Tuesday, September 22, 2009

HUY PHƯƠNG * TRUYỆN NGẮN


ĐỨA CON BẤT HIẾU

-Huy Phương

“Mà thương mạ vẫn thường hay tựa cửa

Bên mâm cơm, vắng bóng đứa con về”. (hp)

Người xưa thường nói “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ”(1), điều đó hẳn là không sai, vì ngày nay, chúng ta cực khổ vì con chừng nào thì nghĩ đến ngày trước, khi chúng ta nhỏ bé, ấu thơ, cha mẹ đã khổ vì ta chừng ấy. Nhưng có điều ngậm ngùi nhất là khi về già, ngẫm lại chúng ta thấy quả chúng ta là những đứa con bất hiếu, vì có những điều chúng ta thường mong đợi nơi con chúng ta hôm nay, chúng ta chưa hề làm cho cha mẹ.

Có phải là chúng ta cảm thấy sung sướng hạnh phúc khi ngày nay dù trên đất Mỹ, con cái chúng ta sống gần gũi trong một tiểu bang, đứa xa nhất cũng một vài giờ xe. Những ngày lễ cuối năm hay khi hữu sự, có đầy đủ con cái trong gia đình về sum họp, cháu chắt đầy nhà, bận rộn nhưng trong lòng thấy hạnh phúc vui tươi. Thế mà ngày xưa, khi đủ lông đủ cánh, tôi như con chim chỉ muốn bay xa, thật xa không muốn về đậu nơi gần tổ cũ. Khi có gia đình rồi lại muốn đi xa hơn nữa. Cha mẹ tôi ở Huế, nhưng tôi lại muốn vào làm việc ở Saigon, quả thật đôi khi cũng vì công vụ, nhưng thật lòng không bao giờ tôi muốn về nơi đó để hôm sớm có cha có mẹ. Như vậy dù mỗi năm một lần trở về viếng thăm cha mẹ già, điều đó đã đủ chưa? Ðối với đứa con, nó cho là đủ, nhưng với sự mong chờ của cha mẹ, hãy còn quá ít

Tôi biết nỗi cô đơn của những người già trông đợi con, nhưng mỗi đứa con lớn lên đều có đời sống riêng, một mái gia đình riêng và những nỗi lo lắng riêng. Hình ảnh cha mẹ trong lòng mỗi đứa con, đôi khi tưởng như mờ nhạt, nhưng mỗi đứa con dù đã lớn khôn, có gia đình riêng vẫn ở trong lòng của mỗi người cha, mỗi người mẹ rất đậm nét. Thương con rồi còn lo nghĩ đến thế hệ cháu. Chúng có được mặc ấm không? Ði nghỉ Hè có được cha mẹ để mắt trông chúng khi chúng xuống biển hay khi qua đường không? Hôm nay trời nóng, chúng có uống nhiều nước không? Sáng nay trời lạnh, đến trường chúng có mặc đủ ấm không? Những câu hỏi thường làm cha mẹ chúng bực mình, nhiều khi trả lời gay gắt với chúng ta, và ngày xưa chúng ta cũng đã từng nói như thế với cha mẹ. Ngày xưa khi tôi có dịp về thành phố, nơi cha mẹ đang sinh sống, tôi thường đi theo bạn bè hay đồng nghiệp ở một vài ngày nơi khách sạn bên kia sông, hơn là về nhà cha mẹ nằm ngủ trong cái mùng cũ kỹ, ố vàng hay ăn một bữa cơm rau dưới ánh đèn lù mù. Tôi biết cha mẹ tôi đã mừng rỡ như thế nào khi nghe tin tôi về nhà, mẹ tôi đã chắt chiu nấu cho tôi món canh măng hay món cá kho mà tôi vẫn thích từ thuở nhỏ. Khi tôi về trễ, mâm cơm dọn sẵn vẫn còn đậy trong cái “lồng bàn” chờ tôi, nhưng tôi đã ăn no, cũng không buồn dở mâm cơm ra, cầm đũa lên, xuýt xoa trước những món ăn quen thuộc thời thơ ấu cho mẹ tôi vui lòng. Quả thật tôi là đứa con bất hiếu.

Ngày nay mỗi lần thấy một bóng chiếc xe quen quẹo vào khu parking, vợ tôi cứ tưởng là có con ghé nhà, điều ấy có khác chi ngày xưa cha tôi vẫn dõi mắt ra đường lộ, nhìn những người khách lạ vừa xuống chuyến xe đò, ngỡ là đứa con của mình vừa trở lại quê nhà. Ngày nay theo vận nước, con người nổi trôi đi khắp chân trời góc biển, nhiều gia đình con cái phân tán, đứa ở trời Tây đứa ở phương Ðông, dù vật chất dư thừa, nhưng làm sao có được cái ấm cúng, sum vầy, nhất là lúc “tối lửa tắt đèn”.

Ngày xưa, tôi không thích tham dự những ngày giỗ kỵ trong gia đình vẫn thường phải bó buộc giờ giấc, nhưng nếu không có những ngày giỗ kỵ như thế, khó có dịp gặp lại được đông đủ bà con quyến thuộc. Bây giờ chẳng ai còn cho những ngày giỗ tổ tiên là quan trọng, nhiều lắm là dành cho cha mẹ, còn như lên cao hơn đến ông bà thì ít ai còn nghĩ đến. Tôi biết một ông cụ ngày xưa giữ đến chức Tuần Vũ, có đến năm bà, mỗi bà trung bình có năm đến bảy con, tổng cộng ông có đến ba mươi người con, nếu không có những ngày giỗ kỵ, sum họp gia đình nghiêm ngặt, thì đến anh em ruột cũng không biết nhau, nói gì đến hàng cháu nội ngoại ra đường nhìn nhau như người dưng, rồi chuyện gì cũng có thể xẩy ra giữa anh em, họ hàng.


Ngày nay ở hải ngoại, con cái đi làm ăn xa, tình gia tộc không còn khắng khít như xưa, may lắm là những ngày lễ cuối năm có những cuộc đoàn tụ trong từng mỗi gia đình nho nhỏ, còn như họ hàng thì càng ngày càng xa cách. Chúng ta thường thấy các cuộc họp đồng hương hay những cuộc hội ngộ với các chiến hữu trong đơn vị cũ, nhưng trong mỗi họ, mỗi gia tộc thì chỉ còn gặp nhau trong các tiệc cưới hy hữu mà thôi.

Nếu ngày xưa chúng ta vô tình hay thờ ơ với cha mẹ, để ngày nay, chúng ta đôi khi cũng gặp lại những cảnh huống như thế thì chúng ta lại cho là luật đời. Có người lại cho là chuyện nhân quả, gieo đậu thì có đậu, trồng khoai thì có khoai. Những điều chúng ta mong mỏi được con cái đối xử ngày hôm nay, chúng ta chưa hề làm cho cha mẹ. Khi biết ra thì cha mẹ đã qua đời, có hối hận luyến tiếc thì cũng không sao níu kéo lại được thời gian đã mất, bây giờ chỉ còn lại những nấm mồ đã xanh cỏ. Mỗi lần có người trong họ hàng qua đời, câu hỏi thân tình của chúng ta là “không biết các cháu có về đông đủ không?”


Và đến khi nằm xuống, chắc chắn chúng ta ai cũng mong như thế. Khi cha tôi qua đời ở miền Trung, tôi đang ở trong nhà tù đất Bắc. Khi mẹ tôi ra đi ở quê nhà, tôi đang ở cách nơi đó nửa vòng trái đất. Dù với bất cứ lý do nào đi nữa, tôi cũng là đứa con bất hiếu, không về để phục tang, chống chiếc gậy tre bên quan tài cha tôi hay tiễn mẹ tôi đi một đoạn đường. Những món ngon vật lạ dâng lên bàn thờ cha mẹ, bây giờ đâu còn chút ý nghĩa gì. Ðám tang cho lớn, nghi thức rềnh rang chỉ dành tiếng tăm cho người sống, còn người chết chỉ mãn nguyện được ra đi thanh thản, hạnh phúc vì lúc còn sống được con cái hiếu thuận, phụng dưỡng, thương yêu. Ngày xưa, khi ra làm quan, thầy Tử Lộ buồn than vì không còn cha mẹ để phụng dưỡng, nhưng thuở hàn vi, thầy đã vất vả đội gạo, làm thuê để nuôi cha mẹ, cũng đã trọn đạo làm con rồi.

Chúng ta ai cũng mong có con cái quanh quẩn bên mình, hỏi han săn sóc, lưu tâm đến đời sống của cha mẹ, nhưng nếu không được như thế cũng nên thuận lòng, vì thường tình, đứa con đối với một bà mẹ là tất cả, nhưng cha mẹ đối với những đứa con chỉ là một phần nối tiếp của cuộc đời. Về già, tôi mới nhận ra tôi là đứa con bất hiếu, và mỗi khi tôi muốn trách con cái một điều gì, tôi thường nhận ra những khiếm khuyết của mình đối với cha mẹ ngày xưa, đành diện bích, đối bóng mà nghĩ lại thân mình, không khỏi thấy lòng hổ thẹn.

(1) “Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân”- La Tiên Sinh)

No comments: