Sunday, December 14, 2008

KHÚC HÀ LINH * HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÍA SAU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN




HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÍA SAU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
KHÚC HÀ LINH



14/12/2008 0:13 Đằng sau lùm cây cạnh ga Cẩm Giàng là trại văn chương Tự Lực Văn Đoàn -



Thế kỷ trước, ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, trong gia tộc Nguyễn Tường có hai người phụ nữ được nhắc nhiều trong đời sống văn học. Chồng, con say mê hoạt động văn chương, xã hội… còn họ lùi vào phía sau với thiên chức làm mẹ, làm vợ. Danh vọng, thành công của những người đàn ông đó có một phần ở sự tảo tần của họ.



I. THÂN MẪU CỦA NHẤT LINH - Trại Cẩm Giàng bà Nhu


Bà Lê Thị Sâm là con gái đầu lòng cụ Lê Quang Thuật, người gốc Huế, làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng. Bấy giờ tri huyện Cẩm Giàng Nguyễn Tường Tiếp (tục gọi là huyện Giám), quê gốc Quảng Nam, có con trai là Nguyễn Tường Nhu đến tuổi lấy vợ, mới cho người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường. Bà đã gồng mình gánh vác cơ nghiệp nhà Nguyễn Tường để nuôi mẹ chồng và bảy người con ăn học thành người, trong đó có ba nhà văn thuộc vào hàng trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) - một phong trào văn chương nổi tiếng trên văn đàn nước nhà những năm 30-40 thế kỷ trước: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.




Lấy chồng hơn chục năm, bà có sáu người con, dời từ ấp Thái Hà về số 10 Hàng Bạc, Hà Nội, rồi hết về quê Cẩm Giàng lại theo con cả Nguyễn Tường Thụy ở Tân Đệ, Thái Bình. Do buôn bán ở Thái Bình được một năm chẳng thuận, bà Nhu lại đưa cả con thuyền gia đình về Hà Nội.


Khi vợ Nguyễn Tường Thụy xin ra ở riêng, bà lại về Cẩm Giàng. Đang bơ vơ không biết ăn ở ra sao thì người bạn cân gạo ngày trước là bà cả Hội nợ bà Nhu 60 đồng Đông Dương từ trước, trừ tiền nợ bằng hai mẫu đất cho bà Nhu. Thế là đào ao, đắp nền, làm nhà... Bà làm nhà gỗ, lợp rạ, cột vuông, bốn chung quanh hiên rộng. Nhà ba gian, gian đầu phòng khách, gian giữa thờ gia tiên, gian trong để ở. Trần nhà lát nứa dập thẳng. Mái rạ lợp dày xén rất đẹp, quanh nhà có lan can gỗ, gọi là Nhà ánh sáng.





Thời ấy khách đi tàu Hà Nội -Hải Phòng có thể nhìn rất rõ một khuôn viên trang trại có những ngôi nhà thấp thoáng dưới lùm cây xanh. Đến sau này các con trưởng thành, hoạt động văn chương, làm báo Phong Hóa, Ngày Nay ở Hà Nội, nhưng cuối tuần họ lại rủ bạn bè về trại thăm mẹ và nghỉ ngơi bàn luận chuyện văn. Cái tên trại văn chương TLVĐ hoặc trại Cẩm Giàng bà Nhu ra đời và đi vào văn học sử nước nhà.





Những ngày cuối năm 1932, ba anh em Nhất Linh mới ra làm báo Phong Hóa, còn gặp khó khăn, ai cũng sợ báo ế. Bà nói như đinh đóng cột: "Cái ấy khó gì, nếu không bán hết, mang về cho mợ gói cau càng tiện...". Câu nói ấy như luồng gió gạt bỏ hết những lo lắng trong những ngày đầu gian khó của nhóm.




Nhờ có người giúp đỡ, ngày 31.8.1917, tức 14.7 năm Đinh Tỵ, ông Nhu sang Lào (Sầm Nưa) làm thông phán tòa sứ, được đem theo vợ để buôn bán mưu sinh. Thật không may, được tám tháng, ông bạo bệnh qua đời. Một mình nơi xa xứ, lo chôn cất chồng xong, bà Nhu trở về Việt Nam đi hết 12 ngày đường bộ và đường thủy, gian nguy vô ngần. Mãn tang chồng một năm, bà cùng bốn người thân lại sang Lào để mang hài cốt ông về nước đặt mộ bên bờ ao thuộc làng La A, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng.




Bà Nhu tôn trọng chí hướng của các con. Ngày Hoàng Đạo tốt nghiệp cử nhân luật, được bổ chức tri huyện, đã về xin ý kiến mẹ. Bà bảo con: "Nay con thành đạt rồi mỗi người có chí hướng riêng, tùy con định đoạt. Ông cha ngày xưa nổi tiếng thanh liêm, làm quan thương dân để đức cho con cháu. Các con đừng làm gì hại đến thanh danh tiên tổ...".





Góa chồng khi mới 37 tuổi, bà tảo tần khuya sớm đi về làng quê cân gạo. Không đủ sống, đành nấu thuốc phiện, biết là hiểm nguy có thể bị Tây bắt bỏ tù bất cứ lúc nào. Chỉ đến khi các con học hành thành đạt, đi làm có lương mới mát mặt. Trừ Thạch Lam, và con gái Nguyễn Thị Thế, còn lại 5 người đều có bằng cử nhân, riêng Nhất Linh đỗ cử nhân khoa học Pháp trở về nước làm báo, làm văn chương...



Nuôi dưỡng được ngần ấy người con, bà Nhu vượt qua bao nhiêu sóng gió. Nhưng bù đắp lại bà Nhu có những niềm vui. Đó là năm 3 người con trai Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến.




Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, bà tu ở chùa Đào Xuyên, qua chùa sư nữ ở Bối Khê, rồi về Hà Nội tu tại chùa Hai Bà. Khi biết tin Hoàng Đạo đột tử ở ga Thạch Long, Trung Quốc, vị sư già đã làm lễ cầu siêu cho con trong nơi cửa Phật. Rồi bà theo con vào Sài Gòn, tu ở chùa Xá Lợi cho đến năm 1960. Ít lâu sau bà viên tịch tại đó.




II.NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG CỦA NHẤT LINH


Người đàn bà ấy dưới mắt một phóng viên báo Đông Tây ở Hà Nội thời bấy giờ, được khắc họa: "Đôi mắt bà chớp chớp... Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Ánh sáng vừa dịu, vừa như có một cái gì như sẵn sàng vì mọi người... Tôi nhớ mãi cặp mắt ấy.


Cặp mắt có vẻ chịu đựng mọi hy sinh, vì người thân yêu của mình. Cặp mắt của người đàn bà Việt Nam, cũ kỹ, tảo tần, không ý thức được rằng những việc mình làm đã đóng góp cho sự nghiệp của chồng không nhỏ". (trích từ Từ bến sông Thương, Anh Thơ - hồi ký 1986).



Ấy là bà Phạm Thị Nguyên (1909-1981), quê làng Phượng Dực, Thường Tín, tỉnh Hà Đông, trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà Nội mang tên Cẩm Lợi.


Vào tuổi đôi mươi, Phạm Thị Nguyên kết hôn với nhà văn Nhất Linh, ở nhà 15 phố Hàng Bè, Hà Nội. Bà vẫn bán cau khô, mở rộng quan hệ buôn bán suốt trong Nam ngoài Bắc, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp của chồng.


Những năm tháng chồng mải mê làm báo, cổ súy phong trào Ánh Sáng..., bà vật lộn với nghề buôn bán cau, nuôi đàn con (13 lần đẻ chỉ nuôi được 7), làm hậu thuẫn cho chồng thi thố giữa cuộc đời. Hiếm ai biết rằng bà từng tham gia phong trào Ánh Sáng, xóa nhà ổ chuột, làm nhà tranh tre sáng sủa cho dân nghèo thợ thuyền...




Bà Nhu (thứ 2 từ phải sang) trong lần đi du lịch cùng báo Ngày Nay Người đàn bà có tấm lòng bao dung ấy được chồng yêu... Mỗi lần viết xong và xuất bản được một cuốn truyện mới, Nhất Linh luôn đưa vợ đi biển Sầm Sơn nghỉ ít ngày. Hồi Nhất Linh ẩn cư ở Đà Lạt giữa thiên nhiên ngoạn mục cũng không quên đưa bà lên cùng thưởng thú chơi phong lan. Có những buổi sớm mai khi con còn trong giấc ngủ, hai ông bà đã bên nhau uống trà nóng, rất là tương đắc. Nhất Linh yêu quý vợ, còn yêu cả cái tên đất tên làng của vợ. Ở Sài Gòn, ông cho in lại các tác phẩm cũ thời TLVĐ và viết tác phẩm mới. Ông đã lấy chữ Phượng (Phượng Dực quê vợ) và chữ Giang (Giàng) nơi sinh trưởng của mình là Cẩm Giàng, rồi ghép thành tên Nhà xuất bản Phượng Giang.



Làm vợ nhà văn Nhất Linh, một nhân vật nổi tiếng thời TLVĐ, bà Nguyên sống trong nụ cười và nước mắt. Bà đau buồn nhất là những năm Nhất Linh lưu vong ở nước người trên đảo Sường Châu, Trung Quốc. Bà đã vượt dặm đường gian nan nguy hiểm đi thăm và tiếp tế cho ông.



Lo lắng khi thấy chồng sống cô độc trên đất khách, bà tìm cách nhắc lại một cách khéo léo về thời TLVĐ làm báo, viết sách của chồng. Như một phép lạ, nét mặt Nhất Linh vui, tươi sáng. Ở trang đầu bản thảo tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, Nhất Linh viết tại Hương Cảng có mang những dòng chữ: Tặng Nguyên, người rất thân yêu, đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này khởi đầu từ 1940 mới được viết tiếp theo. Hương Cảng trên núi, ngày 16.10.1949. Nhất Linh.



Sống dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Nhất Linh cực lực phản đối chính quyền đàn áp những người đối lập và tham gia ủng hộ cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông. Việc không thành, ông bị Tòa án quân sự đặc biệt gọi ra tòa xét xử. Trước lúc quyên sinh, Nhất Linh để lại 2 bản di chúc. Một bản nói với cuộc đời và một bản dành riêng cho vợ với hai mươi từ tuyệt mệnh: "Mình, mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không... mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh. 7.7.1963".




Năm 1981, bà sang Pháp đoàn tụ với con, mất tại đó. Năm 2001, hài cốt của bà được đem về nghĩa trang Hội An, Quảng Nam. Mộ bà nằm bên mộ chồng và mộ cụ tổ Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, vị quan triều Nguyễn, ra Bắc làm Tri phủ Cẩm Giàng, Hải Dương, người khai nguyên dòng họ Nguyễn Tường trên đất Bắc.



===

KHÚC HÀ LINH. TRICH THANH NIÊN ONLINE.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200850/20081214001323.aspx
===

No comments: