THUYẾT TRUNG ĐẠO
NGUYỄN THIÊN THỤ
A. TRUNG ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT
(563BC-483BC)
Đức Phật cũng thuật việc Ngài vào rừng sâu tu khổ hạnh:
Này thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này.Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua. Rồi này, Aggivessana, ta ăn thô thực, ăn cơm chua''. ( Trung Bộ Kinh, Đại kinh Sacca ka, 216B)
Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. (Trung Bộ Kinh I, đại kinh Sacca ka, 216B)
Ngài đã chuyển pháp luân, và bài pháp giảng đầu tiên là dạy trung đạo cho bọn năm ông Trần Kiều Như: Trung đạo có ba nghĩa: Tránh xa các cực đoan, chánh đạo và hòa đồng.
I. TRUNG ĐẶO : XA LÁNH CÁC CỰC ĐOAN
(1). Không quá thụ động, không quá hăng say.
Đức Phật dạy như sau:
"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (với ý nghĩ) : ‘Như vậy, ý muốn (dục) của ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng (pacchàpure-sanni). Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy". Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó (apariyonaddhena), với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm (Tương Ưng V,Tương Ưng Như Ý Túc).
Đức Phật đã đưa ra những thí dụ cụ thể:
Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá chùng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?
- Thưa được, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng. (Tăng Chi Bô Kinh, chương VI,Sáu Pháp, Đåi phẩm)
Đức Phật đưa ra một thí dụ khác:
Rồi này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: "Sự tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta, và vì có tinh cần quá độ, nên định lực biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Ví như, này các Anuruddha, một người với hai tay bắt nắm quá chặt một con chim cáy khiến con chim chết liền tại chỗ.
Cũng vậy, này các Anuruddha, tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta. Vì có tinh cần quá độ... cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Vậy Ta phải làm thế nào để nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, phấn chấn, dâm ý, và tinh cần quá độ không khởi lên nơi Ta nữa". (Trung Bô Kinh III, 128. Kinh Tùy phiền não)
(2). Không dục lạc, không hành khổ:
Phàm lạc gì liên hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy là có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Phàm lạc gì liên kết với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo.
Phàm hành trì tự kỷ khổ hạnh nào, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Phàm không hành trì khổ hạnh nào, đau khổ không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo".
Khi được nói đến "Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích", chính do duyên này, được nói đến như vậy. Khi được nói đến "Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn", do duyên gì được nói đến như vậy ?
Đây là con đường Thánh tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi được nói đến "Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ.. giác ngộ, Niết-bàn", chính do duyên này, được nói đến như vậy. (Trung Bộ Kinh III, 139. Kinh Vô tránh phân biệt )
(3). Tránh các quan niệm cực đoan.
Từ trước đến nay, các triết gia thường nêu ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Ngay trong thời đức Phật tại thế, nhiều tông phái khởi lên tranh luận về nhiều vấn đề. nhất là các vị Bà La Môn có những tư tưởng cực đoan cho nên đức Phật khuyên đệ tử tránh suy nghĩ, bàn luận về các cực đoan trong tư tưởng, triết học và tôn giáo:
"Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".(Trường Bộ Kinh 2,Kinh Tệ túc 7)
-"Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".(Trung Bộ Kinh II, 63. Tiểu kinh Màlunkyà)
Trung đạo là con đường chính, con đường ngay thẳng, con đường đi đến Chân Thiện Mỹ. Trung đạo là chánh đạo, là thiện đạo vậy. Toàn bộ triết lý Phật giáo đều nằm ở chữ ‘’chính’’. Chính là đối nghịch với tà, với gian ác. Toàn thể triết lý Phật giáo đều là trung đạo. Thực hiện diệt tham sân si, làm lành, lánh dữ, cố gắng diệt khổ, thực hành Bát chánh đạo, tập thiền. . . là theo trung đạo. Toàn bộ kinh điển Phật giáo đều nằm trong một chữ thiện, tức chính đạo, trung đạo:
Hãy từ bỏ thân làm ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thân làm lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ lời nói ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập lời nói lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ ý nghĩ ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập ý nghĩ lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ tà kiến, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập chánh kiến, và ở đây chớ có phóng dật. (Tăng Chi Bộ Kinh I, Chương IV - Bốn Pháp. VII. Phẩm Nghiệp Công Đức, VỊ (116) Không Phóng Dật)
Trung đạo là tích cực diệt các vọng niệm, ác niệm và ác nghiệp:
III. TRUNG ĐẠO LÀ HÒA ĐỒNG, LÀ TOÀN DIỆN
1. Phật giáo kết hợp giữa tri và hành.
Phật dạy lý thuyết đồng thời dạy thực hành. Từ bi, bác ái không phải là lý thuyết suông mà phải thực hành. Phật giáo là kết hợp lý thuyết và thực hành. Có hai việc phải thực hành là làm lành lánh dữ trong đời sống, và thực hành thiền. Ngũ giới, Bát Chánh đạo, Tứ diệu đế đòi hỏi các Phật tử phải thực hành triết lý và luân lý trong cuộc sống. Phật giáo còn là kết hợp giữa học hỏi Phật pháp và thực hiện thiền định. Giới Định Tuệ là mối tương quan nhân quả giữa luân lý, thiền định và trí tuệ. Đó là yếu quyết của Bát Chánh đạo, là sự kết hợp giữa tư tưởng và hành động. Tư tưởng đúng thì hành động đúng và đạt được kết quả tốt đẹp là giác ngộ.
Mặc dầu con người khó toàn thiện nhưng có tu hành thì có tiến bộ. Nhiều tôn giáo ,nhiều triết thuyết tuyên giảng bác ái, công bằng, tự do nhưng sự thực thì đi ngược lại. Họ giết hại loài người, bắt con người làm nô lệ là trái với đức hiếu sinh của thượng đế trong khí đó họ rao giảng thượng đế sinh ra loài người, hoặc đề cao tình huynh đệ, lòng bác ái. Họ nhân danh truyền bá văn minh, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, cướp đất đai của các nước, bóc lột đàn áp nhân dân trong nước và thế giới, vi phạm nhân quyền và dân quyền . Phật giáo từ trước đến nay thuần túy là tôn giáo, không phải là một bạo lực, trái lại là nạn nhân của bạo lực kể từ cuộc thánh chiến ở thế kỷ XI-XIII.
2. Phật giáo tôn trọng, quân bình giá trị tinh thần và vật chất. Khi đức Phật từ bỏ khổ hạnh, cho phép đệ tử xây tu viện là ngài đã nghĩ đến mối tương quan giữa tinh thần và vật chất. Phật giáo cũng đề caoi mối liên hệ giữa thân tâm. Một số Bà La Môn giáo và tôn giáo khác chủ trương đày dọa thể xác, cộng sản đề cao vật chất đều là những ý nghĩ và hành động sai lầm, hoặc nói một đàng làm một nẻo. Cộng sản xưng là duy vật nhưng sự thực họ duy ý chí và phản khoa học. Những kế hoạch năm mười năm, bước nhảy vọt là căn bản ở tham sân si., là do ý muốn mau giàu, mau mạnh để thống trị thế giới, bất chấp thủ đoạn. Những kế hoạch này phải do các nhà kinh tế tính toán chứ không phải do quyết định của Lenin, Stalin, Mao. Vì không căn cứ vào khoa học, tâm lý học, cộng sản đã giết hại hàng trăm triệu người.
(3). Phật giáo là kết hợp giữa triết lý, luân lý, tâm lý và xã hội. Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo là kết hợp triết lý với luân lý. Ngũ Uẩn, Thập nhị nhân duyên là tâm sinh lý học. Phật giáo là một tôn giáo toàn diện.
(4).Phật giáo quan niệm một xã hội bình đẳng, hòa đồng, không phân biệt giai cấp. Bảy pháp bất thối là xã hội học về ý niệm đoàn kết quốc gia, đoàn kết tôn giáo. Chủ trương lục hòa cũng phát sinh từ lòng từ bi và đoàn kết giữa đồng đạo và giữa người và người. Phật giáo duy trì và bảo vệ mối tương quan cá nhân, giáo hội, gia đình và đất nước. Mọi người trong quốc gia là một thể thống nhất, đoàn kết để xây dựng quốc gia, xã hội thịnh vượng trong khi Bà la môn giáo đề cao giai cấp, cộng sản đấu tranh giai cấp là những chủ thuyết thiên lệch, sai lầm.
Trung đạo trong cuộc sống hằng ngày.
Người cư sĩ có bổn phận nuôi thân, nuôi gia đình, phục vụ tổ quốc. Trong mọi việc, người cư sĩ phải theo chánh pháp, chánh đạo nghĩa là làm lành lánh ác, giúp đỡ người khốn khố, hoạn nạn, Đức Phật cũng đã thuyết pháp cho tăng sĩ và cư sĩ về trung đạo trong cuộc sống hằng ngày.Bên cạnh triết ly cao siêu, đức Phật cũng dạy mọi người những điều bình thường trong cuộc sống, nhất là hàng cư sĩ tại gia.
Đức Phật không những bàn các vấn đề siêu hình mà còn chú trọng đến những vấn đề thực tế như vấn đề ẩm thực:
"Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống". (Tăng Chi Bộ Kinh, Chuơng V, Sức mạnh hữu học)
(2). Quân bình chi thu:
Với các cư sĩ, trung đạo là biết sống thăng bằng, quân bình xuất nhập, không quá phung phí cũng không quá bủn xỉn:
(3). Kinh Doanh và tiêu xài điều độ:
Theo đức Phật, các cư sĩ có quyền sản xuất, kinh doanh vì việc này đem lại công ăn việc làm cho người nghèo, xây dựng xứ sở giàu mạnh nếu họ làm việc điều độ, không lười biếng hoặc quá siêng năng, việc kinh doanh của họ đúng pháp, và biết bố thí:
Tại đây, này Gia chủ, vị hưởng dục này, tầm cầu tài sản đúng pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp và không dùng sức mạnh, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, chia xẻ và làm các công đức. Người ấy hưởng thọ các tài sản ấy, không có tham đắm, không có đắm say, không có mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ. Vị hưởng dục này, này Gia chủ, có bốn điều được tán thán. Vị ấy tầm cầu đúng pháp và không dùng sức mạnh, do điều thứ nhất này, được tán thán. Vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, do điều thứ hai này, được tán thán. Vị ấy chia xẻ và làm các công đức, do điều thứ ba này, được tán thán. . (Tăng Chi, chương 10 ,X. Phẩm nam cư sĩ)
Nói chung, thuyết trung đạo của đức Phật có ba điểm là không cực đoan, theo thiện pháp và toàn diện.
B. TRUNG DUNG CỦA KHỔNG TỬ (551-479)
Sách Trung Dung 中庸 vốn là thiên thứ 31 trong 49 thiên sách Lễ Ký do Khổng Tử san định các Lễ nghi đời trước mà thành. Sách Đại Học cũng vậy. Từ trước, cổ nhân đã đề cập đến đạo trung, như vua Nghiêu dạy vua Thuấn nên giữ đạo trung[1]. Khổng Tử có khi dùng chữ trung như trong Luận ngữ ngài nói ta chưa đạt mức trung[2]; có khi Ngài dùng trung dung :Trung dung là các một đức tốt, nhưng tiếc rằng đã lâu it ai đat được[3]. Đức Khổng Tử (551-479) thường đem những lẽ đạo trung mà dậy cho các đệ tử. . Khổng Tử sinh con trai tên Lý, tự Bá Ngư, Bá Ngư sinh Cấp, tự Tử Tư. Trong các học trò Khổng Tử, ông Tăng Tử được sở truyền nhiều hơn cả. Tăng Tử truyền lại thuyết Trung Dung cho Tử Tư子思(483-402). Chúng ta thử tìm hiểu thuyết Trung Dung của Khổng tử như thế nào và có gì khác biệt với triết lý Trung Đạo của Đức Phật hay không.
Chu Hi Zhuzi (1130 - 1200) là một nho gia đời Tống nghiên cứu Trung Dung và viết lời bình giảng như sau:
Không nghiêng lệch là trung, không thay đổi là dung. Trung là chính đạo của thiên hạ; dung là định luật của thiên hạ.[4]
Quy luật chính là chánh đạo và hòa hợp. Chánh đạo là theo lẽ phải, theo đúng khoa học, theo nhân tâm. Trung dung còn có nghĩa là trung hòa. Hòa hợp là kết hợp vì vũ trụ và thế giới loài người bao gồm nhiều yếu tố chứ không phải đơn điệu. Con người hòa hợp, kết hợp với vũ trụ, cngười hòa hợp với người, và người hòa hợp với vật ( "thiên nhân tương dữ;" " tam tài", "vạn vật dồng nhất thể ") Sách Trung Dung chương 2 có câu : Trung là gốc lớn, hòa là con đường lớn của thiên hạ. Đạt trung hòa thì trời đất yên ổn, vạn vật đều phát triển .[5]
Nho giáo quan niệm rằng vũ trụ và con người có mối tương quan , tinh thần và vật chất thống nhất, lý trí và tình cảm dung hòa, thành thử người quân tử phải biết quy luật mà hành sử.Trung dung nói thì dễ nhưng khó thực hành. đạo trung dung, it người thực hiện được trung dung[6] . Sách Trung Dung có câu: Người quân tử thì theo trung dung, bọn tiểu nhân thì phản lại trung dung, cứ làm càn, không e dè, kiêng sợ[7]. Xã hội có hai hạng người, hạng dại và hạng khôn. Người khôn thì thái quá , kẻ dại thì bất cập[8]. Trung Dung nghĩa là tránh hai cực đoan là thái quá và bất cập, luôn giữ quân bình, điều hòa theo quy luật của vũ trụ, của tâm lý và xã hội.
Theo Trung Dung thì phải làm những gì?
Điều quan trọng nhất là làm điều thiện.
- Vua Thuấn là bậc đại trí, có hiếu với cha mẹ, Bỏ điều ác, tuyên dương điều thiện, theo trung dung.[9]
-Nhan Hồi chăm học, có hiếu ,an phận trong cảnh nghèo , biết theo theo trung đạo, là một người tốt[10]
-Sống theo hoàn cảnh, địa vị của mình, lúc nào cũng an nhiên tự tại, không trách trời, oán người[11]
- Hiếu với cha mẹ, hòa thuận với vợ con, anh em[12]
Ngoài ra người quân tử nên giữ các đức tính khác. Từ chương XX cho đến chươ ng XXV, Tử Tư nhấn mạnh vê tu thân, tri tân, tôn hiền và thành tín..
Nói chung, Trung Dung của Khổng Tử cũng giống Trung Đạo của Đức Phật, Cả hai đều chú trọng sống theo thiện pháp, tránh mọi thái quá và hòa đồng.
Nhưng làm sao thực hiện trung đạo?
Về vật chất chúng ta có thể đo lường được. Lái xe trong thành phố tốc độ 40 hay 60 km/giờ là vừa. Đường vắng có thể lái 80 hay 100km/giờ. Như vậy là theo trung đạo, rất an toàn. Trời tuyết lạnh dưới 0 độ, trong nhà giữ nhiệt độ 22-25 là theo trung đạo. Còn những việc khác thì không phải dễ. Người ăn ba bát thì no, kẻ tám chín bát mới no. Vậy làm sao theo trung đạo? Chính phủ cộng sản theo chủ nghĩa quân bình, mỗi năm bán cho dân ba mét vải, 9 kí gạo mỗi người mỗi tháng. Người gầy cũng không may đủ huống người mập! Rồi vùng lạnh cần nhiều quần áo, ba mét vải thô còn chăn mền, áo lạnh thì sao? Khoảng 1900, lương giáo viên cấp ba khoảng 300 ngàn thì chỉ đủ một tuần. Như vậy là không theo trung đạo.,tất nhiên dân khổ. Còn vấn đề khác cũng vậy. Có nhiều việc không do ta tự chủ.
Về tâm lý càng khó khăn. Thế nào là hạnh phúc? Làm sao đo lường để biết thế nào là vừa, thế nào là quá đáng? Trong thế giới tư bản, có người lương 20 ngàn một năm, có người 40 ngàn, 80 ngàn, 200 ngàn, một triệu, hai triệu đô một năm. Vậy thì thế nào là trung đạo?
C.TÁC HẠI CỦA PHẢN TRUNG ĐẠO
Vũ trụ và con người luôn thay đổi nhưng định luật khoa học không thay đổi và còn người luôn mong cuộc sống bình an, quân bình, không bị xáo trộn và hủy diệt. Thái quá và bất cập đều tai hại. Nóng quá và lạnh quá đều làm cho muôn vật khốn đốn. Nghèo đói sinh ra trộm cướp: "Bần cùng sinh đạo tặc", "no nên Bụt, đói nên ma". Sống trong tù đày, nhất là nhà tù cộng sản, con người sinh ra nhiều thèm muốn: thèm tự do, thèm thịt cá, thèm muối, thèm đường, thèm bát cơm, thèm củ sắn. Tục ngữ có câu "L... tù, cu lính" là nói về sự ẩn ức, dồn nén trong hoàn cảnh thiếu thốn.
Đức Phật đã cho biết rằng nếu thái quá thì sẽ đưa đến đổ vỡ, thất bại như thí dụ cây cung và thí dụ con chim mà đức Phật đã đưa ra. Nếu nhìn vào lịch sử và cuộc sống, chúng ta sẽ thấy thái quá và bất cập đều đưa đến tại họa.
-Xã hội ngày nay phải lâm chiến tranh chết chóc, tù đầy và đói rét bởi vì các vua chúa tham sân si, chủ trư ơng làm ác. Từ Tần Thủy hoàng, Alexander đại đế, Hốt Tất Liệt, Napoléon, con người đã muốn bá chủ thiên hạ. Con người không chú trọng đạo đức. Bậc vua chúa đa số thích theo bá đạo, không hề biết kết hợp đạo đức và trí khôn ngoan, dùng sức mạnh của bạo lực, của vật chất mà bỏ quên tình nhân loại, lẽ phải. Ngoài bạo lực, họ còn dùng bao thủ đoạn thâm độc, mánh khóe dối trá, lừa đảo. Tất cả bọn bạo chúa, độc tài, tham nhũng đều là trái trung đạo.
-Con người cần sống cho bản thân và cho xã hội không nên thiên về một bên. Đề cao cá nhân mà quên bổn phận đối với xã hội, hoặc bắt hy sinh cá nhân cho đoàn thể cũng là những sai lầm. Phải điều hòa quyền lợi cá nhân và xã hội thì cá nhân và xã hội mới phát triển. Bóc lột cá nhân thì cá nhân sẽ vùng lên. Cộng sản bắt cá nhân hy sinh cho cộng sản nhưng thực chất cá nhân dân chúng và cá nhân đảng viên đều đua nhau phá hoại đất nước, cướp bóc tài sản nhân dân và tài sản quốc gia, cá nhân thao túng quốc gia, ngồi lên đầu nhân dân và tổ quốc. Đàn áp cá nhân thì tệ sùng bái cá nhân sẽ sinh ra, vua chúa, lãnh tụ kiêu căng và bọn tôi tớ xung quanh trở thành ruồi bọ.
-Con người cần tư hữu và cần tài sản quốc gia. Tài sản tư hữu là của cá nhân, tài sản quốc gia là của chung đất nước. Cả hai bổ túc nhau. Dân giàu thì nước mạnh, còn khi dân nghèo thì làm sao nước mạnh. Chủ trương quốc hữu hóa và tiêu diệt tư hữu chỉ làm cho nhân dân nghèo khổ, đất nước suy vong. Chủ trương quốc doanh là tạo cơ hội cho bọn cầm quyền ăn trộm, ăn cướp tài sản quốc gia. Tiêu diệt tư hữu thì óc tư hữu phát triển mạnh mẽ hơn bằng cách cướp bóc công khai trắng trợn để mau làm giàu.
- Nhân nghĩa, đạo đức là trung đạo, còn gian dối, bạo ngược là phản trung đạo, chỉ làm cho nhân dân khốn khổ, đất nước suy vong. Bất bình tắc minh , Không một chế độ bạo tàn nào đứng mãi. Dân chúng sẽ nổi lên tiêu diệt bạo tàn. Phải dùng người có tài đức, không chọn người theo lý lịch, theo tiền bạc hối lộ, theo phe phái, theo giai cấp. Cộng sản dùng vô sản là để tuyên truyền và lợi dụng. Chủ trương vô sản chuyên chính chỉ làm đất nước suy vong, nhân dân chán ghét, căm thù chế độ. Một ngày nào đó, biển và nước sẽ dậy sóng làm chìm thuyền.
-Cộng sản gian ác, tham dâm nhưng bề ngoài làm bộ đạo đức, chống lãng mạn, cấm yêu đương trong văn học nghệ thuật và trong đời sống nhân dân và đảng viên. Cộng sản khắc nghiệt với nhân dân nhưng sự thực chúng rất hoang dâm.Từ trước, Hồ Chí Minh cũng mèo mỡ như ai, lại ra tay giết vợ, mà lại xưng thần thánh.. Bọn Lê Duẩn, Lê Đưc Thọ, Trần Văn Trà, Phạm Văn Trà cũng thê thiếp như ai, sao lại hô hào và ca tụng đạo đức cách mạng? Ngăn cấm như cộng sản là giả dối, vi phạm nhân quyền, là khắc nghiệt, tàn bạo và phản khoa học. Càng ngăn cấm, hậu quả ngày nay là bia ôm,. cà phê ôm, nạn bán dâm phổ biến từ trong nước ra ngoại quốc.
-Quốc gia là của chung của mọi người trong nước, không phải của riêng một phe phái, một tôn giáo hay một cá nhân nào. Phải theo đạo trung hòa đoàn kết toàn dân theo tinh thần dân chủ, tự do, tinh thần từ bi, bác ái, và theo truyền thống dân tộc:
Bầu ơi thương lấy bí cùngTuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Giai cấp đấu tranh và chủ nghĩa Marx là xảo trá, tàn bạo và thái quá, chỉ phá hoại quốc gia và thế giới.
-Phải tôn trọng lao động, nhưng không thiên lệch. Lao động trí óc và lao động chân tay đều cân thiết.Cộng sản khinh miệt, đày đọa và giết hại trí thức là sai lầm, là thái quá, là thiên lệch. Đó là một quan niệm thiển cận, dối trá và phản khoa học. Tiêu diệt trí thức thì làm sao hiện đại hóa đất nước. Khinh miệt khoa bảng thì có tác dụng ngược là cộng sản ngày nay sinh ra hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ ma.
-Chủ trương hủy bỏ văn hóa cũ, tiêu diệt thượng tầng kinh tế, xã hội là điều sai lầm vì khoa học nào cũng phải xây dựng trên cơ sở cũ, không thể tiêu diệt mọi thứ mà trong đó cái cũ vẫn có những ưu điểm.
-Lenin, Stalin,Mao, Hồ, Pol Pot vì tàn bạo, tham vọng chiến thắng Mỹ, làm bá chủ hoàn cầu đã đề ra những kế hoạch kinh tế phi lý, và ngu xuẩn, đã bắt dân lao động quá sức, gây ra các cuộc chiến tranh giết hàng trăm triệu người. Như vậy chính tham sân si, không theo quy luật vũ trụ, định luật khoa học, phản lại loài người , trái với tâm lý xã hội và ý nguyện nhân dân để rồi nhân dân bị thiệt hại mà bọn độc tài cũng bị tiêu vong.
-Về cá nhân, chúng ta phải cố gắng học văn hóa, kỹ thuật, luyện tập thân thể và trau dồi đạo đức theo nền giáo dục tòan diện có đủ trí dục, đức dục và thể dục. Một nền giáo dục chỉ chú trọng tuyên truyền, ca tụng lãnh tụ, ca tụng chém giết và thù hận là một nền giáo dục khiếm khuyết và sai lầm. Cá nhân ,gia đình và xã hội có tương quan mật thiết. Cộng sản phá hoại gia đình và đạo đức truyền thống khi Hồ Chí Minh dạy thanh thiếu niên :” trung với đảng, hiếu với dân”, khiến cho thanh thiếu niên đa số trở nên vô văn hóa, sinh ra m ột xã hội dối trá, ích kỷ.
-Về đời sống vật chất, ta phải làm sao xuất nhập quân bình, tránh việc tiêu xài quá đáng và việc hà tiện quá đáng. Chúng ta cố gắng sống bình thường, an lạc, đừng để xảy ra lúc thì sung sướng quá độ, lúc thì thiếu thốn, khốn khó. Cổ nhân nói” Cư an tư nguy”, “ăn khi no lo khi đói “ là ý mong muốn không bị xáo trộn, không đi đến đói rét.
- Đời sống tình cảm của ta nên tuân theo trung đạo. Chỉ có bậc thánh mới trừ hết thất tình lục dục, còn con người nói chung ai cũng có hỉ nộ, ái, ố, ai, lạc. Thuyết Trung Dung khuyên ta giữ tình cảm ở mực độ trung dung, đừng buồn rầu thái quá hay vui mừng thái quá.[13] Hai cực đoan này có hại cho tinh thần và thể xác chúng ta. Sự tự hào quá đáng “ bách chiến bách thắng “, “đỉnh cao trí tuệ “ đưa đến sự phục tùng hèn hạ. Bọn côn đồ làm ra vẻ anh hùng hảo hán trước kẻ yếu, nhưng chúng phải quỳ lạy, nịnh hót các đại ca của chúng.
Theo Phật và đức Khổng, từ bi, nhân nghĩa mới đem lại hòa bình và phát triển cho cá nhân, quốc gia và thế giới.Tất cả đều nằm trong hai chữ "trung đạo" hay "trung dung".
[1]允執其中 Doãn chấp kỳ trung LUẬN NGỮ thiên 20, Nghiêu viết.
[2]不得中行而與之bất đắc trung hàng nhi dữ chi
Luận Ngữ thiên 13, Tử Lộ.
[3]中庸之爲德也,其至矣乎!民鮮久矣。trung dong chi
vi đức dã , kỳ chí hĩ hồ , dân tiên cửu hĩ Luận Ngữ thiên 6,Ung Dã
[4]子 程 子 曰: 不 偏 之 謂 中; 不 易 之 謂 庸; 中 者 天 下 之 正 道, 庸 者 天 下 之 定 理.
Tử Trình Tử viết: bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung; Trung giả thiên hạ chi chính đạo, dung giả thiên hạ chi định lý.(Lời n ói đầu)
[5] 中 也 者 ,天 下 之 大 本 也. 和 也 者, 天 下 之 達 道 也. 致 中 和, 天 地 位 焉, 萬 物 育 焉. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã. Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên
[6]中 庸 其 至 矣 乎! 民 鮮 能 ,久 矣 Trung Dung kỳ chí hĩ hồ! Dân tiển năng, cửu hĩ.
[7]君 子 中 庸; 小 人 反 中 庸. 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中;小 人 之 中 庸 也, 小 人 而 無 忌 憚 也. «Quân tử Trung Dung; tiểu nhân phản Trung Dung. Quân Tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi phản Trung Dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã.»(Ch.2)
[8]知 者 過 之; 愚 者 不 及 也 Trí giả quá chi; ngu giả bất cập dã.(Ch.4_)
[9]. 舜 其 大 知 也 與! 舜 好 問, 而 好 察 邇 言. 隱 惡 揚 善. 執 其 兩 端, 用 其 中 於 民. «Thuấn kỳ đại trí dã dư ! Thuấn hiếu vấn, nhi hiếu sát nhĩ ngôn. Ẩn ác dương thiện. Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân. ‘’(Ch.6)
[11]君 子 素 其 位 而 行; 不 愿 乎 其 外. 素 富 貴, 行 乎 富 貴. 素 貧 賤, 行 乎 貧 賤. 素 夷 狄, 行 乎 夷 狄. 素 患 難, 行 乎 患 難. 君 子 無 入 而 不 自 得 焉. 在 上 位, 不 陵 下; 在 下 位, 不 援 上. 正 己, 而 不 求 於 人, 則 無 怨. 上 不 怨 天, 下 不 尤 人. 故 君 子 居 易, 以 俟 命. 小 人 行 險 以 徼 辛. 子 曰: 射 有 似 乎 君 子: 失 諸 正 鵠, 反 求諸 其 身 Quân tử tố kỳ vị nhi hành; bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý, hành hồ phú quý. Tố bần tiện, hành hồ bần tiện. Tố di địch, hành hồ di địch. Tố hoạn nạn,hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên. Tại thượng vị, bất lăng hạ; tại hạ vị, bất viên thượng. Chính kỷ, nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán. Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân. Cố quân tử cư dị, dĩ sĩ mệnh. Tiểu nhân hành hiểm dĩ kiểu hãnh. Tử viết: «Xạ hữu tự hồ quân tử: thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân.’’(Ch.14)
[12].君 子 之 道, 辟 如 行 遠, 必 自 邇; 辟 如 登 高, 必 自 卑. 詩 曰: 妻 子 好 合, 如 鼓 瑟 琴; 兄 弟 既 翕 ,和 樂 且 耽; 宜 爾 室 家, 樂 爾 妻 孥. 子 曰: 父 母 其 順 矣 乎. Quân tử chi đạo, thí như hành viễn, tất tự nhĩ; thí như đăng cao, tất tự ti. Thi viết: «Thê tử hảo hợp, như cổ sắt cầm; huynh đệ ký hấp, hòa lạc thả thầm; nghi nhĩ thất gia, lạc nhĩ thê noa.» Tử viết: «Phụ mẫu kỳ thuận hĩ hồ.» (ch.15 )
[13]喜 怒 哀 樂 之 未 發 謂 之 中, 發 而 皆 中 節 謂 之 和. Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa (ch.1)
(Trich NGUYỄN THIÊN THỤ " TRUNG ĐẠO CHÁNH PHÁP" ( chưa xuất bản)
No comments:
Post a Comment