Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Thursday, December 11, 2008
MINH CHUYÊN * SỐ PHẬN CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH
MINH CHUYÊN
THỦ TỤC để làm người còn sống - “Quả bom” thời hậu chiến:
Kỳ I: Số phận bi hài của một người lính
Nhà văn Minh Chuyên.
(Dân trí) - Gần 6 tháng trời với 15 cuộc họp lớn nhỏ từ địa phương dến T.Ư, có những cuộc họp lên dến 17 thành phần tham dự. Hàng trăm biên bản đã được lập, hàng chục bản tường trình được viết và cũng ngần đó bản thông báo được các cơ quan chức năng gửi đi. Tác giả đã từng có ý định rạch bụng mình để minh chứng sự thật.
Nhân vật trong tác phẩm đã hơn một lần hoảng loạn tính đến việc quyên sinh khiến tác giả phải quỳ xuống xin nhân vật đừng làm điều nông nổi. Biên tập viên gửi thư cho tác giả rằng nếu có mệnh hệ gì cũng không ân hận “vì chúng ta đã đứng ra bảo vệ danh dự cho một con người, nhất là khi đó lại là một người lính”. Tổng Biên tập nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Phu nhân của một vị lãnh đạo cao cấp sau khi xem bài báo đã nói với chồng rằng ông là người lãnh đạo cao cấp của đất nước, sao để xảy ra vụ việc này. Và hơn cả, là hàng ngàn bài viết, thư, điện thoại gửi về Tòa soạn, cho tác gỉa biểu lộ sự đồng tình. Đó là số phận của bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” của nhà văn Minh Chuyên in trên báo Văn nghệ số 19 - tháng 5/1988.
Sau đổi mới (1986), nhiều tác phẩm “nảy lửa” xuất hiện trên báo chí như: Lời khai của bị can – Trần Huy Quang, Người đàn bà quỳ – Nguyễn Văn Ba, Tiếng hú những con tàu – Nguyễn Thị Vân Anh, Con đường có máu chảy – Trần Quang Quý, Tiếng đất của Hoàng Hữu Các... Trong số đó “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc và “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên là 2 trong số những tác phẩm xuất sắc nhất, tạo một “cơn địa chấn bàng hoàng” trong đời sống xã hội. Điều ngạc nhiên là cả hai bút ký này đều mang cái âm hưởng của văn học hiện thực Việt Nam mà hai bậc thầy là Ngô Tất Tố và Nam Cao. Nếu trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì” phảng phất cái không khí âm âm, u u của “Tắt đèn” với tiếng trống thúc thuế, thu sưu thì trong “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên lại phảng phất, lại ám ảnh cái không khí của buổi Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến. Có khác chăng ở chỗ Chí Phèo là gã du thủ, du thực, “con ác thú” của làng Vũ Đại, gã nông dân bị lưu manh hoá đến nhà cụ Bá để đòi “làm người lương thiện” thì anh lính nông dân bị lạc đơn vị, bị báo tử oan Trần Quyết Định đội đơn 10 năm đến rất nhiều cơ quan công quyền để đòi một điều đơn giản hơn nhiều là thủ tục để được làm... người còn sống, một nông dân xã viên hợp tác xã bình thường. Cái bút ký “như một quả bom” này đã gây cho Minh Chuyên nhiều khốn đốn nhưng nó đã đặt nền tảng cho một nhà văn viết bút ký giàu tiềm năng, dốc lòng cho một lý tưởng dùng ngòi bút để bảo vệ những thân phận thấp hèn, đấu tranh cho công bằng và khắc họa những số phận bi thương của người lính sau chiến tranh.
Đây không phải là một vụ án bởi chưa có ai là bị can, cũng chẳng có phiên tòa được mở. Thế nhưng cả nhân vật và tác giả đã từng bị các cơ quan chính sách khép vào những tội hết sức tày đình, khiến cả hai đã không dưới một lần có ý định quyên sinh. Câu chuyện được ghi lại theo lời kể của Nhà văn Minh Chuyên như minh chứng cho một chặng đường đổi mới của báo chí Việt Nam.
Vào một ngày cuối năm 1987, anh thương binh Đoàn Duyến gặp Minh Chuyên, bảo:
- Mày là thằng lính, toàn đi viết văn, viết báo ở đâu đâu. Thằng Định người xã mình oan khuất đã 10 năm nay sao không viết mà kêu cho nó. Mày “trơn lông, mượt da” quên hết những thằng đồng đội rồi sao?
Minh Chuyên về quê, đến nhà Trần Quyết Định tìm hiểu sự việc. Nội dung câu chuyện tóm lược như sau:
Trần Quyết Định sinh năm 1958 tại làng Nguyệt Lãng, Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1977 nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới Campuchia. Ngày 29/12/1978, gia đình nhận được giấy báo tử “đã anh dũng hi sinh tại biên giới Tây Nam” do Chính uỷ Lê Minh Châu ký. Thế nhưng hơn 9 tháng sau, vào ngày 31/12/1979, Trần Quyết Định khoác ba lô lù lù trở về. Nguyên nhân sự nhầm lẫn này là do trong một trận đánh tại cao điểm 62 ở Tân Biên (Tây Ninh), Định bị thương nặng, được điều chuyển qua nhiều Quân Y viện chữa trị và khi khỏi bệnh, ra viện thì đơn vị đã sang chiến đấu bên chiến trường nước bạn. Thực ra, chuyện nhầm lẫn như vậy không phải là chuyện lạ trong chiến tranh. Thế nhưng một người lính thất lạc đơn vị, từ cõi chết trở về bằng xương bằng thịt đã vấp phải sự quan liêu của cả một hệ thống cơ quan chính sách nên mười năm trời đằng đẵng hết vào Nam, ra Bắc, hết lên tỉnh, xuống huyện, lên đến tận Thủ đô chỉ để làm một việc đơn giản hãy cho tôi “thủ tục để làm người còn sống” mà không được.
Đã 10 năm nay, Trần Quyết Định sống trong sự nghi kị về những “khuất tất” của bản lý lịch. Có người còn nói thẳng, hay là anh đào ngũ. Những điều ong, tiếng ve đã khiến Định day dứt, đau khổ. Anh đã nhiều lần vào tận miền Nam để tìm nhưng đơn vị liên tục thay đổi địa điểm đóng quân. Ngày đó, việc đi lại rất khó khăn. Đã có lần Định tìm đến nghĩa trang 1Đ, xã Thạch Biên (Tân Biên). Anh rùng mình khi thấy ngôi mộ số 2, hàng 5 tấm bia ghi rõ: Trần Quyết Định... Hi sinh ngày... Quê quán Nguyệt Lãng, Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình. Một cảm giác lành lạnh sống lưng. Định quỳ xuống khấn: “Người bạn vô danh dưới mộ ơi! Nấm mồ này lẽ ra người ta đã chôn cất tôi. Nhưng ở đời còn có sự rủi may, nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn rủi ro đã làm bao nhiêu người phải vất vả, oan ức, khổ đau. Bố mẹ gia đình bạn biết ở đâu mà tìm, dù chỉ là tìm đúng nắm xương của con mình đem về an táng nơi quê cha đất tổ...
Còn tôi, may mà cũng chẳng may. Hẳn như phải nằm yên dưới nơi lạnh lẽo bạn nằm, chắc bố mẹ, anh em và cả tôi nữa chẳng phải long đong, lặn lội hết nơi này đến nơi khác... Hỡi người bạn vô danh, bạn sống khôn, chết thiêng hãy phù hộ cho tôi tránh được mọi rủi ro, phiền toái trong việc làm thủ tục để được nhận là một người còn sống”. Xúc động trước số phận của người đồng đội, Minh Chuyên đề xuất với Toà soạn báo Thái Bình (nơi anh công tác) cho anh theo đuổi vụ việc này với hai lý do. Một là trực tiếp đi làm thủ tục để giải toả tâm lý, đòi lại quyền lợi chính đáng cho Trần Quyết Định. Hai là được tận mắt chứng kiến để lấy tư liệu cho bài viết. Rất may cho Minh Chuyên, Tổng Biên tập báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh đã sốt sắng ủng hộ.
Lần đầu tiên đến nhà Trần Quyết Định, Minh Chuyên không khỏi giật mình. Nhà Định gieo neo quá. Hai bố mẹ già, ba đứa con dại, một người vợ ốm yếu và một người chồng bệnh tật. Người lính trở về vốn đã khó khăn huống hồ Định lại là người lính ốm đau, tật bệnh trở về không chế độ, không cả ruộng vườn. Đó là chưa kể tiền nong tích cóp được bao nhiêu đổ cả vào thuốc men và những chuyến vào Nam, ra Bắc để làm thủ tục. Ông Vọng (bố Định) giọng thều thào nói với Minh Chuyên:
- Anh cố gắng giúp em nó với. Khổ nó quá! Sống sót về được mà như người đào ngũ. Anh làm cán bộ nhà báo ở tỉnh, may ra nói họ nghe. Hồi này tôi yếu lắm rồi, đi xa không được nữa. Trăm sự nhờ anh.
“Tôi cầm tập hồ sơ của Trần Quyết Định gồm 18 thứ giấy tờ với 24 chữ ký và 24 dấu đỏ - Minh Chuyên kể - Riêng hai tờ đơn xin làm thủ tục phục viên và giám định thương tật có tới năm, sáu cơ quan chính sách, chính quyền giới thiệu lòng vòng, nơi này kiến nghị nơi kia xem xét, nơi kia lại đề nghị nơi này xem xét, giải quyết. Nghĩa là hết kính chuyển lại... kính chuyển. Chủ tịch xã Minh Khai ghi: “Đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết...”. Trưởng phòng TB&XH huyện đề: “Chuyển Sở TB&XH nghiên cứu, giúp đỡ...”. Sở TB&XH kiến nghị: “Chuyển Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đề nghị các đồng chí tạo điều kiện thuận lợi để anh Định được làm thủ tục của một quân nhân trở về”. Huyện đội Vũ Thư ghi cạnh đơn: “Đề nghị các cơ quan thẩm quyền giúp đỡ”.
Tôi mang toàn bộ giấy tờ đã có, đi lại từ đầu như Định đã đi và ở đâu, tôi cũng gặp một thái độ vô trách nhiệm đến vô cảm của các cơ quan chính sách trước thiệt thòi, mất mát của người lính Trần Quyết Định. Người tôi gặp đầu tiên là đại uý Tính, cán bộ Ban Tổ chức động viên. Anh Tính hẹn tháng sau lên giải quyết. Tháng sau, thay bằng câu hỏi han là các lời cật vấn: Quyết định phục viên đâu? Tại sao đơn vị không giải quyết? Báo tử rồi sao lại báo thương?... Và cuối cùng là một lời hẹn tuần sau. Thay lời cật vấn, lần này là cuộc “khám xét” các vết thương.
Trong bài bút ký, Minh Chuyên viết: “Định vén quần lên, một chiếc sẹo màu xám, hình mắt trâu, lồi lên ở lõm trước đùi trái. Anh nghiêng đầu, đưa hai tay rẽ tóc, trên đỉnh đầu hiện ra một vết sẹo như múi quýt, màu hồng nhạt, hơi lõm, nhẵn thín. Sờ nắn, xem xét xong, đại uý Tính giở giấy tờ ra đối chiếu. Thấy đầu anh gật gật, chúng tôi mừng quá. Rồi đại uý Tính bảo:
- Trường hợp của đồng chí, phải có quyết định phục viên thì mới giải quyết được. Nhưng chờ lâu đấy”.
- Vâng ạ.
Ra về, Định bảo tôi “Dù phải chờ cũng tốt rồi. Sớm muộn năm nay cũng được quyết định phục viên. Còn thương tật, giám định được hay không, em không băn khoăn nhiều. Có được quyết định phục viên nghĩa là đã được xác nhận là người còn sống, đã hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường. Một nhiệm vụ mà thực sự em đã đổ máu, cống hiến”.
Đầu quý hai năm 1987, tôi và Định lại lên tỉnh đội theo lời hẹn tháng trước, lần này hy vọng sẽ được giải quyết. Nhưng sau khi đặt tập hồ sơ lên bàn, đại uý Tính nói ngay:
- Trường hợp của Định không giải quyết ở tỉnh được. Tôi xin ý kiến cấp trên, các đồng chí đề nghị giới thiệu lên Cục Tổ chức động viên của Bộ Tổng tham mưu.
Thất vọng, Định run run nói:
- Tháng trước anh bảo sang đầu quý sẽ giải quyết. Hoàn cảnh gia đình và sức khoẻ của em không có điều kiện đi xa được nữa. Xin các anh chiếu cố giúp em ở dưới này.
- Nhưng tôi chỉ là người thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo ban chúng tôi đã quyết định chuyển đi rồi.
Đại uý Tính rút tờ giấy giới thiệu của Ban Tổ chức động viên gửi Bộ Tổng tham mưu đưa cho anh Định và tôi. Thì ra các anh đã viết và ký giấy sẵn rồi. Giấy ghi “Đồng chí Định bị thương tháng 6/1978, điều trị tại Viện Quân y. Khi ra viện, đơn vị di chuyển không tìm thấy, đã có giấy bảo tử về địa phương. Đề nghị Cục cho hướng giải quyết”. Dòng cuối cùng ghi chú thêm “Liên hệ số nhà 3 - Ông Ích Khiêm- Hà Nội”.
Thấy nét mặt chúng tôi thoáng buồn, anh Tính động viên:
- Chỉ cần trên ấy họ ghi mấy chữ: Chuyển Bộ Chỉ huy tỉnh Quân sự Thái Bình, hoặc uỷ quyền giải quyết là chúng tôi làm ngay.
Bùi Hoàng Tám
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment