Monday, March 28, 2011

THANH THANH * THƠ NGUYỄN KỲ LAN


Hân hạnh giới thiệu
tập thơ
PHỐ ẢO
của NGUYỄN KỶ LAN


Nguyễn Kỷ Lan là ái nữ của cố thi sĩ Nhân Hậu,
(một khuôn mặt văn nghệ tên tuổi trước 1975
đồng thời là một trung tá Không Quân QLVNCH).
Tập thơ PHỐ ẢO gồm có hơn 50 bài,
đã được phổ biến mấy mươi năm nay
với các bút danh được chú ý nhiều
như Lilly, Doanh Doanh, Bích Thu, và Kỷ Lan.
Lỷ Lan là bạn đời cũng là bạn đường của
nhà hoạt động Nguyễn Minh Tuấn,
hai người dựng nên một Phố Ảo, là Web Viet-No
VIETNAM-NORWAY (VIETNAMNA-UY)
một trong các diễn đàn liên mạng hải ngoại
được đông đảo đồng hương vào xem và góp bài.
Trích bài giới thiệu của nhà văn Tâm Thanh:
Người con gái Sông Hương Nguyễn Kỷ Lan... muốn đã đến lúc người thân yêu và bằng hữu nghe tiếng lòng của mình – qua thơ. Đó là lý do sự hiện diện của tập thơ này.
Từ nhỏ đã nghe thân phụ, nhà thơ Nhân Hậu* ngâm thơ... Bài thơ đầu tiên ta được đọc, Xa Quê, dưới tên Bích Thu, mở đầu bằng 4 câu tuyệt đẹp, đẹp vì nét đơn sơ:
Quê hương nơi chân trời
Lòng thương nhớ khôn nguôi
Mai kia về thăm lại
Sân nhỏ ngày xưa chơi
Giấc mơ thành mối hận, vì không những “giặc” (lời Lan) chiếm sân chơi của cô bé mà trước đó đã bắn hạ người cha thi sĩ phi công của cô khi ông đang bay. Thơ Lilly vì thế thăm thẳm những lời hẹn một người “Anh” lấy lại quê hương, đưa cô về. Tình yêu của Lan với Mẹ Cha, và tình yêu của Mẹ&Cha với nhau tiếp tục gợi hứng thơ. Có lẽ Lan muốn mượn tâm tình của Mẹ mình nói với Cha, để phóng chiếu lên mặt phổ quát hơn cho mọi tình yêu đôi lứa, của Tuấn&Lan, của chúng ta, của loài người...
Lan được hưởng một gia tài thơ từ môi trường gia đình, khung cảnh Sông Hương Núi Ngự, Đà Nẵng và trường Pháp.
Tôi chưa thấy ai dịch bài Le Pont Mirabeau tuyệt vời như Lan. Chỉ cần đối chiếu điệp khúc:
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
mà Lan dịch thành:
Đêm tiếp đêm, giờ lại tiếp giờ
Ngày đi ta vẫn mãi đứng chờ
lột được cả nhịp sống sông Seine lẫn nhịp tim thổn thức, thì không còn là dịch nữa mà là tái tạo. Chắc Apollinaire không cau mày. ...
Khi đọc nhiều bài trong đó Lan nhắc tới tính mong manh của cuộc đời, đan cử bài Cùng chàng một bóng, tôi khám phá ra một điều khác – cứ coi như một giả thuyết rằng – có lẽ trong tiềm thức hay linh tính Lan đã nghe tin buồn, nói khác, tiếng gọi từ nơi xa xăm nào. Và Lan đáp lại bằng thơ. Làm thơ để đánh át tiếng gọi mơ hồ kia.
Lan dựng nên một ảo giới (Lan gọi là Phố Ảo cho phù hợp với trào lưu thượng thời), trong đó Lan trẻ lại, mơ mộng, vui đùa, nũng nịu với mẹ cha, bạn bè và nhiều nhất là với một người yêu ảo. Người yêu ảo của Lan, tôi nghĩ chính là hiện thân của Sự Sống Lan muốn bám vào để đối phó với Thần Chết. Phố ảo cũng là cõi thơ. Cũng là một sân chơi xưa. Hôm nay nó đã hiện hình thành một thành lũy xây dựng bằng tình yêu, mà thủ thành là nhưng trái tim chồng con, tình bằng hữu và niềm hy vọng:
Chàng nhỉ, mình hẹn dưới trời mưa
Em đang đến cùng chàng một bóng
(Cùng chàng một bóng)
Trời mưa thường không có mặt trời, không có bóng thể lý, vậy phải là bóng tâm lý – sự hòa nhập.
Thơ Kỷ Lan gom góp những bài thơ của một người vợ, người mẹ sắp đi xa. Tháng 6-2010 Lan đã yếu lả rồi, không cầm bút nổi, nhưng vẫn làm bài Hạ về ru chồng đang tất bật tay bồng con gãy chân, tay “vác ngà voi”:
Ai chúc em môi hồng hạ đỏ
Cắn môi cho má khỏi xanh xao
Lướt vần thơ, lòng lại lao đao
Lại nhớ tới ngày nào thả bóng
Bài thơ cuối cùng Lan làm trong lúc nằm chờ lên bàn mổ ngày 5.9.10 kết thúc bằng hai câu:
Đường về nhà, đường ra nghĩa địa
Mắt vô hồn đón nắng còn vương
Nắng đây là niềm hy vọng vào y khoa hay vào sự giải thoát? Y khoa hay Ơn Trên sẽ cứu Lan hay Lan đã tìm được sự giải thoát tâm hồn – bề gì cũng rất ư là trọn vẹn một đời. Đó là điều chúng ta biết ơn người biết sống và biết làm thơ mang nhiều tên khác nhau, mà Kỷ Lan là tên đẹp nhất, thật nhất. ...
Gia đình và thân hữu đọc thơ Lan trong hoàn cảnh đặc biệt này sẽ giấu đi giọt nước mắt để vui cười thoải mái với Lan, và sẽ cảm thấy yêu mến Lan hơn, một người khi khỏe mạnh đã sống sôi nổi với thương với ghét, đã làm phật lòng người này, đã nuông chiều người kia, không toàn bích; nhưng bây giờ đã thành vuông tròn. Lan muốn nói lời cuối cùng – Lan muốn sống lâu lâu để thương mến mọi người, nhưng nếu phải đi trước, thì xin ở lại bình an. Còn lại bao nhiêu Lan nhường lời cho tĩnh mịch:
Im lặng sao chất chứa bao lời
Lời thương, lời nhớ, lời yêu thôi
(Im lặng)
Tâm Thanh
*Nhân Hậu: Tác giả Lê Mộng Hòa, trong “Thi Nhân Huế” (nxb Xây Dựng, 1960) đã xếp Nhân Hậu trong số 9 nhà thơ thành danh tại Huế đương thời, cùng với Trụ Vũ, Thanh-Thanh, Xuân Dưỡng, Trần Xuân Đàn, Hồ Đình Phương, Hoàng Bá Thiệu, Bằng Trình, Tuyền Hiên.
*
Tập thơ PHỐ ẢO dày 212 trang, khổ 5”x8”,
có phụ bản màu, do Nguyễn Minh Tuấn thực hiện bìa,
Tâm Thanh trình bày mỹ thuật.
Địa chỉ liên lạc:
http://www.viet.no/forum/

No comments: