Friday, December 5, 2008

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 3.12.2008



Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phóng viên Ỷ Lan
về “Lời Cam Kết” giả tung ra trên mạng Internet mấy ngày qua



Vừa qua, trên mạng Internet tung ra hai tài liệu nhằm chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Một tài liệu giả thủ bút của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viết “Lời Cam Kết” gửi “cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh”, và một bài viết có tựa đề “Nhận định về “Quyết nghị 9 điểm” của GHPGVNTN” ký tên Thích Siêu Phương.


Cả hai tài liệu giả dùng địa chỉ giả của Hòa thượng Thích Không Tánh gửi đi cốt được giới Phật tử lưu ý tìm đọc.
Dù tung ra ngày 22.11.2008, nhưng thư thủ bút “Lời Cam Kết” giả viết ngày 9.2.1995. Nội dung là Hòa thượng Thích Quảng Độ “cam kết” với công an : “vĩnh viễn chấm dứt mọi liên hệ và những hành động dẫn đến vi phạm luật pháp của Nhà nước”. Hòa thượng hứa “sẽ tìm một nơi yên tĩnh xa thành phố để tiếp tục phiên dịch và hoàn thành bộ “Phật Quang Đại từ điển” xem như “nguyện vọng tha thiết nhất trong cuối cuộc đời tu hành” của Hòa thượng.



Ngày 25.11 vừa qua chúng tôi đã phát hành Thông cáo báo chí vạch trần sự giả trá của công an cộng sản. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng của Phóng viên Ỷ Lan. Toàn bộ cuộc phỏng vấn dài 27 phút đã được truyền thanh trên Đài Phật giáo Việt Nam phát về Việt Nam hôm tối thứ sáu 28.11.



Ba ngày trước đó, liên tiếp hai hôm 25 và 26.11, Đài Á châu Tự do đã phát hai chương trình, tổng cộng khoảng 13 phút, về phần Hòa thượng nhắc tới “Lời Cam Kết” giả và đại quan việc phiên dịch bộ Phật Quang Đại từ điển trong tù.



Qua cuộc phỏng vấn, Hòa thượng Thích Quảng Độ xác nhận sự giả mạo của “Lời Cam Kết”. Đặc biệt Hòa thượng nhắc tới việc hi hữu là công trình phiên dịch bộ “Phật Quang Đại từ điển” gần tám nghìn trang trong thời gian bị quản chế ở tỉnh Thái Bình miền Bắc rồi tiếp tục sau đó qua các trại tù Ba Sao và Thanh Liệt (B14). Hòa thượng tiết lộ từ sự kiểm soát khắc khe của công an cho đến việc cướp công trình của Hòa thượng ngày ra tù năm 1998.



Xin mời bạn đọc theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn 27 phút do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chép lại dưới đây. Những tiêu đề do chúng tôi đặt thêm cho dễ đọc :
Công an giả mạo chữ viết nhái theo tuồng chữ Hòa thượng viết trong bộ Phật Quang Đại từ điển


Ỷ Lan: Kính bạch Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mấy ngày vừa qua trên mạng Internet tung ra hai tài liệu, trong đó có bức thư thủ bút "Lời Cam Kết" của Hoà Thượng gửi cho cơ quan Công An TP.HCM. Nội dung là Hoà Thượng ngỏ lời cam kết chấm dứt mọi liên hệ và những hành động dẫn đến vi phạm luật pháp của nhà nước, và Hoà Thượng hứa sẽ tìm một nơi yên tĩnh xa thành phố để tiếp tục phiên dịch và hoàn thành bộ Phật Quang Đại Từ Điển xem như nguyện vọng tha thiết nhất trong cuối cuộc đời tu hành của Hoà Thượng. Xin Hoà Thượng cho biết thủ bút "Lời Cam Kết" này có do Hoà Thượng viết hay không?



HT Quảng Độ: Vấn đề này hiện quan trọng đây. Trước hết là tôi trả lời rằng cái bản đấy hoàn toàn là tôi bây giờ mới được đọc. Lý do mà người ta viết trong bản này, lý do chính đó là vì tôi muốn tìm cái nơi an tĩnh để mà hoàn thành bộ “Phật Quang Đại Từ Điển”.




Bức thư giả lưu hành trên internet, nói là của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi công an thành phố HCM, nhưng chính Hòa thượng Quảng Độ xác nhận là giả qua cuộc phỏng vấn
Bộ này tôi bắt đầu phiên dịch khi còn đang bị quản thúc, lưu đày ở ngoài Vũ Đoài vào năm 1982. Lúc đó mới làm được một ít, ngoài đó thiếu phương tiện. Tôi quyết định phải đi về trong Miền Nam mới có phương tiện để làm, thì tôi có viết thư cho ông Mai Chí Thọ.



Lúc đó tôi yêu cầu, đòi hỏi họ là đưa tôi ra đây quản chế như thế này đã 10 năm rồi, từ 1982 đến 1992, mười năm rồi mà không giải quyết như thế nào cả. Bây giờ tôi yêu cầu ông [Thọ] giải quyết cho dứt khoát, tôi có tội thì đưa ra toà đàng hoàng, mà không có tội thì phải giải chế cho tôi để tôi trở về Miền Nam. Tôi hẹn trong một tháng mà các ông không trả lời là tôi tự ra về.



Tự ý rời bỏ nơi quản thúc miền Bắc năm 1992
Lúc đó tôi chờ đúng một tháng không ai trả lời cả, thì tôi quyết định ra về. Đi cùng tôi có những 30 người ở xã Vũ Đoài. Họ cũng muốn theo vào nên họ mua vé cho họ và cả cho tôi. 11 giờ sáng mai là sang bên Nam Định lên tàu đi về. Thế nhưng 4 giờ chiều hôm trước đó có hai người công an ở Hà Nội về nói rằng là ông không được về. Tôi trả lời là tôi đã nói rõ rồi, không được về thì cho tôi biết sớm để tôi quyết định. Chứ giờ đến hôm nay ông mới về, mà sáng mai tôi lấy tàu đi về niền Nam rồi. Họ mua sẵn hết cả vé rồi, bây giờ làm thế nào ? Số tiền đó người ta phải đi vay đi mượn, mà mình không đi coi như mất thôi. Như vậy, thì tôi cứ về đấy thôi. Chứ hoãn thì tôi không hoãn. Họ [công an] để cho về nhưng họ theo dõi từ đấy vào đến Sài Gòn.
Còn cái lý do trong thư gọi là "Lời Cam Kết" có nói lý do yên tĩnh ở xa thành phố. Yên tĩnh ở đâu bằng yên tĩnh trong nhà tù ? Tôi thấy trong nhà tù yên tĩnh nhất, không còn phải đi tìm đâu nữa. Bất cứ nhà tù nào ! Tôi đã trải qua nhiều nhà tù. Ở miền Nam như ở Phan Đăng Lưu thì một mình trong cái xà lim rất nhỏ, rất hẹp, một mình suốt trong gần 2 năm trời, không được tiếp xúc với ai thì cái đó là rất yên tĩnh. Rồi đến lúc ra ngoài Vũ Đoài (Bắc Việt) thì cũng một mình một cái chùa hẻo lánh, nhỏ, ngay giữa cánh đồng. Chả ai lai vãng, thì như vậy quá yên tĩnh rồi chứ việc gì phải đi tìm sự yên tĩnh ? Cho nên cái lý do họ đưa ra là trái rồi.



Vụ xử án 5 năm tù và 5 năm quản chế vì đi cứu trợ nạn dân lũ lụt



Tôi về miền Nam năm 1992, tôi tiếp tục làm bộ [Phật Quang Đại] từ điển đó. Và đến 1994 thì tôi có gửi cho ông Đỗ Mười một tập « Nhận định về những Sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật Giáo Việt Nam ». Ngày 19.8.1994 tôi gửi cho ông Đỗ Mười. Sau đó tôi ra đi cứu trợ. Năm ấy ở miền Nam đồng bằng sông Cửu Long lụt lớn lắm nên chúng tôi đi cứu trợ. Cứu trợ được vài chuyến, thì đến ngày mùng 4 tháng Giêng 1995 họ bắt. Bắt lúc đó đông người lắm. Tôi nhớ có Hòa thượng Nhật Ban, Hòa thượng Không Tánh rồi Đại đức Trí Lực, rồi cả các Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Những vị đó người ta bắt trước. Họ bắt các vị đó ngày 12 tháng 11.1994. Còn tôi mãi đến mồng 4 tháng giêng 1995 tôi mới bị bắt. Trong thời gian tôi chưa bị bắt thì có một đoàn công an từ Hà Nội vào Saigon, xuống dưới chùa Vạn Đức của ngài Trí Tịnh họp. Trong đó có Hòa thượng Trí Tịnh và Minh Châu, họ hỏi ý kiến xem rằng là bắt tôi thì có lợi hay hại gì không. Lợi gì mà hại gì ? Họ hỏi như thế thì Hòa thượng Minh Châu không nói gì. Riêng Hòa thượng Trí Tịnh thì có nói rằng : « Tôi đã bảo các ông đánh rắn phải đánh dập đầu ! ». Thế là mấy hôm sau tôi bị bắt. Còn Ôn Huyền Quang ở ngoài kia thì chùa Phước Hội chuyển sang Phước Quang cách đến 10 cây số. Họ lấy bao nhiêu tài liệu, cả con dấu cũng mất ở đấy. Họ thu hết. Hôm 4 tháng giêng năm 1995 họ giam tôi ở trại giam trên đường Nguyễn Văn Cừ ở giữa Sài Gòn này. Mãi đến ngày 15.8.95 họ mới đưa ra tòa. Đưa ra tòa xét xử hôm ấy riêng tôi với Hòa thượng Không Tánh mỗi người 5 năm tù giam, tôi thì thêm 5 năm quản chế. Xử xong trong một ngày, từ sáng đến chiều, rồi họ đưa về trại.


Hôm tòa xử đông người vào xem mà nó không cho vào. Chỉ có công an thôi, còn tất cả người xem Tăng Ni, Phật tử rất đông ở ngoài, đứng ngoài hàng rào. Tòa án nó ở tòa án cũ của Pháp ngày xưa. Rất đông người ở ngoài nhìn vào, không cho ai vào cả, ở trong chỉ có công an và các quan tòa.


Tôi đoán chắc là hôm ấy ở ngoài, Phòng Thông tin [Phật giáo Quốc tế] cũng bận rộn lắm, vận động khá rộng. Tôi đoán như thế.



Theo luật thì 2 tuần lễ sau người bị xử có quyền kháng án. Nếu thấy oan hay gì thì kháng án để họ xử lại. Độ một tuần lễ sau, công an vào nói với tôi : « Ông có kháng án không ? ». Tôi bảo : « Thôi, quan tòa xử sao thì tôi chịu thế thôi chứ chả kháng án làm chi ». Thế rồi họ ra. Ba bốn ngày sau họ lại trở lại, họ bảo : « Ông nên kháng án đi ! », thì tôi đã nói lần trước rồi, là tôi không có kháng. Tôi ở tù thì cũng nhàn lắm chứ có sao, việc gì đâu phải kháng. Ở đâu thì cũng ăn cũng làm việc thôi.



Ở đây thì tôi có việc làm rồi. Trước khi vào tù tôi đã vận động, nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở. Đặc biệt lắm, bao nhiêu lần nói với họ, rất khó khăn. Tôi nói công việc này ông cứ xem đi, nó có 7 tập, mỗi tập một nghìn trang bằng chữ Hán, ông cứ xem. Ông cứ về Thanh Minh Thiền viện, thầy Thanh Minh sẽ đưa cho ông xem, cứ xem từng trang một xem có giấu diếm gì không. Ông thấy không có hại gì, không chứa gì trong đó thì cho tôi đưa vào tù để tôi làm. Tôi ngồi trong tù có việc tôi làm, đồng thời cũng để giúp các thế hệ tương lai họ có tài liệu tra cứu, tham khảo để học tập. Tôi có nói rõ như thế. Mãi mấy lần, về sau họ mới xét, họ bàn với nhau rồi đồng ý cho đưa vào.



Sự kiểm soát gắt gao ở hai trại Ba Sao và Thanh Liệt, rồi Công an cộng sản cướp giật công trình phiên dịch
Đến lúc mà tôi không kháng án thì họ quyết định đưa tôi ra ngoài Ba Sao. Ngày hôm sau tôi đi, thì ngày hôm trước thầy Thanh Minh đưa cả bộ [Phật Quang Đại] từ điển ấy vào cho tôi để đưa ra ngoài Bắc tôi làm việc. Thế nhưng họ không cho tôi cầm theo. Chính công an cầm theo. Khi ra đến trại Ba Sao mấy hôm sau họ mới đưa bộ từ điển vào cho. Không phải chỉ có 7 tập từ điển thôi mà còn 100 tập vở nữa. 100 tập vở học trò loại lớn dài như trang giấy dùng bây giờ, khổ cũng rộng có kẻ dòng chứ không đánh số trang. Vào đấy một tuần sau, tôi hỏi họ bây giờ ông cho tôi bắt đầu làm việc, thì họ đưa một tập thôi. Tôi bảo một tập không đủ, đưa cả 7 tập bởi vì tập một có nhiều từ liên quan đến tập 2, tập 3, tập 4 thì phải có hết mới làm được. Còn vở, còn bút nữa. Bút cũng sắm đủ 100 bút nguyên tử, bút máy đấy và 100 tập giấy do thầy Thanh Minh xách vào. Nhưng họ giữ hết, chỉ có 7 tập từ điển là họ đưa cho tôi một lúc để tham khảo. 100 tập giấy họ giữ, bút họ cũng giữ. Giấy cứ mỗi lần họ phát cho một tập, họ đánh số mỗi tập 80 trang. Thế rồi họ phát cho một cái bút. Họ đề ở trang bìa ngoài cùng, ông cán bộ nào trực nhận ngày đó có trách nhiệm trông coi tù nhân ngày đó, ông giao thì ông viết tên ông, cán bộ tên gì, chức vụ gì, giao ngày nào, tháng nào, mỗi tập 80 trang ghi rõ như thế rồi họ mới giao cho mình tập đó. Hết tập đó trả cho họ, họ mới giao tập mới. Bút cũng thế, viết hết mực bút này thì phải trả cái quản bút hết mực cho họ, họ mới cho cái bút mới. Họ kiểm soát như thế đấy. Kiểm soát như thế cũng tốt, vì tôi có công việc làm.



Tôi làm hết ở trong tù cho đến lúc được đặc xá ngày 2-9-1998. Về thì họ lại không trả. Gần một trăm tập mà tôi đã dịch rồi, có chữ hết cả rồi. Họ bắt phải làm đơn xin. Làm đơn cho ông trưởng trại để mà xin đưa các tập đó về. Tôi nói không hợp lý. Bởi vì tôi đã xin đưa vào làm ở đây, lúc tôi về ông phải trả lại coi như của mà tôi gửi ông thôi. Mà tôi đâu có gửi, ông giữ chứ tôi có gửi ông đâu. Cũng như tư trang khác, như quần áo, tiền nong ở ngoài người ta tiếp tế cho tôi, bây giờ còn thừa chưa tiêu hết thì ông phải trả lại. Tôi đâu có cần làm đơn xin đâu. Tại sao các tập này lại phải làm đơn xin ? Nếu như thế thì tôi không xin đâu, các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại. Thế là tôi về tôi phải làm lại mất 2 năm trời, vì những công việc tôi làm trong nhà tù họ không trả. Họ bắt tôi làm đơn xin, tôi không xin. Vô lý ! Việc gì phải xin ? Họ giữ của mình, họ giữ tất cả, tiền nong có ai đưa vào họ cũng thu giữ hết, lấy cái vốn đó họ mượn đầu heo nấu cháo, họ mở cantine họ bán hàng cho mình. Họ mua hàng ở ngoài về, quả chuối ở ngoài giả dụ một đồng bạc thì họ bán cho người tù năm đồng bạc. Họ ăn như thế đấy.



Nhưng cái giấy này thì họ giữ làm gì ? Nhai giấy không được. Nhưng họ chỉ gây phiền hà ra cái chuyện bắt gì mình cũng phải làm. Bắt tôi xin tôi không xin. Tôi về tôi bỏ ra hai năm trời tôi làm lại. Tôi không xin ai hết. Xin phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho thì mình cảm ơn. Còn cái này của mình mà họ giữ chứ mình đâu có gửi.




Bộ « Phật Quang Đại Từ Điển » 6 tập, gần 8000 trang, xuất bản tại hải ngoại vì cộng sản không cho in trong nước



Nhái chữ để mạo hóa « Lời Cam Kết » giả
Thì bây giờ tôi nói thế, có nghĩa là có liên hệ tới cái gọi là « Lời Cam Kết » này. Có thể là họ đã nghiên cứu, họ xem nét chữ của tôi viết trong những tập giấy tôi đã viết Từ điển, viết cách như thế nào, chữ a, chữ b, d, c như thế nào chẳng hạn. Thì bây giờ đây những chữ trong « Lời Cam Kết » nó đại khái không đúng một trăm phần trăm. Nhưng mà cũng giống chữ tôi. Mà chữ ở đây là chữ trong gần một trăm tập giấy tôi đã viết Từ điển mà họ giữ lại mười mấy năm nay. Có thể họ tra, họ bắt chước từng chữ một. Nhưng cũng có những chữ không giống một chút nào. Tám phần mười, chín phần mười, chứ không phải là hoàn toàn. Cái này có thể là chữ họ bịa cách đó. Còn cái nội dung này thì cũng không dễ gì. Họ cũng nói đến thế hệ tương lai như tôi đã nói với họ khi xin đưa bộ từ điển vào tù mà làm. Đây là văn hoá chung, không những của Phật giáo mà còn là văn hoá dân tộc những thế hệ sau họ rất cần. Khi học hỏi, tra cứu, nghiên cứu là rất cần. Cho nên tôi xin đưa vào đây để làm, chứ nếu không thì tôi làm làm chi.



Như vậy là « Lời Cam Kết » này hoàn toàn không có sự thật. Tôi xác định như vậy để cho các vị biết. Cái lý do là họ có thể nhái chữ của tôi trong gần một trăm tập mà họ giữ lại mười mấy năm nay.
Ỷ Lan : Như vậy thì kính xin Hòa thượng cho biết vì sao một bức thư viết từ năm 1995, mà nay đến tháng 11 năm 2008, lại đưa ra công bố trên mạng Internet để làm gì ? với mục đích gì, bạch Hòa thượng ?




Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đến thảo luận tình hình tôn giáo và chụp ảnh chung với HT. Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện, tháng 10.2007. Photo USCIRF
Hoà thượng Thích Quảng Độ thời bị quản thúc tại xã Vũ Đoài tỉnh Thái Bình. Photo IBIB
HT Quảng Độ: Như tôi vừa nói đấy, tôi đâu có viết mà bảo rằng có. Bản thân tôi có viết « Lời Cam Kết » đâu mà nó có, nó đưa ra ? Còn bây giờ nó đưa ra là có cái lý do : Giáo hội gần đây, như quý vị biết, không may xẩy ra những việc trong nội bộ. Có một số Tăng Ni kéo bè kéo phái Về Nguồn rồi Thân hữu Già Lam, Tăng Ni Hải ngoại. Bây giờ vẫn còn hậu quả. Nhân cớ này họ ném đá giấu tay, tung ra cái này để tiếp tay cho những người chống đối, ly khai Giáo hội đấy. Chứ tại sao mấy năm trước không đưa ra ? Mà mấy năm trước có đưa ra cũng không có thì làm gì đưa ra được. Bây giờ đây họ phải nhái, họ mượn tay người trong Phật giáo đánh phá Giáo hội. Cho nên bây giờ họ mới đưa ra.



Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, trước đây trên một hai Trang nhà ở hải ngoại không có cảm tình với Phật giáo cũng đã loan tải những “Lời cam kết” tương tự của Hòa thượng gửi Công an vào thập niên 80. Như vậy, có lúc nào trong quá khứ Hòa thượng từng viết lời “sám hối” như thế với Công an hay Nhà nước Việt Nam không, bạch Hòa thượng ?
HT Quảng Độ: Đã không có cảm tình với Phật giáo thì nói làm chi. Họ đã không có cảm tình với Phật giáo… Họ làm cách nào ? Thực tế, là như thế này, từ suốt ba mươi mấy năm nay từ năm 1975 đến bây giờ thái độ tôi, hành động tôi với Nhà nước là như thế nào ? Cứ suy đấy mà ra. Cho đến giờ phút này, tôi chưa qụy lụy trước Nhà nước. Tôi chưa cúi đầu trước Nhà nước. Tôi không ghét gì họ, oán gì họ. Nhưng bởi họ làm toàn đi ngược lại quyền lợi của đất nước, của dân tộc thôi. Cho nên tôi không thể nào cúi đầu phục vụ họ được.




Đến bây giờ các vị biết rõ là đến cả đất nước họ cũng bán đi. Hoàng Sa, Trường Sa các thứ đấy. Một nhà lãnh đạo đất nước, một ban lãnh đạo đất nước có tròn bổn phận đối với đất nước, với dân tộc không ? Một người trách nhiệm bảo tồn đất nước, cai trị nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo tồn lãnh thổ, bảo tồn tổ quốc mà giờ giữ không được, đến nỗi phải bán, phải nhượng. Như vậy mà bắt người dân phải cúi đầu phục mạng thế nào được ?



Cho nên đến bây giờ tôi chưa phục. Chưa phục vì lý do đó. Khi nào các ông làm hoàn toàn lấy lại được đất nước. Bây giờ các ông có trách nhiệm phải đòi lại tất cả những tấc đất, phần đất, phần biển mà các ông đã bán hay nhượng. Không thể để cái gánh nặng ấy cho thế hệ kế các ông. Các ông phải làm tròn bổn phận đối với đất nước và nhân dân. Làm cũng như người giữ tuồng. Trước khi vào hậu trường các ông phải để cho sân khấu sạch sẽ một chút để những vai diễn trò đến sau, người ta lên người ta không phải vất vả quét dọn cái sân khấu. Bây giờ đây ông bán nước thì thế hệ kế tiếp ông… Ông thu tiền, ông hối lộ, ông tham nhũng rồi ông đưa đi thụ hưởng ở nước ngoài. Đất nước ở nhà mất nước ai đòi ? Thế hệ sau chắc gì đòi được ? Rồi phải sống cuộc đời nô lệ ngoại bang. Không ngoại bang này thì ngoại bang khác. Bây giờ các ông cứ làm thử như các vua đời Lý, đời Trần, hay nhà Nguyễn, nhà Lê đi. Bởi vì như nhà Lê, vua Lê Thánh Tông nói đừng để mất một tấc đất của tổ tiên. Còn bây giờ ông để mất bao nhiêu đất chứ có phải tấc, bao nhiêu cây số vuông, hàng nghìn cây số vuông. Dân mình Tàu nó bắn giết như thế mà các ông làm ngơ ! Nó quy định cái chỗ đánh cá chung, hai bên đều chung, thì nó đánh được, mình ra mình đánh cá nó giết, nó bắn mà các ông cứ gục đầu mà chịu. Bảo làm sao tôi kính, tôi phục làm sao được.
Cho nên tôi đối lập đến cùng.




Chừng nào lấy lại được đất, trả lại quyền người dân được tự do hạnh phúc thật sự, dân chủ hoàn toàn, nhân quyền được tôn trọng, toàn vẹn lãnh thổ, thì tôi cúi đầu tôi lạy các ông. Chừng nào các ông chưa làm tôi chưa lạy đâu. Bịa chuyện này chuyện kia mà chống phá, lợi dụng, mượn tay những kẻ ở ngoài chống phá Giáo hội. Cứ trực tiếp đi nào, pháp lý không dám trả lại cho Giáo hội…



Chín điểm hành hoạt ưu tiên của Giáo hội


Ỷ Lan : Kèm với Lời cam kết nói trên, bạch Hòa thượng còn có bài viết của Sư Thích Siêu Phương dưới tiêu đề “Nhận định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN”. Bài viết chống lại Quyết Nghị 9 điểm của Giáo hội. Kính xin Hòa thượng cho biết vị sư này là ai ? Sư có ở trong GHPGVNTN không ? Và xin Hòa thượng cho biết nội dung cùng những điểm trọng yếu trong Quyết nghị 9 điểm của Hội đồng Lưỡng Viện, Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ban hành hôm 15.11 vừa qua ?




HT Quảng Độ: Trước nhất tôi trả lời 9 điểm này trọng yếu như thế nào. Nói chung thì tất cả 9 điểm đều trọng yếu hết. Giáo hội đã nêu ra cái gì là nó nghiêm trọng. Nó quan yếu Giáo hội mới nêu. Nhưng chỉ có cái là mình chia ra những cái ưu tiên. Cái gì cần làm trước thì làm trước. Cái gì làm sau thì làm sau. Trước sau gì rồi cũng phải đòi hỏi cho bằng hết.



Trước mắt vấn đề quan trọng nhất là “Toàn vẹn lãnh thổ”. Giải quyết làm sao vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc, ải Nam Quan ? Đòi hỏi nhà cầm quyền phải làm cho rõ, bán bao nhiêu ? nhượng bao nhiêu ? Còn lại bao nhiêu ? Phải cho nhân dân biết rõ. Chứ bây giờ nhân dân thắc mắc lắm, toàn quốc thắc mắc lắm, chỉ không nói ra được thôi. Nói ra là bỏ tù, cho nên họ không dám nói. Chứ giờ cho họ nói họ sẽ nói ngay. Họ đã nghi ngờ như vậy mà không giải quyết rõ, thành ra họ không tin gì các ông nữa. Cái tín nhiệm của các ông ngày càng bị xói mòn.



Ưu tiên một mà Giáo hội muốn cho rõ ràng, đó là vấn đề Toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai là dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo phải thực hiện cho bằng được. Đấy là ưu tiên thứ hai. Cho nên cứ từng cái một, mà cái trước nhất là buộc Nhà nước này phải công bố rõ ràng về lãnh hải, lãnh thổ của mình. Đã nhượng bộ bao nhiêu và còn bao nhiêu. Nếu đã nhượng bộ bao nhiêu, bán bao nhiêu phải đòi lại, nếu bán phải mua lại. Còn nếu họ lấy thì phải đòi lại, trả lại cho nhân dân Việt Nam. Trước sau gì các ông cũng phải giải quyết. Các ông ngồi đây được nghìn năm à ? Làm gì nắm giữ được chính quyến đến nghìn năm ? Mặc dầu các ông mong đấy. Muôn năm cơ mà, các ông từng nói muôn năm kia mà.



Nhưng không cái gì tồn tại muôn năm được đâu !
Thế cho nên cái ưu tiên thứ nhất, rồi đến ưu tiên dân chủ, nhân quyền, tự do mình cũng phải đạt đến. Nếu giải quyết vấn đề thứ nhất là phải có vấn đề thứ hai. Tức là toàn dân phải được tự do thật sự, bày tỏ rõ ý kiến của mình, tư tưởng của mình, rồi lấy cái đó cùng cái sức đồng thuận ấy, các điểm kia lần lượt sẽ làm hết.
Điều thứ hai, cái thầy Siêu Phương này thật sự tôi chả biết thầy ấy ở đâu, ở chùa nào. Trong Giáo hội từ ngày tôi làm việc Giáo hội đến giờ, khi bắt đầu phục hoạt cũng như trước 75 không thấy thầy Siêu Phương này ở trong Giáo hội hay ở giáo hội nào, hay vị sư Việt Nam nào quen biết đâu. Không những thế, cả các thầy gọi là Viên Giáo, Viên Thành cũng mới đây viết về bài thơ Giấc Mơ lạ của tôi, rồi Viên Giác…
Đại ý như vậy, thực sự không biết nguồn gốc của các vị. Nếu biết các vị là các sư, nhất là sư thuộc thành viên Giáo hội thì càng tốt. Các vị đến thẳng yêu cầu Viện Hóa Đạo triệu tập một buổi họp cho đông đủ, rồi các vị ra trước Hội đồng Lưỡng Viện trình bày các việc mà các vị đã viết trong những bài như thế, phải trái như thế nào. Chúng tôi còn có ý kiến để giải quyết hay góp ý. Chứ còn viết mà không cho biết rõ như vậy tôi cho là những bài viết nặc danh mà thôi.




Cổ nhân có nói rằng là chỉ nói hay viết những gì mình ký được tên thôi. Còn xét ra không ký được tên thật của mình thì đừng nói, đừng viết. Đấy là nguyên tắc hành xử của con người là vậy. Còn đây Siêu Phương đâu biết là ai ?! Kể cả Viên Giáo tôi cũng không biết. Ngoài Giáo hội có hay không thì tôi không biết. Tôi ít được đi đâu suốt ba muơi năm nay, có được đi đâu đâu, cứ trong xó nhà như thế này thôi. Nhưng ở trong Giáo hội thì tôi có thể nói không có vị nào tên là Siêu Phương, có tên là Viên Giáo, có tên là Viên Giác hay Viên Thành, v.v…




Như vậy, những bài viết này tôi có ý kiến chứ không phải không. Nhưng tôi không nói. Nói làm chi với những người đã giấu tên ? Cứ coi như là một cái thư nặc danh. Mà đã là thư nặc danh thì nó không có giá trị gì. Việc gì mình mất thì giờ về những thứ đó. Tuy nhiên, đây là đối với tôi thôi.


Đối với các vị khác, nhất là đối với Phòng Thông tin [Phật giáo Quốc tế] nếu cần phải lên tiếng thì Phòng Thông tin có quyền lên tiếng. Còn tôi, tôi không bàn gì mấy bài viết này, tôi coi như nó vô giá trị. Giá như đối diện mà nói với tôi, đến thẳng Thanh Minh Thiền viện này đặt vấn đề đó với tôi, tôi sẵn sàng nói, trả lời, bàn thảo để làm thế nào như các vị cho là tan rã như thế thì làm thế nào hàn gắn lại được không.
Mình xây dựng, chứ viết đả phá thì ai viết không được. Nặc danh thì mình không đáng nói.


Ỷ Lan : Xin cám ơn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

No comments: