Wednesday, June 24, 2009

NGUYỄN KHUÊ * VĂN HÓA

KỶ NIỆM VỀ GS. BỬU CẦM

NGUYỄN KHUÊ


Tôi không khỏi ngần ngại khi thuật lại những hồi ức, kỷ niệm về GS. Bửu Cầm, bởi lẽ những hồi ức, kỷ niệm ấy có liên quan mật thiết với tôi, nên không thể thuật lại mà không ít nhiều nói đến tôi, nhưng cái tôi thì lại rất đáng ghét. Hơn nữa, cũng có thể có người nghĩ rằng tôi muốn nhân viết về GS. Bửu Cầm mà gián tiếp nói về mình.

Tuy nhiên, GS. Bửu Cầm là thầy của tôi từ năm l963, khi tôi học cử nhân giáo khoa Việt Hán , tiểu luận cao học và luận án tiến sĩ của tôi; trong khoảng 1970-1975, khi GS. Bửu Cầm làm Trưởng ban Hán văn, thì tôi là Phụ tá Trưởng ban; từ ngày Thầy về hưu đến nay, tôi vẫn thường tới lui thăm viếng. Một phần của cuộc hội thảo khoa học này là để kỷ niệm 90 năm ngày sinh của GS. Bửu Cầm (đây là lần đầu có cuộc hội thảo khoa học về Thầy), tôi là người gần gũi Thầy trong một thời gian dài như thế, mà không ghi lại một vài hồi ức, kỷ niệm về Thầy, nghĩ cũng có lỗi không ít với thẩy của mình.

Vì những lý do nêu trên, tôi sẽ chọn thuật lại những hồi ức, kỷ niệm về GS. Bửu Cầm không có cái tôi trong đó, hoặc giả nếu có thì cũng rất mờ nhạt và bất đắc dĩ.

1. Một học giả, giáo sư uyên bác và mẫu mực khả kính

GS. Bửu Cầm sinh năm 1920 tại thôn Vĩ Dạ, Thừa Thiên Huế, là con trưởng của thi sĩ Ưng Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố [3], tằng tôn (cháu gọi bằng cố) của thi hào Tuy Lý Vương Miên Trinh (con thứ 11 của vua Minh Mạng) nổi tiếng “thất Thịnh Đường” [4]. Thầy được học trò và giới nghiên cứu kính trọng về hai phương diện: sự uyên bác và tác phong mô phạm.


Thầy không phải là một trí thức khoa bảng, mà là một học giả. Kiến thức uyên bác của Thầy là kết quả của sự tự học. Năm ngoài 20 tuổi, Thầy đã là chủ biên của Tinh hoa văn tập và tập san Gió lên xuất bản tại Huế. Ở tuổi 25, Thầy đã biên soạn cuốn Tống Nho – Triết học khảo luận (Trần Trọng Kim đề tựa năm 1945) [5]. Đây là một công trình biên khảo rất có giá trị về mặt tư tưởng học thuật, với tư liệu tham khảo phong phú gồm 2 sách quốc văn, 63 sách Hán văn và 13 sách Pháp văn, đòi hỏi soạn giả phải có học vấn uyên thâm về Nho học nói chung và Tống Nho nói riêng; một công việc không phải dễ dàng, nếu không nói là khó, với bất cứ nhà Hán học nào. Mặt khác, con số vỏn vẹn 2 sách quốc văn tham khảo còn cho thấy thời ấy (và cả bây giờ) Tống Nho là cuốn sách hiếm hoi trong tủ sách tiếng Việt cùng loại. Cũng nên nói thêm Trần Trọng Kim là một học giả tên tuổi, có nhiều tác phẩm biên khảo rất có giá trị, trong số đó có cuốn Nho giáo [6].


Theo sự đọc sách hạn hẹp của tôi, tôi không thấy học giả họ Trần đề tựa cho một cuốn sách nào khác. Ông đã viết lời tựa cho cuốn Tống Nho của một thanh niên 25 tuổi, có nghĩa là ông nhận thấy cuốn sách ấy có giá trị. Sau Tống Nho, Thầy tiếp tục biên soạn thêm gần 20 công trình gồm nhiều thể loại như biên khảo (Việt ngữ chính tả tự vựng, Tìm hiểu Kinh Dịch, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Thư mục về Nguyễn Du…), dịch thuật (Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Hồng Đức bản đồ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam hội điển), phiên âm và chú giải các tác phẩm chữ Nôm (Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương, Hoài cổ ngâm của Tương An Quận vương, Trăm thương của Tương An Quận vương). Ngoài ra, Thầy còn có nhiều bài viết đăng trên Văn hóa nguyệt san, Khảo cổ tập san, Đồng Nai văn tập. Về giảng dạy, trong khoảng 1950-1953, Thầy dạy trường Quốc học Huế. Từ 1958, Thầy được mời giảng các môn Lịch sử Việt Nam, Ngữ học Việt Nam, Văn chương Việt Hán, Văn chương Trung Hoa, Triết học Đông phương tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.


Năm 1970, Thầy được cử giữ chức Trưởng ban Hán văn thay cho GS. Nghiêm Toản xin nghỉ. Do những cống hiến lớn lao của Thầy về nghiên cứu cũng như giảng dạy, năm 1969 Thầy được phong Giáo sư diễn giảng, năm 1972 Thầy được thăng Giáo sư đại học thực thụ [7]. Thầy đã bảo trợ cho nhiều đề tài cao học và tiến sĩ, làm chủ khảo hoặc giám khảo trong nhiều hội đồng chấm các tiểu luận cao học về văn chương quốc âm, văn chương Việt Hán, văn chương Trung Hoa, Sử học, Triết học Đông phương. Năm 1972, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn bắt đầu mở tiến sĩ [8],


Thầy lại giảng dạy và làm chủ khảo kỳ thi tốt nghiệp năm thứ nhất tiến sĩ chuyên khoa Hán văn. Thầy cũng được mời dự hội nghị quốc tế về Trung Quốc học ở Đài Loan, được cử tham gia Phái đoàn Giao dịch với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đông Nam Á tại Nhật Bản và là thành viên của Ủy ban Hỗ tương Thẩm định Giá trị Văn hóa Đông Tây của UNESCO. Thời tôi học cử nhân giáo khoa Việt Hán, ban Hán văn chỉ có hai giáo sư cơ hữu là GS. Nghiêm Toản (Trưởng ban) và Thầy, các vị khác như Thẩm Quỳnh [9], Bùi Lương [10]… đều là giảng viên thỉnh giảng.


Các thầy hoặc xuất thân Hán học, hoặc xuất thân Tây học kiêm Hán học, nên vị nào cũng có tác phong mô phạm. Nói riêng về Thầy, ngoài sự giảng dạy đúng giờ giấc và tận tâm, Thầy rất thương học trò. Nhiều sinh viên không hiểu Thầy, cho là Thầy khó. Thật ra, Thầy chỉ giảng dạy nghiêm túc và đòi hỏi sinh viên cũng phải học tập nghiêm túc. Trong lớp, Thầy ít khi nói vấn đề gì khác ngoài bài giảng. Thời bấy giờ, ghi danh học cao học và tiến sĩ không phải qua kỳ thi, chỉ cần hội đủ điều kiện qui định cho mỗi bậc học và phải được một giáo sư nhận bảo trợ. Vì thế, cũng như GS. Nghiêm Toản, Thầy rất chặt chẽ trong việc nhận bảo trợ đề tài cao học và tiến sĩ. Trong thời gian học cử nhân, tôi chưa một lần đến nhà Thầy (đối với các thầy khác cũng thế). Nhưng từ khi làm cao học, rồi tiến sĩ với sự bảo trợ của Thầy, thì tôi thường đến gặp Thầy để hỏi ý kiến, để xin Thầy đọc những chương, những phần trong luận án mà tôi đã viết xong. Lần nào Thầy cũng vui vẻ tiếp, ân cần hướng dẫn, góp thêm ý kiến, sửa chữa những chỗ sai lầm trong bản thảo (Thầy đọc kỹ và trả lại đúng hẹn), chỉ cho những sách liên quan đến đề tài cần phải đọc thêm, thậm chí còn cho mượn những tài liệu tham khảo mà tôi không tìm được ở các thư viện. Bởi học thức uyên bác, sự tận tâm giảng dạy và lòng thương yêu sinh viên mà Thầy được nhiều thế hệ học trò kính mến.

2. Một nhà giáo thanh bạch

Từ khi tôi bắt đầu học với Thầy cho đến năm 1973, nếu tôi nhớ không lầm, Thầy và gia đình sống trong một căn nhà thuê nhỏ hẹp trong một con hẻm cụt cũng nhỏ hẹp trên đường Đặng Dung ở vùng Tân Định quận l. Những ngày có giờ dạy, mưa cũng như nắng, Thầy đi bộ từ nhà đến trường, rồi lại đi bộ từ trường về nhà. Lúc nào tôi cũng thấy Thầy mặc áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt, chỉ khi tham gia hội đồng chấm bảo vệ cao học thì Thầy mới mặc com-lê. (Thầy Nghiêm Toản thì quanh năm mặc một bộ com-lê cũ kỹ, chúng tôi gọi đùa là bộ com-lê tứ thời. Thỉnh thoảng, Thầy cũng đi bộ đến trường, nhưng thường thì Thầy đi chiếc xe hơi cũ kỹ “deux chevaux”, tức hai mã lực, do con Thầy là anh Nghiêm Hồng lái. Loại xe hơi này do Pháp sản xuất, thời bấy giờ người ta gọi đùa là “xe con cóc” hoặc “xe song mã”). Nếu chúng ta biết rằng có một giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn khác, cũng ở đường Đặng Dung, cách nhà Thầy không xa, đi đến trường trong một chiếc xe hơi sang trọng, thì mới thấy được sự thanh bạch của Thầy.


Thầy có hiệu là Tam bất cư sĩ 三不居士.“Tam bất” là nói rút gọn câu “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.” (Sự giàu sang không thể làm cho trở nên dâm dật, sự nghèo hèn không thể làm thay đổi tiết tháo, uy quyền vũ lực không thể khuất phục.) Qua đó, có thể thấy cách lập đức của Thầy. Thầy gọi nơi đọc sách và trứ tác của Thầy ở Tân Định là “hiên Tam bất” và thường ghi bên dưới các bài tựa là “Viết tại Hiên Tam bất…” Như khi đề tựa cuốn Tâm trạng Tương An Quận vương qua thi ca của ông [11], Thầy ghi (tôi giữ đúng cách viết hoa và gạch nối của Thầy): Viết tại Hiên Tam-bất ở Tân-định, Sài-thành, tiết Trung-thu năm Canh-tuất (1970)

Năm 1973, Thầy mua được một căn nhà ở đường Mai Ngọc Khuê (nay là đường Nguyễn Thanh Tuyền) quận Tân Bình, rộng rãi hơn căn nhà ở Tân Định, nhưng lại quá xa trường. Mỗi khi có giờ dạy, Thầy không thể đi bộ đến trường như trước kia, mà phải nhờ các anh con Thầy đưa đón bằng xe gắn máy hoặc đi xe ôm. Tuy nhiên, Thầy thích căn nhà này vì có một khoảnh sân nhỏ vừa đủ cho Thầy trồng một khóm trúc, để một chậu mai và treo vài chậu phong lan.

3. Bế môn tạ khách


Năm 60 tuổi (1980), Thầy tự ý xin về hưu, mặc dù nhà trường yêu cầu Thầy tiếp tục giảng dạy. Từ đó Thầy nghỉ dạy hẳn, gần như sống ẩn dật, ngoài chỗ thân tình cố cựu ra thì Thầy rất ít tiếp khách. Một số người chỉ biết Thầy qua những công trình nghiên cứu, nhưng chưa gặp, muốn đến thăm Thầy mà không được.


Vì thế, có người đã nhờ tôi đưa họ đến gặp Thầy. Anh Huỳnh Như Phương khi còn làm Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí, có bàn với tôi về việc Khoa đứng ra ấn hành Bửu Cầm tuyển tập. Dự kiến đó của anh Phương không những cho thấy anh ấy quan tâm và có cái nhìn xa về học thuật, mà còn biểu lộ sự quí trọng của anh ấy đối với Thầy. Tất nhiên tôi rất mừng và tán thành. Năm Thầy 70 tuổi, anh Huỳnh Như Phương, anh Nguyễn Ngọc Quận và tôi đến mừng thọ Thầy. Nhân dịp này, anh Phương đặt vấn đề in lại những công trình nghiên cứu quan trọng và có giá trị của Thầy, và Thầy rất hoan hỉ. Đáng tiếc sau đó vì một số trở ngại, việc ấn hành bộ sách nói trên không thể thực hiện.

Nếu Bửu Cầm tuyển tập mà in được như dự kiến, thì Khoa Ngữ văn và Báo chí đã làm được một việc vừa có ích cho học thuật, vừa có ý nghĩa đối với Thầy. Năm 2000, Thầy lại dời chỗ ở đến cuối một con hẻm cụt cạnh chùa Hải Quang, gần chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình, cách căn nhà cũ ở đường Mai Ngọc Khuê không xa. Thầy đặt tên căn nhà mới này là Dã Phương Trai. Cuộc sống vãn niên của Thầy được thi vị hóa qua bài thơ Thầy gửi tặng tôi: DÃ PHƯƠNG TRAI Nhà tôi chỉ có sách và hoa, Một chiếc đàn tranh, một ấm trà. Khóm trúc, cành mai đùa gió sớm; Hiên trăng, gác mộng đón hương xa. Ong vờn giậu cúc tình chan chứa, Bướm lượn thềm lan ý đậm đà. Trước cửa chim trời cao giọng hót, Ngoài song tiếng dế cũng ngâm nga. Nếu ai từng đến thăm Thầy ở Dã Phương Trai, vừa bước vào cái sân nhỏ (còn nhỏ hơn cái sân ở căn nhà đường Mai Ngọc Khuê) thì thấy có đủ mai, lan, cúc, trúc. Trong nhà treo một bức hoành phi chạm ba chữ Hán 野芳齋 (Dã Phương Trai) thếp nhũ kim, một câu đối khảm xa-cừ, vài bức tranh Tàu, một cây đàn tranh; gần chỗ tiếp khách trưng bày mấy món đồ cổ, bên trong là vài tủ sách lớn. Với phong thái nhàn nhã tự tại, dường như Thầy không còn bận lòng về việc đời. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi. Qua những lần đàm đạo với Thầy cũng như qua bài thơ làm ở tuổi 80, mà theo Thầy nói thì sau bài này Thầy gác bút, người ta thấy Thầy vẫn còn nhiều trăn trở:

MỪNG THỌ TÁM MƯƠI TUỔI
Con cháu đông vui họp một nhà,
Tám mươi tuổi thọ hãy mừng ta.
Thương người bốn biển, trời không phụ;
Mê sách ngàn pho, thánh chẳng xa.
Mong thấy thiên đường thay địa ngục,
Muốn nghe nhân nghĩa định sơn hà.
Hoàn thành ước nguyện, lòng thanh thản,
Thượng uyển phương quỳnh chớm nở hoa.

Có thể nói con người của Thầy là sự kết hợp hài hòa giữa khí tiết “tam bất” của một nhà nho quân tử và cốt cách phong lưu của một người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Một lần tôi đến thăm Thầy, trong khi chuyện trò, Thầy nở nụ cười hiền hòa, thân mật bảo tôi: “Anh Khuê cũng lớn tuổi rồi. Thôi, ta coi nhau như anh em, không nên quá giữ lễ nữa.” Tôi thưa: “Thầy thương nên nói như thế, chứ đạo thầy trò thì dù ở tuổi nào cũng vẫn là thầy trò.” Một lần khác, năm 2006, khi hồi phục sau một cơn bệnh nặng (trong thời gian tôi nằm bệnh viện, con của Thầy có thay mặt Thầy gọi dây nói hỏi thăm bệnh tình của tôi), tôi đến thăm Thầy.

Trông thấy tôi, Thầy tỏ vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, nói: “Từ nay trở đi, chúng ta hỏi thăm sức khỏe của nhau qua điện thoại là được rồi.” Cuối năm Đinh Hợi (2007), vào dịp cận tết, hai anh Đoàn Lê Giang, Nguyễn Ngọc Quận và tôi đến thăm Thầy. Thầy xin lỗi tiếp chúng tôi bên cạnh giường trong phòng ngủ, vì không đủ sức đi ra chỗ tiếp khách ở phòng ngoài, và cũng không nói chuyện được lâu. Tôi còn nhiều kỷ niệm nữa về Thầy, nhưng vì lý do như tôi đã trình bày ở phần mở đầu của bài viết này, tôi không tiện thuật lại. Lần tôi đến thăm Thầy gần đây nhất là vào cuối năm Mậu Tý, cũng vào dịp cận tết.

Tôi cùng đến với anh Lê Quang Trường. Thầy cũng tiếp chúng tôi ngay bên cạnh giường. Chỉ sau vài câu hỏi thăm, Thầy xin lỗi nằm xuống vì mệt, rồi thiếp đi. Nhìn vẻ tiều tụy của Thầy, tôi không khỏi nhớ lại hình dáng nho nhã với đôi mắt tinh anh và vầng trán rộng của Thầy ngày nào, và cảm thấy thương Thầy vô hạn. Tôi chợt nhớ hồi Thầy còn làm Trưởng ban Hán văn, năm 1970, trong một lần đến thăm Thầy, sau vài câu chuyện, Thầy mở tủ sách lấy ra hai cuốn có bìa và khuôn khổ giống nhau, trao cho tôi và nói: “Tôi tặng anh bộ Tùy Dượng Đế diễm sử này, gồm hai tập. Anh xem đi, thú vị lắm, và nếu rảnh thì nên dịch ra Việt văn. Tôi cũng muốn dịch mà không có thì giờ.” Nhận bộ sách Thầy tặng, tôi có xem qua một lần, quả thật rất thú vị, nhưng công việc bề bộn, chưa dịch được. Từ đó đến nay gần 40 năm trôi qua, tôi hết bận việc này lại bận việc khác, và bộ diễm sử ấy vẫn lặng lẽ nằm trong tủ sách. Thầy đã già yếu lắm rồi. Và tôi tự nhủ phải cố gắng dịch càng nhanh càng tốt để có thể trình Thầy xem bản dịch trước khi quá muộn.


Viết về GS. Bửu Cầm, tôi không thể không nhớ đến GS. Nghiêm Toản. Tôi hãnh diện được làm học trò của những bậc thầy khả kính như hai Thầy. Thầy Bửu Cầm, cũng như thầy Nghiêm Toản, không chỉ giảng dạy chữ nghĩa, mà còn nêu tấm gương sáng cho tôi về sự tự học, về tác phong nghiêm túc trong giảng dạy và nghiên cứu, và cả về khí tiết thanh cao. Tôi thiết nghĩ Bộ môn Hán Nôm và Khoa Văn học và Ngôn ngữ cũng nên tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về GS. Nghiêm Toản [12].


__

[1] Trước năm 1975, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn cấp hai loại văn bằng cử nhân: cử nhân văn khoa (tự do) (licence libre) và cử nhân giáo khoa (licence d’enseignement). Cử nhân tự do không có giá trị bằng cử nhân giáo khoa, vì kiến thức không chuyên sâu về một ngành nào. Có cử nhân giáo khoa mới được học lên cao học. Bởi vậy, nhiều người học lấy cử nhân tự do trước, sau đó học tiếp, bổ sung các chứng chỉ bắt buộc phải có để được cấp bằng cử nhân giáo khoa.
[2] Bảo trợ: dịch tiếng Pháp patronner, bây giờ gọi là hướng dẫn.
[3] Theo bài đế hệ thi gồm 20 đời (Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh…) do vua Minh Mạng soạn, thì GS. Bửu Cầm (họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Bửu Cầm) ở đời thứ tư: Miên Trinh (1) → Hồng Cát (2) → Ưng Oanh (3) → Bửu Cầm (4). Hồng Cát là nội tổ của GS. Bửu Cầm, con thứ 29 của Tuy Lý Vương.
[4] Đương thời vua Tự Đức (có thuyết cho là người Thanh-Trung Quốc) có hai câu tán dương văn tài của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát và thi tài của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán; Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.
[5] BỬU CẦM, Tống Nho – Triết học khảo luận, Đại học tùng thư, Nhân văn thư xã xuất bản, Huế, 1954.
[6] TRẦN TRỌNG KIM, Nho giáo (quyển thượng và hạ), in lần thứ tư, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn (không ghi năm xuất bản).
[7] Trước năm 1975, ở miền Nam có bốn vị không tốt nghiệp đại học, nhưng do học vấn uyên thâm và có nhiều công trình nghiên cứu nên được phong chức danh giáo sư đại học là Nghiêm Toản (tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương), Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Duy Cần và Thầy. Cả bốn vị đều giảng dạy tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.
[8] Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn mở khóa tiến sĩ đầu tiên năm 1972. Riêng ban Hán văn, từ 1972 đến 1975, mở được 3 khóa tiến sĩ chuyên khoa Hán văn (tôi học khóa 1, cùng khóa có các anh Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Hữu Lương, Nguyễn Văn Dương và Trần Như Uyên). Cho đến 1975, toàn trường chỉ có 2 luận án được bảo vệ, cả 2 đều thuộc ngành địa lý học.
[9] Đậu cử nhân khoa Kỷ Dậu 1909.
[10] Đậu cử nhân khoa Ất Mão 1915.
[11] Tâm trạng Tương An Quận vương qua thi ca của ông là tiểu luận cao học của tôi, bảo vệ năm 1969, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản năm 1970. [12] GS. Nghiêm Toản sinh năm 1907, giá như năm 2007 chúng ta tổ chức một cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy thì quá đẹp. Nhưng đã bỏ lỡ mất thời điểm thích hợp ấy. Bộ môn Hán Nôm và Khoa Văn học và Ngôn ngữ có thể tùy nghi chọn một dịp khác để tổ chức.

No comments: