Monday, June 22, 2009

KINH TẾ * CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM

Khủng hoảng kinh tế và doanh nhân Mỹ gốc Việt
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
2009-06-21

Vào lúc tình hình kinh tế Hoa Kỳ suy trầm, các cơ sở kinh doanh của người Việt tại Mỹ đã bị tác động đến mức nào và biện pháp vượt qua khó khăn ra sao? Nhã Trân tìm hiểu thêm qua trao đổi với doanh nhân ở một số tiểu bang, nơi đông đảo người Việt sinh sống. Mời quý thính giả theo dõi.

us-dollars-200.jpg
Khủng hoảng kinh tế khiến lượng ngoại tệ gởi về VN cũng bị sụt giảm. AFP photo.
Đã gần 2 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, nền kinh tế của cường quốc kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Từ một vài tháng nay giới chuyên gia cho biết đã có một vài dấu hiệu cho thấy cuộc suy thoái đã chạm đáy. Điều đó được hiểu là kinh tế Mỹ, hay kinh tế toàn cầu nói chung, có khả năng bước vào giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên tiến trình này là một con đường dài, và sự hồi phục ấy cần một thời gian ít nhất là một hai năm.
Sức tiêu thụ giảm

Ngay thời gian này, điều được nhận thấy qua sinh họat hàng ngày tại Mỹ, nói riêng trong cộng đồng người Việt, mức tiêu dùng của dân chúng không còn được như xưa. Từ siêu thị, hàng quán đến nhiều loại dịch vụ, số khách hàng đều giảm đi. Các ngôi chợ nói chung lúc này ít tấp nập hơn trước, và các cửa hàng cũng cùng hoàn cảnh.

Nói chung là cả hệ thống Phở Hòa đang bị thu nhập kém đi. … Tôi thấy có rất nhiều người tới tôi xin việc làm. Tôi có hỏi thăm thì đa số nói là làm hãng và bị thất nghiệp.

Ông Hòa, quản lý tiệm phở Hòa ở đường Bolsa

Kể về địa phương thì California bị tác động mạnh nhất. Một số đồng hương nói với chúng tôi là ở ngay Little Saigon, những tiệm ăn trước kia khách có khi phải xếp hàng bây giờ không còn hiện tượng đó. Ông Hòa, quản lý tiệm phở Hòa ở đường Bolsa, cho biết từ nhiều tháng qua doanh thu của franchise này, danh hiệu phở có tiếng ở hải ngoại, giảm hẳn:

"Nói chung là cả hệ thống Phở Hòa đang bị thu nhập kém đi. Tiệm của tôi cũng bị, nhưng mà đỡ hơn một số các tiệm khác. Tiệm của tôi xuống khoảng 30%. Tiệm cuả tôi nằm ngay trung tâm Little Saigon thành ra có khách du lịch nhiều nhưng lúc này khách du lịch không còn bao nhiêu. Đó là một phần. Thứ hai là những người Việt tới đây cũng bắt đầu ít ra ngoài ăn. Hình như họ bớt tiêu xài. Tôi thấy có rất nhiều người tới tôi xin việc làm. Tôi có hỏi thăm thì đa số nói là làm hãng và bị thất nghiệp."

Cũng ngay tại thủ đô của người Việt tỵ nạn, trong khi chợ búa, hàng quán lâm vào tình trạng thất thu thì các cửa tiệm buôn bán và cơ sở cung cấp những dịch vụ chính còn gặp tình thế bi đát hơn. Từ những tiệm bán sách báo, băng nhạc cho đến mỹ phẩm, nữ trang, quần áo, giày dép; từ những văn phòng bán bảo hiểm cho tới tiệm cắt uốn tóc, tiệm làm móng tay…cảnh vắng vẻ là điều thường xảy ra trong thời gian này. Trong tất cả những cơ sở đó, các tiệm "nail" bị ảnh hưởng nặng nhất.

Ông Thomas Vũ, quản lý của Number One Hair & Nail ở Quận Cam, cho hay:

"Nền kinh tế nó ảnh hưởng rất là nhiều bởi vì những người nào mà có tiền hoặc là dư tiền thì người ta mới làm đẹp. Trước người ta làm hai tuần một lần thì bây giờ người ta có nhiều khi cả tháng hay hai tháng hoặc là có dịp nào đó thì người ta mới đi. Có những vùng họ giữ được "income" cửa hàng của họ tới 80%. Nhưng mà đối với những vùng có người đi làm lương trung bình thì những chỗ đó ảnh huởng coi như phải tới 50-60%. Bây giờ không thể trả nổi cái 'lease", chờ tới hết cái lease này là đóng cửa tiệm luôn. Có nhiều hãng, nhiều tuần phải bỏ tiền riêng ra để bù đắp tiền nhà. Đa số sống thoi thóp thôi, chịu đựng theo thời gian, chờ xem cuối năm hoặc năm tới xem tình hình kinh tế như thế nào."

Trong khi các cơ sở kinh doanh và doanh nhân người Việt ở California bị tác động mạnh bởi kinh tế suy thoái, giới đồng nghiệp của họ ở các bang khác cũng không gặp hoàn cảnh khá hơn. Hỏi thăm một số tiểu thương ở Seattle, Texas, Maryland và Virginia, chúng tôi được biết các thương vụ bán lẻ và dịch vụ đã xuống từ 50 đến 70%.

Có nhiều hãng, nhiều tuần phải bỏ tiền riêng ra để bù đắp tiền nhà. Đa số sống thoi thóp thôi, chịu đựng theo thời gian, chờ xem cuối năm hoặc năm tới xem tình hình kinh tế như thế nào.

Ông Thomas Vũ, quản lý Number One Hair & Nail ở Quận Cam

Một trong những lãnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Mỹ trong giai đoạn này là lãnh vực địa ốc. Từ khi kinh tế xuống dốc vô số nhà bị tịch biên sau khi chủ lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Những người buôn bán nhà cửa và làm các dịch vụ liên quan bị tác động không ít, đặc biệt những người sửa chữa nhà cửa gần một năm nay có rất ít việc để làm. Anh Nguyễn Luân của nhóm Tych's Realty ở California cho biết:

"Địa ốc trong vòng mấy năm nay xuống nhiều. Thời buổi này đối với realtor tụi tui thì chỉ một số rất là ít có thể sống được bằng nghề này full time, còn lại phải bỏ nghề. Nó ảnh huởng rất nhiều tại vì ngay cả việc tìm căn nhà rất là ít. Ngày xưa một tháng mình có thể bán hai ba cái, có nhiều khi bán bốn năm cái thì may ra mới đủ. Giá nhà có những khu vực còn rớt hơn 50%, ảnh hưởng luôn tới những người làm công việc mượn nợ. Trong vòng 4 tuần nay thì tình hình có vẻ khả quan hơn một chút, nhưng mà đa số người mua cũng chỉ là những người đầu tư nhiều hơn là những người mua nhà lần đầu."
Hy vọng

Trong hoàn cảnh chung của giai đoạn này, các cơ sở kinh doanh của người Việt ở Mỹ hiện vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Cơn khủng hoảng này sẽ còn tồn tại ít nhất là vài chục tháng, theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế. Trong thời điểm mà ánh sáng chỉ mới le lói vài tia yếu ớt ở cuối đường hầm, có hy vọng nào cho giới doanh nhân đang đối diện với thử thách?

Ông Đỗ Quang Tỏa, Chủ Tịch Small Business Development Group, một công ty giúp phát triển tiểu thương từ bang Virginia, nói rằng vẫn có biện pháp để giảm thiểu mức bi đát của tình thế. Vào thời điểm này có một vài yếu tố khích lệ cho việc kinh doanh. Với kinh nghiệm của hơn 10 năm giúp doanh nhân đã đem lại cho ông các giải thưởng doanh nhân xuất sắc của Hoa Kỳ, ông Tỏa chia sẻ:

"Bây giờ những người nào đang có business thì xin nhìn lại ngân sách của mình, tìm cách cắt giảm những chi phí để mình qua được cơn bão tố này. Tôi nghĩ là từ cuối năm nay đến đầu năm sau thì nó sẽ không xuống nữa và đến khoảng hè năm sau thì có thể như nhiều người dự đoán là phục hồi. Nếu có ý dịnh muốn làm business thì nên sửa soạn sẵn sàng, tại vì khi mà mọi thứ đều lên thì nhiều người ra, cho nên nếu muốn khởi sự thì bây giờ có nhiều ngành nghề người ta bỏ, người ta không làm, thì lúc này là lúc mình nhảy vô. Mình nhảy vô bây giờ nhưng đừng có làm lớn. Thứ nhì nữa là nếu mình có vốn và mình có khả năng mượn tiền thì tôi xin khuyên quý vị mượn tiền nhà băng để làm thương mại. Tiền của mình thì cứ giữ để phòng hờ, tại vì đa số người Việt lấy tất cả tiền "saving", tiền vay mượn bạn bè lấy ra làm, khi mà gặp trở ngại thì không có tiền để xoay sở nữa."

Tin tức vài ngày nay cho thấy tình trạng kinh tế Mỹ nói chung có phần đỡ trầm trọng. Theo tuyên bố của Tổng Thống Barack Obama, 600.000 việc làm sẽ được tạo trong thời gian sắp tới. Đây mới chỉ là dự kiến nhưng dù sao đối với một số người, trong đó có những doanh nhân gốc Việt, đó là một tin đáng lạc quan ngay tại thời điểm này.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: