Thursday, December 11, 2008

TRUYỆN HẰNG NGÀY





Chuyện khó tin ở một vùng quê

"Quan" xã xiết nợ cả… quan tài
Cưỡng ép làm từ thiện và án phạt "chuồng tiêu"
Không nộp đủ thì xã… "cấm cửa"
"Dằn mặt" người chỉ đường, chặn tiền cứu trợ bão lụt
Thứ Năm, 04/12/2008 - 6:27 PM
Chuyện khó tin ở một vùng quê



Chị Ngô Thị Sáng, thôn Thắng Hùng (Hậu Lộc, Thanh Hoá) - một "nạn nhân" của "Quy trữ tài sản".Trong số những "tuyệt chiêu" của chính quyền địa phương để thúc dân làm xong phận sự đóng góp có bài "Quy trữ tài sản tương đương". Nghĩa là, không có tiền đóng góp thì cán bộ, công an viên đến nhà, thấy có thứ gì đáng giá khuân luôn về xã...



Hiện nay, xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) còn gần 60% hộ đói nghèo, con số này những năm trước còn cao hơn. Vậy mà gần chục năm qua, bà con nơi đây vẫn phải vẹo lưng gồng gánh những khoản đóng góp, khoán phạt lạ lùng. Ai không có tiền đóng sẽ bị chính quyền địa phương dùng "biện pháp mạnh"."Quan" xã xiết nợ cả… quan tài.


Về Hải Lộc, theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi tấp vào nhà ông Nguyễn Văn Thủy, ở thôn Lạch Trường. Trong căn nhà tuềnh toàng, ông Thủy dở khóc, dở cười kể lại chuyện bị bắt bộ ván canh vì thiếu nợ.


Năm ấy (2002), xã mở đợt cao điểm thu các khoản đóng góp của năm và tiền nợ đọng những năm trước. Chẳng biết những khoản tiền gì mà mỗi năm, nhà ông phải đóng đến mấy trăm nghìn. Cái ăn hàng ngày còn phải còng lưng tìm kiếm thì số tiền ấy, với ông, quả là quá lớn. Mấy đêm, ông trằn trọc tìm "lối thoát", bấu víu vào hy vọng: "Chưa có đóng thì gắng xin họ cho khất, khi con về thì trả nợ sau !".



Niềm hy vọng nhỏ nhoi của ông nhanh chóng bị dập tắt khi một ngày nọ chính quyền xã và thôn ập vào.Ông Thủy kể, hôm ấy, ông đi biển về, thấy bà ngồi sụt sùi, nghe bà thuật lại câu chuyện, ông thấy trời đất như chao đảo, quay cuồng. Thì ra, khi ông đi làm, xã, thôn đã cho người đến "quy trữ tài sản". Nhà chỉ có duy nhất mấy tấm ván canh, ông tậu phòng xa lo hậu sự cho mình, là đáng giá nên họ đã khuân đi.Ông bảo, khi ấy, tiếc mấy tấm ván thì ít, mà cay đắng về cách hành xử của những người được coi là "đầy tớ của dân" thì nhiều. "Khốn nạn thay cái kiếp nhà nghèo! Đến mấy tấm ván hậu sự mà cũng không giữ được thì mặt mũi đâu mà thấy mọi người!".




Hơn năm sau kể từ ngày kinh hoàng ấy, anh Nguyễn Văn Năm, con trai út của ông từ Nam ra. Thấy bố kể chuyện, anh dốc nhẵn túi lên xã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của gia đình. Lần ấy, cả nợ cũ lẫn lãi, anh nộp cho xã hơn 1 triệu đồng. Đóng xong, ngỡ là được lấy mấy tấm ván về, nào ngờ... Anh ngã ngửa khi người ta bảo, muốn lấy ván về thì phải nộp tiền lưu kho 5 nghìn đồng một ngày. Hơn một năm trời "nằm trên xã", "phí trông coi" có khi lớn hơn cả giá trị mấy tấm ván. Suy tính thiệt hơn, lại thêm cạn túi, anh đành tay không lủi thủi ra về…




Mới đây, khi một phóng viên đến tìm hiểu sự việc nhà ông Thuỷ, mấy tấm ván canh, có cái đã bị mọt, bỗng được khiêng trả lại cho chủ cũ. (Ảnh: NTNN)Đăng ảnh nồi cháo là... bôi xấu lãnh đạo thôn



Câu chuyện giữa tôi và gia đình ông Thuỷ bị cắt dở giữa chừng bởi sự xuất hiện của mấy người lạ mặt. Họ là cán bộ thôn và công an xã. Như nhiều chuyến công tác khác, tôi xuất trình đầy đủ những giấy tờ cần thiết. Tưởng thế là xong, nào ngờ họ nằng nặc mời chúng tôi ra hội trường thôn để làm việc.



Theo sự giới thiệu của ông Lê Trường Sinh - Trưởng thôn Lạch Trường thì những người đang làm việc với tôi có ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Công an xã, ông Đinh Văn Khoa - Phó Công an xã, ông Đinh Ngọc Tuyên - Bí thư Chi bộ thôn Lạch Trường, ông Nguyễn Văn Sen - Phó thôn, Công an viên thôn Lạch Trường.



Ông Lê Trường Sinh bảo, chính quyền địa phương luôn... tôn trọng báo chí và sẵn sàng để báo chí tự do tác nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của ông là tôi nên thông qua chính quyền địa phương, trước khi vào dân tìm hiểu, nắm bắt tình hình !Sau khi ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Công an xã hoàn thành thủ tục "vào sổ" giấy tờ của tôi thì ông Sinh bắt đầu vào việc. Theo ông, "quy trữ tài sản" là việc làm... cần thiết để chính quyền xử lý những hộ gia đình chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp do Nhà nước và địa phương quy định.





Cụ thể trường hợp nhà anh Năm, do chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp năm 2001-2002 nên xã đã tiến hành tạm thu mấy tấm ván trên...Rời thôn Lạch Trường, tôi vòng lại thôn Thắng Hùng, ghé thăm gia đình chị Ngô Thị Sáng, cũng nằm trong diện bị "quy trữ tài sản". Năm ấy, nhà chị nợ hơn 100 nghìn tiền đóng góp. Nhà những chục người, toàn trẻ con lít nhít nên làm chẳng đủ ăn. Do vậy, khoản nợ mấy lần xã giục nộp chị chẳng biết xoay đâu. Hôm cán bộ đến, chị đã hết lời khẩn xin, nhưng họ không nghe. Cuối cùng, thấy nhà chị có một chiếc bàn và một chiếc ghế sa lông nan, họ đã khuân đi.Lúc tôi đến, chị Sáng đang cùng các con ăn trưa. Bữa trưa là nồi cháo trắng cùng mấy con cá vụn. Cá này, dân biển mua rẻ như cho. Đang hí hoáy ghi hình bữa trưa đạm bạc ấy, không biết từ đâu, 4- 5 người mở cổng ập vào. Lại là mấy cán bộ thôn "mẫn cán" đến "nắm bắt tình hình". Thấy chị Sáng tiếp tục chia sẻ cùng tôi cuộc sống vất vả, một thanh niên cắt ngang: "Các anh ở đâu thế nhỉ? Sao thấy là lạ nhỉ?". Tôi dừng ghi, bình thản trả lời: "Tôi là nhà báo anh ạ!". Tưởng thế là xong, bởi khi sáng, ông trưởng công an xã đã kiểm tra giấy tờ của tôi rồi. Thế nhưng, một người trong đoàn lại bảo, xã chưa... báo cáo cho thôn biết.




Chị Ngô Thị Sáng, nước mắt ngắn dài nhắc lại chuyện cũ. (Ảnh: NTNN)Đang lúc đôi co thì ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Công an xã đến. Ông thừa nhận, giấy tờ của tôi là hoàn toàn hợp lệ. Nhưng một người tự xưng là trưởng thôn gay gắt: "Nếu chú mà ghi lại hình ảnh kia kìa (nồi cháo- PV) thì chú bỏ ngay đi! Tôi khẳng định nhà này là... vớ vẩn!".



Nghe ông trưởng thôn nói vậy, chị Sáng ôm mặt khóc oà. Còn nồi cháo thì mắt trước mắt sau, người ta đã đem đi đâu mất. Theo yêu cầu của mấy người lạ mặt ấy, tôi lại về hội trường của thôn Thắng Hùng để cùng họ... trao đổi công việc!Tại hội trường, ông trưởng thôn dặn tôi không được đưa hình ảnh nồi cháo của chị Sáng lên báo, vì như thế thì khác gì bôi xấu đội ngũ lãnh đạo thôn. Ông nhấn mạnh, nếu tôi "cố tình" đề cập đến vấn đề... không đẹp này, ông sẽ có ý kiến ngay !"Phép công"... ông cứ làm !




Biết có nhà báo về, mấy bô lão ở thôn Hưng Thái cứ đạp xe lên xuống kiếm tìm. Theo chân họ, tôi về thăm gia đình chị Đồng Thị Liệu, nhà ở ngay mặt con đường dẫn lên trung tâm xã. Lần tiếp xúc với dân này, chính quyền địa phương không "mời" tôi về trụ sở như hai thôn trước, mà thay đổi "chiến thuật". Hễ tôi đi đến đâu, gặp ai thì luôn có một công an viên đi kèm.




Trò chuyện với chị Liệu, chúng tôi luôn được một công an viên kè kè bên cạnh. (Ảnh: NTNN)Tiếp chuyện tôi, chị Liệu không cầm được nước mắt. Chị bảo, chị không biết chữ và cũng ít đi ra ngoài. Thế nhưng, trong thâm tâm mình, chị tin chắc một điều rằng chẳng có nơi đâu người dân lại khổ như ở đất này.


Đợt cao điểm "quy trữ tài sản" năm 2004, gia đình chị bị tạm thu một chiếc ti vi, tài sản đáng giá duy nhất lúc đó. Sáng hôm ấy, chị đang lúi húi nấu cơm còn chồng chị bế con thì "đoàn công tác" tấp vào nhà. Không thu được những khoản nợ đọng, đoàn tạm thu luôn chiếc TV. Thấy nhà bỗng dưng "mất" của, chị nước mắt như mưa. Van nài, xin xỏ nhưng vì "việc công", những "công bộc của nhân dân" ấy vẫn không hề xúc động.




Năm sau, cào cấu vay mượn được chút tiền, chồng chị lên xã xin "chuộc lại" chiếc ti vi. Thế nhưng, chẳng hiểu họ bảo quản thế nào mà đem về được nửa tháng thì tậm tịt. Tiếc của, chị lại thêm một bận ôm mặt khóc tu tu.(Còn tiếp)Theo Đào Thanh Tuy - Nông thôn ngày nayThứ Sáu, 05/12/2008 - 3:48 PM
Chuyện khó tin ở vùng quê đau khổ:
Cưỡng ép làm từ thiện và án phạt "chuồng tiêu"




Nhà bà Sánh chỉ có duy nhất chiếc tivi chưa đầy 500 nghìn. (Ảnh: NTNN)Bà Nguyễn Thị Sánh, thôn Y Vích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) vừa sống qua những ngày ác mộng. Nhà sát biển, khi nhà nước đầu tư xây kè Y Vích, bà được đền bù 13,2 triệu đồng. Vừa ra khỏi uỷ ban, cán bộ xã, thôn đã bám theo, "cấu" đi của bà... 10 triệu !Vụ "áp phe" kỳ lạ.



Hôm ấy, ngày 17/11/2008, nhận tiền xong, bà cùng cô Đỗ Thị Xuyến, nhà kế bên, vội vã ra về. Cả đời dầm mình bên chạt muối, làm thuê đủ việc, mỗi ngày chỉ kiếm chưa đầy chục nghìn thì việc có tiền triệu trong tay, với bà quả như mơ.Đang bồng bềnh với suy tính dành dụm tiền làm lại nhà mới, đến đầu đường rẽ vào xóm mình, bất ngờ mấy cán bộ xã, thôn đổ ra chặn lại.



Họ mời hai người về trụ sở thôn đóng góp cho... nhà chùa một chút. Cô Xuyến nhanh trí: "Tôi chỉ nhận tiền thay cho bố mẹ. Việc ủng hộ nhà chùa, tôi phải về xin ý kiến bố mẹ tôi đã!". Nói dứt câu, cô nhanh chân về mất. Còn lại một mình, bà chẳng biết thoái thác làm sao, đành lững thững theo họ.Về tới hội trường ngồi chưa ấm chỗ, bà tá hoả khi biết số tiền mình phải ủng hộ là 10 triệu đồng.





Bà kể, khi ấy, bởi bất ngờ nhận được số tiền quá lớn, rồi thình lình bị triệu về thôn, bà hồn xiêu phách lạc nên chẳng nghĩ được gì, người ta bảo sao thì nghe vậy, như người mộng du, mê sảng. Làm xong cái việc "tình nguyện lạ lùng" đó, bà liêu xiêu bước ra.Ra đến cổng, trấn tĩnh, bà mới giật mình nhận ra cái việc dại dột của mình. Nghĩ vậy bà lại hốt hoảng bổ vào: "Các chú ơi, các chú cũng biết hoàn cảnh của tôi rồi đấy. Tôi bị mất nhà, giờ cúng ngần ấy tiền thì tôi biết ở vào đâu. Các chú cho tôi xin lại chút ít, còn bao nhiêu tôi sẽ ủng hộ!".



Nài nỉ, xin xỏ hết lời nhưng vô dụng. Những lời nước mắt ấy, họ - những công bộc của dân bỏ ngoài tai.Ở thôn Y Vích này đâu chỉ có duy nhất trường hợp bà Sánh mà nhiều nhà khác, khi đi nhận tiền đền bù, cũng đều bị xã, thôn "đè ra", bắt ủng hộ chùa. Ai cứng thì còn giữ lại được tiền, ai yếu bóng vía, mềm lòng thì coi như mất.Như nhà ông Trịnh Văn Hùng, nhận đền bù được 2,4 triệu, chưa kịp mang về nhà thì đã bị "tước mất" 1 triệu. Hôm đó, vợ ông đi lĩnh tiền. Lúc bà về, biết chuyện ông nổi đóa: "Nếu chùa cần ủng hộ thì phải đến nhà, đằng này giữa đường giữa chợ. Mà đấy, ủng hộ thì tuỳ tâm chứ sao lại ép người ta thế !".Hãi ông "đầy tớ nhân dân" !Đang bị dân tố cáo, bị thanh tra huyện phanh phui hàng loạt những việc làm sai trái, nên khi thấy tôi đến làm việc với gia đình bà Sánh thì trưởng thôn và công an viên đã tìm đến.Cũng như những lần khác, vẫn là những câu hỏi "Các anh là ai? đến đây có việc gì?".



Vẫn "chiêu" cũ, họ bảo, tình hình an ninh trật tự ở thôn đang phức tạp, đề nghị tôi về thôn. Bị cản trở quá nhiều lần, tôi nhất quyết không về. Một người mặc quần áo công an viên hùng hổ lao vào, vừa lớn tiếng nạt nộ vừa che ống kính không cho tôi ghi hình bà Sánh. "Anh không về không được chứ! Phải về!", tay vung loạn xạ, mắt trợn trừng trừng, người công an viên ấy quát.Thấy người công an viên coi thường luật pháp, một người dân ở đó nói: "Các anh ấy có thẻ nhà báo, có giấy giới thiệu thì không phải đi đâu hết, cứ làm việc bình thường".




Người công an viên ấy quay ra xử lý "kẻ nhiều chuyện" trên: "Tao không làm việc với mày!". Không những thế, khi tống cổ được người dân dám to gan "dí mũi" vào "việc nhà quan" ra khỏi nhà bà Sánh, vị công bộc của dân ấy lại tiếp tục xả ra những lời lẽ vô cùng tục tĩu. Chứng kiến cảnh ấy, đông đảo người dân tới xem ai cũng kinh ngạc, hãi hùng.




Đang làm việc thì vị công an viên này lao vào nạt nộ. (Ảnh: NTNN)Làm việc với lãnh đạo xã, thôn, tôi được ông Dương Văn Hùng - Thường trực Đảng, cán bộ văn phòng Ủy ban xã cho biết, trường hợp của bà Sánh là do bà chưa dỡ nhà nên Ban giải phóng mặt bằng của huyện... giữ lại tiền, chờ bà dỡ xong nhà sẽ trả nốt. Ông Đinh Văn Khoa - Cán bộ tư pháp kiêm Phó Công an cũng khẳng định, số tiền 10 triệu đồng của bà Sánh do Ban giải phóng mặt bằng của huyện giữ.




Tôi đã liên hệ với ông Đào Ngọc Quỳnh - Cán bộ Phòng Nông nghiệp Nông thôn, thành viên của Ban GPMB Hải Lộc thì được biết, hôm ấy, chính ông tham gia trả tiền đền bù cho dân. Như nhiều hộ dân khác, bà Nguyễn Thị Sánh đã nhận đầy đủ số tiền là 13,2 triệu đồng. Việc xã nói Ban giải phóng mặt bằng huyện giữ lại 10 triệu của bà là hoàn toàn bịa đặt!Án phạt "chuồng tiêu""... Các thứ thuế kể chi cho xiết; Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng; Làm cho thập thất, cửu không; Làm cho đau đớn khốn cùng không thôi...". Những vần thơ ấy là của nhà yêu nước Phan Bội Châu gần trăm năm trước, nói về sự bóc lột tàn tệ của thực dân, phong kiến.



Ở Hải Lộc, mấy năm nay, chính quyền địa phương cũng tiến hành thu khoản thu kỳ quặc đó.Khoản thu này được đổi tên thành "Tạm thu vệ sinh môi trường" hay "Phạt vệ sinh nông thôn". Đối tượng bị tạm thu, bị phạt là những hộ gia đình không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn...




Nhiều người dân đã đem sổ đóng góp đến tố khổ khoản phạt... chuồng tiêu. (Ảnh: NTNN)Trở lại trường hợp của chị Ngô Thị Sáng ở thôn Thắng Hùng. Nhà có 10 khẩu nên cái khoản "tạm thu" này với gia đình chị vô cùng... nặng ký. Chị Sáng đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi đóng góp của gia đình mình. Trung bình mỗi năm, gia đình chị phải thực hiện trên 20 khoản đóng góp và số tiền phải nộp là trên 1 triệu đồng. Không có tiền để đóng cũng không gì để "quy trữ tài sản" nên xã cho gia đình chị nợ, nhưng phải chịu lãi suất 20%/năm. Số tiền nợ đọng của gia đình chị lãi mẹ đẻ lãi con, "lớn nhanh" như thổi.





Cụ thể, năm 2004, gia đình chị phải đóng góp số tiền là 624 nghìn đồng, cộng với số tiền nợ cũ đã tính lãi là 544 nghìn đồng, tổng cộng chị phải nộp 1,168 triệu đồng. Năm ấy, thiếu ăn, gia đình chị chỉ nộp được chút ít, còn đâu nợ lại. Sang đến năm 2005, số tiền gia đình phải nộp 1,044 triệu đồng, cộng với nợ năm trước và khoản lãi là gần 300 nghìn (thể hiện trong sổ), tổng cộng chị phải nộp gần 2,5 triệu đồng. Không muốn khoản nợ của mình ngày một lớn dần thêm, năm này, chị đã cố gắng vay mượn để đóng nhưng vẫn còn nợ lại 1,963 triệu đồng. Sang đến năm 2006, khoản nợ trên, cùng với các khoản đóng góp mới thì số tiền mà gia đình chị phải nộp 3,8 triệu đồng. Sang đến năm 2007, với khoản đóng góp là hơn 1 triệu đồng, cộng nợ cũ và khoản lãi là 672 nghìn đồng, gia đình chị phải gánh khoản nợ trên 5,2 triệu đồng.Quá hốt hoảng với số nợ khổng lồ, hễ kiếm được chút tiền nào là chị lại vội vàng lên xã nộp, khi thì 200 nghìn, khi thì 700 nghìn.



Năm 2008, nợ cũ cùng những khoản đóng góp mới, gia đình chị vẫn nợ đến hơn 5,5 triệu đồng.Trong số những khoản đóng góp hàng năm thì khoản phạt vệ sinh môi trường chiếm phần nhiều. Căn cứ vào cuốn sổ đóng góp của gia đình chị Sáng thì khoản tạm thu này được bắt đầu từ năm 2005, mỗi khẩu là 20 nghìn đồng, bất kể là người lớn hay đứa trẻ còn đang ẵm ngửa. Sang năm 2006, khoản thu này đã tăng lên 30 nghìn đồng/khẩu, nhà chị phải đóng 300 nghìn đồng. Năm 2007, không biết được thuyên giảm bởi lý do gì, khoản đóng góp này chỉ còn 240 nghìn đồng. Năm 2008, khoản thu này lại tăng đột biến là 440 nghìn đồng. Như vậy, chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2008, nhà chị phải nộp cả thảy 1,180 triệu đồng tiền phạt vệ sinh.Để thoát "cái án" này, gia đình chị vừa bóp mồm bóp miệng cho ra đời cái "công trình thế kỷ". Hơn triệu bạc đã đi tong ! Để có đủ số tiền ấy, vợ chồng chị đã phải lạy lục vay mượn khắp nơi.




Để thoát án phạt, chị Sáng đã phải vay mượn để làm "công trình thế kỷ" này. (Ảnh: NTNN)Không may mắn như nhà chị Sáng, nhà bà Nguyễn Thị Xuyên (thôn Thắng Hùng) đến giờ vẫn chưa có cái "người trong muốn ra, người ngoài muốn vào" ấy.Ở Hải Lộc, có rất nhiều gia đình phải chịu khoản phạt trên. Có những gia đình "dính" phạt đến 3 - 4 bận và đến bây giờ "cái án" ấy vẫn còn tiếp tục chình ình trước mặt.Khi tìm hiểu cái chuyện tế nhị này, có người đã chua chát nói với tôi rằng: "Đấy, anh xem, cảnh nhà tôi nó thế! Ăn còn chẳng có thì lấy gì mà xây nhà vệ sinh! Mà sao ông trời oái oăm thế! Đã cho người ta ăn lại còn bắt người ta... Nếu không có cái khoản ấy thì làm sao nhà tôi bị phạt!".(Còn tiếp)





Theo Đào Thanh Tuy - Nông thôn ngày nayThứ Hai, 08/12/2008 - 2:43 PM
Chuyện khó tin ở một vùng quê:
Không nộp đủ thì xã… "cấm cửa"



Ở xã Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, không hiếm những đứa trẻ sống ngoài vòng pháp luật với chung một nguyên nhân, bố mẹ chúng là "con nợ" của xã. Không chỉ vậy, đòn hiểm cắt điện giữa mùa hè sẽ được áp dụng đến khi nào… nộp đủ thì thôi.Tuyệt đường sinh sốngAnh Nguyễn Văn Tích và chị Phạm Thị Nga ở cùng thôn Tân Lộc yêu nhau say đắm. Gia đình ủng hộ, Đoàn Thanh niên cơ sở viết giấy giới thiệu để đoàn cấp xã ủng hộ, tác thành.Ngày 3/11/2008, khi anh Tích, chị Nga đi đăng ký kết hôn, xã thẳng tay chối từ.



Trong sổ Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình do UBND xã Hải Lộc cấp thì phần quy định có ghi rõ ràng: "Mỗi khi đến giao dịch với địa phương, phải xuất trình sổ kế hoạch gia đình". Theo ông Nguyễn Văn Thoa (bố anh Tích), gia đình ông còn thiếu xã khoản tiền mua vật tư phòng chống bão lụt năm 2008.Khoản phí mua vật tư ấy chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng ông quyết không đóng bởi theo ông, đó là khoản thu vô cùng phi lý.



Nghiêm trọng hơn, khoản thu ấy lại xuất hiện ngay sau khi xã thoái trả lại dân hai khoản thu sai khác.Theo tìm hiểu của mình, ông Thoa biết, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định miễn 2 loại phí An ninh quốc phòng và phí Phòng chống thiên tai từ 1/1/2008. Không hiểu vì sao UBND xã Hải Lộc vẫn thực hiện thu hai loại phí này, chỉ có điều xã đổi tên thành "quỹ". Khi bị người dân phát hiện, "nuốt" không trôi, xã đành phải thoái trả.Vừa trả lại tiền dân xong, ngay lập tức xã lại đứng ra thu một loại phí khác có tên: Phí mua vật tư phòng chống bão lụt. Trên mỗi tờ phiếu thu (không có dấu), chính quyền sở tại nhấn mạnh cụm từ "huyện giao".




Về nhà chồng nhưng chị Nga (giữa) vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn. (Ảnh: NTNN)Anh Trịnh Văn Thành ở thôn Đa Phạn đã có 2 mặt con. Thế nhưng, các con anh giờ vẫn chưa có giấy khai sinh. Ngay cả chuyện anh lấy vợ, xã cũng không "chứng thực". Hôm xuống Ủy ban đăng ký kết hôn, anh Thành mới ngã ngửa khi biết gia đình mình còn nợ khoản tiền tương đương với 1,5 tấn thóc. Với khoản lãi ròng là 20%, mấy năm qua, anh đã phải lăn lộn khắp nơi làm thuê làm mướn để trả dần. Hiện anh vẫn nợ chừng 500 nghìn đồng. Còn nợ thì xã còn... cấm cửa, nên anh vẫn phải chịu cảnh hôn nhân không giá thú, các con anh không có giấy khai sinh.




Trong căn nhà rộng chưa đầy chục mét vuông, chỉ có mỗi chiếc giường ọp ẹp, anh Thành lo lắng: "Không có giấy khai sinh thì không biết vài năm nữa, con tôi sẽ đi học thế nào!".Không dừng lại đó, việc bị "cấm vận" đã đẩy gia đình anh vào ngõ cụt. Mấy năm trước, anh muốn vay vốn ngân hàng mua thuyền đánh bắt hải sản nhưng không có dấu xác nhận của xã nên đành chịu. Năm ngoái, anh phiêu dạt vào Bình Dương làm thuê và đón vợ vào, thế nhưng vì không có hôn thú nên chính quyền địa phương không cho hai người sống chung. Cảnh làm thuê, thu nhập bọt bèo mà lại phải thuê hai chỗ ở, không chịu nổi, anh lại phải đẩy vợ về quê.




Bị "tuyệt đường" làm ăn, anh Trịnh Văn Thành chỉ có gian nhà trống hoác. (Ảnh: NTNN)Trao đổi với chính quyền xã, chúng tôi được ông Dương Văn Hùng - Thường trực Đảng uỷ, cán bộ văn phòng xã, ráo hoảnh cho hay, việc xã từ chối giao dịch, không cho dấu đối với những hộ gia đình nợ đọng tiền đóng góp là đúng với... quy định của Nhà nước. Theo ông Hùng, việc "phong toả con dấu" cũng là thể hiện tính... công bằng xã hội. Ai hoàn thành thì được phép giao dịch, còn ai chưa hoàn thành thì đương nhiên xã có quyền... đóng cửa mời về !"Đòn hiểm" cúp điệnBà Trần Thị Vấn (thôn Thắng Hùng) năm nay tuổi đã xấp xỉ 60. Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè của bà nằm chìm hẳn trong con ngõ cũ kỹ, rêu phong. Bà đang có khách. Khách chẳng đâu xa, vẫn là những người hàng xóm có nét mặt khắc khổ, gầy mòn. Họ đến để biếu bà tiền. Người 5 nghìn, người 10 nghìn, người chỉ có vài trăm đồng nhàu nhĩ. Ai cho gì bà cũng nhận và cảm ơn bằng nước mắt lã chã. Bà cần tiền để ra Hà Nội thăm anh con trai đang nằm điều trị ở Viện bỏng. Mấy hôm trước, đi làm thuê trên biển, gặp tai nạn, con trai bà bị bỏng toàn thân, bệnh viện tỉnh lắc đầu, bảo phải ra trung ương mới mong cứu được.




Bà Vấn được hàng xóm ủng hộ tiền để đi thăm con. (Ảnh: NTNN)Nghèo xác xơ vậy nên từ trước đến nay, gia đình bà là nạn nhân thường xuyên của những "tuyệt chiêu" oái oăm của chính quyền sở tại. Trong tất cả các... "võ hiểm" thì không món nào bà hãi hùng bằng "cú đòn" cúp điện.




Theo bà Vấn và nhiều hộ dân khác thì mỗi năm, cứ đến chừng tháng 4, tháng 5 là xã mở "chiến dịch" huy động các khoản đóng góp. Nhà nào chưa xong "bổn phận" thì ngay lập tức bị trừng phạt bằng "biện pháp tối ưu": Đưa vào danh sách cắt điện. Giữa cái nắng nóng hầm hập ngày hè, không điện nghĩa là không quạt, không nước.Gia đình bà Vấn bị cắt điện năm 2004. Khi ấy, bà có đứa cháu chưa đầy 3 tháng tuổi. Cái nóng như đốt như thiêu làm cháu bà khóc đến lạc giọng. Ban ngày, bà bế cháu lê la khắp xóm để "hưởng" nhờ tí quạt, đến đêm về nhà quạt tay phành phạch mà vẫn ngột ngạt. Không ngủ được bà lại bế cháu ra sân, đổ nước lênh láng, lót nilon để nằm cho mát. Nhưng rồi, biện pháp thủ công ấy cũng chẳng ăn thua. Mồ hôi bà, mồ hôi cháu cứ vã ra, quện vào nhau mặn chát. Xã còn tuyên bố, sẽ phạt nặng những ai dám cho các hộ bị cắt điện đấu nhờ đường dây.Chị Lê Thị Sông (thôn Thắng Hùng) có chồng là anh Hoàng Văn Hiển bị tâm thần. "Mùa đóng góp" năm nay, bởi không hoàn thành nghĩa vụ nên nhà chị cũng có 2 tháng "vượt qua thử thách". Không có điện giữa những ngày hầm hập nóng, chị lại phải ngửa mặt đi mượn, đi vay...





Tháng 5/2008, UBND huyện Hậu Lộc đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các lĩnh vực như Kinh tế- Xã hội- Ngân sách xã- Đất đai và Xây dựng ngân sách tại xã Hải Lộc.


Chỉ điểm qua công tác quản lý thu chi năm 2006, đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt những khoản thu chi bỏ ngoài ngân sách và một số loại quỹ quản lý, sử dụng không đúng quy định hiện hành. Theo đó, trong chi chít các khoản mà xã tiến hành thu năm này thì đã có đến 16 khoản "có vấn đề". Đó là các khoản: Đóng góp xây dựng trường; Đóng góp xây dựng ngân sách; Bổ sung xây dựng trường; Phạt vi phạm dân số; Phạt nợ tồn đọng; Thu nợ tồn đọng; Phạt vi phạm nghĩa vụ quân sự; Phạt vi phạm VSMT; Thuế đất ở; Thu quỹ nghĩa vụ công ích; Thu quỹ giao thông nông thôn; Thu quỹ an ninh quốc phòng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ phòng chống thiên tai; Quỹ bảo trợ trẻ em; Quỹ chất độc da cam; Quỹ vì người nghèo; Quỹ khuyến học.



Theo Đào Thanh Tuy - Nông thôn ngày nayThứ Tư, 10/12/2008 - 6:26 PM
Chuyện khó tin ở một vùng quê
"Dằn mặt" người chỉ đường, chặn tiền cứu trợ bão lụt



Anh Đinh Văn Tập bị công an xã bủa vây, bắt giữ trên kè. (Ảnh: NTNN)Vì chỉ đường cho nhà báo, anh Đinh Văn Tập đã được mời làm việc bằng cách "khoá tay, xốc nách" giữa đường. Chưa "no" với các khoản khoán phạt, quy trữ tài sản..., lãnh đạo xã Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa còn "ăn ngon" cả tiền cứu trợ bão lụt của những người dân khốn cùng.Bắt người vô cớSáng 22/11/2008, đang tiếp xúc với mấy hộ dân ở thôn Thắng Hùng, xã Hải Lộc tôi giật mình bởi những tiếng la ó phía ngoài kè biển…Trên triền kè, Phó Công an xã Bùi Văn Tảo cùng mấy công an viên đang bắt giữ anh Đinh Văn Tập, người khi sáng đưa chúng tôi trở lại thôn này. Ông Tảo mặc quần áo dân sự, cùng cấp dưới cố sức khoá tay, khống chế người mình muốn bắt. Anh Tập cũng cố gắng vùng vẫy thoát ra. Sự việc chỉ tạm dừng khi đèn máy ảnh của chúng tôi loé lên.Thấy chúng tôi bất ngờ xuất hiện, mấy công an viên ở vòng ngoài cùng cán bộ thôn Thắng Hùng lập tức áp sát, ngăn lại. Họ yêu cầu không chụp ảnh và mời chúng tôi... đi nơi khác. Mỗi khi chúng tôi giơ máy ảnh lên, ngay lập tức một số công an viên sấn vào... che ống kính.




Theo anh Tập, sau khi chỉ đường cho chúng tôi vào thôn Thắng Hùng, anh quay ra kè biển để quan sát mấy lồng ngao của mình. Không biết từ đâu, ông Bùi Văn Tảo, ông Đinh Văn Khoa - Phó Công an xã cùng gần chục công an viên xuất hiện, "yêu cầu" anh về hội trường thôn làm việc. Xét thấy mình không mắc mớ gì với chính quyền, lại bị "mời" giữa đường giữa chợ, anh Tập thẳng thừng từ chối."Nói ngọt" mà con dân không nghe, những "đầy tớ của dân" ấy… đòi bắt! Họ xúm vào, mỗi người một nách, quyết xốc anh đi. Anh Tập yêu cầu họ trình lệnh bắt hay chí ít là giấy mời làm việc, nhưng, họ không thể đáp ứng.Theo đề nghị của chúng tôi, anh Tập quay xe chở tôi về. Ông Bùi Văn Tảo, Phó Công an xã lại lao vào giật chìa khoá xe của anh Tập.



Không còn cách nào khác, tôi bảo với đồng nghiệp, bất cứ ai có hành động cản trở thì ngay lập tức ghi hình. Nghe tôi nói vậy, ông Phó công an xã mới lùi ra.Về đến nhà, còn chưa hoàn hồn thì anh Tập đã nhận được giấy triệu tập của Công an xã. Theo đó, đúng 11 giờ trưa ngày 22/11/2008, anh Tập phải có mặt ở văn phòng Công an xã để "giải quyết một số việc cần thiết".




Chặn tiền cứu trợ bão lụtTháng 5/2008, UBND huyện Hậu Lộc thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra các mặt kinh tế, ngân sách, xã hội, đất đai và xây dựng cơ bản tại xã Hải Lộc. Sau một thời gian làm việc, đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng tại địa phương này.Cơn bão số 7 năm 2005 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân xã Hải Lộc: 230 hộ bị đổ tường, tốc mái. 9 hộ nhà bị sập đổ nặng. Nhà nước cùng các tổ chức xã hội, cá nhân đã ủng hộ những gia đình bị thiệt hại do bão số tiền là 334 triệu đồng. Đảng uỷ - UBND xã có chủ trương giao xuống cho các hộ bị thiệt hại, nhưng lại... "động viên" những hộ ấy "tự nguyện" đóng góp xây dựng trường tiểu học.Trong 3 năm (từ 2004 - 2007) tổng số tiền sai phạm của UBND xã Hải Lộc đã lên tới gần 970 triệu đồng. Cùng với những sai phạm đã nêu ở trên thì công tác Quản lý ngân sách và các loại quỹ cũng có vấn đề, với số tiền sai phạm là trên 295 triệu đồng (đặc biệt nghiêm trọng, về sai phạm này, xã đã có những khoản thu, chi, trích thưởng bỏ ngoài sổ sách số tiền hơn 131 triệu đồng, chiếm dụng nguồn thu xây dựng trường học số tiền hơn 38 triệu đồng...). Công tác đầu tư xây dựng cơ bản cũng lình xình với số tiền sai phạm là 108 triệu đồng...




Làm việc với Ban cứu trợ, kiểm tra hồ sơ tiếp nhận, chi trả, đoàn thanh tra được biết, toàn bộ hơn 300 triệu nói trên đã "nhảy" vào ngân sách xã qua 3 chứng từ thu, dưới hình thức "đóng góp tự nguyện".Tìm hiểu tại các hộ dân "tự nguyện đóng góp" hàng trăm triệu cho quỹ chung này, chúng tôi được biết họ đều là những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hầu hết họ đều không biết mình được "bồi thường thiệt hại" cụ thể là bao nhiêu tiền, nhưng nếu không hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp vì việc chung của xã thì nhận được lời đe doạ: "Nếu không ký vào biên bản ủng hộ tiền, sau này có xảy ra chuyện gì thì chính quyền địa phương sẽ... không chịu trách nhiệm!".Khai khống "ăn" đền bù đất đaiTheo biên bản xác định đất ở ngày 12/4/2006 với sự chứng kiến của đại diện huyện Hậu Lộc và xã Hải Lộc, có 27 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại do xây dựng kè đê biển Y Vích…Tuy nhiên, xác minh của đoàn thanh tra thì thiệt hại không như những gì xã đã đệ trình. Căn cứ vào bản đồ địa chính thì diện tích đất bị thiệt hại chỉ là đất hoang hóa chứ không phải đất của các hộ dân. Số tiền GPMB chi trả sai là trên 230 triệu đồng.Làm việc với các hộ dân, cơ quan thanh tra phát hiện chỉ duy nhất 1 hộ nhận đủ tiền bồi thường là gần 40 triệu đồng.



Có 8 hộ ở thôn Thắng Hùng được ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hự "nhận hộ" trên 35 triệu đồng. Các hộ còn lại thì do xã đứng ra "cầm giúp"."Truy tìm" hơn 35 triệu đồng do trưởng thôn Nguyễn Văn Hự ký nhận, đoàn thanh tra được biết, thôn đã sử dụng 20 triệu đồng vào việc sửa chữa các công trình phúc lợi của thôn, số còn lại quỹ thôn đang quản lý.Còn về số tiền mà xã "nhận thay" dân, theo xác minh của đoàn thanh tra, hội đồng bồi thường GPMB đã chi trả làm 2 đợt. Sau 2 đợt chi trả, trên 155 triệu đồng đã được "chuyển hoá" thành tiền "tình nguyện đóng góp cho xã để xây dựng trường mầm non".Cũng theo xác minh của đoàn thanh tra, toàn bộ số tiền trên 155 triệu nói trên tuy "chi tiêu" vào "mục đích chung" nhưng đã để ngoài sổ sách kế toán.




Cấm nhà báo ghi âm, chụp ảnhNhững ngày ở Hải Lộc, chúng tôi đã rất mong nhận được câu trả lời từ những lãnh đạo cao nhất của địa phương này. Tuy nhiên, dù đã đặt lịch trước nhưng chúng tôi vẫn bị lãnh đạo xã khước từ với nhiều lý do.Sau nhiều lần đi lại, chúng tôi cũng "gặp may" khi chiều ấy, bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch UBND xã đang chuẩn bị khoá cửa phòng đi đâu đó thì chúng tôi vào. Bà Huyên buộc phải tiếp chúng tôi. Bà mở đầu cuộc trao đổi bằng yêu cầu nhà báo không sử dụng máy ghi âm và không chụp hình cuộc làm việc này. Bà bảo, trong luật đã... quy định rất rõ và ngay cả uỷ ban xã cũng có quy định đó. Bà chỉ cho chúng tôi xem tấm bảng có quy định "cấm chụp ảnh và ghi âm" treo ngay hội trường uỷ ban.Chúng tôi hỏi, uỷ ban xã dựa vào luật nào để ra những điều cấm vô lý trên thì nhận được câu trả lời: "Luật đây là sự đồng ý của... cá nhân tôi. Mặc dù tôi là lãnh đạo nhưng tôi không đồng ý thì các anh không được làm. Có vậy thôi!".Không thắng được cái luật vô lý này, tôi đồng ý cách thức làm việc theo đúng như bà Huyên yêu cầu. Buổi làm việc có thêm một thư ký, ghi biên bản. Cuối buổi làm việc, tôi đã yêu cầu được chụp lại biên bản của cuộc làm việc trên trước khi ký tên thống nhất những nội dung mà mình đã trao đổi. Thế nhưng, mong muốn ấy của tôi đã bị gạt đi. Vậy là, cả buổi chiều "thẳng thắn trao đổi" coi như đã ném xuống sông xuống bể.




Thay lời kết



Những ngày ở Hải Lộc, nhiều người dân đã chuyển đến chúng tôi lời thắc mắc rằng, tại sao những kẻ coi trời bằng vung vẫn chưa bị pháp luật xử lý nghiêm minh?! Phải chăng những "cường hào mới" ở địa phương nghèo khó này có sự "đỡ đầu", bao che nên mới lộng hành, coi thường kỷ cương phép nước tới vậy!? Những câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá.Theo Đào Thanh Tuy - Nông thôn ngày nay


===

BÌNH LUẬN CỦA VẠN MỘC CƯ SĨ:

Trong chế độ cộng sản, dân chúng bị tịch thu nhà của, giường phản, trâu bò, gà vịt, dao cuốc vì thiếu thuế, hay không có tiền đóng các khoản thu nhập cho các đại quan. Đó là chuyện thường!

"Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc đã nói lên nỗi khổ của nhân dân Việt Nam trong chế độ cộng sản. Có lẽ thời Pháp thuộc cũng không có vụ này!

Xin đọc Phùng Gia Lộc ở Sơn Trung Thư Trang
http://sontrung.blogspot.com

==

No comments: