Media Player
Dư luận gần đây nói nhiều về một cuốn sách sắp xuất bản đầu tháng Năm tới.
Đó là cuốn 'Hồi ký một thằng hèn' của nhạc sỹ Tô Hải, nói về cuộc sống và hoàn cảnh sáng tác cùng cực của văn nghệ sỹ miền Bắc thời kỳ trước 1975.
Nhạc sỹ Tô Hải năm nay 83 tuổi, là tác giả một số tác phẩm giao hưởng - hợp xướng và bài hát nổi tiếng. Ông đã nói chuyện với BBC về cuốn hồi ký mà ông nói là hoàn thành từ năm 2007:
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi viết hồi ký này từ năm 2000, hoàn thành 2007. Lúc ấy tôi có ý định là tới 2010 mới xuất bản vì nghĩ nếu cuốn sách tung ra sẽ gây lôi thôi. Nhưng nói thực, bây giờ nhiều người viết còn 'ghê' hơn tôi.
Nên tôi mới bảo mình: Chả lẽ cứ hèn mãi như thế này? Trong cuốn sách có một chương tựa đề 'Tôi đã hết hèn', thế nhưng mà sự thực thì sao?
BBC: Chính xác bao giờ cuốn sách sẽ xuất bản, thưa ông?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi được nhà xuất bản (Tiếng Quê Hương, California, Hoa Kỳ) cho biết là trong khoảng từ 5-10 tháng Năm.
BBC: Thưa ông, từ 'hèn' tới 'hết hèn' là cả một quãng đường dài. Lúc nào thì ông cảm thấy mình đã 'hết hèn'?
Nhạc sỹ Tô Hải: Ngay từ khi tôi mới vào Sài Gòn này, khi tôi thấy là cái gọi là chủ nghĩa cộng sản chẳng có thật ở Việt Nam bao giờ.
Khi tôi vào Đảng, tôi nghĩ là để làm theo đúng những gì ông Marx, ông Lenin nói. Té ra là không phải. Anh lên nắm chính quyền, từ chính quyền xã, thì đều là "Mỗi người làm việc bằng hai, để ông chủ tịch mua đài mua xe".
Trong hồi ký tôi có viết một câu: "Sau cải cách ruộng đất tôi bỗng tỉnh người ra, té ra là chưa bao giờ có chủ nghĩa cộng sản thực sự".
Thế nhưng cuốn sách của tôi chủ yếu chỉ nói về các sai lầm, tội ác đối với văn nghệ thời xưa mà thôi. Như chúng tôi đã phải khổ, phải hèn như thế nào.
Ăn lương nhà nước mà không viết lách thì bị kiểm thảo, thậm chí viết những cái vô thưởng vô phạt mà người ta còn bắt bẻ.
Những cái đó bây giờ các ông lãnh đạo ngày hôm nay đã sửa rồi, đã cho phục hồi Tự lực Văn đoàn, tặng giải thưởng cho Nhân văn Giai phẩm, cho tái bản Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Dần, đã cho đặt Lê Đạt vào nhà tang lễ của nhà nước.
Các ông ấy đang sửa, chỉ có điều các ông ấy chưa công bố chính thức, chưa xin lỗi đồng bào.
Mà tôi nghĩ các ông ấy bây giờ cũng không phải cộng sản như kiểu Karl Marx, Lenin-Stalin nữa.
BBC: Ông có nói về thời kỳ đau thương của văn nghệ Việt Nam, khi mà gần như ai cũng bị buộc phải 'hèn'. Nhưng ông đã ra khỏi quân đội, xin ra khỏi Đảng. Vậy đó có thể gọi là 'hèn' được hay không?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi là cái loại 'hèn anh hùng' (cười).
Tại vì tôi hèn nhưng không chịu tiếp tục hèn. Nếu tôi cứ hèn mãi thì khi ra quân đội, tôi cũng có chức vụ tối thiểu là đại tá, cũng giải thưởng này nọ. Nhưng tôi bỏ tất.
Tôi về hưu non, tôi không bao giờ đặt bút viết cái gì nữa cả.
Khổ cái là, cái nghề của bọn tôi không thể viết âm nhạc chửi bới, không viết kiểu ông Tú Mỡ được.
BBC: Thưa, ông nghĩ người ta sẽ đón nhận hồi ký của ông như thế nào ạ?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi chỉ mong để lại cho con cháu, thế hệ sau biết là cha ông chúng nó đã phải sống một cuộc đời hèn hạ như thế đấy.
Tôi có viết một chương rất đau khổ là: chẳng qua chỉ vì miếng ăn. Vợ con lơ mơ là nó cho chết đói, nó đuổi mình ra khỏi biên chế, cắt sổ gạo, không cho sáng tác, thế là khổ thôi.
Tôi tảo hôn, năm 23 tuổi, đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc thì tôi đã có ba con, chẳng lẽ để chúng nó chết đói? Thế là phải hèn.
Đưa người ta vào chỗ hèn hạ như vậy là chính sách của những tay lãnh đạo cũ.
Cuốn sách của tôi chỉ là nói những gì người ta biết cả rồi. Nhưng đối với thế hệ trẻ, hay những người ở miền Nam, thì có thể người ta không tưởng tượng nổi.
BBC: Ông có quan ngại sẽ gặp rắc rối gì khi cuốn sách ra đời không, thưa ông?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi đã chuẩn bị cả rồi, cho cả vợ con nữa. Gia đình mới của tôi chỉ có bà vợ với đứa con. Bà ấy bán bán mì ở đầu đường thì cùng lắm là bị cấm bán. Còn tôi, thì tôi sẵn sàng thôi. Mà tôi viết cũng chưa ăn thua gì so với nhiều người.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/04/090425_phongvan_tohai.shtml
No comments:
Post a Comment