Gia Minh, phóng viên RFA
2009-06-03
Vào khi tình hình tranh chấp giữa một số quốc gia tại vùng Biển Đông tiếp tục căng thẳng, ngư dân Việt Nam lại gặp thêm trở ngại trong công việc đánh bắt của họ.
Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ
Chính phủ Hà Nội và Bắc Kinh ký kết Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ hồi cuối năm 2000, và đến năm 2004 thì chính phủ Hà Nội mới chính thức công bố những tọa độ chính xác.
Theo tài liệu do Bộ Ngọai giao Việt Nam công bố thì qua sáu vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, qua thương lượng, hai bên đã nhất trí hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ bằng việc thiết lập một Vùng đánh cá chung với phạm vi hợp lý và cơ chế quản lý thích hợp.
Tuy vậy trong thực tế đã diễn ra một số vụ việc đối với ngư dân Việt Nam khi đi đánh cá tại vùng Vịnh Bắc Bộ trong những năm gần đây.
Hồi tháng giêng năm 2005, có chín ngư dân Việt Nam quê xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa bị tàu tùân tra của Hải quânTrung Quốc bắn chết khi đang làm nghề trong khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Ngòai ra còn một số bị thương và ngư cụ của những ngư dân Việt Nam không may bị tịch thu.
Trước đây, trên 10 năm thì có ra Hòang Sa được, nay thì Trung Quốc chiếm đóng nên không ra được; phải đánh bắt gần bờ hay đi xuống phía nam.
Ô. Đặng Lên, đảo Lý Sơn
Ngư dân gặp khó
Trong thời gian qua nhiều ngư dân Việt Nam cho biết phạm vi đánh bắt hải sản của họ ở ngòai Biển Đông bị thu hẹp lại không thể đi xa ra ngòai như xưa kia cha ông họ từng đi.
Ông Đặng Lên ở Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người trong thời gian qua thay mặt gia tộc họ Đặng giao cho nhà nước một tờ lệnh dưới thời Vua Minh Mạng liên quan việc cử một vị tiền bối trong gia độc là ông Đặng Văn Siểm đưa người ra trấn giữ Hòang Sa, cho biết về việc ra khơi của ngư dân quê ông hiện nay: “Trước đây, trên 10 năm thì có ra Hòang Sa được, nay thì Trung Quốc chiếm đóng nên không ra được; phải đánh bắt gần bờ hay đi xuống phía nam…”
Một ngư dân Thanh Hóa cũng cho biết những khó khăn mà bản thân ông và những người làm cùng nghề gặp phải hiện nay:
“Trước đây khai thác giã kéo nay chuyển san cá thu khơi, nghề kia thì tốn dầu mà nguồn lợi kém. Suốt 50 năm nay cũng đi khắp nam bắc, nhưng nay nghề của 'nó' hiện đại và tàn sát nên kém xưa lắm rồi.
Ra tại vùng biển chung với Trung Quốc thì giới hạn vì nếu có đăng ký biển số chung mới ra được. Phía Trung Quốc thì sang đánh trộm của mình chứ mình thì không sang bên vùng họ được. Trang thiết bị của cả tuần duyên và ngư dân Trung Quốc đều hơn ta, họ vào đánh phía bên ta tận Làng Bò.”
Giải pháp?
Trong khi đó thì phía cơ quan chức năng giúp đỡ gì cho ngư dân ra khơi. Một phụ nữ thuộc Hợp tác xã Đánh cá Hậu Lộc ở Thanh Hóa trình bày: “Thiếu thốn gì thì đầu tư, phát triển nghề mới, mùa nào nghề đó.”
Phía Trung Quốc thì sang đánh trộm của mình chứ mình thì không sang bên vùng họ được. Trang thiết bị của cả tuần duyên và ngư dân Trung Quốc đều hơn ta, họ vào đánh phía bên ta tận Làng Bò.
Ngư dân Thanh Hóa
Đồn biên phòng tại huyện Hoằng Hóa, nơi năm nào có những ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết và những người khác bị thương thì nói: “Đảm bảo an ninh thì chúng tôi làm hết trách nhiệm theo chức trách nhiệm vụ được giao để đảm bảo cho dân đánh cá trên biển.”
Hôm ngày 19 tháng 5 vừa qua, một tàu đánh cá của ngư dân huyện Bình Chánh tỉnh Quảng Ngại khi đang câu mực ngòai khơi gần quần đảo Hòang Sa bị một tàu lạ đâm chìm và bỏ chạy. 29 ngư dân trên đó được một tàu khác cứu vớt. Đến nay thông tin điều tra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa được đưa ra.
Vừa qua Bắc Kinh lại có lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển đanh tranh chấp, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.
Hôm đầu tháng sáu vừa rồi, báo điện tử VietnamNet tuần trích dẫn phát biểu của ông Lê Trần Nguyên Hùng, trưởng phòng Quản lý Khai thác Thủy sản, thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Việt Nam, nói là ngư dân khi bị lực lượng biên phòng phía Trung Quốc bắt giữ, xử phạt thì phải báo cáo ngay về các đài thông tin duyên hải gần nhất, từ đó báo cáo lại cho các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam, và cơ quan này từ đường dây nóng báo lại cho Cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Trần Lê Nguyên Hùng cũng nhắc lại ngư dân phải xác định chính xác tọa độ trong nhật ký đánh bắt cá để khi xảy ra vụ việc thì cơ quan chức năng Việt Nam có chứng cứ để đấu tranh với phía liên quan.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-fishermen-do-their-work-in-narrower-waters-GMinh-06032009113426.html
No comments:
Post a Comment