Châu Á Thái Bình Dương là trọng điểm của thế kỷ 21
Hôm qua, ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ đang tập trung sự chú ý trở lại vào khu vực châu Á Thái Bình Dương vào lúc trung tâm sách lược và kinh tế của thế giới chuyển về hướng đông. Bà Clinton phát biểu tại Honolulu, Hawaii trước khi tham gia các cuộc đàm phán thương mại tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, tức APEC. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến hết Chủ nhật, là lúc Tổng thống Barack Obama dự trù chủ trì một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã trình bày viễn tượng của bà đối với điều bà gọi là thế kỷ Thái Bình Dương của nước Mỹ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác quản trị chính sự Mỹ trong những thập niên tới đây sẽ tham gia đầu tư rất nhiều - về mặt ngoại giao, kinh tế, sách lược và những lãnh vực khác, trong vùng này.”
Bà Clinton nói có một động lực mới trong công cuộc mậu dịch của Hoa Kỳ với khu vực này, sau khi thông qua hiệp định tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, và với những cuộc đàm phán đang xúc tiến nhằm thành lập một nhóm Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - một khối mậu dịch tự do bao gồm Hoa Kỳ và ít nhất 8 nước khác.
Bà Clinton nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối phó với các thách thức như các vụ vi phạm nhân quyền ở Miến Điện, nơi bà nhận thấy có một sự rục rịch thay đổi, và về vấn đề nhân quyền và các quan ngại thương mại với Trung Quốc, là nơi mà bà cho rằng các công ty Mỹ muốn có một sân chơi bình đẳng.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Đặc biệt, chúng ta đang vận động Trung Quốc chấm dứt việc phân biệt đối xử một cách bất công nhắm vào các công ty của Hoa Kỳ và nước ngoài, và chúng ta cũng đang vận động để bảo vệ các kỹ thuật tối tân và bãi bỏ chế độ ưu tiên gây sai lạc cho sự cạnh tranh. Trung Quốc phải để cho chỉ tệ của họ tăng giá và chấm dứt các biện pháp gây bất lợi hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ của nước ngoài.”
Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithener của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục họp với các đối tác trong ngày hôm nay, và Tổng thống Obama sẽ thết tiệc khoản đãi các nhà lãnh đạo APEC vào tối thứ bẩy và chủ trì cuộc họp thượng đỉnh vào Chủ nhật. Ông Obama cũng dự trù mở các cuộc họp với đối tác phía Trung Quốc và Nga, cũng như với Thủ tướng Nhật Bản.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/us/apec-clinton-11-11-11-133680403.html
đến Châu Á-Thái Bình Dương
Trong tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên đường đi Hawaii, nơi ông sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương, tức APEC, tổ chức được thành lập vào năm 1989 để cải thiện hợp tác kinh tế và tự do hóa mậu dịch giữa các quốc gia thành viên. Theo thông tín viên VOA Dan Robinson, ông Obama đem theo những lời cam kết về kinh tế và an ninh trong chuyến đi 9 ngày, trong đó ông còn ghé qua Australia và dự cuộc họp thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia.
Lần cuối 21 nhà lãnh đạo trong khối APEC tề tựu ở Hoa Kỳ là vào năm 1993, khi cựu Tổng thống Bill Clinton chủ trì cuộc họp ở thành phố Seattle.
Cuộc họp thượng đỉnh lần này diễn ra vào lúc Tổng thống Barack Obama tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc suy thoái và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mậu dịch tự do trong việc giúp tạo dựng công ăn việc làm và sự thách thức cạnh tranh từ phía các nền kinh tế Á Châu, nhất là Trung Quốc.
Ông Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược cho hay ông Obama cũng sẽ gửi một thông điệp cho người dân Mỹ trong nước.
Ông Bower nói: “Tổng thống cần phải bênh vực cho lập trường rằng nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế, thì châu Á là một phần của câu trả lời, và trở lại chiếm ưu thế về mậu dịch sẽ dứt khoát là điều chủ yếu.”
Từ hơn 1 thập niên, APEC đã tìm cách xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn ở Châu Á Thái Bình Dương. Nhưng Hoa Kỳ và 8 thành viên khác của APEC dự trù sẽ loan báo một thỏa thuận khung cho một nhóm mậu dịch nhỏ hơn, đó là nhóm Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã bầy tỏ quan ngại về nhóm mậu dịch này. Sau đây là ý kiến của chuyên gia phân tích Michael Green, cũng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược:
Ông Green nói: “Cho dù APEC không phải là một tổ chức thương nghị về mậu dịch, đây chính là khung sườn thích hợp để các nước xúc tiến với cấu trúc mậu dịch xuyên Thái Bình Dương vào một thời điểm mà nhiều nước ở châu Á nói rằng chúng ta nên có một cấu chỉ bao gồm có Đông Á mà thôi.”
Mối quan hệ kinh tế và an ninh phức tạp với Trung Quốc, kể cả những vụ kình chống về biển Nam Trung Quốc, là một bối cảnh cho các chuyến du hành của ông Obama.
Trước APEC, các giới chức Hoa Kỳ đã đi thăm khu vực, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, và Thứ trưởng Ngoại giao William Burns. Ông Burns nêu nhận định:
Ông Burns nói: “Trong một mối quan hệ phức tạp như thế này, thì xung đột và hợp tác đều là những điều không thể tránh khỏi. Vì vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới gia tăng, giữ cho mối quan hệ đi theo một hướng xây dựng sẽ là một thách thức quyết định cho cả hai bên.”
Ông Bower, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, nói rằng những cam kết về an ninh của Hoa Kỳ đối với khu vực là bối cảnh cho chuyến đi Australia của ông Obama, giúp mở rộng sự tiếp cận của quân đội Hoa Kỳ.
Ông Bower giải thích: “Sự hiện diện về an ninh của Hoa Kỳ rất được hoan nghênh để tạo thế quân bình cho điều mà nhiều người nhận thấy là thái độ hung hăng của Trung Quốc hồi gần đây, nhất là trong vùng biển Nam Trung Quốc, và cả ở quần đảo Senkaku, hay Điếu Ngư ở phía bắc.”
Chuyến đi của Tổng thống Obama diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong nước, vào lúc sắp tới kỳ hạn ngày 23 tháng 11 để một ủy ban quốc hội đồng ý về việc cắt giảm 1,2 ngàn tỷ đôla ngân sách dự chi của chính phủ.
Quyết định đó, hoặc sự thất bại không đạt được một thỏa hiệp, sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng và sẽ được theo dõi sát bởi các nhà lãnh đạo Châu Á Thái Bình Dương mà ông Obama sẽ gặp trong chuyến đi của ông.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/us/obama-apec-11-08-2011-133428458.html
Quan điểm của USCIRF
Hôm thứ Ba tuần này, giữa lúc Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc đối thoại về vấn đề nhân quyền ở Washington, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) của Hoa Kỳ khuyến cáo đã đến lúc Washington nên tăng áp lực để Việt Nam hành động hầu đạt được những tiến bộ cụ thể để cải thiện thành tích nhân quyền mà theo Ủy ban, đã trở nên đáng quan tâm hơn từ ngày Việt Nam được rút tên khỏi danh sách CPC. Ủy ban Tự Do Tôn giáo Quốc Tế là một ủy ban độc lập do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập để theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, ủy ban này có nhiệm vụ đề nghị nên đưa nước nào vào danh sách các nước đáng quan tâm về nhân quyền, gọi tắt là CPC. Tiến sĩ Scott Flipse, phó Giám Đốc USCIRF đã dành cho Ban Việt Ngữ Đài VOA một cuộc phỏng vấn, một ngày trước khi cuộc đối thoại Mỹ-Việt bắt đầu. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách sau đây.
Dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt là Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách nhân quyền, dân chủ và lao động Michael Posner, và trưởng phái đoàn Việt Nam, Vụ trưởng Hoàng Chí Trung. Đây là vòng thảo luận thứ 16 trong cuộc đối thoại song phương, mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả trong một thông cáo báo chí hôm 7 tháng 11, là “dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau... nhằm thu hẹp những khác biệt giữa hai bên trong lĩnh vực nhân quyền.”
Tiến sĩ Scott Flipse là một chuyên gia về Việt Nam và là Phó Giám đốc Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, ông từng nhiều lần tới thăm Việt Nam và đã gặp một số nhân vật bất đồng chính kiến trong các nhà tù, kể cả Linh mục Nguyễn văn Lý và các luật sư Nguyễn văn Đài và Lê thị Công Nhân.
Bất chấp những quan hệ nồng ấm hơn về nhiều phương diện, kể cả kinh tế, thương mại và quân sự, nhân quyền vẫn là lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều khác biệt quan điểm nhất. Trong phúc trình nhân quyền thường niên công bố hồi tháng Tư năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng trong năm 2010, nhà nước Việt Nam đã “tăng các biện pháp hạn chế các quyền riêng tư của công dân, và các quyền tự do báo chí, ngôn luận, tụ tập, đi lại và lập hội”.
Hồi tháng 9, hơn 10 nhà lập pháp Mỹ đã gửi thư kêu gọi tân đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam hãy nêu bật các quan tâm về vấn đề pháp quyền, tự do Internet, và chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến tại nước cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Scott Flipse, phó Giám đốc USCIRF, nhận định về cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt: “Tôi tin rằng việc hai nước nói chuyện với nhau rất là quan trọng, nhưng Việt Nam cần nghe rằng các quan hệ tốt đẹp sẽ tùy thuộc vào những cải thiện đạt được trong lĩnh vực nhân quyền. Đó là điều rất quan trọng cho phía Hoa Kỳ, và đó là thông điệp chúng ta nên gửi tới Việt Nam một cách rõ ràng.”
Tiến sĩ Scott Flipse cho biết ông đã đề cập tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với Trợ lý Ngoại Trưởng Michael Posner.
Ông nói: “Tôi nói với ông rằng ở Việt Nam có quá nhiều người tù tội, nhiều người bị giam vì các hoạt động tôn giáo, và vẫn có nhiều người bị ép buộc từ bỏ niềm tin tín ngưỡng, có những du đãng đến đánh đập, bắt bớ giáo dân Ky tô tham gia các buổi cầu kinh ban đêm. Có nhiều Phật tử, kể cả những người theo phái Làng Mai, bị chính quyền dùng bạo lực cấm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì không được công khai hoạt động hợp pháp. Đó là chưa kể các chiến dịch đàn áp tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài... Rất nhiều điều tôi muốn ông Posner nêu lên với phía Việt Nam.”
Được hỏi về phản ứng của Trợ lý Ngoại Trưởng Posner về yêu cầu đó, Tiến sĩ Scott Flipse cho biết: “Ông ấy nói tự do tôn giáo là một phần quan trọng trong cuộc đối thoại song phương. Tôi không nghi ngờ gì điều đó, nhưng vấn đề là nếu các cuộc thảo luận ấy diễn ra mà hai bên không tìm cách đạt các mục tiêu cụ thể và khả thi, những cải thiện cụ thể, thì sẽ có tác động ngược, chúng chỉ là những lời nói xuông.”
Tiến sĩ Scott Flipse nói cách duy nhất để buộc Việt Nam phải chú ý là liên kết nhân quyền với toàn bộ cấu trúc các quan hệ Mỹ-Việt, từ Tòa Bạch Ốc, tới các cuộc thương thuyết thương mại, và các phái đoàn quân sự vv.
Trong một phúc trình công bố hồi tháng Ba năm nay, Tổ chức Ký giả Không biên giới xếp hạng Việt Nam thứ 165 trong tổng cộng 178 nước về chỉ số tự do báo chí, và mô tả Việt Nam là “kẻ thù của Internet”. Tiến sĩ Scott Flipse cho biết ý kiến của ông về vấn đề này: “Tự do Internet là một vấn đề thiết yếu, không nên coi tự do internet là chỉ liên quan tới nhân quyền, nó còn là một vấn đề thương mại, Việt Nam nên nghe không những ông Posner nói tới tự do internet, mà cả Bộ trưởng Thương Mại và các phái đoàn thương mại Mỹ đi thăm Việt Nam cũng nên nêu lên vấn đề này.”
Tiến sĩ Scott Flipse nhắc tới một số tù nhân lương tâm ở Việt Nam, đặc biệt là Linh mục Nguyễn văn Lý, hiện đã bị đưa trở lại vào tù. Ông nói: “Tôi đã gặp Linh mục Lý 2 lần trong tù trong các chuyến đi thăm Việt Nam. Tôi biết Cha Lý là một người can đảm. Tôi biết Cha Lý tranh đấu ôn hòa cho tự do, và sự kiện Cha Lý vẫn tiếp tục bị cầm tù là một vết nhơ trong các quan hệ Việt-Mỹ.”
Tiến sĩ Scott Flipse nói ông hy vọng Linh mục Nguyễn văn Lý sẽ được trả tự do lập tức, một điều mà ông cho là rất có thể xảy ra sau vòng đối thoại nhân quyền lần này, nhưng ông nói ngoài Cha Lý, còn có nhiều trường hợp khác, những tín hữu đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Ky tô giáo, Tin Lành khác đang bị cầm tù, cùng với các nhà hoạt động nhân quyền, các luật sư bênh vực cho các cộng đồng tôn giáo cũng nên được phóng thích.
Tiến sĩ Scott Flipse nói ông không phải là người duy nhất nêu lên các trường hợp cá biệt vừa kể, mà các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia về Việt Nam khác cũng nhắc tới các trường hợp này trong cuộc tiếp xúc với Trợ lý Ngoại Trưởng Posner.
Ông nói: “Đã đến lúc nên làm nhiều hơn là chỉ nói xuông, phải làm thế nào để Việt Nam phải hành động bằng cách phóng thích những vị này, hơn thế nữa, ngay từ đầu Việt Nam lẽ ra đã không nên bắt giữ họ.”
Tiến sĩ Flipse lặp lại đề nghị của Ủy ban Tự Do Tôn giáo Quốc Tế, là nên liên kết nhân quyền với các quan hệ khác, kể cả trong lĩnh vực chiến lược và an ninh.
Tiến sĩ Flipse nói: “Thông điệp mà chúng ta cần gửi đến người Việt Nam là đây là quyền lợi của người Mỹ, và chúng tôi sẽ không tiến hành các chương trình phục vụ quyền lợi kinh tế và an ninh của Việt Nam, đặc biệt liên quan tới cuộc tranh chấp Biển Đông, cho tới khi nào có tiến bộ về các quyền lợi của Hoa Kỳ như nhân quyền và tự do tôn giáo.”
Mới đây, trong một bài tham luận về quan hệ Mỹ- Á Châu, Ngoại trưởng Clinton khẳng định rằng hơn cả sức mạnh quân sự và quy mô của nền kinh tế Mỹ, tài sản quốc gia quý báu nhất là sức mạnh của các giá trị Mỹ, đặc biệt là lập trường ủng hộ dân chủ và nhân quyền, mà theo bà là trọng điểm của chính sách đối ngoại, kể cả chính sách nhìn về khu vực Châu Á-Thái bình dương hiện nay.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Giữa lúc chúng ta thắt chặt hơn các quan hệ với những đối tác mà chúng ta còn nhiều bất đồng về các vấn đề ấy, chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi họ hãy cải cách để nâng cao kỹ năng cai trị, bảo vệ nhân quyền và thăng tiến các quyền tự do chính trị.”
Ngoại trưởng Clinton nêu lên trường hợp Việt Nam, nói rằng Washington đã khẳng định rõ ràng với Việt Nam rằng sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ đòi hỏi Hà nội phải đề ra những bước để bảo vệ tốt hơn các quyền làm người và thăng tiến các quyền tự do chính trị.
Tiến sĩ Scott Flipse kết luận rằng những lời lẽ ấy đã làm ông ấm lòng, mặc dù ông chưa biết ngoài đời thực, chính sách ấy sẽ được áp dụng như thế nào cho có hiệu quả.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnamese-american-human-rights-dialogue-11-11-2011-133679248.html
No comments:
Post a Comment