ông duy trì. Cho nên cách tốt nhất là cho thêm nhiều phụ nữ vào sinh hoạt của Giáo hội”


Nhưng để phụ nữ tham gia vào công cuộc bài trừ tệ nạn vi phạm tình dục cũng không phải là phương thuốc hiệu nghiệm nhất. Lịch sử chứng minh rằng người phụ nữ có quyền lực trong tay cũng tàn bạo và hư đốn như đàn ông. Nhưng rõ ràng là các giới chức của Giáo hội đã đáp ứng một cách chậm chạp khi vụ vi phạm tình dục năm 2002 tại Hoa Kỳ được phanh phui. Giáo hội đã giải quyết theo cung cách bảo vệ quyền lợi và uy tín của Giáo hội hơn là bênh vực quyền lợi của trẻ em trước công lý. Mục sư Marie M. Fortune thuộc nhánh Tin Lành United Church of Christ, người sáng lập Viện Faith Trust Institute nhằm mục đích bài trừ sự vi phạm tình dục của giới tu sĩ nói rằng: “Giáo hội Công giáo có thể đưa các vị linh mục vi phạm tình dục ra khỏi hệ thống Giáo hội và lột áo dòng của họ.”


Nhưng Giáo hội không làm như vậy vì Giáo hội là một hội “của đàn ông” cực kỳ bảo thủ sinh hoạt ngoài lề đời sống của con chiên. Chúng ta ai cũng biết (và các cuộc nghiên cứu cũng chứng minh như vậy) rằng một nhóm người sinh hoạt riêng biệt, không có cơ chế kiểm soát thì trước sau cũng làm bậy. Trong cuốn sách: “The Company He keeps: A History of White College Fraternities”, ông Nicolas Syrett tiết lộ rằng 70 đến 90% các vụ hiếp dâm tập thể tại các đại học là do các thành viên của các hội toàn nam sinh viên (các Fraternities). Tuy nhiên giáo sư Syrett lưu ý rằng “nam thành viên trong các Fraternities làm tình với bao nhiêu thiếu nữ không ai chê trách, trong khi Giáo hội tuyệt đối cấm đoán tình dục.”


Ông Syrett kết luận, trong cả hai trường hợp “người đàn ông được khuyến khích để nghĩ rằng họ có uu tiên hơn phụ nữ, và nếu Giáo hội không trừng phạt các tu sĩ vi phạm tình dục thì các trẻ em bị lợi dụng có thể có cảm tưởng rằng những gì các tu sĩ làm chưa hẵn là sai trái.” Ông Richard Sipe, một tu sĩ hoàn tục có 30 năm nghiên cứu và đo lường kết quả của chương trình gíáo dục tình dục của Giáo hội kết luân rằng: “Giới tu sĩ tự cho mình là một tầng lớp riêng biệt có đặc ân.” Chúa Jesus không hề dạy rằng vai trò của người phụ nữ đối với Giáo hội của Chúa là thứ yếu. Là chủ chăn của một tập thể nhỏ có tinh thần tiến bộ, Chúa Jesus khuyến khích mọi thành phần tham dự, trong đó có phụ nữ đã có gia đình hay còn độc thân. Và kinh Phúc Âm nói người phụ nữ có một vai trò quan trọng.


Phụ nữ là người đầu tiên chứng kiến Chúa sống lại và rao truyền tin lành lại cho các đệ tử phái nam. Người ta tin rằng phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội trong thời kỳ sơ khai. Trong một lá thư gởi cho cư dân thành La Mã viết khoảng năm 50, thánh Paul có nói đến phụ tá (deacon) Phoebe, và những phụ tá khác như Prisca, Tryphena và Tryphosa. Toàn là phụ nữ. Trong thư thánh Paul có nhắc đến tên một vị thánh khác (trong 12 vị thánh giúp Chúa truyền bá Phúc Âm) là bà Junia. Tuy nhiên nếu cho rằng trong một hai thế kỷ đầu tiên của Giáo hội Công giáo là thời đại hoàng kim của phụ nữ thì hẵn không đúng. Trong thời gian đó, người phụ nữ vẫn được xem là công dân hạng hai cần được đàn ông kiểm soát. Vào thế kỷ thứ hai nhà truyền giáo Clement of Alexandria nói, mặc dù trên thực tế hàng giáo phẩm và ngay cả các đức


Giáo hoàng đều có vợ, người phụ nữ có khả năng khơi động tình dục nơi người đàn ông làm cho họ bị liệt vào thành phần mê hoặc người khác vào vòng tội lỗi (như Eve), và đồng lõa với quỹ Satan. Vào thế kỷ thứ 12, nỗ lực tách biệt đàn ông với đàn bà trong Giáo hội hoàn tất. Từ năm 1139 hàng giáo phẩm phải sống độc thân trở thành quy luật. Tại các đại học lớn tại Âu châu, nơi người trí thức Công giáo nghiên cứu triết học, toán học, thiên văn học, khoa học, văn chương và thần học người phụ nữ hoàn toàn bị gạt ra ngoài các sinh hoạt này. Vào thời đó một người phụ nữ chỉ có thể nổi danh khi trở thành một nhà tiên tri hay một nhà thần bí học, và giới giáo phẩm xem người phụ nữ đó là đồ bỏ.


Giáo sư Kevin Schultz, một sử gia tại viện đại học Illinois ở Chicago giải thích rằng Giáo hội Công giáo chống lại tinh thần cá nhân, cái động lực làm nên cuộc cách mạng Pháp và Hoa Kỳ. Để chống lại tinh thần cá nhân giáo hội Công giáo cho làm sống lại thuyết Thomas Aquinas, đặc biệt điểm ông nhấn mạnh đến sự cần thiết đặt quyền lợi cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân, và dùng thuyết Aquinas để chống lại cái mà Giáo hội gọi là văn minh đồi trụy. Giáo sư Schultz giải thích rằng thuyết Thomas Aquinas “tạo ra tinh thần chúng-ta-và-các-anh (us-versus-them) che chắn Vatican bằng một bức tường thành kiên cố và bí mật làm cho đức Giáo hoàng trở thành môt nhân vật toàn năng”


Có lẽ cách gỉải thích của giáo sư Kevin Schultz là cách giải thích tốt nhất hiện tượng xa cách giữa Giáo hội và quần chúng tiến bộ. Trong một thế giới mà cá nhân trở thành vô nghĩa trước tập thể, những ý tưởng cứng nhắc – có thể tốt hay xấu - có khi trở thành nguyên tắc của đạo lý . Sự nâng Giáo hội lên tầm cao nhất giải thích tại sao một giáo hội có sứ mệnh phục vụ cho người bệnh tật và kẻ nghèo khó lại có thể quyết định không cho phép dùng condom để phòng ngừa sự lây lan của bệnh AID. Nó giải thích tại sao một giáo hội vốn coi gia đình là nền tảng lại có thể cấm các bà mẹ dùng thuốc ngừa thai.

Và cũng giải thích tại sao một vị giám mục khi đối diện với một linh mục vi phạm tình dục với trẻ em trong giáo phận của mình có thể ngoãnh mặt đi không báo cáo với cảnh sát. Để phá vỡ bức tường cách ly Giáo hội với quần chúng cần làm sống lại tinh thần của Công Đồng Vatican II. Đức Giáo hoàng John XXIII tuyên bố: “Tôi muốn mở rộng cánh cửa sổ Gíáo hội để chúng ta có thể nhìn ra ngoài và con chiên có thể nhìn vào trong.” Và bước đầu tiên là tiếp cận với phụ nữ. Hơn 60% tín đồ Công giáo Hoa Kỳ ủng hộ ý kiến phong linh mục cho phụ nữ, nhưng những kẻ bảo thủ vẫn chưa đồng ý. Tại Hoa Kỳ số người tự nguyện đi tu để trở thành linh mục càng ngày càng ít, trong khi có đến 80% phụ nữ làm việc trong các giáo phận, cho nên việc phụ nữ trở thành linh mục chỉ là vấn đề thời gian.


Bà Eileen McCafferty DiFranc, một trong khoảng 100 người phụ nữ Hoa Kỳ nói rằng nhóm của bà đã được thụ phong linh mục bởi “một vị giám mục của tòa thánh La Mã”. Bà McCafferty đã bị Giáo hội khai trừ, nhưng bà không chấp nhận quyết định của Giáo hội. Bà nói “chúa Jesus không hề nói đàn bà không được làm linh mục”. Tại Hoa Kỳ sự vi phạm tình dục tại các giáo phận giảm nhờ hoạt động của nhóm bà McChesne. Bà đã khuyến cáo thành lập tại mỗi giáo phận một ủy ban cố vấn tình dục gồm những chuyên viên và những người thật sự quan tâm đến sự an toàn của trẻ em. Bà McChesney nghĩ rằng các giáo phận trên thế giới và nhất là tại Vatican đều cần có một ủy ban như vậy.


Bà nói: “Đức Giáo hoàng Benedict nên có một ủy ban cố vấn không phải chỉ toàn tu sĩ mà nên gồm chuyên viên về vi phạm tình dục đối với trẻ em, chuyên viên điều tra và chuyên viên giải quyết vấn đề.” Và nếu các chuyên viên này là phụ nữ thì càng tốt. Trong chuyến du hành qua Vatican, bà Kerry Robinson khéo léo lưu ý các vị Hồng y rằng từ lâu tại các buổi buổi lễ các linh mục không còn mang các chuyện liên quan đến phụ nữ trong kinh Phúc Âm và trong Cựu Ước ra đọc. Bà ngạc nhiên thấy nhiều vị Hồng y không biết có việc đó. Bà Robinson nói “Các vị Hồng y tham dự các khóa lễ hằng ngày nhưng họ không bao giờ tự hỏi người phụ nữ đi lễ mỗi ngày Chủ Nhật nghĩ gì.” Nếu những câu chuyện về phụ nữ trong Kinh Thánh không được nhắc nhỡ tới thì người phụ nữ dần dà sẽ không xem mình là một phần của Giáo hội. Họ sẽ bỏ Giáo hội và mang theo con cái của mình.
Trần Bình Nam (lược dịch) April 29, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

*

No comments: