Tuesday, September 8, 2009

HỒNG LĨNH * GIÁO DỤC VIỆT NAM


Phúc Trình của Đại Học Harvard: Nền giáo dục tại Việt Nam: Khủng hoảng suy sụp và phản ứng

Date: Saturday, September 5, 2009, 11:04 AM


Trích tin trong nước: Xây dựng công viên Văn Miếu đương đại: “Công viên Văn Miếu đương đại đậm đà nét dân tộc và thời đại được coi là hạt nhân của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di sản tiến sĩ VN” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, giám đốc chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di sản tiến sĩ VN, khẳng định như vậy tại hội nghị khởi động dự án diễn ra ngày 27-9 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên VN có công viên Văn Miếu đương đại nhằm lưu giữ một cách đầy đủ, có hệ thống và khoa học những di sản của các nhà khoa học, các vị tiến sĩ đương đại. Sự trường tồn của các văn miếu trong cả nước mà tiêu biểu là Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội chỉ lưu giữ được thông tin về các tiến sĩ những thế kỷ trước. Sự ra đời của công viên Văn Miếu đương đại chính là nhằm tiếp bước cha ông, tôn vinh nhân tài đất nước và khơi nguồn nguyên khí quốc gia.

Ngay trong giai đoạn 1 của dự án 2008-2010, công viên Văn Miếu đương đại sẽ bước đầu được xây dựng tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình theo hướng đa chức năng cùng với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di sản tiến sĩ VN.

Công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sĩ thời cận, hiện đại. Quy hoạch kiến trúc của các công trình trong công viên dựa trên ý tưởng biểu trưng linh vật là Kim quy. ( Theo TTXVN)




I. Dẫn nhập:

Vào đầu năm nay các Uỷ Viên Hoa Kỳ thuộc Ủy Ban Đặc Nhiệm song phương về Giáo Dục Cao Đẳng tại Việt Nam đã nhận được phúc trình của các chuyên gia nghiên cứu từ Harvard Kennedy School về hiện trạng khủng hoảng suy sụp của nền giáo dục cao đẳng - đại học tại Viêt Nam.

Phúc trình này tập trung vào hai phạm vi:

1. Phân tích tầm mức nghiêm trọng của hiện trạng khủng hoảng suy sụp và các nguyên nhân gốc rễ tạo ra khủng hoảng;

2. Lượng định về phương cách phản ứng của các tác nhân chủ động để đối phó với khủng hoảng: từ chính quyền Nhà Nước, từ nhân dân Việt Nam và từ cộng đồng quốc tế.

Phúc trình này kết luận bằng cách nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự cách tân mọi thể chế của hệ thống giáo dục đại học là yếu tố tối cần để làm nền tảng cho một công cuộc cải tạo có hiệu quả.

II. Tầm mức của hiện trạng khủng hoảng suy sụp:

Bản phúc trình thú nhận rằng, quả thật khó mà phóng đại hơn được nữa mức độ sâu rộng và nghiêm trọng của hiện trạng khủng hoảng suy sụp trong hệ thống giáo dục cao đẳng mà Việt Nam đang đối đầu.

Các chuyên gia nghiên cứu tin rằng nếu không có một công cuộc cải tổ cấp thời từ thể chế cho hệ thống giáo dục đại học thì Việt Nam sẽ thất bại hoàn toàn trong mục tiêu đạt đến các tiềm năng to lớn của quốc gia này.

Sự phát triển kinh tế của vùng Đông Á và Đông Nam Á cho thấy một mối liên hệ mật thiết giữa sự phát triển quốc gia và nền giáo dục cao đẳng.

Mặc dầu mỗi một quốc gia phồn thịnh trong vùng như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và gần đây hơn nữa là Trung Quốc đã đi theo những đường lối phát triển cá biệt, nhưng chủ đề chung trong sự thành công của họ là công cuộc chuyên tâm đeo đuổi sự ưu việt trong lãnh vực khoa học và nền giáo dục cao đẳng-đại học.

Các quốc gia tương đối kém thành công trong vùng như Thái Lan, Philippines và Indonesia cho thấy một sự kiện cần lưu ý. Những quốc gia này, môt cách tổng quát, không đạt được sự xuất sắc trong nền giáo dục cao đẳng và đã thất bại trong công cuộc phát triển kinh tế tân tiến.

Thực là một điều chẳng lành cho tương lai Việt Nam vì các đại học ở Việt Nam còn sa sút quá xa đàng sau ngay cả đối với những nước lân cận kém mở mang.

Bảng Tổng Kê bên cạnh lượng định tiềm năng của hệ thống giáo dục đại học tại các quốc gia trong vùng:

Việt Nam thiếu ngay cả MỘT đại học đơn lẻ có phẩm chất được công nhận.

Không có một đại học nào ở Việt Nam xuất hiện trên bất kỳ các bảng xếp hạng phổ thông thường kỳ nào của các đại học có phẩm chất tại Á Châu.

Về phương diện này, Việt Nam thua sụt đối với ngay cả các quốc gia ở Đông Nam Á. Phần lớn các quốc gia này cũng khoa trương ít nhất một vài học viện đứng đầu của họ trong các bảng xếp hạng này.

Đại học Việt Nam phần lớn bị tách biệt ra khỏi các dòng kiến thức quốc tế, như số liệu nghèo nàn tồi tệ của ĐH Việt Nam về các công trình khảo cứu được xuất bản từ Bản Tổng Kê (Table 1).

Đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có giáo dục để đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam.

Các cuộc khảo sát do các cơ quan liên hệ với Nhà Nước cho thấy có tới 50 phần trăm các chuyên viên VN tốt nghiệp ĐH không thể tìm được việc làm trong ngành nghề chuyên môn của họ, bằng chứng cho thấy một sự gián đoạn to lớn giữa lớp học và thị trường công việc.

Với mức độ 25 phần trăm giáo trình ĐH bị bắt buộc tập trung vào giáo điều chính trị (political indoctrination) thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sinh viên Việt Nam chỉ được chuẩn bị một cách tồi tệ cho cuộc sống chuyên viên hoặc cho các học trình cao đẳng ở nước ngoài.

Sự kiện Công ty Intel đã phải lăn lộn vất vả để mướn các kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở TP HCM là một ví dụ điển hình. Khi Công ty này tiến hành một cuộc khảo hạch cho 2000 ứng viên IT của Việt Nam thì chỉ có 90 ứng viên, tức 5%, đạt tiêu chuẩn. Và trong nhóm này, chỉ có 40 ứng viên vừa hội đủ trình độ Anh ngữ để có thể mướn được.

Công ty Intel “khẳng định” rằng đây là kết qủa tồi tệ nhất mà họ gặp phải trong bất kỳ quốc gia nào mà họ đầu tư vào.

Các doanh gia quốc tế đều than phiền là sự thiếu hụt quản trị viên và công nhân lành nghề là trở ngại chủ yếu cho sự phát triển bành trướng của các công ty.

Sự nghèo nàn về phẩm chất của nền giáo dục ĐH Việt Nam còn mang lại nhiều tai hại khác nữa: trái ngược với sinh viên Ấn Độ hoặc Trung Quốc, sinh viên VN không thể cạnh tranh nổi để được thâu nhận vào những chương trình cao học tinh túy tại Hoa Kỳ và Âu Châu.

(Bên trái là bảng tổng kê số Bằng Phát Minh của các quốc gia trong vùng Đông Á - với Việt Nam nằm ở hàng cuối cùng mang con số zero)

III. Nguyên nhân tạo ra khủng hoảng suy sụp:

A. Di sản lịch sử:

Những vấn nạn Việt Nam đang đối đầu trong hệ thống giáo dục cao đẳng ngày nay một phần là do hậu quả từ một lịch sử cận đại bi thảm của đất nước.

Chế độ thực dân Pháp trong hậu bán thế kỷ 19 cho đến năm 1945 đã đầu tư rất ít vào hệ thống giáo dục cao đẳng, ngay cả khi đem so sánh với các thế lực thực dân khác như Anh và Tây Ban Nha. Hậu quả là Việt Nam đã vuột mất cơ hội khi làn sóng cách tân thể chế giáo dục cao đẳng tràn quét phần lớn lục địa Châu Á, trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Đây là thời gian rất nhiều học viện hàng đầu được thành lập tại vùng này.

Hậu quả là sau khi thu hồi độc lập, VN chỉ có một thể chế giáo dục cao đẳng rất yếu kém để làm căn bản xây dựng. Đây là một điểm tương phản rõ rệt so với Trung Quốc, nơi mà, cho đến ngày nay, phần lớn các trường ĐH hàng đầu đã được thành lập rất lâu trước cuộc cách mạng Cộng Sản. Trong thời kỳ này tại Việt Nam, sự tổn hại trước hết do chiến tranh, và kế đến là do giai đoạn cai trị độc tài nặng nề của chế độc xã hội chủ nghĩa, đã không có chỉ đạo trong việc xây dựng những học viện có phẩm chất cao cho nền giáo dục cao đẳng.

B. Đường lối cai trị của Nhà Nước:

Nguyên nhân cận kề tức khắc tạo nên khủng hoảng suy sụp của nền giáo dục đại học ngày nay là sự thất bại sâu rộng trong chính sách cai trị của Nhà Nước.

Các đại học có phẩm chất cao từ Boston cho đến Beijing đều được thụ hưởng những đặc quyền nhất định mà Việt Nam hiện nay không có.

Vấn đề tự trị và tự quản tại đại học:

Tất cả mọi học viện cao đẳng và đại học tại Việt Nam đều lệ thuộc vào một hệ thống tập quyền trung ương với sự kiểm soát cao độ. Chính Nhà Nước quyết định con số sinh viên được tuyển nhận, và tại các trường công lập, mức lương của các giảng viên. Ngay cả những quyết định về điều hành cũng như việc thăng thưởng của các Khoa Ban đều lệ thuộc vào sự kiểm soát trung ương. Hệ thống kiểm soát này gạt bỏ ra ngoài những khuyến khích cần thiết cho việc cải tổ và tiến thủ của các đại học.

Lương thưởng được dựa trên thâm niên và lương chính thức thấp kém đến nỗi các giảng viên phải làm việc phụ trội vượt mức mới đủ sống. Ngược lại với Trung Quốc, Việt Nam chưa có chế độ hậu đãi những chuyên viên tốt nghiệp từ nước ngoài.

Cơ cấu tuyển chọn dựa vào thành quả:

Tham nhũng tràn lan và việc mua bán bằng cấp, tước vị là điều quá phổ biến. Hệ thống nhân viên cán bộ thì mập mờ và mọi sự thăng thưởng đều dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài khả năng học thuật, như mức độ thâm niên, lai lịch chính trị, lai lịch gia đình, cũng như sự móc nối cá nhân.

Giảng viên các Khoa và Ban quản trị cao cấp của hệ thống đại học có khuynh hướng bị thống trị bởi những cá nhân được huấn luyện từ Liên Sô hoặc Đông Âu, không nói được Anh ngữ và thưòng có ác cảm với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn được giáo dục từ Tây Phương.

Tiêu chuẩn quốc tế và sự liên kết quốc tế:

Phát sinh kiến thức là một công trình không biên giới, nhưng các học viện tại VN thiếu hẳn những mối liên hệ quốc tế. Thực tế là các học giả trẻ, được đào tạo từ nước ngoài thường viện dẫn mối lo ngại là họ không thể giao lưu được với những nguồn kiến thức đương thời, khiến họ tránh né các ngành nghề giảng dạy tại ĐH Việt Nam.

Như GS Hoàng Tụy (một nhà toán học lỗi lạc của Việt Nam và cũng là nhà phê bình thường xuyên chỉ trích thẳng thắn hệ thống ĐH Việt Nam) mô tả, các học viện tại VN rất hướng nội và không lượng giá chính mình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Giám định và Thanh tra:

Đại học VN không phải báo cáo hoặc chịu trách nhiệm trước các cơ quan thanh tra từ bên ngoài. Trong hệ thống ĐH công cộng, các nguồn tài trợ không dựa vào phẩm chất hoặc thành qủa của ĐH. Tương tự như thế, tài trợ của Nhà Nước cho các công trình nghiên cứu được phân phát không dựa trên khả năng nhưng như là một hình thức lương bổng phụ trội.

Bởi vì số chỗ dành cho tuyển sinh trong các ĐH rất thấp nên chí có 1 trong 10 học sinh thuộc lứa tuổi ĐH được nhận vào ĐH. Do đó, ĐH Việt Nam không bị ép buộc phải cải tổ.

Tự do trong giáo trình:

Ngay cả khi so sánh với Trung Quốc, ĐH Việt Nam rất nổi bật về mức độ thiếu sót trầm trọng trong lãnh vực năng động tri thức. Ngay cả khi các viện đại học VN được dần dà cởi mờ hơn, một mạng lưới kiểm soát chính thức cũng như trá hình vẫn còn vây bọc, khiến các ĐH Việt Nam vẫn ở trong tình trạng suy tàn về tri thức.

Có rất nhiều hàm ý xuất phát từ những tham luận trên đây:

Thứ nhất, chướng ngại chủ yếu cho sự cải tiến trong nền giáo dục cao đẳng không nhất thiết là vấn đề tài chánh. Thực ra, như là bách phân của GDP, Việt Nam tiêu dụng nhiều hơn các quốc gia khác trong vùng cho giáo dục. Nhưng cách sử dụng các nguồn tài chánh đó như thế nào là một vấn đề khác.

Thứ hai, đầu tư vào du học nước ngoài không đủ để cải tiến hệ thống. Trừ khi môi trường sinh sống và làm việc cho chuyên viên được cải tổ, thật là khó mà quy tụ được hơn một nhúm chuyên viên được đào tạo tại nước ngoài muốn trở về làm công tác giảng dạy ĐH.

IV. Phản Ứng

A. Chính Sách của Nhà Nước:

Phần lớn thời gian trong giai đoạn từ 1986 khi VN bước vào giai đoạn Đổi Mới, quá trình cải cách kinh tế và mở cửa, tốc độ của việc cải tổ nền giáo dục cao đẳng vẫn ở trong tình trạng đóng băng. Trong giai đoạn này, phẩm chất giáo dục của những môn khoa học căn bản đã bị tụt hậu.

Trong ba năm vừa qua, Nhà Nước đã đưa vấn đề cải tổ giáo dục cao đẳng vào ưu tiên cao hơn. Năm 2005 Nhà Nước nêu lên chủ trương áp dụng Nghị Quyết 14 cho việc cải tổ toàn diện nền giáo dục cao đẳng vào năm 2020. Đây là một bước ngoặt kêu gọi cải cách trong việc điều hành, bao gồm mức độ cao hơn cho việc tự trị và hệ thống tuyên chọn dựa vào thành quả. Mặc dầu rất khó để theo dõi diến tiến của quá trình này, nhưng tốc độ thay đổi vẫn rất chậm.

Gần đây hơn, chính quyền đã loan báo những dự kiến để thiết lập những học viện với các đối tác quốc tế với nguồn tài chánh được chính quyền vay mượn từ World Bank. Trong khi những hoạch định này là dấu hiệu tốt trong việc nhận ra nhu cầu thiết yếu của các học viện cao đẳng, rất nhiều vấn nạn vẫn tồn tại.

Các chức quyền giáo dục tại VN vẫn còn ôm giữ quan niệm Nhà Nước là trọng tâm trong các công trình đối tác này, lẽ ra phải là các học viện. Tiến trình tiếp cận này rất khó phù hợp để đối tác với hệ thống phân quyền cao độ của hệ thống đại học Hoa Kỳ, trong đó, các học viện là nhân tố chính và chính quyền chỉ giữ một vai trò rất hạn chế.

Thứ hai, Nhà Nước vẫn phô bày một não trạng “kế hoạch trung ương” trong việc hoạch định những chương trình này, ngay cả các Khoa Ban và chuyên ngành mà các học viện này sẽ phát triển. Dự án khởi đầu gợi ý về các ngành liên quan đến khoa học và kỹ thuật, loại trừ các khoa Nhân Văn và rất nhiều các ngành Xã Hội Học.

Thứ ba, mặc dầu các dự án được hoạch định trên căn bản là các đối tác quốc tế sẽ cung cấp các quản trị viên và nhân viên giảng huấn, nhưng cách thức phân phối các nguồn tài chánh như thế nào thì không được xác định, không ai biết các đối tác quốc tế có được dành ra những khoản tiền vay mượn này hay không. (Phần lớn các các học viện này vẫn chỉ có phẩm chất đồng bộ rất thấp).

Cuối cùng, phải chờ xem mức độ tự trị và tự quản mà các học viện này thực sự được cho phép như thế nào. (“Vietnam Germany University” là một trong những học viện mới này.)

B. Trao Đổi Sinh Viên:

Sinh viên VN đã ra du học nước ngoài với con số gia tăng lớn từ năm 1986. Trong những năm đầu của Đổi Mới, phần lớn các sinh viên du học qua các chương trình học bổng song hoặc đa phương như các chương trình Fullbright hoặc chương trình World Bank… Với xã hội VN trở nên khá giả hơn, gia đình VN đã bắt đầu cho con cái đi du học với phương tiện tự túc. Những năm gần đây, con số sinh viên VN đi du học tại Mỹ gia tăng nhanh chóng một cách đặc biệt. VN nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu gửi SV đến Hoa Kỳ du học. Các kinh tế gia VN ước lượng các gia đình VN đang tiêu dùng ít nhất 1 tỷ đô-la mỗi năm cho việc du học.

Du học nước ngoài là một phản ứng quan trọng trước khủng hoảng của nền giáo dục cao đẳng tại VN, nhưng nó không thể nào là một giải pháp được.

Trước tiên và chính yếu nhất đó chỉ là một lựa chọn cho một thiểu số cực nhỏ cho những gia đình có khả năng trang trải hoặc những ai may mắn trúng được học bổng. Đang có một sự chênh lệch to lớn và ngày càng gia tăng giữa thành thị và nông thôn, giữa một thiểu số giàu có tột đỉnh và một tuyệt đại đa số dân chúng vẫn còn nghèo túng. VN là một nước lớn và không thể nào “khoán trắng” nền giáo dục cao đẳng cho các trường ĐH nước ngoài.

Thứ hai, ngày nào mà các ĐH tại VN vẫn còn tiếp tục duy trì tình trạng làm việc thảm hại thì các chuyên viên được đào tạo từ nước ngoài vẫn tránh né các ngành nghề giảng huấn tại ĐH.

C. Nhân Tố Quốc Tế:

Các cơ quan tài trợ quốc tế đã hỗ trợ các chương trình trao đổi SV trong nhiều năm qua. Do yêu cầu của chính phủ VN, các cơ quan này đã đầu tư rất nhiều vào hê thống giáo dục cao đẳng.

Các chuyên gia tại Harvard cho rằng, các nỗ lực của các cơ quan nói trên trong lãnh vực này không có hiệu quả, bởi vì các cơ quan này không đả động gì đến vấn đề điều hành và quản trị ĐH. Các khoản tài trợ này đã không được phân phối trên tiêu chuẩn khả năng và các học viện cũng không được tham khảo về thể thức các tài khoản này được sử dụng.

Các ĐH quốc tế đã được khuyến khích để thiết lập các chương trình huấn luyện tại VN, hoặc độc lập hoặc bằng cách đối tác với các học viện trong nước. Với một vài ngoại lệ, các dự án này chỉ nhằm mục tiêu trục lợi và do đó chỉ nhắm vào những ngành thực dụng đã sẵn có nhu cầu. Việc tuyển lựa SV phần lớn dựa vào khả năng trả học phí và phần lớn vượt quá tầm tay của đại chúng. Những học viện này không đáp ứng được nhu cầu giáo dục cao đẳng có phẩm chất cao.

Chính quyền VN rất nhạy bén trong việc thu hút sự tham gia hợp tác của những đại học hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là các ĐH tại Hoa Kỳ. Các chuyên gia nghiên cứu tranh luận rằng có ít nhất ba chìa khóa để đạt được mục tiêu này.

Thứ nhất, chính quyền phải nhận ra rằng, các ĐH có phẩm chất cao sẽ không vào VN như là những công ty đầu tư. Hơn nữa, trong cuộc chaỵ đua toàn cầu để tìm tài năng xuất sắc, các ĐH Hoa Kỳ luôn luôn là những đối tác được đeo đuổi. Nói thẳng ra là, VN phải chấp nhận trả gía cao.

Thứ hai, cũng quan trọng không kém, các chuyên gia Harvard nhấn mạnh rằng, các trường ĐH danh tiếng sẽ không tự làm hại hạ thấp tiêu chuẩn của họ nếu chính quyền VN không có quyết tâm đạt tới quy cách điều hành tồt cho hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm sự cho phép tự do trong giáo trình và chế độ tự quản tự trị cho ĐH mà hiện nay không có.

Thứ ba, bởi vì hệ thống giáo dục đại học cao đẳng tại Hoa Kỳ mang bản chất phân quyền cao độ, chính phủ Hoa Kỳ chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc cổ võ cho sự tham gia hợp tác từ các viện ĐH Hoa Kỳ vào vấn đề này.

IV. Kết Luận: Nhu Cầu thiết yếu cho công cuộc Cải Tạo từ Thể Chế hệ thống Giáo Dục Đại Học-Cao Đẳng

Cải tổ toàn bộ thể chế điều hành của hệ thống là chìa khóa để cải tiến nền giáo dục cao đẳng tại VN. Tuy nhiên, cải tổ các học viện giảng huấn ở bất cứ nơi đâu là một tiến trình lâu dài. Đây là lý do các chuyên gia Harvard xác quyết rằng, VN bắt buộc phải xây dựng một học viện kiểu mẫu mới với thể chế điều hành tốt nằm trong DNA của nó. Những nỗ lực như thế sẽ tạo nên những tác động chuyển biến vào hệ thống giáo dục cao đẳng.

Một học viện mới như thế sẽ cung cấp một cái “nhà” cho các học giả và khoa học gia trẻ mà hiện nay chẳng có tha thiết gì trong việc đeo đuổi các ngành nghề giảng huấn tại VN.

Thứ hai, một học viện mới như thế sẽ là kiểu mẫu cho các học viện khác học hỏi và thi đua cũng như là nguồn cho sự cạnh tranh tốt đẹp đang rất mực cần thiết.

Các chuyên gia Harvard tin rằng Ủy Ban Đặc Nhiệm về giáo dục cao đẳng có một vị trí độc nhất vô nhị cả về mặt xúc tiến khóa trình cải cách cũng như việc phát triển một lược đồ toàn diện cho công cuộc cải tạo toàn bộ thể chế cho hệ thống tại Việt Nam.

Một Ít Nhận Xét về Bản Phúc Trình:

Chúng tôi xin mượn lời của Giáo Sư Hoàng Tụy trong nước diễn tả hiện trạng của trí thức VN hôm nay:

“Chúng ta có biết bao tiến sĩ, giáo sư và gần đây rộ lên cả mấy tá viện sĩ (chức danh này chưa có ở VN, nhưng nếu muốn trưng ra thì cả nước hiện nay cũng có thể trưng ra cả nghìn viện sĩ kiểu này chứ không ít), rồi lại có cả những “bộ óc vĩ đại thế kỷ 21”, nhiều nhân vật trí thức xuất chúng đến nỗi đang có kế hoạch phải dành 25 hecta đất vào thời buổi đất quý hơn vàng, để xây một Văn Miếu hiện đại mới đủ chỗ vinh danh bấy nhiêu bậc đại trí. Thế nhưng có ai dám chắc cái gia tài trí thức lớn ấy sau này sẽ được con cháu hoan nghênh khi đất nước đến hồi hưng thịnh?

(Trí thức VN) Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức VN. Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ.

(Nguồn: Tia Sáng)

Chẳng cần nhìn đâu xa, chúng ta có thể thấy ngay đó chính là sản phẩm trực tiếp của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, là con đẻ của Đạo Đức Hồ Chí Minh.

Đến hôm nay thì có lẽ Ngài Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huy cùng với tập đoàn của ông sắp hoàn thành công trình “Công Viên Văn Miếu Đương Đại” để bảo tồn và vinh danh con số zero tròn trịa trong Bảng Innovation Index.

Qua phát biểu tại hội nghị khởi động, Ngài Phó Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy phô bày trọn vẹn nét dối trá trâng tráo đến trơ trẽn tột độ. Ngài là hiện thân của một tầng lớp Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Tự Phát …Khùng đầy rẫy tại Đất Nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Lầm Than…

Và do mù lòa từ dốt nát, kiêu căng và dối trá, họ cùng với tập đoàn lãnh đạo của Đảng đang đẩy toàn khối dân tộc vào kiếp nô lệ cho ngoại bang Bắc phương… một cách hồ hởi phấn khởi.

1. Vietnam Higher Education: Crisis and Response. Thomas J. Vallely- Ben Wilkinson. Harvard Kennedy School
2. Peril and Promise: The Challenge of Higher Education in Developing Countries. Henry Rosovsky
Hồng Lĩnh tổng lược


=

No comments: