Tuesday, December 23, 2008

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * ORHAN PAMUK



Đặng Phùng Quân
Orhan Pamuk, văn chương từ miền Trung Đông mù ám.




Giải Nobel văn chương 2006 trao tặng một nhà văn Thổ nhĩ kỳ: Orhan Pamuk, với những tiểu thuyết viết bằng ngôn ngữ Thổ. Như lời giới thiệu trên những tiểu thuyết dịch sang Anh ngữ, tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ qua hơn ba mươi thứ tiếng. Một vài tiểu thuyết của Pamuk đoạt giải, như giải văn chương 2003 IMPAC Dublin Literary Award, Prix Méditerranée étranger, Prix Médicis v.v... Nobel văn chương cũng như những giải văn chương khác, song mang tầm vóc quốc tế, có thể vì số tiền thưởng khá lớn, tồn tại khá lâu đời và cùng với những giải Nobel (y học, vật lý v.v..), vinh danh những nhân vật đã đóng góp công trình trên nhiều lĩnh vực khác nhau.



Như vậy, có phải tự thân nó hay nhờ danh tiếng của người được trao giải đã làm tăng giá trị giải? Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên là những nhà văn đoạt giải, tuy tác phẩm của họ đã được dịch sang Anh, hoặc Pháp ngữ là những thứ tiếng có tầm phổ biến rộng rãi nhưng không được chú ý, bỗng chốc đã rực rỡ lên như một phát hiện sáng chói, như trường hợp Jose Saramago (tiếng Bồ đào nha), Cao Hành Kiện (tiếng Hoa), Dario Fo (tiếng Ý) v.v..hay những nhà văn tiền phong như trường hợp Claude Simon, Samuel Beckett vẫn được coi như khó đọc?




Pamuk đã đem lại những thông điệp nào cho nhân loại? Trong một thế giới đang ngổn ngang có những xung đột, nghịch lý vô phương giải quyết về chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, Đông/Tây..? Hay, Pamuk chỉ là cái cớ để những nhà Hàn lâm của Nobel văn chương phát giải vì ý đồ chính trị? Nghi hoặc, hỏi như vậy có nghĩa là xét xem trên bình diện văn chương, Pamuk có xứng đáng là một nhà văn lỗi lạc? Lý ưng, điều đó phải dựa trên những tác phẩm đã được viết ra.




Tiều thuyết của Pamuk có thể xếp vào nhiều thể loại: Sách Đen (nguyên tác tiếng Thổ, Kara Kitap 1990), Căn nhà tĩnh lặng (Sessiz Ev 1983), Lâu đài trắng (Beyaz Kale 1991) trong dòng hiện thực ma thuật như Garcia Marquez, Jose Saramago, Carlos Fuentes.., bố cục phân chia thành hồi như Tuyết (Ka 2002), Tên tôi là Đỏ (Benim Adim Kirmizi 1998) kiểu H. Böll, G. Grass, phối hợp truyện và ảnh như Istanbul Hồi ức và Thành thị (Istanbul Hatiralar ve Şehir 2003) kiểu W. Benjamin, A.G.Sebag (tuy Pamuk xác nhận đọc và chịu ảnh hưởng những nhà văn như Tolstoy, Dostoevsky, Thomas Mann, Proust, Faulkner, Woolf, hiện đại như Borges, Calvino, Paul Auster, Don Delillo, V.S. Naipaul song văn chương Đức vẫn là ngọn nguồn Pamuk thấm nhuần - trong tiểu thuyết Tuyết, Pamuk lấy Đức là khung cảnh cho nhân vật nhà thơ lưu đày và học hỏi văn hóa tây phương ở Frankfurt..). Thuyết thoại của Pamuk kể lể dông dài như tiểu thuyết Nga của thế kỷ 19, nhưng phong cách mang dấu ấn hậu hiện thực.





Tuyết/Ka là tác phẩm gần nhất với những bộ diện: khí hậu chung của văn chương hiện đại/văn chương lưu đày và mạt thế luận của một thế giới tha hóa cáo chung của tôn giáo và ý thức hệ - thông điệp của Pamuk là tiếng chuông cảnh báo giữa những biến động toàn cầu, từ chiến tranh Bosnia, Chechnya, Iraq, Afghanistan, Do thái/Palestin, đến hiện tượng khủng bố như một dấu ấn thời đại (đã gây trăn trở cho những nhà tư tưởng như Habermas, Derrida..).





Tuyết, nhan đề cuốn tiểu thuyết là tên một bài thơ tưởng tượng của một nhân vật chủ báo tự đặt ra cho nhân vật nhà thơ tên Ka (tên thật là Kerim Alakusoglu, song người thuyết thoại Orhan gọi theo tên tắt Ka mà chính nhân vật ưa thích trên lý lịch ghi danh đại học cũng như trên những tuyển tập thơ, trong suốt truyện) , con người lưu vong chính trị từ Frankfurt nước Đức trở về quê hương sau mười hai năm, đến thành phố nhỏ Kars để thực hiện giấc mơ ngắm tuyết, với tư cách nhà báo quan sát cuộc bầu cử địa phương cũng như tìm hiểu việc những thiếu nữ tự tử. Tuyết trở thành nhan đề của mười chín bài thơ (như Bị Bắn Giết, Ngực, Yêu, Chό, Hộp kẹo Chocolat, Nhân loại và những vì Sao..) từ nguồn cảm hứng đột xuất xây dựng trên những kỷ niệm thời thơ ấu mà Ka làm trong thời gian nhập cuộc những biến động diễn ra suốt quãng thời gian ở chốn này.




Tập thơ đã thất lạc sau khi Ka chết. Ka đã ngẫu nhiên can dự vào những xung đột chính trị đẫm máu, khủng bố. ám sát, từ mục kích việc Giám đốc viện giáo dục bị một thanh niên bắn, gặp gỡ người thủ lĩnh trẻ Blue thuộc nhóm Hồi giáo quá khích chống chính quyền độc tài, chống văn minh dân chủ phương Tây, bị đe dọa tính mạng chỉ vì một bài báo coi Ka như một kẻ vô thần, tự nhận là thi sĩ, gieo hoang mang cho người dân ở Kars đến cuộc tình với Ipek mà Ka chỉ mong muốn theo mình về lại Frankfurt trong một giấc mơ hạnh phúc êm đềm.





Toàn cảnh tiểu thuyết Tuyết là hiện thực của thế giới Trung Đông hiện tại, dầu chỉ đóng khung trong một thành phố nhỏ: cuộc đối thoại bất tận không lối thoát giữa viên giám đốc viện Giáo dục (nạn nhân) chủ trương phụ nữ không được dùng khăn trùm đầu khi đến trường, tiêu biểu cho xu hướng dân chủ thân tây phương với một thanh niên lạ mặt (sát thủ) đến từ vùng quê xa xôi đại biểu cho người cuồng tín
Thưa Giáo sư Nuri Yilmaz, nếu ngài tin vào Thiên chúa, nếu ngài tin Kinh Thánh Koran là lời Chúa, hãy cho nghe quan điểm của ngài về câu thơ ba mươi mốt tuyệt mỹ của chương Ánh sáng Thiên đường.





Đúng vậy. Câu thơ này nói rất rõ ràng là phụ nữ phải trùm đầu và mặt.
Hoan nghênh, thưa ngài!..Vậy làm thế nào ngài có thể dung hòa lệnh Chúa với quyết định cấm con gái trùm đầu không được vào lớp học?
Chúng ta đang sống trong một Quốc gia thế tục..




Làm thế nào ngài có thể giải thích được tại sao quốc gia lại cấm con gái vào lớp chỉ vì cái chủ nghĩa thế tục, khi mà việc họ làm vâng theo luật lệ tôn giáo của họ?
Hãy thẳng thắn, con ơi. Tranh luận những điều như vậy chẳng đi tới đâu..
..Vì tôi sống trong dân chủ, vì bỗng dưng tôi thấy tôi là một người tự do có thể làm bất kỳ điều gì tôi thích, nên rốt cuộc tôi phải đáp xe bus đi đến tận cùng nước Thổ để tìm cho ra thủ phạm, dầu y ở chốn nào, để đối diện với y. Làm ơn trả lời câu hỏi của tôi. Điều gì quan trọng, pháp lệnh của Ankara hay thánh lệnh của Chúa?
Cuộc tranh cãi này chẳng dẫn tới đâu, con ơi.




..Cứ theo thống kê mà ngài Giáo sư người Mỹ Hồi giáo da đen Marvin King, tai nạn bị hãm hiếp trong những xứ Hồi giáo nơi mà phụ nữ trùm đầu thì rất thấp, thậm chí coi như không đáng kể và chẳng bao giờ người ta nghe nói đến sách nhiễu tình dục..
Nếu chúng ta cứ tiếp tục cổ võ phụ nữ bỏ khăn trùm đầu, chẳng phải là chúng ta hạ thấp phẩm giá họ như chúng ta thấy nhiều phụ nữ Tây Âu đã hạ phẩm giá vào lúc cách mạng tình dục trỗi dậy sao?




Tên tôi là Vahit Süzme. Salim Fesmekân. Có gì khác đâu, thưa ngài? Tôi là người vô danh bảo vệ những anh hùng vô danh đã chịu vô vàn những tai ương sai quấy chỉ vì bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình trong một xã hội bắt phải phục tùng chủ nghĩa duy vật thế tục.
Sau cùng thanh niên cuồng tín bắt vị giám đốc đọc lời tự thú là đã làm tay sai cho một âm mưu đen tối muốn tước bỏ tín ngưỡng và danh dự của người Hồi trong nền Cộng hòa Thổ thế tục và bắt họ làm nô lệ cho Tây phương, kê súng vào miệng ông và bắn chết.




Ở tuyên ngôn của Blue, thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan khác cũng những luận điệu như: Trái với người tây phương nghĩ, không phải nghèo khó đưa chúng ta đến gần Chúa, vì thực sự không ai như chúng ta là những người tìm ra lý do tại sao chúng ta ở trên mặt đất này và điều gì đến với ta ở thế giới bên kia.. Dân chủ, tự do và nhân quyền chẳng là quái gì, chẳng qua chỉ là những gì Tây phương muốn cả thế giới phải bắt chước họ giống như khỉ.




Blue có thể là một hình tượng gần gũi những trùm như Bin Laden, và nơi một hình tượng đối tác là người tình,Kadife (em gái của Ipek) tiêu biểu cho những phụ nữ Hồi giáo cực đoan, sẵn sàng tự tử để phản đối việc không cho đội khăn trùm đầu, những cái chết làm kinh ngạc vì lối tự sát bất ngờ, không nghi lễ hay báo trước, ngay giữa cuộc sống thầm thầm hàng ngày .




Ka có thể là một hình tượng lưu đày,ở đất khách quê người như Blue nhận xét giống hàng ngàn những trí thức người Thổ gốc Kurd sống ở Đức biến sự khốn khổ dưới mắt người tây phương, biến nỗi thống khổ này này kế sinh nhai, hay chỉ là một khách lạ trên quê hương mình, không ý thức được tội ác ngay trong mình. Ka chứng kiến nhiều nhà văn, nhà thơ đã là mục tiêu ám sát của những người Hồi giáo cực đoan, như trường hợp một tu sĩ trở thành người vô thần chỉ ra những điều mâu thuẫn trong kinh Koran, bị bắn lén sau lưng, hay một nhà báo có tinh thần thực dụng bị giết vì ngờ làm ám chỉ những phụ nữ trùm đầu như con dán, hay một nhà báo khác đã bị nổ tung xe vì ngờ đã tiết lộ những giây liên lạc giữa phong trào Thổ Hồi giáo với xứ Iran.



Trong khi đi bộ giữa những bông tuyết rơi chậm, Ka nghĩ đến số phận mình có thể như nhiều nhà văn bất hạnh khác bị bắn chết hoặc bị gói bom nổ, sau khi phải đối đầu với những tình huống lưỡng nan, có thể cao ngạo, can đảm, hoặc chẳng làm gì cả như trường hợp nhà thơ Nurettin thân phương tây song chẳng can dự gì đến chính trị, một ngày kia bị một tờ báo Hồi giáo cực đoan moi móc ra trong những bài viết của ông về nghệ thuật và tôn giáo, đã có những lời phỉ báng tín ngưỡng, đã bị cài bom nổ xe làm tan xác. Song mặt khác, Ka cũng là nạn nhân bị những kẻ cầm quyền độc tài áp bức, hành hạ vì đã không cộng tác điềm chỉ chỗ ở của kẻ khủng bố.




Sau cùng Ka phát hiện ra người yêu lý tưởng của mình là tình nhân cũ của Blue. Ipek đã không theo Ka bỏ xứ đi Frankfurt vào giây phút chót vì ngờ Ka đã cho an ninh chính quyền biết chỗ ẩn nấp và hạ sát Blue. Ka bị bắn chết bốn năm sau ở thành phố lưu lạc này. Và bài thơ cuối cùng của tập Tuyết cũng là bài Nơi tận cùng thế giới cùng một lô gích như những bài thơ khác có một vị trí tự nhiên và duy nhất trên những bông tuyết tưởng tượng, xoay quanh ba trục - Ký ức, Trí tưởng, và Lý trí.



Orhan, người thuyết thoại muốn đào sâu vào từng ngõ ngách đen tối cuộc đời trầm luân, khốn khó của người bạn thơ khi hỏi: thực sự anh ta có thể nhìn được bao nhiêu ? Trả lời: trong suốt cuộc đời tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng như một con thú bị thương - và câu trả lời của nhà văn lưu đày: Hạnh phúc là tìm ra một thế giới khác để sống, nơi anh có thể quên hết mọi lầm than và bạo ngược này.
Tuyết sau cùng ở trong ngữ cảnh của những Ngôi nhà tĩnh lặng, Sách Đen như Pamuk phác thảo trong hình bông tuyết sáu cánh là vận chuyển của Ký ức, Trí tưởng và Lý trí
mà ông cũng ghi lại trong tác phẩm mới, cuốn Tự truyện Istanbul.



Trong Triết học và Văn chương xuất bản năm 1974, tôi đã viết Tự truyện là hiện thể của trí nhớ, bởi vì ngôn từ nhằm chống lại quên lãng, mang theo một phiêu lưu rộng rãi biểu hiện sự hoàn tất chữ viết với ngoại tại trong kinh nghiệm hiện thân và ký ức phục hồi. Trong Tẩu khúc Văn chương/Triết lý xuất bản năm 2004, tôi nói đến khả hữu của văn ngữ với chuyển biến thành ánh sáng, thành hình ảnh, là khả hữu của một loại tiểu thuyết-hình ảnh/roman-photo.



Để viết về Istanbul, nơi sinh trưởng của ông, Orhan Pamuk - nhà văn Thổ sinh năm 1952, không phải chỉ những hoạt cảnh như Joyce với Dublin, Borges với Buenos Aires, Pamuk còn sử dụng ảnh đan lẫn giữa những tản văn, gợi nhắc đến nhà văn Đức Winfried Georg Sebald trong những tiểu thuyết như Những lưu dân/Die Ausgewanderten (1992) ghi lại lịch sử đời sống của những linh hồn Do thái luân lạc tại ở Đức từ cuối thế kỷ 19 qua suốt thế kỷ 20. Những hình ảnh của Sebald trong suốt những tân truyện như muốn níu kéo lại những tàn tích của ký ức bị triệt hủy, sương mù kỷ niệm không mắt thường nào có thể xua đuổi trong mộng và thực, những hình ảnh như Sebald ghi nhận dường như đối với tôi người chết trở về, hay chúng ta đang nối gót họ.



Ở Istanbul, Pamuk ghi nhận, khác với Conrad, Nabokov, Naipaul - những nhà văn lưu đày được biết đến từ việc trang trải cuộc lưu xứ trong những ngôn ngữ, văn hóa, quê hương, đại lục, cũng như ngay cả với những văn minh dị biệt, trí tưởng họ phiêu bồng trong cuộc lưu đày, nuôi dưỡng từ việc mất cội nguồn, trong khi trí tưởng của Pamuk bám trụ vào thành phố này, nơi ông lớn lên trên cùng con phố, mái nhà. Ông coi định mệnh của Istanbul là định mệnh của ông. Pamuk viết: tôi gắn liền với thành phố này bởi nó đã tạo tôi như con người tôi vậy.



Trong con người nhà văn Orhan, có một điều can đảm của một người nhân bản để nói lên “cơn sốt chinh phục” của người Thổ, để mặc cho những băng đảng cướp bóc, tàn sát người Hy lạp và Armenian đúng vào dịp kỷ niệm 500 năm (1953) ngày sụp đổ của thành phố Constantinople cũng là ngày đánh dấu việc chinh phục biến thành Istanbul: khủng bố tràn qua những vùng Ortakoy, Baliki, Samatya, Fener, đốt phá những cửa tiệm của người Hy lạp, hãm hiếp phụ nữ Armenian và Hy lạp kéo dài suốt hai ngày, với hỗ trợ của chính quyền, tàn phá thành phố hoang tàn như một địa ngục thê thảm nhất trong những đêm ác mộng đông phương, những chi tiết mà gia đình kể lại trong nhiều năm sau, sống động đến nỗi Pamuk tưởng như thấy trước mắt.



Trong tác phẩm De l'Indifférence, Essai sur la banalisation du Mal/Dửng dưng, luận về dung tục hóa điều Άc (1998), nhà triết học Christian Delacampagne nhắc đến cuộc tàn sát người Armenian có thể coi như tội ác diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX, diễn ra vào những năm 1915-1916 tại Thổ giết khoảng từ một triệu đến một triệu rưỡi người Armenian (tiêu diệt hai phần ba cộng đồng sắc dân này)- trong tình huống những chính phủ các nước khác có thái độ dửng dưng vì lúc đó Thổ là đồng minh của Đức. Delacampagne lên án chính phủ Pháp, chẳng có nợ nần gì với Thổ, trong nhiều thập niên cũng vẫn làm ngơ, “không dám gọi mèo là mèo”. Phải đợi tới 83 năm sau, Quốc hội Pháp mới bỏ phiếu vào năm 1998 một dự luật nhìn nhận thực tại chuyện này. Trong suốt nửa thế kỷ (1925-1975), Delacampagne (sinh năm 1949) ghi nhận rất ít sách vở đả động đến chuyện diệt chủng này.




Trong năm 2005, những luật gia thuộc hai hội đoàn chuyên nghiệp Thổ đã khởi tố Orhan Pamuk về hình sự vì Pumak đã đưa ra tuyên cáo trong cuộc phỏng vấn của một tờ báo Thụy sĩ Das Magazin (phụ trang hàng tuần của những nhật báo Tages-Anzeiger, Basler Zeitung, Berner Zeitung và Solothurner Tagblatt) là: Ba mươi ngàn người Kurd [ở Anatolia] và một triệu người Armenian [cuộc diệt chủng 1915-1917] bị giết trên mảnh đất Thổ này mà không ai dám nói về điều đó. Pamuk bị đưa ra trước tòa vào ngày 16 tháng 12, gặp những phản ứng quốc tế dữ dội từ hội Ân Xá Quốc tế cũng như nơi những nhà văn như Jose Saramago, Gabriel Garcia Marquez, Günter Grass, Umberto Eco, Carlos Fuentes v.v..
Orhan Pamuk đã may mắn hơn số phận nhân vật Ka trong tiểu thuyết Tuyết của ông.



No comments: