Thursday, December 11, 2008

MINH CHUYÊN * THỦ TỤC LÀM NGƯỜI ĐỂ SỐNG



MINH CHUYÊN * THỦ TỤC LÀM NGƯỜI ĐỂ SỐNG II

Cuộc ăn mày oan nghiệt
Gửi vào 20/06/2006
Chủ đề: Đất Việt
Thủ tục để làm người còn sống - “Quả bom” thời hậu chiến (kỳ 2)
Đống hồ sơ, tư liệu để chứng minh
Trần Quyết Định là người còn sống!





Để viết tác phẩm này, Minh Chuyên đã theo đuổi nhiều năm trời trong đó, gần 2 năm trời tác giả tự nguyện cùng với nhân vật đi hàng chục chuyến, đến hàng chục cơ quan vượt hàng ngàn km gặp hàng trăm nhân chứng. Chỉ riêng tiền photo tài liệu đã hàng trăm ngàn đồng (tiền năm 1988).

Có lẽ ở ta, hiếm có tác phẩm nào lại được thực hiện kỳ công như vậy và cũng hiếm có nhà báo, nhà văn nào nhập cuộc đầy dấn thân như vậy. “Nhiều lúc nản lắm nhưng vì tình đồng đội mà cố” (Minh Chuyên). Hành trình đó, đã được Minh Chuyên kể lại trong tác phẩm.



Hồ sơ của Định lại theo Minh Chuyên lên Hà Nội đến Cục Tổ chức động viên. Lên từ thứ ba, chiều thứ năm mới đúng ngày trực. Tiếp tôi hôm ấy là một đại uý chừng năm mươi tuổi, người thấp nhỏ. Sau mới biết anh tên là Bảo. Đại uý Bảo xem lướt hồ sơ rồi nói:

- Lính quân đoàn X- à? Trường hợp này chúng tôi giới thiệu đồng chí về đơn vị giải quyết nhé?

- Báo cáo anh, đơn vị ở mãi Campuchia.

- Không, đã chuyển ra ngoài Y rồi - Đại uý Bảo nói.

- Thưa anh, mấy năm trước gia đình đã đưa em Định đi tìm đơn vị ở trong Nam, mãi không thấy. Giờ lại tìm ngoài Bắc, biết ở đâu mà tìm?

Thấy anh Bảo im lặng, tôi nói tiếp:

- Các anh dưới tỉnh nói chỉ cần trên này ghi mấy chữ chuyển Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là ở dưới đó các anh ấy làm. Thực tế, nhiều trường hợp tỉnh đã giải quyết rồi mà.

Tôi dẫn chứng và nài mãi, cuối cùng, bất đắc dĩ đại uý Bảo mới hạ bút ghi sau tờ giấy giới thiệu “Chuyển Bộ Chỉ huy Quân sự Thái Bình. Trường hợp đồng chí Trần Quyết Định theo nguyên tắc thì E24 phải giải quyết. Nhưng theo nguyện vọng và tình hình cụ thể của đồng chí Định, tỉnh xem xét nếu giải quyết được thì giải quyết. Cục không làm cụ thể được”.

Trở về Thái Bình, hai, ba lần đến Ban Tổ chức động viên tỉnh đội, chúng tôi đều được trả lời “Cục ghi toàn những ý lấp lửng, không dứt khoát, chúng tôi giải quyết làm sao được?”.

Tôi lại lên Hà Nội, gặp đại uý Bảo. Anh Bảo nói:

- Thôi được, chúng tôi sẽ linh động làm một quyết định bổ sung quân số cho quân khu. Một quyết định đề nghị địa phương giải quyết chính sách cho anh Định. Tuần sau đồng chí lên nhé.

Tôi về kể lại, nhà Định mừng lắm. Nhưng khốn thay, tuần sau lên gặp, anh Bảo lại lắc đầu:

- Trường hợp của Định, chúng tôi có hướng giải quyết như lần trước nói với anh. Nhưng khi xin ý kiến, các đồng chí lãnh đạo Cục yêu cầu phải chuyển tới đồng chí Tham mưu trưởng sư 10 giải quyết. Sư 10 bây giờ đóng quân khu vực Y, đồng chí đến ga... Rẽ phải. Hỏi thăm vào... rồi đến...

Nói xong, anh Bảo trả lại tập hồ sơ kèm theo tờ công thư ký ngày 9/10/1987 gửi Tham mưu trưởng sư 10. Anh Bảo dặn thêm “Phải cố gắng tìm gặp đồng chí Tham mưu trưởng mới giải quyết được”. Nhưng xem công thư, thấy Cục chỉ đề nghị sư 10 xác minh và cho hướng giải quyết chứ không phải đề nghị giải quyết.

Lần này về, đọc tờ công thư, nhiều người nản lòng. Suốt mấy năm trời tập hồ sơ đã đi qua nhiều cửa, từ xã lên huyện, lên tỉnh lên trung ương, tới cả Cục Tổ chức động viên của Bộ Tổng tham mưu mà cửa nào cũng chỉ được ghi vào góc đơn mấy chữ quen thuộc cho hướng giải quyết, đề nghị nghiên cứu, xác minh, giúp đỡ, xem xét...

Một số người an ủi:

- Thôi, leo cây sắp đến buồng, cứ cố gắng đi một vài chuyến nữa, may ra thì...

Nhưng hoàn cảnh nhà Định không có điều kiện đi ngay được. Phải gần một tháng sau, Định mới cơm đùm, cơm gói lên đường. Bảy ngày sau, anh phờ phạc quay về. Ở khu vực đại uý Bảo hướng dẫn, có nhiều đơn vị đóng quân, Định không tìm được sư 10. Hết tiền ăn, anh phải bỏ về.

Lại gần hai tháng nữa chuẩn bị, vay mượn tiền nong. Lần này cả tôi và Định cùng ra đi. Thấy chúng tôi rậm rịch chuẩn bị lên đường, anh Đoàn Duyến thương binh hạng 3, bạn tôi rỉ tai:

- Dấn vào cho xong! Việc gì phải đi mãi cho mệt!

Tôi bảo:

- Trường hợp của anh Định bị thương là sự thật, lại đầy đủ giấy tờ...

Anh Duyến mỉm cười:

- Giấy tờ, thật giả, bây giờ người ta có quan tâm lắm đâu. Cứ có khoản kia là xong tất. Còn không á, có khi thật lại hoá giả. Mấy tay ở La Sào, đánh đấm gì đâu vẫn có sổ thương binh nghiêm. Khối tay thương binh loại hai chạy lên hạng 1. Thằng T. con ông Đ, khoẻ như trâu về hưởng chế độ mất sức. Đấy, chúng nó mạnh vì gạo, bạo vì tiền!

- Nhưng hoàn cảnh nhà Định, gạo còn chả đủ ăn, lấy đâu mà mạnh, mà bạo - Tôi nói.

- Còn hơn tàu xe vào Nam ra Bắc, tốn quá ấy chứ! Không có, phải cố mà lo. Cứ đi mãi, liệu bao giờ mới giải quyết được?

Tôi và Định vẫn quyết định đi theo hướng đã chọn, kiên nại và chịu khó, dù có phải vất vả. Vì chúng tôi vẫn tin, ở đời không phải mọi chuyện đều bi quan, tiêu cực như anh Đoàn Duyến nghĩ...

Đầu xuân năm 1988, khi đợt rét cuối mùa dai dẳng còn bứt vào da thịt, tôi và Định lại lên đường đến khu vực Y tìm sư 10. Thật không may, sư đoàn vừa chuyển vào làm kinh tế ở Tây Nguyên. Chán chường, mệt mỏi, thất vọng, hai chúng tôi cuốc bộ ra ga nhảy tàu về xuôi. Rủi ro không chỉ có thế, trong nhà chờ vừa đông, vừa tối lại nhốn nháo, loáng cái, kẻ cắp đã nẫng mất chiếc ba-lô của Định. Chăn màn, quần áo, cơm nắm, tép khô, cả tiền nong mất sạch. May mà hồ sơ, giấy tờ, chứng minh thư, Định đút túi áo trong nên vẫn còn. Thế là chúng tôi lâm vào cảnh thật khó xử: Đi thì dở, ở lấy gì mà ăn, về tiền đâu mua vé!

Mười giờ đêm, sau hồi còi dài lanh lảnh, đoàn tàu hối hả, xả hơi, từ từ, dừng lại trước sân ga. Chúng tôi nhanh chân leo lên toa số 7. Ngồi vừa ấm chỗ, một nhân viên nhà ga, người cao to, tay đeo băng đỏ, hông lắc lư xà cột đen xộc đến kiểm tra vé. Định giơ hồ sơ, giấy tờ ra trình bày, xin đi nhờ. Anh nhân viên gạt đi. Tôi trình bày lại hoàn cảnh mất cắp, anh nhân viên nắm cổ tay tôi, tay kia túm áo Định, sừng sộ kéo chúng tôi ra cửa toa. Trước hàng trăm con mắt đổ về phía mình, tôi hổ thẹn nhảy xuống ngay. Còn Định cứ bám chặt vào chấn song toa tàu. Anh thanh niên đẩy một cái. Định ngã ngửa đập đầu xuống rìa đường. Tôi lao tới đỡ anh dậy. Định nhăn mặt nén đau, lại nằm xuống.

Đêm ấy, chúng tôi đành nhịn đói ngồi ôm nhau cho đỡ rét, đợi sáng. Hôm sau, không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nhẫn nhục hành khất để lấy tiền mua vé. Trong phòng đợi tàu, tôi lân la đến bên một ông chừng năm chục tuổi, đeo kính, mặc com lê, thắt ca-la-vát đỏ, ngồi cạnh một chiếc va ly màu da đồng. Đoán ông là cán bộ dễ thông cảm, nhưng ngập ngừng mãi, tôi mới dám nói:

- Thưa bác, hai anh em cháu đi tìm đơn vị đề giải quyết chính sách. Chẳng may bị kẻ cắp lấy hết, không còn đồng nào mua vé. Xin bác thông cảm giúp chúng cháu một tý!

Ông ta nhìn tôi lạnh lùng, rồi lắc đầu:

- Không có tiền!

Đến bên một người trung niên, mặc áo măngtôsan màu sữa, đầu đội mũ phớt, đứng dựa vào bức tường nhà ga. Định run run trình bày rồi hỏi xin. Anh ta hất hàm:

- Làm mà ăn! Trông người như thế, xin không nhục à?

Một cái gì nhói trong lồng ngực, tôi vờ quay mặt đi. Định không dám nói gì thêm, lẳng lặng lùi ra. Lúc này tôi mới thấu hiểu nỗi cực nhục của những người đi ăn mày mà hàng ngày vẫn gặp. Nhưng chẳng còn cách nào khác. Đói thì cố nhịn, nhưng tiền mua vé lấy đâu ra? Lại đành phải...

Chúng tôi lững thững tới chỗ hai anh bộ đội ngồi ngoài sân ga. Lúc đầu, họ nghĩ bọn tôi là kẻ cắp vờ để chôm chỉa. Sau tin, một anh móc túi áo đưa cho Định tờ hai chục ngàn đồng. Chúng tôi cảm ơn, ra mấy chỗ người xách túi đứng sát đường ray. Người thì lắc đầu, người thì mở ví lấy cho mươi đồng. Ít nhiều cũng là quý, chúng tôi không dám nài thêm. Một bà buôn sắn bảo:

- Tí nữa tàu dừng, chuyển hộ mấy bì này lên, tôi cho tiền!

Ăn cơm nắm từ trưa hôm trước, khiêng mấy bao sắn nặng, tôi và Định bủn rủn chân tay. Định run như người sắp lên cơn sốt, mặt anh tái mét, nhợt nhạt, mắt lờ đờ, mồ hôi trán vã ra. Tôi hoảng quá, sợ anh bị choáng. Bà buôn sắn trả công một trăm rưởi. Định phải mấy lần ngửa tay nữa, chúng tôi mới gom đủ tiền mua hai cái vé tàu xuôi...

Gần nửa tháng sau, bận công tác, tôi không có dịp về thăm nhà. Bỗng một hôm nhận được tin Định đang phải cấp cứu ở bệnh viện. Lòng tôi đau nhói. Tôi nghĩ, có lẽ Định đã liều mình nên mới phải đi cấp cứu. Tôi sực nhớ hôm ở trên tàu quay về, Định gục vào vai tôi, vừa sụt sùi khóc, vừa nói: “Em chả thiết sống nữa. Hẳn như phải nằm dưới mộ ở nghĩa trang Thạch Tây, gia đình em lại được vẻ vang, anh em mình cũng chẳng đến nỗi chịu khổ nhục như thế này...”.

Đến bệnh viện, tôi mới hay không phải như mình đoán. Định bị choáng và ngất, có lẽ tại anh nghĩ ngợi và dằn vặt quá nhiều?

Ngồi đối diện với tôi bên giường bệnh, ông Vọng đặt bàn tay đen sạm dăn deo lên trán Định, ngẩng lên nói với tôi:

- Hôm nào em nó khỏi, hai anh em lại cố đi chuyến nữa, may ra tìm được ông sư trưởng...

Tôi gật đầu để ông yên tâm mà lòng cứ miên man nghĩ về những điều rủi may của Định. Từ ngày sống sót về quê, Định có ham muốn gì lớn ngoài cái nguyện vọng rất chính đáng là có những giấy tờ cần thiết để làm một người sống bình thường?

Vậy mà, đã mười năm rồi, mười năm lận đận long đong, anh vẫn chưa lo nổi cái thủ tục bình thường để được làm một người còn sống.

Bùi Hoàng Tám

Kỳ I: Số phận bi hài của một người lính

Kỳ III: “Cơn địa chấn” bàng hoàng xã hội
(Dân Trí)


No comments: