Sunday, June 28, 2009

Thảm kịch của cô dâu Việt mòn mỏi chờ... rể ngoại
07:32' 28/06/2009 (GMT+7)

- Những ngày chờ đợi có người nước ngoài xem mặt, các cô gái không được tự ý ra ngoài. Một tuần, hai tuần trôi qua, họ bày sòng tiến lên để giải sầu. Tiền bạc, tư trang theo đó cũng đội nón ra đi...

> Những tên "trùm" môi giới gái quê bán cho... chồng ngoại

Chưa xuất ngoại đã nợ như chúa Chổm

Cô gái tên Nguyễn Thu H. (21 tuổi, ngụ Cần Thơ) kể về thời gian ở trong căn nhà mà chủ môi giới tập trung các cô để chờ khách nước ngoài xem mặt. Khoảng 9 giờ mỗi ngày, các cô gái bắt đầu chia nhau làm 2 sòng bài tiến lên. Ban đầu chỉ là chơi cho vui, người thua sẽ đãi cả bọn một chầu xoài, me, cóc, ổi.

Các cô gái lao vào đánh bài, giết thời gian trong những ngày tập trung chờ người nước ngoài. Ảnh: Quốc Quang

Nhưng càng ngày, sự mòn mỏi chờ ngày được xem mặt khiến cho các cô chán nản dần, nhu cầu giết thời gian rảnh rỗi làm mức độ ăn thua cao hơn.

Dù “ăn không ngồi rồi” nhưng mỗi lần sát phạt các cô gái chơi đến 20-40 (người thắng nhất 40.000 đồng, nhì 20.000 đồng). Số tiền nướng vào sòng bạc là những mảnh ruộng, vườn mà cha mẹ các cô đã bán ở dưới quê gom góp cho các cô tìm đường xuất ngoại, lấy chồng giàu.

Không dừng lại ở đánh bài, nhiều cô còn nhiễm cả tật chơi số đề. Chỉ cần thông qua người chăm sóc các cô có nhu cầu đó sẽ được đáp ứng. Những trùm môi giới cũng rất hào phóng, sẵn sàng cho các cô vay mượn nhưng với lãi cao.

Huyền là một trường hợp điển hình cho sự xuống dốc. Khi lên thành phố cô mang theo 10 triệu đồng và một sợi dây chuyền 2,4 chỉ vàng. Tiền đổ vào mỹ phẩm, bài bạc dần cạn, đến lúc sợi dây chuyền được mẹ tặng cho cô với hy vọng làm của hồi môn nếu theo chồng xuất ngoại giờ cũng được cho đi “tàu suốt”.

Vạ vật nhiều ngày ở TP.HCM mà chưa thể kiếm được người nước ngoài xem mặt, không ít cô gái bị "dạt vòm" vào những loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Ảnh: Quốc Quang

“Nếu nợ tiền môi giới không trả được thì sao?”, tôi hỏi. “Em cũng không biết nữa, đến đâu hay tới đó”, khuôn mặt cô hiện lên vẻ bất cần đời khác hẳn sự rụt rè của những cô gái miền quê.

Tôi nhìn khuôn mặt Tr. lúc này, đôi mắt khác hẳn với buổi sáng ra mắt ông chồng tương lai người Hàn Quốc. Khi biết trinh sát đã ập vào, cuộc môi giới thất bại, Tr. cùng bạn bè cô ngồi nép vào góc nhà, úp mặt vào tay khi thoáng thấy những loạt đèn flast đang lóe sáng.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài phút các cô gái lại cười nói trở lại bình thường. Một cán bộ Đội 5, PC14 cho biết: trong số 22 cô gái được Lý Toàn Chân đưa đến, có cả những trường hợp đã 8 lần đi tập trung ra mắt người nước ngoài trong vòng 2 năm trở lại đây .

Xử lý quá nhẹ tay, môi giới chui mọc rễ

Số liệu của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cho thấy từ năm 1995 đến đầu năm 2004 đã có 76.251 cô gái Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan.

Con số này tăng chóng mặt ở những năm kế tiếp và tại TP.HCM, từ năm 2004-2009 đã có 1805 phụ nữ tham gia cho người nước ngoài xem mặt chọn vợ. Cũng từ đó mức độ rủi ro trong hôn nhân gia đình của những cô gái này tăng dần.

Cái chết bi thảm của cô dâu H.M (20 tuổi, quê Kiên Giang) vào tháng 8/2007 là trường hợp điển hình về rủi ro cao khi môi giới hôn nhân trái phép. Cô gái này đã bị người chồng của mình giết hại trong tầng hầm căn nhà đang sinh sống tại thành phố Cheonan, Hàn Quốc, với 18 xương sườn bị gãy.

Trung tá Phan Chí Hùng, đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội, PC14 Công an TP.HCM cho biết: “Từng có những vụ môi giới tinh vi đến độ các chủ môi giới cho xe ôm chở các cô gái đến điểm tập kết từ lúc nửa đêm. Khi ập vào bắt quả tang, số người tập kết đã lên đến 119 người”.

Hiện nay, những đường dây môi giới hôn nhân trái phép tập trung chủ yếu ở khu vực cầu số 2, Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11, quận Tân Phú, quận 8, quận 6… Số lượng phụ nữ tập kết trong những căn nhà do các đối tượng môi giới sắp xếp tuy có giảm nhưng vẫn khoảng từ 5-7 người.

Một cô gái trong đường dây môi giới hôn nhân trái phép khai báo với cơ quan điều tra. Ảnh: Quốc Quang

Việc bắt quả tang môi giới hôn nhân trái phép vốn đã rất khó khăn nhưng trở ngại lớn là công an không thể giải tỏa những điểm tập trung nuôi các cô gái cho người nước ngoài xem mặt được. Khi đến địa phương tạm trú tại TP.HCM, các cô gái này đã khai báo tạm trú đầy đủ.

Dù biết mục đích những người này sẽ tập trung cho người nước ngoài xem mặt nhưng về mặt luật pháp, cơ quan chức năng không thể can thiệp.

Khi tập kết cho người nước ngoài xem mặt, các cô cũng không bị xử phạt nên nhiều người vẫn tiếp tục tham gia vào những đường dây môi giới hôn nhân trái phép.

Công an TP.HCM đã kết hợp với Hội phụ nữ các quận, huyện có xảy ra môi giới hôn nhân trái phép để giáo dục tư tưởng cho những cô gái trong đường dây bị xử phạt. Nhưng công tác này hầu như không hiệu quả. Ngay cả sự phối hợp nhằm giáo dục tư tưởng với những cô gái đã vi phạm lần 2 từ phía địa phương thường trú của các cô hiệu quả cũng không cao.

Cơ quan chức năng đã kiến nghị lên Chính phủ hình thức xử phạt cao hơn với tình trạng môi giới hôn nhân trái phép, thậm chí vi phạm mức độ nặng có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, nhưng hiện nay khung xử phạt vẫn không hề thay đổi. Trong khi đó chân rết của những đường dây môi giới hôn nhân trái phép vẫn không ngừng lớn mạnh tại nhiều vùng quê Nam Bộ.

No comments: