Saturday, June 27, 2009

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC

phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử

đặng phùng quân


Marx là một trong những khuôn mặt lớn ngự trị thế giới tư tưởng thế kỷ XX. Tuy nhiên, so với những nhà tư tưởng khác, vị thế của Marx hơn hẳn vì tư tưởng Marx gắn liền với một chủ nghĩa - chủ nghĩa ấy lại được chuyên chở qua một chính đảng thống trị hơn một phần ba địa chí chính trị gần một trăm năm (đến tận cuối-thế-kỷ/1990, không kể đến sự tồn tục của một số quốc gia sẽ nói đến ở chương sau). Cho nên Mihailo Markovíc, một trong những triết gia của Trường Hạ Korcula và tạp chí Praxis vào những thập niên 60s đã phát biểu: "Khi lý luận của Marx trở thành hệ tư tưởng của cả một phong trào quốc tế đầy quyền lực, và để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này thì nó phải chịu vật hóa và mang những phẩm chất huyền thoại thiêng liêng không được xúc phạm." Hệ tư tưởng ấy thống trị suốt chiều dài lịch sử thế kỷ, cho nên khi đặt vấn đề cáo chung của lịch sử nổi lên từ một số những nhà lý luận vào cuối thế kỷ như Lutz Niethammer, Francis Fukuyama, Perry Anderson, Keith Windschuttle đều hàm ngụ sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - hợp đồng với sự sụp đổ của "chế độ cộng sản". Như vậy còn có thể nói đến Marx?

Câu hỏi có thể bắt đầu từ một thách đố: Trong phần dẫn nhập Về vấn đề phương pháp của cuốn Phê phán lý trí biện chứng xuất bản vào năm 1960, Jean-Paul Sartre cho rằng nếu triết học phải là tổng thể hóa của tri thức, phương pháp, tư tưởng điều hợp, vũ khí tấn công và cộng đồng ngôn ngữ thì chỉ có ba thời kỳ sáng tạo triết học: "thời" của Descartes và Locke, của Kant và Hegel, và sau cùng là "thời" của Marx. Theo ông, những triết học sau Marx, chống Marx hay vượt Marx chỉ là trở lại thời tiền Marx, kể cả xu hướng "xét lại" cũng chỉ là vòng luẩn quẩn phi lý. Chính ông coi tư trào hiện sinh cũng chỉ như một giai đoạn cá thể nằm trong cái tổng thể của chủ nghĩa Mác. Quan điểm này của Sartre mang tính kinh viện, đưa ra vào lúc cấu trúc luận đang ngự trị trên diễn đàn tư tưởng như mở đường cho tư tưởng khai phá mọi lĩnh vực nhân văn. Tuy nhiên Sartre xác tín lý giải duy nhất có giá trị về Lịch sử là chủ nghĩa duy vật lịch sử: "Chủ nghĩa Mác là chính Lịch sử chuyển biến ý thức chính nó, nếu nó có giá trị là vì nội dung vật chất của nó, điều không phải tra hỏi cũng như có thể tra hỏi."

Vấn đề đặt ra là dựa trên cơ sở nào chủ nghĩa duy vật lịch sử có thể xác định sự hiển nhiên của chính nó? Làm thế nào nhận thức được một Lịch sử duy nhất khả hữu?

Trước hết, xét xem nhận định dẫn trên của Sartre có xác đáng? Hỏi như vậy có nghĩa là xét xem Marx có phải là một triết gia theo đúng nghĩa của nó? Gajo Petrovíc đã đặt lại vấn đề khi bàn về chủ nghĩa duy vật biện chứng và triết lý Karl Marx.

Trong những tranh luận về vấn đề Marx có là một triết gia đúng nghĩa có thể chia ra theo những luận cứ như: Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx viết là "khi miêu tả thực tại, triết học như một nhánh độc lập của hoạt động đã mất trung gian tồn tại", và sau đó Marx đã ngừng làm công việc triết lý mà chú trọng đến việc nghiên cứu kinh tế, lịch sử, chính trị và những công tác thực tiễn cách mạng. Theo Petrovíc, ngay trong thời kỳ viết Tư bản, ông vẫn sử dụng cách diễn đạt triết lý. Có luận cứ cho rằng Marx quan niệm không thể thủ tiêu thân phận vô sản nếu không thực hiện triết học, song triết học chỉ thực hiện khi thủ tiêu chính nó, thực hiện toàn diện triết học hàm nghĩa cáo chung của lịch sử. Luận cứ thuyết phục nhất là Marx đã phê bình những nhà triết học chỉ đi giải thích thế giới thay vì phải biến đổi nó. Có phải ý định căn bản của Marx là lao vào thực tiễn cách mạng biến đổi? Như vậy nếu coi Marx là triết gia, phải chăng làm giảm tính mới mẻ chủ yếu trong thông điệp của ông? Petrovíc kết luận: "Tính mới mẻ trong tư tưởng của Marx cũng như trong toàn bộ chắc chắn bị xâm phạm do đòi hỏi triết học dứt khoát phải 'thực hiện' và 'thủ tiêu'. Một hòa giải nhất định của tư tưởng và thực tại chỉ khả hữu như một đầu hàng dứt khoát của tư tưởng cách mạng trước thực tại phản động. Thủ tiêu triết học nhất định chỉ có thể tưởng tượng được như một chiến thắng nhất định của những lực lượng kinh tế hay bạo lực chính trị mù lòa. Như thế thì không thể tưởng tượng được."

Một người Mác xít khác, Karel Kosik trong Biện chứng cụ thể/Dialektika konkrétniho đã khai triển vấn đề này khi hỏi: Làm thế nào người ta có thể thủ tiêu triết học, và đã thủ tiêu ra sao trong tác phẩm của Marx? Vấn đề chỉ có thể đặt ra theo trình tự: Triết học bị thủ tiêu trong khi thực hiện; triết học chỉ thủ tiêu, khi chuyển biến thành lý luận biện chứng của xã hội; triết học thủ tiêu khi tự tan rã và chỉ còn là một khoa học thặng dư: luận lý hình thức và biện chứng.

Nếu triết học trong khi thực hiện sẽ tự thủ tiêu chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa triết học và thực tại. Trong mối quan hệ này, triết học phải hoàn tất hai nhiệm vu: thông qua những phạm trù triết học, những giai cấp ý thức được chính mình và những hình thái khái niệm trong triết học những phương tiện của thực tiễn lịch sử. Thực tại tìm ở trong triết học hình thái lịch sử của một nhận thức cũng như của chính vận động thực tại và giải quyết những mâu thuẫn. Khi phát biểu "sự thủ tiêu triết học nhờ vào sự thực hiện" có nghĩa là vận động xã hội thông qua ý thức và trui luyện trong ý thức những hình thái khái niệm của việc thực hiện chính nó. Trong định thức triệt để của việc thủ tiêu triết học qua tự thực hiện, người ta không thấy chân lý của triết học hay của thực tại mà chỉ có những mâu thuẫn muốn tạo ra một phản ảnh thực tại. Ý thức triết lý coi thực tại như một phản ảnh, và triết học hiện hữu như một biểu hiện của thực tại tha hóa. Cho nên xóa bỏ tha hóa trong vận động biện chứng có nghĩa là tạo thực tại thuần lý, và thực hiện đồng thời thủ tiêu, như Marcuse nhận định "kiến tạo triết học của lý trí sẽ xóa bỏ do tạo ra được xã hội thuần lý". Điều này hàm chứa triết học cáo chung khi nhân loại tổ chức được một cách thuần lý. Vấn đề đặt ra là, phải giả định một triết học công chính đối lập với một triết học nhất định, hay những hệ tư tưởng trong lịch sử. Thủ tiêu triết học là một giả tưởng.

Triết học có thể coi như biểu hiện tha hóa của một the?giới đảo ngược (chữ của Hegel) khi quan niệm triết học bao giờ cũng là triết học có giai cấp, do lý giải lịch sử xã hội luôn luôn là một lịch sử của những đấu tranh giai cấp. Điều đó có nghĩa là mỗi giai đoạn lịch sử của con người được biểu hiện và thống trị của một giai cấp. Nhân loại có một nội dung lịch sử thực liên hệ với giới hạn lịch sử trong khi cụ thể hóa những điều kiện xã hội nhất định. Triết học như vậy biểu hiện cho những điề? kiện này, không thể là chân lý của thực tại. Như vậy triết học ở thời đại tư sản đồng nhất với toàn bộ xã hội tư sản? Và nếu như xã hội tư sản là triết học nhập thể của thời đại tư sản thì sự sụp đổ của chế độ tư bản sẽ là cáo chung của triết học này?

Một cách thế thủ tiêu triết học khác là biến đổi triết học thành một "lý luận biện chứng của xã hội" như Herbert Marcuse trình bày trong Phần Hai tác phẩm Lý trí và Cách mạng/Reason and Revolution. Tuy nội dung sách nhằm đi lý giải lại triết học của Hegel để chứng minh là những khái niệm cơ bản của Hegel nghịch lại với những xu hướng thời đại dẫn đến lý luận và thực tiễn phát xít (sách xuất bản lần đầu năm 1941), nhưng phần hai nhằm trình bày những phát triển tư tưởng, chủ yếu là lý luận của Marx. Marcuse chỉ ra sự chuyển tiếp từ triết học sang lý luận xã hội, "ảnh hưởng của triết học Hegel tới lý luận xã hội và chức năng đặc thù của lý luận xã hội hiện đại không thể hiểu được trừ phi đi từ hình thái mở ra trong triết học Hegel và những xu hướng phê phán dẫn đến lý luận của Marx." Marx xuất hiện đối diện với Hgel như một nhân tố thủ tiêu triết học và xây dựng lý luận biện chứng của xã hội, như Marcuse nhận định: "Lịch sử trưởng thành/Entstehungsgeschichte của nhân loại mà Marx gọi là tiền lịch sử, là lịch sử của xã hội có giai cấp. Lịch sử thực sự của con người chỉ bắt đầu khi xã hội này bị thủ tiêu. Biện chứng Hegel cho hình thái luận lý trừu tượng của phát triển tiền sử, biện chứng của Marx là vận động cụ thể thực." Tuy nhiên, trong những thập niên sau, Marcuse không quan niệm "sự lật ngược" Hegel theo chủ nghĩa duy vật của Marx là quá độ từ triết học sang lý luận xã hội nữa mà là "nhận thức được những gì mà những hình thái đã thiết lập của đời sống đạt tới giai đoạn phủ định lịch sử".

Thật sự những trào lưu tư tưởng ở thế kỷ XX chứng thực khi phê phán và phá đổ hệ thống Hegel đã chỉ ra chân lý của một tư trào mới xuất hiện một cách biện chứng trên cái cũ có tính lịch sử và tương ứng với một chân lý luôn luôn phải xây dựng lại, và những tư trào ấy phát triển độc lập với cơ sở nguyên ủy. Lập luận của Sartre không có cơ sở về nhiều mặt: triết học Marx không phải là thành quả của thủ tiêu triết học, hay quá độ từ triết học này sang triết học khác (bởi điều này hàm ngụ một tiến hóa nội tại của những ý tưởng), không thể quan niệm về mặt biện chứng sự tồn tại vĩnh cửu của hệ thống triết học, dầu duy tâm (Hegel) hay duy vật (Marx), bởi mỗi triết học mang một nội dung xã hội, cũng như chủ thể phát triển triết học là một con người lịch sử cụ thể (trừ phi nhìn nhận lập luận của cấu trúc luận xét trên quan hệ xã hội đối lập với hệ thống, thay vì xã hội với cá thể).

Người ta có thể nói đến phát triển của chủ nghĩa Mác, vì đó là một lịch sử những tư trào bắt nguồn từ lý luận của Marx phong phú và đa dạng trong suốt thế kỷ XX, mà trong hai chương 7 và 8 đã nói đến hai đại diện tiêu biểu, đặt để những vấn đề then chốt: vật hóa và quá trình lịch sử không chủ thể. Cho nên có thể nói đến nhiều chủ nghĩa Marx, điều mà Raymond Aron gọi là những chủ nghĩa Mác tưởng tượng. Những tư trào đó phát triển tư tưởng nguyên ủy, lý giải hoặc thông diễn học thuyết của Marx, bổ khuyết những sai lầm hoặc lỗi thời, nhưng vẫn là những phụ thuyết của chủ nghĩa Mác. Bên cạnh đó, những trường phái như Lý luận Phê phán cũng bắt nguồn từ một số vấn đề của Marx, nhưng đã vượt ra khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa Mác mà phát triển theo những chiều hướng khác. Quá trình lịch sử tư tưởng thế kỷ XX cho thấy nhận định của Sartre chỉ là một phản ứng ngược giòng.

Chính Marx cũng là một nhà tư tưởng ở trong những điều kiện nhất định của thời đại, kể cả khi ông trung thành với quan điểm duy vật về lịch sử. Như quan niệm của Marx về sự tiến hóa của lịch sử, khiến ông đứng về phía tiêu cực, phi nhân bản của sự tiến hóa. Ít ra đã có hai học giả phát hiện ra lập trường của Marx về vấn đề khai hóa thực dân, như khi ông tán thành đường lối cai trị của nước Anh khi bảo hộ Ần độ.

Trong tác phẩm Đông phương luận/Orientalism (1978), Edward W. Said đã dẫn một bài bình luận của Marx chứng tỏ Marx tin vào đường lối thuộc địa của nhà cầm quyền Anh là thực hiện một cuộc cách mạng thực sự:

"Bây giờ, phải kinh tởm cho cảm xúc của con người chứng kiến vô số những tổ chức xã hội gia trưởng cần cù và vô hại đã tan rã và tan biến vào trong những đơn vị của chúng, ném vào trong biển khổ, và những thành phần cá nhân cùng lúc đánh mất hình thái cổ xưa của văn minh và những phương tiện tồn tại di truyền, chúng ta không thể nào quên là những cộng đồng làng quê thôn dã, có vẻ vô thưởng vô phạt, đã luôn luôn là nền tảng vững chắc của chế độ chuyên chế phương Đông, kìm hãm tinh thần con người trong sa bàn khả hữu cực nhỏ, tạo thành công cụ mê tín thuận theo, nô dịch nó dưới những luật lệ cổ truyền, tước đoạt của nó đi cái vĩ đại và những năng lực lịch sử....Nước Anh quả thực khi tạo ra một cuộc cách mạng xã hội Ần chỉ được thúc đẩy do những lợi lộc hèn hạ và xuẩn động trong phương cách cưỡng bách họ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ, liệu nhân loại có làm tròn trách nhiệm nếu không có một cuộc cách mạng cơ bản trong tình thế xã hội ở châu A. Nếu không, dầu những tội ác của nước Anh có thế nào đi nữa, nó cũng là công cụ vô thức của lịch sử mang lại cách mạng.

Thế nên dẫu cảnh tượng làm sụp đổ một thế giới cũ cay đắng thế nào đi nữa có thể xảy đến cho những cảm xúc của chúng ta, về phương diện lịch sử, chúng ta có quyền kêu như Goethe: Sollte diese Qual uns qualen/Da sie unsere Lust vermehr (Dẫu sự hành hạ này có làm chúng ta đau khổ, nó cũng đem niềm khoái lạc lớn lao cho chúng ta?). New York Daily Tribune, 25 tháng 6 1853 in lại trong Surveys from Exile."

Said còn dẫn một đoạn văn khác của Marx củng cố cho lập luận này:

"Nước Anh phải làm tròn hai nhiệm vụ ở Ần độ: một đằng phá hủy, mặt khác tái sinh - triệt tiêu xã hội Á châu và đặt những cơ sở vật chất của xã hội Tây phương lên Á châu."

Said giải thích quan điểm của Marx xây dựng trên cách mạng kinh tế-xã hội, song nguồn gốc vẫn ở trong viễn tượng của những người theo Đông phương luận, sẵn có thành kiến về phương Đông. Leszek Kolakowski cũng dẫn đoạn văn trên để hiểu lý giải của Marx về lịch sử, bắt nguồn từ học thuyết Hegel chủ trương nhiệm vụ lịch sử được những quốc gia hay những giai cấp đặc thù hoàn tất một cách vô thức, bất chấp những tội ác và cuồng nhiệt. Cho nên những tội ác của đế quốc Anh có thể được bao biện cho cuộc cách mạng gần kề. Marx và Engels tin vào những quyền của một nền văn minh cao hơn đối với một nền văn minh thấp. Những sự kiện như công cuộc thực dân Pháp ở Algerie chẳng hạn là những biến cố tiến bộ, nói chung họ hỗ trợ nhiệm vụ lịch sử của những dân tộc lớn đối với những dân tộc chậm tiến, như Engels nghĩ là Áo Hung thâu tóm những nước nhỏ vùng Balkan, Ba lan có quyền thống trị những dân tộc kém phát triển ở phía đông như Lithuanie...

Khái niệm về "những phương thức sản xuất" của Marx là công cụ cơ bản trong việc phân chia lịch sử thành những giai đoạn là một khái niệm tây phương áp đặt lên xã hội, cho nên chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng lúng túng trong việc lý giải cái gọi là "phương thức sản xuất châu Á" vì, một phần lớn dân tộc trên địa cầu sống qua bao nhiêu thế kỷ trong một kinh tế kiểu này, chứng tỏ không có một mẫu mực đồng bộ phát triển cho toàn thể nhân loại, hai là theo Marx, hệ thống châu Á có những đặc thù do những yếu tố địa lý, như vậy làm sao chủ trương ưu thế của kỹ thuật đối với những điều kiện tự nhiên, thứ nữa là hệ thống này trì trệ chỉ có thể cứu vớt qua sự xâm nhập của những dân tộc phát triển kinh tế ở những con đường khác. Phương thức sản xuất châu Á đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử như vai trò tiên quyết của lực lượng sản xuất, tiến bộ là điều tất yếu cũng như sự đồng bộ của tiến hóa của con người trong xã hội.

Những yếu tố dẫn trên có thể chứng tỏ học thuyết về tư bản của Marx áp dụng vào xã hội phương tây chỉ là một tình cờ của lịch sử; mặt khác nó bao biện cho quan niệm "chủ nghĩa xã hội có thể xảy ra trong một nước" theo Lenin và Salin. Làm sao giải thích được vai trò của tác nhân lịch sử, như Aron gọi nó là "huyền thoại vô sản".

Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử là bộ phận chủ yếu của hệ tư tưởng Mác-xít. Trong những chương trên , khi phân tích và lý giải những vấn đề then chốt như tha hóa, tư bản, ý thức hệ tôi đã đưa ra những phê phán từng phần. Xét về toàn bộ chủ nghĩa duy vật lịch sử, một số những luận điểm cơ bản từng được tranh luận ráo riết trong suốt quá trình hinh thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, về mặt cục bộ là những tương tranh chí tử giữa Quốc tế đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ, giữa chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa xét lại, giữa "những chủ nghĩa Mác cá thể" (như Kautsky, Lukács, Karl Korsch, Mao, Gramsci, Althusser v.v..), giữa bôn-sê-vích và trốt-kít, ngày nay mất tính cách sách lược chỉ còn giá trị lịch sử. Những tiền đề trong lý luận phê phán của chủ nghĩa Mác như chủ nghĩa cộng sản ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản như một hình thái tổ chức xã hội, hay chủ nghĩa tư bản tất yếu vế mặt lịch sử phải nhường chỗ cho chủ nghĩa cộng sản, kinh tế quy hoạch xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản tạo ra tha hóa, bóc lột, những chu kỳ khủng hoảng và đao quân trừ bị thất nghiệp đã bị thực tiễn chứng thực không có cơ sở tồn tại.

Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử về mặt lý luận có thể xét về ba mặt: vấn đề (giai cấp) vô sản, vấn đề tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, vấn đề tồn tại của lịch sử (trong quan hệ hữu thể xã hội).

Chủ nghĩa duy vật lịch sử hàm ngụ quan niệm duy vật về lịch sử . Quan niệm duy vật hàm ngụ một triết học duy vật, xét quan hệ giữa hữu và tư duy, giữa vật chất và tinh thần. Một quan niệm sơ đẳng và dễ hiểu trong khi tuyên truyền là "ưu thế của vật chất đối với tinh thần" để phân biệt chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm.

Từ cuốn sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (Materialism y empiriokriticism) của Lenin cho đến tài liệu giáo khoa Cơ sở của triết học Mácxit (Osnovy marksistskoj) hoặc Cơ sở của chủ nghĩa Mácxit-Leninit (Osnovy marksizma-leninizma) hay Những nguyên lý sơ đẳng của triết học (Principes élémentaires de Philosophie) của Georges Politzer thật đơn giản khi khoác cho chủ nghĩa duy tâm, tiêu biểu là Berkeley quan niệm sự vật chúng ta nhận được qua những cảm giác không là gì khác hơn những ý tưởng và những ý tưởng không thể hiện hữu ngoài tinh thần của chúng ta, như vậy sự vật không có thực tại bên ngoài tinh thần, để giáo dục quần chúng về chủ nghĩa duy tâm chủ trương tinh thần sinh ra vật chất, thế giới không hiện hữu ngoài tư tưởng của chúng ta trong khi chủ nghĩa duy vật quan niệm vật chất là thực tại có trước và tinh thần có sau, phụ thuộc vào vật chất, không phải tinh thần sáng tạo ra thế giới và vật chất mà chính thế giới, vật chất hay tự nhiên sinh ra tinh thần, vật chất hiện hữu ở ngoài tư duy của chúng ta, tinh thần không thể hiện hữu nếu không có vật chất, không có linh hồn bất tử, độc lập với thể xác, tư tưởng của chúng ta chỉ là phản ánh của sự vật trong óc con người. Những điều này thật dễ hiểu đối với lẽ thường của quần chúng, và như vậy chủ nghĩa duy vật có tính khoa học, chủ nghĩa duy tâm có tính siêu hình v.v...Những điều nêu trên không phải là sản phẩm của thời Stalin, nhưng chính nơi Engels và những người sau ông như Plekhanov, Lenin. Đâu là mối quan hệ thực sự giữa hai thực tại cơ bản này? Những nỗ lực của triết học hiện đại đã chỉ ra sự phân chia về vật chất và tinh thần là sự phân chia nội tại cơ bản của con người, nhưng con người là một hữu thể thống nhất, hoạt động thực tiễn của con người ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đã chỉ ra là có tính khu biệt dưới mọi hình thái nhưng không thể coi những hình thái này tuyệt đối là vật chất hay tinh thần. Cho nên một lý luận về ưu thế của vật chất đối với tinh thần không phù hợp ngay với quan niệm của Marx về con người là một hữu thể thực tiễn. Một khi con người là hữu thể tự do và sáng tạo, liệu hoạt động tri thức của con người có phải chỉ là phản ánh của thực tại? Lý luận phản ánh mâu thuẫn với khái niệm về con người, như Marx quan niệm là toàn bộ những quan hệ xã hội.

Phê phán huyền thoại về vô sản: Tuyên ngôn của đảng Cộng sản do Marx và Engels được ủy thác soạn thảo vào năm 1848 mở đầu bằng: Một bóng ma xuất hiện ở châu Ấu - bóng ma chủ nghĩa cộng sản (Ein Gespenst geht um in Europa - das Gespenst des Kommunismus) và kết thúc ở câu Vô sản khắp nơi, đoàn kết lại (Proletarier aller Lander, vereinigt euch!). Khái niệm vô sản lần đầu tiên được hình tượng hóa để đối đầu với giai cấp tư sản trong vận động biện chứng mà rõ ràng Marx lấy từ Hegel quan niệm đối lập chủ/nô. Trong sách vở của chủ nghĩa Marx, sự phân định hai khái niệm giai cấp công nhân với vô sản còn lẫn lộn, mơ hồ. Trong sách lược đấu tranh, người mác xít dùng từ công nhân để kêu gọi liên kết với những thành phần khác trong xã hội. Mặt khác, khi nói đến vô sản nhằm để chỉ thị một giai cấp có ý thức, song một khi cần thiết, người ta có thể khoác cho nó cái ám ảnh của một bóng ma, và nhằm phân biệt với một giai tầng thấp hèn, cùng khổ và sẵn sàng gọi hạng người này là "vô sản lưu manh". Lukács là người mác xít đầu tiên đã đưa ra một phân định cơ bản cho ý thức giai cấp khi xác định "đối với vô sản nhận thức toàn diện về vị trí giai cấp là một tất yếu sinh động, một vấn đề sống chết" và "giai cấp vô sản vừa là chủ thể và đối tượng trong nhận thức chính mình". Quan niệm như vậy nhằm chỉ ra là giai cấp vô sản vừa nhận thức chân thực vai trò và chức năng của mình trong xã hội tư bản, vừa có khả năng làm thay đổi số phận của mình thông qua hành động cách mạng. Cũng chính Lukács trong "tự phê bình" và Lucien Goldmann sau này nhận định "một viễn tượng khải huyền" như vậy "chủ yếu chỉ có giá trị như một khái niệm lý tưởng, không phải như một thực tế có tính thực tiễn". Lukács muốn bày tỏ sự thất bại của ông trong việc bắc nhịp cầu nối giữa tiềm năng cách mạng và ý thức hiện thực vì đã không đào sâu vấn đề "lao động như một trung gian đối tác trao đổi vật chất giữa xã hội và tự nhiên" (die Arbeit alsmittler des Stoffwechsels der Gesellschaft mit der Natur). (Vào cuối đời, Lukács theo đuổi một dự án nghiên cứu Bản thể luận về hữu thể xã hội/Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins, trong đó Lao động là một vấn đề cơ bản, song dự án này còn viết dở dang.)

Làm thế nào giai cấp vô sản thực hiện được "sứ mạng lịch sử giải phóng" chính mình, trong khi giai cấp công nhân chỉ là một hiện hữu thường nghiệm, còn vô sản mới chính là một phạm trù chính trị xã hội mà thực tế của nó trong tình trạng chuyển biến. Vô sản trở thành một giai cấp phổ quát nhằm thủ tiêu mọi phân chia giai cấp, nhưng nó chỉ có thể hoàn thành ý thức giai cấp cách mạng thông qua cách mạng giải phóng, nghĩa là biến chuyển thành một lực lượng cách mạng đòi hỏi một trung gian thúc đẩy nó vượt qua cái trực tiếp thô thiển của kinh nghiệm sống. Trung gian này đóng vai trò chiến đấu tiền phong là một chính đảng tiền phong của giai cấp vô sản được chỉ đạo bằng một lý luận tiên tiến nhất. Lukács lập luận chủ nghĩa tư bản tự nó không dẫn đến tiêu diệt trừ phi những con người cá thể bị áp bức và sẵn sàng chống lại nó khi đặt mình phục tùng tập thể có nhiệm vụ biến tự do thực sự thành hiện thực. "Tập thể có ý thức này chính là đảng cộng sản." Đảng cộng sản hơn hẳn những tổ chức khác về phương diện ý thức giai cấp một cách thực tiễn và tích cực trực tiếp ảnh hưởng đến những hành động đặc thù của mọi cá nhân, đồng thời xác định quá trình lịch sử một cách có ý thức, tóm lại đảng là trung gian cụ thể giữa con người và lịch sử (konkrete Vermittlung zwischen Mensch und Geschichte). Kỷ luật và thống nhất là những bộ phận của một toàn thể hoạt động cách mạng dưới hình thức là đảng như một công cụ để trui rèn ý thức giai cấp vô sản thông qua thực tiễn lịch sử. Hơn năm mươi năm sau Lịch sử và ý thức giai cấp của Lukács, thông qua thực tiễn lịch sử, triết gia Nam tư Svetozar Stojanovíc đã viết một tác phẩm nhái lại Lukács, mang nhan đề Lịch sử và ý thức đảng/Geschichte und Parteibewusstsein viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ Serbokroat nhung chỉ được xuất hiện qua tiếng Đức năm 1978. Stojanovíc đã nhìn thấy vấn đề kỷ luật và sự đặt để toàn diện cá nhân con người vào trong ý chí tập thể của Đảng dưới một góc cạnh: nguyên tắc của tính đảng tuyệt đối mà Lenin và Stalin đòi hỏi con người phải sẵn sàng hy sinh không những đời sống mà cả sự tự trọng và cảm tính của mình. Sojanovíc goi?quan niệm đó là "yếu tính của Đảng có trước hiện hữu" và "tính bái vật đảng". Nói một cách nôm na, những gì tích cực là bản chất của đảng, cái bản chất muôn đời không bị xúc phạm, vượt lên mọi thường nghiệm.

Để minh họa điều này ông kể ra một ví dụ:

Andey Platonov đã thành công khi miêu tả để đời tính bái vật đảng như sau: "Đồng chí có bao giờ nhìn thấy Đảng Cộng sản chưa?

"Thưa đồng chí Pyotr, chưa, họ không bao giờ chỉ cho tôi thấy. Ở trong làng, tôi chỉ thấy đồng chí Chumov!"

"Cũng có nhiều đồng chí Chumov như đồng chí thấy ở đây. Nhưng tôi muốn nói về Đảng thuần túy có cách nhìn toàn diện và quan điểm chính xác toàn diện cơ."

Nhiều người qua những cuộc thanh trừng ở Liên xô, Trung cộng, Việt nam v.v... chết đi mà vẫn ngỡ số phận của mình hẩm hiu vì ngộ nhận, không phải do hậu quả của bản chất thật nơi đảng của họ. Trò ảo thuật ?tự phê" thường được áp dụng tinh vi đối với nạn nhân, như Sima Markovíc bị Chủ tịch Quốc tế Cộng sản III bắt viết thư tự phê để sau đó bị giết ở Liên Xô. Slansky bị ép rời chức Tổng bí thư đảng CS Tiệp và viết tự phê cũng bị đưa ra xét xử và hành quyết.

Phê phán huyền thoại tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất: Quan niệm duy vật về lịch sử khởi từ Marx trong tham vọng đưa ra một cái nhìn toàn diện về lịch sử con người, đồng thời lại muốn tìm ra cái then chốt vận động quá trình lịch sử diễn ra theo những quy luật nào. Trong hai tác phẩm của Trần Đức Thảo ở hai giai đoạn khác nhau, ông vẫn tin cái lý nhất quán xuyên suốt là quy luật tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xác định chuyển biến của lịch sử con người, theo quan điểm duy vật lịch sử của Marx.

Trong chương 5, quan điểm của Marx đã được dẫn ra là "những quan hệ sản xuất tương ứng với mỗi giai đoạn đặc thù phát triển những lực lượng sản xuất vật chất", do đó ông đã phân chia lịch sử xã hội con người theo những hình thái xã hội phù hợp với khả năng sản xuất của con người. Lịch sử tiến hóa theo một quy tắc là hình thái xã hội này bị tiêu diệt để được thay thế bằng một hình thái mơi?do kết quả của sự phát triển sản xuất. Phát triển đó được xác định bằng tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Mặc dù điều này có thể khiến cho Karl Marx bị phê phán là tất định kinh tế, song những công trình nghiên cứu về tư bản của ông nhằm muốn chứng minh mấy luận điểm như chủ nghĩa tư bản dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tuy nhiên nó bị ràng buộc trong những quan hệ sản xuất của xã hội tư bản, nên tất yếu đến một lúc nào đó, những lực lượng sản xuất vật chất đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất đã xiềng xích nó, dẫn đến cách mạng xã hội.

Tại sao lại dẫn đến cách mạng? Quan hệ đảo nghịch (Verkehrung) trong Tư bản chỉ ra quá trình khách thể hóa, trong đó sản phẩm của lao động là sở hữu tha hóa và quá trình tư bản là chiếm đoạt lao động tha hóa, tạo thành quyền lực đối lập với lao động sống. Cho nên những quy luật về khủng hoảng, đấu tranh giai cấp và mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dẫn đến xung đột, khởi sự cho cách mạng xã hội. Vận động tác động qua lại diễn ra trên toàn bộ lịch sử theo một quá trình liên lỉ từ những quan hệ xã hội của sản xuất nhằm giai thích những cơ cấu ý thức hệ chính trị, thượng tầng cơ sở, những quan hệ xã hội này được giải thích qua mức độ phát triển của khoa học kỹ thuật và toàn bộ tổ chức trong quá trình sản xuất, tức là những lực lượng sản xuất. Hướng đi của lịch sử là cấu trúc nhân quả liên kết lực lương sản xuất, quan hệ sản xuất và thượng tầng cấu trúc như đã nói đến ở những phần trên.

G.A. Cohen là một trong những nhà mác xít phân tích cùng với John Elster, John Roemer đã có tham vọng giải thích những điều không minh bạch trong tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cũng như vai trò của vô sản tong cuộc cách mạng xã hội này trong Lý luận về lịch sử của Kark Marx/Karl Marx'sTheory of Histoire. Lý luận về lịch sử này dựa trên mối quan hệ nêu trên trong "phương thức sản xuất" đặc thù của lịch sử, đó là chủ nghĩa tư bản. Theo Cohen, lực lượng sản xuất bao gồm những công cụ sản xuất, nguyên liệu và những khả năng sản xuất của công suất lao động bao gồm tài năng, kiến thức, óc sáng tạo và cả khoa học sử dụng sản xuất; quan hệ sản xuất chỉ ra mẫu hình làm chủ lực lượng sản xuất, cấu trúc giai cấp đặc thù ở mỗi phương thức sản xuất lịch sử. Khi đi phân tích bài Tựa nổi tiếng 1859 trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (X. chương 4 ở trên), Cohen lập luận trên hai luận điểm chính, luận điểm về ưu tiên và luận điểm phát triển. Luận điểm ưu tiên của lực lượng sản xuất được thảo luận trong chương VI nhằm chứng minh là những quan hệ sản xuất đặc thù trong một xã hội nhất định được thuận lợi là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, khi những lực lượng này phát triển, những quan hệ cũ trở thành gông cùm của nó, phải thay thế bẵng những quan hệ mới, do đó lực lượng sản xuất có ưu thế hơn quan hệ sản xuất trong năng động của lịch sử. Cohen đã sử dụng lôgích giải thích theo chức năng (functional explanation), nghĩa là giải thích một sự việc căn cứ vào những hậu quả của sự việc. Tuy nhiên làm thế nào chỉ ra được lực lượng sản xuất có ưu thế một khi sự phát triển của nó chỉ xảy đến qua những quan hệ sản xuất.Điều này còn hàm ý là những quan hệ sản xuất mới thực sự có ưu thế trước lực lượng sản xuất, hay nói cho cùng, chỉ có tác động qua lại giữa quan hệ và lực lượng và không thể nói cái này có ưu thế hơn cái kia. Luận điểm phát triển của Cohen dựa trên xu hướng tự trị để phát triển những lực lượng sản xuất trong lịch sử, mặc dầu sự phát triển này chỉ thực hiện qua những quan hệ sản xuất đặc thù. Viện dẫn Marx trong thư gửi Annenkov ngày 28 tháng 12, 1846 tin vào xu hướng tự trị của lực lượng sản xuất phát triển tạo cho lịch sử có mạch lạc, Cohen lập luận xu hướng này nhờ vào một số những sự kiện của bản chất và hoàn cảnh con người là tính thuần lý, sự khan hiếm, mức độ trí tuệ "tạo cơ hội mở mang quyền lực sản xuất" thực hiện sao cho không phi lý.

Cohen quan niệm mức độ những lực lượng sản xuất quyết định khi nào cách mạng có thể thành công hay không, tuy nhiên lịch sử không thể giải thích qua đấu tranh giai cấp, mà do lực lượng sản xuất có chịu đựng xiềng xích của quan hệ sản xuất. Giải thích của Cohen dựa vào khái niệm trừu tượng của tác động thuần lý, lại bỏ qua điều kiện thiết yếu cho giai cấp cách mạng có khả năng lật đổ giai cấp cầm quyền một khi lực lượng sản xuất bị câu thúc.

Phê phán sự tồn tại của lịch sử: Trong phần thảo luận trên về những luận điểm của một nhà Mác-xít phân tích G.A. Cohen (nhằm bảo lưu quan niệm tất định trình bày trong bài tựa 1859 của Marx), là những lý chứng phê phán lý luận tất định lịch sử của chủ nghĩa Mác. Lý luận này đã hạ thấp vai trò của con người (cá thể hay tập thể) trong biến đổi xã hội. Khi Marx quan niệm không hình thái xã hội nào mất đi trước khi những lực lượng sản xuất phát triển, trong khi thực ra sự biến đổi quan hệ sản xuất mới thực sự quan trọng. Chính quan niệm này được áp dụng vào "chủ nghĩa xã hội xảy ra trong một nước" đã tạo những tệ nạn trong việc hình thành chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô như việc tập thể hóa sản xuất nông nghiệp một cách tàn bạo, việc tập trung quyền lực chính trị, khủng bố chính trị và phát triển thống trị trong tay bọn bộ Chính trị thư lại.

Jurgen Habermas đã có những nỗ lực tái tạo chủ nghĩa duy vật lịch sử trong tác phẩm mang nhan đề: Zur Rekonstruktion des Historischen Materialismus. Trong khi đọc lại Marx để xem xét những khái niệm lao động xã hội (gesellschaftliche Arbeit) lịch sử chủng loại (historische Gattungsgeschichte) qua những dẫn chứng:

"Con người bắt đầu phân biệt chính mình với con vật vào lúc khởi sự sản xuất ra những phương tiện tồn tại, một bước yêu cầu của tổ chức thể chất. Khi làm ra thực phẩm, con người gián tiếp tạo ra chính đời sống vật chất của mình."

"Tạo ra" ở đây không phải chỉ có những hành động sử dụng công cụ của cá nhân mà cả "sự hợp tác xã hội" của nhiều cá nhân khác:

"Tạo ra đời sống, của chính đời sống của người này trong lao động, và của người khác trong sinh đẻ, giờ đây xuất hiện như một quan hệ kép: là quan hệ tự nhiên về mặt này và là quan hệ xã hội về mặt kia. Mặt xã hội theo ý nghĩa những cá thể hợp tác, dưới bất kỳ điều kiện nào, cách thức và mục đích nào."

Theo Habermas lý giải, những hành động sử dụng công cụ của những cá thể khác nhau được điều hợp theo đường lối thuần lý có mục đích với một quan điểm hướng về mục tiêu sản xuất. Ông gọi những quy luật của hành động sách lược phù hợp với sự cộng tác vừa nói là một thành phần thiết yếu của quá trình lao động. Những phương tiện tồn tại được sản xuất ra nhằm để tiêu thụ, và phân phối sản phẩm cũng dược tổ chức có tính cách xã hội đòi hỏi những quy luật đối tác có thể sắp đặt giữa những chủ thể trên mức độ hiểu biết ngữ văn, không là trường hợp riêng lẻ mà thường trực theo những quy phạm nhận thức, ông gọi là những quy luật hành động thông giao.

Trong khi duy trì đời sống bằng lao động xã hội, đồng thời con người tạo ra những quan hệ vật chất của đời sống, xã hội cũng như quá trình lịch sử trong đó những cá thể biến đổi cùng với xã hội của họ. Tạo lại lịch sử chủng loại này dựa trên phương thức sản xuất, biểu hiện qua tình trạng phát triển lực lượng sản xuất với những hình thái quan hệ sản xuất. Lý luận về tiến hóa xã hội của Marx đã đề ra một số vấn đề trong khi Habermas phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử: lý luận của Marx đã giản lược đối tác trong mô hình sản xuất chỉ có thể được minh giải trên bình diện thông giao. Nói khác đi cơ sở nhận thức của chủ nghĩa duy vật lịch sử phải cần tới lý luận đối tác thông giao, nghĩa là xét trên bình diện đối tác, phân biệt với mô hình sản xuất của Marx. Theo Habermas, chủ nghĩa duy vật lịch sử đặt trọng tâm vào những lực lượng sản xuất đã không xét đến hiện tượng cấu trúc thượng tầng (Uberbauphanomen), đặc biệt là văn hóa là một nhân tố quan trọng trong biến đổi xã hội. Những cấu trúc của liên chủ thể tạo ra về mặt ngôn ngữ là những điều kiện thiết yếu cho những hệ thống nhân cách và xã hội. Cơ sở trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa những hành động thông giao, tức những hệ thống xã hội và nhân cách, tức những con người cá thể là một lý luận về khả năng nói và làm, quan hệ giũa thông giao và đối tác. Habermas nhận định là Marx và Engels không hiểu nội dung của truyền thống văn hóa đơn giản là ý thức hệ. Ông phân biệt truyền thống văn hóa với ý thức hệ nhằm trả lời câu hỏi đặt ra là liệu triết học có phải là một lực lượng sản xuất hay là một ngụy thức?

Trong những thảo luận về sau, Habermas phân tích tình trạng biến đổi của văn hóa trong chủ nghĩa tư bản về sau, sự lớn mạnh của khoa học kỹ thuật là động lực phát triển những lực lượng sản xuất, những nỗ lực làm mới triết học nguyên ủy (Ursprungsphilosophie). Những nỗ lực triết lý này, bao gồm cả những nhà lý luận Mác xít như hình thái triệt để nhất của tự phản tỉnh đã mất tính tự trị khi đối chiếu với những khoa học. Triết học để tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu thống nhất và phổ quát, bao hàm thống nhất tự nhiên và lịch sử. Triết lý là một lực lượng sản xuất tạo ra sự thống nhất thuần lý tương tự như thống nhất xã hội. Chủ nghĩa duy vật lịch sử không có chiều kích thiết yếu đáp ứng yêu cầu này: Marl thất bại trong việc đặt được cơ sở khả hữu của nhận thức, mặt khác khi dựa trên phương thức sản xuất Marx không duy trì được sự phân cách thiết yếu giữa lao động và đối tác, giữa sinh giới và hệ thống. Chỉ có lý luận về hành động thông giao khả dĩ thiết lập được quan hệ nội tại giữa thực tiễn và lý tính. Lý luận này loại bỏ khả năng của chủ nghĩa duy vật lịch sử trên cả hai mặt lý thuyết và thực tiễn.

Ðặng Phùng Quân

No comments: