Tuesday, November 22, 2011

ĐÀO DUY ANH * BẢN LĨNH VIỆT NAM


Bản lĩnh Việt Nam
từ cổ đại đến suốt đời phong kiến

SỐ 390 THÁNG 10-2011

Đào Duy Anh

LTS

Sau khi Trung Quốc dạy Lê Duẩn và người đồng chí anh em một bài học, Đảng Cộng sản Việt Nam bèn ra lệnh các bộ viện, cơ quan thảo luận, viết báo cáo về đề tài chống Đại Hán, chống Bắc Kinh bành trướng. Các quan viên tai to mặt lớn đã đành, mà những anh cắc ké muốn tỏ lòng trung thành với ông chủ họ Lê cũng cặm cụi viết bài và trình thượng cấp. Bỉ nhân biết thân phận hàng thần phải dự những buổi báo cáo như thế. Bài này chỉ thấy phần I mà không thấy phần II.

Thời nay Bắc Kinh bành trướng đến mọi nơi, không thấy học giả nào lên tiếng, trái lại đảng còn cho công an bắt bỏ tù, đánh đập kéo lôi và đạp vào mặt nhân dân chống Trung Quốc xâm lược! Đào Duy Anh ôi! Lê Duẩn ôi! Bọn đàn em của ông bây giờ như thế đó! Thế mà hồi đó các ông vỗ ngực xưng đảng anh hùng, dảng bách chiến bách thắng, nhân dân ta, quân đội ta đã đánh bốn kẻ thù lớn nhất thế giới là Pháp ,Nhật, Mỹ, Hoa!

Ông Đào Duy Anh viết bài này là theo lệnh Lê Duẩn, nếu ông còn sống đến bây giờ thì ông cũng cúi mặt chạy theo Đỗ Mười, Nông Đức Mậnh, Nguyễn Phú Trọng mà hoan hô 16 chữ vàng. Và đó cũng là bản lĩnh của người cộng sản, không phải bản lãnh của người Việt Nam yêu nước thuộc dòng Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, và Quang Trung!

Sơn Trung


Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng có thể tận dụng nhân lực và tài lực cả “thiên hạ” nghĩ ngay đến mưu đồ đem lực lượng hùng hậu của dân tộc Trung Hoa là dân tộc đông đúc và văn minh nhất ở giữa các ngoại tộc mà người Hán cho là dã man hết cả, để bành trướng thế lực ra bốn phương. Về phía Tây Bắc thì Tần sai tướng quân Mông Điềm đem 30 vạn binh đánh đuổi bộ tộc Hung Nô gọi chung là rợ Hồ, chiếm cứ các đất ở phía nam Hoàng Hà (các tỉnh Ninh Hạ,


Tuy Viễn đời sau) mở thêm 44 huyện và dời đến những người phạm tội cho cư trú và khai thác, về phía Đông Nam thì Tần sai Hiệu uý Đồ Thư đem 50 vạn binh gồm những kẻ lưu vong, những người rể thừa và những người lái buôn, chia làm 5 đạo đi đánh chiếm các miền Bách Việt, mở đặt ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng (đất Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu ngày sau), cho bọn quân lính ấy đóng đồn giữ đất và ở lẫn với người Việt, do đó mà khai thác miền đất phía Nam Ngũ Lĩnh làm lãnh thổ của Trung Quốc.


Nhưng khi quân Tần tiến sâu vào miền đất tương đương với nước Việt Nam ta ngày sau thì chúng vấp phải sự kháng chiến quyết liệt, do đó quân Tần không thể tiến sâu hơn vào đất miền Nam. Việc ấy được sử sách Trung Quốc chép rõ.

Sử ký của Tư Mã Thiên (2.112) chép rằng: “Nhà Tần lại sai Hiệu đô úy Đồ Thư đem quân Lâu Thuyền đi đánh Bách Việt ở phương Nam, sai Giám Lộc đào cừ vận lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần cầm giữ lâu ngày, lương thực thiếu hụt.


Người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần lại sai Uý Đà đem quân đóng giữ đất Việt Đương. Bấy giờ nhà Tần ở phía Bắc thì bị hoạ với người Hồ, ở phía Nam thì mắc với người Việt, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không được. Hơn mười năm con trai mặc giáp, con gái chuyên chở, khổ không sống nổi, tự treo cổ ở cây dọc đường xác chết nhìn nhau.


Đến khi hoàng đế Tần mất thì thiên hạ cả phản”. Trước Tư Mã Thiên thì Lưu An tác giả sách Hoài Nam Tử đã chép chi tiết hơn rằng: “Nhà Tần tham cái lợi sừng tê, ngà voi, long chả, ngọc châu ngọc cơ, lại sai quan uý là Đồ Thư phái 50 vạn binh, chia làm 5 đạo quân. Một đạo đóng ở Đào Đàm Thành, một đạo giữ ải Cửu Nghi, một đạo đóng ở Đô Phiên Ngung, một đạo giữ cõi Nam Dã, một đạo đóng ở sông Dư Can, ba năm không cởi giáp giãn nỏ.


Giám Lộc không có đường để chờ lương, lại lấy quân đào kênh mà thông đường lương, để đánh người Việt, giết được quần trưởng Tây Âu là Địch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào rừng rú, cùng ở với cầm thú, không chịu để cho nhà Tần bắt rồi cùng nhau đặt người kiệt tuấn làm tướng, ban đêm ra đánh cả phá quân Tần, giết được uý Đồ Thư. Quân Tần chết thương mấy chục vạn. Bèn phái những người bị đày đến đóng giữ”.

Cuộc kháng chiến trường kỳ của người Việt chống quân Tần đó là do một bộ phận người Tây Âu liên hiệp với người Lạc Việt tiến hành, dựng lên nước Âu Lạc chặn đứng không cho người Hán tộc tiến xuống đất Ấn Độ Chi Na và miền Đông Nam Á.

Thế là cái mưu đồ bành trướng xuống Đông Nam Á của nhà Tần bị cuộc kháng chiến ngoan cường của tổ tiên dân tộc ta làm thất bị từ tận thế kỷ III trước Công nguyên.

Tiếp theo Tần Thuỷ Hoàng là thuỷ tổ của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, các triều đại phong kiến Trung Quốc kế thừa chế độ quân chủ chuyên chế của nhà Tần, không triều đại nào là không kế thừa luôn chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Tần Doanh Chính.

Sau khi nhà Hán thống nhất Trung Quốc, chấm dứt cuộc đại loạn tiếp sau khi nhà Tần sụp đổ, Hán Võ đế lại dốc toàn lực lượng của Trung Quốc mới được phục hồi để tiến hành ngoại xâm đại quy mô phía Bắc. Hán Võ Đế phái đến 120 vạn binh đánh đuổi bộ tộc Hung Nô khiến họ phải lui về miền Mạc Bắc và một bộ phận là Nam Hung Nô phải đầu hàng và triều phục nhà Hán, sang thời Đông Hán thì tướng quân Đậu Hiến lại mấy lần đánh phá Bắc Hung Nô, khiến di tộc của họ phải sang phương Tây để sau này tham gia cuộc đánh phá Tây đế chế La Mã.


Về phía Tây Trung Quốc là các nước gọi chung là Tây Vực, vốn là những nước phụ thuộc của Hung Nô, nhà Hán đương đánh phá Hung Nô thì phái Trương Khiên, rồi nhà Đông Hán lại phái Ban Siêu sang sứ các nước ấy, vừa dùng quân sự để uy hiếp doạ nạt vừa dùng mưu mô để dụ dỗ mua chuộc, khiến uy thanh của Trung Quốc đạt đến tận bờ phía Đông Địa Trung Hải.


Về phía Tây Nam thì nhà Hán kiêm tính các nước nhỏ Tây Nam Di trước kia nhà Tần chưa chinh phục được, đặc biệt là ba nước Dạ Lang, Điền, Cùng Đô, đặt làm châu quận, còn ở phía nam thì Triệu Đà là một huyện lệnh của nhà Tần ở quận Nam Hải đã thừa cơ cuộc loạn khoảng Tần Hán mà dựng nước Nam Việt, Hán Võ Đế đã dùng mánh khoé kết hợp với quân sự diệt nước Nam Việt, rồi dùng gián điệp và mưu gian mà chiếm luôn nước Âu Lạc cũ, chia đất này làm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Thế là cái mục tiêu nhà Tần dùng bạo lực đơn thuần không thể đạt được, nhà Hán không mưu gian quỷ quyệt đã đạt được dễ hơn.


Nhưng nhân dân Âu Lạc vốn tha thiết tự do độc lập không thể cam tâm làm nô lệ cho người phương Bắc sai khiến, nên chỉ sau khoảng một thế kỷ họ đã theo lời hiệu triệu của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị dòng dõi của Lạc tướng Mê Linh, tức dòng dõi Hùng Vương của nước Văn Lang xưa, mà nổi lên đánh đuổi bọn thống trị ngoại tộc, nhà Đông Hán phải phái viên lão tướng đầy kinh nghiệm Mã Viện sang mới chinh phục lại được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và áp đặt hẳn chính sách trực trị để xúc tiến công cuộc đồng hoá dân Âu Lạc bằng sự di thực ồ ạt những phần tử mạo hiểm và xấu xa trong dân gian Hán tộc và bằng sự thâm nhập ào ạt của văn hóa Hán tộc.


Nhưng trong suốt thời kỳ Bắc thuộc thứ hai này nhân dân Âu Lạc vẫn bền bỉ chống đối, cuộc đấu tranh lâu dài ấy mở đầu bằng những cuộc nổi dậy của quân lính Giao Chỉ và Cửu Chân không chịu để cho bon quan lại Hán tộc điều động đi xâm lược lại nước Lâm Ấp mới được thành lập ở quận Nhật Nam. Rồi sau đó cứ khoảng vài ba chục năm một lần, nhân dân Giao Chỉ và Cửu Chân lại nổi lên đánh giết bọn quan lại Hán tộc tàn bạo tham nhũng.

Sang thời Tam Quốc, anh em cha con Sĩ Nhiếp dùng thủ đoạn khôn khéo trấn an nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân nên giữ vững được cục diện hơn hai chục năm, nhưng sau khi Sĩ Nhiếp chết thì bọn quan lại địa phương cướp giết lẫn nhau, nhân



dân lầm than, một vị tù trưởng ở Cửu Chân là Triệu Quốc Đạt và em gái tục danh là Triệu Ẩu nổi lên chống bọn quan lại nước Ngô trong cả nửa năm trời. Qua sự ghi chép vắn tắt và thiếu sót của chính sử Trung Quốc, chúng ta cũng có thể thấy rằng sự chống đối của nhân dân Âu Lạc trong suốt năm thế kỷ của thời kỳ Bắc thuộc thứ hai từ sau Mã Viện không bao giờ ngớt.


Đến thời Nam Bắc triều nhân cuộc suy đốn của Trung Quốc bị các bộ tộc phương Bắc chèn ép và xâu xé, nhân dân Âu Lạc cũ đã cử hành một cuộc khởi nghĩa đại quy mô dưới sự lãnh đạo của Lý Bôn, muốn xây dựng một triều đại tự chủ chỉ tồn tại hơn nửa thế kỷ, rồi đến khi nhà Tuỳ thống nhất được Trung Quốc thì ách thống trị của phong kiến Hán tộc lại được đặt trở lại trên toàn cõi đất Âu Lạc xưa, tới thời kỳ Bắc thuộc thứ ba.

Sau khi nhà Đường thay nhà Tuỳ mà thống nhất hoàn toàn Trung Quốc, Đường Thái Tôn nghĩ ngay đến chuyện bành trướng về phương Bắc và phía Tây. Lý Thế Dân kiêm dùng cả hai chính sách quân sự và thông hôn, dùng quân sự để diệt bộ tộc Đột Quyết mà chiếm tất cả vùng phía Nam Đại Mạc, lại dùng quân sự kết hợp với thông hôn mà diệt luôn bộ tộc Thiết Lặc mà chiếm luôn cả miền Mạc Bắc, rồi lần lượt diệt cả các nước Tây Đột Quyết, Qui Tư, Cao Xương, Thổ Phồn, Thổ Cốc Phồn ở miền Tây Vực. Sau lại kết hợp quân sự và chiêu dụ mà thần phục được cả các nước Thiên Trúc (tức Ấn Độ), mở mang bờ cõi đến sát Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.


Về phía Đông thì Đường Thái tôn không thể để yên nước Cao Ly là một nước mạnh ở miền biển chưa chịu thần phục. Sau một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc kéo dài 25 năm, nhà Đường chiếm được toàn bộ Cao Ly, cho Tiết Nhân Quí làm An Đông đô hộ đóng quân ở Bình Nhưỡng để trấn thủ. Ở phía Nam thì nước Vạn Xuân bị nhà Tuỳ diệt Lý Phật Tử mà chiếm lại, nhà Đường thừa thế đặt An Nam đô hộ phủ ở Giao Chaâ (trung tâm là miền Hà Nội) làm một chính quyền quân phiệt để trấn áp thuộc quốc.

Nhưng dưới ách thống trị quân phiệt tàn ngược nổi lên, đặc biệt họ liên kết với người Nam Chiếu ở Tây Bắc và người Chiêm Thành ở Nam làm cho chính quyền đô hộ của nhà Đường suy yếu dần mà cuối cùng đến khi nhà Đường suy vong, họ Khúc thừa cơ tự cường để cho Ngô Quyền lật đổ hẳn ách thống trị của phong kiến Hán tộc mà xây dựng nền tự chủ dân tộc.

Như thế là sau hơn một nghìn năm của nạn thống trị ngoại tộc luôn luôn bị cắt quãng bằng những thời khởi nghĩa, hoặc hỗn loạn, hoặc giải phóng ngắn ngủi, tổ tiên chúng ta từ cuộc kháng chiến bất khuất của Liên hiệp Tây Âu – Lạc Việt đến cuộc quật cường của họ Ngô, là thành phần duy nhất trong các nhóm Bách Việt ở miền Nam Trung Quốc giữ trọn khí phách và bản lãnh của mình mà chống lại sự đồng hoá, sự tiêu hoá của cái khối khổng lồ Hán tộc đã từng đồng hoá và tiêu diệt bao nhiêu tộc loại sừng sỏ ở xung quanh.

Từ sau khi các họ Ngô, Đinh và Lý, Trần kế tiếp nhau xây dựng những triều đại tự chủ và theo hình mẫu của chế độ chính trị mà các triều đại phong kiến Trung Quốc trước kia đã đế lại ấn tích qua hơn nghìn năm của mưu đồ đồng hoá trường kỳ, các triều đại phong kiến Trung Quốc tương đương các nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh vẫn không bao giờ từ bỏ ý đồ ăn sống nuốt tươi cái dân tộc nhỏ bé hơn dân tộc chúng nhiều mà luôn luôn làm vật chướng ngại duy nhất chặn đường không để cho chúng thả sức thực hiện tham vọng bành trướng Đại Hán của chúng xuống miền Đông Nam.

Sau khi nhà Tống thống nhất và ổn định tình hình của Trung Quốc bị xâu xé bởi cuộc diện Ngũ đại thập quốc, Tống Thái Tổ mưu đồ xây dựng một chế độ trung ương tập quyền hùng hậu với một lực lượng quân sự rất lớn nhằm đề phòng những cuộc nổi loạn chống mình, nhưng mưu đồ ấy dẫn đến cái tình hình chính trị hủ bại, tướng kiêu, binh nhác, phú thuế không hai, vét hết của cải của cả nước mà nuôi nấng binh lính ăn không, binh càng nhiều mà thế lực càng yếu.


Nhà Tống suy yếu, không thể đối phó với sự uy hiếp của bộ tộc Nữ Chân, phải nhường cắt cho nhà Kim nửa nước phía Bắc, mới nghĩ đến mưu chước bành trước sang nước ta để mong cứu vãn nguy cơ ở trong, nhưng quân Tống hai lần bị Lý Thường Kiệt đánh đuổi vào đến tận nội địa Trung Quốc.


Nhà Tống đã bị con cháu Thành Cát tư Hãn tiêu diệt, bộ tộc Mông Cổ chiếm cứ toàn bộ lãnh thổ và thuộc quốc của Trung Quốc trong phạm vi rộng hơn các thời Hán, Đường. Trên đà phát triển ghê gớm của quân Mông Cổ ra tứ phương, người Mông Cổ bị văn hoá ưu việt của Hán tộc đồng hóa, các vua Mông Nguyên không thể không kế thừa luôn cái chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của các triều đại Trung Hoa, cho nên đã ba lần xua quân mạnh nhất thế giới đương thời để xâm lược An Nam (tên người Trung Quốc gọi nước ta từ thời Đường) mà cả ba lần đều bị quân ta dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Tuấn đánh bại xiểng liểng không thể bén mảng được xuống miền Đông Nam Á.

Chu Nguyên Chương, Thái tổ nhà Minh khôi phục chủ quyền dân tộc và xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan, tàn sát công thần, tàn sát văn nhân, giết hại nhân mạng không sao kể xiết. Con thứ của Nguyên Chương là Chu Đệ nổi loạn, đánh giết anh để cướp ngôi, lại một phen giết người như rạ, để trấn áp nhân tâm, rồi phát động ngoại xâm để đề cao uy vọng của mình, do đó sai hoạn quan Trịnh Hoà đem binh thuyền chở 2 vạn người đi sứ các nước Đông Dương quần đảo và sai Trương Phụ đem 80 vạn binh xâm lược nước ta, kế tục thực hiện cái ý đồ bành trướng xuống Đông Nam Á mà lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới bọn thống trị Mông Nguyên cũng không thực hiện nổi.


Nhưng không vượt nổi bức tường thành vĩ đại là cuộc kháng chiến trường kỳ của thầy trò Lê Lợi, Minh Thanh Tổ đành phải dùng chính sách thông thương quốc doanh, bảy lần sai Trịnh Hoà dùng binh thuyền vượt biển xuống các đảo quốc miền Đông Nam Á để thoả mãn yêu cầu mậu dịch mà sự phát triển kinh tế của xã hội Trung Quốc từ thời nhà Nguyên mở rộng quan hệ với người Tây dương đặt ra.

Lại một lần nữa mưu đồ bành trướng Đại Hán của Trung Hoa bị chặn đứng. Nhưng do sự yêu cầu thông thương hải ngoại đó của xã hội Trung Hoa mà một số lớn tư nhân trốn tránh cấm chế vượt biên doanh thương đã hình thành những tập thể Hoa Kiều ở các nước Đông Nam Á mà thư tịch Trung Quốc gọi là Trải Oa (Java), Tam phật tề hay Cựu Cang, Ma Lục Giáp (Malacca), Tô-môn-đáp-lạp (Sumatra), Lữ căn cứ đắc lực cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Cuộc kháng chiến ngoan cường của Lê Lợi đã dồn nhà Minh đến thế suy vi, khiến cuối cùng Trung Quốc bị bộ tộc Mãn Thanh chinh phục. Nhưng cũng như các rợ Hồ và Mông Cổ trước kia, bộ tộc Mãn Thanh văn hoá thấp kém dùng võ lực mà đánh bại được Trung Quốc suy đốn bạc nhược, nhưng họ đã bị hấp thu vào văn hoá cao hơn của Hán tộc; mà cái sức hấp thu văn hoá và xã hội Hán tộc mạnh mẽ cho đến nỗi, cũng như trường hợp người Mông Cổ trước kia, các hoàng đế Mãn Thanh sau khi bị đồng hoá theo Hán tộc đã bị tinh thần Đại Hán chinh phục luôn mà lại xem mình là những kẻ kế thừa đích phái của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.


Trên tinh thần ấy, nhà Mãn Thanh đã dùng binh lực áp đảo cả bộ tộc Nội Mông và Ngoại Mông và các bộ tộc theo Hồi giáo ở phía Nam và phía Bắc Thiên Sơn (Tân Cương) lấn chiếm các đất Tây Tạng (trước là Thổ Phồn), Thanh Hải, Miêu Cương (khu Miêu tộc ở miền Đông Vân Nam, Quí Châu), cả nước nhỏ Nê Bạc Nhi (Nepal) ở sát Ấn Độ và buộc cả các nước Miến Điện, Xiêm La đều phải xưng thần triều cống.


Trên dải đất Ấn Độ Chi Na, lại cũng chỉ có dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là quét phăng được mấy chục vạn binh Mãn Hán, do cái tội rước voi về giày mồ của vua Lê Chiêu Thống mà kéo vào giày xéo thành Thăng Long một thời gian ngắn, do đó mà quân lực hùng hậu của Mãn Thanh đã gãy mất đầ tiến xuống các nước miền Nam Dương, một lần cuối cùng cái mộng làm bá chủ nghĩa Đại Hán lại bị đập tan.


Mãi đến giữa thế kỷ XIX từ khi chính Trung Quốc bị các nước đế quốc chủ nghĩa Tây Phương xâu xé, bọn vua chúa Hán tộc mới phải tạm ngưng cái tham vọng thôn tính nước ta, nhưng bấy giờ thì nước ta lại bước vào một giai đoạn đấu tranh gian khổ mới là giai đoạn chống chủ nghĩa thực dân Pháp.

(Còn tiếp)

No comments: