Thursday, December 11, 2008

NHỮNG NHÀ VĂN TRẺ VIỆT NAM



Văn học trẻ Tây Nguyên - Những tín hiệu mới
Gửi ngày 14 tháng 1 năm 2008 lúc 12:40 am




(Thơ Trẻ) - Khái niệm “Văn học trẻ” được dùng một cách phổ biến chừng mươi năm trở lại đây- khoảng những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Có lẽ từ sau Đại hội toàn quốc những người viết văn Trẻ lần thứ 5 (1998) và lần thứ 6 (2001).


Trước thời điểm ấy người ta gọi những người trẻ tuổi viết văn làm thơ với một bút pháp mới, với cách đặt vấn đề mạnh dạn, mới mẻ (như Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Quang Thiều… Và tiếp theo là lớp trẻ hơn một tí với những Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, Phan Hồn Nhiên v.v…) là văn học thời kỳ đổi mới, chứ chưa thịnh hành cụm từ “Văn học trẻ”. Chỉ đến khi một loạt các cây bút sinh vào những năm 70, và đặc biệt là những năm 80 (mà ngày nay ta quen nghe gọi là thế hệ 8X, thế hệ a còng) của thế kỷ XX xuất hiện rầm rộ với đủ dạng phong cách, trường phái thì cụm từ “Văn học trẻ” được nói đến thường xuyên.





Đến nay trong công luận cũng chưa được thống nhất lắm về khái niệm “trẻ”. Có người quan niệm “trẻ” là những người mới bắt đầu viết, có người cho rằng “trẻ” là ở phong cách viết mới với thi pháp mới… Nhưng đa số thiên về “trẻ” là trẻ tuổi đời. Và, nếu lấy theo tiêu chí chọn Đại biểu tham dự Đại hội những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 7 vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam, nghĩa là từ khoảng 40 tuổi trở xuống, thì khu vực Tây Nguyên hiện nay cũng có những cây bút trẻ đang gây được sự chú ý và kỳ vọng trong đông đảo bạn đọc. Có thể điểm qua một số gương mặt mà số lượng và chất lượng tác phẩm đã được định hình là một tác giả đĩnh đạc trước mắt công chúng theo từng tỉnh như sau.



Ở Đắk Lắk có một lực lượng viết trẻ “hùng hậu” hơn cả đối với khu vực.

Một Nguyên Hương tài năng vẫn lặng lẽ, bền bĩ, đều đặn cho ra đời những trang sách văn xuôi đầy trăn trở, đẹp buồn như những khúc đoản thi. Nguyên Hương đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng và là tác giả của khoảng trên 10 đầu sách đều được bạn đọc yêu thích đón nhận. Một Lê Vĩnh Tài vạm vỡ tài thơ, mà nói theo kiểu nhà thơ Văn Công Hùng trong một bài viết chân dung về Lê Vĩnh Tài, là có một nội lực mạnh mẽ, luôn phát tiết trong những cơn “điên thơ”, “lên đồng thơ”! Lê Vĩnh Tài viết nhiều và đều, đã in 6 tập thơ đầy đặn. Một Khôi Nguyên sắc sảo, rậm rạp xù xì như đại ngàn Tây Nguyên với chồng bản thảo dày cộp của hàng trăm truyện ngắn và tác phẩm dài hơi 4 tập, mặc dù mới “khiêm tốn” in được mỗi một đầu sách.

Một Niê Thanh Mai dân tộc Ê-đê với 2 tập truyện, tung tẩy mà sắc sảo, đang thời kỳ sung mãn, hứa hẹn một mùa bội thu truyện ngắựn truyện dài. Một Đinh Thị Như Thúy, tác giả của 2 tập thơ chững chạc, trầm lắng trong thi cảm và sâu sắc tư duy, là niềm tin yêu và hy vọng của thi đàn. Một H’trem Knul người dân tộc Ê-đê còn rất trẻ, xuật hiện như một… “hiện tượng” ! Mặc dù thơ của H’trem Knul mới ở lúc ban đầu, hãy còn… “hồn nhiên chủ nghĩa”(!) nhưng hứa hẹn sẽ là một bổ sung ở tương lai cho đội ngũ viết nữ, trẻ và đặc biệt là dân tộc thiểu số vốn dĩ rất ít người có khả năng tham gia công việc sáng tác văn học ở Tây Nguyên.



Ở Gia Lai cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Một Hoàng Thanh Hương dân tộc Mường xốc xáo, tự tin, luôn có ý thức học hỏi, trăn trở phấn đấu vượt qua chính mình trên cả hai lĩnh vực thơ và văn xuôi, mặc dầu mới chỉ in được 1 tập thơ khiêm tốn. Một Ngô Thị Thanh Vân qua tập thơ đầu tay rất nhỏ nhẻ lặng thầm nhưng bút lực, tiềm năng đang biểu hiện sự dồi dào cảm xúc và ý tưởng sáng tạo. Một Nguyễn Quảng Hà có nhiều cách tân, đổi mới trong bút pháp, trong lập ý lập ngôn được biểu thị ở tập thơ đầu tay vừa được xuất bản. Một Trương Lệ Hằng, một Vũ Thu Huế còn nhiều tìm tòi trăn trở để khẳng định mình của một ngòi bút trẻ…



Ở Kon Tum so với hai tỉnh bạn trong cùng khu vực thì lực lượng viết trẻ có phần… “khiêm tốn” hơn.




Đây là một “vấn nạn” đáng quan tâm cho phong trào sáng tác văn học của địa phương. Các cây bút trẻ ở đây vừa thiếu lại vừa yếu. Có thể kể một Hoàng Việt mặc dù viết không nhiều nhưng đang tạo được niềm tin cho người đọc với những sáng tác ngày càng đều đặn hơn và khởi sắc hơn với tập thơ đầu sắp xuất bản. Một Đặng Minh Sáng vừa xuất hiện đã đoạt ngay mấy giải thưởng ở địa phương và ở những cuộc thi truyện ngắn của các tạp chí danh giá chuyên ngành văn học ở trung uong. Đây là niềm kỳ vọng của văn xuôi trong khu vực và cả nước. Một Đinh Su Giang người dân tộc Mơ-nâm đang dần dà chắc tay trong bút pháp và phong cách của nghệ thuật văn xuôi, đang cố gắng vượt qua trở ngại ngôn ngữ khi tham gia viết văn bằng tiếng phổ thông, là niềm kỳ vọng cho hàng ngũ các cây bút người dân tộc thiểu số vốn rất hiếm hoi ở khu vực này. Một Phạm Doãn Thị Mãi, một Lê Thị Hải còn tiếp tục có nhiều tìm tòi học hỏi để vươn lên…





Lượt điểm qua một số cây bút trẻ ở khu vực Tây Nguyên như trên, điều dễ nhận thấy nhất rằng đây là một tín hiệu vui. Không vui sao được khi ta thử chia bình quân, mỗi tỉnh sẽ có 4 người. Lấy đó nhân với 64 tỉnh thành (chưa kể ở các thành phố lớn còn tập trung với số lượng đông đảo hơn gấp rất nhiều lần) thì lực lượng sáng tác trẻ trong cả nước là quả thật hùng hậu. Các cây bút trẻ Tây Nguyên chúng ta hoà chung với khí thế ấy chắc chắn sẽ đưa nền văn học Việt Nam đến một thời đại mới, một diện mạo mới. Chỉ có điều đáng nói ở đây là hầu như một nửa số tên tuổi vừa nhắc đến trên kia đã là những người nằm ở độ tuổi 40 cả rồi. Số còn lại đa phần đang ở hàng 30. Trong độ tuổi 20 là chí ít! Lớp 20 đã ít, liệu lớp kế tiếp theo sẽ thế nào đây?




Với điều kiện địa lý đặc biệt của Tây Nguyên, cả xã hội nói chung, anh chị em viết trẻ nói riêng, còn gặp nhiều khó khăn, thua thiệt trong cuộc sống và cả trong sáng tác. Điều kiện để tiếp cận, giao lưu học hỏi đã ít mà những kênh thông tin thời sự văn học trong nước cũng như trên thế giới cũng ít tác động mạnh đến nơi đây để tạo nên những âm ba, dư chấn đủ độ để có thể làm tác động, bứt phá không khí sáng tác khu biệt trong vùng. Từ đó dễ tạo cho anh chị em có tâm lý viết theo dạng tuỳ hứng ngẫu nhiên, thiếu chất lửa tâm huyết và tính chuyên nghiệp.




Phải chăng đã đến lúc các Câu lạc bộ sáng tác Trẻ, các hội Văn học Nghệ thuật địa phương và nhất là các Hội nghị Đại biểu những người viết văn Trẻ toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam cần có những kế hoạch, giải pháp chiến lược hơn, hữu hiệu hơn nữa để củng cố, nuôi dưỡng và phát triển mạnh đội ngũ những nhà văn tương lai của nền văn học nước nhà này?

Tạ Văn Sỹ


===

LỜI BÌNH CỦA VẠN MỘC CƯ SĨ:
Hy vọng các văn nghệ sĩ trẻ Việt Nam có can đảm và thành thật viết về xã hội Việt Nam hiện đại.

No comments: