Tuesday, September 8, 2009

THƯ CỦA THIẾU TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh –
Thư gửi Bộ Chính trị và các ủy viên Trung ương Đảng

30/08/2009 | 5:00 chiều | 1 phản hồi

Tác giả: talawas

Chuyên mục: Chính trị - Xã hội
Thẻ: >

talawas – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916, tham gia cách mạng từ 1937, từng giữ các chức vụ như: chính uỷ Khu 1 (1947), Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị (1950); Chính uỷ Quân khu 1 (1958), Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá (1961-1964), uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (1960-1976), Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989), hiện là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.

Trong thời gian gần đây, dư luận chú ý đến bức thư của ông gửi Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội, đề nghị dừng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Chúng tôi xin giới thiệu bức thư gửi Bộ Chính trị và các ủy viên Trung ương Đảng đang được chuyền tay của ông.

________________________________

Hà Nội, ngày 20/7/2009

Kính gửi: BỘ CHÍNH TRỊ VÀ CÁC ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Kính thưa các đồng chí,

Được biết Lãnh đạo đã bắt đầu chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI, tôi xin kiến nghị:

Thực hiện dân chủ và đổi mới quy chế trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội lần thứ XI sắp tới.

Tôi xin được phép nói thẳng, nói thật.

I. Từ sau Đại hội VIII, có nhiều biểu hiện hạn chế dân chủ và mất dân chủ

Trước Đại hội VIII, hàng năm 2 lần Bộ Chính trị thường mời các cán bộ lão thành cao cấp và các ủy viên Trung ương cũ họp để nghe thông báo tình hình đất nước và góp ý kiến với Trung ương. Kể cả có ý kiến phê bình. Từ Đại hội IX không thực hiện nữa.

Từ sau Đại hội IX đến nay, 2 lần có quyết định của Bộ Chính trị quy định 19 điều cấm đảng viên không được làm trong đó có những điều trái với hiến pháp, đảng viên không được hưởng quyền công dân, không có quyền cùng tập thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Khi thấy có những quyết định không phù hợp, cũng không được đề đạt ý kiến trái ngược… Thời Bác Hồ còn sống, Đảng ta chỉ có điều lệ, không đề ra điều cấm nào, thế mà đảng viên ít vi phạm kỹ luật Đảng, ít vi phạm pháp luật, Đảng lúc ấy đoàn kết, trong sạch hơn bây giờ nhiều. Uy tín của Đảng trong dân rất cao. Gần đây Bộ Chính trị đã nêu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhưng đã có những việc cực kỳ quan trọng như việc vội vã phá hội trường rồi để đó hàng gần 2 năm, mỗi lần có cuộc họp lớn phải đi thuê hội trường, việc xóa sổ cả một tỉnh, mở rộng Thủ đô, liên doanh với Trung Quốc khai thác bô xít Tây Nguyên… dân đâu được biết, được bàn, đến khi biết thì cán bộ đảng viên lão thành cách mạng, trí thức, nhà khoa học, các vị lãnh đạo tiền nhiệm, khai quốc công thần… hàng trăm hàng ngàn người góp ý kiến xác đáng, đều bị bỏ ngoài tai. Đó là biểu hiện mất dân chủ!

Do hạn chế và mất dân chủ nên không có sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, không được lòng dân và dễ mắc sai lầm. Không dân chủ nên không phát huy được tinh thần sáng tạo, không tiếp thu được kế hay, ý tốt, đất nước hơn 30 năm sau chiến tranh vẫn còn là một nước nghèo, tiến bộ chậm.

II. Cần phát huy dân chủ thật sự trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội XI

1. Các dự thảo văn kiện Đại hội cần công bố công khai sớm để đảng viên, các cấp ủy tham gia ý kiến trên tinh thần tự do tư tưởng. Điều quan trọng là cần có tinh thần tiếp thu những ý kiến bổ sung hoặc phản biện xác đáng, phân tích có căn cứ, có cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa vào văn kiện.

2. Cấu tạo Ban chấp hành Trung ương

a. Tiêu chuẩn ủy viên Trung ương phải là:

- Có đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư;

- Có trình độ, có kiến thức và trung thành với lý tưởng “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”;

- Có ý thức dân chủ và tác phong quần chúng;

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Lấy sức khỏe làm một tiêu chuẩn, không nên quy định về tuổi, tất nhiên sẽ có trẻ, có trung niên, có tuổi cao trên 60, đảng viên không phải là công chức, còn sức khỏe, còn đảm đương công việc của Đảng đến suốt đời;

- Người lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải có tiêu chuẩn cao hơn, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, có nhãn quan chiến lược, có ý thức dân chủ, đồng thời phải có khả năng quyết đoán.

Chỉ có căn cứ vào tiêu chuẩn mà chọn lựa bầu, không chia phần đều vùng, miền, ngành, ban, thì chúng ta mới có một Ban Chấp hành Trung ương thật sự mạnh. Là bộ phận có đức tài hơn hết trong toàn Đảng. Có ngành, có tỉnh sẽ không nhất thiết phải có Ủy viên Trung ương. Bộ phận chủ trì chủ chốt, các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước phải là bộ phận và đảng viên ưu tú nhất của toàn Đảng, đức tài nổi trội, không nên chia phần vùng, miền, vì Đảng ta là thống nhất.

b. Giới thiệu và lập danh sách dự bầu

Từ trước đến nay BCH Trung ương mãn nhiệm chuẩn bị và giới thiệu toàn bộ danh sách BCH Trung ương sắp tới, và chốt danh sách giới thiệu chỉ dư ra mấy người so với số cần bầu, đại biểu không có điều kiện chọn lựa, cuối cùng đa số phải bỏ phiếu chấp thuận. Nói thẳng ra là: Thực chất BCH trước bầu BCH mới, đại biểu bỏ phiếu chỉ là hợp thức. Như vậy không thật sự dân chủ.

Tôi mạnh dạn đề nghị thay đổi:

Nếu số cần bầu là 100 thì BCH mãn nhiệm chỉ nên chuẩn bị và giới thiệu 2/3, còn lại 1/3 để cho đảng viên và các Đảng bộ để cử hoặc ứng cử. Số danh sách chốt lại trước khi bỏ phiếu phải dư ra so với số cần bầu ít nhất 20% để đại biểu có chỗ lựa chọn. Không nên sợ phân tán phiếu mà chỉ nên sợ không dân chủ.

Bộ Chính trị, nếu cần bầu 15 thì cũng nên chuẩn bị nêu ra 20 người. Tổng Bí thư dù do BCH Trung ương bầu hay Đại hội bầu cũng nên giới thệu 2, 3 người để người bầu có điều kiện cân nhắc.

3. Cải tiến nội dung thảo luận trong Đại hội

Không nên làm theo kiểu đọc tham luận tràng giang đại hải như từ trước đến nay không mấy bổ ích và nhàm chán, mà nên để cho đại biểu thảo luận. Hoặc là có những ý kiến mới mà đại biểu nêu lên, hoặc là những ý kiến còn khác nhau trong khi chuẩn bị văn kiện, hoặc có những vấn đề chưa rõ, Chủ tịch đoàn cần nêu lên để đại biểu thảo luận, tranh luận, sau thời gian tranh luận, nêu ý kiến còn chưa nhất trí thì lấy biểu quyết. Như vậy mới có dân chủ, mới đạt được sự đúng đắn và có sức thuyết phục.

4. Cần lập ra Ban giám sát do Đại hội bầu

Ban kiểm tra hiện nay do BCH Trung ương bầu, chức năng, quyền hạn hạn chế. Ban giám sát do Đại hội bầu có chức năng:

- Giám sát việc thực hiện cương lĩnh và Nghị quyết của Đại hội;

- Chỉ đạo việc chấp hành điều lệ và kỷ luật Đảng;

- Xử lý các cấp ủy Đảng và các đảng viên vi phạm kỷ luật, kể cả ủy viên Trung ương vi phạm.

5. Đại hội từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trở xuống chỉ nên thảo luận các báo cáo của cấp mình, không phải thảo luận các văn kiện của các cấp trên.

Các dự thảo văn kiện của Trung ương cũng như của tỉnh, thành đều đã được công bố sớm để lấy ý kiến rộng rãi của đảng viên và cấp ủy dưới, đảng viên và các cấp ủy dưới đã được tham gia ý kiến trước khi Đại hội cấp mình diễn ra. Sau Đại hội Toàn quốc và Đại hội tỉnh, thành sẽ truyền đạt Nghị quyết cho các cấp dưới để chấp hành điều liên quan đến trách nhiệm cấp mình. Từ trước đến nay, Đại hội các Đảng bộ cấp dưới phải thảo luận nhiều văn kiện của các cấp trên quá, thời gian có hạn, có đọc cũng chưa hết, đâu còn thì giờ thảo luận sinh ra hình thức, nên đổi mới. Ví dụ Đại hội quận, huyện có 4 ngày mà phải thảo luận cả báo cáo Trung ương, của tỉnh hoặc thành và của cấp mình thì làm sao có thì giờ? Đại hội xã, phường có độ 2 ngày, nếu phải thảo luận 4 văn kiện (TƯ, tỉnh, hoặc thành, quận hoặc huyện, báo cáo tình hình và nhiệm vụ của cấp mình thì rõ ràng là không thể làm được và vô hình trung thành ra hình thức.

Kính chúc sức khỏe các đồng chí!

Nguyễn Trọng Vĩnh

Đảng viên 93 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương dự khuyết Khóa III

__________

Phụ lục

Bộ Chính trị quy định

Những điều đảng viên không được làm

1- Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm.

2- Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3- Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn, thư tố cáo nặc danh, mạo danh; viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo. Gửi, tán phát đơn, thư khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.

4- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết. Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe dọa, trù dập người tố cáo, phê bình, góp ý trái với ý kiến mình.

5- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, viết, phát hành hồi ký không lành mạnh, không đúng sự thật, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.

6- Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật. Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

7- Không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức đảng, đảng viên tự ứng cử, cấp uỷ viên tự ứng cử hoặc tự nhận đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội khi chưa được các tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu.

8- Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.

9- Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc: quản lý nhà, đất, quỹ, thuế; kinh doanh chứng khoán, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; các hoạt động giám định quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ky, giấy chứng nhận, giấy phép; cấp, sử dụng, chứng thực, xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giao, nhận dự án; giao đất; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, kỷ luật cán bộ, công chức và người lao động; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

10- Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đi học, đi nước ngoài trái quy định của pháp luật. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.

11- Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cố ý để người thân lợi dụng vị trí công tác của mình trục lợi.

12- Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái với quy định của pháp luật. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định của pháp luật.

13- Kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; trốn, trì hoãn nộp thuế; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; tham gia hoạt động rửa tiền.

14- Dùng công quỹ xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá định mức và sử dụng trái quy định của pháp luật.

15- Dùng công quỹ để tiếp khách, tặng quà trái quy định của pháp luật hoặc để xây đựng các công trình vui chơi giải trí cho một số ít người. Cho thuê, cho mượn tài sản của Nhà nước được giao quản lý, sử dụng trái quy định của pháp luật.

16- Tự mình hoặc để người trong gia đình đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

17- Tổ chức, thạm gia đánh bạc, số đề, cá cược, cho vay trái quy định của pháp luật, sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha, mất tư cách và các tệ nạn xã hội khác.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số ,và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

18- Mê tín, hoạt động mê tín (hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói; lập đền, miếu trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp).

19- Tổ chức việc cưới, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác nhằm vụ lợi.

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30555&cn_id=206495

No comments: