Sunday, December 14, 2008

ĐỖ THÔNG MINH * TỰ VẤN 5



TỰ VẤN 5:
Trọng Từ Chương,
Bằng Cấp!?
Trọng Hình Thức?

Đỗ Thông Minh




Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một người theo Nho học, nhưng cực lực bài bác lối học từ chương, khoa cử, thiếu hẳn nhiệt tình dấn thân đối với đất nước. Trong lời tựa cuốn Phan Tây Hồ Tiên Sinh Lịch Sử, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết:
"... Cái học khoa cử ở nước ta đã thành ra không khí, cha dạy con, thầy bảo trò, anh em bạn bè khuyên nhau, gần như trong đời không có việc thứ hai nữa; cho đến đất nước suy mòn, giống nòi tan tác mà sĩ phu vẫn cứ say mê trong vực ấy mà không tỉnh dậy...".



Người Việt hầu như ai cũng biết câu: "Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa" , là thi đậu rồi lấy vợ và bức tranh "Vinh Quy Bái Tổ", cảnh ngựa chàng đi trước, võng nàng đi saụ Ngày nay ,nhiều người Việt có nhà cao cửa rộng cũng hay treo bức tranh "Vinh Quy Bái Tổ", có thể chủ nhân thích vì lý do nghệ thuật, nhưng có thể cũng là để thỏa mãn ước mơ trong tiềm thức. Chúng tôi muốn nói đến tinh thần trọng từ chương từ thời Tứ Thư Ngữ Kinh, tinh thần trọng bằng cấp từ thời Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, dù nay biết rằng lối học và hành đó thiếu hẳn tinh thần khoa học, thực nghiệm, thực dụng và thực nghiệp (áp dụng vào công nghiệp).



Tinh thần từ chương, khoa cử đã ăn sâu trong tim óc người Việt, tạo ra một nhân sinh quan vừa làm vừa hưởng nhàn kiểu Nguyễn Công Trứ. Như cố gắng học để thi lấy cái bằng, rồi tìm một công việc nhàn hạ mà lương cao... không cần biết là cơ quan hay công ty nơi mình làm việc sẽ đi về đâu.
Hình thức - nội dung hay vật chất - tinh thần là những cặp lưỡng nhất thể, luôn luôn đi đôi với nhaụ Ai cũng biết nội dung và tinh thần giá trị lâu dài hơn hình thức và vật chất, nhưng hầu hết người ta vẫn bị cái bề ngoài và cụ thể cuốn hút. Giữ được thăng bằng hai mặt ấy không phải là dễ, vì thường mặt này mạnh, mặt kia sẽ yếụ
Thêm nữa, "Tốt khoe, xấu che.", đó là lẽ thường, một thứ bản năng văn hóa chung của cả loài người, người nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, nhưng nếu "Chưa đậu ông Nghè đã đe hàng tổng." thì vấn đề lại khác, vì đó là tính khoe khoang, hách dịch, muốn đem uy quyền cuả mình ra đè đầu người khác.




Từ Chương:
Năm 2007, tính theo truyền thuyết Việt Lịch là năm 4886. Sau thời lập quốc, vào năm 111 trước Công Nguyên, nước Việt đã bị nhà Hán chi phối cho tới năm 939, là khi Ngô Quyền nổi lên giành độc lập.
Dưới thời Bắc Thuộc, người Việt dù muốn dù không, bên cạnh văn minh văn hóa bản địa, cũng đã du nhập văn hóa Trung Quốc, do Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp là những người đầu tiên đem vào, một nền văn hóa phong phú và rực rỡ, nhưng thiếu tính thực dụng.
Giới trí thức Việt thời bấy giờ đã học chữ Hán và tiếng Hoa phát âm theo lối đời Đường để giao thiệp với quan lại phương Bắc. Họ học chữ rồi học Tứ Thư, Ngũ Kinh, và nhiều kinh sách khác, nói chung là của Nho Giáo và Khổng Tử, người được coi là "vạn thế sư biểu" (Thầy của vạn đời).


Tứ Thư là 4 bộ truyện, gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Ngũ Kinh là 5 bộ kinh, gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.
Đây là những pho sách quý, tinh hoa, không những của Trung Quốc mà của cả nhân loạị Tuy nhiên có khiếm khuyết lớn ở chỗ quá chú trọng về đạo đức trong việc đối nhân xử thế về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, về công, dung, ngôn, hạnh... và văn chương thi phú là khoa học nhân văn mà quên đi khoa học tự nhiên thực dụng.
Theo Thầy Triệt Học Trần Đức Giang, Trung Quốc đã có những phát kiến rực rỡ về văn minh và văn hóa như:
- Về tư tưởng: Nho Giáo, Lão Giáọ
- Về binh pháp: Tôn Tử Binh Pháp
- Về phát minh: 4 phát minh lớn là làm ra giấy, nghề in sách, kim chỉ nam, thuốc súng.
- Về thiên văn học: Trương Nghi phát minh ra máy đo sự chuyển vận của quả đất (Địa động nghi) lâu nhất trên thế giới, trước máy của Âu Châu 1.700 năm, y sĩ Hoa Đà phát minh ra thuốc mê sớm nhất thế giới, phép kế toán của Tổ Xung Chi đã tìm ra số Pi đầu tiên trên thế giới, lịch Thọ Thời đã có trước lịch Thái Dương hơn 300 năm, sách Bản Thảo Cương Mục là sách nói về dược thảo lâu đời và công phu nhất thế giới v.v...
Trung Quốc đã là cái nôi văn hóa và văn minh của nhân loại một thời, thế mà do mải mê từ chương và khoa cử, nhất là vào đời nhà Tống... mà lụn bại dần. Trong khi các nước Âu-Mỹ và Nhật Bản vươn lên, tìm đến xâu xé đất nước Trung Quốc.
Nói chung, trong suốt một thời gian dài, các dân tộc chịu ảnh hưởng Nho Giáo đã bị tụt hậu so với Âu-Mỹ. Chưa kể là ngày nay, con người bình đẳng hơn, tinh thần tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), trung quân (trung với vua)... không còn cần thiết nữạ


Trong khi người Đông Phương nặng về tình cảm, duy tâm, thì người Tây Phương thiên về duy lý và duy vật. Tây Phương suy nghĩ có luận cứ và làm việc có phương pháp, đã đưa những đất nước của họ nhanh chóng vươn lên. Họ cũng say đắm trong thế giới văn chương, nghệ thuật, nhưng không quên dấn thân trong việc khám phá thiên nhiên, ứng dụng khoa học vào đời sống.


Cũng là một quốc gia ở Đông Phương, nhưng nước Nhật nhờ đâu mà nhanh chóng thoát khỏi lạc hậu, vươn lên ngang hàng với hoặc hơn các nước Âu-Mỹ? Bác Sĩ kiêm Học Giả Nhật là Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1835-1901), nhà tư tưởng canh tân lừng danh, được coi là Voltaire (nhà cách mạng tư tưởng Pháp) của Nhật, người đã mở đại học tư Keio Gijuku đầu tiên ở Nhật cho rằng: "Nền giáo dục Nho Giáo ở Đông Phương, về hữu hình không để ý tới việc bồi dưỡng lối suy nghĩ khoa học và về vô hình không chú trọng đến tinh thần độc lập của mỗi cá nhân.".


Biết rõ được sự yếu kếm của mình trước Âu-Mỹ, ông đã cố gắng tìm con đường đi lên, trong sách Văn Minh Luận Khái Lược, ông đã viết:
"Để bảo vệ độc lập (Nhật Bản), không còn cách nào ngoài con đường tiến đến văn minh. Lý do duy nhất để người dân nước ta tiến đến văn minh là để bảo vệ độc lập quốc gia.".
Ông định nghĩa tinh thần độc lập ấy như sau:
- Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không nhờ người khác.
- Biết phân biệt sự vật phải trái một cách đứng đắn mà không ỷ lại vào trí khôn của người khác.
- Biết tự mình dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy vào sức người khác.


Theo ông, cách giữ nước hay nhất là:
"Làm cho đất nước tràn đầy không khí tự do độc lập, không phân biệt sang hèn, trên dưới, mỗi người gánh vác trách nhiệm quốc gia, người tài kẻ ngu, người sáng kẻ mù, nhất nhất phải ráng sức gánh vác bổn phận của người dân nước đó.".


Những vị trí thức Việt từng đi Pháp, Âu Chảu về, có tư tưởng canh tân như Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), Phạm Phú Thứ (1820-1883), Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895)... cũng đã từng trình biết bao bản điều trần lên triều đình nhà Nguyễn kêu gọi cải cách nhưng bị khước từ, trù dập. Vậy thì không phải không có người Việt nhìn ra vấn đề và lên tiếng, nhưng quán tính văn hóa, đã làm cho những người trí thức khác và quần chúng thường ngại cái gì mới lạ, đâm ra lưỡng lự không dám mạnh dạn làm theo.



Cho đến thập niên 40, 50 của thế kỷ 20, khi vừa thoát khỏi phong kiến lạc hậu thì Trung Quốc từ năm 1949 đến cuối thập niên 70 và Việt Nam từ năm 1954 đến năm 85 lại rơi vào vòng quá khích, phi hiện thực của chủ nghĩa Cộng Sản. Trường hợp Việt Nam, các người lãnh đạo còn máy móc và độc đoán áp dụng mô hình Liên Xô, rồi Trung Quốc như cơ chế nhà nước, đấu tranh giai cấp... khiến người dân không còn đường sống. Tới khi hoàn toàn bế tắc rồi họ mới thức tỉnh giấc mê sảng và bắt đầu dò dẫm đưa đất nước đi lên theo con đường Dân Chủ - Tư Bản mà họ đã từng sống chết đả phá kịch liệt. Do đó, tại Trung Quốc và Việt Nam... chủ nghĩa Cộng Sản nay chỉ còn cái vỏ, đảng viên và cán bộ nhà nước lo làm giàu bằng mọi giá, còn nhanh hơn cả Tư Bản.
Việt Nam sống bên cạnh nước Trung Quốc khổng lồ vượt trội về nhiều mặt, để tồn tại và thăng tiến, suốt chiều dài lịch sử, người Việt có hai thái độ trái nghịch, tiếp thu hầu như trọn vẹn về văn hóa, nhưng kháng chiến đến cùng để bảo toàn lãnh thổ. Cho đến tận hôm nay, hầu hết người Việt, giới trí thức thì thường viện dẫn sách Tàu, giới bình dân thì vẫn mê truyện Tàu, phim Tàu...


Sự lệ thuộc quá sâu đậm của Việt Nam với Trung Quốc về văn hóa đã giúp bồi đắp văn hóa Việt, nhưng đồng thời cũng kéo theo những hệ lụy về cách học hỏi, cách suy nghĩ. Tinh thần của người Việt nói chung là sùng bái anh hùng, nhân sĩ, rồi khiêm tốn đến độ tự ty và thiếu tự tin, không dám vượt ra ngoài những gì được coi là khuôn vàng thước ngọc. Vẫn biết "Không thầy đố mầy làm nên.", nhưng nếu lúc nào cũng "Nhất tự vi sự, bán tự vi sự", không dám suy nghĩ độc lập, không dám mạo hiểm, khám phá thì sẽ không thể nào tiến bộ được.


Thêm một điều tốt, nhưng cũng có cái tệ hại riêng của nó, đó là người Việt vốn tính dễ dãi, suy nghĩ đơn giản, nên lỏng lẻo trong làm việc và dễ dàng bằng lòng với những thành quả khiêm nhường, những sản phẩm kém cỏi, kiểu "Có là vui rồi.". Ông Minagawa, một chuyên gia của Bộ Ngoại Giao Nhật với khoảng 40 năm kinh nghiệm về Việt Nam cho rằng người Nhật theo chủ nghĩa toàn bích nên làm được những sản phẩm tốt, nhưng đôi khi dẫn đến bế tắc và tự tử, còn người Việt theo chủ nghĩa 60%, có nghĩa là thỏa mãn với những gì đạt được trên trung bình và thường dừng lại ở đó, không tiến thêm nữạ


Tóm lại, con đường đi lên của dân tộc Việt là chúng ta không bỏ, cũng như không thể bỏ văn hóa Đông Phương, nhưng không nên tự khép kín mãi trong đó, mà phải biết hấp thu cái tinh túy của văn hóa Tây Phương và sáng tạo thêm để làm giàu cho văn hóa Việt.


Khoa Cử:
Sau đó Việt Nam còn du nhập cả lối khoa cử, học cho thuộc lầu kinh sách, học mà không vấn, không suy, chỉ biết lý lẽ mà không áp dụng thực tế. Học để khi làm bài thi đối ứng cho trôi chảy và minh họa cho hay, làm thơ phú cho hay, đi thi cầu cho đậu để được bổ làm quan. Như vậy kể như một đời vinh hưởng bổng lộc, danh vọng, không những cho cá nhân mà còn cho cả gia đình. Nhưng Nhật Bản dù đã du nhập chữ Hán qua ngả Triều Tiên vào thế kỷ thứ 5, sau đó khoảng thế kỷ thứ 7 mới trực tiếp giao dịch với Trung Quốc, họ cũng đã tiếp thu rất nhiều tinh hoa trong văn hóa Trung Quốc như Nho Giáo, Thiền, tranh thủ ấn họa, trà đạo, thư đào, cây kiểngtrong chậu (bonsai), võ thuật..., nhưng hầu như không du nhập chế độ khoa cử, mà chọn theo khả năng ứng xử, điều hành việc nước.


Dùng khoa cử để chọn nhân tài thì xưa nay đều như vậy, nhưng tính phiến diện của từ chương xưa vốn coi trong trật tự xã hội, quan hệ quân-thần... nên khó chọn được người có tài kinh bang tế thế hay người có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thể nhanh chóng nâng cao mức sống của người dân.

Nếu thời xưa thi đậu thì ra làm quan, càng đậu cao càng làm quan to, vinh hiển, phú quý biết baọ Còn thời nay, hình thức thi cử và việc tiến thân tuy có khác, nhưng học cao, đậu cao cũng vẫn là có một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống ở một nấc thang cao trong xã hội. Nên học kiểu máy móc, học tủ, nhồi nhét để rồi quên...
Tinh thần quá chuộng khoa cử ấy lâu dần thành nếp. Thường cứ 3 năm triều đình lại mở khoa thi, có người đậu ngay, có người lận đận thi cả chục khoa không đậu, vẫn chi miệt mài kinh sách không lo làm gì khác, đến lúc già rồi mà vẫn còn lều chõng đi thi để mong làm quan, không chức lớn thì cũng chức nhỏ.


Tinh thần khoa cử ấy kéo dài cả 2.000 năm. Chỉ cho tới đầu thế kỷ thứ 20 thời nhà Nguyễn, khi Pháp đô hộ Việt Nam thì mới có dấu hiệu thay đổi. Nhiều Nho sĩ Việt bắt đầu ý thức về vận mệnh đất nước nên đi thi để có vị thế, có cơ hội tiếp sức với các Nho sĩ khác, và nhất là có tiếng nói mạnh với quần chúng... nhưng họ chỉ làm quan một thời gian rất ngắn như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh..., hay hoàn toàn không ra làm quan như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Võ Bá Hạp... Các Nho sĩ ấy bắt đầu mạnh dạn từ bỏ danh vọng, bổng lộc riêng tư, chọn con đường dấn thân gian khổ, đứng về phía người dân để cùng tranh đấu giành độc lập và phát triển đất nước.


Các cụ là những nhà trí thức, đồng thời là những nhà cách mạng rất đáng kính của dân tộc. Nhưng thời của các cụ, nhất là giai đoạn đầu, hầu hết vẫn còn lặn ngụp trong thế giới từ chương, thuộc làu kinh sách. Cụ Phan Bội Châu đã nhìều lần bầy tỏ nỗi đau buồn về vấn nạn dân trí thấp kém, nhưng chính cụ cũng phải tự phán đại ý rằng "Năm tôi 38 tuổi mà không biết 9x9 = 81 là gì." (cụ không biết phép nhân cửu chương), nói chi tới những môn khoa học khác.


Người Việt nổi tiếng chăm học và tỷ lệ thành đạt về học vấn khá caọ Ngày nay có gia đình tới 3, 4, thậm chí 5, 6 người làm Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Cao Học (Thạc Sĩ) hay Kỹ Sư... Phải công nhận đó là những gia đình có cha mẹ tốt, biết hy sinh và giáo dục con cáị Các con cũng thông minh hơn người mới học thành tài ở những ngành khó khăn và tốn kém như vậy. Nhưng mặt khác, nhìn từ khía cạnh xã hội, dường như một số trong đó thiếu lý tưởng phục vụ, với họ thì công phu học hành cần phải được đền bù bằng việc kiếm tiền, không còn biết gì khác. Hầu như số người đó chỉ tìm một công việc tương đối nhàn hạ không phải lao động chân tay và nhất là lương caọ Một việc có tính cách dịch vụ hơn là nghiên cứu, khám phá, thiếu hẳn sáng kiến, mạo hiểm, dấn thân... Vì vậy, ngay cả bắt việc chước cũng không mấy khi bằng người chứ đừng nói tới hơn người.


Chúng tôi có dịp gặp và trao đổi với một vị Bác Sĩ ở Úc, vị ấy công nhận là từ khi ra trường tới giờ khoảng 40 năm trời, chỉ chăm đi làm kiếm tiền mà không chú tâm nghiên cứu, học hỏi thêm. Có lẽ rất nhiều trí thức Việt cũng ở trong tình trạng đó.
Bên cạnh việc thờ phượng các anh hùng dân tộc qua công lao giữ nước hay các thần linh, người Việt thường lấy từ chương làm nền tảng đo lường sự hiểu biết, rất trân trọng với những người khoa bảng nên đã lập bia tưởng niệm các Tiến Sĩ... nhưng không chú trọng đề cao các nhà khoa học, thực nghiệp, thương mại.

Ông Akio Morita (Thịnh Điền Chiêu Phu, 1921-1999), Tổng Giám Đốc công ty đồ điện tử lừng danh Sony, từng viết chung với Dân Biểu, sau là Đô Trưởng 3 nhiệm kỳ, Shintaro Ishihara (Thạch Nguyên Thận Thái Lang, 1932-) cuốn sách gây chấn động thế giới "The Japan That Can Say No" (Nhật Bản Nói Không (với Hoa Kỳ)) vào năm 1989. Ông Akio Morita là một số trong số những người mạnh mẽ chủ trương đả phá quan niệm coi trọng bằng cấp, ông đã viết nguyên một cuốn sách mang tên "Học Lịch Vô Dụng Luận" (学歴無用論) vào năm 1987 để nói rõ về vấn đề nàỵ Ông là người sáng lập công ty Sony, người đã khởi nghiệp bằng học vấn căn bản ở nhà trường, nhưng quan trọng là lăn lộn ngoài đời và nhất là sự kiên trì và óc sáng tạo.



Ngày nay, vấn nạn này ở Việt Nam rất trầm trọng và thường được gọi là bệnh thành tích, vì có nhiều người không quen nhìn thẳng vào thực tế yếu kém, chỉ thích đọc những thống kê tốt đẹp mà quên đi sự giả dối bên trong. Rất rất nhiều học lịch của học sinh Việt đã được nâng điểm, tô hồng không đúng với thực tế, chưa kể là dù có đúng thì lối học ly thuyết cũng không giúp ích gì cho thực dụng.



Ái quốc:
Ngày nay cái học đã thay đổi rất nhiều, mở rộng ra khoa học tự nhiên thì lại rất ít người chú trọng đến khoa học nhân văn, giềng mối đạo đức bị coi nhẹ, mọi thứ như được đánh giá qua sự thành công về tài chính. Như vậy, dường như lúc nào chúng ta cũng chạy theo một hướng, thiên lệch, thiếu sự trung dung, quân bình? Nhưng nói chung, tinh thần học để có mảnh bằng như cần câu cơm, cầu an, hưởng thụ chắc là không khác xưa mấy.


Có người thắc mắc không biết tinh thần du học sinh ngày nay so với những người đi theo Phong Trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu năm 1905... thì thế nào?
Nay chúng ta không chỉ Đông Du, Tây Du mà còn "tứ phương du", có đến 3 triệu người, tuy rằng nhiều người trong số đó đã phải trả giá rất đắt nhưng đã có cơ hội ra nước ngoàị Trong khoảng 15 năm qua, chính thức cũng có thêm khoảng 35.000 du học sinh từ Việt Nam đi du học khắp nơi trên thế giới.



Thời Phong Trào Đông Du, du học sinh hầu hết là con em những người tuy rằng nghèo nhưng có lòng với đất nước. Tuổi tác thì từ 9 đến trên 20, học lực thì không rõ ràng, không đồng đều, họ được gửi đi bằng cách trốn lánh, sống cực kỳ thiếu thốn, vất vả trên đất Nhật, thậm chí có người phải đi ăn xin... với mục đích rõ ràng là cố gắng học để về giúp nước.


Ngày nay việc du học tương đối dễ dàng, hầu hết sinh viên đều nhắm tới các môn học thực dụng, nhưng không coi chuyện về giúp nước là quan tro.ng. Đa số sẽ ở lại nước ngoài vì hoàn cảnh đất nước chưa thuận tiện cho công việc cũng như vì thể chế độc tài, để rồi dần dần nhiều người lãng quên chuyện nước non, đi tìm sự sung sướng, hạnh phúc cho riêng bản thân!?


Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là tác giả bài bác việc học, mà ngược lại luôn luôn đề cao việc học, vì có học mới biết làm. Về việc học, không những học ở trường mà còn học trong sách, qua truyền thông và nhất là ở ngoài đờị Tác giả chỉ muốn nói nội dung học thiếu quân bình và thiếu mục đích vì mình song song với vì người.
Bàn về tính trọng hình thức thiếu thực dụng, giả thử nếu có vốn trong tay, người Việt làm gì?


1- Vốn tài chính.
Người Việt đã học và sao chép gần như nguyên văn lối từ chương khoa cử của Trung Quốc, nhưng không học lối kinh doanh cần cù, chịu khó và rất tính toán của ho.. Vì vậy, vốn tài chính của người Việt xưa nay yếu kém vì đất nước chậm tiến, làm ăn cá thể, ít nghĩ tới chuyện làm sao để "tiền đẻ ra thật nhiều tiền". Phong Trào Duy Tân năm 1904 đã mạnh mẽ cổ động việc làm ăn chung bằng cách thành lập nông hội, thương hội nhưng xem ra mãi cho đến nay vẫn chưa được thực thi mấy.
Nói chung, rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng hy sinh, tiếp kiệm để dành tiền lo cho con ăn học. Nhưng cũng không ít người thích bề ngoài, có đồng nào là ăn chơi đồng đó cho chắc, đối với họ, dường như con đường đầu tư học hành quá gian nan mà lại xa vời, mơ hồ.


Tài chính mà người Việt ở hải ngoại và người đi lao động gởi về cho thân nhân trong 30 năm qua là khoảng 50-60 tỷ Mỹ Kim tiền mặt. Số tiền ấy thường không đầu tư vào kỹ nghệ, mà lo xây nhà ở, lo mua sắm nên tư bản không tăng trưởng. Còn đầu tư nếu có thì thường là lo xây khu giải trí, mua máy móc về mở các dịch vu.... Nhà hàng xóm tân trang, lên cao tầng thì mình cũng ráng lo tiền để cất cao hơn, rộng hơn, tranh nhau "tiếng gáy" mà không tính tới nhu cầu, có thực sự cần dùng không, hay rồi để trống!? Một số người trong nước đang tay trắng, được thân nhân ở hải ngoại giúp tiền thì đâm ra ăn chơi, không biết vận dụng đồng tiền đó cho việc làm ăn lâu dài...
Ngay người Việt sống ở hải ngoại, trong những xã hội thực dụng, nhưng vẫn còn nhiều người ôm nặng tinh thần ganh đua, hơn nhau cái nhà đẹp, cái xe mới...



2- Vốn kiến thức.
Kiến thức khoa học của người Việt thường là thuần lý, cũng có khi được kể là rộng nhưng không sâu, nhất là không đem áp du.ng. Ngay cả trong khoa học nhân văn cũng vậy, như khi người Việt học chữ Hán, dù là lên tới trình độ cao, thường đa số vẫn ở không học nói được tiếng Hoa, vẫn dừng ở trong phạm vi văn chương, thi phú không tiến sang văn xuôi (bạch thoại), không đưa vào thực dụng.
Biết rành chữ Hán mà chỉ quanh quẩn với chữ nghĩa, câu đối... Có vốn chữ Hán quý giá mà không biết khai triển thành 3 chìa khóa quan trong:
a- Hiện tại: Giúp mở rộng giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia thuộc hệ chữ Hán như Trung Quốc,Hồng Kông , Đài Loan, Nhật Bản và cả Hàn Quốc. (70% vốn đầu tư vào Việt Nam bây giờ là từ các quốc gia thuộc hệ chữ Hán)
b- Quá khứ: Giúp khai quật di sản Hán, Nôm bị bỏ quên, vẫn nằm ngủ trong các kho sách hay rải rác trong dân gian.
c- Tương lai: Giúp phiên dịch các thuật ngữ, mở đường thăng tiến và phổ cập các thuật ngữ khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn...
Người Hoa đi đến đâu, họ học tiếng nơi đó, tuy phần đọc viết họ thường kém, nhưng nói được đủ để làm ăn buôn bán. Tới hầu hết các nhà hàng ăn cỡ trung nào của người Hoa trên thế giới cũng thấy có người nói được tiếng Việt nên người Việt vào gọi thức ăn dễ dàng, còn tiệm ăn Việt Nam thì không quan tâm chuyện nói tiếng Hoa.



Trọng nội dung hay hình thức?
Về vấn đề này, có thể tạm chia ra hai giới:
- Một số người trong giới trí thức Việt thường có quan niệm trọng tinh thần hơn vật chất, trọng nội dung hơn hình thức, cho cuộc sống đạm bạc là đủ, bàn cãi nhiều hơn là bắt tay vào việc, xa rời thực tế nên không cố công làm việc để cải thiện cuộc sống.
- Đa số người trong giới bình dân Việt thì không tìm hiểu sâu xa, dễ bị thu hút, lôi cuốn bởi những hình thức bề ngoài. Họ chậm chạp đi theo giới trí thức, nhưng nếu giới này không đưa ra điều gì mới lạ có lợi ích thực tiễn và trước mắt, thì họ lại càng cứ thế yên tâm mà đi theo lối mòn có sẵn.
Nên nói chung cả hai giới không có những bước đột phá ngoạn mục. Cùng lắm là bắt chước nửa vời, một cách hình thức những điều học được từ bên ngoài... điều đó đã ảnh hưởng lớn, làm cản trở tiến độ phát triển của quốc giạ Các trào lưu văn hóa thời thượng về ăn mặc, âm nhạc... của Âu-Mỹ dễ dàng ảnh hưởng người Việt, nhưng về lối suy nghĩ, làm việc của họ đối với người Việt thì sự ảnh hưởng vẫn còn ở mức độ rất thấp.
Người trọng hình thức thường ăn mặc mầu mè để khoe khoang, miệng lanh lợi nhưng thiếu thực chất. Thực ra ở mực độ nào đó, hình thức là cách che mắt và che dấu sự yếu kém bên trong.

- - - - -


Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời của anh Trọng Tín, một sinh viên du học Nhật Bản, luôn luôn trăn trở về tình hình đất nước, dân tộc như sau:
"... Mặc dù đã độc lập về mặt chủ quyền song họ vẫn không hề nhận thấy rằng họ vẫn là một trong những dân tộc bị nô lệ bởi tư tưởng. Cuộc xâm lăng nô dịch của người Pháp tưởng rằng đã báo hiệu cho dân tộc những tư tưởng mới, tuy nhiên cho đến nay người Việt vẫn vùng vẫy, luẩn quẩn trong cái mớ tâm lý nô lệ hàng ngàn năm ấỵ Những nét thể hiện tiêu biểu nhất là:
- Tôn sùng và chạy theo "bằng cấp", "khoa bảng", hình thức chủ nghĩa.
- Sùng bái cá nhân và tâm lý ỷ lại trông chờ phép mầu nhiệm từ "các anh hùng cái thế" dẫn đến tâm lý nô lệ, không tự lực, tự cường, không tự phấn đấu vươn lên.
- Lười biếng trong việc suy nghĩ cải tiến phương pháp và đường lối lạc hậu dẫn đến bảo thủ trong tư duy và tự đào thải các cơ hội giao tiếp để học hỏị Từ đó tính thần vấn và tự vấn yếu, vì vậy tinh thần cách mạng không được phát triển.
- Cục bộ địa phương, tinh thần đoàn kết, tinh thần cộng đồng kém do xuất phát từ hình thức làm ăn đơn giản, nhỏ, lẻ.
- Tính sáng tạo yếu do tự hài lòng với cuộc sống vật chất tầm thường
- Dân tộc Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ tụt hậu do hai điều:
 + Những người đang lãnh đạo đất nước, phần lớn là những kẻ thiếu trình độ nên thường giáo điều, gian trá và mang tư tưởng nô lệ ngoại bang.
 + Những người dân thì chưa tự vấn bản thân, vì chưa thoát khỏi tâm lý bảo thủ, cầu an, lười biếng, ỷ lại, cục bộ..."

DTM - 2006, 2007

- - - - - -

-
Chúng tôi dự trù viết loạt bài Tự Vấn gồm 10 đề tài, nay đã được 5 đề tài, sẽ tiếp tục viết và kính mong sự góp ý của tất cả quý độc giả.

TỰ VẤN 1: Người Việt Mạnh Yếu Chỗ Nào?
TỰ VẤN 2: Vai Trò Văn Hóa Trong Phát Triển Quốc Gia
TỰ VẤN 3: Tại Sao Người Việt Hay Đi Trễ? Phải Giải Quyết Ra Sao?
TỰ VẤN 4: "Kết Đoàn" Mà Không "Đoàn Kết"!?
TỰ VẤN 5: Trọng Từ Chương, Khoa Cử? Trọng Hình Thức?
Đang viết:
TỰ VẤN 6: Tinh Thần Vị Kỷ!? Ganh Đua, Ganh Tỵ!?
TỰ VẤN 7: Tính Nói Dối, Quyết Định Liều, Giữ Lời!?
TỰ VẤN 8: Tính Cẩu Tha?? Nhìn Xa, Nghĩ Sâu?
TỰ VẤN 9: Tinh Thần Tự Tôn - Tự Ty, Vọng Ngoại!?
TỰ VẤN 10: Tìm Về Dân Tộc... Con Đường Canh Tân Đất Nước.

Song song đó, chúng tôi cũng đã viết loạt bài:
1- Con Đường Dân Chủ
2- Quy Luật Đấu Tranh
3- Đấu Tranh Bạo Động Hay Bất Bạo Động
4- Cách Vật Trí Tri…
5- Tiếng Việt Mến Yêu 1
6- Tiếng Việt Mến Yêu 2
7- Tiếng Việt Mến Yêu 3…

Quý độc giả nào muốn nhận những bài trên xin cho địa chỉ e-mail, chúng tôi sẽ gửi tới. Liên lạc:
dothongminh2001@yahoo.com



No comments: