Friday, June 12, 2009

VỀ TRỊNH CÔNG SƠN

THƯ NGUYÊN ĐẮC XUÂN (NGƯỜI TRONG CUỘC) GỬI HS TRỊNH CUNG (1)

ngominh | 20 April, 2009 15:03



(Nguyễn Đắc Xuân)


Bạn đọc kinh mến.

Vừa qua, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân ở Huế đã gửi qua email cho Ngô Minh bức thư dài của anh gửi họa sĩ Trịnh Cung. Tôi đọc kỹ và thấy rằng bức thư tâm huyết này sẽ giải đáp cho nhiều bạn đọc rõ hơn TRỊNH CUNG LÀ AI ? tại sao TC lại viết bài TRỊNH CÔNG SƠN VÀ THAM VỌNG CHÍNH TRỊ. Anh Nguyễn Đắc Xuân bảo rằng anh chi gửi cho họa sĩ TC. Tôi đề nghị anh cho tôi được chuyển cho tờ báo mạng DAMAU.ORG, nơi đã in bài của họa sĩ TC vỀ TCS. Đây là ý kiến anh Nguyễn Đắc Xuân đồng ý ( qua email) cho Ngô Minh gửi bài này đi các báo mạng:" Ngo Minh oi, Neu co the Ngo Minh forward bai viet cua minh cho nhung co quan bao chi nao Ngo Minh thay ho can doc. Cam on Ngo Minh. NDX ". Nay xin công bố để bạn đọc cùng chia sẻ sự thật của ngoời trong cuộc . Vì bức thư rất dài , nên NM phải chia làm nhiều kỳ. Xin bạn đọc chịu khó theo dõi.


Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền

Huế, một ngày chớm hè 2009

Anh Trịnh Cung,

Những tuần cuối tháng 3-2009 vừa rồi, tôi không được khỏe, nhưng vẫn phải vào TP HCM để tiếp báo chí, các Đài Truyền hình nói rõ chuyện tôi tìm được Trường ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (NS TCS) như thế nào để giúp ca sĩ Ánh Tuyết ATB nhân ngày giỗ lần thứ tám của nhạc sĩ dàn dựng trường ca nầy vào tối ngày 1-4-2009 tại Nhà hát Hòa Bình vừa qua. Không ngờ trong thời gian đó thì anh - họa sĩ Trịnh Cung - người mệnh danh là bạn thân thiết với Trịnh Công Sơn lại bừng bừng khí thế chuẩn bị món quà cúng giỗ lần thứ tám cho bạn mình bằng bài viêt "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị.


Món quà cúng giỗ của anh dành cho NS TCS làm cho người gần kẻ xa phải trào nước mắt. Họ khóc vì tức giận anh, khóc vì thương NS TCS không may có một người bạn như anh và đồng thời cũng có người khóc vì cám ơn sự dũng cảm của anh đã "hạ" được thần tượng Trịnh Công Sơn trong lòng họ. Báo Thanh Niên (ngày 4 và 5-4-09), hàng chục trang Web trong và ngoài nước nóng lên với hàng mấy trăm ý kiến phản biện món quà ngày giỗ NS TCS của anh. Thiển nghĩ như thế đã đủ và chỉ còn chờ sự tiếp thu của anh nữa mà thôi. Nhưng không ngờ nhiều độc giả trong và ngoài nước, trong đó có cả các con của tôi mà anh đã gặp, gởi e-mail, gọi điện thoại, gặp trực tiếp, đại ý bảo tôi: NĐX là bạn của NS TCS, bạn của họa sĩ Trịnh Cung, bạn của hầu hết những tên tuổi được nêu trong bài viết của Trịnh Cung, những quan hệ, những hoạt động của họ ít nhiều có liên quan đến NĐX, nếu Nguyễn Đắc Xuân không lên tiếng có nghĩa Nguyễn Đắc Xuân đồng lõa, hoặc có nghĩa những gì Trịnh Cung viết đều đúng cả.


Anh Trịnh Cung,

Ta quen nhau đến nay vừa tròn nửa thế kỷ (1959-2009). Lúc ấy anh mới ở làng Chụt, P. Vĩnh Nguyên, Nha Trang ra học Mỹ Thuật, còn mang tên Nguyễn Văn Liễu, làm thơ với bút danh Thương Nguyệt. Trong anh em có Cao Hoàng Nhân, Chiêm Đàm, Thanh Nhung, Ái Phượng Liên... Cuộc sống rất nghèo, nhưng lúc đó chúng ta rất quý nhau. Về sau, tôi vào Đại học Sư phạm, anh ra trường Mỹ Thuật và rời Huế nên thỉnh thoảng mới gặp nhau. Trong các bài viết của tôi về thơ Huế, tôi luôn nhắc đến giai đoạn chúng ta làm thơ cùng Cao Hoàng Nhân. Sau 1975, thỉnh thoảng tôi gặp lại anh, có lúc ở Ngã tư Phú Nhuận, có lúc ở tòa soạn báo Lao Động, cũng có lúc giải khát với Trịnh Công Sơn ở Hội Văn nghệ TP HCM. Tôi mừng anh là một sĩ quan chiến tranh chính trị của quân đội VNCH cũ mà hội nhập được một cách dễ dàng với cuộc sống của Sài Gòn đổi thành TP HCM.


Anh có cuộc sống mới khá sung túc, làm việc có hiệu quả, nổi danh họa, cũng nổi danh viết, lại có bà vợ trẻ hơn 40 tuổi, có thêm con trai. Sau ngày bà Điềm Phùng Thị về Huế và sau mấy cái tang Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, chúng ta gặp nhau luôn. Ta chơi với nhau vì tình bạn, và cùng vì chung sự quý mến những tài năng văn nghệ của các nhân tài quê vợ (đã quá cố) của anh. Anh mời tôi cộng tác với anh làm cuốn sách Trịnh Công Sơn (1939-2001), cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2002). Thế rồi, qua William Joiner Center, chúng ta có những ngày tháng 4 và 5 -2007 ngao du trên đất Mỹ. Giữa hai người, một kháng chiến chống Mỹ cũ và một cựu sĩ quan tâm lý chiến VNCH làm việc cho Mỹ, tuy quan điểm văn học nghệ thuật có khác nhau nhưng trong đời thường không có gì xung đột với nhau cả. Tôi rất quý NS TCS nên rất quý những bạn bè của Sơn như anh. Thế rồi không hiểu sao...anh đi dựng lên món quà "lịch sử" cúng giỗ lần thứ tám hương hồn NS TCS - người bạn quý của chúng ta làm cho tôi vô cùng sửng sốt.

** *


Anh Trịnh Cung, Với bài "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị" đăng trên trang Web: http://damau.org/archives/5055 ngày 1-4-2009), anh cho biết "...bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật." với mục đích "cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS". Anh đánh giá cao những gì anh nung nấu 30 năm qua và anh sẵn sàng chấp nhận phải trả giá cho sự công bố ấy. Anh tự bạch: "Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá". Nhưng dù sao, sau khi công bố những gì anh nung nấu 30 năm qua, anh cũng nhũn nhặn lịch sự kêu gọi: "Tôi xin cám ơn những ai sẽ đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết này được hoàn hảo hơn, kể cả những phản biện". Vì anh yêu cầu, vì lời kêu gọi của bạn, tôi phải bỏ rất nhiều công sức để viết lá thư nầy.


Trước tiên tôi xin anh, xin độc giả gần xa, bạn bè thân quen cũ mới cho phép tôi góp ý, phản biện bài viết của anh Trịnh Cung với các lưu ý sau:

Một, một người cầm bút chân chính không được dẫn chuyện riêng, đời tư của người khác, đặc biệt là chuyện của bạn bè trong đời thường vào chuyện chính trị, chuyện công. Nhưng vì anh Trịnh Cung không thực hiện điều nên tránh đó, nên khi góp ý, phản biện những gì anh đã viết trong bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị, buộc lòng tôi "đạp gai phải lấy gai mà lể", tôi có sử dụng nhiều hồi ức, nhièu kỷ niệm giữa những người bạn Trịnh Cung mà cũng là bạn của NS TCS và bạn tôi được anh nêu tên trong bài của anh;

Hai, ngoài bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị, tôi sử dụng thêm nhiều bài khác mà anh Trịnh Cung đã viết, đã nói, đã trả lời báo chí trước đó;

Ba, để "đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết" của anh "được hoàn hảo hơn"[1] [1], tôi phải sử dụng phương pháp bình luận sử học, bình luận từng phần một bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Vì thế cái thư nầy khá dài, mong Trịnh Cung và bạn đọc kiên nhẫn.

** *

1. Trịnh Cung viết: "Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bộ từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: "Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ".

Tôi không ngờ lại bị Ngô Kha đưa vào thế kẹt. Lúc này, tôi đang là Trung Úy biệt phái dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, vừa bị Nha Mỹ Thuật Học Vụ trả về lại Bộ Quốc Phòng vì được Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ"[2][2] "Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:"Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân... thôi chúc bạn lên đường may mắn!". Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm"."Ngô Kha đang là em rể của Trịnh Công Sơn".

NĐX bình luận: Như trên đã dẫn, mục đích bài viết của anh là để "cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS". Mối quan hệ đầu tiên anh nhấn mạnh đến là NS TCS có người em rế Ngô Kha là cơ sở của Việt Cộng ở Huế, Sài Gòn. Chính Ngô Kha, sau buổi tiệc đầy năm con của anh, rủ anh vào chiến khu với Ngô Kha. Chuyện quan trọng ấy chỉ có hai người biết. Nay Ngô Kha đã bị thủ tiêu, không thể gọi hồn dậy được đẻ hỏi, vì thế phải tin lời của Trịnh Cung. Với tư cách một người bạn của Ngô Kha, một người đã có nhiều năm hoạt động ở đô thị, tôi thấy thông tin nầy của anh gợi lên nhièu điều khó hiểu.
- Ngô Kha là một thầy giáo, đỗ Cử nhân Luật, hoạt động chống chính quyền Sài Gòn lâu năm (ít nhất là từ 1966 đến 1971), sao lại thơ ngây đến mức rủ một sĩ quan chiến tranh chính trị của VNCH chưa từng có biểu hiện gì là có cảm tình với MTGP cả vào chiến khu? Nếu thơ ngây như thế thì có lẽ Ngô Kha đã mời nhiều người đã từng tham gia tranh đấu từ 1963 đến 1971 có biểu hiện "thân cộng" hơn là Trịnh Cung.

Nhưng tôi chưa nghe Ngô Kha rủ ai cả. Và, hoạt động "nằm vùng" mà thơ ngây đến như thế thì có lẽ Ngô Kha đã bị bắt từ lâu rồi chứ không đợi chi đến năm 1971 vẫn còn được tự do đi ăn đầy năm con gái Trịnh Cung;- Vì sao sau khi gặp Trịnh Cung, Ngô Kha - như Trịnh Cung viết: "Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm" . Lý do ? Phải chăng vì đã lỡ rủ Trịnh Cung và bị Trinh Cung từ chối nên sợ lộ nên phải bỏ chuyện lên chiến khu từ Sài Gòn? - Sau khi biết chắc Ngô Kha có quan hệ với MTGP, Trịnh Cung có đi báo với những người thân quen của Trịnh Cung đang làm mật thám cho chính phủ Thiệu Kỳ không ?

- Phải chăng sau đó Ngô Kha bị Liên Thành bắt và thủ tiêu từ nguồn tin đáng tin cậy của họa sĩ Trinh Cung ? Sự thật như thế nào chỉ có Trịnh Cung biết. Nhưng với kinh nghiệm tranh đấu ở đô thị đọc bài của Trịnh Cung trong đầu tôi không thể không đặt ra những thắc mắc ấy.Giả dụ như Ngô Kha thực sự là cơ sở nội thành của MTGP, nhưng nếu không có tài liệu không ai dám qui kết Thúy - vợ Ngô Kha, cũng là cơ sở của MTGP hoặc có quan hệ với MTGP. Huống chi NS TCS là anh của Thúy, anh vợ của Ngô Kha thì có liên quan gì đến chuyện Ngô Kha hoạt động cho MTGP?

Ở miền Nam, thiếu gì những gia đình anh là sĩ quan VNCH, em là Việt Cộng nằm vùng. (Ví dụ như gia đình tôi). Những người ấy đường ai nấy đi, có liên quan gì với nhau đâu. Huống chi Ngô Kha chỉ là em rể của NS TCS. Trịnh Cung dẫn chuyện Ngô Kha để ép NS TCS có liên quan đến MTGP gượng gạo quá. Ai mà tin được cái lý lẽ trẻ con, dễ dãi đến thế của anh.Hơn nữa, nếu dùng phương pháp đặt vào miệng những người đã chết những thông tin bịa đặt theo ý mình như cách làm của Trịnh Cung, thì tôi có thể cung cấp cho giới viết tiểu sử, viết chân dung họa sĩ Trịnh Cung những chuyện sau:"Năm 1982, tôi được Thành ủy Huế cử vào TP HCM trưng bày giới thiệu văn hóa Huế ở Hội chợ tổ chức tại Vườn Tao Đàn cũ. (chắc bác sĩ Trương Thìn còn nhớ).

Họa sĩ Tôn Thất Văn đến giúp tôi trang trí cho gian hàng Huế. Trong khi làm việc tôi hỏi : "Lúc nầy Trịnh Cung làm ăn ra sao. Tôi muốn gặp để thăm ông bạn làm thơ của tôi năm xưa?" Tôn Thất Văn bảo tôi "Anh ta đi học tập cải tạo mới về được mấy năm. Hiện nay đang loay hoay kiếm sống. Nhưng mà ông không nên chơi với cái anh chàng lừa thầy phản bạn ấy làm gì. Chinh Trịnh Cung là người đã từng tìm cách lật đổ thầy Tôn Thất Đào ở Huế, người đã thừa lệnh Hoàng Đức Nhã vô ra Huế phá anh em Phong trào đúc tượng Phan Bội Châu, và nghe nói cũng chính Trịnh Cung vào Trại Cải tạo đã tố cáo anh em họa sĩ là sĩ quan biệt phái ở Huế mà "trốn cải tạo".v.v."

Chuyện tôi kể thật giả như thế nào chỉ có Trịnh Cung biết. Nhưng tôi không thể viết những chuyện ấy ra vì Tôn Thất Văn đã không còn ở trên cõi đời nầy để xác nhận cho tôi và tôi cũng không có băng ghi âm để làm bằng chứng. Nhưng nếu Trịnh Cung dựng chuyện cho Ngô Kha như trên được thì tôi cũng có thể công bố những gì Tôn Thất Văn đã nói với tôi năm 1982 như trên được. Trịnh Cung dám chơi không ?


2. Trịnh Cung viết: "Với bao nhiêu sự việc gắn kết với nhau, hoà quyện, ăn khớp, như thế mà chúng ta vẫn còn hoài nghi, vẫn biện bạch đây chỉ là một thứ tình cảm hồn nhiên hay hoa mỹ hơn, đấy là ý thức về thân phận dân tộc, tiếng nói đòi hoà bình đậm tính nhân bản cho quê hương của một người nghệ sĩ tài hoa như TCS, thì chi tiết sau đây đã được Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: "Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: "Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!". Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn!"

NĐX bình luận: Thực chất sự kiện Trịnh Cung nêu trên như thế nào tôi đã viết trong bài Vô tình Trịnh Công Sơn có mặt trong những bước ngoặt đời tôi, (Trịnh Công Sơn có một thời như thế, Nxb Văn Học & TTNCQH, 2002, tr. 127-128). Tôi xin dẫn lại như sau: "Sắp lại cuộc cờ: Cuối tháng 4-1966, phong trào đấu tranh ở Huế cử tôi và Trần Duy Thọ (đã mất) lên Cao nguyên bàn biện pháp phối hợp với Phong trào ở Đà Lạt (do anh Hồ Hữu Nhật cầm đầu). Làm việc xong, vào đêm 30 tháng 4, mấy người bạn Huế đang có mặt ở Đà Lạt rủ nhau đi dạo phố đêm. Xuất phát từ một biệt thự của chi Sâm trên đường Trần Bình Trọng, vòng qua đồi Nhà thương để hướng lên phía phố. Ánh điện nhập nhòe trong sương mù mát dịu làm cho chúng tôi tách mình ra khỏi cái nóng bỏng của cuộc tranh đấu đang diễn ra suốt hai tháng qua ở miền Trung. Những người bạn Huế đêm ấy có Nguyễn Ngọc Lan, Trần Trọng Thức, Trịnh Công Sơn, chị Sâm (chủ biệt thự) và một ca sĩ mà sau này tôi được biết là Khánh Ly. Lúc ấy bài Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn đang được ưa thích. Vừa đi Sơn vừa hát khe khẻ và bọn tôi hát theo. Cái hồn của bài nhạc gợi cho chúng tôi phải đề cập đến sự tàn bạo của cuộc chiến tranh của Mỹ đang diễn ra ở Việt Nam. Nhạc của Sơn nhưng vấn đề của bài nhạc là của cả thế hệ sống ở đô thị chúng tôi (theo cách nghĩ của tôi lúc ấy). Từ mùa hè 1965 chúng tôi đã theo khẩu hiệu trước Morin Huế "To be or not to be" (Sống hay là chết), "Không thể lấy tuổi trẻ Việt Nam làm củi đốt cho lò lửa chiến tranh". Càng tranh đấu ở đô thị thì cuộc chiến càng diễn ra ác liệt ở nông thôn và rừng núi. Nói đến chuyện chiến tranh là nói đến sự bất lực của mình.


Trịnh Công Sơn vừa đi vừa bảo chúng tôi: -"Không ai hiểu được sự bất lực của chúng ta bằng chính chúng ta". L.m. Nguyễn Ngọc Lan tiếp lời: -"Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng". Trịnh Công Sơn: -"Có lẽ!". Cho đến lúc đó tôi vẫn còn "thuần túy" là một sinh viên Phật tử, chưa hề có một tiếp xúc nào với cơ sở của Mặt trận Giải phóng. Nhưng không hiểu sao tôi cứ bị báo chí Sài Gòn và nhiều bạn bè nghi tôi là người của Mặt trận. Do đó mỗi khi nghe ai đề cập đến Mặt trận Giải phóng là tôi liền nghĩ họ nói để thăm dò tôi và tôi phản ứng lại bằng cách tảng lờ.


Tuy nhiên, đêm hôm đó tôi không thể tảng lờ được trước nhận định của L.m. Nguyễn Ngọc Lan và Trịnh Công Sơn. Tôi không biểu đồng tình với hai người ấy nhưng hai chữ Mặt trận Giải phóng qua miệng hai người ấy đã ẩn sâu vào tâm trí tôi. Một ánh lửa lóe lên ở cuối đường hầm của cuộc đấu tranh đô thị". Câu chuyện chỉ có thế. Chuyện tôi kể và in thành sách lúc Nguyễn Ngọc Lan còn tại thế. Ngày nay, Trân Trọng Thức còn đó, ca sĩ Khánh Ly còn bên kia. Mà có gì quan trọng đâu ? Một ý kiến tản mạn dọc đường, làm gì có chuyện như anh đã tô màu phóng to lên trong bài viết thành chuyện chúng tôi "đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước". Cuộc tranh đấu năm 1966 bị dìm trong biển máu, "con đường của lực lượng thứ ba" đã tắt, tất cả những người tham gian tranh đấu không chịu đầu hàng quân đội Thiệu Kỳ đều có ý nghĩ như L.m. Nguyễn Ngọc Lan: -"Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng". Trịnh Cung vin vào ý kiến "Có lẽ!" của NS TCS mà khẳng định rằng Trịnh Công Sơn là hoạt động cho MTGP là chụp mũ một cách dễ dãi quá!


Mà cần gì phải bịa đặt, lượm lặt những thông tin rời rạc rồi kết lại thành chuỗi chứng minh "TCS thiên Cộng", "Trịnh Công Sơn hoạt động cho MTGP". Chỉ cần nghe lại các Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam (1968), Ta Phải Thấy Mặt Trời (1969), Phụ Khúc Da Vàng (1972), trong những tập này nhiều bài mang tính, và dùng cả từ "cách mạng" cũng có thể thấy rõ khuynh hướng nghiêng về phía MTGP của Trịnh Công Sơn rồi. Cũng giống như Jean Paul Sartre chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có ai bảo J.P.Sartre là cơ sở của MTGP đâu? Thầy Nhất Hạnh với Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện[3] [3],


Phạm Duy với Kỷ vật cho em cũng " thiên Cộng" sao ? Và bản thân tôi như anh đã biết với Để lại cho em (lời Tâm ca số 5), Nhân danh, Chuyện hai người lính (thơ NĐX, được Phạm Duy phổ nhạc), nhiều người nghĩ tôi hoạt động cho MTGP nhưng lúc làm các bài thơ đó nào tôi có biết gì về MTGP đâu! - Vừa rồi có người ngồi bên quán cà-phê bên đầu cầu Trường Tiền đọc bài viết của anh, họ đặt câu hỏi: "So với nhiều họa sĩ trong Hội họa sĩ Trẻ Sài Gòn lúc đó, Trịnh Cung không có gì nổi trội lắm, vì lý do gì mà anh ấy lại được:"Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ" ? Chắc họa sĩ trẻ Trịnh Cung có công gì đó với chính quyền thân Mỹ anh mới được ưu ái đến thế chứ?"


Tôi phản ảnh lại để anh rõ. Nếu có dịp anh nên giải đáp thắc mắc ấy. Anh Trịnh Cung, Như anh đã biết, hoạt động cho MTGP vô cùng nguy hiểm đến sự nghiệp, đến tánh mạng, không lương tiền, đói, khát, bệnh tật, nhiều khi còn bị chính người của MTGP nghi ngờ nữa, thế mà sao giới trí thức có tư duy dân tộc lúc ấy lại hướng về MTGP đông đến thế? Trong bài viết của anh, phần lớn những người tai mắt đương thời đều hoạt động cho MTGP cả! Vì lý do gì ? Có phải vì khát vọng hòa bình, chấm dứt chiển tranh, thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc không? Có phải vì tiếng nói của lương tri không? Bất cứ ai quen biết anh lúc ấy đều có thể trả lời câu hỏi đó một cách dễ dàng. Nhưng anh thì sao? Câu chuyện "con đường của MTGP" giữa chúng tôi nêu trên anh mới nghe lõm bõm gần đây thôi. Anh cũng mới hỏi tôi hồi cuối tháng 3-2009 vừa rồi. Thông tin "thân cộng" nầy của NS TCS chắc không nằm trong những gì anh đã nung nấu 30 năm qua phải không ?

3. Trịnh Cung viết:"Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1).


Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng." NĐX bình luận: Anh đã qui kết cho NS TCS là hoạt động MTGP vì có em rể Ngô Kha hoạt động cho MTGP đã bị thủ tiêu, "đã cùng nhau (Nguyễn Ngọc Lan, Trần Trọng Thức, Nguyễn Đắc Xuân...) bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước".v.v thế vì sao đến lúc MTGP sắp thắng lợi anh không đến nhờ NS TCS -người của MTGP, giúp đỡ che chở cho anh với chính quyền mới mà lại đến "tìm một thông tin tốt" để tìm đường bỏ nước "ra đi" và anh đã hết sức thất vọng vì "TCS từ chối ra đi". Từ ý thức chính trị như thế đến hành động như thế anh có thơ ngây, mâu thuẫn không ? Như trên đã bình luận, năm 1971, Ngô Kha hoạt động cho MTGP mời một anh sĩ quan VNCH vào chiến khu.


Trước 30-4-1975, họa sĩ Trịnh Cung- một anh sĩ quan VNCH chạy tới nhà một người hoạt động cho MTGP để tìm đường bỏ nước ra đi. Không thể nói là thơ ngây mà phải nói là ấu trĩ, khôi hài. Anh hạ uy tín của NS TCS bằng cách giải thích việc NS TCS từ chối ra đi vì "tham vọng chính trị" vì "sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh". Anh cho biết chuyện nầy do kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống đạo diễn. Đối với tôi, KTS Đống không phải là người xa lạ, ngay bây giờ tôi có thể gặp anh dễ dàng, tôi có thể "sếc" lại chuyện đó thực hư như thế nào, nhưng tôi không quan tâm nên không cần "sếc". Bởi vì tôi biết rất rõ vì sao NS TCS không bỏ nước ra đi ngay trước 30-4-1975, sau đó và mãi mãi cũng không ra đi, không ra đi dù tất cả người thân trong gia đình (trừ bà Thanh - thân mẫu của nhạc sĩ) đã lần lược ra đi. Vì một lý do rất đơn giản: Từ sau năm 1972, Mỹ đã bắt tay Trung Quốc, họ không cần dùng Miền Nam Việt Nam làm "tiền đồn chống Cộng nữa, ở lại Việt Nam thiệt hại về người và của quá, lại bị dân Mỹ phản đối kịch liệt nên họ buộc lòng phải ký Hiệp định Paris 1973, rút quân, giao cuộc chiến tranh chống Cộng lại cho VNCH.


Để tránh cuộc chiến người trong một nước giết nhau, NS TCS hoan nghinh chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của MTGP, anh đã sáng tác các bài Hà Nội Huế Sàigòn, Nối vòng tay lớn để hô hào, cổ vũ cho tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Các bài nhạc được quần chúng hết sức hoan nghênh. Tôi chưa hề được biết có dư luận nào phản đối các bài nhạc đó. Ngày 30-4-1975, chiến tranh chấm dứt tại Sài Gòn mà không đổ máu, ước mơ trong các bài hát của NS TCS đã trở thành hiện thực. Có hạnh phúc nào bằng? Rồi ngay trong cái giờ phút lịch sử kết thúc 30 năm chiến tranh Việt Nam vô cùng thiêng liêng đó, NS TCS có mặt ở Đài Phát thanh Sài Gòn hát Vòng Tay Lớn cho toàn dân nghe, cho thế giới biết, tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc của Việt Nam.


Vinh dự biết bao! Thế hệ chúng tôi tự hào có NS TCS phát lên tiếng gọi hòa hợp hòa giải dân tộc đầu tiên ngay sau khi chấm dứt chiến tranh. Làm một người nghệ sĩ, NS TCS chỉ cần sự kiện sáng tác Nối vòng tay lớn, hát Nối vòng tay lớn như thế là đã có tên trong bảng đồng bia đá rồi. Trịnh Cung - mang tâm cảnh của một người lính thất trận làm sao hiểu được hạnh phúc của NS TCS trong giờ phút vinh quang ấy nên mới đến nhà Trịnh Công Sơn tìm đường chạy ra nước ngoài. Xin hỏi Trịnh Cung, giả dụ như lúc đó NS TCS chạy ra nước ngoài với anh thì Sơn sẽ đạt được điều gì? Nếu ra nước ngoài mà vinh quang hơn tại sao sau nầy anh có nhiều chuyến đi Mỹ anh không xin tỵ nạn bên đó mà lại cứ về Việt Nam?


Tư tưởng nhân bản nhất của NS TCS là tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Yêu quý NS TCS là không ngừng hoạt động cổ vũ tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc của nhạc sĩ. Bao giờ anh Trịnh Cung chưa cởi bỏ được tâm trạng hối tiếc mất chế độ VNCH thì anh không thể nào hiểu được Trịnh Công Sơn - người anh khâm phục, mến mộ và là bạn thân nhất của anh. Anh đừng nên lấy những chức nầy, cấp nọ tầm thường của cuộc đời nhiễu nhương vừa qua để hạ thấp vai trò lịch sử của NS TCS. Để anh hiểu rõ hơn lý do vì sao NS TCS không ra nước ngoài, tôi xin trích một đoạn trong bài phỏng vấn Với Trịnh Công Sơn một buổi đầu xuân (Mậu Dần, 1998). Toàn bài phỏng vấn đã được Trịnh Công Sơn đọc lại trước khi đăng báo Lao Động ngày 14-2-1998, và đã đăng lại trong cuốn Trịnh Công Sơn có một thời như thế (Văn Hoc 2002, tr.13-16) của tôi.[...]NĐX: [...] Anh có cảm tưởng gì trong những ngày ở Singapore cũng như những nước đã sống qua?

TCS: Theo mình, Singapore cũng như những nước phát triển khác, rất văn minh, rất hiện đại, hoàn chỉnh đến mức không gây cho mình một cảm xúc nào nữa. Do đó nó xa lạ với mình. Mới qua Singapore hai ngày mình đã muốn về VN ngay, nhưng cận Tết không đổi vé được. Nằm một tuần ở Singapore mình nhớ nhà quá sức! Nhớ dáng dấp VN, da thịt VN, giọng nói VN..

.NĐX: Đó cũng là tâm trạng của nhiều người VN ở nước ngoài lâu nay. Do thiếu quê hương nên nhiều nghệ sĩ rất giỏi vẫn không có nhiều sáng tác hay. Anh nghĩ gì về quê hương trong những ngày này?TCS: Mình vừa vượt qua được cơn bạo bệnh, mừng được thấy đất nước đổi mới từng ngày. Có sống qua những ngày gian khổ khó khăn giờ đây mới thấy được ý nghĩa của những gì có được. Một thế hệ mới đang được đào tạo cho thế kỷ XXI. Mình mong được làm người nghệ sĩ nối hai thế kỷ.

NĐX: Anh có nhớ cái thuở bọn mình lớn lên trong chiến tranh?

TCS: Nếu được đào tạo như bây giờ thì chắc chắn bọn mình không phải như bây giờ. Chính trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, mỗi con người trong chúng ta phải tự đi tìm cho mình một cách thế riêng, tự khẳng định mình."

NS TCS có nói thêm với tôi một câu nữa mà lúc đó tôi không tiện viết ra: "Thú thật, mình xa cái đất nước nầy mình chịu không nổi và cũng không sáng tác được ông à ! Bọn mình mà sống sướng chưa chắc đã làm được như đã làm ! Mình sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn, trong lúc vui buồn với đất nước. Sống sướng về vật chất chưa chắc đã sáng tác được. Sống mà không sáng tác được làm sao sống ông ? Các em mình chúng đi hết rồi. Nếu mình bị bắt ra nước ngoài chắc mình phải vượt biên ngược về thôi !".


Suốt mấy chục năm chơi với NS TCS có bao giờ Trịnh Cung được nghe một lời tâm sự như thế không ? Tôi đoan chắc chưa bao giờ. 4. Trịnh Cung viết: "Từ sự kiện tại Đà Lạt mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn. Thậm chí khi anh được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đưa đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để hát bài Nối Vòng Tay Lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS, tác giả của ca khúc có tính dự báo cho ngày huy hoàng này của quân Giải phóng và bi thảm cho phía VNCH, cũng bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: "Mày có tư cách gì mà hát ở đây!"...

NĐX bình luận: Với ba sự kiện nêu trên, anh cố chứng minh NS TCS là người của MTGP hoặc có nhiều sáng tác nghiêng về MTGP. Đên đây anh lại viết "Từ sự kiện tại Đà Lạt (4-1966) mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn"

Như vậy anh đã mâu thuẫn với anh, trái với mục đích anh muốn đạt đến là "làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS". Hay anh phải bất chấp sự mâu thuẫn ấy để có đủ lý lẽ giải thích sự việc NS TCS vào Đài Phát thanh Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn trưa hôm 30-4-1975 để "bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: "Mày có tư cách gì mà hát ở đây!"? Không rõ ai đã cung cấp thông tin nầy cho Trịnh Cung, theo tôi hồi cuối năm 1974, Tôn Thất Lập, Nguyễn Xuân Lập và một số thanh niên sinh viên Sài Gòn Huế gặp nhau ở Hà Nội. Cuối tháng 3-1975 Tôn Thất Lập và Võ Như Lanh có mặt ở Paris. Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, Tôn Thất Lập đang ở Pháp. Và cũng được biết đến tháng 8-1975 Tôn Thất Lập mới về nước. Nên không thể có chuyện Tôn Thất Lập tàng hình về Sài Gòn đuổi Trịnh Công Sơn như anh viết.

Ngày 7-4-2009, trả lời Đài BBC, anh khẳng định những gì anh viết trong bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị là đúng sự thực và anh chịu trách nhiệm. Anh chịu trách nhiệm về sự bịa đặt nhạc sĩ Tôn Thất Lập "đuổi Trịnh Công Sơn ra khỏi phòng thu" trưa ngày 30-4-1975 như thế nào? Anh xuyên tạc hạ nhục NS TCS vào đúng cái giờ phút vinh dự nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn. Đồng thời anh cũng gây một sự mất mác giữa hai nhạc sĩ cùng quê, cùng thời, cùng là bạn đồng hành trên con đường giải phóng dân tộc. Đến bao giờ anh mới có lời xin lỗi công khai về sự bịa đặt khốn khổ nầy ? Nếu anh không có lời xin lỗi thích đáng tôi tin những bạn bè, những người yêu Việt Nam từ suối nguồn âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ đưa anh ra tòa.

No comments: